Hội đồng Nhân quyền LHQ vừa khai mạc khóa họp đầu tiên vào lúc 9 giờ sáng ngày 19.6.2006 tại Điện Quốc Liên ở thành phố Genève và sẽ kết thúc vào ngày 30.6. Đây là cơ cấu mới của LHQ thay thế cho Ủy hội Nhân quyền LHQ hoạt động 60 năm qua và chấm dứt nhiệm vụ hồi tháng 3 đầu năm nay. Hội đồng Nhân quyền LHQ được Đại đồng LHQ tại New York quyết nghị thông qua ngày 9.5.2006 với 47 thành viên quốc gia.
Hai điều thăng tiến so với Ủy hội trước kia là các quốc gia ứng cử vào Hội đồng phải cam kết tuân thủ các Công ước quốc tế của LHQ mà họ đã tham gia ký kết, và được đa số tuyệt đối phiếu bầu tại Đại hội đồng LHQ. Thứ hai, là thời lượng họp để giải quyết các vấn nạn nhân quyền trong thế giới gia tăng đáng kể. Trước kia, Ủy hội Nhân quyền LHQ chỉ họp một lần vào khóa khoáng đại thường niên từ giữa tháng 3 đến cuối tháng tư mỗi năm ; khóa tháng 8 giao cho Phân ban Nhân quyền xem xét hồ sơ. Nay Hội đồng Nhân quyền LHQ chính thức họp 3 lần, tổng cộng ít nhất là 10 tuần lễ. Trường hợp khẩn cấp và nghiêm trọng những khóa họp đặc biệt sẽ được triệu tập khi có một thành viên quốc gia yêu cầu và được 1/3 Hội đồng chấp thuận.
Khóa họp lần này bề bộn công chuyện. Do việc cải tổ cơ cấu nhân quyền LHQ, nên từ tháng 12.2005 các hồ sơ nhân quyền trong thế giới bị ngưng trệ không được xem xét. Khóa họp thường niên vào tháng 3 đầu năm bị hủy bỏ, các thủ tục đặc biệt không được thi hành. Lấy ví dụ hồ sơ nhân quyền Việt Nam do Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam và Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền đệ nạp từ tháng giêng 2006, được thụ lý và đưa lên Trang nhà LHQ, nhưng chưa được xử lý. Vì vậy, ba vấn đề quan trọng mà khóa họp lần thứ nhất của Hội đồng Nhân quyền LHQ phải chu toàn :
– Một là giao ban toàn bộ hồ sơ và công tác giữa Ủy hội Nhân qyền LHQ và Hội đồng Nhân quyền LHQ.
– Hai là ấn định các thủ tục đặc biệt thông qua cơ cấu Báo cáo viên đặc biệt để giải quyết tranh chấp nhân quyền tại các quốc gia vi phạm. Nghị trình về việc này được quy định việc thành lập Cơ cấu kiểm tra định kỳ trên toàn thế giới về những vi phạm quyền con người, kể cả tại các quốc gia thành viên trong Hội đồng, và
– Ba là giải quyết các hồ sơ tồn đọng.
Ông Kofi Annan, Tổng thư ký LHQ, ông Luis Alfonso de Alba, Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền LHQ và bà Louise Arbour, Cao ủy trưởng Cao ủy Nhân quyền LHQ đã đọc các diễn văn quan trọng trong buổi sáng khai mạc khóa họp lần thứ nhất hôm 19.6. Sau đấy là các lời phát biểu của các quốc gia. Hiện đã có trên 100 quốc gia ghi danh.
Các tổ chức Phi chính phủ quốc tế nổi danh đang vận động ráo riết tại Genève để Hội đồng trở thành một cơ cấu hữu hiệu bảo vệ nhân quyền trên thế giới, không như trước kia Ủy hội Nhân quyền LHQ liên tục bị các quốc gia độc tài lộng quyền và chi phối để bóp chết tiếng nói nhân quyền tại các quốc gia ấy cũng như tiếng nói phát biểu của các tổ chức Phi chính phủ tại hội trường LHQ. Hai vấn đề được khẩn trương tranh thủ là đặt nặng vai trò và chức năng bảo vệ nhân quyền trong thế giới của các tổ chức Phi chính phủ, và đòi hỏi khóa họp đầu tiên của Hội đồng Nhân quyền LHQ phải hoạch định tức khắc các cơ cấu cụ thể và các thủ tục đặc biệt nhằm bảo vệ nhân quyền.
Nhân khóa họp đầu tiên của cơ cấu nhân quyền LHQ mới, với sự hiện diện đầy đủ tại Genève của các vị đại diện cao cấp LHQ, ông Võ Văn Ái nhân danh Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam (Vietnam Committee on Human Rights) kiêm Phó chủ tịch Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH, International Federation of Humasn Rights), gửi khẩn thư đến ông Kofi Annan, Tổng thư ký LHQ, ông Luis Alfonso de Alba, Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền LHQ và bà Louise Arbour, Cao ủy trưởng Cao ủy Nhân quyền LHQ kèm theo Hồ sơ vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2006, mà ông Ái gọi là “một trong những quốc gia vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất tại Châu Á”
Ông Ái kêu gọi Hội đồng Nhân quyền LHQ “ưu tiên xem xét vấn đề vi phạm nhân quyền tại Việt Nam”, vào lúc mà “Hà Nội đang tìm mọi cách gia nhập vào cộng đồng thế giới nhưng lại trắng trợn xem thường những quyền tự do cơ bản của người dân”. Hồ sơ nhân quyền năm 2006 tố cáo “chính sách nước đôi của Hà Nội, một mặt coi thường các thủ tục bảo vệ nhân quyền của LHQ, mặt khác đàn áp thẳng tay các quyền cơ bản của người công dân Việt Nam”.
Hồ sơ phơi bày cuộc đàn áp chính trị điều hành từ cấp cao trong Đảng và Nhà nước, song song với việc đánh trống lãng trước những đòi hỏi của LHQ. Ví dụ như từ khước những chuyến điều tra của các Báo cáo viên đặc biệt LHQ trên lĩnh vực tự do tôn giáo, tự do ngôn luận… hay của Tổ hành động LHQ chống bắt bớ trái phép, kể từ cuộc điều tra năm 1994 rồi cuộc điều tra tôn giáo của Giáo sư Abdelfattah Amor năm 1998, mà những phúc trình của các vị này phê phán nặng nề tình trạng tồi tệ trên hai lĩnh vực nhân quyền và tôn giáo.
Nguy kịch hơn, nhà cầm quyền Hà Nội không chịu phúc trình mỗi 2 năm một lần, như thủ tục LHQ ấn định cho các thành viên, về việc thực thi các Công ước LHQ đã tham gia ký kết. Từ 1995 đến nay, Hà Nội không phúc trình việc thực thi Công ước quốc tế về Các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa. Còn về Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị, chẳng những Hà Nội không thi hành các khuyến cáo của Ủy ban Nhân quyền LHQ để tương ứng với các công ước quốc tế về nhân quyền, mà còn làm ngược lại, bằng cách “pháp lý hóa” cuộc đàn áp chính trị và bóp nghẹt những ngưỡng vọng của quần chúng.
Ngay vào lúc CHXHCNVN ghi danh phát biểu tại khóa họp đầu tiên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, thì hơn mười ngày trước, hôm 6.6.2006, nhà cầm quyền Hà Nội ký Nghị định số 56/2006/NĐ-CP về “Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, thông tin”. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 1.7.2006. Nghị định cho phép trừng phạt hành chính trong các lĩnh vực văn hóa – thông tin mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, với số tiền phạt kếch sù ba mươi (30) triệu đồng (tương đương 2 nghìn Mỹ kim hay 7 lần rưởi lương năm tối thiểu của một người thợ) cho những ai cung cấp thông tin có “nội dung độc hại” trên các phương tiện Internet, báo, đài. Trong Nghị định không có khoản nào định nghĩa chính xác thế nào là “nội dung độc hại”. Do đó hẳn nhiên cấp địa phương có toàn quyền xử lý, kết án tùy tiện và tùy hứng, bất chấp luật pháp.
Điều 17 quy định các “vi phạm về truy nhập, quản lý và cung cấp thông tin trên mạng thông tin máy tính (Internet)”. Đây là sự kiểm soát triệt để, bắt buộc các khách hàng tại các quán Cà phê Internet phải thông báo cho người chủ tiệm nội dung các bài nhận hay gửi. Người chủ thì lại liên hệ mật thiết, báo cáo thường xuyên cho công an văn hóa, như thủ tục hiện hành, nếu không muốn bị xử phạt hành chính. Kể từ 1.7.2006, nhà cầm quyền sẽ mở chiến dịch 3 tháng kiểm soát toàn bộ thông tin trên Internet tại các quán Cà phê Internet, khách sạn hay bất cứ đâu.
Điều 21 quy định các “vi phạm đối với nội dung xuất bản phẩm”. Điều này trực tiếp xử lý giới nhà báo và hạn chế tối đa quyền tự do ngôn luận. Cấm sử dụng các nguồn tin riêng và phải trình bài phỏng vấn cho người được phỏng vấn xem trước. “Tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước” trong nghĩa rộng và “truyền bá tư tưởng phản động” là tội nặng nhất, bị xử phạt 30 triệu đồng.
Nghị định được thông qua vài tháng sau các vụ tai tiếng tham nhũng rầm trời, động chạm tới các cán bộ, viên chức cao cấp trong Đảng và Nhà nước, và sau lời yêu cầu của ông Thủ tướng Phan Văn Khải trừng trị giới truyền thông báo chí đã khui các vụ này ra công luận.
Vấn đề tù nhân chính trị và tôn giáo cũng được bản hồ sơ đề cập. Nhà cầm quyền Hà Nội không chịu cung cấp những tin tức về các nhà tù, các trại và số lượng tù nhân chính trị mà Ủy ban Nhân quyền LHQ đòi hỏi từ năm 2002. Qua tập hồ sơ, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam minh bạch hóa 2 danh sách tù nhân chính trị và tôn giáo. Danh sách thứ nhất chiếu theo tư liệu của cựu tù nhân chính trị Nguyễn Khắc Toàn cung cấp. Năm 2002, ông Toàn bị kết án 12 năm tù, nhưng nhờ công luận thế giới can thiệp, ông được ân xá đầu năm nay, 2006. Ông cho biết một danh sách 241 tù nhân chính trị chỉ riêng trong một phân trại ở trại giam Ba Sao, tỉnh Nam Hà, nơi ông bị giam giữ. Trong số này có 225 người Thượng Tin Lành bị bắt trong hai năm 2001 và 2004.
Danh sách thứ hai do Tăng sĩ Phật giáo Thích Thiện Minh cung cấp cho Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam. TT Thiện Minh được trả tự do đầu năm 2005 sau 26 năm tù đày vì là thành viên thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Danh sách này gồm 66 tên tuổi tù chính trị và tôn giáo chỉ riêng trong trại Z30A Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, có những người bệnh tật, già trên 70 tuổi. Họ sống trong điều kiện khắt khe, điêu đứng.
Tập hồ sơ cũng đề cập lần đầu tiên tại LHQ nạn Dân Oan phổ biến và thường nhật tại Việt Nam từ nhiều năm qua, mà Vườn hoa Mai Xuân Thưởng ở thành phố Hà Nội là điển hình cho nỗi oan kêu không thấu trời của những người dân bị cán bộ Đảng cướp đất, cướp nhà, cướp quyền sống.
Hồ sơ còn tố cáo chính sách hai mặt “trong đánh ngoài thoa” của CHXHCNVN. Một chính sách “xuất khẩu” nhằm dối gạt các nước Âu Mỹ và công luận thế giới về “bộ mặt nhân quyền” giả nhơn giả nghĩa. Và một chính sách “đàn áp quốc nội”, đóng cửa đánh dân. Trường hợp điển hình là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nói riêng và các tôn giáo nói chung. Tại Việt Nam ngày nay chỉ có “tự do cúng kiến”, nhưng không có “tự do tôn giáo”. Nhà cầm quyền Hà Nội luôn tuyên bố rằng Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, “hoàn toàn tự do”, nhưng thực tế là bị quản chế tại chùa như giam giữ trong tù. Hai ngài không được tự do đi lại, mỗi lần muốn thăm viếng nhau liền bị công an ngăn chận, dẫn độ về lại chùa. Vì thế mà năm 2005, thông qua bản “Quan điểm 18/2005”, Tổ hành động LHQ chống bắt bớ trái phép đã lên tiếng tố cáo nhà cầm quyền Hà Nội bắt bớ trái phép, giam cầm trái phép Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, và yêu sách Hà Nội trả tự do cho hai ngài.
Song song với việc cưỡng chế hai ngài, nhà cầm quyền không ngừng sách nhiễu, đàn áp, tố khổ, hăm dọa các thành viên trong 13 Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại các tỉnh miền Trung và miền Nam, cấm không cho các Ban Đại diện hướng dẫn đời sống tâm linh của tín đồ và cứu tế từ thiện dân nghèo trong vùng. Đó là trường hợp xẩy ra thường trực mấy tháng qua cho Thượng tọa Thích Chơn Tâm (tỉnh An Giang), TT. Thích Thiện Minh (tỉnh Bạc Liêu), Hòa thượng Thích Tâm Liên (tỉnh Bình Đạnh), HT Thích Nhật Ban (tỉnh Đồng Nai), Đại đức Thích Vĩnh Phước (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), TT Thích Thanh Quang (tỉnh Đà Nẵng), HT Thích Thiện Hạnh (tỉnh Thừa thiên – Huế), hai TT. Thích Viên Định và Thích Không Tánh (Tp Hồ Chí Minh), và Sư cô Thích Nữ Thông Mẫn (tỉnh Khánh Hòa) vừa bị nhà cầm quyền trục xuất một cách phi pháp khỏi chùa Địch Quang hôm 1.6.2006.
Trong một hoàn cảnh căng thẳng như thế, nhà cầm quyền Hà Nội vẫn tiếp tục lừa dối các chính phủ Âu Mỹ khi cất lời hứa hẹn rằng Hà Nội sẽ công nhận quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, VỚI ĐIỀU KIỆN GIÁO HỘI CHỊU ĐỔI TÊN VÀ ĐỨC TĂNG THỐNG THÍCH HUYỀN QUANG VÀ HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỘ NHƯỜNG QUYỀN LẠI CHO CÁC TĂNG SĨ KHÁC (những Tăng sĩ sẵn sàng hiến thân làm con rối cho Đảng và Nhà nước). Đây là chính sách tái hồi một Giáo hội Quốc doanh số 2 sau Giáo hội thứ nhất năm 1981, nhằm hai mục tiêu : vô hiệu hóa Giáo hội Dân lập có truyền thống 2000 năm lịch sử, đồng thời với việc thỉnh cầu Hoa Kỳ rút tên ra khỏi danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặt biệt quan tâm (CPC, Contries of Particular Concern) trong năm nay, 2006.
Ngoài những tên tuổi nêu trên, Hồ sơ của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam còn đề cập đến trường hợp của các vị : Trương Văn Sương, Vũ Đình Thụy, Vu A Do, Sung Va Giong, Hoàng Xuân Thụy, Phạm Văn Việt, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Trương Quốc Tuấn, Trương Quốc Huy, Lisa Phạm, cùng với 2 danh sách 307 tù nhân chính trị và tôn giáo. Một số lớn các tên tuổi trên đây đã được Ủy ban Bảo vệ Quyến làm Người Việt Nam cung cấp từ nhiều năm trước.
(Ỷ Lan tường trình từ Âu Châu)