Dưới đề tài “Đông Nam Á, nơi Dân chủ bị khước từ và Tự do bị thảm sát : Tình hình ở Miến Điện, Lào và Việt Nam”, cuộc Hội luận hai ngày 16 và 17 tháng 9 vừa qua được tổ chức tại Quốc hội Âu châu ở thủ đô Brussels. Đảng Cấp tiến Liên quốc Hợp đoàn, Khối Dân biểu Tự do thuộc Quốc hội Âu châu, cùng với Diễn đàn Dân chủ Á Châu bao gồm 3 tổ chức : Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam, Phong trào Lào cho Nhân quyền và Hội đồng Quốc gia Liên hiệp Miến điện, kết hợp tổ chức cuộc hội luận này.
Gần 30 diễn giả đến từ các nước Anh, Bỉ, Cam bốt, Hoa kỳ, Ý, Lào, Miến điện, Senegal, Thái Lan, Trung quốc, Úc và Việt Nam. Mở đầu cuộc hội luận là các thông điệp chào mừng của Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Bà Aung San Suu Kyi, Thái tử Hoàng gia Lào Soulivong Savang, hai Dân biểu Quốc hội Âu châu, ông Marco Pannella, Chủ tịch Đảng Cấp tiến Liên quốc Hợp đoàn và ông Jules Maaten, đại biểu Khối Dân biểu Tự do.
Bà Aung San Suu Kyi gửi lời kêu gọi : “Dân chủ và tự do cho công dân là đòi hỏi cơ bản cho nhân phẩm con người được tồn tại. Tôi tin rằng cuộc Hội luận này sẽ đóng góp làm gia tăng niềm thông cảm trên những vấn đề mà chúng tôi đang phải đối diện, cũng như đưa tới những giải pháp khả dĩ giúp cho tiến trình dân chủ phát huy. Chúng tôi không chỉ cần thiết phải đổi thay, mà là đổi thay thật nhanh chóng, để cho dân chúng Miến Điện phát triển hết tiềm năng của mình hầu biến thế giới này thành cõi an vui hạnh phúc (…) Vì vậy, tôi xin các nhà dân chủ tại cuộc hội luận này vận dụng mọi nỗ lực để đem lại dân chủ, tự do cho người công dân ở các quốc gia đang bị khước từ ngày nay”.
Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang thì xác nhận : “Tại nước Việt Nam chúng tôi ngày nay, chư Tăng, Ni và Phật tử đã mất quyền tự do sinh hoạt tôn giáo theo tôn chỉ của Đức Phật hoằng hóa cách nay trên 2500 năm, đồng lúc mất tất cả các quyền căn bản về tự do ngôn luận, hội họp, đi lại, tín ngưỡng, v.v… được tuyên dương và bảo đảm trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và trong Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị của LHQ. Để thấu rõ tình trạng nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam, không gì bằng theo dõi cuộc đối đáp giữa các Chuyên gia nhân quyền LHQ và Phái đoàn Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam do ông Hà Hùng Cường, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cầm đầu tại khóa họp lần thứ 75 của Ủy ban Nhân quyền LHQ ở Genève trong hai ngày 11 và 12 tháng 7 vừa qua. Đặc biệt hơn nữa, là đọc kỹ 23 điều Kết luận và Khuyến cáo của Ủy ban Nhân quyền LHQ gửi Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hôm 26.7.2002.
“Trước tình trạng nhân quyền và tôn giáo đen tối tại Việt Nam ngày nay, tôi ngỏ lời tán thán sáng kiến tổ chức Hội luận về tình trạng ba nước Miến Điện, Lào và Việt Nam của quí Liệt vị Nhân sĩ trong thế giới và Dân biểu Quốc hội Âu châu. Nỗ lực thông tin trung thực và biết lắng nghe, mới cảm thông hết mọi nỗi khổ đau cùng cực và bất công vô hạn của nhân loại đang khắc khoải khắp nơi trên trái đất này. Lắng nghe và thông cảm là bước đầu khai mở lòng Từ Bi, để ra tay hành động dẹp trừ khổ đau, vô minh và cuồng tín, mà người Phật tử Việt Nam không ngừng thực hành suốt hai nghìn năm qua”.
Sau phần Thông điệp, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Diễn đàn Dân chủ Á Châu, thay mặt Ban Tổ chức ngỏ lời cám ơn sự hiện diện và đóng góp của các nhà dân chủ châu Á và châu Âu đang mở ra một trận tuyến mới trong sự kết đoàn và tiến hành công cuộc dân chủ hóa tại các quốc gia độc tài, quân phiệt Á châu, rồi tuyến bố khai mạc 2 ngày hội luận. Hội trường đã đầy chật các Dân biểu Quốc hội Âu châu, đại biểu các nước Cam bốt, Lào, Miến Điện, Trung quốc, Việt Nam, v.v… Năm đề tài hội thảo gồm có : Thứ nhất, Tự do tư tưởng và tự do tôn giáo ; thứ hai, Tự do kinh tế cùng những tác hại trong cuộc hợp tác kinh tế của Liên hiệp Âu châu ; thứ ba, Tự do ngôn luận và tự do báo chí ; thứ tư, Công lý và nhân quyền, tình hình các nhà tù và trại cải tạo ; và thứ năm, Vai trò của các nước láng giềng trong vùng Đông Nam Á và Liên hiệp Âu châu cần lấy thái độ chính trị nào ?
Ngoài những nhà dân chủ châu Á đang đấu tranh, những dân biểu thuộc Quốc hội Âu châu đang tham chính, người ta nhận thấy có một đại biểu tham chính tại Cam Bốt, đó là bà Saumura, dân biểu Quốc hội, đại diện cho Đảng của ông Sam Rainsy đối lập chính quyền Hun Sen đến từ Nam Vang. Lời phát biểu của bà Saumura gây phấn khởi hội trường. Trong lời phát biểu, bà nhấn mạnh :
“Chúng tôi vui mừng chứng kiến khối dân chủ Á châu đã hình thành qua Diễn đàn Dân chủ Á Châu, những người tổ chức cuộc hội luận hôm nay. Chúng ta phải bắt tay ngay vào việc và cùng làm chung. Bản thân tôi tự thấy đơn độc khi đi vận động tại các nước Âu Mỹ. Nhưng kể từ nay, thì chúng ta sẽ cùng đi vận động chung. Sự có mặt của các đại biểu Việt Nam, Trung quốc, Miến điện, Lào làm gia tăng lực lượng và hiệu quả. Vừa đây khi hay tin Thượng tọa Thích Trí Lực bị bắt cóc, 22 Thượng nghị sĩ và dân biểu đối lập của chúng tôi đã lên tiếng đòi hỏi ông Hun Sen tay sai của Hà Nội, phải lấy trách nhiệm, đó đã là một phản ứng có tính kết đoàn dân chủ châu Á. Trong 9 tháng nữa sẽ có bầu cử Quốc hội, chúng tôi tin rằng Đảng chúng tôi sẽ thắng. Nếu chúng tôi thắng, chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội hữu hiệu hơn để đóng góp với các bạn, những nhà dân chủ châu Á, và lúc đó, đất nước chúng tôi sẽ là bàn đạp cho các bạn đấu tranh tại các nước trong vùng”.
Qua các diễn giả, từ bà Thephsouvanh, ông Chanthalangsy đến ông Sein Win, ông Myint Cho, từ ông Nguyễn Ngọc Phách đến ông Alain Labrousse, từ ông Tad Stahnke, Ủy hội Hoa Kỳ bảo vệ Tự do tôn giáo trong Thế giới, đến ông Sidiki Kaba, Chủ tịch Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền, từ ông Ngụy Kinh Sinh đến ông Võ Văn Ái, từ bà Penelope Faulkner đến Dân biểu Olivier Dupuis…, mỗi người mỗi cách, nhưng các tham luận đều đặc sắc, giàu thông tin, lý luận và phân tích đánh ngã sự hiện hữu của các chế độ độc tài toàn trị, mở ra viễn kiến và mô thức cho dân chủ hình thành.
Để hiểu rõ tinh thần cuộc hội luận, chị Ỷ Lan đã mở cuộc phỏng vấn nhanh chóng tại hội trường với các ông Võ Văn Ái, Tad Stahnke, và bà Patricia McKenna. Bà McKenna là Phó trưởng Phái đoàn Quốc hội Âu châu vừa viếng thăm Việt Nam, bước chân xuống phi trường Brussels bà liền đến tham dự cuộc Hội luận để trình bày chuyến viếng thăm Việt Nam còn nóng hổi với những khó khăn hệ lụy mà Phái đoàn gặp phải.
Ỷ Lan : Thưa ông Võ Văn Ái, là Chủ tịch Diễn đàn Dân chủ Á Châu, nằm trong Ban Tổ chức với các Dân biểu Quốc hội Âu châu, xin ông cho biết ý nghĩa của cuộc Hội luận hôm nay ?
Võ Văn Ái : Như tôi đã phát biểu trong lời khai mạc Hội luận. Năm ngoái, tôi cùng với anh Ngụy Kinh Sinh và các bạn Lào, Miến Điện, Tây Tạng, Ughour, quyết định thành lập Diễn đàn Dân chủ Á Châu để kết hợp đấu tranh tại châu Á. Lâu nay, người Tây phương nói thay cho chúng ta, quyết định thay cho chúng ta. Bây giờ đã đến lúc, người châu Á nói lên tiếng nói và ngưỡng vọng của người châu Á. Và là tiếng nói cùng ngưỡng vọng cho dân chủ. Đã từ lâu, chúng tôi nhận thấy rằng các chính quyền độc tài, quân phiệt tại Á châu, dù tả khuynh hay hữu khuynh, đang liên minh nhau trong thực tế để bảo vệ ngai vàng của chúng. Chúng hậu thuẫn nhau chống lại kẻ thù duy nhất của chúng là Nhân quyền và Dân chủ. Vì lý do đó, cần hình thành gấp sự liên hoành của các nhà dân chủ châu Á để phấn đấu lật ngược thế cờ và giải thể bọn độc tài không biên giới kia.
Qua Diễn đàn Dân chủ Á Châu, chúng tôi khai mào những chiến dịch quốc tế, tập trung nỗ lực, đặc biệt nhấn mạnh khía cạnh hỗ tương trong các vấn nạn của Châu Á. Chúng tôi nghĩ rằng, muốn đấu tranh cách hiệu quả cho dân chủ Việt Nam, chúng ta cần có cái nhìn tương quan và hành động tương ứng với phong trào đấu tranh ở Trung quốc, Lào, Cam Bốt, Miến Điện, vân vân.
Cuộc hội luận hôm nay, tự nó nói lên tiêu đích chúng tôi nhắm tới. Khí thế sinh động và kết đoàn qua tham luận và hội thảo của hội trường chắc chắn đã chứng minh rằng một Lực lượng Dân chủ châu Á vừa hình thành.
Ỷ Lan : Xin cám ơn ông Võ Văn Ái.
Sau đây là ý kiến ông Tad Stahnke, Giám đốc Điều hành Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trong Thế giới, là thiết chế điều tra, nghiên cứu để phác thảo chính sách tôn giáo đề nghị lên chính phủ Hoa Kỳ hầu lấy thái độ, nếu không là biện pháp chế tài đối với các quốc gia đàn áp tôn giáo, chiếu theo Sắc luật tôn giáo năm 1998 của Quốc hội Hoa Kỳ.
Ỷ Lan : Xin ông cho biết cảm tưởng về 2 ngày Hội luận tại Quốc hội Âu châu ?
Tad Stankhe : Ấn tượng gây rất mạnh trong tôi với một loạt nhân vật có kinh nghiệm sống đầu tay trước nhân quyền khốn khó ở Việt Nam, Lào và Miến Điện. Tôi nhận thấy các lời chứng của họ cực kỳ sáng suốt mà tư tưởng lại chấn kích, đặc biệt là nói lên điều Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu cần phải làm để thăng tiến nhân quyền và tự do tôn giáo như một bộ phận của chính sách đối ngoại.
Tôi từng dự nhiều cuộc hội luận ở Hoa Kỳ, nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp gỡ những người có hiểu biết lớn, chứng kiến cuộc hội luận sinh động và có giá trị cao. Tôi đang suy nghĩ xem có thể tổ chức theo lối này tại Quốc hội Hoa Kỳ chăng.
Ỷ Lan : Sự đóng góp của ông trong cuộc hội luận, đặc biệt trên lĩnh vực tự do tôn giáo cùng cơ chế bảo vệ nó tại Hoa Kỳ. Ông có thấy cuộc thảo luận trên lĩnh vực này hào hứng không ?
Tad Stankhe : Vâng. Hào hứng lắm. Ủy hội chúng tôi từng theo dõi tình hình tại ba nước Miến Điện, Lào và Việt Nam từ nhiều năm qua, và đã nhiều lần biểu tỏ mối quan tâm của Ủy hội trên những vi phạm nghiêm trọng của các chính phủ tại ba quốc gia nói trên. Lời chứng chi tiết của các diễn giả đưa ra gây ấn tượng mạnh mẽ trong tôi và tôi đánh giá cao cơ hội nói lên cho cử tọa tại Quốc hội Âu châu biết về Đạo luật Bảo vệ Tự do Tôn giáo trong Thế giới của Hoa Kỳ và bằng cách nào Quốc hội Hoa Kỳ thiết lập chính sách và thiết chế để qua đó Hoa Kỳ có thể thăng tiến tự do tôn giáo khắp năm châu.
Ỷ Lan : Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới đã tổ chức điều trần về vấn đề tôn giáo tại Việt Nam, Ủy hội cũng đã ấn hành nhiều bản báo cáo về Việt Nam, mới đây Ủy hội lại viếng thăm Việt Nam. Hiện nay Ủy hội đang làm gì cho Việt Nam ?
Tad Stankhe : Ủy hội chúng tôi cực kỳ quan tâm về việc nhà cầm quyền vi phạm tự do tôn giáo trầm trọng đối với các tín đồ và hàng giáo phẩm thuộc mọi tôn giáo tại Việt Nam, và chúng tôi tiếp tục đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ tác động mạnh mẽ để yêu sách trả tự do cho các nhà lãnh đạo tôn giáo bị cầm tù, những người bị giam cầm vì đòi hỏi cho tự do tôn giáo theo niềm tin tín ngưỡng của họ, và chúng tôi tiếp tục theo hướng đó cho đến khi đạt được thành quả.
Ỷ Lan : Xin cảm ơn ông Stahnke.
Suốt hai ngày Hội luận, toàn thể hội trường theo dõi chăm chú, không một giây phút buông lơi. Thế nhưng không khí bỗng hoạt náo hẵn lên khi ông Võ Văn Ái tuyên bố : Tôi có một tin vui bất ngờ thông báo với quý vị, là hội trường chúng ta vừa đón một người từ Việt Nam về. Đó là bà Patricia McKenna, thuộc Đảng Xanh, Phó trưởng phái đoàn Quốc hội Âu châu đi Việt Nam. Bà sẽ trình bày cho chúng ta nghe cuộc thăm viếng đầy sóng gió ấy. Hội trường khi thì phẫn nộ theo thái độ ngụy tín của nhà cầm quyền Hà Nội, khi thì nhiệt liệt tán thưởng ý kiến cứng rắn có tính chế tài của Phái đoàn đòi xét lại việc viện trợ trong tài khóa năm 2003 đối với một chính quyền đàn áp tôn giáo. Cuộc phỏng vấn bà McKenna diễn ra như sau :
Ỷ Lan : Thưa bà McKenna, rất hân hạnh gặp bà. Bà mới từ Việt Nam trở về hôm qua, mà hôm nay đã đến tham dự cuộc Hội luận do các phong trào Dân chủ Việt Nam, Lào và Miến Điện tổ chức tại Quốc hội Âu châu. Là Phó trưởng phái đoàn Quốc hội Âu châu, xin bà cho biết Phái đoàn mong đợi gì ở chuyến viếng thăm Việt Nam vừa qua? Và Phái đoàn đã thực hiện được những gì ?
Patricia Mckenna : Một trong những điểm Phái đoàn nhắm đến, là kiểm tra về tình hình tự do tôn giáo và chính trị. Nhưng tiếc thay trong thực tế, chúng tôi chẳng làm được gì cả. Phái đoàn chúng tôi đối diện một bức tường gạch rất cao do nhà cầm quyền Việt Nam dựng lên, mỗi khi chúng tôi nêu lên vấn đề tự do tôn giáo và tự do chính trị, hoặc khi chúng tôi nhắc đến những cá nhân đang bị cầm tù, ví dụ như hàng giáo phẩm thuộc Giáo hội Phât giáo Việt Nam Thống nhất. Rõ ràng là phía Hà Nội không chịu công nhận sự việc hàng giáo phẩm này đang bị tù đày vì lý do tín ngưỡng của họ. Nhà cầm quyền Hà Nội tìm đủ cách bắt chúng tôi tin theo lối giải thích của họ, là hàng giáo phẩm này bị tù vì những lý do khác.
Thật là một hoàn cảnh khó khăn, Phái đoàn chúng tôi thấy thiên nan vạn nan trong việc thu tập tin tức từ những nguồn khác nguồn chính quyền. Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam, tôi cảm nhận một sự bưng bít, một xã hội kiềm chế, nơi quần chúng không có quyền lập các tổ chức Phi chính phủ dưới bất cứ hình thái nào. Chúng tôi chẳng còn biết dựa vào ai để tiếp cận. Những tổ chức Phi chính phủ mà chúng tôi gặp toàn là các tổ chức quốc tế, và hình như quyền ăn nói của họ cũng bị hạn chế. Đó là cảm nghĩ của cá nhân tôi. Và sự kiện không có tự do truyền thông đại chúng, chúng tôi chẳng còn cách gì tiếp cận với báo chí để có thể phê phán chính phủ hay phê phán kiểu cách mà Việt Nam đang theo đuổi…
Ỷ Lan : Trước đó bà có nghĩ rằng Việt Nam là một xã hội đóng kín như thế không ?
Patricia Mckenna : Đối với tôi, đây là một kinh nghiệm lạ lùng, vì trước đó tôi chưa từng chứng kiến một đất nước nào như thế. Đa số các nước Đông Nam Á mà tôi từng đến thăm, ít nhất cũng có nỗ lực chấp nhận đối lập chính trị. Ngay tại Kampuchia, với biết bao vấn đề, nhưng ít nhất thì đối lập chính trị cũng được cho phép hiện hữu. Trái lại ở Việt Nam, nơi chẳng có một không gian nào dành cho bất cứ thứ tư tưởng chính trị muốn đổi thay, hay phong trào Phi chính phủ đối lập hoặc một xã hội công dân nào. Từ cơ bản, tất cả các thứ đó không được hiện hữu. Và từ chóp đỉnh, là không có tự do báo chí. Thật là nan giải.
Ỷ Lan : Trước khi Phái đoàn đi Việt Nam, Hà Nội đã khước từ không cho Phái đoàn gặp các nhà lãnh đạo tôn giáo mà Phái đoàn yêu cầu, như Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ và Linh mục Nguyễn Văn Lý. Tuy nhiên Phái đoàn vẫn quyết định lên đường mặc sự từ chối này. Vậy thì khi đến Việt Nam, Phái đoàn có khăng khăng với chính quyền Hà Nội đòi gặp các nhà lãnh đạo tôn giáo đang bị cầm tù không ?
Patricia Mckenna : Đúng thế, trước khi đi Việt Nam, Phái đoàn chúng tôi bị từ chối không cho gặp các vị này, và khi tới nơi, chúng tôi tiếp tục nói lên mối quan tâm của chúng tôi với hy vọng được chấp thuận cho gặp. Chúng tôi nói rõ là chúng tôi rất bất mãn về việc nhà cầm quyền ngăn cấm Phái đoàn gặp gỡ hàng giáo phẩm. Nhưng câu trả lời của nhà cầm quyền Việt Nam, là khi họ sang Châu Âu, họ đâu có quyền gặp gỡ những tù nhân của chúng tôi. Tôi tuyệt đối không tin chuyện này có thật trên mặt kỹ thuật, và đây là thái độ chế tài của chính phủ Việt Nam.
Thực ra, họ chỉ cho chúng tôi gặp một vị Sư đại diện Giáo hội Phật giáo của Nhà nước. Nhưng Phái đoàn chúng tôi nói KHÔNG. Chúng tôi khước từ, vì Phái đoàn không gặp được người mong muốn thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thì Phái đoàn không thấy thỏa đáng chút nào khi phải gặp gỡ các nhà tôn giáo khác. Bất chấp chuyện đó, một đại diện thuộc Giáo hội Phật giáo của Nhà nước vẫn có mặt trong đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đến gặp gỡ Phái đoàn chúng tôi. Nhưng Phái đoàn chúng tôi chẳng nói năng hay đặt một câu hỏi nào cho vị sư ấy. Chúng tôi thấy tốt hơn cả là trực tiếp đặt câu hỏi với vị cầm đầu Phái đoàn Việt Nam, vị này chẳng ai khác là bà Đại sứ Việt Nam tại thủ đô Bussels. Phái đoàn rất thất vọng việc không được vào thành phố Hồ Chí Minh, và như thế là không gặp được người Phái đoàn muốn gặp.
Ỷ Lan : Khi Phái đoàn rời Việt Nam, ông Nassauer, Trưởng Phái đoàn Quốc hội Âu châu, tuyên bố bất mãn với cuộc viếng thăm Việt Nam này, và cho biết sẽ xét lại việc Quốc hội Âu châu tài trợ cho Việt Nam. Trên mặt kỹ thuật, việc rút viện trợ có thể xẩy ra không, và nếu xẩy ra, bà có hậu thuẫn cho việc này không ?
Patricia Mckenna : Trên mặt kỹ thuật, tôi tin rằng điều đó có thể thực hiện được, dù rằng quyền hạn thực hiện việc này tại Quốc hội Âu châu không lớn lắm. Nhưng điều vô cùng quan trọng là ông Trưởng phái đoàn đã tuyên bố, đã nói lên điều ấy. Hơn thế nữa, có rất nhiều công dân thuộc Liên hiệp Âu châu đang quan tâm về những gì đang xẩy ra tại Việt Nam, về sự thiếu vắng tự do chính trị và tự do tôn giáo, về sự vắng bặt quyền tự do ngôn luận. Tôi nghĩ rằng điều cực kỳ quan trọng là Quốc hội Âu châu không nhắm mắt trước hiện trạng này, bởi vì rất nhiều công dân Âu châu sẽ vô cùng bất mãn khi nghĩ rằng tiền đóng thuế của mình chạy vào túi của những chế độ đang có vấn đề trầm trọng với Âu châu.
Ỷ Lan : Xin bà đôi lời thông điệp gửi đến những nhà đấu tranh bảo vệ dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.
Patricia Mckenna : Tôi muốn nói với họ là hãy giữ cao niềm hy vọng. Chúng ta thấy rõ qua nhiều nơi trên thế giới, là rốt cuộc, nhân quyền và xã hội công dân và những phong trào cơ sở giành được thắng lợi. Hy vọng là điều quan trọng phải tâm niệm trong lòng, kèm theo sự hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế. Hậu thuẫn này không nhằm xâm phạm nội bộ hay dạy Việt Nam phải cai trị xứ sở họ như thế nào, mà là trên căn bản, bảo đảm cho người dân thường có quyền tham gia vào việc quản trị đất nước.
Ỷ Lan : Cảm ơn bà McKenna.
Cuộc Hội luận tại Quốc hội Âu châu kết thúc bằng một Quyết nghị về tình hình độc tài và đàn áp nghiêm trọng tại 3 nước Lào, Miến Điện và Việt Nam. Tại Việt Nam, Quyết nghị tố cáo chế độ độc đảng tước đoạt quyền của mọi công dân, bằng cớ là việc ký kết bí mật Hiệp ước vạch lại đường ranh biên giới Việt Trung đã không hề tham khảo ý kiến toàn dân, việc đàn áp các Giáo hội không được công nhận, như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cùng các Giáo hội Hòa Hảo, Cao Đài, Tin Lành, đàn áp người Thượng Tây nguyên. Quyết nghị nhấn mạnh tầm quan trọng trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam bằng chương trình chính trị đề ra qua “Lời Kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam” của Hòa thượng Thích Quảng Độ, và gần đây Kiến nghị của 21 trí thức, đảng viên Cộng sản ở Hà Nội yêu cầu hình thành « Tòa án Hiến pháp » để kiểm tra và xử lý những vi phạm luật pháp của Đảng và Nhà nước. Quyết nghị yêu sách trả tự do cho Nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, cũng như tiến hành cải tổ chính trị để mọi công dân được hưởng các quyền dân sự và chính trị theo Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.
Đối với Quốc hội Âu châu, Quyết nghị yêu sách chuyển hướng chiến lược cho nhân quyền và dân chủ như một bộ phận không thể phân lìa trong đối sách giữa Liên hiệp Âu châu và Việt Nam khi sử dụng ngân sách 162 triệu Euros cho tài khóa 2002-2006 ; yêu sách Hội đồng Âu châu thông báo khẩn cấp với Nhà cầm quyền Việt Nam rằng Hiệp ước Hợp tác Việt Nam – Âu châu sẽ đình chỉ nếu Việt Nam không đáp ứng các đòi hỏi trên đây./.