Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Đàn áp, sách nhiễu Hoà thượng Thích Nhật Ban tại Chùa Ba La Mật ở Đồng Nai và Thượng tọa Thích Chí Thắng ở Huế – Trả lời phỏng vấn Đài Phật giáo Việt Nam, ông Võ Văn Ái bình luận hai chữ “Giải Oan”

Đàn áp, sách nhiễu Hoà thượng Thích Nhật Ban tại Chùa Ba La Mật ở Đồng Nai và Thượng tọa Thích Chí Thắng ở Huế – Trả lời phỏng vấn Đài Phật giáo Việt Nam, ông Võ Văn Ái bình luận hai chữ “Giải Oan”

Download PDF

CHÙA BA LA MẬT Ở ĐỒNG NAI BỊ LẤP ĐÁ, HÒA THƯỢNG THÍCH NHẬT BAN BỊ ĐÁNH ĐẬP

PARIS, ngày 16.2.2007 (PTTPGQT) – Từ Đồng Nai Hòa thượng Thích Nhật Ban gửi thư báo động sang Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế về tình trạng đàn áp, sách nhiễu tại ngôi chùa Ba La Mật nơi Hòa thượng làm trụ trì. Hòa thượng cũng là thành viên Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng thống kiêm Chánh Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Đồng Nai.

 Gạch đá lấp lối đi vào chùa Ba La Mật, ảnh chụp ngày 12.2.2007
Gạch đá lấp lối đi vào chùa Ba La Mật, ảnh chụp ngày 12.2.2007

Trong nhiều năm bị tù tội vì ủng hộ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống, đặc biệt hai lần ra tù năm 1989 và 1998, Hòa thượng Thích Nhật Ban không ngừng bị sách nhiễu, đánh đập. Hòa thượng bị cấm về nơi ngôi chùa cũ xây dựng trên Dốc 47 cạnh Thích Ca Phật Đài lộ thiên ở tỉnh Đồng Nai, huyện Long Thành, xã Tam Phước. Sau nhiều năm khiếu nại, nhà cầm quyền mới cho phép cất ngôi chùa Ba La Mật trong phạm vi phần đất cạnh chùa Linh Phong.

Nhưng việc tu hành, hoằng đạo luôn bị cản trở, nhất là kể từ tháng 10 năm 2005, khi Hòa thượng được Viện Hóa Đạo bổ nhiệm chức vụ Chánh Đại diện tỉnh Đồng Nai.

Vào đầu tháng 2 năm nay, 2007, mỗi đêm nhiều kẻ lạ mặt liên tục vất đá vào chùa, rồi ban ngày hành hung Hòa thượng Thích Nhật Ban gây thương tích trầm trọng phải chở vào bệnh viện. Những lần như thế, Hòa thượng cầu cứu Công an xã đến bênh vực. Nhưng Công an làm ngơ không can thiệp.

Hòa thượng Thích Nhật Ban trước chùa Ba La Mật, ảnh chụp ngày 12.2.2007
Hòa thượng Thích Nhật Ban trước chùa Ba La Mật, ảnh chụp ngày 12.2.2007

Mới đây, đang đêm kẻ lạ mặt lại khuân đá gạch lấp lối đi vào Chùa Ba La Mật, ngăn cản Phật tử đến lễ Phật hay tiếp xúc với Hòa thượng. Mục đích gây cảnh hương tàn khói lạnh trong những ngày Đón Xuân sắp tới. Hình ảnh kèm đây được chụp vào ngày 12.2.2007.

Những Tăng sĩ, Phật tử chân thật nặng lòng vì Đạo lý dân tộc, vì tự do tôn giáo, nhân quyền, lên tiếng đòi hỏi thì liền bị sách nhiễu, đánh đập, ngăn cấm đi lại, ngăn cấm tiếp xúc với tín đồ hay cử hành các nghi thức tôn giáo. Đây là điều không ngừng xẩy ra mấy năm qua, đặc biệt hai tháng đầu năm nay đối với tất cả chùa viện, chư Tăng thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

THƯỢNG TỌA THÍCH CHÍ THẮNG Ở HUẾ BỊ NGĂN CẤM PHÁT THIỆP XUÂN CHO TÍN ĐỒ PHẬT GIÁO

Thượng tọa Thích Chí Thắng, Trụ trì hai ngôi chùa Phước Thành (An Cựu) và Phước Hải (xã Thủy phương, huyện Hương thủy) kiêm Đặc ủy Thanh niên trong Ban Đại diện GHPGVNTN tỉnh Thừa thiên – Huế, vừa khẩn báo đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế ở Paris tình trạng bị công an sách nhiễu tại Huế.

Thượng tọa cho biết vào dịp năm hết Tết tới, theo truyền thống dân tộc, Thượng tọa cho các đệ tử mang Thiệp Xuân và Lịch Đinh Hợi tới tặng các nhà Phật tử để chúc Tết. Nhưng vào lúc 13 giờ ngày 14.2.2007, trên đường từ chùa Phước Hải ra chợ Dạ Lê mua sắm vật dụng cho ngày Tết, đồng thời mang Thiệp Xuân và Lịch Đinh Hợi tặng chúc các Phật tử, thì bị hai Công an xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy, mặc thường phục giật xách và tịch thu tất cả Thiệp Xuân, Lịch, giấy tờ tùy thân, tiền bạc. Các đệ tử này đã hô hoán chuyện cướp ngày và nhờ nhân dân địa phương la ó phản kháng, nên hai công an đã phải trao trả các đồ cướp giật.

Vào lúc 14 giờ 30 cùng ngày, các đệ tử của Thượng tọa từ xã Thủy Châu, huyện Hương Thủy trên đường về lại chùa Phước Hải, thì bị 3 công an mặc thường phục dùng xe Honda đuổi theo. Rồi cũng ra trò cướp đường, dùng bạo lực giật xách, tịch thu mọi vật dụng, bắt ép vào nhà dân để làm việc. Nhưng các đệ tử đã phản đối, đòi hỏi Giấy Mời chính thức của Công an. Vì công an không có giấy tờ hợp pháp, nên các đệ tử không tuân hành lệnh làm việc giữa đường.

Mấy ngày qua, nhà đương quyền xã Thủy Phương ra lệnh cho các thôn trưởng vào các nhà dân tịch thu tất cả Thiệp Xuân, Lịch mà Thượng tọa Thích Chí Thắng cho phân phát để chúc Tết, đồng thời ra lệnh Phật tử không được đến chùa Phước Hải hay liên hệ với Thượng tọa Chí Thắng.

Trên đây là các sự kiện do công an Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa đàn áp, sách nhiễu đối với Phật giáo Huế. Mặc dù Nhà nước không ngừng rêu rao với thế giới về cái gọi là “Pháp quyền” và “tự do tôn giáo”. Đặc biệt những luận điểm tuyên truyền không có thực viết trong “Sách Trắng” về Tôn giáo vừa công bố gần đây. Phòng Thông Phật giáo Quốc tế sẽ có bài phân tích và bình lưận “Sách Trắng Tôn giáo” này.

Trong mấy Thông cáo báo chí tuần qua, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế đã đưa ra những chứng cứ đàn áp, sách nhiễu đối với các Ban Đại diện GHPGVNTN tại các tỉnh Bình Định, Thừa thiên – Huế, Đồng Nai, An Giang, Bạc Liêu… cũng như đối với Đại đức Thích Mẫn Thiện, thành viên thuộc Giáo hội Phật giáo Nhà nước, ở chùa An Lạc, tỉnh Hải Phòng. Hiện chúng tôi đang thu tập các chứng liệu để thành lập hồ sơ đưa ra Hội đồng Nhân quyền LHQ và gửi tới các chính giới Âu, Mỹ, Á.

CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT Ở HẢI NGOẠI BÀN LUẬN SÔI NỔI VỀ SỰ KIỆN TRAI ĐÀN GIẢI OAN SẮP TỔ CHỨC TẠI VIỆT NAM – ÔNG VÕ VĂN ÁI GÓP Ý BÌNH LUẬN VỀ HAI CHỮ “GIẢI OAN”

Trong cuộc phỏng vấn của Đài Phật giáo Việt Nam phát về Việt Nam hôm nay, thứ sáu 16.2.2007, ông Võ Văn Ái đã bình luận và phân tích hai chữ “Giải Oan” theo quan điểm giáo lý đạo Phật và theo quan điểm của một công dân nước Việt trước hiện tình dân tộc. Chúng tôi xin chép lại bài phỏng vấn ấy như sau :

Chuyện Giải Oan

Xin mời quý thính giả Đài Phật giáo Việt Nam nghe Câu Chuyện Cuối Tuần với ông Võ Văn Ái về vấn đề Giải Oan.

Phóng viên : Thưa ông Võ Văn Ái, dư luận đồng bào hiện đang sôi nổi về chuyến trở về Việt Nam lần thứ hai của Sư Ông Thích Nhất Hạnh để lập đàn Giải Oan tại ba miền đất nước. Xin ông cho biết ý kiến về chuyến đi này, nhất là về chuyện Giải Oan ?

Võ Văn Ái : Đã từ lâu, Sư Ông Nhất Hạnh không còn sinh họat với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở trong hay ở ngoài nước. Nên tôi không rõ các việc làm của Sư Ông và cũng không có ý kiến với câu hỏi đưa ra.

Phóng viên : Nhưng Sư Ông Nhất Hạnh được nhiều người biết tên, cỡ như tướng Nguyễn Cao Kỳ, cựu Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, về Việt Nam làm ăn dưới thời Cộng sản cũng là một biến cố đáng có ý kiến chứ, phải không thưa ông ?

Võ Văn Ái : Những ưu tư về giải thoát chúng sinh, về no ấm, hạnh phúc cho nhân quần, thì rất nên có ý kiến. Ngoài ra, chúng ta không thể ôm đồm, bao biện đủ thứ vấn đề, nhất là ở vào giai đọan cần tranh thủ thời gian cho những điều lợi ích, chẳng hạn như vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam là một. Tuy nhiên, tôi hiểu điều nhà báo muốn đề cập, là vấn đề tự do đi lại thời Nhà nước độc đảng và độc tài vừa được tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới, WTO, phải vậy không ?

Nếu đúng, thì hãy nhìn vào sự kiện gây động dư luận thế giới và cộng đồng người Việt hai, ba ngày vừa qua. Đó là việc nhà cầm quyền Hà Nội bác bỏ đơn xin đến thăm Việt Nam của ông Arne Lynngård, Chủ tịch Sáng hội Rafto ở Na Uy, là Sáng hội trao Giải Nhân quyền Quốc tế cho Hòa thượng Thích Quảng Độ cuối năm ngoái. Mục tiêu chuyến đi của ông là đến Saigon viếng thăm Hòa thượng Thích Quảng Độ, và ra Hà Nội gặp gỡ các giới chức đảng và chính quyền để tìm hiểu chính sách nhân quyền và tôn giáo cũng như những cam kết cải cách dân chủ mà ông tân thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố hứa hẹn năm ngoái. Nếu quả là hiện nay có tự do đi lại thực sự cho mọi người, thì sao Hà Nội không cấp giấy nhập cảnh cho một nhân vật quốc tế, là ông Chủ tịch Sáng hội Rafto ? Chỉ ví dụ này thôi, đủ phát giác thứ chủ trương độc tài lạc hậu « đấu tranh giai cấp » của Nhà nước Cộng sản. Chủ trương này khẳng định lập trường phân biệt bạn thù phân minh. Ai theo mình, bợ đỡ mình thì cấp chiếu khán, ai bị nghi là thù thì tức khắc đóng cửa đuổi đi.

Phóng viên : Còn việc lập đàn Giải Oan của Sư Ông Nhất Hạnh, mà Giáo phái Làng Mai cho biết theo truyền thống Trai đàn Thủy lục của Phật giáo, là vấn đề « thuần túy tôn giáo » thì ông nghĩ sao ?

Võ Văn Ái : Trên kia tôi đã trả lời và cho biết lý do vì sao tôi không muốn đưa ra ý kiến gì về Sư Ông này. Tuy nhiên thành ngữ « thuần túy tôn giáo » mà nhà báo dùng, cần đặt lại cho đúng. Tôn giáo là tôn giáo. Kéo thêm chữ « thuần túy » vào có thể gây ngộ nhận là cách hành xử tôn giáo như thế chưa chắc là một hành động tôn giáo.

Trong lĩnh vực tôn giáo, thì tôi có thể góp ý. Chẳng hạn như việc « lập đàn giải oan », « trai đàn thủy lục » chẳng hạn.

Trai đàn thủy lục là pháp hội bố thí trai thực cho các loài hữu tình dưới nước và trên bờ để giúp các loài qủi. Pháp hội này xuất hiện bên Trung quốc. Nguyên vào đầu thế kỷ thứ 6 Tây lịch, vua Lương Vũ Đế bên Tàu nằm mộng thấy vị thần tăng dạy thiết lập « Thủy lục trai » nhằm cứu độ tất cả chúng sinh trong 4 loài lăn lóc nơi 6 đường dữ. Từ đó trở thành truyền thống cúng cô hồn suốt 14 thế kỷ qua tại một số nước Châu Á.

Nước ta từ nhiều đời có truyền thống Xá tội vong nhân rất long trọng và phổ biến, tổ chức vào ngày Rằm tháng Bảy âm lịch nhân dịp lễ Vu Lan mỗi năm, cũng là thời chư Tăng Ni xuất hạ sau 3 tháng an cư.

Từ ngày có tin sau Tết sẽ tổ chức 3 Trai đàn Giải oan ở ba miền đất nước, thì dư luận người Việt ở hải ngọai thông qua các báo đài hay trên Internet rất sôi động về hai chữ Giải Oan. Theo tôi, vấn đề quan thiết và chính yếu trong lúc này là Giải Oan cho ai ? Những ông bộ đội Miền Bắc chiến đấu cho lý tưởng Quốc tế Cộng sản, cho các lãnh tụ Lénine, Staline, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh họ hy sinh thân xác cho lý tưởng này, họ ý thức cái chết của họ là cái chết của những anh hùng, liệt sĩ. Họ đâu có chết oan ? Quân sĩ Việt Nam Cộng hòa tham chiến trong lý tưởng bảo vệ tự do và dân tộc, cũng chết như những anh hùng giữ nước. Họ có chết oan đâu ? Những người Vượt Biển ra đi lánh nạn độc tài Cộng sản, mong gióng lên trên thế giới Thông điệp tự do của một dân tộc bị áp bức. Số người chết trên biển, theo Cao ủy Tị nạn LHQ, xuýt xoát một triệu người. Người Vượt Biển ý thức về hành động Vượt Biển, về sứ mệnh tự do. Nên họ cũng không chết oan, mà chết vì rủi ro, tai nạn.

Trái lại, điều phải công nhận là có những cái chết oan ức suốt 60 năm qua trên đất nước ta. Đó là những đảng viên thuộc các đảng phái quốc gia bị Việt Minh cộng sản cố tình thanh toán, giết oan từ năm 1945. Trong cuốn sách « Nhận định về những Sai lầm tai hại của Đảng Cộng sản đối với Dân tộc và Phật giáo », Hòa thượng Thích Quảng Độ tả rõ cảnh Cộng sản thảm sát Sư phụ ngài, là Hòa thượng Thích Đức Hải, nơi sân đình làng Bặc ở tỉnh Hà Đông ngày 19.8.1945. Hòa thượng cũng nhắc tới vụ Cải cách Ruộng đất, với con số xử oan, giết oan 700.000 người, những hầm chôn tập thể ở Huế khi Cộng quân chiếm lĩnh thành phố gây ra. Không riêng Hòa thượng Quảng Độ, mà đã là người Việt Nam, thì từ Bắc chí Nam không ai là không biết các thảm cảnh khủng khiếp này.

Còn phải kể thêm những người bị hành quyết, bị chết mòn, chết đói, chết vì thiếu thuốc men trong hơn 150 Trại Cải tạo sau năm 1975. Hai giáo sư người Mỹ, ông Karl Jackson và bà J. Desbarats, ở Đại học Berkeley bên California đã làm một cuộc điều tra, nghiên cứu và lập thành hồ sơ Trại Cải tạo công bố năm 1984. Theo hai vị này, thì thời khoảng 1975 đến 1983, có 65.000 tù nhân bị Công an cộng sản hành quyết trong các Trại Cải tạo. Chưa kể đến số người chết vì bệnh, vì bị ngược đãi, vì bị bị trúng mìn khi đi gỡ mìn theo lệnh quản giáo, hoặc số tù nhân tự tử.

Đấy, giải oan là giải oan cho những vong hồn bị bức tử như thế, bằng tấm lòng thành thật và tinh khiết, với sự hộ trì trang nghiêm của một tập thể Tăng già. Đây là chuyện linh thiêng, chứ không phải là chuyện đùa giỡn hay bốc đồng theo thế cuộc.

Trong bản văn bi hùng độc nhất vô nhị của nước ta do thi hào Nguyễn Du sáng tác, có tên là Văn tế Thập loại chúng sinh, thì mười loại chúng sinh kể ra trong bài văn tế, những người chết mà tôi vừa kể trên chỉ nằm trong hai phần nhỏ ở loại thứ mười mà thôi. Lọai chúng sinh thứ mười trong bài văn tế của Cụ Nguyễn Du gồm có : kẻ ăn mày chết cô đơn, người tù chết trong ngục, hài nhi chết yểu và người chết vì các nạn. Đấy là mười loại chúng sinh thường thấy ở thời của Cụ Nguyễn Du, mà người Cộng sản gọi là « thời phong kiến ». So ra, chúng ta phải giật mình kinh hãi cho quá nhiều lọai người chết dưới triều đại Xã hội Chủ nghĩa ngày nay, nhưng các hạng người này chưa hiện diện trong Thập lọai chúng sinh ở thời đại cụ Nguyễn Du. Tôi muốn mở ngoặc ở đây để nói tới quan điểm lịch sử sai lầm của một số sử gia Cộng sản ở Hà Nội. Tại Việt Nam không hề có thời nào có thể gọi là thời phong kiến theo định nghĩa của từ phong kiến bên Châu Âu thời trung cổ. Cũng không hề có chế độ Nông Nô dưới thời Lý, thời Trần như sử gia Cộng sản Hà Nội học mót và a dua theo quan điểm Mác – Lê Nin.

Phóng viên : Nhưng cái mới trong việc Giải Oan của vị Giáo chủ Làng Mai là kết hợp các khối kinh điển Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, Mác-Lênin. Ông có thấy đây là một Giáo lý Nhân bản mới không ?

Võ Văn Ái : Tôi đã nói tôi không muốn đề cập chuyện của Sư Ông Nhất Hạnh. Nhưng có thể góp ý về vấn đề tín ngưỡng. Nhân bản là lấy gốc người làm trọng, vậy thì phải nhớ rằng xã hội Cộng sản là một xã hội không có con người. Nó là xã hội trại lính, trại thú. Con người là con số không trong tập thể. Một Giáo lý Nhân bản không thể xuất hiện trong một xã hội như thế.

Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo… là những tôn giáo. Giải thích và hành trì giáo lý tuy có khác, nhưng các tôn giáo này có chung cùng mục tiêu hoàn thiện và thăng tiến con người dựa vào lòng từ bi, bác ái, nhân phẩm, tâm linh. Các tôn giáo này có thể chung cùng cộng tác trong một số công tác xã hội, chẳng hạn như vãn hồi hòa bình, nhân quyền, dân chủ, từ thiện, v.v… Còn cái tôn giáo mới của chủ nghĩa duy vật Mác-Lênin thì đặt nền tảng trên ý thức hệ « đấu tranh giai cấp », tất nhiên lấy căm thù làm sức mạnh chiến đấu, lấy bạo lực chuyên chế cướp chính quyền. Ý thức hệ này là tác giả thảm sát hàng triệu dân oan trong Cải cách Ruộng đất, trong Mậu Thân Huế, trong chiến tranh, v.v… Một bên là các tôn giáo cứu người, còn bên Cộng sản thì giết người. Giết người vì lý do cao cả gì chăng nữa vẫn là sự giết người. Muốn giải oan trong hoàn cảnh đó, thì phải chận đứng sự giết người bằng cách này hay bằng cách khác. Nhưng phải CHẬN ĐỨNG, phải có thái độ và hành động chận đứng sự giết người. Hệt như tước con dao trong tay thằng điên.

Sẽ khôi hài biết bao trong một cuộc lễ, mà chúng ta phải trố mắt nhìn một ông đọc kinh Đấu tranh Giai cấp, một Linh mục đọc Thánh kinh, một vị Sư đọc Mông sơn thí thực… Đối chõi như thế thì làm sao giải oan cho những vong hồn ôm lòng oán giận và muốn trả thù, gọi là oán linh, những người ôm lòng oán giận và muốn báo thù, gọi là sinh linh, những người sau khi chết hiện ra những hình tướng biểu thị lòng giận ghét, gọi là tử linh ?! Cảnh khôi hài cải lương này có giải oan được cho oan hồn uổng tử không ?

Phóng viên : Thế thì chẳng còn cách gì Giải oan nữa hay sao ?

Võ Văn Ái : Có chứ. Các ngày rằm và mùng một, người Phật tử tụng sám, tức sám hối, để thanh tịnh hóa tâm hồn mình đồng thời giải oan cho muôn loài. Mỗi năm vào ngày Rằm tháng Bảy có lễ hội Xá tội vong nhân mà Phật giáo mà dân tộc ta thực hiện qua bao nhiêu thế kỷ rồi. Bên Công giáo, Tin Lành có lễ Rửa tội và Giải tội. Vân vân. Chuyện hằng ngày của các tôn giáo trải qua hàng chục thế kỷ rồi, chứ đâu phải là chuyện chưa hề có.

Ý kiến tôi trong vụ này là phải khẩn thiết nỗ lực giải oan cho NGƯỜI HIỆN ĐANG SỐNG. Vì những người đã chết kia cũng là những người từng sống như chúng ta ngày nay. Những người ấy còn sống trước ngày phát động Cải cách Ruộng đất, trước Tết Mậu Thân Huế, trước ngày bom nổ đạn bay (do ai gây ra ?), trước ngày bị lùa vào 150 Trại Cải tạo sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975.

Người đang sống ngày nay, trừ hai triệu rưởi đảng viên Cộng sản, trên 80 triệu dân lành hiện phải chịu đựng đủ thứ oan ức, bức hiếp. Mỗi ngày có hàng trăm phụ nữ dân oan kéo ra vườn hoa Mai Xuân Thưởng kêu cứu. Có những người kêu oan từ mười, mười lăm năm mà nhà cầm quyền Hà Nội từ chối giải quyết. Có ai đây, là đấng trượng phu, là sĩ phu thời đại ra tay Giải Oan cho họ ? Tôi xin gióng lên câu hỏi này.

Phóng viên : Câu hỏi trên đây của tôi cũng hàm ý là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hiện nay có hành động gì nhằm Giải oan không ?

Võ Văn Ái : Ngày 2.11.75, 12 Tăng Ni tự thiêu tại Thiền viện Dược sư ở Cần Thơ phản đối chính sách đàn áp tôn giáo và nhân quyền của Nhà nước Cộng sản, là 12 Ngọn Đuốc Giải Oan cho người sống cũng như người chết. 30 năm sau, danh sách của những ngọn đuốc như thế lên tới con số 22 Tăng Ni và Phật tử trong và ngoài nước, trong đó có cả một nữ sinh viên người Đức tự thiêu tại Saigon để phản đối chính quyền đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. 22 là con số tìm được trong một thể chế thiêu đốt sách và tài liệu nào không nằm trong dòng ý thức hệ Cộng sản. Thực tế, con số này còn cao hơn. Tôi còn nhớ năm 1981, khi Giáo hội Phật giáo Nhà nước ra đời đến cưỡng chiếm trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở chùa Ấn Quang, giáo hội nhà nước này đã đốt các tài liệu của Viện Hóa Đạo trong vòng 5 ngày mới xong.

Ngoài ra, tất cả các văn kiện của hai Viện Tăng thống và Viện Hóa Đạo do Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Độ viết ra đều đề cập và đưa ra hành động thỏa đáng nhằm Giải trừ Oan ức cho 83 triệu dân đang sống.

Cụ thể như nhân ngày Nhà nước Cộng sản kỷ niệm 25 năm ngày Đại thắng 75. Hòa thượng Thích Huyền Quang viết bức thư hôm 21.4.2000 từ Nghĩa Hành nơi ngài bị giam giữ ở tỉnh Quảng Ngãi, gửi giới lãnh đạo Hà Nội, đề nghị lấy ngày 30.4 mỗi năm làm « Ngày Sám hối và Chúc sinh toàn quốc ». Hòa thượng đòi hỏi cho Linh quyền người chết qua hành động sám hối công khai của Đảng Cộng sản, và Nhân quyền cho người sống qua việc thực thi dân chủ đa đảng.

Xin nhớ đề xuất và hành động cụ thể nhằm Giải Oan cho người chết cũng như người sống được vị lãnh đạo tối cao của Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất công bố từ bảy năm trước, năm 2000, chứ không phải đợi đến hôm nay, 2007, mới toan tính. Hành động này cụ thể phải do người gây tội, là Đảng Cộng sản tác nhân các vụ thảm sát, đứng ra chủ trì, chứ không là kẻ bị thảm sát, kẻ bị oan ức xin xỏ giải oan. Vì những oan hồn uổng tử này đã có lịch sử ghi nhận nỗi oan khiên của họ trên lá rừng và trời cao.

Linh quyền cho người chết là những ai ? Hòa thượng Huyền Quang kê rõ trong thư : 3 triệu người chết trong chiến tranh, binh sĩ Việt Nam Cộng hòa, 300.000 bộ đội mất tích theo số liệu Hà Nội, 700.000 người bị giết trong Cải cách Ruộng đất, 100.000 người bị hành quyết trong các Trại Cải tạo, một triệu người bỏ thân trên đường Vượt Biển, hàng chục nghìn người bị giết trong vụ Mậu Thân, v.v…

Nhân quyền cho Người sống là gì ? Là bỏ ngay châm ngôn « Dân biết dân câm họng, Đảng biết đảng bỏ tù », bỏ ngay ý thức hệ « đấu tranh giai cấp »« chuyên chính vô sản ». Thực hiện cụ thể bằng việc nhân Ngày 30.4, Đảng Cộng sản chính thức công bố lời Sám hối trước toàn dân, người chết cũng như người sống, về những sai lầm, những tội lỗi mà Đảng Cộng sản vi phạm trong suốt lịch sử cận và hiện đại.

Phóng viên : Xin cám ơn ông Võ Văn Ái và xin hẹn quý thính giả ở Câu Chuyện Cuối Tuần vào thứ Sáu tuần tới, cũng vào giờ phát thanh này.

Check Also

VCHR và FIDH đệ trình báo cáo chung đến LHQ cho Kỳ Kiểm Điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam

PARIS, ngày 11 tháng 10 năm 2023 (VCHR) : Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *