PARIS, ngày 13.02.2017 (PTTPGQT) – “Câu Chuyện Cuối Tuần” là một đề mục của Đài Phật giáo Việt Nam phát thanh về trong nước mỗi thứ sáu hàng tuần, trình bày vấn đề Phật Pháp & Thời luận do ký giả Triều Thanh phụ trách.
Hôm nay xin mời bạn đọc theo dõi bài “Đức tính Vô Uý trong bức Thông điệp Xuân của Đức Tăng Thống, chép lại từ chương trình Đài Phật giáo Việt Nam phát thanh hôm thứ sáu 3-02-2017 vừa qua :
Triều Thanh : Thưa ông Võ Văn Ái, Câu chuyện Cuối Tuần hôm nay xin được xem như Câu Chuyện Đầu Xuân, vì chúng ta gặp gỡ nhau trong những ngày Tết Nguyên đán. Hơn nữa, câu chuyện sẽ đề cập đến bức Thông điệp Xuân Đinh Dậu năm nay của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ. Ông có đồng ý như vậy không ?
Võ Văn Ái : Được chứ. Với tôi, lúc nào cũng là Xuân, lúc nào cũng là sự bắt đầu những công trình. Vạn vật vô thường, nên chúng ta phải hóa giải các điểm vô thường cho nó bình thường.
Triều Thanh : Nhìn chung các bức Thông điệp Xuân trong các năm trước, qua đó, Đức Tăng Thống luôn nhắc tới hoàn cảnh Pháp nạn và Quốc nạn của Giáo hội và đất nước. Có khi Ngài dùng thơ hay kinh sách nhắc nhở người Phật tử trong và ngoài nước áp dụng giáo lý của Đức Thế Tôn vào cuộc sống hằng ngày trước xã hội tan vỡ ngày nay. Nhưng năm nay, Ngài nhấn mạnh đến đức tính Vô Úy. Xin ông cho biết sự kiện này mang ý nghĩa gì ?
Võ Văn Ái : Ở vào thời đại mà thế giới đắm chìm trong nạn khủng bố, đất nước đắm chìm trong nạn độc tài, lấy công an trị làm sinh hoạt nước, hầu hết 90 triệu dân ngày đêm sống trong sự sợ hãi, thì tôi nghĩ không gì thích hợp hơn khi Đức Tăng Thống nhấn mạnh tới đức tính Vô Úy của đạo Phật.
Thông điệp Xuân Đinh Dậu ngắn gọn nhưng súc tích. Chất đạo thâm huyền, cung cấp cho chúng ta những phương hướng áp dụng diệu kỳ, biến sự nghẽn lối thành thông lộ thênh thang của Phật Pháp. Một sự khai mở tính Phật trước cuộc thế hung tàn và rối ren. Toàn văn Thông điệp Xuân chỉ gồm 516 chữ, mà đức tính Vô Úy được nhắc tới 8 lần.
Triều Thanh : Đức Tăng Thống giải thích nghĩa kinh như thế nào qua 8 lần nhắc nhở đức tính Vô Úy, thưa ông ?
Võ Văn Ái : Ở đây ngài Quảng Độ không giải thích kinh sách về đức tính Vô Úy. Đức tính Vô Úy được ngài nêu ra làm nền tảng cho 8 sự kiện huy hoàng của Phật giáo Việt Nam.
Thứ nhất, đức tính Vô Úy là nền tảng cho sự thánh hóa cái Sống của Chánh pháp trong công cuộc phục vụ dân tộc và nhân loại ;
Thứ hai, đức tính Vô Úy là nền tảng của sức mạnh Bất-bạo-động ngăn ngừa khổ đau, ly tán và chết chóc cho nhân sinh ;
Thứ ba, đức tính Vô Úy là nền tảng cho hàng trăm cuộc Kháng chiến Vệ quốc mười thế kỷ đầu Tây lịch, đưa tới nền độc lập dân tộc vào thế kỷ thứ X, thoát ly nạn vong quốc và sự nô lệ Bắc phương ;
Thứ tư, đức tính Vô Úy là nền tảng cho sự ra đời của quốc gia Đại Việt, huy hoàng qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê ;
Thứ năm, đức tính Vô Úy là nền tảng cho sự trường tồn của nền Phật giáo dân tộc, làm tiền đề cho công trình độ sinh và lý tưởng giác ngộ ;
Thứ sáu, đức tính Vô Uý là nền tảng cho Phật giáo đồ trong nước thức dậy hành đạo, sau 42 năm “nín thở qua sông” nhưng vẫn chưa “đáo bỉ ngạn” ;
Thứ bảy, đức tính Vô Úy là nền tảng cho cuộc hoằng dương Chánh Pháp của người Phật tử Việt Nam ở phương Tây ; và
Thứ tám, đức tính Vô Úy là nền tảng cho thực tiễn hành động của Người Phật tử Việt Nam trong năm Đinh Dậu, 2017, mà mục tiêu không gì khác hơn là dấy lên cuộc Vận động Mới cho hòa bình, dân chủ, và phát triển. Hòa bình là sự hóa giải toàn triệt nạn khủng bố toàn cầu, dân chủ là sự hóa giải toàn triệt nạn độc tài toàn trị, và phát triển là đem lại no ấm, hạnh phúc, an lạc cho 90 triệu dân.
Triều Thanh : Tại sao Đức Tăng Tống phải đợi tới năm Đinh Dậu 2017 mới kêu gọi Phật gáo đồ làm cuộc Vận động Mới ?
Võ Văn Ái : Không đâu. Ngài kêu gọi tiến trình vận động Cứu Khổ Trừ Nguy của Phật giáo phải được tiếp tục và phát huy trong thời gian khổn ách hiện tại của dân tộc, và trong không gian xứ Việt ra tới thế giới. Tiến trình này diễn tiến không hề đứt đoạn hơn hai mươi thế kỷ, qua các cuộc vận động sau đây :
Cuộc vận động mười thế kỷ đầu Tây lịch, là Phật hóa xã hội Giao Châu và đôn đốc hàng trăm cuộc Kháng chiến Vệ quốc dẫn tới nền độc lập dân tộc năm 938 qua cuộc chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền.
Cuộc vận động 10 thế kỷ kế tiếp là dựng Văn giữ Nước qua các triều đại Đinh Lê, Lý, Trần, Lê…
Ở thời cận đại, thì Đức Tăng Thống nhắc nhở tới 2 cuộc vận động lớn của Phật giáo trong thế kỷ XX, như Ngài nói : “Cuộc vận động Chấn hưng Phật giáo thập niên 20, đào tạo Tăng tài và phát huy giáo lý. Rồi cuộc vận động thập niên 60 cho tự do tín ngưỡng — bình đẳng tôn giáo — công bằng xã hội”.
Còn cuôc Vận động Mới mà ngài kêu gọi qua Thông điệp Xuân, là sự tiếp bước khai quang của người Phật tử trước thời đại của Ma vương.
Triều Thanh : Xin ông cho biết những kinh sách nào đề cập tới đức tính Vô Úy ?
Võ Văn Ái : Hiển nhiên đạo Phật có những bộ kinh thâm huyền, lập tông, như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Bát nhã, v.v… những bộ kinh quán thế và đánh đổ toàn triệt mọi tà phái. Nhưng đức tính Vô Úy là đạo đức thực hành của người Phật tử.
Như ta biết, Đức Phật thuyết giảng các bộ kinh lớn cho đệ tử Ngài thuộc giới Tăng Ni. Tuy nhiên đối với quần chúng Ấn độ thời đức Phật, thì họ chưa biết tới chân lý giác ngộ của Phật. Quần chúng Ấn đều theo đạo Bà La Môn. Thời đức Phật có tới 99 học phái khác nhau, với sáu vị dẫn đầu các đạo gíao nổi danh.
Cho nên, đối với một quần chúng sơ cơ như vậy, lúc khởi đầu đức Phật chưa đề cập tới những giáo lý cao siêu qua các bộ kinh, mà Ngài chuẩn bị tâm thức quần chúng bằng đạo đức con người. Vì vậy, các bài thuyết giảng cho quần chúng sơ cơ, Ngài nhắc nhở tới hạnh Bố thí. Bố thí giúp khai mở lòng từ bi. Lòng từ bi dẫn dắt người vào lý Vô Ngã. Khi thể hiện được lý Vô Ngã thì lúc ấy mới dễ thâm nhập giáo lý cao siêu của đạo Phật, từ Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo cho đến các bộ kinh lớn ta kể trước đây.
Triều Thanh : Như vậy, bố thí rất quan trọng cho sự nhập đạo của người Phật tử, phải vậy không ?
Võ Văn Ái : Bố thí đứng đầu Lục độ Ba la mật, tức sáu phép đưa ta qua bờ giác ngộ. Có bố thí thì mới có thể trì giới, thâm nhập hạnh nhẫn nhục, không thối chí mà tinh tấn, từ đó bước vào thiền định để đạt trí tuệ bát nhã. Bộ kinh Việt Nam đầu tiên ra đời ở Giao châu khoảng thế kỷ thứ II Tây lịch, được ngài Khương Tăng Hội dịch sang tiếng Hán khi Ngô Tôn Quyền mời ngài sang Trung quốc thuyết giảng giữa thế kỷ thứ III, có tên Lục độ Tập kinh. Kinh này xiển dương hạnh Bồ tát của Đại thừa Phật giáo, gồm 8 quyển nói về Bồ thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ.
Bố thí không phải do mình giàu có, nên vung vãi cho đời những chi mình dư thừa. Bố thí phát khởi từ lòng từ bi, tức hạnh nguyện cho vui và cứu khổ. Nhờ bố thí mà người Phật tử đạt lý Vô ngã, chẳng còn ta và người, người cho và người nhận, mà chỉ có một lòng Từ được thế hiện. Đạt lý Vô Ngã, người Phật tử mới sạch tâm để thâm nhập giáo lý cao cả của đức Phật để thể hiện Giác ngộ.
Hãy nhìn các nước lớn giàu có viện trợ cho các nước chậm tiến. Viện trợ đây là một hình thức bố thí chứ gì ? Phải lắm. Nhưng các viện trợ ấy không thực hiện theo tinh thần bố thí của đạo Phật. Vì các viện trợ ấy hàm chứa những ý đồ chính trị, quyền lợi, phe phái. Bố thí ở đấy là bố thí cho mình, cho quyền lợi tự thân các cường quốc, chứ không bố thí cho nhân dân nghèo khổ tại các quốc gia chậm tiến. Đây là chưa nói tới nạn tham nhũng, tham, sân, si của các ông lớn chính quyền lấy tiền viện trợ bỏ túi cho gia tộc mình.
Trái lại, bố thí trong đạo Phật phát xuất từ lòng từ bi, ở tư thế của lý Vô Ngã. Bố thí là pháp môn giải thoát thân tâm người bố thí ra khỏi mọi tham sân si nơi cõi sống trần tục. Nhờ bố thí mà chân tâm phát lộ tính Phật. Bố thí trong Phật giáo không chỉ trao tặng tài vật, thuốc men gọi là tài thí, mà còn phải bao rộng tới hai lĩnh vực chính yếu của Bố thí, đó là Pháp thí và Vô Úy thí.
Pháp thí là xiển dương Chánh pháp, trao truyền chân lý cho nhân thế để ngăn chận tà pháp huyễn hoặc, lừa dối.
Vô Úy thí là trao tặng sự dũng lược, lòng không sợ hãi để hoá giải mọi khổ ách, áp bức, đọa đày, thức tỉnh con người ra khỏi giấc thụy miên, hèn đớn, tha hóa, dù vô tình hay cố ý. Hình ảnh Ngài Quảng Đức tự thiêu thành ngọn đuốc thắp sáng lương tri thế giới và nhân loại vào một ngày tháng 6 năm 1963, là sự trao tặng đức tính Vô Úy, tức lòng không sợ hãi trước cường quyền bất công. Nhờ vậy, bạo động và bất công đã quy hàng.
Cho nên, Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ tám lần nhắc tới đức tính Vô Úy qua bức Thông điệp Xuân 516 chữ, mang ý nghĩa khai thị cho chư Tăng Ni và Phật tử Việt Nam, cho những ai đang sống trong nơm nớp sợ hãi dưới các chế độ phi pháp và phi Phật Pháp, để mọi người lấy lại lòng dũng cảm và bất khuất, như rũ bùn đứng dậy làm Người giữa trời và đất.
Triều Thanh : Xin cám ơn Cư sĩ Võ Văn Ái và xin hẹn quý thính giả ở Câu Chuyện Cuối Tuần vào thứ Sáu tuần tới, cũng vào giờ phát thanh này.