PARIS – Từ chùa Giác Hoa ở Saigon, ngày 1.3 vừa qua, Thượng tọa Thích Viên Định, Phó viện trưởng kiêm Tổng thư ký Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thừa lệnh Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo viết Thư trình gửi Đức Tăng thống Thích Huyền Quang về biến cố công an câu lưu Hòa thượng Thích Quảng Độ 6 giờ đồng hồ và ngăn cấm Phái đoàn Giáo hội đáp xe lửa ra Bình Định chúc thọ Đức Tăng thống nhân dịp xuân Bính Tuất, 2006.
Những điểm trọng yếu mới được tiết lộ trong Thư trình cho biết : “Điều đáng lo nhất là sau khi Hoà Thượng Thích Quảng Độ trả lời phỏng vấn trên đài Á Châu Tự do, Hoà thượng đã nhận hai lần điện thoại gọi đến hăm doạ. Lần thứ nhất, nói rằng : “Hãy câm cái miệng mày lại nhé ! Nếu còn nói nữa thì mày sẽ lãnh hậu quả đấy !” Lần thứ hai, nói rằng : “Nếu chính quyền cộng sản mà sụp đổ thì chúng tao sẽ bắn mày trước tiên ! Liệu hồn đấy !” Mặt khác, “Ngay cả Hoà thượng Thích Như Đạt thành viên Hội Đồng Trưởng lão kiêm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tăng sự từ Huế vào Saigon thăm cũng bị làm khó dễ, phụ tá của Ngài là Thượng toạ Thích Minh Không bị mời đi làm việc, chiếc xe bị giữ để điều tra, không biết tình trạng như thế nào, chưa rõ”.
Chúng tôi cho đăng toàn văn Thư trình này ở cuối Thông cáo Báo chí hôm nay, qua đó độc giả sẽ thấy đầy đủ diễn tiến biến cố nhà ga Saigon hôm 16.2.2006 cùng những phản ứng của báo, đài quốc tế, các lời phản kháng của hàng Giáo phẩm Phật giáo trong và ngoài nước, cũng như chi tiết cuộc biểu tình của đồng bào tại Úc châu trước tiền đình Quốc hội ở thủ đô Canberra hôm 28.2 vừa qua.
Theo tin được tiết lộ từ Ủy ban Nobel Hòa bình ở thủ đô Oslo, Na Uy, thì năm nay cũng như năm ngoái số ứng viên đề cử Giải Nobel Hòa bình có số lượng cao nhất. Năm ngoái 199 ứng viên, thì năm nay là 191, trong số này có 168 cá nhân và 23 tổ chức. Khuynh hướng trong mấy năm gần đây, các tổ chức ngày càng được đông đảo đề cử.
Cũng theo nguồn tin trên thì những tên ứng viên được tiết lộ, nghĩa là đưọc xem như danh sách vòng trong (shortlist) có tên Hòa thượng Thích Quảng Độ (Việt Nam). Những tên khác là : cựu Tổng thống Phần Lan, Martti Ahtisaari, Tổng thống Indonesia, Sulilo Bambang Yudhoyono, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Colin Powell, Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ, John Bolton, ông Kenneth R. Timmerman, ông Jeff Halper (Do Thái), ông Ghassan Andoni (người Công giáo Palestine), cựu Đô trưởng thành phố New York, Rudolph Giuliani, Nhạc sư Sri Sri Ravi Shankar (Ấn Độ), ông Mordechai Vanunu (Do Thái), Tổ chức SOS Làng Thiếu nhi (Úc), Tổ chức Một Nghìn Phụ nữ, bà Oprah Winfrey (Hoa Kỳ), Nhà hoạt động Hồi giáo Rebiya Kadeer (Trung quốc), Nhà hoạt động Nhân quyền Lida Yusupova (Nga), Tổng thống Venezuela, Hugo Chavez, Đại Trưởng lão đạo Hồi, Ali al-Sistani (Iraq), Tổ chức Cứu trợ Thiếu nhi, Tổ chức Oxfam và Tổ chức Salvation Army. Riêng cựu Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter vì đơn đề cử ứng viên nộp trễ năm 1978 nên không được xét, phải sang năm 2002 mới trúng giải.
Ủy ban Nobel Hòa bình họp lần thứ nhất hôm 17.2.2006 để duyệt xét tính hợp lệ của các đơn đề cử. Sẽ còn có từ 4 đến 5 lần họp nữa để đạt sự đồng thuận treo giải vào tháng 10.2006.
Hôm thứ ba 28.2.2006, dù tổ chức trong một ngày thường ai cũng phải đến sở làm việc, mà trên 200 đại biểu đại diện các Cộng đồng Người Việt Tự do tại Liên bang Úc đã đáp lời kêu gọi của Cộng đồng Người Việt Tự do tại thủ đô Canberra phối hợp với Việt Nam Sydney Radio đến tham gia cuộc biểu tình và tuyệt thực trước tiền đình Quốc hội Liên bang Úc.
Trong thông báo kêu gọi biểu tình đ4 được chúng tôi loan tải qua Thông cáo báo chí hôm 22.2.2006, Ban Tổ chức đã viết : “Cộng sản Việt Nam lại vi phạm nhân quyền trầm trọng như đã từng làm trong suốt hơn 60 năm độc tài đảng trị. Vào thứ năm tuần rồi Công an Việt Cộng bằng vũ lực đã công khai bắt giam Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một cách vô cớ trước sự chứng kiến của chư Tăng và dân chúng tại một nơi công cộng nhộn nhịp như Ga Saigon khi Hòa thượng đón xe lửa đi Bình Định vấn an Hòa thượng Thích Huyền Quang. Theo Hòa thượng Thích Quảng Độ, Công an Việt Cộng đã đối xử với người dân như súc vật khi bắt giam Hòa thượng. Đông đảo thính giả của Đài Vietnam Sydney Radio đã yêu cầu đại gia đình người Việt Tự do Úc châu phải có thái độ dứt khoát với lối hành xử phi nhân và phi dân chủ này. Mặc dù Công an đã thả Hòa thượng Thích Quảng Độ vào thứ sáu, nhưng chúng ta không vì thế mà tự mãn, vì chúng ta không thể tiếp tục chấp nhận sự chà đạp nhân quyền tại Việt”.
Tám vị Thượng nghị sĩ và Dân biểu Quốc hội Úc đã đến dự cuộc biểu tình và phát biểu hỗ trợ cuộc đấu tranh của người Việt cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ. Thượng nghị sĩ Garry Humphries thuộc đảng Tự do, là đảng cầm quyền, và cũng là người thân cận với Thủ tướng Úc, trong lời phát biểu đã hoàn toàn hậu thuẫn yêu sách và kiến nghị thư của cuộc biểu tình nhân việc Hòa thượng Thích Quảng Độ bị câu lưu hôm 16.2.2006 và Phái đoàn Phật giáo bị ngăn cấm ra Bình Định chúc tuế Đức Tăng thống. Thượng nghị sĩ cũng hứa sẽ can thiệp với Thủ tướng Úc nhân chuyến viếng thăm Việt Nam vào tháng 6 sắp tới để Thủ tướng bênh vực nguyện vọng của người Việt với nhà cầm quyền Hà Nội trên lĩnh vực tự do tôn giáo và nhân quyền. Tuyên bố trước đồng bào tham dự cuộc biểu tình và tuyệt thực, Thượng Nghị sĩ nói rằng :
“Từ cuối năm ngoái tôi đã thấy cần thiết phải nêu lên vấn đề nhân quyền tại Việt Nam qua nhiều lần phát biểu tại Thượng viện. Tôi đã nêu lên sự đàn áp hết sức tồi tệ với hàng giáo phẩm Phật giáo trong một bài diển văn tại Thượng viện trước đây. Đây là vấn đề mà tôi rất quan tâm, không chỉ vì các hành xử trấn áp này vi phạm nhân quyền một cách thô lỗ đối với các nhà sư, mà đã tạo thành sự lăng nhục đối với truyền thống lâu đời và đáng tự hào của Phật giáo tại Việt Nam, một truyền thống đã ăn sâu bắt rễ trong xã hội Việt Nam.
(…) “Tôi sẽ đề xuất với Thủ tướng Úc trực tiếp nêu lên với nhà cầm quyền Việt Nam trong chuyến viếng thăm sắp tới của Thủ tướng, tất cả các trường hợp vi phạm nhân quyền, mà các bạn đã bộc bạch trong cuộc biểu tình hôm nay.
“Cảm ơn các bạn đã có mặt hôm nay. Tiếng nói của các bạn rất quan trọng để cho các sự kiện vi phạm nhân quyền không bị quên lãng. Đâu phải các sự kiện xảy ra sau lớp cửa đóng của một chế độ áp bức mà chúng ta xa mặt cách lòng. Những sự kiện vi phạm ấy đang ở trong tâm tư chúng ta, trong lời nói và trong hành động của chúng ta.
“Tôi cám ơn các bạn, vì nhờ các bạn mà những vi phạm nhân quyền không bị quên lãng, chẳng những thế, còn tiếp tục tồn tại ở vị trí hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Liên bang Úc châu”.
Dân biểu Michael Hatton thuộc đảng Lao động là đảng đối lập cũng hứa sẽ có thư cho Ngoại trưởng Úc yêu sách can thiệp với Hà Nội chấm dứt việc đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Dân biểu đã tuyên bố rằng : “Tôi rất phẫn nộ trước sự kiện cộng sản Việt Nam đối xử thô bạo với Hòa thượng Thích Quảng Độ. Chỉ có những người không phải là con người mới đối xử với người như thú vật”. Trong cuộc biểu tình này, các đạo hữu thuộc ba tôn giáo Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài đã cùng nhau làm cuộc tuyệt thực trang nghiêm trước Quốc hội.
Sau đó, Quốc hội đã mời các đại diện Cộng đồng vào trong Quốc hội trình bày vấn nạn Việt Nam, và đã hứa sẽ có biện pháp can thiệp cho tự do tôn giáo và nhân quyền với nhà cầm quyền Hà Nội.
Để hiểu rõ thành quả của cuộc biểu tình và tuyệt thực, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế đã phỏng vấn ông Lê Công, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự do Canberra và cũng là Trưởng ban Tổ chức biểu tình, và chị Bảo Khánh, đại diện Việt Nam Sydney Radio. Hai tổ chức này kết hợp kêu gọi biểu tình. Đáp lời phỏng vấn, ông Lê Công nói :
Ỷ Lan : Kính chào ông Lê Công, chúng tôi được tin Cộng đồng Người Việt Tự do ở thủ đô Canberra mà ông là Chủ tịch cùng với Việt Nam Sydney Radio vừa tổ chức cuộc biểu tình và tuyệt thực hôm thứ ba vừa qua trước tiền đình Quốc hội Liên bang Úc để tố cáo nhà cầm quyền Hà Nội đàn áp nhân quyền và tôn giáo nhân vụ công an TP Hồ Chí Minh đối xử với người dân như súc vật khi bắt giam Hòa thượng Thích Quảng Độ và ngăn cản không cho Phái đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất lấy xe lửa đi Bình Định chúc thọ Đức Tăng thống Thích Huyền Quang. Xin ông cho biết thành quả cuộc biểu tình này ?
Lê Công : Thành quả cuộc biểu tình, thưa chị Ỷ Lan, là rất khả quan. Cho phép tôi được tóm tắt lại khoảng 4 vấn đề chính. Thứ nhất là chúng ta tụ họp được một số người trước tiền đình Quốc hội ở Canberra tức là thủ đô Úc Đại Lợi. Để biểu tình, chúng ta có một số người phần lớn những người đó là Phật tử và họ cương quyết tuyệt thực để tỏ thái độ phản đối cách đàn áp tôn giáo ở Việt Nam của chính quyền hiện tại. Chúng ta khởi hành từ lúc 11 giờ sáng và chấm dứt vào lúc 5 giờ chiều cùng ngày. Chúng ta đã vận động được Cộng đồng, 8 Dân biểu, Nghị sĩ từ Quốc hội Úc và mỗi người trong 8 người này họ đều phát biểu mạnh mẽ để ủng hộ công cuộc đấu tranh của chúng ta và ủng hộ cuộc đấu tranh này. Cuối cùng vào khoảng 1 giờ chiều, chúng tôi được Quốc hội mời mình cử một số đại diện vô để gặp họ. Chúng ta được Bộ trưởng Đối lập về Ngoại giao Kevin Rudd đón phái đoàn chúng ta để chúng ta có cơ hội trình bày trực tiếp với ông những vấn nạn ở Việt Nam hiện tại. Cụ thể là nhân quyền và đàn áp tôn giáo, vân vân. Cuối cùng ông đã hứa với chúng tôi là sẽ trực tiếp viết một thư gửi sang ông Alexander Downer, Ngoại trưởng hiện tại và theo thông lệ thì ông Ngoại trưởng sẽ trình thư và hoạt động của chúng ta trực tiếp lên ông Thủ tướng hiện tại là ông John Howard. Và như vậy chúng ta đã đạt được thành quả thứ ba. Theo tôi thấy thì tất cả tinh thần của bà con tại đây rất là phấn khởi và họ rất là vui. Đặc biệt khi chúng ta dẫn vào Quốc hội để gặp ông Kevin Rudd, thì có đại diện của ba tôn giáo là đại diện của Phật giáo, đại diện của Phật giáo Hòa Hảo và đại diện của Cao Đài là những người cũng đã tuyệt thực ngay tại cuộc biểu tình hôm đó và họ đã nghe được những lời hứa của ông Kevin Rudd. Họ rất hài lòng trở về. Một thành công thứ tư của chúng ta nữa, là chúng tôi đã thuyết phục được ông Thượng nghị sĩ đại diện cho ACT tức là thủ đô Canberra, là ông Garry Humphries. Ông đã đồng ý nhận Kiến nghị thư và ông sẽ đích thân trao Kiến nghị thư và những lời kêu gọi của chúng tôi đến thẳng cấp trên của ông, tức là ông Thủ tướng John Howard cùng ngày hôm đó luôn.
Như vậy có nghĩa là trong cùng một ngày chúng ta đã đạt 4 việc rất vui và rất hài lòng. Lý do mà chúng ta chọn ngày thứ ba vừa rồi để biểu tình đó chị Ỷ Lan, là ngày thứ ba vừa rồi, là thứ nhất, Quốc hội Liên bang của Úc châu họ có họp nhóm, để có cái buổi họp trong đó cần đến sự chú ý của họ. Điểm thứ hai, là thời điểm cũng khá quan trọng là theo tin tức chúng tôi được biết là theo chương trình tháng 6 năm nay, Thủ tướng Úc là ông John Howard sẽ viếng thăm Việt Nam và vấn đề chúng ta muốn làm và hy vọng chúng ta làm được mà chúng ta đã làm được là chúng ta muốn gởi gắm ông một thông điệp để ông có thể mang qua trình bày trực tiếp với chính quyền Việt Nam về những tệ nạn xã hội, những vấn nạn về nhân quyền, Việt Cộng vi phạm nhân quyền và đàn áp tôn giáo đã xẩy ra tại Việt Nam.
Ỷ Lan : Xin cám ơn ông Lê Công.
Ỷ Lan : Xin chào chị Bảo Khánh, chị là Trưởng ban Tin tức của Đài Việt Nam Sydney Radio đã cùng với Cộng đồng Người Việt Tự do ở thủ đô Canberra vừa tổ chức một cuộc biểu tình và tuyệt thực để phản đối việc công an TP Hồ Chí Minh bắt bớ Hòa thượng Thích Quảng Độ và ngăn cản không cho Phái đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất lấy xe lửa đi Bình Định chúc thọ Đức Tăng thống Thích Huyền Quang. Trước hết, xin chị cho biết lý do nào mà cuộc biểu tình được tổ chức ?
Bảo Khánh : Kính chào chị Ỷ Lan, Bảo Khánh rất hân hạnh hôm nay có cuộc nói chuyện với chị và đồng bào khắp nơi. Kính thưa chị, sau khi nghe tin Hòa thượng Thích Quảng Độ bị bắt, mọi người rất là nóng ruột và rất là phẫn nộ. Và riêng Ban biên tập Việt Nam Sydney Radio cũng vậy, thì mấy lần nói chuyện trên đài, thính giả của đài gọi vào rất là phẫn nộ, đề nghị là mình phải làm một cái gì thật là cấp bách để cứu Hòa thượng cũng như tố cáo tội ác này của Nhà cầm quyền Việt Nam. Trong lúc rất phẫn nộ đó, Bảo Khánh nghĩ chỉ có cách là mình phải làm sao cho nó đến Chính phủ Úc mà thôi, chứ còn mình có chống Việt Cộng thì nó lì lắm, nói cỡ nào nó cũng không làm gì được hết. Cho nên Bảo Khánh nghĩ ra là mình làm cái tuyệt thực cho đến khi nào nó thả Hòa thượng Thích Quảng Độ ra mà thôi.
Bảo Khánh điện thoại lên Canberra để gặp anh Lê Công, hỏi anh Lê Công muốn tổ chức một việc như vậy thì anh có giúp được hay không ? Anh Lê Công đồng ý ngay lập tức, thì cuộc biểu tình đó nó bắt đầu xây dựng, bắt đầu khởi thủy từ đó. Nhưng mà hôm sau thì được tin Việt Cộng nó thả Hòa thượng ra. Nhưng Bảo Khánh nghĩ Cộng sản Việt Nam nó cũng vậy thôi, hôm nay bắt, ngày mai thả. Nó quản thúc Hòa thượng cũng quá lâu rồi, nhứt là Hòa thượng Thích Huyền Quang ở tuốt ngoài Bình Định, đi thăm mà cũng không được. Lúc đó thì nghe tin là Thủ tướng John Howard của Úc sẽ viếng thăm Việt Nam vào tháng 6 này, và cộng với tin là có thể Úc sẽ giúp cho Việt Nam vào WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới). Bảo Khánh nghĩ bây giờ là thời điểm tốt nhất mình phải làm liền lập tức.
Ỷ Lan : Xin chị cho biết là không khí cuộc biểu tình như thế nào ?
Bảo Khánh : Cuộc biểu tình vừa qua là cuộc biểu tình độc nhất vô nhị, độc đáo lắm ! Và rất là thành công. Lần đầu tiên trong lịch sử của đồng bào Việt Nam mình tị nạn ở Úc mà có được cuộc biểu tình tuyệt thực trước tiền đình Quốc hội trong giờ làm việc kéo dài 6 tiếng đồng hồ dưới trời nắng 33 độ (C). Nắng mà không có một bóng mây nghe chị. Cảnh sát rất quan tâm, lo ngại có việc gì xẩy ra, một người nào xỉu hay có gì xẩy ra, thì họ kêu mình giải tán. Chị biết là mọi người đều la lên KHÔNG ! Chúng tôi quyết định tuyệt thực cho tới khi nào Phái đoàn (vào Quốc hội) nói chuyện xong hết mới thôi, miễn là làm sao có tự do tôn giáo, nhân quyền, còn không thì tụi tôi sẽ ngồi đây. Chị thấy tinh thần của đồng hương mình cao đến độ nào.
Có một số Phật tử mặc những cái áo màu xám, rồi bên Cao Đài mặc áo dài trắng, rồi bên Hòa Hảo thì mặc những bộ đồ của họ. Bảo Khánh nghĩ là cái hình ảnh thật là đẹp. Cái đặc biệt là cái sự hiện diện của những chính giới. Phải nói trong lịch sử của Cộng đồng Người Việt Tự do tại Úc châu nói chung mà tổ chức những cuộc biểu tình chống đối Cộng sản, lần đầu tiên mà có một số chính giới đến tham dự đông nhứt từ xưa đến giờ đó chị Ỷ Lan.
Ỷ Lan : Xin chị cho biết phản ứng nói chung của người Việt tại Úc và Quốc hội Úc nói riêng ra sao trước sự kiện xô xát Phái đoàn Phật giáo tại nhà ga Saigon và câu lưu Hòa thượng Thích Quảng Độ 6 tiếng đồng hồ. Trong khi ấy, ông Lê Dũng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao tuyên bố tại Hà Nội là “Không hề có việc bắt bớ Hòa thượng Thích Quảng Độ”. Ý kiến chị ra sao ?
Bảo Khánh : Cái lúc đầu tiên mà nghe tin Hòa thượng Quảng Độ bị bắt thì Bảo Khánh đã thấy cái phẫn nộ của đồng bào tại đây rất là cao. Măc dù không phải là người Phật tử thôi đâu thưa chị. Người Công giáo cũng rất là phẫn nộ nữa, những tôn giáo khác nữa, chứ không phải riêng Phật giáo mà thôi đâu thưa chị. Còn khi mà tiếp xúc với những nhà chính khách Úc trong ngày hôm qua ở tại Canberra, thì tất cả những Nghị sĩ và Dân biểu khi nói chuyện với Bảo Khánh là tất cả mọi người đều rất là phẫn nộ luôn. Họ cũng rất là giận khi nghe tin một vị Cao tăng như vậy mà bị đối xử như một con vật. Có người đã nói một câu là :
“Chỉ có những thứ không phải là con người mới có thể đối xử với một Cao tăng như vậy”. Đó là lời của một vị chính khách đã nói với Bảo Khánh, đó là ông Michael Hatten là Dân biểu của Đảng Lao động. Thành ra ngay những người trong chính khách Úc đều rất là phẫn nộ về việc này. Và trong tương lai thì tất cả đã hứa là họ sẽ làm việc với chúng ta chặt chẽ hơn để chấm dứt cái tình trạng này ở Việt Nam. Thì đó là sự phẫn nộ khi nghe tin Hòa thượng Thích Quảng Độ.
Còn về vấn đề Lê Dũng nói, rồi cái việc đó có xẩy ra hay không, thì thưa chị, là đối với Bảo Khánh từ xưa đến giờ chưa bao giờ Bảo Khánh tin Cộng sản hết, thưa chị. Ngay cả những việc mà mình thấy hiện giờ, bắt Hòa thượng Quảng Độ rồi lại thả, rồi lại bắt, lại thả. Lúc nào họ muốn kiểm soát những việc làm của mọi người, không bao giờ có tự do thật sự. Họ nói đây là tự do tôn giáo. Nếu mà thật sự tự do tôn giáo thì tại sao nó phải ngăn chận Hòa thượng Thích Huyền Quang, tại sao nó phải ngăn chận Hòa thượng Thích Quảng Độ hay là những vị tôn giáo khác.
Chỉ khi nào cái chế độ Cộng sản không còn độc tài đảng trị nữa, thì lúc đó mình mới có thể xây dựng đất nước tốt đẹp hơn.
Ỷ Lan : Xin cám ơn chị Bảo Khánh rất nhiều.
Liền sau khi nghe tin biến cố tại nhà ga Saigon hôm 16.2, Hòa thượng Thích Thắng Hoan, thành viên Hội Đồng Trưởng lão Viện Tăng thống kiêm Chánh Văn Phòng Hội Đồng Giáo Phẩm, Văn Phòng II Viện Hoá Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ, đã lên tiếng phản đối việc bắt bớ và ngăn cản trái phép của nhà cầm quyền cộng sản. Trong lời phát biểu có những đoạn khai thị quan trọng như sau :
“Ðời không Ðạo, Ðời vô liêm sĩ. Ðạo không Ðời biết chỉ cho ai”, đó là châm ngôn mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất giúp xây dựng, cô gắng xây dựng, cho nên vận động dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam mà Giáo hội chủ trương.
(…)” Hiện nay Hòa thượng Quảng Ðộ lèo lái con thuyền này. Ðó là con đường hợp pháp. Dân tộc Việt Nam muốn được tự do dân chủ, muốn có quyền sống một cách độc lập thì dĩ nhiên phải hỗ trợ tối đa cho con đường này được hoàn thành.
(…) “Chúng tôi thấy rằng chế độ cộng sản nếu có chính nghĩa thì không bao giờ sợ tôn giáo và sợ dân tộc gì hết. Không bao giờ sợ hãi cách mạng gì hết. Cũng như chính quyền của người Mỹ có rất nhiều tôn giáo, nhiều chủ nghĩa đa khuynh, nhưng mà chính quyền đâu có sợ họ phát triển hay lật đổ chính quyền đâu. Vì họ làm đúng chính nghĩa, đúng vai trò của họ. Họ làm đàng hoàng. Phục vụ cho dân thì dân đâu có âm mưu lật đổ họ. Vì vậy cho nên chính quyền Mỹ không sợ các tôn giáo, không sợ dân lật đổ.
“Còn chế độ cộng sản là chế độ bất chánh, cho nên do đó rất sợ dân. Sợ tôn giáo lật đổ, sợ dân lật đổ. Càng sợ dân chừng nào thì càng khống chế dân chừng nấy, nhất là bóp méo sự thật. Ðiều này chứng tỏ là họ vô cùng tàn ác, đè đầu dân tộc. Qua những hành động đó chứng tỏ nhà cầm quyền Cộng sản không bao giờ có sự liêm chính.
“Kế tiếp nữa, chính quyền cộng sản nói rằng tôn giáo không được quyền làm chính trị. Mà đạo Phật cũng chủ truơng rằng đạo Phật không bao giờ làm chính trị. Nhưng mà đạo Phật luôn luôn có thái độ chính trị, như Hoà Thượng Quảng Ðộ thường nói. Thái độ chính trị tức là nói lên sự sai lầm của chính trị. Nếu chính trị làm đúng, thì đạo Phật không có nói. Nếu chính trị phục vụ cho dân, thì đạo Phật không bao giờ đề cập đến. Nếu chính trị sai lầm, không phục vụ dân, đàn áp dân thì Phật Giáo có thái độ. Ðể binh vực sự đau khổ của dân. Ðể cảnh tỉnh chính trị đi đúng đường hướng. Ðó là con đường và lập trường của Phật Giáo.
“Ðức Phật dạy rằng “tỳ kheo bất bái quốc vương”, nghĩa là các vị tỳ kheo các vị tôn giáo không được quyền lạy vua. Nghĩa là không được làm chánh trị, không được lòn cúi chính quyền. Có một số người cho rằng đạo Phật làm chánh trị, nhưng mà thực thụ đạo Phật không làm chính trị. Mà chính cộng sản đã bắt ép đạo Phật làm chính trị. Thí dụ bây giờ các Thầy Tu người ta đương tu hành, mà bắt người ta làm, nào là dân biểu Quốc Hội, hay làm chánh đại diện ở tỉnh phải làm thành viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh, chánh đại diện quận thì phải làm thành viên Mặt trận Tổ quốc quận. Ðó là bắt Thầy Tu làm chính trị, nuôi dưỡng một số sai lầm để phá hoại đạo Phật, làm Tăng đoàn Phật Giáo rã tan nát và hư đốn. Ðó là con đường mà chính chánh quyền cộng sản đã làm sai và ám hại vô cùng đường hướng thanh bạch và trong sạch của đạo Phật. Như vậy chính là một âm mưu để phá hoại Ðạo chớ không phải hộ trì đạo Phật mà bấy lâu nay cộng sản đang rao trên thế giới.
“Vì vậy cho nên chúng tôi thấy rằng các phái đoàn của HT Thích Quảng Ðộ đi ra vấn an sức khoẻ, bái tế Ðức Tăng Thống ngoài Bình Định là việc làm có truyền thống văn hoá đạo đức của dân tộc, mà bị đàn áp. Chứng tỏ là chính quyền chà đạp lên truyền thống văn hoá và đạo đức dân tộc. Chánh quyền đó có âm mưu độc hại giết chết mầm mống văn hoá đạo đức dân tộc làm mất đi giá trị của loài người . Dân tộc mà không có đạo đức thì dân tộc phi nghĩa, mà cái sự phi nghĩa này có thể nói là âm mưu đầu độc của chính quyền. Chứng tỏ là chính quyền này không có đạo đức. Chính quyền này không làm đúng đường hướng dân tộc. Vậy cho nên chúng ta muốn đem lại truyền thống văn hóa đạo đức dân tộc, luôn luôn chúng ta ủng hộ đường hướng này để có được thành quả tốt đẹp trên con đường phục vụ.
“Vừa rồi chúng tôi được tin rằng HT Thích Quảng Ðộ đã bị công an bắt, hải ngoại chúng tôi hết sức lo lắng. Nhưng mà chúng tôi tin rằng tất cả Giáo Hội ở hải ngoại, cả Phật tử và các thành viên Hội Ðồng Giáo Phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hải ngoại luôn luôn luôn luôn đứng sau lưng Hòa Thượng, và vận động tối đa, để sứ mạng mà Giáo Hội, mà Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ lãnh đạo được sớm hoàn thành tốt đẹp. Ðồng thời tất cả Phật tử ủng hộ cho lập trường của Hòa Thượng được thành công, luôn luôn đứng sau lưng Hòa Thượng, hướng về đường huớng mà Hòa Thượng chủ trương…
Hoà Thượng Thích Giác Lượng, Phó Chủ Tịch Hội đồng Điều hành, Đặc trách Giải trừ Pháp nạn, tung ra trong báo chí Bản lên tiếng. Sau khi nhận định về tư cách lịch sử và chính thống của Phật giáo Việt Nam, cùng những hậu thuẫn quốc tế đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hòa thượng “Cực lực phản đối hành động thô bỉ vô đạo đức, vô lễ, bất kính bậc Ðạo cao Ðức trọng như Hoà Thượng Tăng Thống, lại còn xô xát, hành hung Hoà Thượng Viện Trưởng Thích Quảng Ðộ và phái đoàn các bậc cao tăng”. Hòa thượng đưa ra Quyết nghị mà các điểm quan trọng là : 1. Thả ngay Hoà Thượng Viện Trưởng Thích Quảng Ðộ và Phái đoàn Chư Tôn Ðức : Hoà Thượng Thích Ðức Chơn, Thượng Toạ Thích Viên Ðịnh, Thượng Toạ Thích Không Tánh, Thượng Toạ Thích Thiện Minh, Thượng Toạ Thích Chơn Tâm, Và 2 Ðại Ðức thị giả Thích Viên Hỷ , Thích Ðồng Minh. 2. Ðể phái đoàn tự do đi lại thi hành Phật sự, đặc biệt chuyến đi Bình Ðịnh, về nơi Tổ Ðình Nguyên Thiều thăm Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang, mà Hoà Thượng Viện Trưởng Thích Quảng Ðộ đích thân hướng dẫn phái đoàn. 3. Một Chính phủ Pháp quyền không thể nói gạt các Chính giới Âu Mỹ và các cơ quan báo chí quốc tế, mà nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt nam đã tuyên bố : “Hoà Thượng Thích Quảng Ðộ hoàn toàn tự do”. Ðiều nầy, đã cố tình làm nhục Quốc thể và nền văn minh văn hóa Việt nam…