Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin UBBVQLNVN / Tưởng niệm Danh sĩ Jean-François Revel và đọc lời tiên tri của ông về một nước Việt Nam Dân chủ trước sự sai lầm của Tây phương

Tưởng niệm Danh sĩ Jean-François Revel và đọc lời tiên tri của ông về một nước Việt Nam Dân chủ trước sự sai lầm của Tây phương

Download PDF
Ông Jean-François Revel tại cụôc Hội lụân 30.4.1995
Ông Jean-François Revel tại cụôc Hội lụân 30.4.1995


PARIS, ngày 21.5.2006 – Danh sĩ Jean-François Revel là nhà văn và triết gia, Viện sĩ Hàn lâm viện Pháp, thất lộc tại Paris vì bệnh tim ngày 30.4.2006, hưởng thọ 82 tuổi. Ông đứng sừng sững trên nền học thuật Pháp và thế giới như con người phản kháng độc hành theo phong thái Tocqueville và Raymond Aron trước bao thói đời a dua và thời thượng. Có lần ông phát biểu : “Nếu ý nghĩa triết học còn hiện hữu, thì điều đó chẳng khác chi ý nghĩa của nghệ thuật, nghĩa là phát hiện sự dối trá”. Đọc một số tựa đề trên 30 tác phẩm của ông là thấy ngay sự phát hiện ấy : Pourquoi les Philosophes ? (Triết gia để làm gì ?), Ni Marx ni Jésus (Không Marx cũng không Jésus), La tentation totalitaire (Sự rắp tâm cực quyền), Comment les démocraties finissent (Các nền dân chủ chấm dứt ra sao), Le voleur dans la maison vide (Kẻ cắp trong căn nhà trống), L’Obsession anti-américaine (Ám ảnh chống Mỹ). Sách của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Độc giả Việt Nam nhiều năm qua rất tâm đắc với tác phẩm bán chạy kỷ lục mang tựa đề Le moine et le philosophe (Nhà sư và Triết gia). Sách liên quan đến Phật giáo và cuộc đối thoại Đông Tây. Một cuộc đối thoại tư tưởng giữa hai cha con. Cha là Jean-François Revel, triết gia Tây phương. Con là Mathieu Ricard, tiến sĩ khoa học, nhưng đã bỏ sự nghiệp khoa học lẫy lừng ở Viện Pasteur đi tu theo Phật giáo Tây Tạng. Nhiều lần ông tháp tùng Đức Đạt lai Lạt ma qua Pháp và Âu châu làm thông dịch và cố vấn.

Jean-François Revel cũng là nhà báo, nhà bình luận nổi danh trên tuần san Express mà ông làm Chủ nhiệm và sau sang viết cho tuần san Le Point. Luôn luôn đánh phá những quan điểm lạc hậu, khai phá lối nhìn mới đầy sáng tạo và nhân bản. Trong lời chia buồn, Tổng thống Pháp đã gọi Jean-François Revel là Người bảo vệ không mỏi mệt cho Nhân phẩm, Người canh gác khó tính và chu đáo cho Dân chủ.

Đối với Việt Nam, khi thế giới còn thụy miên, câm tiếng trước một chế độ sắc máu độc tài bao phủ xuống miền Nam sau ngày 30.4.1975, thì Jean-François Revel là một trong vài trí thức hiếm hoi của Pháp và thế giới lên tiếng bênh vực cho nhân quyền của người dân Việt. Ông đã thực tâm hỗ trợ Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam trong thời gian này, và là một trong những vị có tên trong đoàn Cố vấn Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam.

Sự qua đời của ông là một mất mát lớn cho phong trào Dân chủ Thế giới.

Vì đi hoạt động nuớc ngoài, được tin trễ, về lại Paris ông Võ Văn Ái đã viết lời chia buồn gửi đến bà Revel, tức nhà văn nữ Claude Sarraute, như sau :

“Thưa Bà,

“Từ ngoại quốc trở về, được tin ông mất. Lòng tôi buồn vô hạn. Không riêng nước Pháp chịu mất mát, mà còn là sự mất mát cho những ai yêu chuộng tự do và dân chủ, những ai sống bằng tinh thần và tư tưởng trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.

“Sau năm 1975, khi mà toàn thế giới chẳng ai đoái hoài đến nạn độc tài toàn trị đổ chụp xuống Việt Nam, thì ông Jean-François Revel là một trong những người hiếm hoi đầu tiên hậu thuẫn chúng tôi và phá tan sự im lặng nặng nề trước những vi phạm nhân quyền trầm trọng. Từ đó, ông luôn có mặt khi chúng tôi cần ông cố vấn, cần chữ ký cho những chiến dịch quốc tế, hay cần sự tham gia của ông. Những ý kiến và nhận xét, những lần tham luận của ông luôn sáng suốt và thống thiết.

“Chúng tôi đã vinh dự biết bao khi ông nhận lời tham gia Cố vấn đoàn cho Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam và cơ sở Quê Mẹ. Thật khó quên sự hiến tặng trân quý và vô giá nầy.

“Nhân danh Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam và những người Việt Nam đấu tranh cho dân chủ, tôi xin biểu tỏ nơi đây lòng tri ân của chúng tôi với lời chia buồn chân thực”.

Hội lụân
Hội lụân

Đánh dấu 20 năm độc tài hãm hiếp dân lành, Cơ sở Quê Mẹ tổ chức tại Paris vào đúng ngày 30.4.1995 tại trụ sở Lực lượng Thợ thuyền Pháp (Force Ouvrière) cuộc hội luận “Đổi mới và Nhân quyền : Việt Nam 20 năm sau”. Tham gia cuộc hội luận này gồm có Jean-François Revel (triết gia và nhà văn), Leonid Pliouchtch (nhà toán học và nhà văn Ukraine), André Glucksman (triết gia và nhà văn), Olivier Todd (nhà văn, nhà báo), Robert Ménard (Chủ tịch RSF, Phóng viên Không Biên giới), Patrick Baudoin (Chủ tịch FIDH, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền) và Võ Văn Ái.

Để tưởng niệm Jean-François Revel, chúng tôi xin đăng tải dưới đây bản dịch Việt ngữ lời phát biểu của ông trong cuộc hội luận hôm ấy. Mười một năm đã trôi qua, nhưng nhận định của Jean-François Revel còn nguyên giá trị tiên tri và sắc bén trước thời cuộc hiện tại, thời điểm mà Tây phương vẫn mắc phải những sai lầm cố hữu làm chậm tiến trình dân chủ tại Việt Nam.

Lời phát biểu của ông Jean-François Revel ngày 30.4.1995

Điều đáng chú ý trong vấn đề Việt Nam ngày nay, là chân nhận rằng, từ phía các quốc gia dân chủ Tây phương có nền kỹ nghệ phát triển và các quốc gia khác, chúng ta đang lập lại những sai lầm trước đây đối với Liên Xô cũ, đặc biệt vào những năm 70, 80. Nhưng bây giờ thì khó miễn thứ hơn.

Những sai lầm ấy là sai lầm gì ? Sai lầm cơ bản là đã liên hệ với chủ trương gọi là chính sách Hòa hoãn được cụ thể hóa qua Hiệp ước Helsinki nhằm bày tỏ công khai việc chu cấp viện trợ kinh tế cho Liên Xô và các nước chư hầu. Một mặt giải thích rằng, viện trợ sẽ tiết chế chủ nghĩa đế quốc và quân phiệt Liên Xô, mặt khác làm gia tăng sự tôn trọng nhân quyền mà có thể bất thần chuyển sang mức độ dân chủ chính trị nào đó.

Đỉnh cao của chiến dịch này là Hiệp ước Helsinki năm 1975 mà kết quả là : Chúng ta thu đạt được gì ?

Trên lĩnh vực nhân quyền, Trời biết cho rằng biết bao người ở Tây phương đã hoạt động, đã tranh đấu cho việc thực thi Hiệp ước Helsinki, bằng cách liên hệ với các ủy ban Helsinki khác nhau bên Đông Âu. Nhưng đáp lại, chúng ta chỉ biết rằng nhiều bệnh viện tâm thần hay bệnh viện đặc biệt được xây cất nhiều gấp ba bốn lần hơn trước. Rồi còn xây thêm nhiều hơn nữa, ngay cả sau khi bằng hữu chúng ta vượt thoát sang phương Tây tố cáo, như trường hợp bạn Leonid Pliouchtch của chúng ta. Các bệnh viện này do nhân vật lỗi lạc Andropov điều khiển, ông là Tổng bí thư tương lai của Đảng Cộng sản Liên Xô.

Thế rồi, thay vì muốn chận đứng chủ nghĩa đế quốc và quân phiệt, chúng ta bỗng chứng kiến từ Liên Xô sự dàn hàng những tên lửa xuyên Âu trứ danh SS-20, chúng ta chứng kiến Liên Xô xâm nhập vào một số quốc gia Phi châu như Ethiopie, Angola, Mozambique để dựng lên các chế độ thao túng nạn diệt chủng. Cuốn sách đáng ghi nhớ mà André Glucksman viết chung với Thierry Wolton báo động về hiện trạng ở Ethiopie. Rồi tập đại thành cho những sự kiện ấy, hồng quân Liên Xô xâm chiếm A Phú Hãn. Thành công đến thế là cùng, phải vậy không !

Nhưng cuối cùng, không để hối lỗi mà để lấy cớ, chúng ta đành nói : Phải biết rằng Liên Xô là một siêu cường chiến lược, và vì thế trong sự cân bằng của sự khiếp sợ, chúng ta buộc lòng chấp nhận yếu tố an ninh sơ cấp.

Còn một điều quá bí ẩn, là sự sụp đổ của đế quốc Liên Xô trong cơ chế tập trung, quân sự và đế quốc, không mang nghĩa chế độ độc tài toàn trị đã vĩnh viễn ra đi. Bởi vì ai cũng rõ, nhiều nét của chế độ cũ còn giữ nguyên tại Liên bang Nga ngày nay. Trong mọi trường hợp, sự sụp đổ một trung tâm thế giới mang sắc thái đế quốc và độc tài toàn trị, lẽ ra phải giúp chúng ta thay đổi sâu xa tập tính của các nền dân chủ Tây phương khi đứng trước các dinh lũy cũ, khi đối phó các chư hầu cũ của Liên Xô. Bởi vì, nếu chúng ta thận trọng với các quốc gia như Cuba, như Bắc Hàn hay như Việt Nam, là vì các nước này nằm trong hệ thống Xô viết. Thay vì tìm cách lật đổ thể chế độc tài toàn trị ở các nơi ấy, thì trong thực tế, chúng ta trút hết trách nhiệm cho bậc “đàn anh” của họ. Nhưng khi “đàn anh” kia khuất bóng, ít nhất là dưới hình thức trước kia, người ta không hiểu vì sao các quốc gia nói trên lại được tiếp tục đối xử với nhiều đặc ân, hay với những sai lầm đã phạm, hoặc với nhiều miễn thứ, trong khi chúng ta đang đối diện trước một hiểm nguy chết người thực sự.

Hiện chúng ta đang chứng kiến chuyện cũ tái hiện. Ví dụ như Bắc Hàn đem chuyện xây dựng vũ khí nguyên tử ra hù dọa, thì Hoa Kỳ liền tham gia tài trợ cho kỹ nghệ nguyên tử. Ai kiểm soát được chuyện Bắc Hàn hứa không biến thành vũ khí nguyên tử chiến lược ? Rồi trong khi thiết lập kỹ nghệ nguyên tử gọi là dân sự ấy, Hoa Kỳ còn cung cấp miễn phí cho Bắc Hàn chất đốt dầu hỏa trong vòng năm hay sáu năm cần thiết cho công trình nói trên. Chẳng ai hiểu vì sao ! Bao lâu kẻ quá cố Kim Nhật Thành còn là người của Mạc Tư Khoa, người ta còn sợ Mạc Tư Khoa đứng sau lưng y, nhưng bây giờ đây, y đã chết mà Mạc Tư Khoa cũng không còn dưới hình thái trước kia.

Trường hợp Việt Nam cũng mắc phải sai lầm như vậy, xem ra còn tệ hơn, vì chúng ta ai cũng biết nội chiến đã chấm dứt. Gọi là nội chiến vì không hề có chuyện Tây phương xâm lược để ngăn cản một dân tộc muốn tự mình giải phóng hầu thiết lập nền dân chủ họ ưa thích. Nhiều sử gia thực hiện nhiều công trình nghiên cứu vấn đề này. Thực tế là một cuộc nội chiến thực sự giữa một khả năng tiến tới chế độ độc tài, là điều đã thể hiện, và một mưu toan chấm dứt chế độ thực dân đồng thời với công cuộc xây dựng dân chủ. Cho nên, ta có thể nói tình thế hiện nay buộc các nền dân chủ Châu Âu và Hoa Kỳ bước vào con đường sáng sủa trong cách can thiệp hay không can thiệp một cách thảm hại trong vấn đề Việt Nam. Và chúng ta đang mắc lại sai lầm.

Cần giúp đỡ một quốc gia phát triển kinh tế chứ. Ví dụ như điều có thể chấp nhận, là nếu họ muốn, thì cứ để cho các nhà kinh doanh thử nghiệm đầu tư vào các quốc gia này, với điều kiện nhân dân ở đó được hưởng lợi. Nhưng khi một quốc gia trợ cấp cho một quốc gia chẳng mang lại lợi lộc gì khác hơn việc nuôi dưỡng giới chóp bu nomenklatura mafia duy trì tham nhũng và bảo vệ độc tài chính trị ; rồi cứ tiếp diễn cung cách trợ cấp vô ích như thế ; rồi bảo lãnh giúp Việt Nam tại các thiết chế quốc tế như Qũy tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới, trong khi Việt Nam không ở địa vị được hưởng tín dụng từ hai thiết chế này ; như nước Pháp đã làm khi bảo lãnh để Ngân hàng thế giới chấp nhận cho chế độ ở Hà Nội vay tiền. Đó là những điều khó hiểu, vì chẳng lợi lộc gì trên bất cứ phương diện nào.

Hiển nhiên chẳng lợi lộc gì cho Việt Nam, là nơi đang tiếp diễn một chế độ độc tài hấp hối nhưng không chết, vì người ta đang cung cấp một cách tạm bợ dưỡng khí cần thiết cho nó sống sót. Và cũng chẳng lợi lộc gì cho riêng nước Pháp, bởi vì đó là những nố vay mượn, những tín dụng từ Pháp hay quốc tế mà trong thực tế và theo kinh nghiệm cho thấy các khoản tiền này chẳng bao giờ được hoàn trả. Khoản tiền mà người ta gọi là tái định kỳ trả góp, là một cách nói trại rằng nợ sẽ quỵt vĩnh viễn và người ta chẳng biết khoản tiền ấy dùng vào việc gì, nếu không là biết quá rõ.

Trong trường hợp nước Pháp, còn được bổ túc thêm một trò lừa trẻ con bằng thứ ảo ảnh được gọi là khối Pháp thoại (Francophonie). Tôi không chống đối khối Pháp thoại đâu, nhưng phải nói ra sự kiện giới chức Pháp háu hức tin rằng tài trợ cho Việt Nam, cho quốc gia Việt Nam, là cách thuyết phục quốc gia này và toàn thể nhân dân chuyên tâm vui thú với các tác phẩm văn chương cổ điển Pháp. Hiển nhiên đây là điều mà giới quan chức lãnh đạo Việt Nam khôn khéo sử dụng, khi họ thấy diễu hành trên nước họ những tên khờ khạo sẵn sàng đớp mồi, và họ thừa biết miếng mồi ấy chỉ là món thù lao cho họ.

Cho nên, tôi tin rằng, với buổi hội luận “Đổi mới và Nhân quyền : Việt Nam 20 năm sau” hôm nay sẽ phục vụ cho một điều, đó là trước hết, chúng ta phải tìm cách, phải duy trì áp lực trên các cơ quan ở Pháp và các quốc gia tương tự để tố cáo sự gian trá, để minh chứng rằng, dù có bỏ rơi đạo đức đi chăng nữa, dù có mặt dày mày dạn đến đâu, cũng không thể nào biện bạch cho chính sách nói trên. Vì đây là một chính sách ngu xuẩn. Nếu cần cầu viện đến đạo đức, thì hiển nhiên trên mọi phương diện, chính sách này đáng kết tội. Bởi đó mà tôi tin rằng, với sự vô ý thức như bầy cừu của giới chính trị gia, đặc biệt tại Pháp, họ sẽ thấy bị ô nhục nếu một ngày nào đó họ không được làm cuộc hành hương về Hà Nội. Chúng ta phải cho họ thấy rằng việc làm ấy vô dụng, Việt Nam tương lai là một nước Việt Nam dân chủ. Nuớc Việt Nam dân chủ ấy sẽ trách cứ nước Pháp đã làm chậm tiến trình dân chủ thay vì giúp đỡ cho dân chủ hình thành tại Việt Nam.

Đây là mấy điều tôi muốn đóng góp vào cuộc hội luận hôm nay. Tôi tin rằng điều khích động chúng ta, qua những phân tích và những thông tin mà chúng ta thu tập khi xem cuốn phim trình chiếu hôm nay, qua những yếu tố do ông Võ Văn Ái cung cấp, càng làm cho chúng ta khích động, và nếu có thể, thuyết phục giới lãnh đạo Pháp để chỉ cho họ thấy tính cách lỗi thời và vô ích của nền chính trị giả tạo trong vấn đề Việt Nam.

Jean-François Revel

Check Also

VCHR và FIDH vạch trần những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam trước cuộc xem xét Báo cáo định kỳ của Việt Nam về Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị

PARIS, ngày 5 tháng 1 năm 2024 (VCHR) – Trong Báo cáo chung gửi Ủy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *