PARIS, ngày 20.2.2007 (PTTPGQT) – Hôm nay, 20.2.2007, Sư Ông Nhất Hạnh và phái đoàn Làng Mai đến phi trường Tân Sơn Nhất, Saigon. Ký giả Đài VOA Anh ngữ, ông Matt Steinglass, gọi điện thoại viễn liên từ Hà Nội sang Paris xin ông Võ Văn Ái bình luận về chuyến đi này. Sau đây là lời phát biểu của ông Ái, do Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế dịch ra Việt ngữ :
“Tôi cảm thấy bàng hoàng việc Sư Ông Thích Nhất Hạnh cùng với trên một trăm đệ tử Làng Mai được phép tự do về Việt Nam, tổ chức những buổi thuyết giảng công cộng và giải oan trên toàn quốc. Trong cùng thời gian nầy, hàng giáo phẩm thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị quản chế, bị tước các quyền tự do và cấm thuyết pháp. Đức Tăng thống Thích Huyền Quang, 87 tuổi, trải qua cảnh tù đày, quản chế trên 25 năm ròng, bị cấm rời tu viện ở Bình Định vào Saigon tái khám bệnh. Hòa thượng Thích Quảng Độ, 77 tuổi, bị giam cầm, quản chế nhiều thập niên qua, vừa được Sáng hội Rafto trao Giải Nhân quyền Quốc tế tháng 11 năm 2006, nhưng Hòa thượng không được phép sang Na Uy lãnh giải. Mới tuần lễ trước đây, Việt Nam từ chối chiếu khán nhập cảnh cho ông Arne Liljedahl Lynngård, Chủ tịch Sáng hội Rafto. Ông ngỏ lời đến thăm Việt Nam để trao tận tay Hòa thượng Thích Quảng Độ tấm bằng tưởng lệ Giải Rafto và gặp gỡ giới chức chính quyền trong tinh thần đối thoại. Nhưng nhà cầm quyền Hà Nội từ khước tiếp đón ông.
“Tôi nghĩ rằng nhà cầm quyền Hà Nội điều khiển chuyến đi của Sư ông Thích Nhất Hạnh nhằm che giấu các cuộc đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và cố tạo ra ảo ảnh tự do tôn giáo tại Việt Nam.
“Tôi cũng nhận thấy khó xử cho những Trai đàn Giải oan mà Sư ông Nhất Hạnh dự tính tổ chức tại Sóc Sơn, Huế và Saigon. Sư ông ngỏ lời mời người Cộng sản đọc những trích đoạn trong kinh điển Marx bên cạnh các Tăng sĩ, Linh mục, Mục sư, Chức sắc xướng đọc các kinh điển Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hòa Hảo và Cao Đài, để cùng cầu nguyện cho những người chết oan. Tôi chẳng biết làm sao hoà đồng giữa các tôn giáo và chủ nghĩa Mác-Lênin. Tuy có nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhưng các tôn giáo lớn đều dựng xây trên nền tảng từ bi, yêu thương. Trái lại chủ nghĩa Mác-Lên nin dựa trên căm thù, tranh chấp và đấu tranh giai cấp. Trong thực tế, chủ nghĩa Mác-Lênin với sự kiện Đảng Cộng sản ra đời tại Việt Nam là nguyên nhân cơ bản cho hàng triệu người chết oan – những người mà Sư ông Nhất Hạnh gọi kêu cầu nguyện. Tôi nghĩ đến những ai bị chôn sống trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất đầy sát khí ở Miền Bắc, những ai bị tàn sát và bị chôn sống tập thể trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, đặc biệt ở Huế, những ai bị hành quyết hoặc bị chết thảm vì bị tra tấn, bị đói hay kiệt sức trong các Trại Cải tạo lao động, hoặc những Người Vượt Biển đi tìm tự do bị chết thảm trên đại dương…
“Thân nhân, gia đình của những kẻ chết oan này có thể hành lễ và nghe đọc các trích đoạn kinh điển Mác-Lênin chăng ? Họ có chịu tham dự Trai đàn Giải Oan dưới sự chủ trì của giới lãnh đạo chế độ Cộng sản hay không ?
“Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ tới những người đang sống, chứ không riêng người chết mà thôi. Sư ông Thích Nhất Hạnh hãy dùng ảnh hưởng của sư để kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho tất cả những tù nhân bị giam giữ vì lý do ôn hòa bảo vệ tín ngưỡng hay chính kiến của họ. Sư ông hãy cất cao lời bênh vực cho khối “Dân Oan”, là những phụ nữ vô gia cư, những nông dân mỗi ngày kéo về Vườn hoa Mai Xuân Thưỡng khiếu kiện việc Nhà nước cưỡng chiếm đất đai, tài sản của họ. Sư ông Nhất Hạnh hãy đòi hỏi cho mọi người Việt Nam được hưởng quyền tự do đi lại, quyền ăn nói và quyền tự do tôn giáo y hệt như Sư ông và phái đoàn Làng Mai đang được hưởng trong chuyến về Việt Nam. Lòng Từ bi cho người chết phải bắt đầu bằng Công lý cho người sống. Sư ông Nhất Hạnh hãy nhìn đằng sau lưng hai triệu rưởi đảng viên Cộng sản còn có 80 triệu dân đang bị tước đoạt nhân quyền, dân chủ và tự do tại Việt Nam”.
Xin quý độc giả đọc lại bức thư Hòa thượng Thích Huyền Quang viết ngày 21.4.2000 tại nơi quản chế ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, gửi các ông : Lê Khả Phiêu, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải và Nông Đức Mạnh, đề nghị lấy ngày 30.4 mỗi năm làm « Ngày Sám hối và Chúc sinh toàn quốc ». Qua thư, Hòa thượng đòi hỏi cho Linh quyền người chết bằng hành động sám hối công khai của Đảng Cộng sản, và Nhân quyền cho người sống bằng việc thực thi dân chủ đa đảng. Xin xem Thông cáo báo chí ngày 25.4.2000 ở : TCBC 25.4.2000 ; và về hai chữ “Giải Oan” trên Thông cáo báo chí ngày 16.2.2007 : TCBC 16.2.2007
Đề xuất và hành động cụ thể nhằm Giải Oan cho người chết cũng như người sống được vị lãnh đạo tối cao của Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất công bố từ bảy năm trước, năm 2000, chứ không phải đợi đến hôm nay, 2007, mới toan tính. Hành động này cụ thể phải do người gây tội, là Đảng Cộng sản tác nhân các vụ thảm sát, đứng ra chủ trì, chứ không là kẻ bị thảm sát, kẻ bị oan ức xin xỏ giải oan.
Linh quyền cho người chết là những ai ? Hòa thượng Huyền Quang kê rõ trong thư : 3 triệu người chết trong chiến tranh, binh sĩ Việt Nam Cộng hòa, 300.000 bộ đội mất tích theo số liệu Hà Nội, 700.000 người bị giết trong Cải cách Ruộng đất, 100.000 người bị hành quyết trong các Trại Cải tạo, một triệu người bỏ thân trên đường Vượt Biển, hàng chục nghìn người bị giết trong vụ Mậu Thân 68, v.v…
Nhân quyền cho Người sống là gì ? Là bỏ ngay châm ngôn « Dân biết dân câm họng, Đảng biết đảng bỏ tù », bỏ ngay ý thức hệ « đấu tranh giai cấp » và « chuyên chính vô sản ». Thực hiện cụ thể bằng việc nhân Ngày 30.4, Đảng Cộng sản chính thức công bố lời Sám hối trước toàn dân, người chết cũng như người sống, về những sai lầm, những tội lỗi mà Đảng Cộng sản vi phạm trong suốt lịch sử cận và hiện đại.