Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin PTTPGQT / Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin trả lời chung về một số thắc mắc sau khi Giáo chỉ số 9 của Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang ban hành – Bản Phúc trình Phật sự của Hòa thượng Thích Thiện Hạnh gửi từ Huế nói về nhóm Thân hữu Già Lam

Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin trả lời chung về một số thắc mắc sau khi Giáo chỉ số 9 của Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang ban hành – Bản Phúc trình Phật sự của Hòa thượng Thích Thiện Hạnh gửi từ Huế nói về nhóm Thân hữu Già Lam

Download PDF

PARIS, ngày 2.11.2007 (PTTPGQT) – Gần đây, một số bạn đọc gửi điện thư hoặc điện thoại về Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế hỏi thăm về Giáo chỉ số 9 của Đức Tăng thống Thích Huyền Quang ban hành hôm 8.9.2007 và Thông bạch Hướng dẫn thi hành Giáo chỉ của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ công bố hôm 25.9.2007.

Các câu hỏi xoáy quanh một hai cụm từ gây thắc mắc như “giải tán” các Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trên các châu lục ; tính cách vĩnh viễn của Văn phòng II Viện Hóa Đạo khi cho biết thành viên Văn phòng II Viện Hóa Đạo hoạt động “vô thời hạn” ; hoặc vì sao Giáo chỉ ban hành mà một, hai thành viên của Giáo hội ở hải ngoại lại đăng tải thư phản đối qua các kênh truyền thông đại chúng như Hòa thượng Thích Thắng Hoan chẳng hạn.

Hôm qua, chúng tôi lại nhận điện thư của một độc giả tại California viết rằng : “Tôi vô cùng sửng sốt và xúc động đọc trên một tờ báo tại đây viết rằng : “Trong khi Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đã chính thức tan vỡ (sic), với các văn bản ký tên các cấp cao nhất, trong đó quy chụp nhiều chức sắc giáo phẩm cao cấp là “cơ hội,” làm “biến tướng Bát Chánh Đạo” và “làm nghiêng ngửa giáo hội”, với “âm mưu dập tắt tiếng nói giáo hội trên địa bàn quốc tế” và chính thức giải tán các cơ chế địa phương ở hải ngoại, bản văn Tâm Thư Ngỏ (sic) phổ biến hôm Thứ Ba 30-10-2007 từ Hòa Thượng Thích Tâm Châu, Thượng Thủ Giáo-Hội Phật-Giáo Việt-Nam Trên Thế-Giới, với ngôn ngữ hàn gắn lại các mảnh vỡ (sic) Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”. Tôi vô cùng lo lắng cho sự tan vỡ của một Gíao hội đấu tranh bền bỉ bao nhiêu năm qua. Vậy xin Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế giải thích.”

Nhân dịp này, chúng tôi xin được trả lời chung như sau :

Chúng tôi không rõ mẩu tin trên đây in ở báo nào ? Nhưng cách loan tin như vậy chứng tỏ báo này không hiểu biết gì về Phật giáo Việt Nam nói chung và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) nói riêng. Không thể nào vô trách nhiệm để loan một điều không thật như “Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đã chính thức tan vỡ, quy chụp nhiều chức sắc giáo phẩm cao cấp là “cơ hội,” làm “biến tướng Bát Chánh Đạo” và “làm nghiêng ngửa giáo hội”, với “âm mưu dập tắt tiếng nói giáo hội trên địa bàn qúôc tế” và chính thức giải tán các cơ chế địa phương ở hải ngoại”.

GHPGVNTN “tan vỡ” hồi nào ? “Chính thức giải tán” các cơ chế địa phương ở hải ngoại hồi nào ? và ở đâu ?

Khi viết “quy chụp nhiều chức sắc giáo phẩm cao cấp là “cơ hội,” làm “biến tướng Bát Chánh Đạo” và “làm nghiêng ngửa giáo hội”, với “âm mưu dập tắt tiếng nói giáo hội trên địa bàn quốc tế”, thì xin hãy trưng bằng cớ “nhiều chức sắc giáo phẩm cao cấp” có tên gì ? Giáo chỉ số 9 của Đức Tăng thống Thích Huyền Quang có nói như thế không ?

Trong Giáo chỉ số 9 ban hành ngày 8.9.2007, Đức Tăng thống đưa ra 7 nhận định về vị trí và tình hình đạo Phật Việt Nam hai nghìn năm qua. Có hai nhận định ứng với lời viết sơ sài, có chủ ý, của tờ báo dẫn thượng. Đó là nhận định thứ 3 và thứ 6. Nhân định thứ 3 viết rằng :

“Nhận định rằng vì nhiều lý do nội tại hay khách quan, vô tình hay cố ý, một số chư Tăng, Phật tử rời bỏ con đường cao rộng của Chánh pháp, đem thân phục vụ thế quyền làm biến tướng Bát chánh đạo và làm nghiêng ngửa Giáo hội”.

Và nhận định thứ 6 viết rằng :

“Nhận định rằng đồng thời với cuộc đàn áp trong nước nhằm tiêu diệt GHPGVNTN, một số phần tử cơ hội trong cộng đồng Phật giáo hải ngoại tiếp tay gây phân hóa, tạo ly gián, biến tướng chủ trương, đướng hướng sinh hoạt của GHPGVNTN Hải ngoại, âm mưu dập tắt tiếng nói của Giáo hội trên địa bàn quốc tế”.

Nhận định thứ 3 nhắm vào hiện tượng một số chư Tăng và Phật tử, vì lý do này hay lý do khác, tham gia vào Giáo hội Phật giáo của Nhà nước năm 1981. Ai chê nhận định này sai, xin giải thích, bình luận hay trưng bằng cớ.

Nhận định thứ 6 ám chỉ hiện tình Phật giáo ở hải ngoại với quá trình lũng đoạn 3 năm vừa qua. Nhận định này chỉ nêu lên hiện tượng một số phần tử cơ hội trong cộng đồng Phật giáo hải ngoại tiếp tay gây phân hóa, tạo ly gián, biến tướng chủ trương, đướng hướng sinh hoạt của GHPGVNTN Hải ngoại, âm mưu dập tắt tiếng nói của Giáo hội trên địa bàn quốc tế”. Không hề có chữ “nhiều chức sắc giáo phẩm cao cấp là “cơ hội”. Viết sai thành “nhiều chức sắc giáo phẩm cao cấp” với hậu ý gì ? Hoặc chức sắc, hoặc giáo phẩm, đâu cần thiết “chức sắc giáo phẩm” chỉ nói trên mặt dùng từ, hành văn ?

Thực tế của câu viết một số phần tử cơ hội trong cộng đồng Phật giáo hải ngoại tiếp tay gây phân hóa, tạo ly gián, biến tướng chủ trương, đướng hướng sinh hoạt của GHPGVNTN Hải ngoại, âm mưu dập tắt tiếng nói của Giáo hội trên địa bàn quốc tế” là một thực tại. Chỉ những ai trong cuộc, có tham dự các Đại hội đồng Thường niên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ suốt ba năm qua mới chân nhận sự thật phũ phàng ấy. Các biên bản những Đại hội Thường niên còn lưu trữ tại Văn phòng Giáo hội làm bằng cho thực tại hiểm nguy này. Đặc biệt, người ngoài Giáo hội cũng có thể kiểm chứng nhận định thứ 6 ấy qua các bài viết đánh phá, mạ lỵ, vu khống trắng trợn trên hai Trang nhà Giao Điểm, Đông Dương Thời báo, qua các bài viết thường kỳ trên các báo An Ninh Thế giới, Công An Nhân Dân, Nhân Dân, Quân Đội Nhân dân, v.v… hoặc thông qua “Nhóm Phật giáo vì Dân tộc (Xô viết)”, “Nhóm Tăng Ni Hải ngoại”, v.v… hí lộng trên Internet.

Về hai chữ “giải tán” được một số người giải thích theo mục tiêu phản chống Thông bạch Hướng dẫn thi hành Giáo chỉ của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ. Nhóm người này tách 2 chữ ra khỏi toàn bộ tinh thần của một Giáo chỉ 2771 chữ, thì họ vo tròn bóp méo cách nào lại chẳng được ?!

Điều 3 trong Thông bạch nói trên hàm ý “giải tán” cơ cấu hình thành từ Quyết định số 27 do Quyền Viện trưởng Viện Hóa Đạo, tức Hòa thượng Thích Huyền Quang, ban hành ngày 10.12.1992, để chỉnh đốn theo Giáo chỉ số 9 do Đức Đệ tứ Tăng thống, tức Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, ban hành ngày 8.9.2007.

Như vậy thì giải tán không có nghĩa là dẹp bỏ, đình chỉ, giải thể, mà là chỉnh đốn nhân sự theo lập trường cố hữu của GHPGVNTN và thích ứng theo tình hình mới. Vì vậy nên mới có Điều 4 tiếp theo, giải thích cung cách chỉnh đốn : Chủ tịch và các thành viên Văn phòng II Viện Hóa Đạo cấp tốc triệu tập đại hội trong thời gian sớm nhất để thành lập Hội đồng Giáo phẩm và Hội đồng Điều hành GHPGVNTN-HN tại Hoa Kỳ theo tinh thần Giáo chỉ số 09/VTT/GC/TT của Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang ban hành ngày 8.9.2007 và theo nội dung Thông bạch hướng dẫn thi hành Giáo Chỉ số 09 của Đức Tăng Thống mang số 09/VHÐ/TB/VT do Viện trưởng Viện Hóa Đạo ký ngày 25.9.2007″.

Điều 5 trong Giáo chỉ số 9 viết rằng : “Văn phòng II Viện Hóa Đạo và các thành viên được thỉnh cử hoạt động vô thời hạn”. Thế là có số người nhao nhao phản đối, nại cớ để chống đối sự “vô lý” của một tập thể hoạt động “vô thời hạn”. Nại cớ để lấy cớ chống đối mà phá hoại. Không có cớ để nại, bọn họ cũng cứ tạo cớ ra. Tiên quyết là phải chống đối, phải vu khống. Thế nhưng gian mà không ngoan, do không chịu đọc hết văn kiện. Có đọc cũng không hiểu, vì ngọn lửa phá hoại thôi thúc bên trong. Sự thật như thế này :

Điều 5 ấn định như trên, song Điều 3 đã xác định : “Văn phòng II Viện Hóa Đạo trực thuộc sự chỉ đạo và điều hành của Viện trưởng Viện Hóa Đạo trong nước. Thành viên Văn phòng II Viện Hóa Đạo do Viện trưởng Viện Hóa Đạo thỉnh tuyển và chỉ định ; tùy theo nhu cầu, hoàn cảnh, các thành viên có thể được bổ sung, hoán chuyển hay thay đổi”. Rõ quá : “tùy theo nhu cầu, hoàn cảnh, các thành viên có thể được bổ sung, hoán chuyển hay thay đổi”.

Rõ hơn nữa, khi Thông bạch Hướng dẫn thi hành Giáo chỉ số 9 viết ở Điều 9 : “Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành các GHPGVNTN-HN có nhiệm vụ thỉnh cử, bổ sung hay hoán chuyển nhân sự cho đầy đủ theo quy định của Hiến Chương Giáo Hội và trình về Viện Hóa Đạo duyệt xét và chuẩn nhận. Nếu Pháp nạn còn kéo dài, thì cứ 2 năm một lần cần xem xét lại toàn bộ nhân sự để bổ sung, hoán chuyển hoặc thay đổi theo đúng điều 3 Giáo Chỉ qui định”.

Cái vô thời hạn nằm trong một giới hạn : Điều 11 xác định tính thời gian Giáo chỉ số 9 áp dụng : “Giáo chỉ số 09/VTT/GC/TT của Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang ban hành ngày 8.9.2007 để đối phó tình hình khẩn cấp, Giáo hội bị đàn áp khốc liệt, có hiệu lực cho đến khi hết Pháp nạn”. Vậy cần hiểu “vô thời hạn” trong nghĩa trung kiên theo lập trường dân tộc của Giáo hội. Còn cái giới hạn là tính tùy duyên linh động theo hoàn cảnh và khả năng. Tùy duyên nhưng bất biến.

Thành ra Văn phòng II Viện Hóa Đạo và thành viên Văn phòng này tuy “hoạt động vô thời hạn”. Nhưng nó không vĩnh viễn mà có giới hạn. Giới hạn gì ? – Giới hạn trong thời gian có Pháp nạn. Ngay trong thời gian này, nó cũng bị giới hạn thêm một lần nữa, như Điều 9 quy định : “Nếu Pháp nạn còn kéo dài, thì cứ 2 năm một lần cần xem xét lại toàn bộ nhân sự để bổ sung, hoán chuyển hoặc thay đổi theo đúng điều 3 Giáo Chỉ qui định”.

Cho nên giải thích một văn kiện, cần tôn trọng nội dung và tinh thần văn bản của người viết quy chiếu theo chủ đích và hoàn cảnh văn kiện ấy ra đời. Chứ không thể dựa theo chủ kiến để bóp méo sự thật, hay hư truyền (disinformation) để phá hoại.

Các thắc mắc gửi về còn yêu cầu chúng tôi cho biết ý kiến về ba văn thư công bố trên các kênh truyền thông đại chúng gần đây liên quan đến Giáo chỉ số 9 do Hòa thượng Thích Thắng Hoan, Hòa thượng Thích Tín nghĩa và Hòa thượng Thượng thủ Thích Tâm Châu viết.

Chúng tôi không có ý kiến. Vì đây là ý kiến riêng của ba vị. Tuy nhiên điều chúng tôi có thể góp ý là :

Theo nguyên tắc hành chính, và kỷ cương của bất cứ tổ chức hay quốc gia nào, thì một văn thư của cấp dưới gửi lên cấp trên không được công bố. Một lịch sự tối thiểu, nếu không là lễ thức có văn hóa. Ngoại trừ văn thư ấy mang tính chất Thư Ngỏ. Mặt khác, Giáo chỉ trong một tôn giáo tương đương với một Đạo luật, Sắc luật trong một quốc gia. Khi đạo luật ban ra, người công dân phải tuân thủ. Như đạo luật thiết quân luật trong thời chiến, dù người dân không ưa cũng phải tuân hành. Không tuân hành quân đội sẽ bắn chết. Giáo chỉ trong một tôn giáo khi ban hành, ở đây là Phật giáo, thì chư Tăng Ni, Phật tử phải khâm tuân. Ngoại trừ những ai tự thấy mình không đứng trong Giáo hội ấy, tự xem mình không phải là thành viên. Đó là nói về hai bức thư của hai Hòa thượng Thích Thắng Hoan và Thích Tín Nghĩa.

Còn Tâm thư của Hòa thượng Thượng thủ Thích Tâm Châu. Ngài là Thượng thủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Trên Thế giới, đồng thời ngài cũng giữ chức Chứng minh Đạo sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ. Nên chúng tôi tri ân ngài đã quan tâm tới Giáo hội chúng tôi khi viết Tâm Thư góp ý. Chúng tôi cần lắng nghe mọi ý kiến. Tuy nhiên vấn đề chính yếu của mọi thành viên thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong và ngoài nước, là phải chí thành KHÂM TUÂN và THỰC HIỆN Giáo chỉ số 9 của Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và Thông bạch Hướng dẫn thi hành Giáo chỉ số 9 của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ. Không thể làm ngược lại Giáo chỉ và Thông bạch. Vỉ Giáo chỉ số 9 và Thông bạch Hướng dẫn đặt sự tồn vong, sinh tử của GHPGVNTN trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng hôm nay. Như người bị nước lũ cuốn chìm phải tự bơi mà sống. Tiếng kêu ơi ới bên bờ chỉ có tính cách động viên hơn là khả lực cứu nguy.

Có một số vị hỏi chúng tôi về nhóm Thân hữu Già Lam. Vậy chúng tôi xin cho đăng tải dưới đây Bản Phúc trình Phật sự của Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, Chánh Thư ký Viện Tăng thống kiêm Chánh Đại diện GHPGHVNTN tỉnh Thừa thiên – Huế. Bản Phúc trình này Hòa thượng viết từ chùa Bảo Quốc ở Huế ngày 8.9.2007 gửi Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ và Ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo. Nội dung có đề cập đến nhóm Thân hữu Già Lam. Toàn văn như sau :

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

VIỆN TĂNG THỐNG


Phật Lịch :2551
Số : 8907/VTT/CTK
Huế, ngày 08/09/2007
BẢN PHÚC TRÌNH PHẬT SỰ

Kính gửi : Hòa Thượng Viện Trưởng
và Ban Chỉ Đạo VHĐ/GHPGVNTN

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch Hòa Thượng Viện Trưởng,

Chúng tôi trân trọng kính trình Hòa Thượng Viện Trưởng và Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, một số sự việc đặc biệt quan tâm như sau :

1- Từ hôm 14/7/Đinh Hợi (26/8/2007), suốt tuần Lễ Hội Vu Lan đến nay là ngày 08/9/2007, đã hai tuần lễ. Công an chìm, nổi một lực lượng hùng hậu, bao vây chặt chẽ các Chùa thuộc GHPGVNTN Thừa Thiên Huế, ở Chùa Báo Quốc càng đông đảo hơn từ đó đến nay ; đã làm cản trở tín đồ đi Chùa Lễ hội Vu lan. Chư tăng các Tổ đình, các Chùa không ai đi đâu được. Việc đi lễ Tổ sau mùa An cư thọ tuế, thăm viếng mừng tuổi cho nhau, cũng như việc đi bái kiến đảnh lễ Đức Tăng Thống như mọi năm cũng không thực hiện được. Hành động xâm phạm tín ngưỡng tôn giáo, như trên của nhà cầm quyền Việt Nam, Ban Đại Diện GHPGVNTN/TT – Huế, đã có thư phản ảnh với Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, từ hôm 01/9/2007.

2- Một số Phật tử ở Úc và Hoa kỳ, có gọi điện về thăm và nhân tiện, bày tỏ sự bất bằng về một số Thượng tọa, Đại đức và Cư sĩ tu xuất, đang là Thành viên Hội đồng Điều hành GHPGVNTN/HN tại Úc và Hoa kỳ, lại đi vận động tách khỏi GHPGVNTN là vì sao ? Chúng tôi chỉ trả lời vắn tắt trên điện thoại rằng, chắc vì các vị có một vài mâu thuẫn cá nhân nào đó, trong phương pháp hành đạo. Có dịp sẽ trò chuyện sau. Bây giờ không tiện.

Điều mà Phật tử thắc mắc, chúng tôi thấy, đã được cụ thể qua quan điểm của anh Trần Quang Thuận và Bùi Ngọc Đường. Hai anh hồi cuối tháng 6 và đầu tháng 7 năm 2007 ; anh Trần Quang Thuận chê trách Hòa Thượng Quảng Độ. Bùi Ngọc Đường ngoài những lời lẽ như anh Thuận ; Bùi Ngọc Đường còn thêm chê bai Giáo hội. Sau hết Bùi Ngọc Đường khuyên chúng tôi từ chức Chánh thư ký VTT để nghỉ ngơi, giống hệt như lời Thượng tướng CA Nguyễn Văn Hưởng đã khuyên Đức Tăng Thống thôi việc, nghỉ ngơi. Giọng điệu hai anh có vẻ như muốn thỏa hiệp, để được sinh hoạt, ý tưởng nầy còn được thấy rõ qua nhóm Thân Hữu Già Lam.

3- Chúng tôi được biết, ở Tu Viện Quảng Hương Già Lam ; cách đây một năm, đã hình thành một nhóm, có tên gọi “Thân Hữu Già Lam”. Thành viên khoảng trên dưới 40 vị gồm các thành phần Tu sĩ, Cư sĩ, Cư sĩ tu xuất. Các vị có mặt trong nước, ngoài nước khắp các châu lục. Các vị sinh hoạt dưới dạng Tăng già, chưa dám đứng hẳn vào Gíao hội Phật giáo Việt Nam năm 1981. Các vị quyên góp tiền gây quĩ xây dựng Đại Học, Thư Viện, Hội Trường, làm Văn Hóa Giáo Dục Phật Giáo. Đứng đầu nhóm có GS TS Lê Mạnh Thát, và học giả Thượng Tọa Thích Tuệ Sĩ. Cả hai vị đều đã có một quá khứ hào quang sáng chói, được người dân miền nam Việt Nam vinh danh “người về từ cõi chết”. Có điều lạ là, hồi cuối tháng 7/2007, Hòa Thượng Thích Đức Chơn, về Qui Lai dự lễ Húy nhật Thân mẫu. Hòa Thượng có ghé chùa Báo Quốc thăm, chúng tôi có hỏi Hòa thượng về nhóm “Thân Hữu Già Lam”. Hòa thượng có vẻ ngạc nhiên và bảo, tôi thực sự không hay biết gì về việc này, làm vậy sao được.

Nhóm “Thân Hữu Già Lam” phần đông, đang là thành viên chủ chốt của GHPGVNTN trong nước và hải ngoại. Nay vì một vài ý kiến bất đồng nào đó mà xây lưng lại với Giáo hội và vận động người khác chống lại Giáo hội, cô lập hai vị Hòa thượng đang lãnh đạo Giáo hội thì chẳng hay ho gì ! Mà ai lại làm vậy bao giờ. Những mâu thuẫn nội bộ trong sinh hoạt là chuyện bình thường. Cái gì còn có đó, vai trò phục vụ đạo pháp dân tộc của các vị còn kia, đã mất mát gì đâu mà vội vàng, đôi khi bất đạt, còn gây tổn thương lớn cho tập thể, tổ chức Giáo hội.

Chúng tôi có đọc nội dung biên bản cuộc họp của các vị “Thân Hữu Già Lam” ngày 23/8/2006, qua hệ thống điện thoại có nhiều người tham dự, từ Việt nam, Úc, Canada, Mỹ, … Họ tổ chức cuộc họp nầy đã hơn một năm nay, và hiện nay đang hoạt động tích cực. Phật đản PL : 2551 vừa qua, vùng nam California, những vị thuộc nhóm “Thân Hữu Già Lam” đã không tuyên đọc Thông điệp của Đức Tăng Thống Đệ Tứ GHPGVNTN khi cử hành lễ Phật Đản.

Kính bạch Hòa thượng !

Chúng tôi nghĩ và hết sức ngạc nhiên, nếu các vị thấy sự nghiệp vận động để GHPGVNTN được phục hoạt, còn nhiều khó khăn nguy nan, không muốn hợp tác nữa, thì các vị cứ tự nhiên rút lui khỏi Giáo hội. Có ai ngăn cản gì đâu. Nhưng đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ Giáo hội, cùng chung lý tưởng phục vụ Đạo pháp và Dân tộc, mà nay trở lại chống phá Giáo hội, rủ rê xui khiến người khác cùng nghỉ để cô lập hai vị Hòa thượng lãnh đạo tối cao của Giáo hội ; đó là việc làm mà tự vấn lương tâm, kẻ đạo người đời, không ai chấp nhận, một điều xúc phạm !

Thử hỏi, giữa thập niên 90, nếu không có hai vị Hòa thượng mạnh dạn cất cao tiếng nói minh oan cho GHPGVNTN, đòi lại pháp lí sinh hoạt tôn giáo, để rồi phải chịu hơn một nửa đời người tù đày, lao lý ; thì có lẽ Phật giáo Việt Nam chỉ còn lại như một cái xác không hồn, vất vưởng lang thang, còn đâu nữa mà lập Đại học, Xây Thư viện, Tổ chức Phật đản Tam hợp theo lệnh Nhà cầm quyền Cộng sản trong năm tới 2008 để phục vụ tuyên truyền chính trị ?!.

4- Lại nữa GHPGVN của Nhà nước, sắp tiến hành Đại hội VI tại Hà nội vào tháng 11 năm 2007. Cho đến nay, vấn đề nhân sự vẫn chưa ổn định. Nhất là ngôi vị Pháp chủ. Ngài Pháp chủ viên tịch đã hai năm nay, nhưng vẫn chưa có ai lên kế vị thay Ngài. Có dư luận bàn tán trong giới thông thạo tin tức rằng, nhà nước đang có toan tính sẽ áp tải Đức Đệ Tứ Tăng Thống, Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang ra Hà nội dự Đại hội VI và thỉnh ngài lên ngôi vị Pháp chủ GHPGVN của Nhà nước. Điều nầy, đã được Thiếu tướng CA Trần Tư, Cục trưởng Cục A41, đã đi bước tiền trạm hôm 29/8/2007, đến Tu Viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định, thăm Đức Tăng Thống, và sau đó ông Thiếu tướng CA đã ngỏ ý kiến nầy lên Đức Tăng Thống.

Cứ như tình trạng đang diễn ra từ 26.8.2007 đến nay, huy động lực lượng Công an hùng hậu bao vây Hòa thượng Viện Trưởng, ở Thanh Minh Thiền tại Sài Gon, giữ chặt chân chúng tôi, Chánh thư ký Viện Tăng thống, ở chùa Báo Quốc – Huế, và cô lập Đức Đệ Tứ Tăng Thống, Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang ở Tu Viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định. Thì Việc nhà nước áp tải Đức Đệ Tứ Tăng Thống đi Hà nội như ý đồ, là chuyện có thể xẩy ra. Bấy giờ, chúng ta sẽ phải hành xử như thế nào.

Kính xin Hòa Thượng Viện Trưởng và Ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo chia sẻ cùng Viện Tăng thống mối quan tâm nầy.

Kính bạch Hòa Thượng Viện Trưởng,

Từ những dữ kiện dẫn thượng, chúng tôi, với tư cách là Chánh Thư Ký Viện Tăng thống, xin đề nghị Hòa Thượng Viện Trưởng và Ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN, các ý kiến sau đây :

1- Có biện pháp nhằm chấn chỉnh lại Nội bộ, nhất là đối với Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN/HN các châu lục, lập lại kỷ cương sinh hoạt tổ chức Giáo hội, lấy lại niềm tin cho Tăng ni Phật tử trong nước và ngoài nước, đang vọng hướng về Giáo hội.

2- Những thành viên trung kiên với Giáo hội lâu nay, hãy bảo vệ các vị với bất cứ giá nào, trước những mưu mô xuyên tạc hạ uy tín, mà Cộng sản Việt nam đang cài người vào nội bộ chúng ta để quấy phá, tạo điều kiện tốt để các vị tiếp tục phục vụ Giáo hội và Dân tộc.

3- Những cá nhân hoặc nhân danh tập thể, không còn giữ được lòng trung kiên với Giáo hội, cũng nên tạo điều kiện để các vị được rút lui, không nên cầm giữ làm gì. Ít cũng được, ít mà lòng trung thành, chí kiên hậu còn hơn nhiều mà bất trung, bất nghĩa. Thập niên 90 chỉ có hai vị Hòa Thượng đơn độc. Ai bảo là nhiều ? Một thập niên sau, chung quanh hai vị Hòa Thượng đã có Hội Đồng Lưỡng Viện, đã có thêm 22 Ban Đại Diện các quận huyện, tỉnh thành. Ai bảo là ít ? Chỉ cần lòng trung kiên, chỉ cần có ý thức tập thể, biết đặt quyền lợi tổ chức lên trên quyền lợi cá nhân vị kỷ, thì khó khăn nào rồi cũng sẽ thành công, mà không thành công thì cũng thành nhân, thành phong cách hành xử của một người xuất gia, lấy giải thoát làm đầu. Danh ngôn có câu : “Ngậm cay đắng, trong cay đắng mới làm con người trên loài người.”

4- Đối với các vị Hòa thượng có tuổi cao sức yếu, có ý định xin nghỉ ngơi tịnh dưỡng. Giáo hội rất thông cảm và hết lòng tán dương công đức của chư Hòa thượng, đã có những cúng hiến tích cực cho Giáo hội trong thời gian qua, và xin cung thỉnh chư vị lưu lại cùng Giáo hội, trong lúc Giáo hội đang lâm nguy bởi nội ma, ngoại chướng.

5- Trong trường hợp bất khả khán, không thể hội họp, không được đi lại gặp nhau bàn bạc, thảo luận như Hiến chương và Nội qui sinh hoạt qui định, thì có thể cũng phải tính tới giải pháp dùng Giáo chỉ, thay vì Hiến chương, để điều hành Phật sự lúc nguy biến.

Trân trọng kính chào và cầu chúc Hòa Thượng Viện Trưởng cùng Ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo dồi dào sức khỏe, nhiều nghị lực để điều hành Phật sự.

Chúng tôi tin tưởng chư Phật Tổ sẽ phù hộ cho chúng ta.

Thay mặt Hội đồng Lưỡng viện
Viện Tăng thống, GHPGVNTN
Chánh Thư Ký Viện Tăng thống
(ấn ký)
Tỳ Kheo. Thích Thiện Hạnh

Check Also

Bài 1: Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế trả lời chung về âm mưu phá hoại cuộc đấu tranh cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo của hai Dư Luận viên Thục Vũ — Ý Dân

  PARIS, ngày 9 tháng Giêng năm 2019 (PTTPGQT & VCHR) — Thời gian qua, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *