NEW YORK, ngày 1.10.2007 (QUÊ MẸ) – Trong bản tuyên bố phát biểu trước 100 Ngoại trưởng thuộc Cơ cấu Dân chủ LHQ (UN Democracy Caucus) tại Đại hội đồng LHQ hôm nay ở New York, 1.10.2007, “Ban Lãnh đạo Quốc tế của Tiến trình Phi chính phủ” thuộc “Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ” lên tiếng kêu gọi các quốc gia dân chủ trong thế giới không bỏ phiếu cho Libya và Việt Nam làm thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an LHQ. Hai quốc gia này có tên trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2008-2009. Mặc dù cả hai quốc gia được xem như “sạch sẽ” (clean-state trong nghĩa không bị chống đối), Libya và Việt Nam cần có 2/3 phiếu thuận tại phiên Đại hội đồng LHQ lần thứ 62 năm nay mới được làm thành viên không thường trực. Cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào ngày 16.10 sắp tới (1).
“Ban Lãnh đạo Quốc tế của Tiến trình Phi chính phủ” thuộc “Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ” biểu tỏ “sự cực kỳ quan tâm nếu các quốc gia phi dân chủ như Libya và Việt Nam đệ đơn xin làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ cho nhiệm kỳ hai năm 2008-2009, khi vẫn tiếp diễn những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại nước mình. “Ban Lãnh đạo Quốc tế của Tiến trình Phi chính phủ” yêu cầu Cơ cấu Dân chủ LHQ bảo đảm rằng các quốc gia đệ đơn vào Hội đồng Bảo an phải tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền cơ bản của LHQ, và kêu gọi các thành viên quốc gia thuộc Cơ cấu Dân chủ LHQ không bỏ phiếu cho Libya và Việt Nam”.
“Ban Lãnh đạo Quốc tế của Tiến trình Phi chính phủ” là các xã hội dân sự trong các “Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ” bao gồm toàn thể các quốc gia dân chủ hay đang tiến hành dân chủ họp mặt tại thủ đô Warsaw năm 2000 trong một diễn đàn nhằm tăng cường hợp tác quốc tế cho sự thăng tiến dân chủ và nhân quyền. Các quốc gia thành viên thuộc “Cộng đồng các quốc gia dân chủ” thành lập Cơ cấu Dân chủ LHQ (UN Democracy Caucus) để điều hợp quan điểm chung trên lĩnh vực dân chủ và nhân quyền tại LHQ, và cùng với Qũy Dân chủ LHQ hậu thuẫn cho các dự án của các xã hội dân sự nhằm dân chủ hóa toàn cầu.
Ông Võ Văn Ái là thành viên trong “Ban Lãnh đạo Quốc tế của Tiến trình Phi chính phủ” thuộc “Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ”, là Chủ tịch Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam, tham dự gặp gỡ và phát biểu trước 100 Ngoại trưởng thuộc Cơ cấu Dân chủ LHQ (UN Democracy Caucus) tại Đại hội đồng LHQ hôm nay ở New York, 1.10.2007. Ông Ái hoan nghênh sự lên tiếng hậu thuẫn của “Ban Lãnh đạo Quốc tế của Tiến trình Phi chính phủ” thuộc “Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ” khi nói rằng : “Việt Nam đi tìm sự chính thống quốc tế trong khi vẫn trắng trợn chà đạp nhân quyền tại nước mình. Cơ cấu Dân chủ LHQ không thể nào chấp nhận sự cố tâm lừa dối tại diễn đàn quốc tế này”.
Nhân dịp gặp gỡ này tại Đại hội đồng LHQ ở New York, ông Võ Văn Ái cho công bố bức Thư Ngỏ gửi ông Tổng Thư ký LHQ, Ban Ki-moon, và các quốc gia thành viên LHQ. Bức Thư ngỏ được “Ban Lãnh đạo Quốc tế của Tiến trình Phi chính phủ” thuộc “Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ” hậu thuẫn cùng với trên một trăm chữ ký của các tổ chức đấu tranh lỗi lạc cho dân chủ và nhân quyền, các Dân biểu Quốc hội và nhân sĩ quốc tế thuộc 30 quốc gia Á châu, Âu châu, Hoa Kỳ và Phi châu. Bức thư Ngỏ trình bày thảm trạng nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam và kêu gọi không bỏ phiếu cho Việt Nam Cộng sản.
Thư Ngỏ nêu ra các tiêu chuẩn trong Hiến chương LHQ để được bầu vào Hội đồng Bảo an LHQ : “Sự đóng góp của các quốc gia thành viên cho tổ chức LHQ giữ gìn hòa bình thế giới và an ninh cùng các mục tiêu của tổ chức”. Những người ký tên hậu thuẫn Thư Ngỏ đều xác định : “Việt Nam không đủ tư cách và điều kiện cho hai mục tiêu này”.
“Nghĩa vụ tối thiểu của các quốc gia thành viên LHQ là duy trì những nguyên tắc gìn giữ trong Hiến chương LHQ, và tuân thủ các chuẩn mực và quy tắc nhân quyền. Quốc gia nào mong muốn làm thành viên Hội đồng Bảo an LHQ phải có trách vụ đặc biệt hoàn thành các trách vụ gắn kết này” là lời bức Thư Ngỏ viết, nhưng xác nhận rằng trái với các tiêu chuẩn ấy, Việt Nam còn vi phạm nghiêm trọng các công ước nhân quyền như Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị và Công ước về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa mà Việt Nam tham gia ký kết năm 1982, nhung lại “từ khước mọi cuộc đối thoại với các cơ quan nhân quyền LHQ”.
Mặc “các lời khuyến cáo khẩn cấp và liên tục” của các cơ quan LHQ, Việt Nam tiếp tục bắt giam bất cứ ai cất lời phê bình ôn hòa dưới điều luật mơ hồ về “an ninh quốc gia” trong các Bộ luật Hình sự Việt Nam. Các điều luật này “không phân biệt giữa các hành vi bạo động như khủng bố với các hành xử ôn hòa của sự tự do ngôn luận”, và “kết tội những hành xử ôn hòa cho nhần quyền”. Bảy trong các thứ tội này có thể bị tử hình.
Bức Thư Ngỏ cho biết Việt Nam áp dụng các điều luật mơ hồ về “an ninh quốc gia” để “trừng trị thẳng tay các nhà ly khai” bao gồm “những nhà đấu tranh cho nhân quyền, các tín đồ tôn giáo, những nhà hoạt động cho dân chủ, những nhà sử dụng Internet, ký giả và các nhà hoạt động công đoàn”. Các vị này bị bắt giam chỉ vì lý do “phổ biến những kiến nghị đòi hỏi cho dân chủ và nhân quyền”. Trong một loạt xét xử bất công từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2007, hai mươi nhà đấu tranh cho dân chủ đã lãnh án tổng cộng 80 năm tù và 30 năm quản chế vì những hoạt động ôn hòa.
Những người ký tên Thư Ngỏ cũng chê trách Việt Nam đã sử dụng bạo động một cách quy mô để đàn áp phong trào nông dân khiếu kiện, gọi là tập thể Dân Oan, phản đối sự lạm dụng quyền bính và việc Nhà nước cướp đất nông dân. Tại Việt Nam nông dân chiếm 74% dân số 83 triệu người và chiếm 75% dân số lao động 45 triệu người. “Phong trào nông thôn phản kháng đang bùng nổ lớn rộng”, theo số liệu của Nhà nước đã có 2 triệu đơn khiếu kiện trong vòng 10 năm qua. Thay vì giải quyết vấn đề, Việt Nam đàn áp các cuộc biểu tình trước các công sở, khủng bố và bắt bớ người đi khiếu kiện.
Bức Thư Ngỏ cũng nói lên mối bức xúc trước hiện tình của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, nhà ly khai nổi tiếng được đề cử làm ứng viên Giải Nobel Hòa bình năm 2007. Hòa thượng đang bị các cơ quan truyền thông đại chúng và báo chí vu cáo trắng trợn vì Hòa thượng mở chiến dịch cứu trợ tập thể Dân Oan vào trung tuần tháng 7 vừa qua. Vị lãnh đạo số hai của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị báo chí nhà nước tố cáo là “xúi giục nhân dân biểu tình chống chính phủ” và “phá rối trật tự công cộng”. “Triệu chứng xấu trong chiến dịch vu cáo này khiến chúng tôi lo sợ như màn giáo đầu một cuộc đàn áp khốc liệt sắp xẩy tới”, bức Thư Ngỏ viết và nhắc nhở rằng “Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ hiện đang bị quản chế không thông qua một án lệnh nào tại Thanh Minh Thiền viện ở thành phố Hồ Chí Minh và đã trải qua trên 26 năm tù đày chỉ vì lên tiếng ôn hòa cho tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền”.
Bức Thư Ngỏ kết luận bằng lời kêu gọi các quốc gia thành viên tại Đại hội đồng LHQ lần thứ 62 ở New York :
“Chúng tôi tin rằng một chính quyền đang gây tạo sự bất an trên đất nước mình bằng cách sử dụng bạo lực và đàn áp người công dân đòi hỏi ôn hòa các ngưỡng vọng và các quyền chính đáng, không thể nào gìn giữ hòa bình và an ninh thế giới.
“Do đó, chúng tôi kêu gọi quý liệt vị không bỏ phiếu cho Việt Nam làm thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an LHQ, và tìm kiếm một quốc gia Á châu khác cho chiếc ghế này. Việt Nam không thể được chọn lựa vào Hội đồng Bảo an LHQ bao lâu chưa chịu cam kết trong thời gian ấn định những bước tiến sau đây :
Ø “trả tự do tức khắc cho tất cả những ai bị giam giữ vì hành xử ôn hòa cho các quyền chính đáng của họ trên phạm vi ngôn luận, tôn giáo, hội họp hay lập hội, đặc biệt là hai nhà lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Đức Tăng thống Thích Huyền Quang, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Linh mục Nguyễn Văn Lý và hai Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân ;
Ø “phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và chấm dứt mọi cuộc đàn áp đối với các thành viên thuộc các cộng đồng tôn giáo chưa được thừa nhận như Phật giáo, Hòa Hảo, Cao Đài và Tin Lành ;
Ø “thi hành các khuyến cáo của Ủy ban Nhân quyền LHQ (năm 2002) để cải tiến các điều luật “an ninh quốc gia” trong Bộ luật Hình sự và hủy bỏ tất cả các sắc luật kềm chế những hoạt động nhân quyền; hủy bỏ tức khắc Pháp lệnh 44 về quản chế hành chính, cho phép công an quản chế tới hai năm các nhà ly khai mà không thông qua tòa án hoặc cho phép giam giữ họ trong các bệnh viện tâm thần ;
Ø “tuân thủ toàn triệt các cơ chế nhân quyền LHQ, bắt đầu bằng việc mời các vị Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm Tự do ngôn luận, Tự do Tôn giáo và Tổ hành động chống bắt bớ trái phép đến kiểm tra tại chỗ ở Việt Nam; và
Ø “bãi truất án tử hình tại Việt Nam.
Sau đây là tên và chức vụ những người ký tên hậu thuẫn bức Thư Ngỏ của Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam :
Nina Shea, Giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo, The Hudson Institute, Ủy viên thuộc Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới; Theodore Piccone, Giám đốc Điều hành, Democracy Coalition Project; Richard Rowson, Chủ tịch, Hội đồng thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ; Morton H. Halperin, Viện Open Society; Võ Văn Ái, Chủ tịch Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam; Arne Liljedahl Lynngård, Chủ tịch, Sáng hội Rafto, Nauy; Roel Von Meijenfeldt, Giám đốc Điều hành, Viện Đa nguyên Dân chủ Hòa Lan; Oumar Makalou, Tổng thư ký Điều hành, Tiến trình Phi chính phủ thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, Mali; Jennifer Windsor, Giám đốc Điều hành, Freedom House; Marco Pannella, Dân biểu Quốc hội Châu Âu; Marco Cappato, Dân biểu Quốc hội Châu Âu; Donatella Poretti, Dân biểu Quốc hội Ý đại lợi; Bruno Mellano, Dân biểu Quốc hội Ý đại lợi, Marco Beltrandi, Dân biểu Quốc hội Ý đại lợi; Maurizio Turco, Dân biểu Quốc hội Ý đại lợi, Sergio D’Elia, Dân biểu Quốc hội Ý đại lợi; Ilona Mihaies, Giám đốc Điều hành, Trung tâm Âu châu cho Dân chủ, Romania; Hannah Forster, Giám đốc, Trung tâm Phi châu cho Dân chủ và Nhân quyền, Gambia; Dieudonné Zognong, Giám đốc, Sáng hội Humanus, Cameroon; Robert LaGamma, Giám đốc Điều hành, Hội đồng thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ; Han Dong Fang, Giám đốc, Tập san Công đoàn Trung quốc, Hong Kong; Xiao Qiang, Giám đốc, China Internet Project; Urgen Tenzin, Giám đốc, Trung tâm Nhân quyền và Dân chủ Tây Tạng, Dharamsala; Weng-chen Lin, Chủ tịch, Đài Loan Dân chủ Cơ kim hội; Debbie Stothard, Ủy ban Thường vụ, Diễn Đàn Dân chủ hóa Á châu; Khin Ohmar, Giám đốc, Mạng lưới Dân chủ và Phát triển, Miến Điện; Dolkun Isa, Nghị hội Thế giới Uyghur; Somchai Homalor, Liên hiệp Bảo vệ các Nhà đấu tranh cho Nhân quyền, Thailand; Chee Siok Chin, Giám đốc Điều hành, Liên minh Cải cách và Dân chủ Á châu, Singapore; Matteo Meccaci, Phó giám đốc Thường vụ, Đảng Cấp tiến Bất bạo động, Liên quốc và Liên đảng, Ý Đại lợi; Bo Tedards, Điều hợp viên, Diễn Đàn Dân chủ hóa Á châu; Augusto Miclat, Giám đốc Điều hành, Quốc tế Ðối thoại Xướng nghị Tổ chức, Phi Luật Tân; Yap Swee Seng, Giám đốc Điều hành, SUARAM, Malaysia; Attorney Florencio B. Abad, Phó chủ tịch, Đảng Tự do, Philippines; Tian Chua, Đảng Công lý Nhân dân, Malaysia; Zanaa Jurmed, Giám đốc, Trung tâm Liên minh Công dân, Mongolia; Dr. Paul Scott, Giáo sư, Chương trình Nghiên cứu Á châu, Đại học Kansai Gaidao, Nhật Bản; Dr. Ash Narain Roy, Viện Khoa học Xã hội, Ấn Độ; Sarwar Bari, Chủ tịch, Tổ chức Pattan Development, Pakistan; Subodh Raj Pyakurel, Chủ tịch, Trung tâm Thông tin, Nepal; Chalida Tajaroensuk, Điều hợp viên, Lực lượng Nhân dân, Thailand; Dr. Hong Seong-phil, Giám đốc, Liên minh Công dân cho Nhân quyền Bắc Hàn; Joseph Yu-shek Cheng, Giáo sư Chính trị học, Đại học Hong Kong; Sheng Xua, Phó chủ tịch, Liên hiệp Dân chủ Trung quốc; Mani Sinhbandith, Trung tâm Thống nhất Hành động Lào; M. Ravi, Luật sư Nhân quyền, Singapore; Thượng tọa Katsuyuki Imoto, Tứ phương Tăng, Nhật Bản ; Đại đức Dim Chetta, Tứ phương Tăng, Cam Bốt; Thượng tọa Thích Viên Lý, Tổng Thư ký, Văn phòng II Viện Hóa Đạo, Hoa Kỳ; Thượng tọa Thích Giác Đẳng, Giáo hội Phật giáo Theravada Việt Nam; Luie Guia, Libertas, Philippines; Sareme Sundara, Lao Fund; Lambert Ramirez, Viện Quốc gia Nghiên cứu Chính trị, Philippines; Tsung Li Yang, Hội Thanh niên Dân chủ, Đài Loan; Kok Ksor, Chủ tịch, Scott Johnson, Y Duen, Sáng hội Người Thượng; Kh. Naranjargal, Chủ tịch, Globe International, Mongolia; Young Howard, Giám đốc, Open Radio phát sang Bắc Hàn; Schu Sugawara, Chủ tịch, Ủy ban Ký giả Quốc tế, Nhật Bản; Dr. Jarmila Ballaho-Balamo, Tổ chức Phụ nữ Brasil, Phi luật tân; Prof. Octavio A. Dinampo, Tulung Lupah Sug, Philippines; Dr. Samsula J. Adju, Sakayan Mindanao, Inc., Philippines; Maria A. Caber, Liên hiệp các Nhà giáo bảo vệ nhân phẩm, Phi luật tân; Benjamin Reilly, Giáo sư Đại học Quốc gia, Úc; Steve Buttel, Nhân quyền Không Biên giới, Đông Nam Á; Penelope Faulkner, Phó chủ tịch, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam kiêm Thành viên Ủy ban Thường vụ Diễn Đàn Dân chủ hóa Á châu.
(1) 15 thành viên thuộc Hội đồng Bảo an LHQ gồm có 5 thành viên thường trực và 10 ghế dành cho các thành viên không thường trực. Các thành viên không thường trực được bầu cho thời hạn 2 năm. 5 thành viên cho các ghế này bầu cho thời hiệu hai năm 2008-2009 (2 ghế cho Phi châu, 1 ghế cho Châu Mỹ La tinh, 1 ghế cho Á châu, 1 cho Đông Âu). Việt Nam đăng cai cho Á châu. Libya và Burkina Faso ứng viên cho 2 ghế Phi châu. Ghế dành cho Châu Mỹ La tinh (GRULAC) đang được hai nước tranh cử là Costa Rica và Cộng hòa Dominican. Đông Âu cũng có hai nước tranh cử là Croatia và Cộng hòaTiệp.