LOS ANGELES, ngày 14.7.2008 (PTTPGQT) – Văn phòng II Viện Hoá Đạo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ và các châu vừa tổ chức trang nghiêm và long trọng Lễ Tưởng nguyện và Thọ tang Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang tại trụ sở Giáo hội ở chùa Diệu Pháp, thành phố San Gabriel, miền Nam California vào lúc 14 giờ chiều chủ nhật 13.7.
Trên hai trăm chư Tăng Ni và hàng nghìn Phật tử và đồng bào các giới đã đến tham gia ngồi chật sân chùa Diệu Pháp. Đáp lời chúng tôi hỏi có bao nhiêu ghế tại hội trường cả thảy, Thượng toạ Thích Viên Lý, Trưởng ban Tổ chức Lễ Thọ tang, cho biết đã thuê 3300 ghế. Dưới tràng vải ngũ sắc chắn nắng che sân trong ngày hè California nóng gắt. Ban Tổ chức đặt hai ống dẫn nước trên cao phun những hạt nước li ti làm tươi mát không khí.
Hội trường và quang cảnh trong sân chùa Diệu Pháp
|
Chư Tăng Ni bên cạnh các trướng liễn và vòng hoa phúng điếu
|
Hai xướng ngôn viên chính của buổi lễ là Thượng toạ Thích Giác Đẳng và chị Ỷ Lan với sự cộng tác của hai chị Ái Cầm và Minh Phượng.
Sau khi cung nghinh Long vị đức cố Đệ tứ Tăng thống từ bàn Tổ ra Lễ đài, Pháp sư Niên trưởng Thích Giác Đức đọc Cáo Bạch của Hội đồng Lưỡng Viện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN).
Tiếp đấy, Đại lão Hoà thượng Thích Hộ Giác, Phó Viện trưởng Viện Hoá Đạo, Chủ tịch Văn phòng II Viện Hoá Đạo kiêm Chủ tịch Hội đồng Điều hành GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ tuyên đọc Khải bạch. Nguyên văn như sau :
Kính bạch chư tôn giáo phẩm, chư Hoà thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni
Kính thưa chư liệt vị quan khách
Kính thưa quí đồng hương, đồng bào Phật tử.
Đức Đệ tứ Tăng thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Đại lão Hoà Thượng Thích Huyền Quang đã viên tịch ngày 5 tháng 7 năm 2008. Hôm nay Văn Phòng II Viện Hoá Đạo cùng với giáo hội các châu tổ chức Lễ Tưởng Nguyện và Thọ Tang. Chúng tôi chân thành cảm kích sự hiện diện của chư liệt vị để tưởng niệm Đức cố Tăng Thống và chia sẻ sự mất mát lớn lao của Giáo hội.
Đại lão Hoà Thượng Thích Huyền Quang viên tịch năm Ngài 89 tuổi. Cả cuộc đời Ngài sống vì Phật Pháp. Xuất gia từ thời niên thiếu năm 12 tuổi. Nhanh chóng trở thành một học tăng xuất sắc trong Tăng chúng. Năm Ngài ra đi với pháp lạp 69, Ngài là vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong ngôi vị Tăng Thống. Không ai có thể phủ nhận sự thể hiện trác việt của Ngài trên cả ba phưong diện học đạo, hành đạo và hoằng đạo.
Đại lão Hoà Thượng Thích Huyền Quang một tăng sĩ suốt đời thao thức và đóng góp cho quê hương dân tộc. Từ thời còn là một nhà sư trẻ Ngài đã dấn thân cho đại cuộc giành độc lập tự chủ cho đất nước thời Pháp thuộc. Những giai đoạn sau nầy mãi cho đến những tháng năm cuối cuộc đời Ngài vẫn tiếp tục lên tiếng cho lẽ sống tự do dân chủ. Trong tâm khảm của Ngài chưa bao giờ có một Đạo Phật hiển sinh mà thiếu sự song hành với vận mệnh của quê hương dân tộc.
Hoà thượng Thích Hộ Giác đọc lời Khải bạch
|
Đại lão Hoà Thượng Thích Huyền Quang là một biểu tượng cao cả của tinh thần vô úy. Cái giá Ngài phải trả cho sự dấn thân vì đại nghĩa là những năm tháng tù đày qua các giai đoạn lịch sử. Từ thời Việt Minh cho đến ngày nhắm mắt trong chế độ cộng sản đã nhiều lần sống trong lao lý, an trí, quản thúc. Bao mua chuộc không làm mềm lòng, lắm đoạ đày lao khổ không làm thối chí. Những lên tiếng khẳng khái của Ngài trước bạo quyền là hình ảnh kẻ sĩ trước sự hưng vong của đất nước, là bản nguyện của bồ tát trước nỗi khổ của chúng sinh.
Đại lão Hoà Thượng Thích Huyền Quang là một bậc lãnh đạo trí dũng song toàn. Cơ cấu tổ chức của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không có lãnh vực nào không có dấu ấn của Ngài. Là vị Tổng thư ký đầu tiên và suốt 5 nhiệm kỳ sau đó Ngài đã đóng góp to lớn cho sự xây dựng nền tảng Giáo Hội. Giữa bao nhiêu phong ba bão táp Ngài luôn luôn xác định được hướng đi đích thực. Ngài đã không để cho những cuốn hút của thời thế làm lệch hướng giá trị căn bản của lý tưởng phụng sự. Ngày Ngài nằm xuống, các tổ chức nhân quyền trên thế giới gọi Ngài là một biểu tượng của dân chủ nhân quyền.
Trong giờ phút lắng đọng nầy xin chúng ta đồng tâm thắp nén tâm hương tưởng niệm Ngài. Xin cảm ơn chư liệt vị.
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu ni Phật.
Sau khi Hoà thượng Thích Chánh Lạc cung tuyên tiểu sử Đức cố Đệ tứ Tăng thống, buổi lễ bắt đầu với Nghi thức Tưởng nguyện và Thọ tang qua hai truyền thống Nam, Bắc tông.
Chư Tăng cử hành nghi thức Nam tông và Bắc tông
|
Chư vị đại diện tôn giáo và quan khách
|
Toàn thể hội trường vô cùng xúc động nghe qua máy vi âm giọng Đức Tăng thống ban lời dặn dò chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước khi còn sinh tiền, và lời cuối của Ngài chúc Tết vừa qua trên Đài Á châu Tự do. Đặc biệt, đồng bào tham dự còn nghe tiếng nói của Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hoá Đạo, phát nguyện tại Tu viện Nguyên Thiều trước lễ Di quan nhập tháp. Trong thông cáo báo chí phát hành hôm 11.7 chúng tôi đã chép lại nguyên văn Lời bạch trước giờ Di quan này.
Tiếp theo là bài Điếu văn do Hoà thượng Thích Trí Lãng tuyên đọc. Rồi chư Tăng giáo phẩm Văn phòng II Viện Hoá Đạo, GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ, GHPGVNTN tại Canada và GHPGVNTN tại Úc châu, và Phái đoàn Tổng vụ Thanh Niên với Gia Đình Phật tử Hoa Kỳ do Hoà thượng Thích Huyền Việt dẫn đầu lên lễ đài dâng hoa cúng dường Giác linh đức Đệ tứ Tăng thống.
Cuộc lễ cực kỳ xúc động lúc toàn thể hội trường chứng kiến cảnh quý vị Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ, đại diện các tôn giáo bạn, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ cùng các vị lãnh đạo các đảng phái, đoàn thể trong Cộng đồng, Phật tử và đồng bào các giới lần lượt lên lễ đài thắp hương và dâng hoa cúng dường Giác linh đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang.
Quan khách gắn vuông tang lên áo
|
Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ Edward Royce phát biểu
|
Trong phần phát biểu của các quan khách quốc tế, hội trường đặc biệt chú ý lời chia sẻ của ông Rahula Vihananda, Chủ tịch Tôn giáo vụ và Cố vấn của Tổng thống Sri Lanka và Dân biểu Edward Royce của Quốc hội Hoa Kỳ.
Ông Rahula Vihananda nói :
“Chúng ta vân tập về đây hôm nay để tưởng kính Đức cố Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang, GHPGVNTN. Ngài là nhà lãnh đạo, người yêu nước. Ngài đã vào tù cho chúng ta và để bảo vệ đạo Phật, bảo vệ Tăng già. Đó là những lý do khiến Ngài mắc vòng lao lý. Nay Ngài đã viên tịch, xả thân tứ đại. Nhưng Ngài không mất đi, vì Ngài hiện hữu mãi hoài trong trái tim chúng ta”.
Dân biểu Edward Royce phát biểu :
“Xin cho tôi nói lên lời chia buồn chân thành trước sự viên tịch của Đức cố Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Thật là một mất mát lớn. Ngài là một trong những nhà lãnh đạo kính yêu của đất nước Việt Nam. Ngài chống đối bạo quyền dưới mọi hình thức. Cuộc đời kỳ vĩ cùa Ngài nổi bật qua việc thăng tiến không ngừng nghỉ cho dân chủ và nhân quyền. Ngài đã phải trả một giá quá đắt cho sự quyết tâm và không thoả hiệp này, vì vậy ngài đã trải nửa cuộc đời mình trong nhà tù, quản chế hay lưu đày dưới chế độ đàn áp Cộng sản. Suốt ba thập niên tiến hành ôn hoà cuộc chống đối chế độ Cộng sản, Ngài trở thành biểu tượng trong thế giới về cuộc đấu tranh bất bạo động của Phật giáo cho tự do tôn giáo và nhân quyền. Ngài sáng danh trên hành tinh này.
“Vừa qua, hàng nghìn nghìn người về Tu viện Nguyên Thiều tiễn đưa Ngài. Và đây cũng là điều thường xẩy ra dưới chế độ Cộng sản, nhà cầm quyền giành giật để cướp lễ tang không cho GHPGVNTN cử hành. Tôi muốn chia sẻ với quý liệt vị điều sau đây, tôi đã viết thư cho Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết nói lên mối quan tâm của tôi về việc nhà cầm quyền muốn xâm lấn vào lễ tang. Rồi tôi được biết nhà cầm quyền đã bớt cứng rắn và để cho GHPGVNTN cử hành tang lễ. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng nhân quyền cơ bản đang thường trực bị giày xéo, và tất cả chúng ta phải kiên quyết đấu tranh để bảo vệ các quyền này.
“Hôm nay chúng ta về đây làm lễ thọ tang ngài, điều chúng ta có thể an ủi khi biết rằng cuộc đời của ngài làm xúc động biết bao người, thành quả và công đức Ngài quá lớn lao. Và chúng ta không quên Ngài”.
Cuối cùng Ban Tổ chức mời Cư sĩ Võ Văn Ái, Phát ngôn nhân Viện Hoá Đạo, GHPGVNTN, kiêm Tổng Uỷ viên Ngoại vụ Văn phòng II Viện Hoá Đạo, lên trình bày về những khó khăn trong thời gian Đức Tăng thống nằm viện, cùng những chướng ngại, bức bách khi tổ chức Tang lễ. Nhà cầm quyền Cộng sản đã muốn giành giật việc tổ chức lễ tang cho Giáo hội Phật giáo Nhà nước và ngăn cấm Hội đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN cử hành. Nhưng theo Cư sĩ Võ Văn Ái GHPGVNTN đã thu đạt thắng lợi nhờ hai yếu tố quyết định : một là tinh thần bất khuất của hàng giáo phẩm và chư Tăng Ni GHPGVNTN cũng như Phật giáo đồ trong nước trước bao hăm doạ, cản ngăn chư Tăng Ni và quần chúng Phật tử các tỉnh về Bình Định thọ tang hay phong toả đường sá. Thế nhưng bất chấp sự cấm đoán, gần một nghìn Tăng Ni và trên dưới mười nghìn Phật từ đã tiễn đưa Ngài đến nơi an nghỉ cuối cùng. Yếu tố thứ hai là công luận quốc tế đã mạnh mẽ lên án Hà Nội trong việc xâm lấn này. Nhiều vị Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ đã viết thư phản kháng Hà Nội đồng thời với thư phân ưu gửi Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ. Ngoài ra, còn cả sự lên tiếng quyết liệt của các tổ chức quốc tế như Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới, Human Rights Watch, Ân Xá Quốc tế, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, Hội đồng Nhân quyền, v.v… Rồi ông Ái kết luận :
“Đức Tăng thống Thích Huyền Quang tự đánh giá cuộc đời ngài dưới chế độ Cộng sản bằng bốn cái không trong đời sống. Ngài nói : “Tôi là người sống không nhà, đi không đường, chết không mồ, tù không tội”. Nhưng hôm nay chúng ta thấy gì, thưa quý vị ?
“Ngài nói tôi là người sống không nhà. Nhưng bây giờ nhà của ngài là trái tim của hàng chục triệu người dân Việt trong nước và ngoài nước. Đó là ngôi nhà mà chúng ta mời đón ngài vào.
“Ngài nói tôi đi không đường. Nhưng bây giờ mười nghìn người trên một cây số đường tiễn ngài về nơi an nghỉ cuối cùng, thì đó là con đường đã hiện ra tại Bình Định. Và ở hải ngoại, chúng ta đang hướng về quê hương theo con đường của ngài đấu tranh cho tự do tôn giáo, đấu tranh cho nhân quyền, đấu tranh cho dân chủ. Đó là con đường chúng ta dâng hiến cho ngài. Như vậy ngài đã có một con đường.
“Ngài nói rằng tôi sẽ chết không mồ. Nhưng một Bảo tháp đã dựng lên trong khuôn viên Tu viện Nguyên Thiều. Như vậy là Cộng sản đã thất bại trong việc cướp mồ ngài.
“Ngài nói rằng tôi là người tù không tội. Nhưng thưa quý vị, trong mấy ngày qua cũng như trước đây, sự lên tiếng của Quốc hội Hoa Kỳ, của Quốc hội Châu Âu, của các tổ chức nhân quyền quốc tế và công luận thế giới hậu thuẫn ngài và GHPGVNTN của ngài, là vết son ghi rõ Ngài không có tội. Mà tội đồ là chế độ Cộng sản kia”.
Sau lời cảm tạ của Thượng toạ Thích Viên Lý, Trưởng ban Tổ chức, lễ Tưởng nguyện và Thọ tang chấm dứt vào lúc 18 giờ trong niềm thương tiếc, ngậm ngùi.