Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế vừa nhận được từ trong nước gửi ra bản Quyết định mang số 01/VHÐ/QÐ/VT do Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, ký ngày 8.7.2005 chuẩn y thành phần nhân sự Ban Ðại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Quảng Nam – Ðà Nẵng nhiệm kỳ 2005-2007.
Sự kiện gây phấn khởi cho Phật giáo đồ trong nước, là thời gian gần đây, có nhiều Ban Ðại diện các tỉnh gửi đơn trình về Viện Hóa Ðạo xin được công nhận. Chứng tỏ sự phục hồi quyền sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đang diễn ra trong thực tế kể từ Ðại hội Bất thường của Giáo hội tổ chức tại Tu viện Nguyên Thiều ngày 1.10.2003, mặc dù nhà cầm quyền cộng sản liên tục đàn áp, bắt bớ, quản chế hàng giáo phẩm cao cấp và chưa có văn kiện phục hồi quyền pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
So với các Ban Ðại diện tại một số tỉnh miền Trung và miền Nam được Viện Hóa Ðạo chuẩn y trước đây, thì Ban Ðại diện Quảng Nam – Ðà Nẵng lần này là một Ban Ðại diện đầy đủ nhất trên phạm vi nhân sự đảm lãnh các bộ phận sinh hoạt của Giáo hội. Nguyên văn bản Quyết nghị được viết như sau :
– Chiếu Hiến Chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) được tu chính tại Ðại hội Khoáng đại kỳ V ngày 12.12.1973.
– Chiếu Giáo chỉ số 04 ngày 17.7.2003 Ðại hội Bất thường tại Tu viện Nguyên Thiều tỉnh Bình Ðịnh về việc cung thỉnh, bổ sung và kiện toàn nhân sự Hội đồng Lưỡng viện GHPGVNTN.
– Chiếu Biên bản cuộc họp mở rộng tại Chùa Giác Minh ngày 8.5.2005, bầu lại thành phần nhân sự Ban Ðại diện Giáo hội Quảng Nam – Ðà Nẵng.
– Chiếu Văn thư số 105/BÐD/VP ngày 26.6.2005 của Thượng tọa Thích Thanh Quang đệ trình danh sách Ban Ðại diện GHPGVNTN Quảng Nam – Ðà Nẵng nhiệm kỳ 2005-2007.
– Chiếu nhu cầu Phật sự trong việc kiện toàn và phục hồi sinh hoạt GHPGVNTN tại địa phương.
Ðiều 1 : Nay chuẩn y thành phần nhân sự Ban Ðại diện GHPGVNTN Quảng Nam – Ðà Nẵng nhiệm kỳ 2005-2007 như sau :
Chánh Ðại diện : Thượng tọa Thích Thanh Quang
Phó đại diện : Thượng tọa Thích Thiện Tường
Phó Ðại diện : Ðại đức Thích An Chơn
Chánh thư ký : Ðạo hữu Ðoàn Thanh Thông
Phó thư ký : Ðạo hữu Nguyễn Sư Nến
Thủ quỹ : Ðạo hữu Nguyễn Phúc Ngữ
Ðặc ủy Tăng sự : Thượng tọa Thích Thanh Quang (kiêm)
Ðặc ủy Hoằng pháp : Thượng tọa Thích Thiện Tường (kiêm)
Ðặc ủy Giáo dục : Ðại đức Thích Thiện Phúc
Ðặc ủy Từ thiện – Xã hội : Ðạo hữu Nguyễn Quang Ca
Ðặc ủy Cư sĩ : Ðạo hữu Huỳnh Chương
Ðặc ủy Tài chánh : Ðạo hữu Lưu Công Thành
Ðặc ủy Văn hóa : Ðạo hữu Lê Thị Kiều Chinh
Ðặc ủy Kiến thiết : Ðạo hữu Hồ Ðủ
Ðặc ủy Thanh niên : Ðạo hữu Võ Tấn Sáu
Ðiều 2 : Các Quyết định trước đây trái với Quyết định này đều hủy bỏ.
Ðiều 3 : Quý Hòa thượng và Thượng tọa Phó Viện trưởng, Tổng thư ký, Tổng vụ trưởng và Vụ trưởng các Tổng vụ chiếu nhiệm thi hành quyết định này.
Viện trưởng Viện Hóa Ðạo
(ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Ðộ
Nơi nhận :
– Chư Tôn giáo phẩm Hội đồng Lưỡng viện
– VP.2 VHÐ và Quý GHPGHVNTN Hải ngoại
– Ban Ðại diện các Miền, Tỉnh, Thành, Quận trong nước
“để kính tường và liên lạc hỗ trợ Phật sự”
– BÐD Quảng Nam – Ðà Nẵng “để chiếu hành”
– Quý UBND Quảng Nam – Ðà Nẵng “để trình việc”
– Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế tại Paris “để phổ biến”
– VP. VHÐ. Lưu
Sau sự biến Lương Sơn ngày 9.10.2003, 11 vị giáo phẩm cao cấp Hội đồng Lưỡng viện bị bắt và bị quản chế bằng quyết định hoặc bằng khẩu lệnh. Trong số này có Ðại đức Thích Ðồng Thọ là thị giả của Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang. Sau cuộc bắt bớ tùy tiện và trái phép ấy, Ðại đức Thích Ðồng Thọ nhận quyết định quản chế 2 năm và bị bắt buộc phải rời Tu viện Nguyên Thiều đày ra ở một ngôi chùa nhỏ ở Phù Cát.
Ngày 11.7 vừa qua, lúc 13 giờ, công an đến đọc lệnh trả tự do trước thời hạn 3 tháng và cho trở về lại Tu viện Nguyên Thiều ở Bình Ðịnh.
Không ai biết lý do vì sao có sự kiện thả sớm như thế. Dân Bình Ðịnh cho rằng việc trả tự do sớm này cốt tạo dư luận tốt nhằm trấn an sự phẫn nộ của dân Bình Ðịnh trước hai sự kiện mới xẩy ra gần đây. Một là việc cấm phái đoàn Phật giáo Thừa thiên – Huế không được vào Tu viện Nguyên Thiều vấn an Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang hôm 20.6 vừa qua, lại còn chận bắt phái đoàn “làm việc” tại thị trấn Gò Găng một cách phi pháp, cho đến hôm sau, 21.6, mới áp giải phái đoàn về lại Huế gây tai tiếng lớn trên công luận quốc tế cũng như tại địa phương. Sự kiện thứ hai xẩy ra kế tiếp đó, là vụ công an rượt đuổi bắt xe Honda thiếu kính chiếu hậu làm tông chết một người và một người bị trọng thương trên xe. Nhân dân bất mãn đã tuôn ra chận đánh công an. Hai bên xô xác trên quốc lộ 19 cách cầu Bà Gi 10 cây số. Nhân cạnh đấy có một xe chở đá cục làm móng nhà, nhân dân đã sử dụng đá làm vũ khí tấn công công an và bộ đội đến tăng cường. Trong cuộc xô xác này, mấy chục công an và bộ đội bị thương. Trước sự kiện thô lỗ và bạo động do công an khởi sự làm cho dân chúng phẫn nộ tấn công, nhà đương quyền Bình Ðịnh đã phải đến nhà các nạn nhân công an tông xe để xin lỗi mới tạm yên.
Nhưng cũng có dư luận khác cho rằng, do áp lực của Hoa Kỳ thông qua việc ghi danh Việt Nam vào danh sách “các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm”, tiếp đến bản Quan điểm 18/2005 của LHQ gửi về Hà Nội hôm 6.6.2005 tố giác nhà cầm quyền Hà Nội bắt bớ và giam cầm trái phép hàng giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, vì vậy mới có sự trả tự do sớm cho Ðại đức Thích Ðồng Thọ.
Vấn đề đặt ra, là cuộc trả tự do này mở đầu cho một chuỗi trả tự do khác cho Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ và chín vị giáo phẩm khác. Hay đây chỉ là một hành động cốt “lấy điểm” với Hoa Kỳ và LHQ, để một lần nữa, đánh lừa thế giới qua một vài nhượng bộ nhỏ. Nhưng đại quan vẫn tiếp tục giam cầm hàng lãnh đạo cao cấp, vẫn không chịu phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.