PARIS, ngày 22.3.2012 (PTTPGQT) – Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới (US Commission on International Religious Freedom) vừa công bố tại Hoa Thịnh Đốn bản Phúc trình về tình hình tôn giáo trong thế giới năm 2012, cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia đàn áp tôn giáo tệ hại nhất trong thế giới cùng với các nước khác như Miến Điện, Trung quốc, Ai Cập, Eritrea, Iraq, Iran, Nigeria, Bắc Triều Tiên, Pakistan, Saudi Arabia, Sudan, Tajikistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Turkmenistan và Uzbekistan. Ủy hội Hoa Kỳ đề nghị chính phủ Hoa Kỳ đặt các quốc gia này vào Danh sách các Quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm (CPC, Countries of Particular Concern) vì “những đàn áp tôn giáo tiếp diễn có hệ thống và thái quá”.
Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới là một định chế tham vấn cho chính phủ Hoa Kỳ về tình hình tôn giáo trên thế giới, được thành lập để thực hiện sắc luật Tự do tôn giáo trên thế giới do Quốc hội Hoa Kỳ thông qua năm 1998, nhằm tham vấn Tổng thống Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao và Quốc hội Hoa Kỳ về chính sách tôn giáo. Kể từ năm 2001, mỗi năm Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới đều thúc đẩy chính phủ Hoa Kỳ đặt Việt Nam vào Danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm (CPC). Việt Nam đã bị đặt vào danh sách CPC trong hai năm 2004 và 2005, nhưng sang năm 2006 được Tổng thống Bush rút tên trước khi ông đến dự Thượng đỉnh APEC tại Hà Nội tháng 11.2006. Theo sắc luật tôn giáo 1998, các quốc gia bị đặt vào danh sách CPC sẽ bị chế tài trên lĩnh vực kinh tế và tài chính.
Trong bản Phúc trình nói trên, chương viết về Việt Nam dài 21 trang, cho biết “chính quyền Việt Nam tiếp tục kiểm soát mọi cộng đồng tôn giáo, hạn chế và trừng phạt nặng nề các tôn giáo không được thừa nhận, và đàn áp các cá nhân hay các nhóm bị xem như thách thức với quyền uy của nhà cầm quyền”. Mặt khác Phúc trình cũng cho biết các vụ đàn áp “gia tăng đáng kể qua những cuộc bắt bớ, giam cầm, và sách nhiễu các nhóm hay cá nhân bị xem như chống đối Đảng Cộng sản” trong 4 năm qua, một khí hậu đàn áp tôn giáo mà qua đó “các cá nhân tiếp tục bị bắt giữ hay giam cầm vì lý do liên quan đến sinh hoạt tín ngưỡng hay đòi hỏi tự do tôn giáo ; những hoạt động của các tôn giáo không được thừa nhận bị xem bất hợp pháp ; sự bảo vệ pháp lý cho những tôn giáo được thừa nhận vừa mơ hồ vừa gắn kết với sự tùy tiện hay kỳ thị so chiếu theo quan điểm chính trị”.
Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới nhận xét rằng “quan hệ Mỹ Việt tăng nhanh trong các năm vừa qua, nhưng chẳng giúp đỡ chi cho sự cải thiện tự do tôn giáo hay nhân quyền tại Việt Nam”. Bản Phúc trình khuyến nghị chính phủ Hoa Kỳ sử dụng cơ chế CPC để áp lực Việt Nam thực hiện những “cải thiện đáng kể”, và áp dụng các chương trình “bảo vệ và hậu thuẫn những ai tìm kiếm ôn hòa cho tự do và pháp quyền tại Việt Nam”.
Bản Phúc trình ghi chi tiết những đối xử tồi tệ đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) là “tôn giáo lớn nhất với trường kỳ lịch sử của những Phật tử hoạt động xã hội và cải tiến đạo đức”. Phúc trình cũng cho biết GHPGVNTN “trực diện qua hàng thập kỷ bị đàn áp, sách nhiễu, chỉ vì đòi hỏi phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý [của Giáo hội]cũng như kêu gọi chính quyền tôn trọng tự do tôn giáo và nhân quyền”. Phúc trình lên án việc quản chế Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ và hàng giáo phẩm, hạn chế các hoạt động từ thiện xã hội của các Ban Đại diện GHPGVNTN tại các tỉnh, hay Gia Đình Phật tử Việt Nam, cũng như sách nhiễu phật tử thuộc GHPGVNTN.
Ông Võ Văn Ái, Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế có trụ sở ở Paris, và cũng là Phát ngôn nhân Viện Hóa Đạo trong nước, hoan nghênh bản Phúc trình của Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới. Ông cho rằng Phúc trình phản ảnh thực tại mà GHPGVNTN cũng như các cộng đồng tôn giáo khác tại Việt Nam đang hứng chịu.
Ông Ái nói “Không thành công tiêu diệt tôn giáo bằng bạo lực, Việt Nam cộng sản kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động tôn giáo, bằng cách biến tôn giáo uyên nguyên thành những lễ hội mê tín dị đoan. Sự công cử gần đây ông Trung tướng Công an Phạm Dũng vào chức vụ Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ biểu tỏ quan điểm thừa tiếp chính sách kỳ thị tôn giáo tại Việt Nam”.
Ông Võ Văn Ái nhấn mạnh sự kiện mọi thành viên thuộc GHPGVNTN trên toàn quốc bị sách nhiễu thường trực, và bị lăng nhục trong mọi khía cạnh của đời sống hằng ngày. Mới hơn tuần lễ trước đây, Đại đức Thích Thiện Phúc bị công an sách nhiễu khi đến vấn an Hòa thượng Thích Thanh Quang tại chùa Giác Minh ở Đà Nẵng. Chùa Giác Minh nơi đặt trụ sở của Ban Đại diện GHPGVNTN Quảng Nam – Đà Nẵng và Tổng vụ Thanh niên Viện Hóa Đạo, bị công an phong tỏa quanh năm, cấm Phật tử ra vào lễ Phật, cấm cử hành các đại lễ như Phật Đản, Vu Lan, Tết…
Tại Đồng Nai, Thượng tọa Thích Viên Đức, trụ trì Tịnh thất Bửu Đức bị sách nhiễu không cho hoạt động tín ngưỡng. Tại Quảng Trị, Đại đức Thích Từ Giáo, thường trực bị hăm dọa, công an vào chùa gây rối ngay cả những ngày An cư kiết hạ. Tại Huế, Hòa thượng Thích Thiện Hạnh cho biết những sách nhiễu và đàn áp của công an, kể cả tại chùa Kim Quang hay Niệm Phật đường Mai Vĩnh mà nhà cầm quyền cưỡng chiếm đất và uy hiếp Ban Trị sự.
Ông Ái còn cho biết những vi phạm tự do tôn giáo, đặc biệt đối với GHPGVNTN, ngày càng gia tăng nhưng khá tinh vi. Thay vì bắt bỏ tù hàng giáo phẩm, hay tấn công rầm rộ các chùa chiền, chính quyền cộng sản sử dụng chính sách cách ly hàng giáo phẩm theo cơ chế quản chế công khai hay bằng khẩu lệnh, hăm dọa, trấn áp Phật tử đến chùa, và cấm cử hành các đại lễ truyền thống, mà mục tiêu ngăn cản sự tiếp xúc của quần chúng Phật tử với chư Tăng Ni.
Áp dụng đúng như chiến lược Đảng thực hiện năm 1981 khi cho thành lập Hội Phật giáo Nhà nước để chồng chéo lên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Kiến trúc sư của chính sách này, Chính ủy tôn giáo vận Đỗ Trung Hiếu, đã thuật lại đầy đủ trong tập sách tự hối “Thống nhất Phật giáo” viết năm 1994. Vì tập sách này ông bị bắt và bị tù.
Theo ông Đỗ Trung Hiếu, thì chủ trương của Đảng Cộng sản trong việc thống nhất Phật giáo năm 1981, là “Nội dung đề án là biến hoàn toàn Phật giáo Việt Nam thành một hội đoàn quần chúng. Còn thấp hơn hội đoàn, vì chỉ có Tăng, Ni, không có Phật tử ; chi có tổ chức bên trên không có tổ chức bên dưới, tên gọi là Hội Phật giáo Việt Nam (…). Nội dung hoạt động là lo việc cúng bái chùa chiền, không có hoạt động gì liên quan tới quần chúng và xã hội (…) Lấy chùa làm cơ sở chứ không phải lấy quần chúng Phật tử làm đơn vị của tổ chức Giáo hội”.