Hôm 2.4.2004, Hòa thượng Thích Thiện Hạnh viết thư phản đối cơ quan công quyền Huế dàn trò để ngăn cấm phái đoàn tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Saigon đến thăm Hòa thượng Thích Thiện Hạnh ở chùa Báo Quốc, Huế. Nguyên phái đoàn hẹn đến vấn an Hòa thượng vào lúc 15 giờ chiều ngày 29.3.2004. Sau đó, lại điện thoại thông báo bị kẹt xe, xin khất đến 16 giờ 30. Nhưng cuối cùng chẳng sao tiến đến ngã ba đường Ðiện Biên Phủ để vào chùa Báo Quốc.
Trong khi ấy, thì các lực lượng công an chìm và nổi đến bao vây quanh chùa từ buổi sáng với sự hợp đồng của công an phường. Họ đã tự động đến gắn các ổ khóa vào cổng tam quan chùa Báo Quốc rồi khóa lại, mặc sự phản đối của chư Tăng. Truyền thống Phật giáo tự nghìn xưa là đón mời khách thập phương ngày cũng như đêm, nên cổng chùa chẳng bao giờ khóa. Thế nhưng lần này, công an đã xem nhà chùa như nhà tù để có thể khóa mở theo ý họ, và sự kiện ngày 29.3 rõ ràng muốn ngăn cản phái đoàn tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ đến vấn an Hòa thượng Thích Thiện Hạnh.
Thế nhưng không tin lắm vào chính các ổ khóa của họ, công an bèn tạo ra một vụ tai nạn giao thông giả, gây ích tắc con đường đến chùa. Chiếc xe chở phái đoàn Hoa kỳ bị dồn ứ ở đường Ðiện Biên Phủ, tiến thoái lưỡng nan. Công an đến báo động với phái đoàn rằng đường vào chùa hiện nay không an toàn và khuyên không nên đến đó. Phái đoàn Hoa Kỳ đành điện thoại xin lỗi Hòa thượng Thích Thiện Hạnh vì lý do khách quan mà thất hẹn.
Ðồng thời với cuộc phong tỏa chùa Báo Quốc, công an cũng bao vây và canh gác hai chùa Từ Hiếu và Châu Lâm, đuổi tất cả các xe cộ, xe taxi nào đến gần hai ngôi chùa này.
Từ cuộc bố ráp, đàn áp hàng giáo phẩm cao cấp thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất sau Ðại hội Bất thường tổ chức vào thượng tuần tháng 10.2003 tại Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Ðịnh, Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, được bầu làm Chánh thư ký Viện Tăng Thống, nhưng khi trở về Huế liền bị công an ra khẩu lệnh quản chế. Sau đây là nguyên văn “Thư Phản đối” của Hòa thượng gửi đến cơ quan công quyền Huế :
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Ðộc lập – Tự do – Hạnh phúc
THƯ PHẢN ÐỐI
Kính gởi:
– Ông Hồ Xuân Mãn, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế
– Ông Nguyễn Văn Mễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế
– Ông Lê Bá Trình, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế
Ðồng kính gởi:
– Ðại tá Bạch Hiền, Giám đốc Sở Công An tỉnh Thừa Thiên – Huế
– Ðại tá Lê Viết Hà, Trưởng công an thành phố Huế
Kính thưa quý vị,
Chiều 29.3.2004, một phái đoàn Hoa Kỳ, trong đó có đại diện Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh muốn đến gặp tôi, là người đang bị quản chế bằng khẩu lệnh từ 6 tháng nay tại chùa Báo Quốc, nhưng buổi gặp đã không diễn ra theo yêu cầu.
Kính thưa quý vị,
Việc để cho phái đoàn gặp tôi hay không là thuộc về trách nhiệm của quý vị ; việc dựng nên một vụ tại nạn giao thông giả để ngăn cản không cho phái đoàn đến gặp tôi, là quyền sắp đặt của quý vị, cả 2 việc này, ở đây, tôi chưa hề có ý kiến, mặc dù thấy có ít nhiều tổn thương đến danh dự chung của tất cả mọi người Việt Nam.
Duy có việc, công an Tỉnh đem khóa đến khóa cổng tam quan chùa Báo Quốc để ngăn không cho phái đoàn nói trên vào gặp tôi là việc cần lưu ý nhất. Bởi lẽ việc làm này, thực tế lúc đó đã gây trở ngại khiến cho các đoàn tham quan lễ bái không vào chùa được, tạo dư luận bàn tán xôn xao không mấy tốt đẹp.
Ðây là một việc làm trắng trợn, xâm phạm chủ quyền tăng chúng chùa Báo Quốc và các quyền sinh hoạt tôn giáo thường ngày của Chùa. Ðồng thời đã gây thiệt hại đến đời sống kinh tế của tập thể tăng chúng trong Chùa.
Tôi cực lực phản đối việc làm này, phi luật pháp, tùy tiện, xâm phạm chủ quyền nhà chùa.
Tôi yêu cầu quý vị lãnh đạo Tỉnh cho điều tra làm sáng tỏ vụ việc cá nhân cán bộ nào đã có hành động xâm phạm chủ quyền và các quyền sinh hoạt tôn giáo thường ngày của tập thể tăng chúng chùa Báo Quốc trước dư luận mọi tầng lớp nhân dân và đông đảo tăng tín đồ Phật giáo trong và ngoài nước.
Trân trọng kính chào quý vị.
Huế, ngày 02.4.2004
(ấn ký)
Thích Thiện Hạnh
Cựu trú Tỷ kheo chùa Báo Quốc
Nơi nhận:
– Như trên
– Hội Ðồng Lưỡng Viện GHPGVNTN “Kính trình”
– BTS GHPGVN tỉnh TT – Huế
– các Tổ đình, các chùa TTHuế
– TT Thích Ðức Thanh và tăng chúng chùa Báo Quốc “để biết”
Trong bản Thông cáo Báo chí phát hành ngày 28.3.2004 trình bày tiếng nói nhân chứng của thầy Trí Lực về vụ công an Cam Bốt hợp đồng với công an Việt Nam bắt cóc thầy tại Nam Vang đêm 25.7.2002. Nhưng sang ngày 29.3.2004, ông Vũ Anh Sơn, đại diện cơ quan Cao ủy Tị nạn LHQ tại Hà Nội tuyên bố với hãng thông tấn Reuters rằng : Chưa có chứng cớ gì về cuộc bắt cóc này. Cho nên ngày 31.3.2004, thầy Trí Lực đã tự tay viết bản Tường trình gửi đến Genève cho ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam kiêm Phó chủ tịch Liên Ðoàn Quôc tế Nhân quyền, hiện đang tham dự khóa họp lần thứ 60 của Ủy hội Nhân quyền LHQ. Ông Ái đã trao bản Tường trình này cho Ủy hội Nhân quyền LHQ sau khi ông lên tiếng cáo giác Nhà cầm quyền Hà nội đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và tự do ngôn luận tại Việt Nam (xin xem Thông cáo Báo chí của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam phát hành tại Genève ngày 2.4.2004). Sau đây là nguyên văn bản Tường trình :
“Bản Tường trình kính gửi Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam
và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế”
“Tôi tên là Thích Trí Lực, tục danh Phạm Văn Tưởng, sinh ngày 15.3.1954 tại tỉnh Thừa Thiên – Huế (Việt Nam). Hồ sơ và giấy chứng nhận tỵ nạn số 610 IC, do bà Elisabeth Kirton – Phủ Cao ủy Tỵ nạn LHQ (UNHCR) tại Phnom Penh, Vương quốc Cambodia – cấp ngày 28.6.2002. Tôi kính trình sự việc như sau :
“Vào khoảng 19 giờ, ngày 25.7.2002, tôi đang đi bộ trên đường 185, đối diện chợ Russey, Phnom Penh, Cambodia, để mua đồ dùng. Bất ngờ có các người lạ mặt xông vào vây quanh tôi, họ khống chế bắt cóc tôi đưa lên một chiếc xe ôtô đã đậu sẵn gần đó. Tôi bị còng tay, có một người ngồi bên cạnh siết mạnh cổ tôi, nên tôi không thể nào kêu cứu. Có mấy người ở hàng ghế sau đánh vào mặt tôi một cách tàn nhẫn. Họ trấn lột tư trang, tiền bạc và thẻ tỵ nạn trong túi áo tôi. Một người ngồi trên xe hỏi tôi bằng tiếng Việt với giọng nói chính gốc người Việt sử dụng tiếng mẹ đẻ :
– “Ông sang đây có hộ chiếu hay không ?
“Tôi thẳng thắng trả lời :
– “Tôi đi tỵ nạn chính trị, đã được hưởng quy chế tỵ nạn do Cao ủy Tỵ nạn LHQ chứng nhận. Tôi được quyền cư trú trên lãnh thổ Campuchia dưới sự bảo vệ của LHQ. Tôi không hề vi phạm pháp luật của đất nước này, cớ sao các ông lại bắt cóc và hành hung tôi ?
“Mọi người trên xe đều im lặng. Họ tiếp tục khống chế tôi, nỗi kinh hoàng không thể nào tả xiết !
“Xe chạy khoảng nửa tiếng đồng hồ, đến một cơ quan. Qua ánh đèn điện, tôi đọc được dòng chữ International Police (Cảnh sát Quốc tế). Họ chuyển tôi sang một chiếc xe du lịch loại bốn chỗ ngồi rồi tiếp tục chuyển bánh. Chiếc xe chở những người bắt cóc tôi chạy trước, ngồi ở xe sau tôi đọc rõ ràng biển số ++ 2 – 2475 (hai chữ trước số 2 là mẫu tự tiếng Khmer, tôi không biết). Xe đưa tôi vào một cơ quan tọa lạc tại gần vòng xoay chân cầu Saigon ở Phnom Penh, họ giam tôi vào gian phòng dùng làm nơi hội họp, trong phòng có treo huy hiệu đặc biệt của ngành Công an Campuchia được vẽ lớn. Suốt đêm dài, tôi vẫn bị còng tay. Không có một ai vào phỏng vấn, cho nên tôi không thể nào trình bày để xin liên lạc với với văn phòng Cao ủy Tỵ nạn LHQ đến can thiệp.
“Khoảng 4 giờ sáng hôm sau, tức ngày 26.7.2002, cũng chiếc xe mang biển số ++ 2 – 2475 lăn bánh hướng về cửa khẩu Mộc Bài, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Ở biên giới phần lãnh thổ Việt Nam, đã có các viên chức thuộc Bộ Công an Việt Nam đứng chờ sẵn. Tôi thấy hai bên chào hỏi, tay bắt mặt mừng. Lúc đó là vào khoảng 10 giờ sáng, ngày 26.7.2002.
“Mọi người chuyển tôi lên xe mang biển số tỉnh Tây Ninh, rồi họ đưa tôi về trại giam B34/A24, Bộ Công an, tọa lạc tại số 237 đường Nguyễn Văn Cừ, quận I, thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi làm các thủ tục nhập trại, vào khoảng 15 giờ, các cán bộ thuộc Cơ quan An ninh điều tra lại chở tôi đến trụ sở Công an phường Nguyễn Cư Trinh, quận I, thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây họ lập biên bản khám xét và ông Thiếu tá Nguyễn Ðình Hóa đọc lệnh bắt. Tôi thấy lại tấm thẻ tỵ nạn số 610 IC do Cao ủy Tỵ nạn LHQ cấp, và tôi chắc chắn rằng, phía Campuchia đã bàn giao cho Việt Nam, họ thu giữ và buộc tôi ký vào biên bản. Tôi bị khởi tố theo tội danh “Trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân”, điều 91, Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
“Gần một tháng sau (khoảng cuối tháng 8.2002), tại trại giam B34, các cán bộ điều tra lập lại biên bản khác với nội dung không đúng sự thật, là khám xét và bắt tôi tại huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Họ tuyên bố hủy bỏ biên bản được lập tại trụ sở Công an phường Nguyễn Cư Trinh, quận I, thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 26.7.2002. Tôi không nhận được bản sao này dù có yêu cầu. Các cán bộ điều tra luôn luôn phủ nhận việc bắt tôi tại Campuchia ngày 25.7.2002, và ghi vào hồ sơ tôi bị bắt ngày 26.7.2002.
“Mặc dầu Cơ quan An ninh điều tra đã tống đạt cho tôi bản Kết luận điều tra (ngày 10.3.2003), Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã tống đạt bản Cáo trạng (ngày 25.3.2003), Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử (ngày 25.7.2003, hoãn đến ngày 1.8.2003), thế nhưng tôi vẫn bị tước đoạt quyền được thân nhân đến thăm theo luật định. Mãi đến ngày 22.8.2003 tôi mới được gặp thân nhân, sau gần 13 tháng kể từ hôm bị bắt.
“Sau ba lần Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hoãn việc đưa vụ án ra xét xử (ngày 25.7.2003, ngày 1.8.2003 và ngày 5.9.2003), đến ngày 12.3.2004, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử tôi 20 tháng tù giam, mãn hạn tù vào ngày 26.3.2004.
“Tôi có nguyện vọng xin Cao ủy Tỵ nạn LHQ can thiệp cho tôi được đi định cư tại Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ. Trong thời gian bị tạm giam, tại các buổi thẩm cung cũng như tại phiên tòa ngày 12.3.2004, tôi luôn khẳng định lập trường của mình, rằng tôi không bao giờ quay lưng lại với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và mục đích ra hải ngoại là để tiếp tục phục vụ cho Giáo hội này.
“Tôi cam đoan những điều trình bày trên là hoàn toàn đúng sự thật và xin chịu trách nhiệm về bản văn này.
“Viết tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 3 năm 2004
“Nay kính tường trình
ký tên Thích Trí Lực“