Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin UBBVQLNVN / Việt Nam tại Đại hội Phong trào Dân chủ Thế giới lần thứ 6 tại thủ đô Jakarta, Indonesia

Việt Nam tại Đại hội Phong trào Dân chủ Thế giới lần thứ 6 tại thủ đô Jakarta, Indonesia

Download PDF

JAKARTA, ngày 18.4.2010 (QUÊ MẸ) – Dưới chủ đề “Thông qua các nền Văn hóa toàn cầu : kết liên tranh đấu cho Dân chủ” (Solidarity Across Cultures : Working Together for Democracy), 633 nhà hoạt động dân chủ đến từ 110 quốc gia Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Mỹ La tinh, Châu Phi và Châu Úc về họp Đại hội Phong trào Dân chủ Thế giới lần thứ 6 tổ chức tại thủ đô Jakarta, Indonesia, từ ngày 11 đến ngày 14.4.2010. Mục tiêu của Đại hội kỳ này nhắm đến chiến lược “Bảo vệ Xã hội Dân sự”.

Phong trào Dân chủ Thế giới (World Movement for Democracy) ra đời tại New Delhi, Ấn Độ, tháng 2 năm 1999 tập trung các nhà hoạt động dân chủ, các nhà hoạch định chính sách, các viện sĩ, nhà nghiên cứu, nhà tài trợ… nhằm bảo vệ các xã hội dân sự và đẩy mạnh chiến lược dân chủ hóa toàn cầu mà mục tiêu chính yếu là “củng cố dân chủ tại những nơi còn non yếu, cải tổ và tăng cường tại các quốc gia đã có dân chủ, và hậu thuẫn các nhóm dân chủ tại các quốc gia chưa bước vào tiến trình chuyển hướng dân chủ”. Sau New Delhi, Đại hội đã liên tiếp tổ chức mỗi hai năm một lần tại Sao Paulo, Brazil, Durban, Nam Phi, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, và Kiev, Ukraine.

Nhân danh chính phủ và nhân dân Indonesia chào đón các thành viên uy dũng của Phong trào Dân chủ Thế giới đến từ năm châu, Tiến sĩ Susilo Bambang Yudhoyono, Tổng thống Indonesia, đọc bài diễn văn khai mạc Đại hội, ca ngợi thế kỷ XXI phải là thế kỷ của Dân chủ.

Đặc biệt Tổng thống nói lên kinh nghiệm và tiến trình dân chủ hóa Indonesia, mà chúng tôi nghĩ rằng đây phải là sự trải nghiệm và bài học quý giá cho các nhà lãnh đạo Hà Nội nhằm chận đứng sự điêu linh của đất nước và cơn xuất huyết của nhân tài dân tộc :

“Qua nhiều thập kỷ, khi chúng tôi thí nghiệm cuộc tăng trưởng kinh tế vào các thập niên 70 và 80, lúc đó chúng tôi nghĩ rằng, bằng mọi giá, chế độ độc đoán thật tiện lợi cho việc ổn định, phát triển và thống nhất quốc gia.

“Thời đó chúng tôi nghĩ rằng nhân dân Indonesia chưa sẵn sàng tiếp nhận thể chế dân chủ, rằng dân chủ chẳng phù hợp cho các điều kiện lịch sử và văn hóa Indonesia. Thời ấy, rất đông trong chúng tôi nghĩ rằng dân chủ sẽ làm cho quốc gia thoái bộ hơn là tiến bộ. Nhưng biết bao người trong chúng tôi ngạc nhiên thấy rằng nhân dân Indonesia đã mau chóng bác bỏ quan niệm sai lầm này. Mười năm sau chúng tôi mở đầu cuộc cải tổ – reformasi – cho phép được bầu cử tự do năm 1999, từ đó dân chủ tại Indonesia không còn thể đảo ngược và trở thành cuộc sống thường nhật. Không những nhân dân được tự do mà họ còn phấn khởi nhận lãnh dân chủ như của trời cho, như quyền mình được hưởng. Và trong tiến trình dân chủ này, họ cảm thấy họ tham gia sở hữu hóa toàn bộ thể chế chính trị.

“Kinh nghiệm dân chủ tại Indonesia cũng xác đáng trên nhiều phương diện khác. Trải qua nhiều thập kỷ, chúng tôi sống trong môi trường trí thức và chính trị tranh cãi, bắt chúng tôi phải chọn lựa giữa dân chủ và tăng trưởng kinh tế. Người ta nói : “Anh không thể có cả hai. Anh phải chọn lựa dân chủ hay tăng trưởng kinh tế”. Thế rồi nhiều năm trường, vì lợi ích cho chúng tôi, chúng tôi đã tin rằng : Hẵng chọn tăng trưởng kinh tế, vất dân chủ đi.

“Bây giờ tôi có thể nói với quý vị rằng, Indonesia ngày nay không còn như thế nữa. Ngày nay dân chủ đang phát triển mạnh mẽ, đồng thời với sự kiện Indonesia được ghi nhận đứng hàng thứ ba về tăng trưởng kinh tế trong nhóm quốc gia G-20, sau Trung quốc và Ấn Độ. Nói cách khác, chúng tôi không cần phải chọn lựa giữa dân chủ và phát triển – chúng tôi THỪA SỨC đãm lãnh cả hai, dân chủ và phát triển. Và chúng tôi thực hiện và hoàn thành cả hai, dân chủ và phát triển, trong cùng một thời điểm”.

21 tổ chức và chính phủ trong thế giới tài trợ cho việc tổ chức Đại hội như Chương trình Phát triển LHQ, Qũy Tài trợ Cộng hòa Liên bang Đức Friedrich Ebert Stiftung, Sáng hội Dân chủ Á Rập, Qũy Quốc gia Tài trợ Dân chủ Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Canada, v.v…

Ngoài những phiên khoáng đại về đề tài Bảo vệ các Xã hội Dân sự, Định giá sự hậu thuận dân chủ toàn cầu, Đại hội còn có 37 nhóm hội thảo trên các vấn đề văn hóa, tôn giáo, thanh niên, phụ nữ, báo chí, truyền thông, kỹ thuật Internet trong tiến trình dân chủ, và nhiều khóa thực tập kỹ thuật. Những đề tài nóng bỏng như : Các kinh nghiệm dân chủ tại Indonesia, Thu nhận và truyền dẫn các giá trị dân chủ trong giới trẻ ; Tác động cuộc đấu tranh dân chủ bằng sự giải phóng kỹ thuật ; Làm sao liên kết các quốc gia để ngăn ngừa sự đàn áp các nhà bảo vệ nhân quyền và truyền thông báo chí tự do ; Hoạch định công tác dân chủ : Làm sao bảo đảm quyền hoạch định chính sách của người công dân ; Làm sao các xã hội dân sự có thể đối diện với những thách thức của việc cải cách Hiến pháp ; Thăng tiến quyền dân chủ trong các nền kinh tế bất quy định : Trường hợp giới công nhân bản địa ; Chiến lược nhằm đổi thay các xã hội đóng kín ; Vai trò người ký giả trong sự phát triển dân chủ ; Thiết lập chiến lược cho các xã hội dân sự để thực hiện sự chuyển tiếp tư pháp ; Tiến tới năm 2020, Mạng lưới Dân chủ Quốc tế cho người Phụ nữ : Chiến lược thực hiện dân chủ ; Những tác nhân trợ tá cho dân chủ : Chúng ta học được gì từ các kinh nghiệm Châu Á và Châu Âu ; Chuẩn bị cho sự chuyển hóa : Những gì cần giữ, những gì cần thay đổi, những gì kỳ vọng ; Các xã hội dân sự làm gì để bảo đảm tính hữu hiệu và những nỗ lực chống tham nhũng ; Vai trò các chính đảng đối diện với độc tài và cấp tiến ; Đa nguyên và đa dạng : Chiến lược phát triển mạnh khối liên tôn giáo để hậu thuẫn các Quyền tự do tôn giáo ; Thiết lập tình liên đới với khối di dân : Làm sao bảo đảm sự tham gia của họ trong tiến trình dân chủ, v.v…

Nhìn chung các phái đoàn tham dự Đại hội kỳ 6 lần này có sự hiện diện rất đông của giới trẻ và các đại biểu Hồi giáo. Lý do là sự tham dự đông đảo của Trung Đông và Indonesia là các quốc gia Hồi giáo. Dân số Indonesia đông vào hàng thứ tư trên thế giới và cũng là nước dân chủ lớn vào hàng thứ ba của nhân loại, sau Hoa Kỳ và Ấn Độ. Trong bài diễn văn khai mạc, Tổng thống Indonesia xác định rằng “Hồi giáo, dân chủ và hiện đại cùng đồng hành thăng tiến”.ồi gia1oHo62i gia1oHo62i giáo

Phái đoàn Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam do ông Võ Văn Ái dẫn đầu đại biểu cho Việt Nam tại Đại hội. Trả lời phái viên Đài Á châu Tự do có mặt tại Đại hội Jakarta, ông Võ Văn Ái cho biết sự đóng góp của phái đoàn Quê Mẹ như sau :

“Vâng tôi tham gia nhiều tổ thảo luận để nói lên tình trạng đàn áp dân chủ tại Việt Nam, như trường hợp 14 nhà hoạt động dân chủ bị kết án mới đây từ 10 đến 16 năm tù chỉ vì họ ôn hòa đòi hỏi dân chủ hoặc biểu dương ý chí vẹn toàn lãnh thổ chống Trung quốc xâm lăng hai quần đảo Hoàng Sa, Trường sa, hay lấy cớ khai thác Bô-xít xâm nhập vùng yết hầu Tây nguyên.

“Đặc biệt tình trạng bóp nghẹt tư do ngôn luận trên Internet, sách nhiễu và bắt bớ các nhà bloggers, cho tin tặc đánh phá và đóng cửa các Trang nhà phê phán chính phủ về nạn trường kỳ xâm lược của Trung quốc. Hai hãng Google và McAfee cũng vừa mới phát giác sự kiện nhà cầm quyền Hà Nội xâm nhập các phần mềm để do thám hàng trăm nghìn người sử dụng vi tính trong và ngoài nước.

“Đại hội kỳ này mời tôi tham luận đề tài “Chiến lược nhằm đổi thay các xã hội đóng kín”. Qua đề tài này tôi nói lên những kinh nghiệm vận động tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như LHQ, ASEAN, các Quốc hội Châu Âu, Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi, v.v… Tôi nhắc đến sự hữu hiệu rất cần thiết của những Đài phát thanh quốc tế như Đài Á châu Tự do (RFA) đang cung cấp các luồng tin dân chủ đa chiều duy nhất để phá tan sự bưng bít thông tin tại các xã hội đóng kín như Việt Nam. Đương nhiên tôi cũng báo động và đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng lơ là nếu không là dửng dưng trên vấn nạn nhân quyền và dân chủ của các cơ quan truyền thông, báo chí quốc tế vốn chưa chịu nhìn Việt Nam như một dân tộc khao khát tự do, mà chỉ xem Việt Nam như một chiến trường trước năm 1975, và nay thì xem Việt Nam như một thị trường không hơn không kém”.

Check Also

VCHR và FIDH vạch trần những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam trước cuộc xem xét Báo cáo định kỳ của Việt Nam về Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị

PARIS, ngày 5 tháng 1 năm 2024 (VCHR) – Trong Báo cáo chung gửi Ủy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *