Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin UBBVQLNVN / Ông Võ Văn Ái lên tiếng tại LHQ ở Genève về tình trạng đàn áp nghiêm trọng Phật giáo và nhân quyền tại Việt Nam và yêu sách trả tự do cho Nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Ðộ và hai ông Phạm Quế Dương, Nguyễn Ðan Quế

Ông Võ Văn Ái lên tiếng tại LHQ ở Genève về tình trạng đàn áp nghiêm trọng Phật giáo và nhân quyền tại Việt Nam và yêu sách trả tự do cho Nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Ðộ và hai ông Phạm Quế Dương, Nguyễn Ðan Quế

Download PDF

Khóa họp thường niên của Ủy hội Nhân quyền LHQ đang diễn ra tại Genève, từ ngày 15.3.2004 đến 23.4.2004. Quy tụ 143 quốc gia ở cấp Ngoại trưởng, 5 tổ chức trực thuộc LHQ, 7 tổ chức Liên quốc gia và 117 tổ chức Phi chính phủ có quy chế tham vấn tại LHQ.

Tại mục 11 trong chương trình nghị sự vào chiều ngày 1.4.2004, ông Võ Văn Ái đại diện ba tổ chức Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền, Hành động chung cho Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, đưa ra lời tuyên bố chung của ba tổ chức, tố cáo chiến dịch truy bức nhằm tiêu diệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và đàn áp tự do ngôn luận bằng cách vu khống tội gián điệp tại Việt Nam.

Khởi đầu ông Ái nêu lên trường hợp của cựu tăng sĩ Thích Trí Lực, thế danh Phạm Văn Tưởng. Ông nói rằng những gì mà Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam báo động Ủy hội Nhân quyền LHQ năm ngoái, thì nay đã được chính nạn nhân xác nhận qua cuộc điện đàm liền sau ngày thầy Trí Lực được trả tự do hôm 26.3 vừa qua. Ðó là sự kiện bị công an Cam Bốt hợp đồng với công an Việt Nam bắt cóc thầy tại Nam Vang và cưỡng bức giải về Việt Nam ngay ngày hôm sau.

Vào tháng tư năm 2002, thầy Trí Lực sang Cam Bốt lánh nạn và được cơ quan Cao ủy Tị nạn LHQ tại đây bảo vệ, cấp thẻ tị nạn chính trị. Dù vậy, thầy đã bị bắt cóc vào tối 25.7.2002. Nhắc lại sự dối gạt cộng đồng thế giới của Nhà nước Việt Nam khi tuyên bố chẳng biết gì về tung tích của thầy Trí Lực, nhưng vào tháng 8.2003 lại loan tin sẽ đem thầy ra xét xử, ông Ái tố cáo phiên tòa giả trá hôm 12.3.2004 nhằm phủ lấp thời gian giam giữ : “Nhà cầm quyền Việt Nam đã giam kín thầy Trí Lực suốt một năm… để cuối cùng “pháp lý hóa” việc giam giữ tùy tiện bằng án tù 20 tháng như một trò hề”. Ông Ái kêu gọi : “Bằng mọi giá Cao ủy tị nạn cần đến tiếp xúc ngay với thầy Trí Lực và bảo vệ chính trị cho thầy”.

Ðây không là trường hợp cá biệt mà nằm trong chủ trương đàn áp quy mô của nhà cầm quyền cộng sản đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ông Ái nói lên niềm hy vọng mà mọi người dành để cho cuộc hội kiến lịch sử giữa Thủ tướng Phan Văn Khải và Ðại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang vào ngày 2.4.2003. Niềm hy vọng vừa lóe lên đã phụt tắt ngay. Người ta lầm tưởng rằng đảng Cộng sản chịu thay đổi chính sách tôn giáo. Nhưng “trong thực tế, là bảy tháng sau đó, vào tháng 10.2003, nhà cầm quyền đã tung một chiến dịch truy bức nhằm tiêu diệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bao vây các chùa chiền, phong tỏa thông tin, liên lạc : cắt mọi đường dây điện thoại, ngăn cấm mọi cuộc thăm viếng. Chư Tăng bị sách nhiễu thường trực, bắt đi hỏi cung rồi bỏ tù”.

Ông Ái nêu lên trường hợp của 11 vị giáo phẩm cao cấp bị quản chế bằng quyết định hoặc bằng khẩu lệnh, như : “Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang bị giam giữ trên 20 năm qua không xét xử, sau vài tháng được tự do nhưng thường trực theo dõi, nay bị đưa trở lại ngôi Chùa-tù của mình ở Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Ðịnh. Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, vừa chấm dứt hạn quản chế hành chính hai năm, thì nay cũng bị đưa trở lại ngôi Chùa-tù tại Thanh Minh Thiền viện, thành phố Hồ Chí Minh. Các Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, Thích Thanh Huyền, Thích Nguyên Lý và Ðại đức Thích Ðồng Thọ nhận Quyết định quản chế hành chính 2 năm chiếu theo Nghị định 31/CP, còn Hòa thượng Thích Thiện Hạnh và các Thượng tọa Thích Viên Ðịnh, Thích Thái Hòa, Thích Phước An, Thích Nguyên Vương thì nhận khẩu lệnh quản chế”.

Sau đấy, ông Võ Văn Ái tố cáo hiện trạng đàn áp tự do ngôn luận qua pháp luật và trên thực tế hành xử. Trên mặt luật pháp thì đầu năm nay Thủ tướng chính phủ ra Nghị định liệt “các thông tin và thống kê về các án tử hình” vào danh mục bí mật quốc gia. “Ðây là biện pháp vô cùng nghiêm trọng khi ai cũng biết rằng LHQ không ngừng nỗ lực để bãi bỏ án tử hình trong thế giới”.

Trên thực tế, thì hai năm vừa qua, nhà cầm quyền Hà Nội lợi dụng và lạm dụng tội danh gián điệp để bắt giam và kết án những người bất đồng chính kiến. Ông Ái nêu trường hợp kết án các ông Lê Chí Quang (4 năm), Phạm Hồng Sơn (5 năm), Nguyễn Khắc Toàn (12 năm), Nguyễn Vũ Bình (7 năm) dưới tội danh vi phạm “an ninh quốc gia”, và báo động một phiên tòa giả trá sắp đưa cựu Ðại tá Phạm Quế Dương, nhà báo và sử gia quân đội nổi danh, ra xét xử với tội “gián điệp”. Ông Dương năm nay 76 tuổi, bị bắt ngày 28.12.2002, chỉ vì xin lập Hội Chống tham nhũng và không ngừng đòi hỏi cho quyền con người và dân chủ hóa chế độ.

Kết luận lời phát biểu tại hội trường LHQ ở Genève, đại diện cho ba tổ chức nhân quyền quốc tế (Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền, FIDH – International Federation of Human Rights  Hành động chung cho Nhân quyền, Agir Ensemble pour les Droits de lHomme  và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, Vietnam Committee on Human Rights), ông Võ Văn Ái “kêu gọi Ủy hội Nhân quyền LHQ can thiệp mạnh mẽ để chính quyền Việt Nam thi hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ quốc tế của họ, chấp nhận cho vị Báo cáo viên LHQ Ðặc nhiệm Tự do ngôn luận và Tự do chính kiến đến Việt Nam điều tra, và trả tự do tức khắc, vô điều kiện cho Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ cùng hai ông Phạm Quế Dương, Nguyễn Ðan Quế”.

Ông Võ Văn Ái cũng đã đệ nạp Ủy hội Nhân quyền LHQ bản phúc trình chi tiết về cuộc đàn áp nghiêm trọng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và tự do ngôn luận dưới chiêu bài gián điệp. Phúc trình kết thúc bằng 5 yêu sách : 1. Trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho tất cả những ai bị bắt giam vì sử dụng chính đáng và ôn hòa các quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng của họ, đặc biệt là Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ  2. Khẩn cấp chuyển hóa luật pháp Việt Nam về “an ninh quốc gia” (như tội gián điệp chẳng hạn) và “quản chế hành chính” phù hợp theo các điều khoản trong Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị, như Ủy ban Nhân quyền LHQ đã khuyến cáo chính quyền Việt Nam hồi tháng 7.2002  3. Hợp tác chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ nhân quyền của LHQ, và phúc trình đúng hạn về việc thực thi Công ước quốc tế về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, mà Hà Nội trễ từ năm 1995, và Công ước quốc tế về các Quyền Trẻ em, trễ từ năm 2002  4. Chấp nhận cho một Báo cáo viên LHQ Ðặc nhiệm về Tự do ngôn luận và một Báo cáo viên LHQ Ðặc nhiệm về Tự do tôn giáo và tín ngưỡng đến Việt Nam điều tra như LHQ từng yêu cầu  và 5. Tham gia ký kết Quy chế về Tòa án Hình sự Quốc tế và Công ước quốc tế chống tra tấn.

Bản phúc trình này đã được LHQ in phát cho tất cả các đại biểu phó hội từ hôm 10.3.2004 dưới số tham chiếu E/CN.4/2004/NGO/173 bằng hai thứ tiếng Anh và Pháp.

Tại cuộc Hội luận về “Nhân quyền và Dân chủ, cùng chung nhau xây dựng dân chủ tại LHQ” hôm 29.3.004, phát biểu chung với Ðại sứ Richard Williamson, Trưởng Phái đoàn Hoa Kỳ, ông Krzysztof Jakubobski, Ðại sứ thường trực của Ba Lan tại LHQ, ông Gordan Markotic, Ðại sứ thường trực của Croatie tại LHQ kiêm Phó chủ tịch Ủy hội Nhân quyền LHQ, Dân biểu Quốc hội Âu châu Marco Pannella, v.v… ông Võ Văn Ái lên tiếng tố cáo liên minh các nước độc tài tại Ủy hội Nhân quyền LHQ. Liên minh này có tên “Nhóm cùng quan điểm” (Like-Minded Group, tiếng Việt còn có thể dịch là Nhóm Ngưu tầm ngưu) : “Vượt trên mọi ý thức hệ, nhóm này không ngừng tấn công vào dân chủ và nhân quyền. Từ nhiều năm qua, Nhóm Ngưu tầm ngưu luôn tìm cách phá hoại những cuộc điều tra hay tố cáo các vi phạm nhân quyền”. Nhóm này quy tụ các quốc gia độc đoán, quân phiệt và độc tài, như Trung quốc, Cuba, Miến Ðiện, Syrie, Soudan, Việt Nam… Theo ông Ái, nhóm này đã “làm mất uy danh của Ủy hội Nhân quyền LHQ. Họ không ngừng bào chữa tiếp theo bào chữa, cớ cấu tiếp theo thủ tục biến Ủy hội Nhân quyền LHQ thành một bài diễn văn đơn điệu, nếu không là lời tuyên truyền cho các chế độ độc đoán hay các quốc gia độc tài. Ví dụ điển hình là nhóm này đang trình một dự án trong khóa họp năm nay, qua đó, các dự thảo Nghị quyết tố cáo vi phạm nhân quyền chỉ được Ủy hội duyệt xét mỗi 3 năm một lần. Ðiều đó có nghĩa gì ? – Có nghĩa là 3 năm yên ổn cho những kẻ áp bức, nhưng lại là 3 năm bịt họng các nhà đấu tranh cho nhân quyền !”.

Ðể đảo ngược tình thế, ông Võ Văn Ái đề cao việc “Hình thành một liên minh các quốc gia dân chủ với cơ cấu bảo vệ và thăng tiến các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền tại LHQ (Democracy caucus). Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng các quốc gia độc tài không vì sự cúi quỳ của các nước dân chủ mà chấp nhận dân chủ hóa chế độ, nhưng chỉ chấp nhận đổi thay khi các quốc gia dân chủ đoàn kết lại để đặt những yêu sách cứng rắn”.

Trong cuộc Hội luận về “Tấn công và đàn áp tôn giáo tại Việt Nam” hôm 31.3.2004, ông Võ Văn Ái cũng đã phát biểu chung với chị Ỷ Lan, ông Kok Ksor, Chủ tịch Cơ sở Người Thượng Tây nguyên, và bà Vanida Thepsouvanh, Chủ tịch Phong trào Nhân quyền Lào. Ông Võ Văn Ái trình bày về hiện trạng đàn áp các tôn giáo tại Việt Nam và phân tích chính sách tiêu diệt tôn giáo của nhà cầm quyền Cộng sản. Còn chị Ỷ Lan thì phân tích chế độ pháp luật của nhà nước cộng sản trong mục tiêu “pháp lý hóa” công cuộc đàn áp để che mắt thế giới. Nhiều cơ quan quốc tế, đại biểu các nước tham dự đã cực kỳ xúc động trước thực tại đàn áp tại hai nước Việt Nam và Lào mà lâu nay họ chưa được thông tin chính xác.(Ỷ Lan tường trình từ Âu Châu)

Bấm vào đây để nghe cuộc phỏng vấn này


Rightclick to download this audio

Ðài Á châu Tự do

Check Also

VCHR và FIDH đệ trình báo cáo chung đến LHQ cho Kỳ Kiểm Điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam

PARIS, ngày 11 tháng 10 năm 2023 (VCHR) : Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *