PARIS, ngày 17.10.2012 (QUÊ MẸ) – Trước cuộc gặp gỡ đối thoại thường niên giữa Liên Âu và Việt Nam, Liên Âu đã tổ chức cuộc tham khảo ý kiến các tổ chức phi chính phủ tại trụ sở Liên Âu ở thủ đô Brussels. Sau đây là bản phát biểu của Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền :
Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền cám ơn Liên Hiệp Châu Âu đã mời hai tổ chức chúng tôi đến tham khảo.
Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (Vietnam Committee on Human Rights) và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) vô cùng quan tâm trước sự thiếu vắng cơ bản các cải tiến nhân quyền tại Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quả thật vậy, nhiều chính phủ và các cơ quan quốc tế đều nhận thấy sự lạm dụng nhân quyền gia tăng suốt hai năm qua, đặc biệt trên lĩnh vực tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Năm nay 2012, xu hướng này vẫn tiếp tục, với một loạt đàn áp những người biểu tình ôn hòa chống xâm lăng Trung quốc trên biển, đảo và lãnh thổ Việt Nam, cũng như đàn áp một số nhà bloggers, Dân oan, các tín đồ Phật giáo, Công giáo và Hòa Hảo, cũng như các nhà hoạt động nhân quyền, giáng xuống đầu họ những án tù nặng nề tại các phiên tòa không theo tiêu chuẩn quốc tế về công bằng và vô tư.
vấn đề Cải tổ Luật pháp
Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền xin nhắc lại mối quan tâm trước sự thiếu vắng cơ bản những cải tiến nhân quyền trong việc tiêu chuẩn hóa luật pháp quốc gia ngang đồng với luật pháp nhân quyền quốc tế. Chẳng những Việt Nam không để ý đến các khuyến thỉnh liên tiếp của cộng đồng thế giới để cải tiến nhân quyền, mà trái lại, trong năm 2012 nhà cầm quyền đã tuyên án một số nhà hoạt động ôn hòa và bloggers bằng những án tù nặng nề dưới điều mơ hồ “an ninh quốc gia” là điều luật trong Bộ Luật Hình sự của Việt Nam hoàn toàn mâu thuẫn với Công ước nhân quyền LHQ mà Việt Nam là thành viên. Chúng tôi xin được nhấn mạnh lại, rằng Liên Âu cần áp lực khẩn cấp cho những cải cách luật pháp như yếu tố quyết định trong cuộc đối thoại nhân quyền, bởi vì trừ phi Việt Nam chịu sửa chữa các luật pháp quốc gia, sự cải tiến nhân quyền cơ bản sẽ chẳng bao giờ hoàn tất.
Trong các điều luật về an ninh quốc gia, bảy điều đưa tới án tử hình, kể cả những án lệnh mơ hồ như “phá hoại đoàn kết dân tộc, gây chia rẽ giữa những người tôn giáo với người không tôn giáo” (điều 87), “tuyên truyền chống phá nhà nước XHCN Việt Nam” (điều 88), thường được sử dụng để giam cầm các nhà ly khai dùng Internet vốn chỉ phổ biến ý kiến họ qua mạng, “lợi dụng dân chủ tự do làm thiệt hại quyền lợi nhà nước” (điều 258). Trong năm 2011 – 2012, nhiều nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ bị kết án vì tội “hành động lật đổ chính quyền nhân dân” (điều 79) đưa tới án tử hình, Những điều luật “an ninh quốc gia” này, không hề phân biệt giữa hành động bạo động như khủng bố và hành xử ôn hòa quyền tự do ngôn luận, hoàn toàn trái chống với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
Những hạn chế luật pháp khác phải kể đến Điều 4 trên Hiến pháp cho phép Đảng Cộng sản độc quyền chính trị, tức bài trừ đa nguyên chính trị, tự do Công đoàn và xã hội dân sự độc lập ; Pháp lệnh 44 (2002) cho phép công an địa phương quản chế tại gia những ai tỏ lời phê phán, đưa họ vào nhà thương điển hay các trại cải huấn đến 2 năm mà không cần thông qua tòa án ; Nghị định số 2 về Truyền thông (2011) áp đặt những hạn chế nghiêm trọng đối với các nhà báo, cùng với một dàn nghị định khác kiềm chế tự do Internet và blogs ; Nghị định 38/2005 cấm biểu tình trước các công sở, và Hướng dẫn thi hành Nghị định 38 (2006) cấm không được tụ tập quá 5 người khi chưa được nhà cầm quyền cho phép.
Mấy năm qua, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền từng nêu bật nhiều vấn đề quan tâm trên lĩnh vực nhân quyền. Hôm nay chúng tôi xin tập trung vào ba vấn đề trọng yếu để khẩn cầu Liên Âu mạnh mẽ can thiệp trong cuộc Đối thoại Nhân quyền sắp tới với Việt Nam :
a) Trường hợp ba nhà bloggers Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải.
Việc bắt bớ và điều kiện giam giữ họ không phù hợp với tiến trình luật pháp, và việc xét xử trong một phiên tòa bất minh bằng ba án tù 12, 10, và 4 năm tù giam, chưa kể những năm quản chế dai dẳng sau khi mãn hạn tù, vi phạm với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Ba bản án này đã bị công luận quốc tế phản đối, với những tuyên bố công khai của Đại diện tối cao Đối ngoại và An ninh của Liên Âu, bà Catherine Ashton, Cao ủy Nhân quyền LHQ, bà Navi Pillay và nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế khác. Chúng tôi xin gửi kèm đây các tuyên bố chi tiết về việc giam cầm và xét xử ba nhà bloggers này.
b) Tiếp tục sách nhiễu các thành viên thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, kể cả việc hành hung xúc phạm thân thể Hòa thượng Thích Thanh Quang và Huynh trưởng Lê Công Cầu trước sự chứng kiến của Công an ; Công an cũng đã sách nhiễu các vị Tăng sĩ, Phật tử tại ba thành phố Huế, Hà Nội và Hồ Chí Minh khi họ tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa (xin xem Thông cáo báo chí gửi kèm về vụ này) ; cũng như việc tiếp tục quản chế không lý do, không án lệnh, Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ tại Thanh Minh Thiện Viện ở thành phố Hổ Chí Minh. Đức Tăng Thống mất quyền công dân (chẳng hạn như quyền hộ khẩu, nên mất quyền tự do đi lại) và ngăn cấm không cho ngài thuyết pháp ngay trong ngôi cùa ngài bị quản chế ;
c) Dự thảo “Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng” do Bộ Thông tin Truyền thông công bố vào tháng 4.2012 đề nghị những hạn chế không thể nào chấp nhận về quyền tự do ngôn luận trực tuyến. Nghị định dự tính trình Quốc hội vào tháng sáu, đã gặp phải nhiều phê phán, chỉ trích rộng rãi, cho đến nay vào tháng 9.2012 Nghị định chưa thông qua thành luật.
Nếu được thông qua như bản dự thảo, Nghị định sẽ bắt buộc các hãng Internet và các dịch vụ cung cấp tin học cho Internet ở Việt Nam phải hợp tác với chính quyền trong các công tác bị cấm đoán về những biểu tỏ ý kiến, nói chung là vi phạm các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Điểu 5 tại Nghị định là một vấn đề. Sử dụng ngôn ngữ mơ hồ, nước đôi, thường gặp trong hầu hết các văn bản pháp quy của Việt Nam đối với tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do hội họp và lập hội. Điều 5 cấm đoán mơ hồ các hành động như “lợi dụng các điều luật và sử dụng Internet và thông tin trên Trang nhà” để “chống đối CHXHCNVN” ; “phá hoại đại đoàn kết dân tộc” và “phá hoại thuần phong mỹ tục quốc gia”. Điều 25 đòi hỏi thanh lọc mọi thông tin trên Internet theo suy diễn tùy ý rằng các thông tin này vi phạm các “hành động cấm đoán” quy chiếu điều 5.
Việt Nam đã thảo luận Dự thảo Nghị định này với Liên Âu, Hoa Kỳ và một số đối tác khác. Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền khẩn thiết yêu cầu Liên Âu áp lực Việt Nam xem xét lại hoặc bãi bỏ Nghị định này. Quyền tự do ngôn luận được bảo đảm trong Hiến pháp Việt Nam, chính quyền có bổn phận bảo vệ quyền này.