Khóa họp lần thứ 22 của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Genève hôm khai mạc 25-02-2013 (AFP)
|
Khóa họp lần thứ 22 của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Genève sẽ kết thúc vào ngày 22.3 này. Hiện đang diễn ra sôi nổi với tình hình vi phạm nhân quyền khắp nơi trên thế giới do các tổ chức Phi chính phủ tố cáo.
Không có nhân quyền tại Việt Nam
Đặc biệt tình hình nhân quyền Việt Nam được ba tổ chức Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Hành động Chung Cho Nhân quyền đưa ra chiều thứ sáu vừa qua, tập trung vào vấn đề không có tự do ngôn luận tại Việt Nam và đàn áp các bloggers cùng công dân mạng tại Việt Nam ba năm qua.
Liền sau các phát biểu trên đây, Phái đoàn Hà Nội dùng quyền phản bác trả lời rằng:
“Phái đoàn chúng tôi lấy làm tiếc phải sử dụng quyền trả lời để quả quyết bác bỏ những vu khống và bóp méo thông tin chiều nay về tự do ngôn luận và ý kiến đối với nước tôi.”
Rồi Ông nói tiếp:
“Giống như nhiều quốc gia khác, luật pháp tại Việt Nam được bảo vệ và hành xử mà chẳng có biệt lệ nào. Nhân quyền và các tự do cơ bản được luật pháp bảo đảm, nhưng mọi sự lạm quyền hay tìm cách phá bỏ hoặc vi phạm luật pháp, đặc biệt nhằm gây rối xã hội, kích động phân biệt chủng tộc, tôn giáo, căm thù và bạo động, đều bị ngăn ngừa và trừng phạt.”
Phái đoàn Hà Nội nhấn mạnh trong phần kết luận:
“Phái đoàn chúng tôi xin nhắc nhở Hội đồng Nhân quyền LHQ đừng để cho Hội đồng bị lợi dụng, đừng để cho cuộc trao đổi chung của Hội đồng bị lợi dụng, làm mất thì giờ qúy báu và mất luôn sự tín nhiệm vào Hội đồng Nhân quyền LHQ.”
Yêu cầu LHQ áp lực Việt Nam
Mở đầu cho cuộc đối chất trên đây, ông Võ Văn Ái nhân danh hai tổ chức Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền phát biểu rằng:
Ông Võ Văn Ái phát biểu tại kỳ họp lần thứ 22 của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Genève hôm 08-03-2013. Photo courtesy of Quê Mẹ
|
“Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền mong cầu Hội đồng Nhân quyền LHQ quan tâm trước chiến dịch đàn áp khủng khiếp tự do ngôn luận tại Việt Nam, vi phạm điều 19 trong Công ước Quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị. Chiến dịch đàn áp này của nhà cầm quyền Việt Nam hoàn toàn trái chống với Nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền LHQ về Thăng tiến, bảo vệ và thụ hưởng nhân quyền trên Internet ban hành năm 2012, đồng thời bất chấp những khuyến nghị của các quốc gia thành viên LHQ mà Việt Nam chấp nhận tại cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Toàn diện (UPR) năm 2009.
Như chúng tôi đã tiết lộ trong bản Phúc trình Bloggers và Công dân mạng sau chấn song nhà tù – Các hạn chế tự do trên Mạng tại Việt Nam mà chúng tôi đệ trình Hội đồng Nhân quyền LHQ, những ai sử dụng Internet đều bị sách nhiễu, hăm dọa, hành hung và bắt cầm tù. Hiện đang có 32 bloggers và công dân mạng bị cầm tù tại Việt Nam, một số khác đang chờ đưa ra xét xử với án tù lên tới 16 năm tù giam.
Những cuộc đàn áp như thế chẳng phục vụ cho an ninh quốc gia như nhà cầm quyền Việt Nam tuyên bố, mà mục tiêu là bóp họng những tiếng nói của các xã hội dân sự cất lên tố cáo các nạn tham những, nhà nước lạm quyền, cưỡng chế đất đai của nông dân, hay đòi hỏi nhân quyền và cải cách dân chủ.
Trắng trợn hơn cả, nhà cầm quyền cũng đàn áp những ai góp ý theo lời kêu gọi của nhà nước về việc sửa đổi bản Hiến pháp 1992. Tuần trước, nhà báo Nguyễn Đắc Kiên bị đuổi khỏi tòa báo Gia đình và Xã hội, 24 tiếng đồng hồ sau khi ông phê phán lời phát biểu của Tổng bí thư Đảng.
Pháp lệnh 44 cho phép bắt giam những ai bị nghi vi phạm an ninh quốc gia mà chẳng cần thông qua tòa án, đã được sử dụng để bắt gam các bloggers, đặc biệt đưa vào nhà thương điên, trường hợp đã xẩy ra với các ông Nguyễn Trung Lĩnh, Lê Anh Hùng.
Dự thảo Nghị định Internet mới, khiến chúng tôi vô cùng quan ngại. Nếu được thông qua như bản văn dự thảo, thì Nghị định này sẽ hợp thức hóa toàn bộ hệ thống xâm nhập thông tin, kiểm duyệt và xử phạt những điều hết sức mơ hồ khi định nghĩa về các hành vi bị cấm. Đồng thời bó buộc các Công ty Internet và cơ quan cung cấp dịch vụ, kể cả các Công ty ngoại quốc, phải cộng tác với chính quyền để theo dõi hay truy lùng công dân mạng.
Chúng tôi kêu gọi Hội đồng Nhân quyền LHQ áp lực Việt Nam chấm dứt cuộc đàn áp, bãi bỏ Pháp lệnh 44 cùng những điều luật trái với luật quốc tế để bảo đảm quyền tự do ngôn luận, và mời Báo cáo viên LHQ về tự do ngôn luận đến điều tra Việt Nam.”
Trong khi ấy, tổ chức Hành động Chung Cho Nhân quyền thì tố cáo Hà Nội tấn công tự do ngôn luận, sách nhiễu, bắt bớ tùy tiện các bloggers và đưa ra các trường hợp cụ thể như Điếu Cày, Nguyễn Hoàng Vi, Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ.
Cuối cùng, Tổ chức Hành Động Chung Cho Nhân Quyền kêu gọi:
“Việt Nam bãi bỏ những luật pháp quốc gia không phù hợp với điều 19, trả tự do cho tất cả những ai bị giam giữ vì ôn hòa hành xử quyền tự do ngôn luận trực tuyến hay ngoài luồng, và mời Báo cáo viên LHQ đặc trách tự do ngôn luận, Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm các người đấu tranh bảo vệ nhân quyền đến điều tra Việt Nam. Đây là điều không thể từ khước, nhất là năm nay Việt Nam đăng ký xin làm ứng viên Hội đồng nhân quyền LHQ năm 2014.”
Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á châu Tự do tại LHQ Genève.