GENÈVE, ngày 27 tháng 9 năm 2024 (VCHR) – Tại khoá họp lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Điện Quốc Liên ở Genève hôm nay, nhân danh hai tổ chức Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) bà Penelope Faulkner, Chủ tịch VCHR, cho biết rằng “hành động trả thù đối với các nhà bảo vệ nhân quyền, sự tồn tại của tù nhân chính trị, và sự đàn áp các thành viên của xã hội dân sự và các nhóm tôn giáo chưa đăng ký là có thực [tại Việt Nam]. Thực tế này không phải là “những đánh giá không chính xác và vô căn cứ” như Hà Nội tuyên bố.”
Trong lời phát biểu hôm nay, bà Faulkner bình luận về báo cáo của cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) lần thứ 4 của Việt Nam hồi tháng năm 2024, mà Hội đồng Nhân quyền LHQ xem xét tại khóa họp lần thứ 57 để thông qua. Các quốc gia thành viên LHQ đã đưa ra 320 khuyến nghị. Trong số này, Việt Nam cho biết đã chấp nhận 271 khuyến nghị (85%) với 253 khuyến nghị “được chấp nhận hoàn toàn” và 18 khuyến nghị “được chấp nhận một phần”. Tuy nhiên, 49 khuyến nghịrọng đại đưa ra những hành động cải thiện nhân quyền nhanh chóng và cụ thể đã bị chính quyền Cộng sản Việt Nam dứt khoát từ chối.
Bà Faulkner đưa lời nhận xét cho Hội đồng Nhân quyền LHQ rằng : “Việc chính quyền VN chấp nhận toàn bộ hoặc một phần 85% các khuyến nghị của UPR là một sự lừa phỉnh. Sự quỷ quyệt đã phơi bày và việc Hà Nội bác bỏ nhiều khuyến nghị liên quan đến các quyền dân sự và chính trị quan trọng là một vấn đề rất đáng lo ngại”. Bà cho biết hành vi của chính phủ Việt Nam trong quá trình UPR lần thứ 4 “không phù hợp với tư cách là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ và cho thấy chính phủ Việt Nam quyết tâm theo đuổi con đường đàn áp xã hội dân sự độc lập thêm một chu kỳ UPR khác”.
49 khuyến nghị bị Việt Nam bác bỏ bao gồm lời kêu gọi của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nhằm:
- chấm dứt việc bắt bớ và giam giữ tùy tiện những người bảo vệ nhân quyền, những người bất đồng chính kiến và các nhà báo (Na Uy)
- trả tự do cho những người bị cầm tù vì thực thi quyền tự do ngôn luận, lập hội hoặc hội họp (Thụy Sĩ)
- điều tra các mối đe dọa và trả thù những người bảo vệ nhân quyền (Argentina)
- thiết lập một cơ chế quốc gia để giám sát các nhà tù và trại giam nhằm ngăn chặn sự tra tấn, ngược đãi và hình phạt tàn bạo đối với tù nhân (Peru)
- đảm bảo xét xử công bằng (Hà Lan)
- xóa bỏ mọi hạn chế pháp lý đối với quyền tự do biểu đạt, ngôn luận và truy cập Internet (Estonia)
- chấm dứt việc ép buộc từ bỏ đức tin đối với các tín đồ của những nhóm tôn giáo chưa đăng ký (Hoa Kỳ)
- tăng cường môi trường lành mạnh cho mọi hoạt động của xã hội dân sự (Slovakia) và
- chính thức thừa nhận “người bản địa” tại Việt Nam (Costa Rica, Mexico).
Việt Nam cũng bác bỏ các khuyến nghị sửa đổi Luật An ninh mạng, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và Bộ luật Hình sự để phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế; gửi lời mời thường trực tới tất cả những Báo cáo viên LHQ đến thăm Việt Nam; sửa đổi các luật hạn chế quyền đình công; giảm số lượng tội phạm có thể bị kết án tử hình, công bố minh bạch số liệu về việc thi hành án tử hình và khởi xướng một cuộc tranh luận công khai nhằm bãi bỏ án tử hình trong tương lai.
VCHR đặc biệt quan ngại về việc Việt Nam bác bỏ khuyến nghị của 10 quốc gia nhằm sửa đổi hoặc bãi bỏ các điều khoản mơ hồ về “an ninh quốc gia” trong Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể là các điều 109, 116, 117 và 331, thường được sử dụng để bắt giữ và truy tố người bảo vệ nhân quyền và các xã hội dân sự. Việt Nam cho rằng những khuyến nghị này “không phù hợp” và sẽ “không có kế hoạch xem xét” các điều này trước chu kỳ UPR tiếp theo vào năm 2028.
Bà Faulkner nhận xét rằng: “Các điều khoản của cái gọi là “an ninh quốc gia” chính là nền móng cho chính sách đàn áp của chính quyền. Chừng nào các điều khỏan này còn tồn tại, người Việt sẽ không bao giờ được bảo đảm nhân quyền, và các nhà hoạt động xă hội dân sự sẽ phải sống mãi mãi trong bầu không khí sợ hãi.”
Bà cho Hội đồng Nhân quyền LHQ biết là từ đầu tháng Giêng 2024 đến hôm nay, 45 nhà bảo vệ nhân quyền, nhà báo, tín đồ tôn giáo và các nhà hoạt động xã hội dân sự đã bị bắt và/hoặc bị kết án vì thực thi ôn hòa quyền tự do ngôn luận, tôn giáo, hiệp hội hoặc hội họp. 26 người, trong đó có 4 phụ nữ, bị kết án tổng cộng hơn 153 năm tù. 24 người bị truy tố theo các điều 331, 117, 116 và 109. Chỉ có hai trương hợp khác là người Thượng Y Quynh Bdap, bị kết án 10 năm tù vì tội “khủng bố”, và chuyên gia năng lượng Ngô Thị Tố Nhiên, bị kết án 3 năm rưỡi tù với cáo buộc “tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ” (Điều 342 Bộ luật Hình sự). Vụ án của bà Nhiên là vụ mới nhất trong một cuộc trấn áp đáng lo ngại đối với những người bảo vệ quyền môi trường và các nhà hoạt động về biến đổi khí hậu.
Bà Faulkner cũng bày tỏ mối lo âu về thảm cảnh của luật sư môi trường Đặng Đình Bách, người bị kết án 5 năm tù tại phiên tòa xét xử bất công với tội danh “trốn thuế” mang động cơ chính trị. Ông Bách hiện bị giam giữ trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt tại nhà tù khét tiếng số 6 ở tỉnh Nghệ An, bị tước đoạt các quyền cơ bản và bị quan chức nhà tù đối xử thật tồi tệ và bất công. Các nhà hoạt động nổi bật khác bị kết án vào năm 2024 bao gồm Nguyễn Chí Tuyên (Anh Chí), Nguyễn Vũ Bình (5 và 7 năm tù) và Trương Huy San (Osin Huy Đức) hiện đang chờ xét xử. Vào ngày 21 tháng 9 năm 2024, gần 100 học giả và nhà báo quốc tế nổi tiếng đã ký Thư ngỏ kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Huy Đức.
Phiên họp thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, khai mạc vào ngày 9 tháng 9 và kéo dài đến ngày 9 tháng 10, đã được đánh dấu ngay từ đầu bằng một loạt tuyên bố chỉ trích tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Trong phiên khai mạc, Cao ủy Nhân quyền Volker Turk quan ngại việc Việt Nam có hành vi “đàn áp các nhà hoạt động.” Đại sứ Liên Âu Lotte Knudsen cũng bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc của Liên Âu trước không gian ngày càng thu hẹp của xã hội dân sự ở Việt Nam và việc tiếp tục bắt giữ những người bảo vệ nhân quyền và các chuyên gia về quyền lao động và môi trường”. Bà kêu gọi Việt Nam “đảm bảo rằng xã hội dân sự có thể tự do tham gia vào mọi khía cạnh phát triển” và “trả tự do cho tất cả những người bị cầm tù vì đã bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa”.
Một ngày sau, trong báo cáo thường niên về sự kiện những người công tác với các cơ chế của LHQ bị trả thù, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền (OHCHR) bày tỏ lo ngại rằng “các tổ chức xã hội dân sự [ở Việt Nam] đã bị kiềm chế không công khai tham gia với các cơ quan nhân quyền của LHQ… do sợ bị trả thù”. Hệ quả là số lượng các báo cáo về nhân quyền của các tổ chức xã hội dân sự bị giảm sút, “đặc biệt trong chu kỳ thứ 4 của UPR”. Quả thực, đại diện VCHR tham dự phiên họp UPR của Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua nhận thấy không có tổ chức xã hội dân sự nào đến từ Việt Nam, trái với các chu kỳ UPR trước đó. Các nhà hoạt động ở Việt Nam nói riêng với VCHR rằng họ đã tẩy chay phiên họp do bị chính quyền Việt Nam đe dọa và áp lực.
Vào ngày 18 tháng 9, trong phúc trình với Hội đồng Nhân quyền về chuyến viếng thăm Việt Nam của ông vào tháng 11 năm 2023, Báo cáo viên Đặc biệt về quyền phát triển, Surya Deva, bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về “việc bắt giữ và kết án một số người bảo vệ nhân quyền môi trường với tội danh như trốn thuế.” Ông cũng lấy làm tiếc về việc “sử dụng có chọn lọc” các điều 117 và 331 Bộ luật Hình sự “nhằm vào những tiếng nói chỉ trích các quyết định, chính sách của chính phủ”.
Lời phát biểu của Bà Penelope Faulkner, Chủ tịch VCHR,
trước Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày 27 tháng 9 năm 2024
Thưa Bà Phó Chủ tịch,
FIDH và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam vô cùng lo ngại trước hành vi của chính phủ Việt Nam trong quá trình Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) lần thứ tư về Việt Nam. Hành vi này không phù hợp với tư cách là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và cho thấy chính phủ Việt Nam quyết tâm theo đuổi con đường đàn áp xã hội dân sự độc lập thêm một chu kỳ UPR khác.
Việc chính quyền VN chấp nhận toàn bộ hoặc một phần 85% các khuyến nghị của UPR là một sự lừa phỉnh. Sự quỷ quyệt đã phơi bày và việc Hà Nội bác bỏ nhiều khuyến nghị liên quan đến các quyền dân sự và chính trị quan trọng là một vấn đề rất đáng lo ngại.
Các khuyến nghị kêu gọi sửa đổi hoặc bãi bỏ các điều luật, bao gồm Điều 117 và 331 của Bộ luật Hình sự, vốn thường được sử dụng để trừng phạt các cá nhân vì việc thực hiện các quyền tự do ngôn luận, hội họp, tụ tập ôn hòa và tự do tín ngưỡng của họ, đã không được chấp nhận.
Những điều khoản của cái gọi là “an ninh quốc gia” được dùng làm nền tảng cho việc đàn áp của chính quyền VN. Kể từ tháng Giêng, ít nhất 26 người, bao gồm bốn phụ nữ, đã bị kết án tù lên đến 14 năm trong các phiên tòa xét xử bất công và xuất phát từ động cơ chính trị. Hầu hết họ đều bị kết tội theo Điều 117 và 331.
Chúng tôi lo ngại về việc chính quyền VN từ chối chấp nhận tất cả các khuyến nghị về việc trả tự do cho các cá nhân, bao gồm các nhà bảo vệ nhân quyền, những người đã bị tước đoạt tự do vì thực hiện quyền hạn của mình.
Các hành động trả thù đối với các nhà bảo vệ nhân quyền, sự tồn tại của tù nhân chính trị, và sự đàn áp các thành viên của xã hội dân sự và các nhóm tôn giáo chưa đăng ký là có thực. Thực tế này không phải là “những đánh giá không chính xác và vô căn cứ” như Hà Nội tuyên bố.
Sự quấy rối đối với các nhà bảo vệ nhân quyền và gia đình của họ vẫn tiếp diễn không ngừng. Nhà nước hiện đang giam giữ khoảng 200 tù nhân chính trị, và có thể sẽ có thêm người bị bắt giữ, trong đó có Y Quynh Bdap, nhà bảo vệ nhân quyền người Thượng và người xin tị nạn, nếu Hà Nội thành công trong nỗ lực dẫn độ ông từ Thái Lan.
Mặc dù chính quyền VN khẳng định rằng họ đang “thực hiện nghiêm túc” các quy định của Công ước Chống Tra tấn, nhưng các tù nhân chính trị ở VN vẫn phải chịu đựng những điều kiện khắc nghiệt, bao gồm việc giam giữ biệt lập kéo dài và thiếu chăm sóc y tế đầy đủ, điều này được xem như đồng nghĩa với tra tấn hoặc đối xử tàn bạo.
Chính quyền VN cũng từ chối chấp nhận gần như tất cả các khuyến nghị liên quan đến án tử hình. Cam kết của họ về việc giới hạn áp dụng án tử hình đối với “những tội nghiêm trọng nhất” và tuyên bố rằng hình phạt tử hình ở Việt Nam “luôn tuân thủ nghiêm ngặt với ICCPR” thật mâu thuẫn với những trường hợp đang diễn ra về việc áp dụng án tử hình cho các tội phạm tài chính, rõ ràng vi phạm trắng trợn Điều 6 của ICCPR.
Chúng tôi kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc gây sức ép buộc chính phủ Việt Nam phải trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị, giải quyết các vi phạm nhân quyền kéo dài dai dẳng, chấm dứt tình trạng miễn trừ trách nhiệm đối với các hành vi lạm dụng, và tiến hành các cải cách pháp lý, thể chế, và dân chủ cần thiết.
Xin cảm ơn Bà Phó Chủ tịch.