PARIS, ngày 23.4.2010 (QUÊ MẸ) – Tuần lễ trước một Đại hội Phong trào Dân chủ Thế giới (World Movement for Democracy) được tổ chức tại thủ đô Jakarta, Indonesia. Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Cơ sở Quê Mẹ : Hành động Cho Dân Chủ Việt Nam, dẫn đầu phái đoàn Việt Nam đến tham dự Đại hội trình bày vấn nạn đàn áp dân chủ trong nước. Chúng tôi đã tường thuật qua Thông cáo báo chí viết từ Jatarka hôm 18.4.2010 (xin vào xem trong Trang nhà Quê Mẹ www.queme.net). Đây là Phong trào dân chủ Thế giới lớn nhất quy tụ 633 nhà dân chủ khắp năm châu mỗi hai năm một lần để thẩm định các kinh nghiệm và đặt bước tiến hành dân chủ trong một thế giới bạo động và khủng bố, sinh từ những thành kiến độc tài, quân phiệt và bất bao dung tôn giáo.
Đặc biệt là Đại hội Phong trào Dân chủ Thế giới đã chọn một thủ đô ở Châu Á làm nơi tổ chức. Ý nghĩa thật lớn, vì Á châu hôm nay đang chứng kiến những bước dân chủ thụt lùi, do các sự trạng độc tài toàn trị còn hoành hành tại Trung quốc, Việt Nam, Bắc Triều tiên, nạn quân phiệt vẫn ngự trị ở Miến Điến, Tây Tạng, nạn độc đoán lại chớm nở ở Thái Lan, Singapore, Trung đông, v.v… Chưa nói đến các sự trạng đen tối khác ở Venezuela, Liên bang Nga, Ai Cập, thế giới Ả Rập… Bỗng nhiên từ 11 năm qua xuất hiện thành công một nền dân chủ thông thoáng, không loại trừ đối phương mà chấp nhận sự tham gia toàn diện mọi phe phái, thành phần để đáp ứng sự no ấm và tự do cho toàn thể quần chúng : Nền dân chủ Indonesia. Vì sao như thế ? Làm sao có thể thực hiện dân chủ song song với việc phát triển kinh tế ? Là những điều mà các nhà lãnh đạo cộng sản Hà Nội vẫn ngoan cố khước từ.
Do đâu mà Indonesia thành công thiết lập dân chủ đa nguyên song song với sự phát triển kinh tế rực rỡ trên một quê hương có 240 triệu dân, bao gồm sáu nghìn đảo được cư trú trong số 17 nghìn đảo, với 250 thổ ngữ dân tộc khác nhau, và sự hiện hữu của 6 tôn giáo mà Hồi giáo chiếm 85 phần trăm dân số ? Bản tường trình Đại hội Jakarta phát hành hôm 18.4 cùng với bản thông cáo báo chí hôm nay sẽ cung cấp một số quan điểm dân chủ mới, một số trải nghiệm quý báu làm bài học cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.
Indonesia và Việt Nam cùng một múi giờ, xa cách nhau chỉ hai giờ đường bay, thế mà sao những cái nhìn và trí tuệ của giới lãnh đạo cộng sản có thể mịt mù về phương pháp và sự thành công dân chủ hóa Indonesia đang mang lại phúc lợi cho nhân dân và cản bước điêu linh của dân tộc ?
Câu hỏi có thể tìm được qua đáp án mà Tổng thống Indonesia đưa ra trong một trích đoạn bài diễn văn khai mạc Đại hội Phong trào Dân chủ Thế giới hôm 11.4.2010 được trích dẫn trong thông cáo báo chí hôm 18.4. Nay xin được trích lại một lần nữa :
“Qua nhiều thập kỷ, khi chúng tôi thí nghiệm cuộc tăng trưởng kinh tế vào các thập niên 70 và 80, lúc đó chúng tôi nghĩ rằng, bằng mọi giá, chế độ độc đoán thật tiện lợi cho việc ổn định, phát triển và thống nhất quốc gia.
“Thời đó chúng tôi nghĩ rằng nhân dân Indonesia chưa sẵn sàng tiếp nhận thể chế dân chủ, rằng dân chủ chẳng phù hợp cho các điều kiện lịch sử và văn hóa Indonesia. Thời ấy, rất đông trong chúng tôi nghĩ rằng dân chủ sẽ làm cho quốc gia thoái bộ hơn là tiến bộ. Nhưng biết bao người trong chúng tôi ngạc nhiên thấy rằng nhân dân Indonesia đã mau chóng bác bỏ quan niệm sai lầm này. Mười năm sau chúng tôi mở đầu cuộc cải tổ – reformasi – cho phép được bầu cử tự do năm 1999, từ đó dân chủ tại Indonesia không còn thể đảo ngược và trở thành cuộc sống thường nhật. Không những nhân dân được tự do mà họ còn phấn khởi nhận lãnh dân chủ như của trời cho, như quyền mình được hưởng. Và trong tiến trình dân chủ này, họ cảm thấy họ tham gia sở hữu hóa toàn bộ thể chế chính trị.
“Kinh nghiệm dân chủ tại Indonesia cũng xác đáng trên nhiều phương diện khác. Trải qua nhiều thập kỷ, chúng tôi sống trong môi trường trí thức và chính trị tranh cãi, bắt chúng tôi phải chọn lựa giữa dân chủ và tăng trưởng kinh tế. Người ta nói : “Anh không thể có cả hai. Anh phải chọn lựa dân chủ hay tăng trưởng kinh tế”. Thế rồi nhiều năm trường, vì lợi ích cho chúng tôi, chúng tôi đã tin rằng : Hẵng chọn tăng trưởng kinh tế, vất dân chủ đi.
“Bây giờ tôi có thể nói với quý vị rằng, Indonesia ngày nay không còn như thế nữa. Ngày nay dân chủ đang phát triển mạnh mẽ, đồng thời với sự kiện Indonesia được ghi nhận đứng hàng thứ ba về tăng trưởng kinh tế trong nhóm quốc gia G-20, sau Trung quốc và Ấn Độ. Nói cách khác, chúng tôi không cần phải chọn lựa giữa dân chủ và phát triển – chúng tôi THỪA SỨC đãm lãnh cả hai, dân chủ và phát triển. Và chúng tôi thực hiện và hoàn thành cả hai, dân chủ và phát triển, trong cùng một thời điểm”.
Câu hỏi cũng có thể tìm được qua lời đáp của những nhân vật quốc tế khi nhắc nhở tới xã hội độc tài và bế tắt tại Việt Nam ngày nay. Đặc biệt là những đánh giá cùng lời khuyên thông qua cuộc phỏng vấn hai nhà lãnh đạo dân chủ Carl Gershman và Kim Campbell do Đặc phái viên Ỷ Lan của Đài Á châu Tự do thực hiện hôm thứ ba 20 tháng tư vừa qua. Chúng tôi xin phép rút xuống từ trang nhà Đài Á châu Tự do giới thiệu cùng bạn đọc sau đây:
Ỷ Lan, thông tín viên RFA
2010-04-20
Nhằm tìm hiểu những quan điểm dân chủ mới và thẩm định tình hình dân chủ trên thế giới, chúng tôi phỏng vấn ông Carl Gershman và bà Kim Campbell, nhân Đại hội Phong trào Dân chủ Thế giới tại thủ đô Jakarta, Indonesia.
Đại hội Phong trào Dân chủ Thế giới lần thứ 6 tổ chức tại thủ đô Jakarta, Indonesia, từ ngày 11 đến ngày 14-04-2010 – Photo courtesy of wmd.org
|
Ông Carl Gershman là Giám đốc Quỹ Quốc gia Tài trợ Dân chủ thiết lập tại Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ, thập niên 80. Ông cũng là một trong những sáng lập viên Phong trào Dân chủ Thế giới ra đời tại New Delhi, Ấn Độ, năm 1999. Bà Kim Campbell, cựu nữ Thủ tướng đầu tiên của Canada, là một trong những sáng lập viên Câu lạc bộ Madrid mà thành viên bao gồm các vị cựu tổng thống và cựu thủ tướng. Hiện nay bà là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Phong trào Dân chủ Thế giới.
Ỷ Lan: Xin chào ông Carl Gershman. Xin ông cho biết Đại hội Phong trào Dân chủ Thế giới lần thứ 6 này có điều gì khác biệt đặc thù so với các kỳ đại hội trước đây?
Carl Gershman: Trước hết, điều hiển nhiên khác biệt và mới mẻ là đại hội tổ chức tại vùng Đông Nam Á. Ngày Phong trào Dân chủ Thế giới ra đời năm 1999, Indonesia thời ấy còn chập chững trong tiến trình chuyển hóa dân chủ chưa lấy gì làm chắc. Thời ấy, rất đông người không tin Indonesia thành công bước chuyển tiếp. Nhưng hôm nay đây, 11 năm sau, vào lúc khai mạc hội nghị, Tổng thống Indenosia đã đọc bài diễn văn tuyệt vời về nền dân chủ ở Indenosia và nền dân chủ tự thân, một thông điệp mạnh mẽ về phương cách thực hiện dân chủ thông qua tinh thần không loại trừ ai.
Chúng ta không thể xây dựng dân chủ bằng sự loại trừ kẻ khác. Không ai có thể quản lý tốt quốc gia bằng phương cách loại trừ những ai khác mình. Nếu chúng ta làm đúng như vậy, dân chủ có thể hoàn tất sự phát triển.
Ô. Carl Gershman
|
Đúng thế, chúng ta không thể xây dựng dân chủ bằng sự loại trừ kẻ khác. Không ai có thể quản lý tốt quốc gia bằng phương cách loại trừ những ai khác mình. Nếu chúng ta làm đúng như vậy, dân chủ có thể hoàn tất sự phát triển. Tổng thống nhấn mạnh rằng, chẳng có gì mâu thuẫn giữa dân chủ và phát triển, hơn nữa, đây là con đường thống hợp sự đa dạng và phân hóa nhân dân. Đáng kinh ngạc cho sự việc Indonesia là quốc gia bao gồm nhiều thổ dân khác biệt, với quá nhiều quần đảo, quá nhiều ngôn ngữ và văn hóa khác nhau. Chỉ có dân chủ mới có thể hòa đồng chung cánh một quốc gia phức tạp như thế.
Tổng thống còn cho biết Indonesia là một quốc gia Hồi giáo, nhưng đất nước vẫn hoàn thành dân chủ. Chẳng có gì mâu thuẫn giữa Hồi giáo, dân chủ và hiện đại. Tổng thống rất đoan quyết chuyện này. Tất cả đó là điều mới lạ. Tổ chức hội nghị tại Indonesia, nước dân chủ rộng lớn đứng vào hàng thứ ba trên thế giới, và cũng là quốc gia Hồi giáo lớn nhất thuộc phe dân chủ, là điều quá khích lệ cho mọi người. Một xứ sở tuyệt vời cho việc tổ chức đại hội. Tôi nghĩ rằng các bạn Indonesia rất tự hào việc chúng ta tổ chức trên quê hương họ.
Một đại biểu Quốc hội Indonesia nói với tôi rằng việc tổ chức Đại hội Phong trào Dân chủ Thế giới tại Indonesia giúp cho nền dân chủ ở đây rất nhiều. Cho nên tôi rất phấn khởi.
Ỷ Lan: Xin ông cho biết Phong trào Dân chủ Thế giới có tiến bộ gì kể từ khi thành lập tại New Delhi năm 1999?
Ông Carl Gershman – Photo courtesy of wmd.org
|
Carl Gershman: Phong trào Dân chủ Thế giới luôn luôn dấn thân ngay tự buổi đầu khi chúng tôi thông qua tuyên ngôn thành lập, một hội đoàn rộng rãi. Chưa bao giờ chúng tôi quan niệm như một tổ chức chặt chẽ, mà là một hiệp hội bao dung, dễ dàng cho các nhà dân chủ gặp gỡ nhau, cùng nhau cộng tác, chia sẻ nhau tình liên đới. Câu hỏi cứ quay mòng trong đầu tôi về Phong trào Dân chủ Thế giới, là liệu phong trào có phục vụ cho kết quả nào chăng? Nhưng khi tôi đến tham dự các tổ thảo luận ở đây, tôi thấy rõ biết bao là cuộc thảo luận đầy phát kiến được nẩy nở, với lượng người đến từ 110 quốc gia sát cánh trên nền tảng ý kiến và giá trị chung rất phi thường. Tôi tin rằng họ đang sung sướng có mặt tại đây. Tôi biết rằng nơi quê hương họ mới là cuộc chiến đấu thực sự của họ. Nhưng họ không cảm thấy mất thời giờ khi tới đây, ngược lại khi trở về quê hương, họ tự thấy đã học hỏi nhiều điều mới lạ, thiết lập những giao tình mới, đem lại nhiều dự án phong phú.
Đủ thứ quan hệ, có người thì cùng nhau liên hệ trong vùng, có người thì liên đới trong cùng mục tiêu. Trong Phong trào Dân chủ Thế giới, hiện nay chúng tôi có thêm những mạng lưới cho người Phụ nữ, giới Thanh niên, giới Truyền thông, giới đại biểu Quốc hội. Những mạng lưới khác nhau này sẽ cùng nhau hợp tác trên cánh đồng dân chủ. Xem thế thì Phong trào Dân chủ Thế giới đang tiến hành, và tôi rất hài lòng.
Ỷ Lan: Thưa ông, ông nhận xét như thế nào về phong trào dân chủ trên thế giới trong mười năm qua?
Các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ khám phá ra điều: càng muốn tiến xa càng không thể không mở toang chế độ. Nếu không chịu mở cửa chế độ, mà cứ khăng khăng lo phát triển kinh tế, thì càng tăng mâu thuẫn với chế độ.
Ô. Carl Gershman
|
Carl Gershman: Nói theo ngôn ngữ dân chủ trong thế giới, tôi nghĩ rằng những gì xẩy ra tại Indonesia là sự thu đạt lớn lao cho dân chủ kể từ Đợt Sóng thứ Ba của phong trào dân chủ vào thập niên 80 sang đầu thập niên 90. Sự kiện này lớn lắm, không nói quá đâu. Những gì xẩy ra ở đây rất quan trọng. Cùng thời, đặc biệt tại vùng Đông Nam Á, dân chủ đang đi lạc hướng.
Chúng ta đang rất lo lắng cho những gì xẩy ra tại Thái Lan. Phi Luật Tân cũng đang ở trong tình trạng rất bất ổn. Nghĩ thấy xấu hổ, nhờ cuộc cách mạng năm 1986 của nhân dân Phi Luật Tân mà dân chủ được tăng cường trong Đợt Sóng thứ Ba của phong trào dân chủ. Thế nhưng Phi Luật Tân đã thực sự gặp khó trong việc củng cố dân chủ. Singapore còn khá gay go với một chế độ bán độc đoán. Việt Nam là một quốc gia hết sức độc đoán, chẳng có hy vọng gì cho nền dân chủ đâu.
Khi nhìn quanh thế giới, chúng ta thấy nhiều nơi dân chủ bị nằm trong sổ đen. Như ở Venezuela, Liên bang Nga, Ai Cập. Nhưng tôi nghĩ rằng, qua đại hội này, vẫn còn biết bao người trong thế giới chưa chịu bỏ cuộc, trái lại vẫn tiếp tục chiến đấu. Tất cả trong họ đều mang viễn kiến cho tương lai. Dù họ biết rằng việc không dễ, nhưng đồng thời lại biết rõ hết cơn bĩ cực tới thời thái lai. Hiện nay chưa phải là thời điểm tốt cho dân chủ.
Theo phúc trình của Freedom House cho biết, thì tự do đang sa sút so với các năm trước trong 42 quốc gia, nhưng lại mạnh mẽ hơn trong 16 nước. Trong lịch sử hiện đại của thế giới, dân chủ bị đứng khựng. Nhưng nếu chúng ta nhìn trong viễn tượng lâu dài, và quay nhìn quá khứ, ví dụ như vào thập niên 80 khi tổ chức của chúng tôi, Qũy Quốc gia Tài trợ Dân chủ ra đời, thì quả là có những bước tiến khổng lồ. Thử nhìn về Phi châu, nơi được xem như sân sau của dân chủ, thế nhưng Phi châu đã tiến bộ mạnh mẽ nói theo nghĩa những cuộc bầu cử đa đảng, kiện toàn các bộ máy Quốc hội, truyền thông, vai trò của các xã hội dân sự, Hiến pháp, v.v…
Trong những vùng này, dân chủ tiến hành rất có ý nghĩa tại Châu Phi, dù vậy cũng đang còn nhiều bận tâm tại một số quốc gia. Dân chủ không mấy tiến bộ như chúng ta ao ước tại Trung Đông, trong thế giới Ả Rập. Nhưng tại đại hội này chúng tôi có những đại biểu đến từ Ai Cập, từ Vùng vịnh, từ Ma-rốc, Họ không mấy hài lòng những gì xẩy ra trên xứ sở họ, nhưng họ vẫn phấn đấu trong gian lao. Đây là điều cao quý. Khi Quỹ Quốc gia Tài trợ Dân chủ ra đời thập niên 80, chẳng thấy gì xẩy ra tại Trung Đông, chẳng có nhóm nào tìm đến chúng tôi xin hậu thuẫn. Nhưng hôm nay đây, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều những nhà hành động cho dân chủ đang hăng hái xốc tới, tôi nghĩ đó là điều khích lệ.
Ỷ Lan: Ông vừa nhắc tới Việt Nam. Như ông biết cuộc phỏng vấn này sẽ được Đài Á châu Tự do phát về Việt Nam. Ông có nghĩ rằng một đại hội như đại hội này sẽ giúp được gì cho dân chủ Việt Nam, và ông có hy vọng gì vào các nhà hoạt động dân chủ Việt Nam không?
Carl Gershman: Điều tôi biết rất rõ là cơ sở Quê Mẹ đang hoạt động mạnh mẽ cho dân chủ Việt Nam. Những cuộc phỏng vấn do chị thực hiện đã giúp cho những người trong nước biết tới Phong trào Dân chủ Thế giới. Đương nhiên họ không bị Phong trào Dân chủ Thế giới lãng quên. Tôi biết rằng hoàn cảnh Việt Nam rất chi ngoan cố. Việt Nam muốn phát triển kinh tế và cũng đạt những tiến bộ kinh tế. Nhưng tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Hà Nội sẽ khám phá ra điều: càng muốn tiến xa càng không thể không mở toang chế độ. Nếu không chịu mở cửa chế độ, mà cứ khăng khăng lo phát triển kinh tế, thì càng tăng mâu thuẫn với chế độ. Trung quốc cũng đang phải đương đầu vấn nạn này. Bắc Kinh đang mở cửa Internet và tăng nhanh hệ thống thông tin và truyền thông, nhưng tiếp đó lại bố ráp và bắt bớ những ai vào xem các trang nhà và truyền đạt thông tin. Trung quốc đang hoảng sợ trước sự gia tăng thông thoáng thông tin, vì sự kiện này đang đe dọa chính quyền độc tài.
Chúng tôi hy vọng rằng trong công cuộc phát triển kinh tế, giới lãnh đạo Việt Nam sẽ sáng suốt hậu thuẫn các xã hội dân sự, đây là bước chuyển tiếp giúp Việt Nam hoàn tất sự ổn định. Không thể nào có ổn định dưới chế độ độc tài. Thật sai lầm khi nghĩ rằng độc tài là cơ sở cho việc ổn định.
Tài nguyên con người ở Việt Nam rất lớn, không để cho tài nguyên này nẩy nở trong môi trường dân chủ là một thảm kịch lớn, làm cho xứ sở thoái bộ trên cả hai phương diện xã hội và kinh tế.
Bà Kim Campbell
|
Có một học giả Trung quốc nói đến sự khác nhau giữa sự ổn định cứng đờ và sự ổn định đàn hồi có sức bật. Ổn định cứng đờ thì giòn và dễ vỡ, nó không thích ứng với sự đổi thay linh động, trong khi chúng ta đang sống trong một thế giới không ngừng chuyển biến. Ổn định đàn hồi, có sức bật, là nơi có đầy đủ cơ chế giúp cho xã hội biến đổi, biết cảm nhận con đường dân chúng chờ mong, và biết điều chỉnh bước tiến lên. Chúng ta đang chứng kiến tại Indonesia nền ổn định đàn hồi, đầy sức bật này. Indonesia là quốc gia ổn định, dù tại đây có nhiều thổ dân khác biệt, nhiều ngôn ngữ và ngay cả nhiều tôn giáo khác biệt.
Tôi nghĩ rằng Việt Nam và Trung quốc cần suy nghĩ nghiêm chỉnh trên vấn đề này. Nhiều trí thức người Hoa rất lo lắng cho tương lai và thúc đẩy việc cải tổ để hoàn tất sự ổn định đàn hồi, nhiều sức bật. Và tôi cũng mong Việt Nam cũng tiên liệu như thế một cách nghiêm chỉnh, cho chính quyền lợi nước Việt. Làm sao thực hiện cho bằng được sự ổn định thực hữu, mà không cần thông qua chế độ độc đoán, giảm khinh quyền lực, nhưng như Tổng thống Indonesia tuyên bố, hãy thực hiện quyền tham gia tích cực cũng như để cho mọi người cơ hội góp phần tham dự.
Ỷ Lan: Xin cám ơn ông Carl Gershman.
Ỷ Lan: Xin chào Bà Kim Campbell. Phong trào Dân chủ Thế giới có những đặc thù gì, thưa bà?
Bà Kim Campbell – Photo courtesy of president.ualberta.ca
|
Kim Campbell: Phong trào Dân chủ Thế giới là một phong trào tự nguyện dấn thân cho dân chủ tại nhiều quốc gia. Các chính trị gia, xã hội dân sự, hòa lẫn vào nhau những người có tài và trải nghiệm làm sôi sục những ý kiến và khả năng biết việc. Thật là một hứng khởi lớn lao. Tôi sinh trưởng ở Canada, là một vương quốc hòa bình. Khi tôi nhìn lại cuộc đời tôi, ngay cả cuộc đời chính trị ở vai vế Thủ tướng qua những ngày khó khăn nhất cũng không sao so sánh được với những kinh nghiệm khắc nghiệt của những đại biểu các nước đến đây.
Thật là một đặc ân cho tôi khi được dịp trao đổi và chia sẻ với đa số đại biểu tham dự đại hội, một đặc ân được đem kiến thức mình giúp đỡ họ trong công trình dân chủ. Hôm nay Tổng thống Indonesia vừa đọc một bài diễn văn tuyệt vời về dân chủ – tổng thống không chỉ nói, mà ông sống thực trong lời ông nói. Nhiều năm trước người ta nghĩ rằng Indonesia chưa sẵn sàng cho đời sống dân chủ, nhưng Tổng thống đã minh chứng rằng giới lãnh đạo sáng suốt với ý chí của quần chúng có thể làm nên cuộc chuyển hóa này.
Điều quan thiết đối với tôi là cuộc sống của nhân dân. Tôi dấn thân cho sự thăng tiến dân chủ và thăng hoa đời sống người phụ nữ. Qua Phong trào Dân chủ Thế giới, tôi gặp gỡ khối người ở tiền tuyến, và chúng tôi chung vai đấu cật đẩy mọi sự tiến lên. Tôi nhìn thấy nhiều khuôn mặt của thế hệ trẻ ở đây, là điều khuyến khích tôi thêm mạnh dạn. Tôi tin rằng Phong trào Dân chủ Thế giới đang nằm trong vòng tay tin cậy, phong trào sẽ bền vững tồn tại khi thế hệ chúng tôi ra đi. Phong trào sẽ không ngừng lớn mạnh.
Tôi tin rằng Phong trào Dân chủ Thế giới đang nằm trong vòng tay tin cậy, phong trào sẽ bền vững tồn tại khi thế hệ chúng tôi ra đi. Phong trào sẽ không ngừng lớn mạnh.
Bà Kim Campbell
|
Ỷ Lan: Thưa bà, hiện nay chưa thấy tiến triển gì về dân chủ tại Việt Nam. Là thành viên Phong trào Dân chủ Thế giới, bà có điều gì nhắn gửi đến nhân dân Việt Nam hiện đang phải hy sinh thân mạng họ cho lý tưởng dân chủ?
Kim Campbell: Thực ra dân chủ không thể đến một cách dễ dàng. Ngay trong các nước dân chủ Tây phương, mặc dù cuộc tranh đấu cam go đã thành quá khứ, từ đầu thế kỷ XX người phụ nữ còn phải tuyệt thực và bị bắt giam khi họ đấu tranh cho quyền được đầu phiếu. Nhiều người đã chết vì phấn đấu cho các quyền này, hay quyền được thiết lập công đoàn, v.v… Cho nên khi có ai đem thân mạng mình để đánh đổi, tôi hết lòng bái phục.
Điều lý thú là Tổng thống Indonesia vừa phát biểu tuyệt vời cho nền dân chủ hôm nay, ông cũng là người mới rời Việt Nam sau cuộc họp của các nhà lãnh đạo ASEAN. Tôi biết rằng ở đó, ông đã lên tiếng mạnh mẽ về ảnh hưởng của cuộc chuyển hóa dân chủ. Indonesia là ví dụ thiện hảo cho sự kiện các quốc gia không bị đánh bật khi tiến hành dân chủ.
Những quốc gia khác biệt và phức tạp như Indonesia có thể hưởng lợi rất nhiều trong thể chế dân chủ. Không có gì phải sợ hãi. Ví dụ như ở Indonesia, Tổng thống chẳng sợ hãi chút nào khi để cho các đảng chính trị cuồng tín tham gia tranh cử, vì ông biết rõ các đảng này không thể đắc cử. Cho nên khi ta tin vào nhân dân, nhân dân biết cách chọn lựa và đạt những thành tựu lớn.
Tôi hy vọng nhân dân Việt Nam sẽ thu đạt dân chủ. Tôi chưa được đến Việt Nam, nhưng tôi biết Việt Nam là xứ sở diễm kiều, một dân tộc tuyệt vời. Quả như thế, sau chiến tranh Việt Nam, rất đông người Việt đến Hoa Kỳ và nước tôi, Canada, họ đã đóng góp tuyệt vời vào xã hội chúng tôi. Vì thế tôi biết tài nguyên con người ở Việt Nam rất lớn, không để cho tài nguyên này nẩy nở trong môi trường dân chủ là một thảm kịch lớn, làm cho xứ sở thoái bộ trên cả hai phương diện xã hội và kinh tế.
Cho nên, tôi muốn khuyến khích những ai đang hoạt động cho dân chủ, và muốn nói với họ rằng tôi tôn kính và ngưỡng trọng sự can đảm của họ, và hy vọng rằng nhân dân trong thế giới sẽ áp lực Việt Nam cũng như khuyến khích giới lãnh đạo sớm chuyển hóa sang tiến trình dân chủ.
Ỷ Lan: Xin cám ơn bà Kim Campbell.
Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á châu Tự do tại Jakarta, Nam Dương.