Trước khi về Việt Nam, Sư Ông Thích Nhất Hạnh viết thư gửi toàn thể “chư tôn đức Tăng Ni các tổ đình, tu viện, thiền viện, tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, các Học viện Phật giáo Việt Nam, các Trường Cao Trung Phật học, các lớp Sơ cấp Phật học”. Thư viết từ Ðạo tràng Mai Thôn ở Pháp, đề ngày 30.11.2004. Mục đích ghi rõ ba điều :
Thứ nhất, Sư Ông Nhất Hạnh tỏ lòng “cảm kích khi nhận được sự nâng đỡ và yểm trợ của chư vị tôn đức, Sư trưởng, Ni trưởng và toàn thể huynh đệ cho chuyến về viếng thăm Việt Nam đầu năm 2005” ;
Thứ hai, thông báo ngày giờ đến phi trường Nội Bài, Hà Nội, lúc 7 giờ sáng ngày 12.1.2005, rời TP Hồ Chí Minh ngày 11.4.2005 lúc 23 giờ tại phi trường Tân Sơn Nhất ; và
Thứ ba, Sư Ông đề xuất chư tôn đức Tăng Ni đến tham dự những khóa tu do Sư Ông hướng dẫn, Sư Ông viết : “Thiết nghĩ, chỉ có vào những khóa tu, chúng ta mới có thời gian và điều kiện thuận lợi để được ngồi yên bên nhau trong không khí thiền vị đầm ấm, an lạc, thân thương. Tôi chưa có cách nào làm hay hơn, nên mong chư tôn đức hoan hỷ nhận đây là lời thân mời, để chúng ta được gặp nhau trong thời gian các khóa tu đã được công bố. Ðồng thời xin quý ngài hoan hỷ khích lệ hai giới tu sĩ và cư sĩ cùng đến tham dự để được học hỏi và nâng đỡ lẫn nhau”.
Cách mời trên đây, hiểu theo ngôn ngữ ngoài đời là “triệu tập đi tu học”. Và do tinh thần bình đẳng, Sư Ông gửi thư chung ấy đến mọi người, không ghi danh tánh, chức vụ của bất cứ ai. Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ cùng các Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đều nhận đủ bức thư chung không danh chức người nhận ấy. Nhiều vị trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thán lên rằng : Chúng tôi có nâng đỡ hay yểm trợ gì đâu trong chuyến viếng thăm này mà cũng được cám ơn ?!.
Thượng tọa Thích Viên Ðịnh, Viện chủ ngôi Tổ đình Thập Tháp ở Bình Ðịnh và chùa Giác Hoa ở Saigon, đã viết bức thư hồi âm gửi Thiền sư Thích Nhất Hạnh hôm 19.1.2005. Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế vừa tiếp nhận bản sao thư ấy. Qua thư này, Thượng tọa cho biết tình trạng bị quản chế nên không có mặt tại Tổ đình Thập Tháp, Bình Ðịnh, theo lời mời của Thiền sư. Mặt khác, Thượng tọa Thích Viên Ðịnh cũng nói lên tình trạng khó khăn, bị đàn áp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất để Sư Ông rời xa quê hương bốn mươi năm thêm tỏ tường. Thượng tọa cũng không giấu được nỗi buồn lo của Thượng tọa khi viết rằng : “Xem thư xong, con vừa mừng vừa lo, vui buồn lẫn lộn. Mừng là lâu lắm Ngài mới được trở về thăm quê hương sau 40 năm xa cách. Buồn là không biết vì thời gian hay vì hoàn cảnh, Ngài đã quên không nhắc gì đến Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất mà Ngài chỉ nói đến Giáo hội Phật giáo Việt nam của nhà nước mới thành lập, là thành viên của Mặt trận tổ quốc. Và cuối cùng là lo. Có lẽ Ngài cũng biết con bị quản thúc ở chùa Giác Hoa, không có mặt ở tổ đình Thập Tháp, nên Ngài cho người đem thư gửi thẳng vào chùa Giác Hoa, vì vậy, quí thầy ở tại tổ đình Thập Tháp không ai biết gì về việc này”.
Dù rằng Thượng tọa thông cảm với chuyến về Việt Nam của Sư Ông : “Ðọc nội dung các lá thư Ngài gửi về, với mong ước được về thăm quê hương sau gần 40 năm xa cách và cũng để truyền bá pháp môn thiền, việc đó ai cũng thông cảm được, vì đó cũng là tâm tư của những người Việt xa quê hương trong những ngày lễ Tết”.
Tuy nhiên, Thượng tọa Thích Viên Ðịnh tỏ ra thắc mắc cung cách muốn hợp nhất hai Giáo hội của Sư Ông Nhất Hạnh khi Sư Ông yêu cầu hai Giáo hội cùng ra đón Sư Ông ở phi trường, cùng hộ tống Sư Ông về Huế và hai Giáo hội cùng Sư Ông làm chung lễ Bố tát (1) :
“Trong đoạn thư gửi hai Hòa thượng ở Huế, Ngài đề nghị Hòa thượng Thích Ðức Phương (Trưởng Ban Trị sự Gíao hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên) và Hòa thượng Thích Thiện Hạnh (Chánh thư ký Viện Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất) ra phi trường đón Ngài và phái đoàn, để chư tăng hai bên đi chung một đoàn. Và Ngài cũng đề nghị chư tăng bố-tát chung tại chùa Báo Quốc, thay vì hai nơi Từ Ðàm và Linh Quang như hiện nay. Chỉ cần vài ba phút là chư tăng sẽ hòa hợp thành một. Vấn đề hợp nhất Giáo-hội, có lẽ Ngài không rõ nội tình trong nước nên mới có ý kiến như vậy. Nhưng, muốn hòa giải, trước nhất, Ngài nên đứng giữa và phải tôn trọng cả hai bên, không nên bên trọng, bên khinh, một bên thì nêu tên tuổi, chức vụ, Giáo-hội, còn bên kia thì như quên lãng, các bên sẽ nghi ngờ việc làm của Ngài không phải hòa hợp mà là sáp nhập. Cũng giống như nhà nước kêu gọi đoàn kết, nhưng thật ra là sáp nhập. Vì đoàn kết thì các bên tôn trọng lẫn nhau, còn sáp nhập thì gom lại một mối để điều khiển”. (…) ” Ngài nên vận động theo lời đề nghị hòa hợp hai Giáo hội của Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Ðạo Thích Quảng Ðộ gần đây : “Muốn hòa hợp phải để Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất phục hoạt như cũ, và Giáo hội Phật giáo Việt nam phải ra khỏi Mặt trận tổ quốc. Khi ấy chư tăng sẽ ngồi lại với nhau, sắp xếp việc hòa hợp, các thế lực bên ngoài không được can thiệp vào. Nói chung, muốn giải quyết việc gì phải có dân chủ, nhân quyền là điều tiên quyết”. Ðó là một đề nghị dễ dàng, hợp tình, hợp lý nhất, không cần đề nghị nào khác”.
Ðối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tức là Giáo hội Phật giáo Nhà nước, thì Thượng tọa Thích Viên Ðịnh nói rõ bản chất của Giáo hội ấy chẳng khác chi những Giáo hội phù du trong các nước Xã hội chủ nghĩa, không “sống chết theo mệnh nước nổi trôi” mà là sống chết theo các thể chế độc tài : “Sau năm 1981 đến trước năm 1989 những phái đoàn Giáo hội Phật giáo các nước Xã hội chủ nghĩa đến thăm Việt nam cũng như mời Gíao hội Phật giáo Việt Nam, thành viên của Mặt trận, đi hội họp và thăm viếng. Nhưng từ sau năm 1989 các nước XHCN tan rã thì các Giáo hội ấy cũng tiêu luôn không còn thấy nữa. Giáo hội của một tôn giáo mà dựa vào một đảng phái chính trị nhất thời để sống còn thì quả là mất gốc và không lâu dài”.
Thượng tọa Viên Ðịnh nhận xét tế nhị việc Nhà nước và Giáo hội Phật giáo Nhà nước tiếp đón tưng bừng Sư Ông như sau : “Ngài là người nhiều kinh nghiệm, nhớ rõ câu tục ngữ “ở bầu thì tròn ở ống thì dài” nên ở Tây phương, bên Pháp, Mỹ, những nước theo chế độ tự do, có dân chủ nhân quyền, Ngài muốn đi qua lại nước này nước kia lúc nào cũng được tự do tự tại, chứ đâu cần phải thương lượng, trao đổi nhiều năm, nhiều tháng như xin về Việt nam đâu. Hơn nữa Ngài đã ở nước ngoài lâu rồi, coi như khách, lại về Việt nam chỉ có ba tháng nên cách đối xử cũng khác, chánh phủ tiếp Ngài như tiếp phái đoàn quốc tế tham quan vậy thôi. Nếu Ngài về ở ba năm thì vấn đề lại khác, chưa chắc được như vậy. Vì vậy nên phái đoàn Ngài từ Pháp về, được Nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đón tiếp, mời mọc long trọng, chứ chư tăng trong nước, như con ở Sài gòn về Bình định đã không được rồi. Và vừa rồi cả phái đoàn của Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Ðạo từ Sài gòn về Bình định thăm đức Tăng thống bị bịnh nặng thập tử nhất sinh, nằm ở bệnh viện Qui nhơn cũng bị Nhà nước ngăn chặn, đâu có đi được. Ở Việt-Nam, đạo đức, văn hóa, tự do, nhân quyền của con người bị tước đoạt như vậy, Ngài có biết không ?”.
Trên mặt tu hành và trong đời sống tâm linh, Thượng tọa Thích Viên Ðịnh khai thị điều thiết yếu với những ai chỉ kêu gọi tỉnh thức suông mà không chịu tỉnh thức liên tục trong đời sống thường nhật : “Sở dĩ chúng ta đến bây giờ chưa thành Phật được, không phải vì chúng ta không tỉnh thức mà vì chúng ta không tỉnh thức luôn”.
Chung quanh chuyến viếng thăm của Sư Ông Thích Nhất Hạnh, thì tin từ Huế cho biết, Thượng tọa Thích Thái Hòa thuộc chùa Từ Hiếu, là ngôi Tổ đình của Sư Ông Thích Nhất Hạnh, đã lấy máy bay ra Hà Nội đón rước Sư Ông và Tăng thân Làng Mai tại phi trường Nội Bài ở Hà Nội. Ðồng thời bốn chiếc xe hơi lớn nhỏ chở trên 40 chư Tăng từ Huế đi Hà Nội chào đón Sư Ông. Nhưng công an ở Hà Nội không cho chư Tăng Huế gặp mặt để đảnh lễ Sư Ông. Lấy cớ Nhà nước phải “tăng cường an ninh” chặt chẽ cho Sư Ông Thích Nhất Hạnh. Khiến chư Tăng Huế phải ngậm ngùi giúp Nhà nước “bảo vệ” Sư Ông, nên đi không rồi lại về không trên hàng nghìn cây số.
Khách bàng quan ở phi trường Nội Bài thấy có 600 Tăng Ni, Phật tử ra đón Sư Ông và phái đoàn Làng Mai. Nửa số là công an mặc thường phục. Hiển nhiên để “tăng cường an ninh” cho Sư Ông, đồng thời tăng lượng người trong tình cá nước “công” và “dân”.
Nhiều đề tài đổi thay bất ngờ trong chương trình thuyết pháp mà chẳng ai biết lý do. Chẳng hạn buổi thuyết giảng ở Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh qua đề tài “Vai trò Phật giáo trong xã hội đương đại”, nay đổi ra “Người thương tôi chết, bây giờ người ở đâu ?”. Một số đề tài dự tính thuyết trình trong khuôn viên Ðại học, thì nay chuyển vào Trường Ðảng Nguyễn Ái Quốc, v.v… Theo tin trong nước, thì chương trình thay đổi xoèn xoẹt.
Sau đây, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin đăng nguyên văn bức thư của Thượng tọa Thích Viên Ðịnh trả lời Thiền sư Nhất Hạnh mà chúng tôi trình bày sơ lược ở phần đầu thông cáo :
Thượng tọa Thích Viên Ðịnh trả lời thư của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
(1) Bố tát : tiếng Phạn là Upavasatha, Pali là Uposatha, Hán dịch là tịnh trụ, trưởng dưỡng… Tức lễ tịnh giới. Cứ mỗi nửa tháng vào dịp Rằm và ngày 29 hay 30 âm lịch, chúng tăng họp lại một chỗ, thỉnh vị tỳ kheo tinh thông giới luật nói cho nghe giới bản Ba-la-đề-mộc-xoa (Pratimoksa) để xét hành vi của mình nửa tháng qua. Nếu phạm giới thì phải sám hối trước chúng tăng. Pháp này giúp các tỳ kheo an trụ lâu dài trong tịnh giới, tăng trưởng pháp lành và công đức (PTTPGQT chú).