PARIS, ngày 3.11.2007 (PTTPGQT) – Vừa qua, ngày 30.10.2007, Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Châu, nhân danh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Trên Thế giới, viết bức Tâm Thư Ngỏ gửi quý vị Lãnh đạo Văn phòng II Viện Hóa Đạo, Lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại các châu lục, quý vị đại diện các cơ quan truyền thông, báo chí, và chư tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng, Ni, đồng bào, đồng hương, Phật tử. Tâm thư Ngỏ được phổ biến rộng rãi trên Internet và các báo chí hải ngoại, đưa ra một số đề xuất theo quan điểm của Hòa thượng Tâm Châu, như công cử Hòa thượng Thích Minh Tâm và Thượng tọa Thích Bổn Đạt vào các chức vụ trọng yếu tại Châu Âu và Canada.
Ngày 2.11.2007, nhân danh Chủ tịch Văn phòng II Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Đại lão Hòa thượng Thích Hộ Giác viết thư hồi đáp, biểu tỏ sự “cảm kích quan tâm sâu xa” của Hòa thượng Thích Tâm Châu “trước những khó khăn vốn nằm trong vận mệnh chung của Giáo hội và đất nước”. Nhưng xác định việc Văn phòng II Viện Hóa Đạo phải khâm tuân và thực thi Giáo chỉ số 9 của Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và đường hướng của Giáo hội trong nước. Hòa thượng Thích Hộ Giác viết :
“Trong bất cứ hoàn cảnh nào thì Văn phòng II Viện Hóa Đạo cũng luôn luôn khâm tuân, thực hiện Giáo chỉ (số 9) và đường hướng của Hội đồng Lưỡng Viện trong nước, không thể khác hơn”.
Sau đây là nguyên văn thư hồi đáp :
Vietnamese American Unified Buddhist Congress in the U.S.A.
VĂN PHÒNG II VIỆN HÓA ĐẠO
HỘI ĐỒNG ĐIỀU HÀNH
311 E. Mission Road – San Gabriel, CA. 91776 – USA
Tel : (626) 614-0566 – Fax : (626) 286-8437 – E-mail : vp2vhd@gmail.com
Số : 200716/VPIIVHĐ/VT/CT
|
Kính gởi Hoà Thượng Thích Tâm Châu
Thượng Thủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới
Kính bạch Hoà Thượng,
Sau khi đọc “Tâm Thư Ngỏ” ngày 30-10-2007, với tư cách Chủ tịch Văn Phòng II Viện Hoá Đạo xin được thưa với Hoà Thượng vài điều sau đây :
Vô cùng cảm kích sự quan tâm sâu xa của Hoà Thượng trước những khó khăn vốn nằm trong vận mệnh chung của giáo hội và đất nước.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào thì Văn Phòng II Viện Hoá Đạo cũng luôn luôn khâm tuân, thực hiện giáo chỉ và đường hướng của Hội đồng Lưỡng Viện trong nước không thể khác hơn được.
Hiện tình Giáo Hội có phần xáo trộn nhưng tin rằng bất cứ ai thật lòng với dân tộc và đạo pháp sẽ từ từ nhận ra sự cần thiết trong nỗ lực chấn chỉnh hiện nay.
Trân trọng
Los Angeles, ngày 02 tháng 11 năm 2007
Chủ Tịch Văn Phòng II Viện Hoá Đạo GHPGVNTN
(ấn ký)
Sa Môn Thích Hộ Giác
Bản sao kính gởi :
– Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo “để kính thẩm tường”
– Hòa thượng Tổng Ủy viên Đặc trách liên lạc Úc Đại Lợi & Tân Tây Lan
– Hòa thượng Tổng Ủy viên Đặc trách liên lạc Âu châu
– Thượng tọa Tổng Ủy viên Đặc trách liên lạc Canada “để thẩm tường”
– Hồ sơ, lưu
Hòa thượng Thích Quảng Độ
Cuộc phỏng vấn Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đã được Đài Á châu Tự do phát về Việt Nam trong hai chương trình sáng thứ năm 1.11 và sáng thứ sáu 2.11.2007 lúc 6 giờ 30 sáng, giờ Việt Nam.
Phái đoàn Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới đã đến Thanh Minh Thiền viện ở Saigon hôm 26.10.2007 vấn an Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ và tìm hiểu hiện tình Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN). Sau đó, Phóng viên Ỷ Lan của Đài Á châu Tự do đã làm cuộc phỏng vấn Hòa thượng nhân cuộc gặp gỡ ấy.
Dịp này Hòa thượng cho biết lý do vì sao GHPGVNTN không chấp nhận đăng ký xin tái hoạt động theo yêu sách của Hà Nội và theo lời khuyên của ông Tân Đại sứ Hoa Kỳ qua cuộc tiếp xúc với Cộng đồng Người Việt tại Nam California hôm trung tuần tháng 10. Qua cuộc phỏng vấn, Hòa thượng tiết lộ nhiều chi tiết quan trọng về việc hình thành Giáo hội Phật giáo Nhà nước năm 1982. Đặc biệt là vai trò của nhị vị Cố Hòa thượng Thích Trí Thủ, Thích Thiện Siêu, nhị vị Hòa thượng Thượng Thích Minh Châu, Thích Trí Tịnh và Sư Ông Nhất Hạnh gần đây.
Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế đã chép lại toàn bộ cuộc phỏng vấn này cống hiến bạn đọc, mong giới thiệu những khía cạnh còn khuất lấp suốt 32 năm qua về vấn đề Phật giáo tại Việt Nam. Bản chép dưới đây ghi đúng theo bản ghi âm của nhà báo Ỷ Lan. Vì có một số đoạn nhỏ bị cắt trong chương trình phát sóng. Đặc biệt là ở câu hỏi chót trong phần 2 cuộc phỏng vấn, đoạn Hòa thượng Thích Quảng Độ nhắc đến vai trò của Sư Ông Nhất Hạnh trong hai chuyến về Việt Nam năm 2005 và 2007. Vai trò này nhằm thúc đẩy Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ hòa hợp hòa giải với nhà cầm quyền Hà Nội và cho ra đời “Tổng Giáo hội Phật giáo Việt Nam” theo quan điểm của Hà Nội nhằm xóa sổ GHPGVNTN. Theo nhà báo Ỷ Lan cho biết, thì vì lý do thời lượng hạn chế của Đài Á châu Tự do, nên Đài phải cắt bớt một một số đoạn nhỏ. Chúng tôi viết chữ đậm những đoạn bị cắt ấy để tránh ngộ nhận khi so chiếu với văn nói trong cuộc phỏng vấn.
Các tiêu đề phân đoạn do chúng tôi đặt cho dễ đọc và dễ tìm hiểu các sự kiện. Xin mời quý Bạn đọc theo dõi cuộc phỏng vấn sau đây :
Ỷ Lan giới thiệu : Hôm thứ Sáu vừa qua, phái đoàn Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do tôn giáo trên Thế giới (US Commission on International Religious Freedom) đã đến Thanh Minh Thiền Viện gặp gỡ, trao đổi với Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN.
Phái đoàn gồm có ông Michael Cromatie, Chủ tịch Ủy hội Hoa Kỳ, ông David B. Dettoni, Phó Giám đốc Liên hệ Đối ngoại, bà Felice D. Gaer, Ủy ban Do Thái giáo Hoa Kỳ, ông Scott Flipse, Chuyên gia phân tích cao cấp của Ủy hội Hoa Kỳ, ông Tad Stankhe, thành viên Ủy hội Hoa Kỳ, và bà Katia Bennet, Tham tán Chính trị tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Saigon. Cuộc trao đổi kéo dài 2 tiếng đồng hồ. Ngày hôm sau, phái đoàn cũng ghé Huế gặp Hòa thượng Thích Thiện Hạnh tại chùa Bảo Quốc.
Khi hay tin, chúng tôi liền làm cuộc phỏng vấn Đại lão hòa thượng Thích Quảng Độ về nội dung cuộc gặp gỡ ấy.
Cuộc phỏng vấn khá dài và do những tiết lộ quan trọng về vấn đề Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong bối cảnh đất nước Việt Nam 32 năm qua, chúng tôi xin chia cuộc phỏng vấn làm 2 chương trình.
Phần đầu là lời giải thích của Hòa Thượng vì sao Giáo Hội không đăng ký xin phép hoạt động trở lại theo quy chế mới của Nhà nước Việt Nam. Phần hai, Hòa Thượng cho biết trong bối cảnh nào Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ra đời năm 1981 và thái độ trước sự kiện ấy của Viện Hóa Đạo do Hòa Thượng và Hòa Thượng Thích Huyền Quang lãnh đạo.
Ỷ Lan : Kính chào Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, kính xin Hòa Thượng hoan hỷ cho biết việc Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới đến Thanh Minh Thiền Viện vấn an Hòa thượng và tìm hiểu về tình hình GHPGVNTN. Cuộc gặp gỡ này xảy ra như thế nào, bạch Hòa thượng ?
Hoà thượng (HT) Thích Quảng Độ : Vâng. Đúng như thế. Hôm 26 có một Phái đoàn Tự do tôn giáo của Hoa Kỳ do ông Cromatie dẫn đầu, gồm có 6 người đến Thanh Minh Thiền Viện vào lúc 2 giờ 30 chiều, và tôi tiếp cho đến 4 giờ 15 thì các vị ra về.
Ỷ Lan : Nội dung cuộc gặp gỡ ra sao, bạch Hòa thượng ?
HT. Thích Quảng Độ : Nội dung cuộc tiếp xúc này thì cũng nhiều vấn đề lắm, nhưng không tiện nói ra hết ở đây được. Xin thông cảm. Riêng có một vấn đề quan trọng mà hình như dư luận cũng đã biết qua. Đó là theo tin tức cho biết thì ông Đại sứ mới của Hoa Kỳ nói bên Nam California vào ngày 13 tháng 10 trong một cuộc họp báo thì ông có nói rằng GHPGVNTN nên đăng ký để hoạt động.
Tôi nghe tin đó thì tôi có quan tâm về vấn đề này. Và đồng thời hôm 26 vừa rồi phái đoàn Tự do tôn giáo quốc tế của Hoa Kỳ cũng có nói sơ qua vấn đề đó, thì họ có hỏi tôi tại sao Nhà nước họ cũng có nói bất cứ tôn giáo nào cũng có thể đăng ký để sinh hoạt, họ thắc mắc rằng giáo hội của chúng tôi không làm điều đó.
Nhưng nếu không giải thích rõ thì người ta cho là phía Nhà nước có thiện chí, sẵn sàng cho mình sinh hoạt mà mình không chịu sinh hoạt, đó là lỗi tại mình cố chấp, cố thủ chớ không phải tại họ, tức là giáo hội không có thiện chí. Đó cũng là vấn đề rất quan trọng ở bên ngoài hiểu lầm. Nếu cứ nghe nói như thế thôi mà không hiểu nguyên do tại sao giáo hội không đăng ký.
Nhân dịp này, tuy mất thì giờ một tí nhưng tôi cũng xin được trở lại quá khứ một chút thời gian thôi.
Nghĩa là, Phật giáo được truyền vào Việt Nam, như mọi người đều biết vào thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch. Đến thời đại nhà Đinh cuối thế kỷ thứ IX, đầu thế kỷ thứ X thì đã thành hình được giáo hội chính thống. Thời đó đã có các vị quốc sư, trải qua thời tiền Lê rồi đến thời Lý. Thật sự đến thời Lý bắt đầu từ năm 1010 thì mới thật sự đặt thành một nền tảng vững chắc cho Phật Giáo Việt Nam cho đến ngày nay.
Rồi đến người Pháp đánh bại triều đình nhà Nguyễn và đặt Việt Nam dưới vòng đô hộ của người Pháp vào năm 1883. Suốt từ thời đầu đô hộ Pháp cho đến thời đại Đệ Nhất Cộng Hoà, do Đạo dụ số 10 mà Phật giáo bị liệt vào quy chế hiệp hội chớ không phải giáo hội.
Chính Phủ Đệ Nhị Cộng Hòa hủy bỏ Đạo dụ số 10 và công nhận Phật Giáo không còn là một hiệp hội nữa. Từ đó trở đi thì giáo hội có tư cách là một giáo hội.
GHPGVNTN hiện giờ được thành lập vào năm 1964, thì trước đó đã nhập 3 Tổng hội Phật giáo Việt Nam từ Bắc-Trung-Nam, theo quy chế hiệp hội. Bây giờ xóa bỏ Đạo dụ số 10 cho nên 3 Tổng hội Trung-Nam-Bắc hiệp lại thành Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vào năm 1964. Cả 3 miền hợp lại, cả giới tu sĩ và giới tại gia, hợp lại tất cả các đại biểu từ Bắc tới Nam thành lập Giáo hội này.
Đến năm 1975 khi CHXHCNVN xâm chiếm luôn Miền Nam sáp nhập vào Miền Bắc. Lúc đầu, ngày 30/4/1975 là ngày chính phủ miền Bắc thống trị toàn quốc. Sau đó một ít lâu thì GHPGVNTN đã làm tất cả các loại tài liệu, tư liệu như Hiến chương, Nội quy, cơ cấu tổ chức ở miền Nam. Khi trình ra ngoài chính phủ Trung ương Hà Nội, gởi cho Phủ thủ tướng lúc đó là ông Phạm Văn Đồng, nhưng tất cả đều im lặng, không trả lời nhận hay không nhận.
Đến sự kiện năm 1977 là Giáo hội họp Đại Hội, coi như Đại Hội cuối cùng ở chùa Ấn Quang, là lúc Nhà nước này đã thống nhất rồi. Có làm danh sách xin phép Nhà nước. Họp xong, đúc kết lại tất cả các đại biểu tại Đại Hội đó làm một đơn lên chính phủ Trung ương cũng như chính phủ ở trong này. Họ cũng nhận thế thôi, họ có đọc hay không thì không biết, nhưng cũng không nói gì.
Ỷ Lan : Kính xin hòa thượng cho biết lý do vì sao GHPGVNTN không chịu đăng ký xin hoạt động ?
HT. Thích Quảng Độ : Nhân dịp này tôi giải thích rõ tại sao chúng tôi không đăng ký, nó có lý do. Bởi vì bây giờ đây, như tôi vừa nói, GHPGVNTN đã được quy chế là một giáo hội ngang hàng với Thiên Chúa Giáo, Giáo hội La Mã ở Việt Nam này. Hội đồng Tổng Giám mục cũng tương đương với Ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo của GHPGVNTN. Thế thì Giáo hội Công Giáo từ ngày Cộng sản về đây thì họ có đăng ký gì đâu ?
Họ vẫn cứ tự nhiên hoạt động từ 1975 đến giờ, có gì thay đổi đâu ! Mà họ cũng không đăng ký. Thế thì tại sao bắt Giáo hội chúng tôi phải đăng ký ? Vậy là trở lại quy chế hiệp hội à ? Bây giờ chúng tôi là một Giáo Hội chớ không phải hiệp hội như hội Phụ nữ Việt Nam nữa. Bởi vậy cho nên, khi thành lập Giáo hội Phật giáo Nhà nước là giáo hội bây giờ đây, họ đặt vào Mặt trận Tổ quốc.
Mà Mặt trận Tổ quốc là lãnh đạo các hiệp hội như hiệp hội phụ nữ, thanh niên, bô lão chẳng hạn. Tất cả nằm dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Mặt trận Tổ quốc. Họ muốn chúng tôi cũng như thế. Đâu có được. Giáo hội Phật giáo Việt Nam của họ lập ra năm 1981, đối ngoại thì họ dùng đấy là một giáo hội, là một ‘church’, nhưng thực tế chữ Việt Nam họ dùng là một ‘hội’. Phật giáo Việt Nam là một ‘association’ chớ không phải là ‘church’. Như vậy là họ phân biệt, kỳ thị rõ : Đối ngoại họ gọi là ‘giáo hội’ mà đối nội họ không bao giờ chấp nhận giáo hội nhà nước là ‘giáo hội’ mà là một cái hội thôi, một hiệp hội nằm trong Mặt trận Tổ quốc thôi.
Do đó bây giờ họ mới giương ra một cái bẫy. Họ đánh tiếng rằng nếu chúng tôi đăng ký thì họ sẵn sàng cho sinh hoạt. Đó là họ tỏ ra có ‘thiện chí’. Mà chúng tôi từ chối không đăng ký thì họ lại đổ lỗi cho đấy là tại chúng tôi bướng bỉnh, tại chúng tôi không có thiện chí, cố tình phá hoại, chống đối. Nhưng không phải thế.
Bây giờ các vị hiểu cho là nếu chúng tôi đặt bút ký một văn thư xin đăng ký thì nó đơn giản lắm. Chỉ cần một trang giấy thôi chớ có khó khăn gì đâu. Chúng tôi làm thừa sức, nhưng rất nguy hiểm. Hậu quả không biết thế nào. Bây giờ đặt bút ký một văn kiện như vậy mà gởi cho nhà nước thì ối giời họ mừng lắm – họ rất mừng !
Ỷ Lan : Vì sao Nhà nước mừng, bạch Hòa thượng ?
HT. Thích Quảng Độ : Là bởi vì tôi đã đưa một cái tròng đặt vào tay họ để nhờ họ siết cổ tôi cho chết. Ối Giời ơi, họ mừng quá, chả phải tốm kém một đồng xu nào cả.
Tại sao ?
Bây giờ chế độ Cộng sản là chế độ Xin – Cho. Bây giờ tôi đang có một quyền, đây là quyền pháp lý của tôi là một tư thế giáo hội. Như tôi đã nói hồi nãy, khi chính phủ cộng sản về đây tôi đã làm văn thư này khác, trình diện ngoài Hà Nội như tôi vừa nói. Sau khi thống nhất thì tất cả đều trình diện hết rồi.
Thì họ thừa nhận hay không thừa nhận thì họ phải nói, nếu họ không thừa nhận thì bảo tôi không chấp nhận tổ chức này, tổ chức này được lập ra dưới thời ‘Mỹ-Ngụy’, nó là phi pháp, chúng tôi ra quyết định giải tán nó. Tại sao họ không nói như thế, nếu họ nói thế thì chúng tôi cũng phải chấp nhận thôi. Bởi làm gì mà chống lại họ được. Nhưng họ mặc nhiên, cho đến bây giờ cũng chưa có một văn thư nào chính thức giải tán GHPGVNTN, được thành lập dưới thời ‘Mỹ-Ngụy’ – cứ dùng danh từ của họ đi – vào năm 1964.
Nếu chúng tôi nhận được văn thư đó thì tự động đóng cửa chùa, đóng cửa mọi thứ, không bao giờ hoạt động gì nữa. Bởi vì chúng tôi biết, người ta đã giải tán rồi thì còn quyền gì mà hoạt động nữa, mà hoạt động thì người ta bắt. Họ không làm, họ cứ giữ tình trạng như thế. Bây giờ họ bảo cứ đăng ký lại thì họ cho sinh hoạt. Nếu bây giờ đăng ký thì tôi bỏ cái quyền tôi đang có. Tôi đang có quyền, mặc dầu chúng tôi đang bị đàn áp khốc liệt từ 32 năm nay. Nhưng chúng tôi vẫn có cái quyền sinh hoạt là bởi vì họ chưa giải tán chính thức.
Bây giờ nếu tôi đặt bút ký một cái đơn hoặc xin phép ông cho tôi sinh hoạt. Họ nắm được cái đơn đó thì họ không trả lời đâu. Không bao giờ trả lời. Tức là xin thì phải cho, cho mới được hoạt động. Mà họ không cho, chưa trả lời thì không được hoạt động, không được sinh hoạt, mà nếu sinh hoạt thì họ bắt liền, có lý do. Là bởi vì tại sao ông đang làm đơn xin, tôi chưa cho thì làm sao ông lại sinh hoạt được. Ông sinh hoạt như vậy là trái phép, tôi bắt. Thế giới không ai can thiệp được. Luật rõ ràng, nước nào cũng như thế thôi. Nhà nước có quyền như thế, đã xin phép Nhà nước thì chờ Nhà nước cho mới được làm, không cho là không được làm.
Đấy là cái bẫy mà họ định lừa chúng tôi đấy. Từ bao nhiêu năm nay, đấy là cái bẫy cuối cùng.
Ỷ Lan : Là thành viên Liên Hiệp Quốc tất phải tuân thủ các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết, Hòa thượng có nghĩ rằng các Công ước này sẽ bảo vệ cho quyền tự do sinh hoạt tôn giáo của GHPGVNTN không ? Hòa thượng nghĩ sao ?
HT. Thích Quảng Độ : Bây giờ các ngài ở ngoài cứ tưởng như luật pháp Việt Nam là luật bình thường như Mỹ, như Âu Châu, như các nước khác. Không thế đâu. Nó rất lắt léo. Họ có luật riêng. Chẳng hạn như năm 1982 nhà nước Việt Nam đã tham gia ký kết Công ước quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị, nhưng họ đâu có thi hành. Nói thì họ bảo rằng chúng tôi có luật riêng.
Cũng như vừa rồi họ trả lời Ủy hội Tự do quốc tế của Hoa Kỳ mới hôm nào đây, tôi nghe ông Nguyễn Tấn Dũng, đài truyền hình nói lại là ông có nhấn mạnh : ‘vì hoàn cảnh lịch sử khác nhau cho nên nhận thức về nhân quyền giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cũng khác nhau. Nước Việt Nam là một nước có chủ quyền, có Hiến pháp và luật pháp riêng’. Họ nói rằng thực hiện nhân quyền LHQ thì cũng phải dựa theo luật riêng đó. Mà luật riêng đó là gì ?
Hiến pháp, điều 69 của Việt Nam XHCN ghi rõ như thế này :
‘Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú trong nước, có quyền đi ra nước ngoài và trở về nước theo quy định của pháp luật’.
Đấy là luật riêng của họ đấy. Có tự do nhưng phải theo quy định của ‘pháp luật’. Tự do đi lại vẫn như LHQ, nhưng lại quy định theo pháp luật (Việt Nam). Vậy ví dụ như bây giờ tôi đang ở Thanh Minh Thiền Viện tôi muốn đi ra một chùa ngoài Vũng Tàu thăm một người bạn, thì bây giờ tôi phải ra Ủy ban Nhân dân phường ở quận Phú Nhuận này xin phép đi ra Vũng Tàu thăm người bạn, như thế là xin giấy tạm vắng Thanh Minh Thiền Viện.
Ra Vũng Tàu tôi phải đưa giấy tạm vắng của Ủy ban Nhân dân địa phương này cho Ủy ban Nhân dân địa phương đó xin phép tạm trú ở đấy, xin bao nhiêu ngày phải ghi rõ. Ba ngày, năm ngày… Khi ra trình diện phường ở ngoài kia xin tạm trú thì phải có giấy chứng nhận của ông bạn tôi muốn thăm ra xin thì họ mới cho. Hết ngày là phải trở về…
Đấy, tự do đi lại đấy. Thế giới đâu có biết chuyện đó. Họ chỉ thấy ghi trong Hiến pháp là đúng, công dân có quyền tự do đi lại ở trong nước và ra nước ngoài và trở về nước. Mới năm ngoái, Sáng hội Rafto Na Uy có tặng tôi Giải Nhân quyền, nhưng ngay người Na Uy xin phép người ta cho tôi đi mà tôi vẫn không được đi. Không những không được đi lãnh mà người ta đến tận nơi trao cho tôi thì chính những người đó cũng bị sách nhiễu, tra vấn. Đấy, tự do ra ngoài nước và tự do về đấy.
Ỷ Lan : Như vậy, theo Hòa thượng, luật pháp Việt Nam đóng vai trò gì trong nền công lý xã hội ?
HT. Thích Quảng Độ : Tất cả cái ở đây tôi nói, là người Cộng sản nói một đường, làm một nẻo, không tin được, mà người ngoại quốc đâu biết chuyện đó. Lịch sử Cộng sản Việt Nam trên 60 năm là lịch sử nói dối, lịch sử mị dân, lịch sử gạt gẫm. Cho nên họ ghét tôi vì cái đó, vì tôi hay nói thật. Chứ còn nhiều người biết như vậy mà không dám nói, chứ nói như tôi thì cũng tốt thôi. Tất cả 80 triệu dân mà nói như tôi một lúc là tốt đấy.
Ỷ Lan : Xin cảm ơn Hòa thượng Thích Quảng Độ.
Đài Á châu Tự do giới thiệu : Trong cụôc phỏng vấn dành cho phóng viên Ỷ Lan của Ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do mới đây qua điện thoại viễn liên, Hoà thượng Quảng Độ đã kể lại những chi tiết liên quan đến quá trình thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam vào năm 1981 và tình hình hoạt động của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất khi đó cho đến nay.
Ba vị Hòa thượng Thích Trí Thủ, Thích Trí Tịnh và Thích Minh Châu tham gia với tư cách cá nhân
Ỷ Lan : Kính chào Đại lão hòa thượng Thích Quảng Độ, xin Hòa Thượng cho biết đại cương sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981. Viện Hóa Đạo GHPGVNTN có vai trò gì và tham gia như thế nào vào công trình này ?
HT. Thích Quảng Độ : Năm 1980 thì chính phủ CHXHCNVN nghĩ đến việc thanh toán Phật giáo đây, GHPGVNTN đây. Họ gọi Hòa thượng Trí Thủ, Hòa thượng Trí Tịnh, Hòa thượng Minh Châu, không có giấy mời mà chỉ gọi thôi. Gọi đi đến một chỗ nào đó không biết, họ giao việc cho 3 vị đó đứng ra vận động thống nhất Phật Giáo cả nước, hai miền Nam Bắc.
Ba vị đó, Hòa thượng Trí Thủ là Viện trưởng Viện Hóa Đạo của GHPGVNTN, Hòa thượng Trí Tịnh là Phó viện trưởng kiêm Tổng vụ trưởng Tổng Vụ Tăng Sự, rồi Hòa thượng Minh Châu là Viện trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh và đồng thời là Tổng vụ trưởng Tổng Vụ Giáo Dục trong Viện Hóa Đạo.
Ba vị đó đi vận động thống nhất Phật Giáo. Họ chỉ gọi đi chứ không có thơ mời. Họp xong các vị về triệu tập Hội đồng Viện Hóa Đạo để các vị trình bày. Hôm ấy các vị nói có được mời đi họp ở chỗ đó, chỗ đó… bàn về việc thống nhất Phật Giáo cả nước. Các vị cho chúng tôi biết như thế và yêu cầu Viện cũng phải cử đại biểu đi dự cuộc họp bàn đó.
Lúc đó các vị trong Hội đồng Viện thì cũng còn ít thôi, Hòa thượng Thiện Minh thì qua đời rồi, còn các vị như Pháp Tri thì ở Biên Hòa ít có về đây nữa. Còn lại ở Viện Hóa Đạo thường xuyên lúc đó là chỉ có Hòa thượng Huyền Quang và tôi, và mấy vị ở dưới nữa thôi. Còn các vị như Hộ Giác thì đi vượt biên cả rồi. Còn lại như Hòa thượng Trí Thủ, Trí Tịnh, Minh Châu và hòa thượng Huyền Quang với tôi, với lại Thượng tọa Từ Nhơn… đại khái như thế.
Thế thì chỉ có 3 vị đó (Trí Thủ, Trí Tịnh, Minh Châu) đi họp, rồi về họp Viện thì có tôi, Hòa thượng Huyền Quang, Thuyền Ấn, Từ Nhơn. Các vị có nói là mình cử đại biểu đi dự phiên họp đó. Nhưng nguyên tắc là như thế này, các vị đi đấy là họ mời riêng, có giấy hay không thì tôi không biết, nhưng các vị đi với tư cách cá nhân mà thôi. Bây giờ muốn cho nó hợp lệ là xin các vị đề nghị với ai đứng làm Trưởng ban của ban tổ chức đó. Ai cũng được, miễn là có một văn thư hay cái gì đó có thẩm quyền, như một văn thư chính thức mời GHPGVNTN cử đại biểu đến dự các cuộc họp như thế này thế này để bàn về việc thống nhất Phật Giáo cả nước.
Khi nào chúng tôi nhận được văn thư chính thức như thế thì dĩ nhiên là chúng tôi phải cử đại biểu đi và dĩ nhiên trong đó cũng có đại biểu là Hòa thượng Viện trưởng, Hòa thượng Trí Tịnh, Hòa thượng Minh Châu và có chúng tôi thêm vào, và tùy theo việc quyết định.
Chứ còn đàng này họ chỉ mới mời 3 vị đó với tư cách cá nhân : Thích Trí Thủ, Thích Trí Tịnh và Thích Minh Châu mà thôi. Họ cũng không nói đến chức vị của quý vị. Như Hòa thượng Trí Thủ là Viện trưởng Viện Hóa Đạo mà họ không nói đến. Họ chỉ nói Thích Trí Thủ thôi. Vậy, tóm lại thì đây họ chỉ mời các cá nhân tham dự cuộc bàn thảo thống nhất Phật Giáo cả nước, chứ họ không mời GHPGVNTN như tư cách một giáo hội. Trong khi đó họ mời Khất sĩ, họ mời bên Tịnh Độ Tông… tóm lại là họ mời các tông phái Phật giáo khác thì họ mời hẵn hoi với tư cách là các tông phái đó. Có ông Trưởng, Phó tông phái chẳng hạn, tức là có Ban điều hành.
Chỉ riêng GHPGVNTN họ chỉ mời cá nhân, coi như bắt cóc bỏ đĩa. Bắt cóc Hòa thượng Trí Thủ, bắt cóc Hòa thượng Trí Tịnh và Minh Châu, thế thôi. Chớ họ không đếm xỉa gì đến Hội Đồng Viện Hóa Đạo, Ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo hay Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương, họ không đếm xỉa đến cái đó. Do đó tình trạng kéo dài như thế.
Về sau chúng tôi bị sức ép, như Hòa thượng Trí Thủ, Trí Tịnh, Minh Châu đi họp về rồi cứ yêu cầu chúng tôi phải cử đại diện. Yêu cầu góp ý thôi, yêu cầu góp ý với các ngài rằng thống nhất như thế nào để các ngài ra ngoài ấy trình lại với tổ chức vận động thống nhất Phật giáo.
Tôi không chịu.
Chúng tôi nói rằng, nếu bây giờ chúng tôi nhận văn thư chính thức mời GHPGVNTN, chúng tôi sẽ họp, trong đó có tất cả các vị họp lại với nhau để bàn thảo vấn đề này và cử những ai đi đại biểu cho Viện Hóa Đạo. Chính thức đại biểu ra đại hội đó để dự, thì lúc đó chúng tôi sẽ phát biểu ý kiến thống nhất như thế nào, phải xem thống nhất bằng cách nào, theo thể thức nào, cơ chế như thế nào ? Sau khi thống nhất rồi thì những Giáo hội mình còn giữ được một phần nào nội bộ để làm việc trong nội bộ hay không, hay là thống nhất xong rồi thì xóa sạch, không còn cái gì nữa.
Những điều đó mình phải biết rõ trước khi ký bút vào để mà thống nhất. Chớ nếu không mà chỉ nói mơ màng một cách thống nhất khơi khơi như vậy thì chúng tôi không chịu. Bây giờ nhất định quý vị ấy cứ bắt chúng tôi phải góp ý kiến thì không bao giờ chúng tôi làm chuyện đó. Trừ khi chúng tôi được mời với tư cách Giáo Hội, với tư cách Phó viện trưởng, với tư cách Tổng thư ký của GHPGVNTN đi dự cuộc họp bàn thống nhất thì chúng tôi sẽ sẵn sàng đi, và phát biểu tại hội nghị đó chớ không phải qua trung gian các vị làm chi.
Ỷ Lan : Bạch Hòa Thượng, thế nhưng tại sao Nhà nước Việt Nam nói rằng Viện Hóa Đạo đã công cử phái đoàn đến tham gia Hội nghị thống nhất Phật Giáo và cho ra đời Giáo hội Phật giáo Việt Nam ? Phái đoàn này do cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu cầm đầu. Xin Hòa thượng hoan hỉ khai thông cho điểm chính yếu mà ít ai được biết này.
HT. Thích Quảng Độ : Các vị không chịu, nhưng cuối cùng đến năm 81 thì họ thống nhất. Riêng GHPGVNTN thì Hòa thượng Trí Thủ đã được họ coi như là đại biểu chính thức rồi. Sau đó rồi Hòa thượng Trí Tịnh, Minh Châu, 3 người chắc chắn là chính thức rồi, mà lúc họ vận động thì chỉ là cá nhân thôi. Nhưng giờ họ đi thì họ nhân danh là Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, đứng ra (làm) Trưởng ban tổ chức thống nhất Phật giáo.
Đồng thời phái đoàn Viện Hóa Đạo họ yêu cầu Hòa thượng Trí Thủ lập ra phái đoàn Viện Hóa Đạo đi dự hội nghị đó. Phái đoàn đại biểu cho Viện Hóa Đạo là Hòa thượng Thiện Siêu ở ngoài Huế, mà Hòa thượng Thiện Siêu không có một chức vụ gì trong Viện Hóa Đạo hết. Ngài ở ngoài Huế mà, nhưng bây giờ họ xách vào để làm Trưởng phái đoàn, trong đó còn 9 vị nữa. Còn có một giấy giới thiệu của Hòa thượng Trí Thủ là phái đoàn GHPGVNTN đi dự hội nghị ngoài Bắc, và ngài là Trưởng ban vận động thống nhất rồi.
Phái đoàn đó đi với 10 thành viên, có giấy giới thiệu của Hòa thượng Trí Thủ với tư cách Trưởng ban vận động thống nhất Phật Giáo, đồng thời là Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN. Hòa thượng Thiện Siêu là Trưởng phái đoàn và đóng con dấu của Viện Hóa Đạo ở đó.
Nhưng tôi phải nói con dấu đó hoàn toàn là con dấu giả, bởi vì con dấu Giáo Hội thì tôi là Tổng thư ký, tôi giữ hai con dấu.
Từ 30 tháng 4 trở đi khi nào tôi đến văn phòng làm việc, tôi đưa đến, khi nào tôi về thì tôi cầm về phòng của tôi ở Thanh Minh Thiền Viện. Chớ tôi không để con dấu trên đó. Vậy con dấu đóng cho phái đoàn đi Hà Nội dự đại hội, thì cũng có con dấu, nhưng con dấu nào tôi không hiểu. Đó là một chuyện, nó đã mờ ám ngay từ đầu rồi.
Ỷ Lan : Thời gian ấy, Hòa thượng và Hòa thượng Thích Huyền Quang phản ứng ra sao ? Viện Hóa Đạo hoạt động như thế nào, bạch Hòa thượng ?
HT. Thích Quảng Độ : Khi họ thống nhất xong rồi, trơ ra thì còn có Hòa thượng Huyền Quang và tôi thôi. Nhưng họ tưởng làm như thế là xong rồi. Hòa thượng Huyền Quang và tôi vẫn cứ ngồi ở chùa Ấn Quang, sáng tôi lên, chiều tôi về. Làm việc, thật ra chẳng còn việc gì để làm. Thế nhưng tôi cứ lên, tôi lên thì Hòa thượng Huyền Quang xuống văn phòng ngồi với tôi. Thầy Thuyền Ấn cũng xuống ngồi với chúng tôi nói chuyện. Chiều tôi đi về.
Tình hình kéo dài như thế, họ thấy họ không thể lấy được Ấn Quang cho nên họ phải đuổi Hòa thượng Huyền Quang và tôi đi. Chuyện đó xảy ra, đến 25/2/1982 thì họ đưa Hòa thượng Huyền Quang ra Quảng Ngãi ở chùa Hội Phước. Và họ đưa tôi ra chùa Vũ Đoài ở xã Vũ Đoài, Thái Bình, ở miền Bắc.
Đến tháng 7/1992 chúng tôi về. Tôi được báo cáo rất rõ ràng là đến tháng 7/1982 thì Hòa thượng Trí Thủ bấy giờ là Trị sự trưởng Gíao hội Phật giáo Việt Nam do Nhà nước lập ra tại Hà Nội. Ngài là Trị sự trưởng chớ không còn là Viện trưởng GHPGVNTN nữa. Bởi vì ngài đã bỏ (chức) Viện trưởng, ngài đi vận động thống nhất Phật Giáo và trong cuộc thống nhất đó người ta bầu ngài lên làm Trị sự trưởng luôn.
Thế thì ngài Trị sự trưởng về, mới ra lệnh cho thầy Từ Nhơn, trước đây là thủ quỹ của GHPGVNTN ở Ấn Quang hạ cái biển ‘Văn phòng Viện Hóa Đạo’ trước trụ sở Ấn Quang xuống. Rồi một tuần sau Hòa thượng Trí Tịnh về ở hẳn ở Ấn Quang, được mấy ngày thì ra lệnh cho thầy Từ Nhơn đốt hết tài liệu của GHPGVNTN. Tài liệu cả một gian nhà, từ dưới lên đến nóc nhà. Tất cả tư liệu liên quan đến Giáo Hội, Gia Đình Phật tử, tất cả các Ban Đại diện các tỉnh từ Quảng Trị vào Cà Mau. Có gì đốt hết. Đốt 4 ngày mới hết.
Tăng tịch, các hình ảnh đủ thứ… hội nghị gì cũng đốt hết. Phi tang hết, không còn một cái gì. Xong rồi họ biến Ấn Quang thành một văn phòng của Thành Hội Phật Giáo Việt Nam, là Giáo hội của nhà nước. Từ đó trở đi thì họ đưa chúng tôi đi di tản. Coi như GHPGVNTN không còn gì nữa cả. Mất hết không còn gì.
Ỷ Lan : Bạch Hòa thượng, đến lúc nào thì Hòa thượng được Nhà nước chấm dứt tình trạng lưu đày quản chế ở Thái Bình ?
HT. Thích Quảng Độ : Đến năm 1992 thì tôi vẫn còn ở ngoài miền Bắc. Họ định để đấy cho đến chết. Nhưng tôi nghĩ rằng chả có lý do gì để mình phải đến như vậy. Tôi viết thư cho ông Mai Chí Thọ lúc đó đã lên Bộ trưởng Bộ Nội Vụ rồi, ở Hà Nội, mà tôi thì ở Thái Bình. Trong văn kiện quản chế họ nói đưa về quê. Nhưng họ không đưa về quê tôi, quê đẻ của tôi cách đó 50 cây số. Họ đưa về cái làng nào đó ở gần thị xã Thái Bình, chứ đâu phải quê. Quê là quê tỉnh Thái Bình, quê đẻ đâu phải đó. Tôi gởi thư cho ông Mai Chí Thọ, các ông đưa tôi ra đây 10 năm rồi, bây giờ tội gì thì chưa rõ, yêu cầu các ông đưa ra tòa xử cho rõ ràng. Nếu không thì đúng một tháng sau kể từ ngày tôi gởi văn thư này là tôi tự đi về Miền Nam. Tôi báo cho họ vậy, nhưng chả thấy họ nói gì. Đúng một tháng sau tôi đi về, là năm 1992 tôi về đấy.
Ỷ Lan : Xin Hòa thượng cho biết vai trò của cố Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu vào thời điểm bấy giờ.
HT. Thích Quảng Độ : Bấy giờ Ôn Đôn Hậu là đã giữ chức Chánh Thư ký Xử lý Viện Tăng Thống. May còn cái đó mới còn được Giáo Hội đấy. Ôn Đôn Hậu thì từ trước năm Mậu Thân bị họ bắt cóc đưa ra ngoài Bắc, cho đến năm 1975 thì họ đưa về Miền Nam. Ngài có đến thăm Văn phòng Viện Hóa Đạo ở Ấn Quang.
Sau này ngài đau thì mới về Huế chữa bệnh, thì mới xảy ra chuyện đấy. Lúc bấy giờ họ đưa chúng tôi đi thì ở nhà chỉ còn Hòa thượng Đôn Hậu làm Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống. Thế là Hòa Thượng vẫn tiếp tục điều hành. Khi Hòa thượng về Ấn Quang năm 1975 là Hội đồng Lưỡng Viện tôn ngài lên Xử lý Viện Tăng Thống mà lo việc Giáo Hội. Do đó khi họ đưa thầy Huyền Quang với tôi đi rồi thì Hòa Thượng đứng ra lo việc Giáo hội.
Ỷ Lan : Như vậy thì từ lúc nào Hòa thượng Thích Huyền Quang cáng đáng điều hành Phật sự GHPGVNTN và cùng Hòa thượng lên tiếng đòi Nhà nước Việt Nam phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý cho Giáo Hội ?
HT. Thích Quảng Độ : Đến giữa năm 1992, khi Hòa thượng Đôn Hậu viên tịch thì Hòa thượng Huyền Quang từ Quảng Ngãi ra dự lễ và đồng thời ngài nhận lại con dấu và Giáo chỉ do Hoà thượng Đôn Hậu di chỉ lại, tức là giao trách nhiệm cho Hòa thượng Huyền Quang và tôi, hai người, để trông nom công việc của Giáo hội. Trong hoàn cảnh khó khăn, tự cố mà trông nom.
Như vậy, ngài đã di chúc cho Hòa thượng Huyền Quang và giao lại con dấu cho ngài Huyền Quang lúc ở ngoài Huế năm 1992. Sau đó, vì ngài Trí Thủ đi rồi, ngài Huyền Quang lúc đó là Phó viện trưởng và với con dấu và di chúc của ngài Đôn Hậu thì ngài nghiễm nhiên lên làm Quyền Viện trưởng theo Hiến chương quy định.
Ngài Huyền Quang lên làm Viện trưởng và tôi là Tổng thư ký, thành ra nó có pháp lý để hoạt động rồi. Bởi vì Quyền Viện trưởng và Tổng Thư ký là hai người quan trọng nhất trong Ban Chỉ đạo Viện Viện Hóa Đạo. Viện trưởng không có thì Phó viện trưởng lên Quyền Viện trưởng, coi như Viện trưởng rồi. Vậy ông Viện trưởng và ông Tổng Thư ký là có đủ thẩm quyền để quản lý một cơ cấu của Giáo hội. Do đó cuộc phục hoạt Giáo Hội bắt đầu từ đó. Hòa thượng Huyền Quang ra quyết định năm 1992 là phục hoạt Giáo Hội. Bắt đầu cuộc phục hoạt Giáo Hội cho đến bây giờ.
Cho đến bây giờ tình hình như thế này : họ thấy rằng như vậy là chặt chưa được, họ đưa Hòa thượng Huyền Quang và tôi đi khỏi Ấn Quang, (họ) lấy Ấn Quang. Tất cả những sự việc tôi vừa nói, họ tưởng làm như vậy là đã mất GHPGVNTN rồi mà không mang tiếng. Tự nó dẹp thôi, còn gì đâu.
Một tấc đất không còn để đứng cho đến bây giờ. Hòa thượng Huyền Quang ở Nguyên Thiều bây giờ, đất đó là ngài tạo ra. Cũng là của riêng thôi chớ của Giáo Hội không có. Còn tôi ở đây cũng phải nhờ Hòa thượng ở Thanh Minh thôi, không phải chùa của tôi, không phải chùa của Giáo Hội. Thành ra cho đến bây giờ tất cả tài sản của Giáo Hội không có gì. Một tấc đất cắm dùi cũng không có, thành ra phải đi ở nhờ.
Bây giờ phục hoạt Giáo Hội nhưng ở đâu thì làm đó. Thành ra Văn phòng trước đây Hòa thượng Huyền Quang đã gọi là ‘Văn phòng Lưu vong Viện Hóa Đạo’. Người ở đâu thì văn phòng Viện Hóa Đạo ở đó. Tôi ở đây thì văn phòng Viện Hóa Đạo ở đây. Hòa Thượng ở ngoài kia thì văn phòng Tăng Thống ở ngoài kia. Ở Giác Hoa thì bây giờ văn phòng Tổng thư ký ở đó. Đấy gọi là Giáo hội lưu động. Giáo hội trong hoàn cảnh lưu động.
Ỷ Lan : Công cuộc phục hoạt Giáo Hội ngày nay ra sao, bạch Hòa Thượng ? Nhà nước Việt Nam phản ứng như thế nào trước đòi hỏi này ? Nhân thể xin Hòa thượng cho biết vai trò của Sư Ông Nhất Hạnh. Sư Ông đóng góp gì hữu ích cho công cuộc phục hoạt này không ?
HT. Thích Quảng Độ : Chính quyền tưởng như thế là xong việc rồi. Thành lập năm 1981 là mọi việc đâu vào đó rồi. Nhưng không ngờ bây giờ Giáo Hội phục hoạt được như thế này. Bây giờ họ kẹt, họ kẹt thì họ tìm đủ mọi cách xóa bỏ mà chưa được.
Cách mới nhất đây là năm 2005 họ đưa Thiền sư Nhất Hạnh về với mục đích hòa hợp hòa giải. Chủ đích họ nhằm vào Hòa thượng về gặp Ôn Huyền Quang và tôi và các vị khác thuộc GHPGVNTN. Nhưng quan trọng nhất là gặp Ôn và tôi để bàn việc hòa hợp hòa giải. Nhưng mà trong chương trình của Hòa thượng Nhất Hạnh đi thì họ lại không để đến Thanh Minh hoặc Nguyên Thiều, mà họ chỉ thúc Hòa thượng Nhất Hạnh đến đây với tư cách cá nhân thôi.
Chương trình đi đây đi kia, đảnh lễ người này người khác như quý vị đã biết và theo dõi tin tức năm 2005, quý vị biết rồi. Đi đâu cũng có tên tuổi hẳn hoi. Riêng có Thanh Minh và Nguyên Thiều không có trong chương trình.
Bởi vậy cho nên, không có chương trình mà Hòa thượng Nhất Hạnh về đến đây thì người đâu tiên là muốn xin gặp tôi. Sư Cô Chân Không đến đầu tiên, 11 giờ đến chùa Pháp Vân, thì hơn hai giờ chiều đến đây yêu cầu tôi cho một cái hẹn để Hòa thượng Nhất Hạnh đến thăm tôi. Tôi có nói ở đây công an không cho tôi tiếp, bởi vì Hòa thượng có được cho đến đây đâu. Tôi xem trong chương trình không có. Vây nhưng đến bốn lần yêu cầu. Tôi không tiếp. Lần thứ tư thì cho cái thầy Chân Pháp Ấn đến. Cuối cùng là nói một lần cho xong với Chân Pháp Ấn, tôi bảo Thiền sư đi các nơi mà họ không có ghi đến đây. Cho nên giờ Thiền sư đến đây là đến lén. Tôi có tiếp cũng là tiếp lén, chẳng có cái danh dự gì cả. Bởi vì tôi có gì lén lút đâu. Chúng tôi làm việc công khai giữa ban ngày, giữa ánh sáng mặt trời. Có gì lén lút mà phải gặp lén lút như thế ? Tôi không gặp. Lần này là lần chót tôi nói, như đã nói ba lần trước rồi. Đừng có đến nữa. Vậy thế thôi là chuyện không thành.
Đến cuối năm 2006 và đầu năm 2007 lại một cái đòn nữa. Là về đây Giải oan, về làm lễ Chẩn tế bình đẳng gì đó. Nhưng cũng âm mưu là lập ra một cái “Tổng Giáo hội”, đã có Hiến chương đủ rồi. Tổng Giáo hội nếu lập thành thì cũng đưa GHPGVNTN vào đó cho xong. Nhưng mà cũng không thành. Tổng Giáo hội chẳng ai dự.
Cho nên hai cái đó không thành, thì bây giờ họ lại âm mưu cái khác, là âm mưu họ đưa ra cái đề nghị nếu Giáo hội đăng ký như các cái giáo hội khác, tổ chức khác, xin đăng ký mà sinh họat thì họ sẵn sàng cho.
Do đó, cho nên bây giờ họ giuơng ra cái bẫy. Họ kẹt nên họ tìm đủ cách xóa bỏ GHPGVNTN mà chưa được.
Ỷ Lan : Xin cảm ơn Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ.
Ỷ Lan, Phóng viên đài Á Châu Tự Do tại Paris.
(1) Chúng tôi xin đăng tải dưới đây Văn thư số 02-82/VTT ngày 14.7.1982 của Cố Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư ký Xử lý Viện Tăng Thống, gửi Cố Hòa thượng Thích Trí Thủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Nhà nước quy trách nhiệm việc Giáo hội Nhà nước đoạt thủ trụ sở của GHPGVNTN, tức chùa Ấn Quang, hôm 7.7.1982 :
VIỆN TĂNG THỐNG
Phật lịch 2526, ngày 14.07.1982
Kính gởi : Hòa thượng THÍCH TRÍ THỦ
Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN
Nam Mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Thư Cố HT. Thích Đôn Hậu quy trách nhiệm Cố HT. Thích Trí Thủ đoạt thủ trụ sở GHPGVNTN cho Nhà nước CS
|
Thưa Hòa thượng,
Như Hòa thượng đã biết, vào ngày 07.07.1982 Ban Trị sự Thành hội GHPGVN Thành phố Hồ Chí Minh đã tự tiện đến công bố đoạt thủ Trụ sở TRUNG ƯƠNG của GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT mà không cần có sự thỏa thuận của chúng tôi.
Thay mặt Chư Tôn giáo phẩm Hội đồng Lưỡng Viện và toàn thể Tăng Ni Phật tử thuộc GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT chúng tôi rất lấy làm ngạc nhiên và hoàn toàn không đồng ý đối với việc làm ấy của Ban Trị sự Thành hội !
Nhân dịp nầy chúng tôi xin nhắc lại với Hòa thượng rằng GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT là một tổ chức không những có nhiều công lao xây dựng Đạo Pháp mà còn có sự đóng góp lớn đối với sự nghiệp xây dựng đất nước. Ngay cả những vị Lãnh đạo Phật giáo hữu danh trên đất nước nầy, trong đó có Hòa thượng, đều đã xuất thân từ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT mà được hiển đạt như hôm nay. Do đó dù bất cứ ai, có sự xúc phạm đến sự tồn vong của GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT, thiết tưởng Hòa thượng cũng phải trực tiếp chịu phần trách nhiệm đối với Lịch sử, Dân tộc và Đạo Pháp, huống nữa là trước hành động phi pháp và hoàn toàn trái ngược với Giới luật Phật Chế của Ban Trị sự Thành hội GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM Thành phố Hồ Chí Minh như đã nói trên thì trách nhiệm của Hòa thượng lại càng lớn lao hơn nữa.
Chúng tôi hy vọng Hòa thượng sẽ bày tỏ thái độ của mình trước việc làm đó và sẽ có biện pháp giải quyết tốt đẹp.
Kính chúc Hòa thượng Phước Trí nhị nghiêm, Bồ đề quả mãn.
TM. Hội đồng Lưỡng Viện
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
Chánh Thư ký Xử lý Viện Tăng Thống
ấn ký
Hòa thượng THÍCH ĐÔN HẬU
BỊ CHÚ : Chẳng những tại Trụ sở Trung ương GHPGVNTN mà Hòa thượng sẽ còn chịu trách nhiệm đối với tất cả các cơ sở của GIÁO HỘI ở khắp các Tỉnh, Thị xã từ Quảng Trị đến Cà Mau nếu có xảy ra những trường hợp tương tự.