Home / Tài liệu / Viện Hóa Ðạo : Thượng tọa Thích Viên Ðịnh trả lời thư của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Viện Hóa Ðạo : Thượng tọa Thích Viên Ðịnh trả lời thư của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Download PDF

Kính gửi thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Kính bạch Ngài,

Từ ngày con được biết Ngài ở Huế, thấm thoát nay đã hơn 40 năm, thời gian trôi nhanh quá, mới đó mà ai nấy đều đã già rồi, đời người ngắn ngủi, chỉ có dân tộc và nhân loại là lâu dài.

Con xin đổi cách xưng hô “Thiền sư” bằng “Ngài” cho thân tình hơn. Ðáng lẽ con phải gọi Ngài là Hoà thượng mới đúng, nhưng Ngài không dùng danh từ Hoà thượng mà lại dùng danh từ Thiền sư, lại nữa ở đây mà gọi danh từ Thiền sư cũng hơi khó nghe, và con viết văn không được như Ngài, nên nghe không được thiền vị cho lắm, mong Ngài hoan hỷ.

Kính bạch Ngài,

Nhận được thư của Ngài và chương trình phái đoàn thăm Bình định, trong đó phái đoàn có đến tổ đình Thập Tháp để thăm, đảnh lễ và dùng cơm, đàm đạo một ngày. Ngoài ra con cũng được xem qua thư Ngài gửi Hòa thượng Ðức Phương và Hòa thượng Thiện Hạnh. Xem thư xong, con vừa mừng vừa lo, vui buồn lẫn lộn. Mừng là lâu lắm Ngài mới được trở về thăm quê hương sau 40 năm xa cách. Buồn là không biết vì thời gian hay vì hoàn cảnh, Ngài đã quên không nhắc gì đến Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất mà Ngài chỉ nói đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam của nhà nước mới thành lập, là thành viên của Mặt trận tổ quốc. Và cuối cùng là lo. Có lẽ Ngài cũng biết con bị quản thúc ở chùa Giác Hoa, không có mặt ở tổ đình Thập Tháp, nên Ngài cho người đem thư gửi thẳng vào chùa Giác Hoa, vì vậy, quí thầy ở tại tổ đình Thập Tháp không ai biết gì về việc này. Vừa rồi nhân ngày giỗ Bổn sư của con cũng là ngày Tảo tháp, chư tăng về tham dự rất đông, nhân đó quí thầy thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam có bàn với chư tăng tổ đình Thập Tháp chuẩn bị đón tiếp phái đoàn của Ngài. Quí thầy ở Thập Tháp rất ngỡ ngàng và không biết xử trí việc này như thế nào, nên đã xin ý kiến của con, vì con là Trú trì tổ đình Thập Tháp, cá nhân con lại đang bị nhà nước quản thúc không cho về Bình-định, trong khi Ngài là khách của Nhà nước và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nên quí thầy ở Giáo hội đó cũng không biết tính sao. Vì việc này nên con mới viết thư trả lời để Ngài biết hoàn cảnh Thập Tháp nói riêng, hoàn cảnh Ðạo pháp Dân tộc nói chung, và cũng để cho chư tăng tổ đình Thập Tháp và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình định biết để an tâm tuỳ nghi lo liệu.

Ðọc nội dung các lá thư Ngài gửi về, với mong ước được về thăm quê hương sau gần 40 năm xa cách và cũng để truyền bá pháp môn thiền, việc đó ai cũng thông cảm được, vì đó cũng là tâm tư của những người Việt xa quê hương trong những ngày lễ Tết. Có điều không biết vô tình hay cố ý, Ngài về nhằm vào thời điểm rất tế nhị, có thể bị hiểu là Ngài đã bị thế gian lợi dụng để tuyên truyền, làm đẹp cho chế độ. Dư luận bình phẩm không tốt về chuyến đi này của Ngài, con cũng hơi buồn.

Trong đoạn thư gửi hai Hòa thượng ở Huế, Ngài đề nghị Hòa thượng Thích Ðức Phương (Trưởng Ban Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên) và Hòa thượng Thích Thiện Hạnh (Chánh thư ký Viện Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất) ra phi trường đón Ngài và phái đoàn, để chư tăng hai bên đi chung một đoàn. Và Ngài cũng đề nghị chư tăng bố-tát chung tại chùa Báo Quốc, thay vì hai nơi Từ Ðàm và Linh Quang như hiện nay. Chỉ cần vài ba phút là chư tăng sẽ hòa hợp thành một. Vấn đề hợp nhất Giáo-hội, có lẽ Ngài không rõ nội tình trong nước nên mới có ý kiến như vậy. Nhưng, muốn hòa giải, trước nhất, Ngài nên đứng giữa và phải tôn trọng cả hai bên, không nên bên trọng, bên khinh, một bên thì nêu tên tuổi, chức vụ, Giáo-hội, còn bên kia thì như quên lãng, các bên sẽ nghi ngờ việc làm của Ngài không phải hòa hợp mà là sáp nhập. Cũng giống như nhà nước kêu gọi đoàn kết, nhưng thật ra là sáp nhập. Vì đoàn kết thì các bên tôn trọng lẫn nhau, còn sáp nhập thì gom lại một mối để điều khiển.

Việc Phật Giáo Việt Nam có hai Giáo hội và vấn đề bố-tát riêng hai trụ xứ ở Thừa Thiên là hai vấn đề khác nhau. Không thể đem vấn đề bố-tát chung một trụ xứ mà hòa hợp hai Giáo hội được. Như chư tăng ở Già Lam – Gò Vấp, hơn 70, 80 vị, cùng ở chung, cùng ăn chung, cùng tụng kinh, bố-tát chung, cùng hoà hợp, nhưng trong đó có vị theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, có vị theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam của Mặt-trận, có sao đâu. Chùa Giác Hoa ở Bình Thạnh cũng vậy, trên 40 tăng chúng cùng tu học, có vị này vị khác chứ có theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hết đâu, nhưng vẫn hoà hợp bố tát, có chia rẽ gì đâu. Việc tu hành là việc riêng của mỗi người, còn việc Giáo hội là việc chung có liên quan đến dân tộc và nhân loại, nên không thể gọp chung làm một được. Nói nôm na là “không có chư tăng quốc danh mà chỉ có Giáo hội quốc danh” mà thôi. Nhưng vì sức ép từ mọi phía, vì hoàn cảnh, vì nhiều lý do khác nhau mà một số chư tăng cúi đầu khuất phục theo Giáo hội của nhà nước; số còn lại phải gồng mình chịu đựng mọi tù đày lao lý, quản thúc, biệt xứ, và cả hy sinh nữa.

Ngài là người nhiều kinh nghiệm, nhớ rõ câu tục ngữ “ở bầu thì tròn ở ống thì dài” nên ở Tây phương, bên Pháp, Mỹ, những nước theo chế độ tự do, có dân chủ nhân quyền, Ngài muốn đi qua lại nước này nước kia lúc nào cũng được tự do tự tại, chứ đâu cần phải thương lượng, trao đổi nhiều năm, nhiều tháng như xin về Việt nam đâu. Hơn nữa Ngài đã ở nước ngoài lâu rồi, coi như khách, lại về Việt nam chỉ có ba tháng nên cách đối xử cũng khác, chánh phủ tiếp Ngài như tiếp phái đoàn quốc tế tham quan vậy thôi. Nếu Ngài về ở ba năm thì vấn đề lại khác, chưa chắc được như vậy. Vì vậy nên phái đoàn Ngài từ Pháp về, được Nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đón tiếp, mời mọc long trọng, chứ chư tăng trong nước, như con ở Sài gòn về Bình định đã không được rồi. Và vừa rồi cả phái đoàn của Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Ðạo từ Sài gòn về Bình định thăm đức Tăng thống bị bịnh nặng thập tử nhất sinh, nằm ở bệnh viện Qui nhơn cũng bị Nhà nước ngăn chặn, đâu có đi được. Ở Việt-Nam, đạo đức, văn hóa, tự do, nhân quyền của con người bị tước đoạt như vậy, Ngài có biết không ?

Về vấn đề có hai Giáo hội Ngài nghĩ là do những bất đồng về tình cảm, giận hờn riêng tư thông thường, nên Ngài cho rằng chỉ cần có dịp gần gũi bên nhau là hòa hợp được. Nhưng thực tế của vấn đề là ở đường hướng khác nhau rất rõ ràng trong hai bản hiến chương. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (thành viên của Mặt trận tổ quốc, một tổ chức chính trị hoạt động dưới sự chỉ đạo của đảng cộng sản Việt nam) : “hoạt động trong luật pháp và hiến pháp nước CHXHCNVN”.

Còn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất : “không đặt sự tồn tại của mình nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại ấy trên sự tồn tại của nhân loại và dân tộc”. Ðó là căn bản của sự khác biệt. Vì cương lĩnh hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất như vậy nên vấn đề tôn giáo gắn liền với dân tộc cũng như nhân loại là một. Việc vận động cho tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền cho Việt nam là mục tiêu mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã tiến hành từ năm 1975 đến nay đã tròn 30 năm. Nên không dễ dàng hòa hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thành viên của Mặt trận tổ quốc được. Sau năm 1981 đến trước năm 1989 những phái đoàn Giáo hội Phật giáo các nước Xã hội chủ nghĩa đến thăm Việt nam cũng như mời Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thành viên của Mặt trận đi hội họp và thăm viếng. Nhưng từ sau năm 1989 các nước XHCN tan rã thì các Giáo hội ấy cũng tiêu luôn không còn thấy nữa. Giáo hội của một tôn giáo mà dựa vào một đảng phái chính trị nhất thời để sống còn thì quả là mất gốc và không lâu dài.

Vì vậy, Ngài nên vận động theo lời đề nghị hòa hợp hai Giáo hội của Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Ðạo Thích Quảng Ðộ gần đây : “muốn hòa hợp phải để Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phục hoạt như cũ, và Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải ra khỏi Mặt trận tổ quốc. Khi ấy chư tăng sẽ ngồi lại với nhau, sắp xếp việc hòa hợp, các thế lực bên ngoài không được can thiệp vào. Nói chung, muốn giải quyết việc gì phải có dân chủ, nhân quyền là điều tiên quyết”. Ðó là một đề nghị dễ dàng, hợp tình, hợp lý nhất, không cần đề nghị nào khác.

Thật ra, chúng ta đều là tu sĩ, ngoài việc lo tu hành giải thoát giác ngộ ra, chỉ còn lấy việc độ sanh làm sự nghiệp. Truyền thống Phật giáo từ xưa đến giờ, chỉ thấy các sư bỏ cung vàng, điện ngọc đi tu, chứ chưa bao giờ thấy có các sư ra làm vua, làm chúa. Ngay cả thời vàng son Ðinh, Lê, Lý, Trần, Phật giáo rất thạnh, cũng không có việc các sư ra nhận lãnh chức vụ gì ở thế gian. Nhưng việc độ sanh cũng khó, chỉ có chư Phật có Pháp âm vi diệu, nói ra một lời muôn loài đều được lợi ích. Còn chúng ta là phàm tăng, không được như vậy. Vì ở thế gian, nhiều phe, nhiều phái, nếu lợi bên này, thì sẽ thiệt bên kia, rất khó lưỡng toàn. Nên chúng ta phải cân nhắc giữa một bên là 80 triệu dân, một bên chỉ hơn 2 triệu. Cũng không thể dùng cái lý luận vì là phe thiểu số, hơn hai triệu mà phải cai trị 80 triệu, nên phải dùng sức mạnh, bạo lực để tự bảo vệ được. Và sai lầm quan trọng nhất là cái lý luận phải cần độc tài để ổn định xã hội mới phát triển kinh tế được, nhân dân nên hy sinh vấn đề tự do, dân chủ và nhân quyền. Các nước xã hội chủ nghĩa Ðông-Âu đều độc tài và ổn định, theo đuổi Xã hội chủ nghĩa mấy chục năm nhưng tất cả đều nghèo nàn và cuối cùng là tan rã. Hiện nay, đâu có nước nào độc tài và an ninh ổn định hơn Bắc Hàn, họ như một khối đen trong vũ trụ, dân chúng như bị tê liệt, không thấy động tịnh gì cả. Thỉnh thoảng một vài người vượt biên trốn chạy được ra ngoài tìm đất sống. Nhưng Bắc Hàn có giàu đâu ? mà còn đang nghèo đói cùng cực là khác.

Ngài là một nhà văn hóa, một nhà xã hội, Ngài thử nhìn xem xã hội Việt nam sau 30 năm hòa bình, các mặt kinh tế, văn hóa, đạo đức, hiện nay đang khủng hoảng, chậm tiến, suy đồi như thế nào ? Và Ngài thử nhìn lại xem thành quả 10 năm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (1964 1974) trong lúc Miền Nam còn chiến tranh, so sánh với thành quả hơn 20 năm hòa bình (từ năm 1982 đến nay) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì biết. Cũng như Ngài đi một vòng để lắng nghe những tiếng kêu của những người dân thầm lặng, cũng như của các tầng lớp nhân dân, từ các vị sĩ phu trí thức nam nữ, các người già, các người thanh niên tuổi trẻ, các đoàn thể, tôn giáo đều mong muốn Việt nam được tự do, dân chủ, nhân quyền mới có thể chuyển đổi được hoàn cảnh đất nước hiện nay tốt đẹp hơn.

Con có nghe Ngài trả lời một cuộc phỏng vấn mấy năm trước, Ngài cho rằng, Việt-Nam cần phải có dân chủ và nhân quyền mới tiến bộ được. Một quốc gia không thể giàu mạnh, phát triển được khi dân chúng phải sống trong khủng bố, lo âu, hồi hộp, nghi ngờ. Xin Ngài cứ giữ lập trường như vậy luôn, chứ không nên vì một lý do nào đó, lại thay đổi lập trường. Sở dĩ chúng ta đến bây giờ chưa thành Phật được, không phải vì chúng ta không tỉnh thức mà vì chúng ta không tỉnh thức luôn. Từ sáng đến chiều, lúc tỉnh lúc quên, khi mê khi ngộ. Lúc thiên đường, khi địa ngục, như người khách qua lại ba cõi, vì vậy mà mãi bị trầm luân.

Ngài là một danh tăng, có nhiều công lao truyền đạo ở trời tây, nếu có gì sơ xuất thì thật đáng buồn. Mong Ngài cẩn thận trong việc hành xử, làm thế nào có lợi nhất cho đạo pháp và dân tộc. Ðược như vậy thì phước đức vô lượng.

Cầu nguyện Tam bảo gia hộ Ngài pháp thể khinh an, chúng sanh dị độ.

Giác Hoa ngày 19 tháng 01 năm 2005, (Ấn ký), Tỳ kheo Thích Viên Ðịnh



Unicode


VNI


VPS


VIQR

Check Also

Thông bạch Đại lễ Vu Lan Pl. 2562 – 2018 của Viện Hoá Đạo

  PARIS, ngày 14 tháng 8 Năm 2018 (PTTPGQT) — Sau đây là Thông bạch …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *