GENEVA, 27 tháng 6 năm 2018 (VCHR) – Phát biểu hôm nay trước Hội đồng Nhân quyền LHQ, nhân danh Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và tổ chức Hành động Chung cho Nhân quyền, ông Võ Văn Ái tố cáo những bạo hành mà Nhà cầm quyền Hà Nội tấn công các đoàn biểu tình ôn hoà chống Dự Luật Đặc khu Kinh tế và Luật An Ninh Mạng vừa được thông qua.
Hội đồng Nhân quyền LHQ đang họp khoá thứ 38, từ ngày 18 tháng 6 đến ngày 6 tháng 7 tại Điện Quốc liên ở Genève, Thuỵ Sĩ.
Ông Võ Văn Ái tố cáo trước Hội đồng Nhân quyền LHQ rằng : “Tại quốc gia độc Đảng, nơi mọi đảng phái đối lập bị cấm hoạt động, tự do báo chí bị tiêu huỷ, quyền biểu tình và tự do Internet bị ngăn cản, toàn dân không được nói lên ý kiến hay quan điểm họ”. Ông Ái cho biết mấy tuần lễ qua nhà cầm quyền tấn công đàn áp mọi hình thức biểu đạt ý kiến kể cả các cuộc biểu tình ôn hòa.
Nhưng tức nước vỡ bờ, ông Ái cho biết rằng kể từ ngày 9 tháng 6, những cuộc biểu tình lớn nổ ra làm xôn xao dư luận, đặc biệt tại các thành phố Saigon, Hà Nội, Nhatrang và Bình Thuận. Hàng nghìn người đã xuống đường tố cáo Dự Luật cho phép nước ngoài có thể thuê đất trong vòng 99 năm tại 3 Đặc khu Kinh tế . Đối với đa số nhân dân, Dự Luật này, nếu được thông qua, sẽ là cơ hội bằng vàng cho Trung quốc chiếm đóng lâu dài Việt Nam vào thời điểm mà Nhà cầm quyền Bắc Kinh đang có hành xử xâm lấn lãnh hải Việt Nam trên Biển Đông.
Nhà cầm quyền Việt Nam đã phản ứng bằng đàn áp và bạo hành các cuộc biểu tình này. Công an sắc phục và thuờng phục đánh đập và bắt giữ người biểu tình kể cả người qua đường, cũng như sử dụng thiết bị âm thanh tầm xa (LRADs) gây đau và điếc để giải tán biểu tình. Trại tạm giam vừa được dựng lên tại vườn Tao Đàn ở Saigon làm nơi thẩm vấn những người bị bắt. Số người được thả cho biết họ nghe từ phòng thẩm vấn người biểu tình bên cạnh “những tiếng đánh huỳnh huỵch và tiếng la hét vang trời”. Khoảng 300 người bị bắt giữ, và vài chục người sẽ bị truy tố vì tội “làm rối loạn trật tự công cộng”.
Ông Võ Văn Ái cho biết “Những người biểu tình chống đối không riêng việc Trung quốc xâm lấn, mà nhiều cuộc biểu tình còn chống Luật An Ninh Mạng vừa được thông qua. Nỗi bất an của quần chúng là dấu hiệu cho thấy yêu sách được tự do biểu đạt, cũng như mối bức xúc phải sống trong một xã hội chỉ có duy nhất một quyền tự do, là quyền lặng câm im lặng”.
Trong lời tố cáo trước LHQ, ông Ái cho biết Luật An Ninh Mạng “đánh một đòn chí tử vào tự do ngôn luận trực tuyến. Luật này cho phép nhà cầm quyền mọi quyền hạn kiểm soát các sinh hoạt trực tuyến và bó buộc các dịch vụ Internet cung cấp những dữ liệu cá nhân người sử dụng tại Việt Nam và rút bỏ trong vòng 24 tiếng đồng hồ các nội dung bị chính quyền xem là “công kích”.
Luật An Ninh Mạng được Quốc hội thông qua hôm 12 tháng 6, có hiệu lực kể từ tháng giêng năm 2019, cấm người sử dụng Internet dùng mạng xã hội hay Internet “để vi phạm quyền lợi quốc gia” hay lan truyền các “thông tin sai lạc”. Những từ ngữ mơ hồ, che giấu mưu đồ mà chính quyền thường nại cớ để bóp họng tự do ngôn luận.
Trong thực tế, Luật An Ninh Mạng không chỉ nhắm riêng những ai sử dụng mạng xã hỗi mà toàn bộ các tư nhân và các công ty truy cập Internet. Ví dụ, những công ty cho thuê dịch vụ trực tuyến bị bó buộc phải cung cấp cho chính quyền, khi được hỏi, các dữ liệu cá nhân của khách hàng, kể cả chương mục ngân hàng, giữ chỗ khách sạn, mua vé di chuyển hay mua sắm bằng trực tuyến.
Ông Võ Văn Ái cho biết : “Khả năng của Luật này trao cho chính quyền toàn quyền hành động kiểm soát, điều hành, bí mật theo dõi, và lần vết hành vi bất cứ ai, người Việt hay người nước ngoài, để biết họ làm gì, nghĩ gì”.
Trong phần kết luận, ông Ái kêu gọi Hội đồng Nhân quyền LHQ mạnh mẽ tố cáo Việt Nam sử dụng bạo lực, và áp lực Việt Nam “trả tự do tức khắc cho những người biểu tình bị bắt, và truy tố công an và cán bộ an ninh đã hành hung, bắt giam tuỳ tiện hoặc đối xử tàn bạo trong thời kỳ tạm giam”.
Ông Võ Văn Ái cũng thúc giục Việt Nam nhanh chóng gửi lời mời các Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm tự do biểu đạt và ngôn luận, đặc nhiệm tự do biểu tình và lập hội, đặc nhiệm bảo vệ người đấu tranh cho nhân quyền, đến thăm và chứng kiến tại chỗ hiện tình Việt Nam.