PARIS – BRUXELLES, ngày 3.3.2016 (FIDH & UBBVQLNVN) — Hôm 26 tháng 2 vừa qua, Bà OReilly, Thanh tra Liên Âu, nhận xét rằng việc từ chối tiến hành nghiên cứu tác động Nhân quyền là một hành động sai phạm tồi tệ trong vấn đề quản lý. Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt nam (VCHR) hoan nghênh quyết định lịch sử của bà Thanh tra sau khi thụ lý hồ sơ khiếu kiện của Liên Đoàn và Uỷ ban chống cách quản lý hồ sơ thương thảo Hiệp ước Tự do Mậu dịch Liên Âu – Việt Nam của Uỷ hội Châu Âu.
Quốc hội Châu Âu phải phê chuẩn phán quyết của bà Thanh tra, nên đã mời Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và bà OReilly phát biểu hôm nay về sự vụ sai phạm của Liên Âu. Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam cùng kêu gọi các vị Dân biểu Quốc hội Châu Âu đảm lãnh trách nhiệm để bảo đảm rằng Hiệp ước phải tôn trọng những nghĩa vụ của Liên Âu trong vấn đề nhân quyền.
“Quyết định của bà Thanh tra là bước tiến cụ thể đúng lối nhằm bảo đảm chính sách mậu dịch và đầu tư của Liên Âu khế hợp với nhân quyền. Điều này phải được các vị Dân biểu Quốc hội Châu Âu chịu trách nhiệm và hậu thuẫn”, ông Karim Lahidji, Chủ tịch Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền nhấn mạnh.
Bà Thanh tra Liên Âu đã giải thích rõ tác động nhân quyền phải được thực hiện trước khi Hiệp ước kết thúc để có thể ảnh hưởng trong các cuộc thương thuyết nhằm đáp ứng những nhu cầu tối thiểu về nhân quyền. Trong bản quyết định, bà Thanh tra đã đặc biệt quy chiếu Đường hướng chỉ đạo trong sự phân tích các tác động nhân quyền nhằm lượng giá tác động trên chính sách mậu dịch được thông qua tháng 7 năm 2015.
Bà Thanh tra nhấn mạnh, là Liên Âu phải tìm cách ngăn chận những hiệu ứng tiêu cực của các Hiệp ước mậu dịch và đầu tư khi thay đổi một số các quy định đặc thù nếu thấy cần thiết, cũng như lấy quyết định cho những biện pháp giảm thiểu các hiệu ứng tiêu cực trước khi kết thúc Hiệp ước.
Một cách trọng thể, bà Thanh tra Liên Âu bác bỏ các lý lẽ Uỷ hội Châu Âu đưa ra khi nói rằng đã có một điều khoản về Nhân quyền trong Hiệp ước Tự do Mậu dịch (FTA), và rằng các công cụ như đối thoại nhân quyền hàng năm và hợp tác qua lĩnh vực phát triển đã quá đủ để ứng hợp với các nghĩa vụ của Liên Âu trên lĩnh vực nhân quyền. Đặc biệt bà nhấn mạnh rằng bà “tin chắc chưa đủ thấm vào đâu việc phát triển một loạt chính sách và và các công cụ tổng quát sẽ làm thăng tiến sự ứng hợp nhân quyền trong cùng thời gian kết thúc Hiệp ước Tự do Mậu dịch, mà thực tế là chẳng ứng hợp với các đòi hỏi nhân quyền”.
Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, phát biểu rằng :
“Quyết định của bà Thanh tra Liên Âu là một tiền lệ quan trọng mà Quốc hội Châu Âu phải sử dụng để thúc đẩy mạnh mẽ các bảo đảm nhân quyền trước khi ký kết Hiệp ước Tự do Mậu dịch. Liên Âu cần nghiên cứu tác động nhân quyền như một đòi hỏi cần thiết bắt buộc phải có trước mọi Hiệp ước mậu dịch và đầu tư, để cho các quốc gia muốn có quan hệ mậu dịch với Liên Âu sẽ không thể nào hưởng các quyền lợi mậu dịch và đầu tư nếu vi phạm các quyền cơ bản của người công dân nước họ”.
Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam nhận định qua quyết định của bà Thanh tra Liên Âu là sự thừa nhận Nhân quyền chính yếu trong các chính sách mậu dịch. Không thể nào trao nhân quyền cho nền ngoại giao mềm yếu, cho các cố vấn kỹ thuật hay những kẻ cấp phát tiền. Điều này kêu gọi sự xét lại các hiệp ước, và củng cố các cơ chế bảo vệ nhân quyền. Dự án Hiệp ước Tự do Mậu dịch trình Quốc hội Châu Âu xin phê chuẩn, chỉ nhắc tới nhân quyền trong lời mào đầu, nhưng không bó buộc các đối tác và đầu tư phải tôn trọng các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Thế là chẳng khứng hợp chút nào với các nghĩa vụ chính quy của Liên Âu trên lĩnh vực nhân quyền. Liên Âu phải tức khắc trang bằng sự thiếu sót này, và đặt để các cơ chế kiểm soát cũng như thu nhận các khiếu kiện mang lại lợi ích cho nhân dân về các quyền cơ bản mà các nhà đầu tư hay hiệp ước mậu dịch làm mất đi.
Trong khi cuộc thảo luận xẩy ra tại Quốc hội Châu Âu, thì những vi phạm nhân quyền gia tăng một cách báo động tại Việt Nam. Nếu năm 2015, thời gian thương thuyết Hiệp ước Tự do Mậu dịch, nhà cầm quyền gia giảm một số truy kích hình sự các người hoạt động bảo vệ nhân quyền để tránh bớt sự chỉ trích quốc tế, thì cùng lúc ấy, công an tăng cường việc hành hung, đánh đập các nhà hoạt động, sách nhiễu và đàn áp những người bảo vệ nhân quyền. Hàng chục bloggers, các nhà hoạt động công đoàn, hay Dân oan bị cướp đất, các tín đồ tôn giáo, các dân tộc ít người… vẫn tiếp tục bị tù đày. Tự do tư tưởng, ngôn luận, lập hội, hôi họp cũng như tự do tôn giáo bị kiểm soát và giới hạn trầm trọng. Việt Nam cũng đang thông qua các dự luật hạn chế các quyền này, như dự thảo Luật tôn giáo, tín ngưỡng, tiếp cận thông tin, lập hội hay luật biểu tình. Bộ Luật Hình sự sửa đổi năm 2015 càng tỏ ra trầm trọng hơn đối với những hình phạt dành cho các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, cũng như duy trì các điều khoản mơ hồ về “an ninh quốc gia”, vi phạm các công ước nhân quyền quốc tế mà Việt Nam ký kết.
Cho đến nay, vẫn chưa có nền báo chí độc lập của tư nhân, cũng chẳng có các Công đoàn tự do và những tổ chức dân sự bị thẳng tay trừng trị.