Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin UBBVQLNVN / Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam chào đón việc trả tự do cho 4 tù nhân vì lương thức nhưng không thỏa mãn chính sách đặc xá nhỏ giọt

Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam chào đón việc trả tự do cho 4 tù nhân vì lương thức nhưng không thỏa mãn chính sách đặc xá nhỏ giọt

Download PDF

PARIS, ngày 29.8.2006 – Theo công bố Quyết định số 953 của Văn phòng Chủ tịch nước và Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Thế Tiệm, ngày hôm qua tại Hà Nội, thì Nhà cầm quyền sẽ đặc xá tha tù trước thời hạn cho 5313 người nhân ngày 2.9.

Trong số 5313 người được tha có bốn tù nhân chính trị hay tôn giáo, mà giới truyền thông được biết tên là bác sĩ Phạm Hồng Sơn, Mục sư Tin Lành Má Văn Bảy, người dân tộc Ede Tây nguyên Y’ Oal Nie…

Trả lời báo chí quốc tế tại Paris ngày hôm qua, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam (Vietnam Committee on Human Rights – Comité Vietnam pour la Défense des Droits de l’Homme) kiêm Phó Chủ tịch Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (Fédération Internationale des Ligues des Droits de l’Homme – International Federation of Human Rights Ligues), tuyên bố : “Tôi luôn hân hoan chào đón khi nghe tin một tù nhân chính trị được trả tự do, đặc biệt trong trường hợp ông Phạm Hồng Sơn mà sức khỏe và bệnh tật đang đến hồi nguy nan. Nhưng cần nhớ rằng, ông Phạm Hồng Sơn và ba người kia tuy được đặc xá nhưng họ không được tự do vì còn phải chịu quản chế trong vòng 3 năm, như trường hợp Phạm Hồng Sơn. Tha tù nhưng mất tự do”.

Ông Võ Văn Ái cũng nói “Tôi lấy làm tiếc và không thỏa mãn về số lượng tù chính trị quá ít ỏi trong đợt đặc xá này : 4 người trên số 5313 người. Cuộc đặc xá nhỏ giọt này chỉ nhắm phục vụ tuyên truyền cho chế độ, vì trong thực tế, CHXHCNVN ngày càng tăng cường các sắc luật đàn áp giới ly khai và hàng trăm, hàng nghìn tù chính trị và tù nhân tôn giáo vẫn còn ứ đọng trong các trại tù”. Tháng 6.2006 vừa qua, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam đã đệ trình cơ cấu nhân quyền mới của LHQ là Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Genève một danh sách mới tại hai trại tù và do hai cựu tù nhân chính trị và tôn giáo cung cấp. Tù nhân chính trị Nguyễn Khắc Toàn được trả tự do đầu năm nay cho biết, chỉ riêng trong phân trại ông bị giam ở nhà tù Ba Sao, tỉnh Nam Hà (miền Bắc) đã có 241 tù nhân chính trị bị giam giữ, nhiều người bị giam từ 20 năm qua, nhiều người đã cao tuổi và bệnh hoạn. Thượng tọa Thích Thiện Minh được trả tự do năm ngoái (2005) cung cấp một danh sách 66 tù nhân chính trị và tôn giáo còn bị giam giữ tại Trại Z30A ở Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai (miền Nam). Tính riêng trong hai trại này đã có 307 tù nhân chính trị và tôn giáo. Hiện nay tại Việt Nam, theo tư liệu của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, vẫn còn ít nhất 800 nhà tù và trại Cải tạo lao động.

Ông Võ Văn Ái nói tiếp “Bên cạnh 800 nhà tù, xin chớ quên những tư gia, những chùa viện, giáo đường, thánh thất bị biến thành nhà tù giam giữ bất cứ ai mà nhà cầm quyền Hà Nội “nghi” rằng họ xâm hại tới “an ninh quốc gia”. Đây là những nhà tù tại gia, những nhà tù tại chùa… Nghị định 31/CP về quản chế hành chính cho phép quản chế bất cứ ai từ 6 tháng đến 2 năm không thông qua tòa án. Những người tù quản chế như thế chẳng mong gì được đặc xá. Hãy nhìn xem hai trường hợp điển hình như Hòa thượng Thích Huyền Quang, Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, trải biết bao năm mòn mỏi, cô đơn trong Chùa-tù, thế mà nhà cầm quyền Hà Nội chẳng có chút lương tri thú nhận việc họ đang bị giam cầm, quản chế trái phép, ngược lại còn bô bô dối láo với thế giới rằng hai vị được “hoàn toàn tự do” !”

Mục đích tuyên truyền cho cuộc đặc xá nhỏ giọt tù nhân chính trị năm nay (4 người trên số 5313 người) là để Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) để Việt Nam có thể gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới (WTO/OMC). Cuộc trả tự do này cũng dọn đường cho việc Tổng thống Georges W. Bush đến Việt Nam tham dự Thượng đỉnh Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình dương (APEC) vào tháng 11 tới.

Vì vậy, ông Ái nói rằng : “Chưa thể xem cuộc đặc xá này như nỗ lực mở cửa của chế độ. Trái lại, tự do chính trị, tự do tôn giáo không hiện hữu tại Việt Nam. Điểm đáng chú ý là Phạm Hồng Sơn chỉ được đặc xá 7 tháng trước khi mãn hạn tù, và bị kết án vì dịch một tài liệu định nghĩa Dân chủ là gì !”

Nhà cầm quyền Hà Nội có lệ thường đặc xá hàng nghìn tù nhân trong các dịp lễ lớn như Quốc khánh (2.9), Tết Nguyên đán… Mặc dù những con số đưa ra lên tới số nghìn, nhưng chẳng ai có thể kiểm soát căn cước cụ thể của các tù nhân đặc xá, còn những thông tin về các nhà tù thuộc “bí mật quốc gia” như số lượng nhà tù, địa phương xây dựng nhà tù, v.v…

Tuy nhiên, dưới sức ép của công luận thế giới, Hà Nội bắt đầu trả tự do một cách nhỏ giọt các tù nhân chính trị và tôn giáo qua các kỳ đặc xá. Đặc biệt là từ khi Chính phủ Hoa Kỳ đặt Việt Nam vào danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm (CPC) liên tiếp trong hai năm 2004, 2005. Các quốc gia bị đặt vào danh sách này sẽ bị trừng phạt trên phương diện kinh tế và tài chánh chiếu theo Đạo luật Tự do Tôn giáo trên thế giới thông qua tại Quốc hội Hoa Kỳ năm 1998.



Unicode


VNI


VIQR

Check Also

VCHR và FIDH vạch trần những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam trước cuộc xem xét Báo cáo định kỳ của Việt Nam về Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị

PARIS, ngày 5 tháng 1 năm 2024 (VCHR) – Trong Báo cáo chung gửi Ủy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *