PARIS, ngày 19.5.2017 (PTTPGQT) – Ngày 3 tháng 5 vừa qua, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế đã cho phát hành bản Thông cáo báo chí công bố Thông bạch của Hoà thượng Thích Thanh Quang, Viện trưởng Viện Hoá Đạo, yêu cầu « Hội Phật tử Cố HT Thích Như Đạt » ngưng việc gửi tiền về cho chư Tăng thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong nước. Liền đó, nhóm ông Thục Vũ tung lên mạng những bài viết phản ứng gay gắt, mang màu sắc mạ lỵ và xuyên tạc Hoà thượng Viện trưởng Viện Hoá Đạo và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế.
Bất nhẫn trước các bài viết cố tình xuyên tạc, vu khống, Cư sĩ Huệ Lộc ở Hoa Kỳ đã phản ứng qua bài viết « Suy nghĩ về Hai bản Thông cáo của Viện Hoá Đạo đến Hội Thích Như Đạt », đưa lên mạng ngày 6-5-2017, và trong nước, Cư sĩ Lê Công Cầu, Tổng Thư ký Viện Hoá Đạo kiêm Gia Đình Phật tử Vụ Gia Đình Phật tử Việt Nam phản ứng qua bức thư giải thích ngày 8-5-2017 mang tựa đề « Vài ý kiến về Tâm Thư kính gởi HT Thích Huyền Việt » gửi nhóm ông Thục Vũ.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi đăng tải 2 bài viết này cùng với bài nhận định của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế công hiến bạn đọc và công luận :
Huệ Lộc :
Suy nghĩ về Hai Bản Thông Cáo
của Viện Hoá Đạo đến Hội Thích Như Đạt
1. Đã lâu rồi, từ ngày Hội Thích Thiện Minh không hoạt động nữa, tôi cũng không để ý vào việc sanh hoạt của GHPGVNTN nữa, ngoại trừ một vài phóng ảnh hay viết vài bài Phật Pháp khuyến tấn tu hành cho các bạn hữu duyên. Tôi không biết Hội Thích Như Đạt nầy ra đời lúc nào. Lần đâu qua bức thông cáo của Viện Hoá Đạo (VHĐ) và Văn Phòng II (VPII) cách đây vài ngày, thì được biết có một hội khác thay thế cho hội Thích Thiện Minh là hội Thích Như Đạt, và hội nầy cũng được Giáo hội yêu cầu đừng gởi tiền về cúng dường cho GHPGVNTN ở Viết Nam.
2. Căn cứ vào lá thư Thông bạch, tôi được biết :
Hội Thích Thiện Minh từ lúc thất bại trong danh nghĩa kêu gọi đóng tiền giúp Gíao hội lại quay sang đổi ra tên khác và lấy tên là Hội Thích Như Đạt điều mà VHĐ bảo rằng có sự không kính trọng Giáo hội. Như vậy thì việc dùng tên của cố HT Thích Như Đạt để đặt tên cho hội nầy đã xin phép VHĐ cũng như VPII chưa ?
3. Từ đó tôi lại nêu lên câu hỏi : Sự gởi tiền về Gíao hội trong nước còn gọi là cúng dường chư Tăng. Sự cúng dường nầy là vô vụ lợi hay có kèm theo yêu sách gì không ? Hãy xét hai phần như sau :
a. Về người cúng dường nếu có tâm vô vị lợi thì dầu món đồ cúng dường có người nhận hay không có người nhận cũng không lấy gì làm buồn hay bực tức mới đúng đạo lý. Vì sao ? Vì tâm họ vốn vô vị lợi tức không có sự cầu mong hay lợi dụng, và món đồ cúng dường đó tuy không người nhận nhưng có thể bố thí cho những người khốn khổ khác thì công đức vẫn không suy giảm.
b. Về người nhận của bố thí thì có hai trường hợp xảy ra :
* Trường hợp thứ nhất nếu người bố thí với tâm thành kính, món đồ bố thí trong sạch không đi kèm với những yêu sách ngặt nghèo, người nhận có tâm hoan hỉ không, có tâm lo lắng trước sau vì biết đây là việc phúc điền chớ không vì món ăn hay sự nghèo khó mà nhận. Nếu vậy thì bố thí viên mãn công đức.
* Trường hợp thứ hai người bố thí hoặc không có tâm thành kính, hoặc món đồ bố thí không thanh tịnh hay kèm theo những yêu sách ngặt nghèo, hoặc người nhận thí không cần dùng món đồ, hoặc vì vật thí mà sanh tâm lo sợ trước sau thì công đức bố thí không thành tựu. Lúc đó dù có bố thí mà thật sự không mang đến phước đức cho hai bên. Người nhận lúc bấy giờ không nhận cũng không có lỗi lầm gì. Của phi nghĩa có giàu đâu, người quân tử còn khinh khi món đồ phi nghĩa huống chi là người xuất gia.
Kinh Đại Trí Độ còn chép lại : Ngày xưa khi đức Thế Tôn còn tại thế, có một người Phạm Chí tánh tình kêu ngạo hống hách lại keo kiệt thường hay dùng thô ngữ đối với chư Tăng. Một hôm đức Phật dừng lại nơi cửa nhà ông ta để giảng pháp Nhân Duyên Vô Thường Sanh Diệt. Nghe xong ông ta thấy tự mình đuối lý, không nói được tiếng nào, nên bảo người nhà mang một bát cơm đầy ấp thức ăn ra bố thí cho Phật, và nói :
– Ngài hôm nay giảng pháp hay quá nên tôi cúng dường bát cơm ngon.
Đức Phật trả lời :
– Ta đến đây không phải vì món ăn, mà vì ông để giảng đạo lý. Nay ông vì đuối lý mà cúng dường cho Như Lai thì món ăn nầy Như Lai không nhận được, vì trong thức ăn nầy có lửa cháy rất mạnh.
Ông Phạm Chí nghe nói không tin liền đổ bát cơm đầy ấp đồ ăn xuống đất. Khi vừa chạm đất bát cơm bốc khói phát một ngọn lửa rất lớn. Mọi người trông thấy đều kinh hãi.
Qua câu chuyện trên các chư thiện nam nữ thấy Phật có khi cũng không nhận vật bố thí vì nó bất tịnh, mà ý thức được phước báu cúng dường tuỳ thuộc vào tâm thành kính vô vị lợi. Người tu hành cần phải thận trọng và sáng suốt khi nhận vật cúng dường, cần phải biết lúc nào nên nhận và lúc nào không nên nhận. Còn người cho cũng không nên dùng tâm phân biệt phải là chư Tăng của mình hay chư Tăng của người. Trong kinh Mi Tiên có bảy hạng Tăng, trong đó chỉ có một hạng chơn Tăng vì hiểu rõ cảnh ngũ dục sanh tử là khổ nên phát tâm xuất gia tu hành. Đây là hạng chơn Tăng. Kinh Đại Trí Độ còn nói : « Cúng dường cho chơn Tăng là cúng dường Phật. » Chơn tăng nào cũng là Chơn Tăng thì cần gì phải phân biệt cúng dường. Trong kinh Pháp Môn Bất Nhị, Ngài Duy Ma Cật có nói : « Nếu đặng tâm cúng dường cho gã ăn mày trong thành mà xem như cúng dường Phật, thời đó là pháp Bất Nhị. » Pháp Bất Nhị đây chính là pháp môn Đại Thừa Vô Tướng hay còn gọi là Bát Nhã Không Tông.
Nếu đã hiểu như vậy thì công đức cúng dường nếu áp dụng đúng sẽ từ một hành động nhỏ nhoi như hành động băng bó vết thương cho chim chóc với tấm lòng trắc ẩn cũng sẽ tạo một công đức rộng lớn không thua gì cúng dường Phật. Như thế nếu có ai cúng dường Gíao hội mà Gíao hội chưa thể hay không thể nhận thì mình phải thông cảm hoàn cảnh khó khăn của Gíao hội. Có bao đời ai cho tiền mà người nhận lại không chịu nhận. Nếu Gíao hội đã không nhận tất nhiên sẽ có lý do. Vậy lý do đó chính là gì ? Có thể đó là những yêu sách đi kèm theo món đồ bố thí. Những yêu sách nầy là những gì ? Chỉ có Gíao hội biết và hội Thích Như Đạt nầy biết mà thôi, nhưng Gíao hội đã tế nhị không phổ biến ra đại chúng vì muốn giữ thể diện cho nhóm hội Thích Như Đạt nầy. Tôi không hiểu những hội viên của hội Thích Như Đạt có để ý đến điều nầy chăng ?
4. Xưa nay tôi không có cơ hội đọc bản nội qui của hội Thích Thiện Minh và Hội Thích Như Đạt, tuy nhiên hôm qua có bài viết Tâm Thư của nhóm người trong hội Thích Thiện Minh gởi đến tôi qua email, trong bài viết nầy có đề cập đến hai điểm chính của hội Thích Thiện Minh. Nhìn qua hai điểm nầy bấy giờ tôi mới hiểu tại sao Gíao hội đã không tiếp tục nhận tiền của hội Thích Thiện Minh trong quá khứ. Tôi xin trích và có ý kiến về hai điểm đó như sau, và sau nầy nếu ai có nguyên bản nội qui của hai hội nầy nếu có thể được xin vui lòng gởi cho tôi được tường lãm :
- Ban Điều Hợp (của Hội Thích Thiện Minh) liên lạc trực tiếp với Giáo Hội Trong nước.
- Phổ biến thông tin liên quan đến GHPGVNTN và các sinh hoạt tu học Phật Giáo.
Về điều thứ nhất : Các Khuôn hội chính danh của Giáo Hội như các Miền Quảng Đức, Miền Thiện Luật, Miền Đôn Hậu, hay Miền Khuông Việt, và các ban Hộ Trì Tam Bảo… còn chưa có được đặc quyền chính thức như điều thứ nhất đòi hỏi trong bản nội qui hội Thích Thiện Minh, hà huống gì hội Thích Thiện Minh hay hội Thích Như Đạt lại được đặc quyền nầy ? Qui tắc hành chánh của Gíao hội là tiến hành theo hàng dọc. Các ban ngành theo thứ tự đệ đạt từ dưới đi lên. Hội Thích Thiện Minh hay hội Thích Như Đạt nếu muốn tham chánh thì cũng phải bắt đầu ghi danh từ cơ sở căn bản Gíao hội Hải Ngoại mà xây dựng và tuân hành chính xác theo bản Hiến Chương Giáo Hội ; còn nếu muốn không phục tùng cơ cấu Gíao hội Hải Ngoại, tức muốn làm một hội bình thường bên ngoài, thì sự cúng dường phải tự nguyện một cách vô vị lợi mới đúng. Lại nữa vì sự an toàn cho Giáo Hội, chỉ có một số thành viên lãnh đạo Hải Ngoại như trường hợp Văn Phòng II hay Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế mới có thể trực tiếp tiếp xúc Giáo Hội trong nước, còn ngoài ra phần đông từ trước đến nay những ai muốn tiếp với Giáo Hội trong nước nếu không có gì quan trọng đều phải thông qua những thành viên lãnh đạo hay tự thăm viếng vãng lai chư Tăng trong nước. Nay nếu vì không được chấp thuận đặc quyền nầy mà hội nầy tỏ ra bất mãn không tiếc lời phản bác trên chốn công cộng, thì sau nầy làm thế nào bảo mật được cho Giáo Hội ? Đó là chưa nói lên tánh cách vô lý, vì không được chấp nhận cúng dường mà sân hận thì không đúng với tinh thần Phật tử.
Về điều thứ hai : Các thành viên Giáo Hội Hải Ngoại cũng như Chánh Đại Diện các miền trừ vị Chủ Tịch và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, đều không có quyền chánh thức tự ý phổ biến tin liên quan đến Giáo Hội vì phải bảo vệ tiếng nói thống nhất của Giáo Hội. Nay nếu hội Thích Thiện Minh hay hội Thích Như Đạt muốn được đặc quyền nầy thì khác nào được trở thành một phòng Thông Tin chính thức thứ hai của Giáo Hội ? Nói dễ hiểu theo cơ cấu thế tục, có hai đại diện chánh thức phát ngôn viên cho một quốc trưởng. Điều đó dễ dàng dẫn tới tình trạng kẻ phát ngôn xuôi, người phát ngôn ngược. Người ta không hiểu Giáo Hội đang muốn nói cái gì. Lại nữa những hội nầy không phải là thành viên của Giáo Hội và không tuân theo Hiến Chương của Giáo Hội thì ai dám giao cho nhiệm vụ lạ lùng vậy.
Vì thế đó là lý do tại sao Giáo hội không nhận tiền cúng dường của hội Thích Thiện Minh trong quá khứ. Còn về hội Thích Như Đạt, để tỏ rõ vấn đề hơn — nếu ai có bản nội qui của hội nầy xin công bố ra để mọi người cùng nghiên cứu thì mới gọi là chánh danh hay không. Vì danh có chánh thì ngôn mới thuận. Ngôn có thuận thì việc mới thành. Danh đây chính là bản nội qui. Ngôn đây chính là lý lẽ trong sáng trong bản nội qui.
5. Trở về hai Bức Thư Thông Bạch của Viện Hoá Đạo gởi ra qua Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế ngày 03 tháng 05 vừa qua. Trong thư nầy có nêu ra ba lý do mà VHĐ không nhận tiền cúng dường của hội Thích Như Đạt như sau :
Trích : « 3-1/. « Hội Phật tử Cố Hoà thượng Thích Như Đạt » không là thành viên hay đơn vị trực thuộc GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ. Tuy Hội lấy đối tượng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất làm mục tiêu quyên góp tiền bạc, nhưng chỉ nhắm ủng hộ riêng một số cá nhân chư Tăng hay Cư sĩ, chứ không đặt trọng tâm cúng dường Giáo Hội. Từ trước đến nay, Giáo Hội không hề được thỉnh thị ý kiến hay bàn bạc gì về việc thành lập tổ chức hay công trình quyên góp tài chánh nầy.
3-2/. Một tổ chức quyên góp tiền bạc của công chúng, nói là để hậu thuẫn GHPGVNTN mà chẳng những không gia nhập Giáo Hội, lại lấy Pháp hiệu của một vị Cao Tăng Lãnh Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là một xúc phạm Cố Hòa Thượng Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Thích Như Đạt. Nên Viện Hóa Đạo và Môn Đồ Pháp Quyến không chấp nhận hành vi nầy.
3-3/. Việc lạm dụng tên tuổi như trên vô tình gây ngộ nhận trong cộng đồng Phật giáo, làm cho nhiều Phật Tử tưởng rằng đây là một tổ chức thành viên của GHPGVNTN, nên ra tay đóng góp tài chánh. Từ ngộ nhận này sinh ra ngộ nhận khác khiến đồng bào Phật tử đánh đồng sự lên tiếng hay bài viết của những người cầm đầu Hội là chủ trương, đường lối của GHPGVNTN. Thực tế đã phơi bày một lập trường bấp bênh, mâu thuẫn, khi các vị cầm đầu tổ chức « Foundation Thích Thiện Minh » là tiền thân của « Hội Phật tử Cố Hoà thượng Thích Như Đạt » từng tuyên bố trong nội bộ hội viên, rằng Hội chỉ ủng hộ Đức Đương kim Tăng Thống Thích Quảng Độ, nhưng không liên hệ gì với GHPGVNTN trên phương diện hành chánh và tài chánh, đặc biệt là không tuân thủ Hiến chương của GHPGVNTN. » (hết trích)
Ba lý do được Giáo hội nêu ra trên đây có phải là nguyên tắc hành động của Hội Thích Như Đạt hay không ? Nếu ba điều nầy là nguyên tắc hành động của hội Thích Như Đạt thì đây là lỗi của hội nầy. Nếu không phải vậy thì xin cho mọi người cùng biết để tránh sự « hàm oan ». Tôi nghĩ đại chúng rất khách quan để phán xét. Và điều cần nhất là bản nội qui của hội nầy như thế nào cũng nên công bố ra là chính xác nhất. Làm như vậy tốt hơn là ngồi đó thốt lời than oán thì cũng chẳng đi đến đâu vì trên phương diện hành động lý lẽ chánh đáng sẽ giúp ta lấy lại công lý vậy.
Trong Khổng Học Đăng, Chương XII, về Đạo Xử Thế, trang 138, soạn giả cụ Phan Bội Châu có ghi lại một câu chuyện Xử Thế của Người Quân Tử như sau :
« Một hôm thầy Tử Cống mới hỏi đức Khổng Tử rằng :
– Những bậc quân tử có ghét những hạng người nào trong xã hội không ?
Ngài Khổng Tử trả lời :
– Có chứ ! Có lẽ nào trong loài người, đụng lấy hạng người đáng ghét mà người quân tử không ghét được ? Những hạng người như sau là quân tử phải đáng ghét :
- Mình không biết những điều xấu của mình, mà hay bài kể những điều xấu của người ta, đó là một hạng người đáng ghét (ố xưng nhân chi ác giả).
- Mình tự xử mình một cách ty tiện, nhân cách đã quá thấp chỉ là hạ lưu mà thôi, mà lại hay chê bai dèm huỷ những người cao thượng (ố cư hạ lưu nhi sấn thượng giả). Đó là hạng người đáng ghét.
- Lấy hung hăng trắng trợn, ỷ mình là mạnh mà không kể gì đến lẽ phải (ố dũng nhi vô lễ giả). Đó là một hạng người đáng ghét.
- Có gan liều khùng quả quyết ráp làm, mà đầu óc bí đặc, trất ngại mà không thông lý. Nếu đem lẽ phải nói với nó thì nó không nghe (ố quả cảm nhi truất giả). Đó là một hạng người đáng ghét.
Bốn hạng người nầy mới xem qua giống như hạng người cang trực dũng cảm, nhưng xét kỹ lại thời là hạng người xấu, chẳng những làm hại mình nói mà thôi, lại làm hại lây tới cả xã hội nữa. Vậy quân tử phải ghét.
Thầy Tử Cống lại nói rằng :
– Tôi cũng vậy, cũng có những người mà tôi cho là đáng ghét :
- Có một hạng người chỉ làm bằng cách hoạ may, không cân nhắc đạo lý, không nghĩ bổn phận của mình, chỉ mong ở may mà được, mà lại tự thị rằng mình thế là khôn (ố kiểu dĩ vi trí giả). Đó là một hạng người đáng ghét.
- Tính chất vẫn kiêu ngạo, hành động lại luông tuồng, không biết khiêm tốn là cái gì, mà tự ỷ mình rằng như thế là mạnh (ố bất tốn dĩ vi dũng giả). Đó là hạng người rất đáng ghét.
- Hay làm bộ xủng xủng xẳng xẳng (như nhà quê, thật thà, rỉ tay) rình lén những chổ khuyết điểm của người mà công kích ở giữa công chúng, để tỏ rõ điều xấu của người, tự mình lấy thế làm minh-trực (ố vật dĩ vi trực giả). Đó là một hạng người đáng ghét.
Ba hạng nầy hình như người trí, mà thiệt là người ngu ; như hình dũng, mà thiệt là kẻ cường bạo ; như hình trực, mà thiệt là hạng người cương ác, nên Tôi phải ghét. »
Qua bài trên cho ta một nhận xét chọn người giao thiệp, chọn bạn mà chơi là điều rất quan trọng. Kết quả lầm lẫn tai hại tin bạn xấu khi giao du không phải chỉ xảy ra cho trẻ vị thành niên, mà người lớn tuổi vẩn bị lầm bạn xấu như thường. Trong nhà Phật gọi là ác tri thức là những kẻ thường hay giựt dây xúi dục để họ tính mưu đồ phía sau. Chỉ tiếc những ai không sáng suốt lại nghe điều xúi làm điều trái đạo, chôn vùi danh dự của mình qua những bánh vẽ ảo huyền. Kẻ trí thức cần nên cảnh giác.
6. Lại nữa, đối với Hai Bức Thông Bạch từ Viện Hoá Đạo, có người không tin là lời của Hoà Thượng Viện Trưởng VHĐ. Vậy nếu lời nầy của Viện Trưởng VHĐ thì sao ? Đâu thể nào dùng văn phong mà kết luận được. Từ xưa nay bao nhiêu thông bạch, bao nhiêu Quyết Định, bao nhiêu Giáo Chỉ đều có chữ ký và con mộc của Viện Hoá Đạo hay Viện Tăng Thống, hơn nữa trong thế kỷ nầy đâu phải như ngày xưa, lại còn nhiều phương tiện giao thông như điện thoại, emails để kiểm chứng nhanh chóng. Ai không tin thì gởi email cho cư sĩ Lê Công Cầu để nhờ kiểm chứng. Một điều quan trọng xưa nay là mọi văn từ đều có con số riêng biệt cùng được lưu lại trong Giáo Hội thì làm sao gọi là giả tạo được. Nếu dựa trên nghi ngờ và không bằng cớ mà kết luận oan chư Tăng thì vướng vào tội phỉ báng Tam Bảo. Trong bộ Đại Bửu Tích quyển số chín, Pháp Hội Bửu Thắng, Phẩm Điều Phục Ma, trang 185, có kể lại một câu chuyện đùa giỡn nhẹ về sự phỉ báng người đang tu hành mà kết quả rất nghiêm trọng như sau :
« Khi đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật vẫn ở tại Đại Bửu Điện giữa Dục Giới và Sắc Giới cùng vô số muôn ngàn Bồ Tát Thanh Văn đại chúng quyến thuộc câu hội thuyết pháp. Lúc bấy giờ có mười phương vô lượng Phật độ chư Phật và Bồ tát thánh chúng đồng vân tập đến như Phương Đông có A Súc Bệ Phật cùng vô lượng thần thông Bồ Tát cùng đến. Phương Tây có Vô Lượng Thọ Như Lai cùng vô lượng thần thông Bồ Tát cùng đến. Cứ như thế phương Nam, phương Bắc, bốn phương bàng, hai phương trên dưới đều có chư Phật và vô lượng thần thông Bồ Tát cùng đến…
Lúc bấy giờ trong đại hội có một Phạm Vương (một vua trời sắc giới) tên là Bồ Đề Tự Tại biến thân làm hình người nữ có thân tướng đoan nghiêm xinh đẹp hơn hàng nhơn thiên, lại dùng chuổi báu diệu anh lạc để tự trang nghiêm, ở trước Tây Phương Phật A Di Đà chấp tay bạch rằng :
– Duy nguyện Đức Như Lai gia thần lực cho tôi, làm cho tôi được âm thanh vang khắp Ta Bà thế giới nầy. Nay tôi muốn nói chú Đà La Ni để hộ trợ người thuyết pháp và người nghe pháp. Tôi cũng làm cho sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni diệt độ không ai có thể nơi người nói pháp nầy mà khởi ác sự gây hại được, hoặc là ma vương, hoặc là cha mẹ con cái quyến thuộc của ma vương, hoặc là Thiên Long, A Tu La, Dạ Xoa, Ca Lâu La , Càn Thát Bà, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhơn và Phi Nhơn, hoặc quỷ Cưu Bàn Trà , quỷ Phú Đơn Na, quỷ Ca Đa, quỷ Lệ Lê Da, quỷ Tỳ Xá Xà, La Sát cùng cha mẹ con cái quyến thuộc, tất cả các ác quỷ thần chẳng có thể ở nơi pháp sư ấy gây hại được nhẫn đến chẳng thể động được một sợi lông của Pháp sư ấy.
Duy nguyện Như Lai gia thần lực cho tôi, khiến âm thanh nói thần chú của tôi vang khắp thế giới nầy.
Lúc bấy giờ có một Thiên Đế Thích (Ngọc Hoàng Thượng Đế hay vị vua Trời Ba Mươi Ba) tên là Cao Trì mới lên tiếng bảo vị Phạm Vương Bồ Đề Tự Tại rằng :
– Nầy Đại Tỷ (Chị Cả) ! Chớ nên ở chỗ Như Lai mà sanh tâm đùa giỡn, tại sao, vì đùa giỡn là pháp phàm phu. Như Lai đã dứt sự nghiệp phàm phu, tất cả pháp hữu vi đều là vô thường, Như Lai chẳng tăng pháp hữu vi mà chỉ tăng pháp Không, dứt các âm thanh chử nghĩa. Như Lai ở nơi Đại Tỷ (Chị cả) chẳng sanh tranh tụng, chỉ thấy bình đẳng, nhứt tướng vô tướng dường như hư không. Luận về hư không thì hư không trống không, không có chướng ngại. Như Lai cũng vậy, ở nơi tất cả các pháp mà không có chướng ngại, nơi dục nơi giác quán, các ấm, giới, nhập âm thanh câu, chữ thảy đều vô ngại. Nầy Đại Tỷ (Chị cả) ! Nay sao lại ở nơi đức Như Lai mà sanh tâm đùa giỡn ?
Vô Lượng Thọ Phật (Phật A Di Đà) mới bảo Thiên Đế Thích rằng :
– Nầy Thiên Đế ! Nên tư duy (suy nghĩ) trước rồi sau sẽ phát ngôn, chớ được bây giờ rồi sau lại sanh lòng hối hận. Tại sao vậy ? Nữ nhơn nầy là Đại Trượng Phu đã ở chỗ vô lượng chư Phật tu các căn lành, vì muốn trang nghiêm đại chúng mà hiện thân nữ, thiệt chẳng phải là nữ vậy. Đây tức là thân đại Bồ Tát. Sao Thiên Đế lại gọi là Đại Tỷ (Chị cả) ?
Nghe Phật nói, Đế Thích liền đến trước Bồ Đề Tự Tại sám hối.
Bồ Đề Tự Tại Phạm Vương nói :
– Ta nhận sự sám hối của ngươi để ngươi khỏi bị quả ác khẩu.
Phạm Vương mới quay bạch với Phật Vô Lượng Thọ rằng :
– Bạch đức Thế Tôn ! Nếu Thiên Đế Thích Cao Trì ấy mà không sám hối thì sẽ bị quả báo ác khẩu thế nào ?
Phật Vô Lượng Thọ trả lời :
– Nầy Phạm Vương ! Nếu Thiên Đế ấy mà chẳng sám hối thì sẽ thường thọ thân nữ nhơn trong tám vạn bốn ngàn đời, thân thể xấu xí, hôi dơ, bất tịnh. Vì vậy nên chúng sanh phải giữ gìn thân miệng.
Nói xong, đức Vô Lượng Thọ Phật liền bảo Phạm Vương Bồ Đề Tự Tại rằng :
– Nay Ta ban cho ông oai thần đạo lực nói chú Đà La Ni.
Vị Phạm Vương cung kính bạch thập phương chư Phật, chư Bồ Tát, và tất cả nhơn thiên rằng :
– Duy nguyện lắng nghe. Nếu ai muốn khiến chánh pháp Như Lai còn lâu tại thế gian, ai muốn ủng hộ người thuyết pháp và người nghe pháp. Duy nguyện chư Phật ban cho tôi thoả mãn chí nguyện.
Nói lời ấy rồi, âm thanh của Phạm Vương liền vang khắp Ta Bà thế giới. Tất cả Phạm Thiên, tất cả Đế Thích đều nói rằng :
– Ta cho ông toại nguyện và cũng muốn thọ trì.
Bồ Đề Tự Tại Phạm Vương nói chú rằng :
« A ma lê, tỉ ma lê, già na sa tri, ba lê chiến tri, ma ha chiến tri, giá di, ma ha giá di, tố mế, đa di, a bà ha, tỉ bà ha, tu già xà ni ra khê bà, mâu la ba lợi xa đà. Dạ Xoa chiến tri, tỉ xá giá chiến đồ, a bà a đa ni, tam bà la đá ni, sa già la ni, chiêm bà ni, mộ ha ni, úc ma giá tra ni, ha ha ma ma ha ha, a đa giá ni, khê già xá bà, a ma la, a mâu la, mâu la ba lợi bạt dẫn, a sá la khê bà, sá ha. »
Nghe chú xong, tất cả nhơn thiên đều tán thán rằng : « Lành thay ! Lành thay, Đà La Ni nầy bất khả tư nghị không có gì hơn được.
Phạm Vương lại nói :
– Nếu ai chẳng điều phục được ác quỉ nghe tổng trì nầy rồi thì có thể điều phục. Nếu ai thọ trì thần chú nầy mà ở quốc độ nào có tín tâm quốc vương, thì tất cả nam nữ hoặc lớn hay hoặc nhỏ hoặc chư Thiên hay thế nhơn đối với quốc vương ấy chẳng thể khởi sự ác làm hại được. Nếu ai khởi ác tâm gây ác sự thì đầu kẻ ấy sẽ bể làm bảy phần, tâm họ khô cháy, thân bị bịnh, kẻ có thần thông thì bị mất hết, gió dữ thổi thân họ sa vào địa ngục. Tuỳ xứ nào có thần chú nầy lưu bố thì tôi cũng tự sẽ bảo vệ khiến người thọ trì được xa lánh các ác sự, người thọ trì, người nghe chú chẳng thiếu y phục ngoại cụ, y dược, các vật cần dùng. »
Trong Phật pháp một lời nói đùa giỡn không cân nhắc với bậc thiện tri thức còn làm tâm vướng tội, huống chi là cố tình xúc phạm đến những chơn tu có tấm lòng thành. Quí vị nên suy nghĩ kỹ lại trước khi hành động. Quí vị đã ở ngay vào biên giới giữa thiện và ác. Chỉ cần một bước nữa là quí vị sẽ đi vào đối nghịch với Giáo Hội. Có thể thành ra tội đồ muôn thửa của Giáo hội. Quyển sách 50 năm Chấn Hưng Phật Giáo Việt Nam của cố HT Thích Thiện Hoa có thể sẽ bước sang trang để ghi tiếp những dấu mốc lịch sử. Mong mỏi lời nầy làm sáng ý người nghe. Phật pháp tuy bất khả tư nghị cứu thoát nhưng không thể độ người có ngã kiến cao hơn núi Tu Di !
7. Cuối cùng tôi xin mở lời kêu gọi toàn thể các Phật tử cầu nguyện cũng như giúp đỡ phương tiện thuốc men cho cư sĩ thành viên Giáo Hội Võ Văn Ái chóng mau lành bịnh để phụ giúp Giáo Hội. Như đã thấy trong lá thư Lời Tri Ân Giúp Đỡ có nêu rõ :
« Trong thời gian Cư sĩ Võ Văn Ái lâm bệnh phải nhập viện từ ngày 20 tháng 3 cho đến nay, chúng tôi đã nhận được nhiều điện thoại, Email thăm hỏi, chúc lành, và đặc biệt nhận được một số tịnh tài gửi giúp thuốc men trị bệnh từ trong nước : Đức Tăng Thống & Viện Hoá Đạo 1000 Mỹ kim – HT Thích Thanh Quang 1000 Mỹ kim – HT Thích Nguyên Lý 1000 Mỹ kim – HT Thích Tâm Liên 250 Mỹ kim – HT Thích Tâm Mãn 250 Mỹ kim – HT Thích Minh Quang 250 Mỹ kim – Huynh trưởng Hàn Bửu Chương 1000 Mỹ kim – Đạo hữu Lượng / Thủ chúng Đạo tràng Long Quang 500 Mỹ kim. Từ Hoa Kỳ : Bác sĩ Nguyễn Trọng Nhi 500 Mỹ kim – Đạo hữu Phạm Hữu Tấn 200 Mỹ kim – Chư Hoà thượng, Thượng toạ Thích Huyền Việt, Thích Trí Quảng, Thích Trí Tịnh, Sư Cô Thích Nữ Từ Minh, và quý Đạo hữu Phổ Chiếu, Thanh Tâm, Minh Phúc, Diệu Đức, Quảng Cơ, Quảng Đài, Trọng Nghĩa, Giác Đạo : 1700 Mỹ kim. »
Ngoài ra tôi cũng mong muốn các hội viên hội cố HT Thích Như Đạt cũng như Thích Tiện Minh dẹp bỏ mọi hiềm nghi sớm quay trở về làm việc với VPII trong tư cách như người Phật tử bình thường như lời kêu gọi của Viện Hoá Đạo. Nếu được như vậy thì công đức của quí vị quí báu vô cùng, cũng như vàng ngọc chưa bể tan, một hình ảnh tương lai phước đức huy hoàng sáng mở vĩnh viễn cho các đời sau vì làm các sư, thầy hoan hỉ, mà Đức Tăng Thống cũng yên vui. Việc làm thiện thường được Hộ Pháp thường gia hộ, quỉ thần kính mến.
Đại Tạng Kinh còn ghi lại trong hai mươi tám vị tổ Thiền Tông Ấn Độ có một vị tổ thứ 24, gọi là Tổ Sư Tử (Aryasimha), Ngài sống vào cuối thế kỷ thứ 9 sau khi Phật nhập Niết Bàn. Trong lúc ấy trong nước Kế Tân là nơi Ngài hành đạo, có hai người ngoại đạo giỏi pháp huyễn thuật mưu đồ ám sát nhà vua, nhưng còn ngại bại lộ cơ mưu nên chúng đổi hình Tỳ Kheo đi làm việc gian ác ấy. Quả nhiên bị quan quân bắt được. Vua Di La Quật hay việc nầy nổi cơn thịnh nộ, ra lệnh triệt hạ chùa chiền, bắt nhốt Tăng chúng. Vua trách :
– Lâu nay Ta sùng kính Phật giáo, quý trọng Tỳ Kheo mà nay họ lại manh tâm sát hại ta, vậy còn đạo đức ở chỗ nào ?
Bởi sự tức giận đó, nhà vua đích thân cầm gươm báu đến chỗ Ngài Sư Tử hỏi :
– Thầy được không tướng chưa ?
Ngài đáp :
– Đã được.
Vua hỏi :
– Đã được, thì sợ sống chết không ?
Ngài đáp :
– Đã lìa sống chết thì đâu có sợ.
Vua nói :
– Chẳng sợ chết có thể cho Ta cái đầu chăng ?
Ngài đáp :
Vua liền vung kiếm chặt đầu Ngài. Đầu Ngài vừa rơi xuống đất, nơi cổ phun lên giòng máu như sửa trắng cao chừng ba mét. Liền khi đó có một quỷ thần đứng gần vua liền chặt vào tay mặt nhà vua rơi lìa xuống đất. Nhà vua được đở về cung, bảy ngày sau thì băng hà.
Thái tử Quang Thủ lên ngôi, lo mai táng phụ hoàng và thỉnh chúng Tăng cúng dường sám hối và xây tháp Ngài.
Những câu chuyện như vậy đối với người chưa tu thì khó lấy làm tin, tuy nhiên đối với những vị tu hành chân chính thì cũng chỉ là chuyện thường hay chứng kiến chẳng có gì là lạ. Giáo Hội sẽ tồn tại mãi vì là nguồn mạch tâm linh của chư vị tổ sư và chư Phật, Bồ Tát.
Kinh nói :
Thành kính là phước báu,
Quên mình là cội phúc,
Phước đức là sự bố thí thanh tịnh,
Cầu xin cho tín chủ sớm hưởng cảnh an lạc.
Huệ Lộc
Tôn Thắng Đạo Tràng
5/6/2017
Lê Công Cầu :
Vài ý kiến về bài viết
« Tâm Thư kính gởi HT Thích Huyền Việt »
Qua bài viết tôi thấy có những điều cần nói rõ :
1/. Thông tư của HT Thích Huyền Việt và Thông Bạch của HT Viện Trưởng Viện Hoá Đạo không có điều nào nói quý vị vi phạm Hiến Chương hết, vì quý vị có nằm trong GHPGVNTN đâu, mà chỉ kêu gọi quý vị tôn trọng Hiến Chương, mà Phật tử tôn trọng Hiến Chương, thương Giáo Hội, thương Đức Tăng Thống thì đừng lập ra Đoàn nầy Hội nọ gây thêm phân hóa. Hãy tham gia Giáo Hội để mọi hoạt động danh chính ngôn thuân mà thôi.
2/. Quý vị nói là thương Giáo Hội, thương Đức Tăng Thống, muốn giúp đỡ Giáo Hội nhưng quý vị có đóng góp vào Quỹ Giáo Hội đồng nào đâu ? Mỗi lần có việc, Giáo Hội rất khốn đốn, phải nhờ Phòng Thông Tin Phật giáo Quốc tế kêu gọi Phật tử giúp đỡ. Chủ nhật vừa qua (7.5.2017) tôi vào vấn an Đức Tăng Thống, nhân tiện tôi qua chùa Từ Hiếu để gặp Hòa Thượng Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Tài Chánh xem quỹ Giáo Hội còn được bao nhiêu, thì hỡi ôi ! quỹ còn được 7 triệu 718 nghìn Đồng VN (tương đương 340 Mỹ kim) nên tôi chẳng dám xin trích xuất cho một vài hoạt động như giỗ chị Lê Thị Tuyết Mai vị pháp thiêu thân sắp tới, hay đưa Đức Tăng Thống đi khám định kỳ…
3/. Quý vị trực tiếp lên danh sách Chư Tăng và Phật tử để cúng dường, mà không tham khảo Gíao hội quê nhà nên quý vị không hề biết tại quê nhà ai cần, ai đau ốm, ai giàu, ai nghèo, cứ cúng như một nguyên tắc cứng nhắc như vậy nó không một chút thực tế nào hết, nên gây nhiều cảnh xót xa : người cần không có, người có không cần.
4/. Ông Ái chẳng liên quan gì đến các Thông Bạch trên, HT Viện Trưởng và Chư Tăng quyết định, tôi là người soạn văn bản và gởi cho Phòng Thông Tin Phật giáo Quốc tế, Ông Ái thực thi trách nhiệm của mình, cứ việc chi cũng quy tội Ông Ái là sao ? Hãy để tội ấy tôi mang nếu tôi có tội.
5/. Dầu sao tôi cũng rất cảm kích tấm lòng của quý vị nhưng phải nhớ rằng : công cho hơn của đem cho, đem cho thế nào mà người nhận cảm thấy yên lòng, vui vẻ. Thử nghĩ rằng Đức Tăng Thống là biểu tượng của Phật Giáo, việc dâng cúng lên Ngài không phải như cho Lê Công Cầu hay Nguyễn Tất Trực… Vậy mà quý vị viết :
1/. Thích Quảng Độ, 100 Mỹ kim
2/. Thích Nguyên Lý, 100 Mỹ kim
(…) Lê Công Cầu, 100 Mỹ kim, v.v…
Tôi cảm thấy đau lòng vì quý vị xem Ngài với chúng tôi như cá mè một lứa, đau lòng lắm, nếu không nói là xúc phạm Ngài.
Vài lời tâm huyết, xin kính cám ơn chư vị.
Nguyên Chánh Lê Công Cầu
Võ Văn Ái :
Mấy điều không thật của Ông Thục Vũ
1. Trong vòng 17 năm qua, ông Thục Vũ chưa một lần nào gặp mặt và nói chuyện với tôi về việc xây dựng hay bảo vệ GHPGVNTN quá 5 phút. Ngoại trừ một lần duy nhất cách đây 7 năm, nhân dịp tôi đến Los dự Đại lễ Phật Đản, ông Trần Đình Minh mời tôi đi dùng trưa và nói rằng : Có hai ông Thục Vũ và Ý Dân xin gặp tôi để bàn chyện Giáo hội. Tôi nhận lời. Tại buổi cơm chúng tôi chẳng thảo bàn gì về chuyện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), vì hai ông Thục Vũ (tên thật Hoàng Hữu Thuỵ) và ông Ý Dân (tôi hỏi tên thật nhưng ông không cho) chỉ hỏi tôi về việc họ muốn làm chính trị nên muốn lập nhóm lập đảng gì đấy và xin tôi ý kiến.
Tôi trả lời rằng, hiện nay tôi phục vụ Giáo hội trong cương vị tôn giáo. Chư Tăng và Giáo hội không làm chính trị, chúng tôi chỉ có thái độ chính trị thông qua sự đòi hỏi nhân quyền vì GHPGVNTN bị nhà nước Cộng sản đàn áp, khủng bố. Tuy nhiên, tôi nói, giới Phật tử là những cư sĩ tại gia thì có quyền tham gia chính trị.
Thời gian sau tôi nghe danh xưng « Lực Lượng Cư sĩ Chấn hưng Phật giáo » do hai ông Thục Vũ và Ý Dân cùng với 3, 4 người khác cầm đầu hoạt động. Tôi không hề tham gia với họ, vì tổ chức của họ không thống thuộc GHPGVNTN.
Trong biến cố Sư Giác Đẳng phản bội Giáo hội, bất minh tài chính, bán lén tài sản Giáo hội là Chùa Phật Quang bỏ túi riêng, thì bà Tuệ Kiếm, học đạo với Sư Giác Đẳng, nhưng giữ chức Tổng Thư ký « Lực lượng Cư sĩ Chấn hưng Phật giáo » viết bài đánh phá GHPGVNTN, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, phạm thượng Đức Tăng Thống. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy người cầm đầu Lực lượng là ông Thục Vũ chẳng lên tiếng phản bác hay chất chính trong trò chơi trống đánh xuôi kèn thổi ngược, nếu không là em tung anh hứng.
Bốn người còn lại trong Lực lượng quay ra tranh chấp nội bộ, đưa các bài viết mạ lỵ, tố cáo nhau lên mạng một thời gian dài. Hậu quả là không trống không kèn Lực lượng ngưng hoạt động, rồi tan vỡ.
2. Trong thời gian « Lực lượng Cư sĩ Chấn hưng Phật giáo » còn hoạt động, thì mỗi năm vào dịp Tết ông Thục Vũ cho người về Việt Nam gặp gỡ một số chư Tăng ở Viện Hoá Đạo tặng mỗi người chừng 100 Mỹ kim. Phật tử cúng dường chư Tăng như thế là điều bình thường xưa nay theo truyền thống « gây phước điền ». Thế nhưng vị Tăng nhận tiền được yêu cầu phải viết thư nhận tiền và cám ơn « Lực lượng Cư sĩ Chấn hưng Phật giáo ». Sự kiện này gây thắc mắc cho chư Tăng trong nước. Truyền thống cúng dường của Phật tử chưa hề có yêu sách như thế. Mặc dù ông Thục Vũ thường đề cao hai chữ « Vô tướng » (ý nói việc [thiện] mình làm giấu kín, không khoe khoan cho ai biết) trong việc cúng dường. Nhưng khi đi « cúng dường » thì ông lại thực hiện thứ tinh thần « Đại tướng » mà Phật tử Việt Nam không quen.
Tinh thần Vô tướng thể hiện rõ qua thùng Phước sương trong các chùa viện. Người bỏ tịnh tài vào thùng Phước sương chưa ai viết kèm theo tên tuổi, tổ chức, đảng phái của mình. Hơn nữa, chưa hề có chuyện Phật tử cúng dường thùng Phước sương yêu sách vị trú trì phải viết thư chứng nhận cám ơn người cúng, tổ chức hay đảng phái cúng dường.
3. Một số lần trong mấy năm qua, ông Thục Vũ có gọi điện về Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế ở Paris cho tôi, xin tài liệu Phật giáo, lắm khi ông xin tôi cung cấp đời tư của một số chư Tăng mà ông bảo để viết bài đánh các vị này vì ông Thục Vũ nghi có hành tung chống phá Giáo hội. Hiển nhiên tôi từ chối, vì chưa bao giờ tôi tiết lộ việc Giáo hội cho người lạ, không là thành viên của Giáo hội. Tôi chỉ trả lời những gì mà Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế đã phát hành qua Thông cáo báo chí, tức những điều Giáo hội đã công khai.
4. Tôi gặp ông Thục Vũ lần đầu, khi tôi được mời về thuyết trình tại chùa Như lai ở thành phố Denver năm 2000 (hay 2001, tôi không nhớ rõ). Lúc này ông Thục Vũ có chức Tổng Thư ký Tổng vụ Hoằng Pháp. Chức này do Thầy Tổng vụ trưởng công cử, nhưng chưa bao giờ trình lên Văn Phòng II Viện Hoá Đạo phê chuẩn. Vả lại, chỉ một thời gian ngắn thì ông Thục Vũ không còn cộng tác với Tổng vụ Hoằng pháp. Tôi có hỏi Thầy Tổng vụ trưởng duyên cớ bỏ đi này, thầy im lặng không trả lời.
5. Ông Thục Vũ và vài người trong nhóm ông trách cứ tôi không giúp đỡ họ, mặc dù họ từng viết bài « bênh vực » tôi (sic). Tôi chưa bao giờ nhờ cậy ông Thục Vũ hay bất cứ ai khác viết bài « bênh vực » tôi. Vì lẽ tôi không làm gì phạm pháp trong xã hội, đối với Phật giáo tôi chỉ có phục vụ và giúp đỡ Giáo hội trong cơn pháp nạn, chứ chưa hề sai phạm chuyện gì, thì cần chi nhờ người bệnh vực ? Tôi thừa sức tự bảo vệ mình. Chả lẽ hằng trăm bài báo của Cộng sản trong nước, của bọn Dư luận viên nằm vùng trong Giáo hội hải ngoại bôi nhọ, vu khống tôi, mà tôi trở thành kẻ phạm lỗi ư ?
Vả chăng ông Thục Vũ hay nhóm ông tự ý viết bài « ca tụng » tôi, để làm thân hay kiểu Hiệp sĩ thấy chuyện bất bằng chẳng tha, thì đó là thái độ muốn làm Kẻ Sĩ. Trái lại, bỗng dưng viết bài khen người ta để lập công, hòng yêu sách chuyện này chuyện kia, lúc thì tôn xưng Anh Cả, khi thì thằng « lếu láo », thái độ ấy là thái độ gì ?!. Có là thái độ của Kẻ Sĩ không ? Tôi không quen kiểu đổi trắng thay đen cắc kè như thế.
6. Năm ngoái, khoảng tháng 5 (2016) Ông Thục Vũ cùng một số người họp nhau thành lập Sáng hội Thích Thiện Minh / Foundation Thích Thiện Minh, yêu cầu mỗi người đóng góp 10 Mỹ kim mỗi tháng để gửi về giúp chư Tăng trong nước. Đức Tăng Thống là biểu tượng can cường, bất khuất của GHPGVNTN, đồng bào Phật tử trong và ngoài nước cũng như công luận thế giới ai nấy đều kính ngưỡng. Nay nhóm ông Thục Vũ liên tiếp biến Ngài thành hình ảnh một ông già, bệnh hoạn, vô cùng thương cảm, cốt gây xúc động cho việc quyên tiền. Tổng Thư ký « Lực lượng Cư sĩ Chấn hưng Phật giáo» của ông Thục Vũ, là bà Tuệ Kiếm từng viết bài đưa lên mạng, gọi Ngài là « Ông già sắp xuống lỗ » ! Hoá ra dưới cái mã « Chấn hưng Phật giáo » là sự hoá trang cho công cuộc Chinh phạt Phật giáo.
Thời gian « Foundation Thích Hiện Minh » còn hoạt động, giống hệt thời « Lực lượng Cư sĩ Chấn hưng Phật giáo » còn hoạt động, tiền gửi về lẻ tẻ cho một số chư Tăng hay Cư sĩ đều có yêu sách viết thư cám ơn « Foundation Thích Thiện Minh ».
7. Do phản ứng bất lợi và nghi ngờ của Giáo hội và Phật giáo đồ, do thấy hoạt động của ông Thục Vũ mờ ám, sai nguyên tắc, Huynh trưởng Nguyên Điền Võ Duy Linh, Tổng Thư ký « Foundation Thích Thiện Minh » vỡ lẽ, viết thư xin sám hối với chư Tăng GHPGVNTN và từ chức. Foundation Thích Thiện Minh tan vỡ, như sự tan vỡ của Lực lượng Cư sĩ Chấn hưng Phật giáo trước kia.
8. « Hội Thích Thiện Minh » tan vỡ, sang đầu năm nay ông Thục Vũ cho thành lập « Hội Cố Hoà thượng Thích Như Đạt », quyên góp tiền bạc như hai hội kia. Tiền gửi về trong nước luôn có yêu sách như thời « Lực lượng Cư sĩ Chấn hưng Phật giáo », thời « Foundation Thích Thiện Minh », người nhận tiền phải viết thư cám ơn « Hội Cố Hoà thượng Thích Như Đạt ». Một chủ trương bất biến, rất « Đại tướng » chứ không là Vô tướng theo tinh thần Phật giáo.
Cung cách làm việc của ông Thục Vũ không tạo niềm tin cho Phật giáo đồ, Hoà thượng Thích Thanh Quang, Viện trưởng Viện Hoá Đạo trong nước ra Thông bạch nêu những lý do khiến GHPGVNTN không thể nhận tiền của một tổ chức chẳng có liên hệ hữu cơ với GHPGVNTN và yêu cầu nhóm ông Thục Vũ chấm dứt việc gửi tiền về trong nước (xin xem Thông cáo báo chí của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế phát hành ngày 3-5-2017 đăng tải Thông bạch này trên Trang nhà https://tinyurl.com/k7y56g8).
Phản ứng Thông bạch của Viện Hoá Đạo, nhóm ông Thục Vũ tung những bài viết hung hăng, khinh thị và phạm thượng với Hoà thượng Viện trưởng Viện Hoá Đạo Thích Thanh Quang làm đau lòng người đọc, nhất là người đọc Phật tử vốn không quen thứ ngôn ngữ ác và vọng.
9. Phản ứng bài viết của Cư sĩ Huệ Lộc đăng tải trên đây, ông Thục Vũ viết một bài đánh giá bài viết của Huệ Lộc, nhưng lại tràng giang đại hải xuyên tạc và vu khống tôi.
10. Tôi có thể nói ngay những luận điệu tố cáo tôi trong bài ông Thục Vũ không có cơ sở, không là sự thật. Trái lại, toàn những điều xuyên tạc và vu cáo. Tôi không cần thiết vạch trần từng chi tiết dối láo chỉ có trong đầu óc hoang tưởng của ông Thục Vũ, nhưng chẳng hề hiện hữu trong thực tại. Tuy nhiên, để công luận thấy rõ chiến dịch tung hoả mù hại người của ông Thục Vũ, tôi đơn cử 2 ví dụ dối láo của ông ta :
Một là, ông Thục Vũ viết trong thư của ông : « Cá nhân tôi đã có thời gian sinh hoạt và là cựu thành viên của VPII ». Tôi là thành viên của Văn Phòng II Viện Hoá Đạo từ khi được Đức Cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang cho thành lập từ năm 1992, xác nhận rằng ông Thục Vũ CHƯA BAO GIỜ là thành viên của Văn Phòng II Viện Hoá Đạo. Vì lẽ, thành viên Văn phòng II VHĐ do Giáo hội trong nước công cử, bao gồm chư Tăng (đa số) và Cư sĩ có thành tích phục vụ Giáo hội lâu năm. Điều mà ông Thục Vũ không hề có. Thời gian ngắn ông làm Tổng thư ký tạm bợ cho Tổng vụ Hoằng pháp, thì ông cũng chỉ ở trong đơn vị Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ. Ai cho vào Văn phòng II Viện Hoá Đạo !
Chuyện của cá nhân ông mà ông còn dối gạt như thế, thử hỏi những điều ông viết về người khác còn hoang tưởng tới mức nào ?
Nếu Ông Thục tin lời nói dối của mình là thật, xin trưng cho công luận xem Giáo chỉ nào có tên ông làm thành viên Văn phòng II VHĐ.
Hai là, ông Thục Vũ viết : « Sư Giác Đẳng có ý định ra tờ Đồng Hành, thì ông Ái lặng lẽ lờ đi, các phiên họp chung định kỳ trên viễn liên ông Ái cũng không vào, mọi người đã yêu cầu Sư Giác Đẳng trực tiếp điện thoại liên lạc với ông Ái, nhưng Ông Ái làm như không nghe cho là chuyện không liên quan đến mình và rồi Ông Ái biệt tăm ».
Đây là sự dối trá trắng trợn. Ông Thục Vũ chưa hề là thành viên của Giáo hội, chưa bao giờ được tham dự các buổi họp của Giáo hội, thì làm sao ông biết rõ thế ? Nhỡ như mấy dòng viết trên đây do bên Việt Cộng ém vào đầu ông, chẳng lẽ ông Thục Vũ cũng vội tin rồi sung sướng bắn lên mạng ? Bắn lên mạng những tin thất thiệt lợi cho ai, hại cho ai ? Ông ủng hộ GHPGVNTN mà cư cử như thế chăng ? Ông ủng hộ Đức Tăng Thống mà cư cử như thế chăng ? ».
Sự thật như thế nào ?
Sự thật là trong buổi họp Văn Phòng II Viện Hoá Đạo, khi Sư Giác Đẳng đưa ý kiến làm tờ báo Đồng Hành, tôi là người ủng hộ. Tôi chỉ rút kinh nghiệm 25 năm làm Chủ nhiệm Chủ bút tạp chí Quê Mẹ ở Paris để khuyên cẩn trọng về các khó khăn trong việc điều hành tớ báo. Phải có người viết giỏi, am hiểu giáo lý, một Ban biên tập hùng hậu để không thành báo Lá cải, phải có tài chánh để tờ báo cầm cự trong vòng 6 tháng. Như thế gọi là tôi « lặng lẽ lờ đi » ư ?
Có một thời gian tôi vắng mặt các buổi họp. Đó là thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2015. Tôi đã viết Email thông báo sự vắng mặt cho chư vị trong Văn Phòng II biết. Thời gian 3 tháng ấy, vì những biến chứng do vụ mỗ đầu tiên, tôi phải trải qua 3 vụ giải phẫu tim xuýt không qua khỏi. Sự thật như thế mà ông Thục Vũ gọi là « Ông Ái biệt tăm ». Khéo quá, không là thành viên của Giáo hội, không được tham dự họp hành mà biết vanh vách mọi chuyện lấy từ đầu óc hoang tưởng chứ không hề xẩy ra trong thực tế. Chuyện này, hai năm trước đây được ông Mai Xuân Châu, tay chân Sư Giác Đẳng hư cấu đưa lên mạng để bôi nhọ tôi. Tôi đã phản bác bằng các tư liệu thông qua các biên bản họp. Ông Châu im thin thít, chẳng dám trả lời, thì nay ông Thục Vũ xào đi nấu lại, thêm thắt gia vị, nhưng món ăn hoang tưởng không thể ngon hơn sự hoang tưởng.
Trái lại, sự thật ông Thục Vũ biết nhưng lại giấu đi. Đó là thời gian tôi bị bệnh phải vắng mặt, cũng là thời gian Sư Giác Đẳng chuẩn bị lá bài đánh phá nhằm tiêu diệt GHPGVNTN. Muốn tiêu diệt GHPGVNTN thì phải trước tiên đánh sụp Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế. Sư Giác Đẳng chỉ thị cho cánh tay mặt thân yêu của mình, là bà Lê Diễm Chi Huệ (vợ ông Minh Huy) dùng điện thoại tuyên truyền đánh phá Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế. Bà ta khẳng định với mọi người « Thầy Giác Đẳng sẽ dẹp Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế cho mà coi ». Nhân chứng vẫn còn nguyên trong các đơn vị của Giáo hội bên Hoa Kỳ.
Sự thay đổi trong cách cư xử của Sư Giác Đẳng đối với Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế thấy rõ từ tháng 3 năm 2015, cũng là lúc bà Chi Huệ tung chiến dịch xuyên tạc và mạ lỵ chúng tôi. Trùng với một sự kiện mà chúng tôi còn nhớ, là thời gian này có 2 đại gia hứa cho Sư Giác Đẳng 10 triệu Mỹ Kim để mua đất và xây chùa đồ sộ ở Westminster, California.
Tôi cầu mong ông Thục Vũ biết làm người tử tế và lương thiện.
Võ Văn Ái
19.5.2017