PARIS – Trong chương trình Ðài Á châu Tự do phát về Việt Nam lúc 21 giờ ngày 5.8.2005, ký giả Gia Minh phỏng vấn ông Ngô Yên Thi, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ. Ông Thi có những lời tuyên bố xuyên tạc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, về sự kiện Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ “hoàn toàn tự do”, “không bị quản chế”, gây bất mãn trong dư luận người Việt nói chung và Phật giáo đồ nói riêng trong và ngoài nước, mà người ta đọc được trên các mạng lưới điện tử toàn cầu. Ðặc biệt trong cuộc phỏng vấn của phóng viên Ỷ Lan hôm 12.8.2005, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ đã phản bác luận điệu dối trá của ông Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ (xin vào nghe kho lưu trữ của Ðài Á châu Tự do, hoặc đọc bản chép lại cuộc phỏng vấn này trong bản Thông cáo báo chí của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế phát hành ngày 15.8.2005).
Hôm nay Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế nhận được từ Huế bài viết “Nói chuyện với ông Ngô Yên Thi, Trưởng ban Tôn gíao Chính phủ” của Huynh trưởng Lê Công Cầu. Trước đây trong bản Thông cáo báo chí phát hành ngày 8.1.2004, chúng tôi đã đăng tải một bài viết giá trị của anh Lê Công Cầu mang tựa đề “Tâm sự giữa đất và trời”, qua đó, anh công khai nói lên 3 điều hiện hữu vừa lịch sử vừa pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và 3 điều hiện hữu như tay sai chính trị cho Nhà nước Cộng sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tức Giáo hội Nhà nước).
Hôm nay, chúng tôi đăng tiếp nguyên văn bài viết mới của anh dưới đây như một tiếng nói nhân chứng cất lên từ Cố đô Huế để đánh lên tiếng chuông hồi đáp sự dối gạt dư luận của một “cơ quan quản lý tôn giáo” thuộc Ðảng và Nhà nước Cộng sản Việt Nam :
Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ
Lê Công Cầu
Huynh trưởng Gia đình Phật tử Việt Nam
Thưa ông Ngô Yên Thi !!!
Vừa rồi, tôi có nghe và có đọc bài trả lời phỏng vấn của ông, do phóng viên Gia Minh đài Á châu Tự do thực hiện ngày 5/8/2005.
Phần đầu tôi không lạm bàn, nhưng phần liên quan đến Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất thì ông đã cố tình “giấu đầu”, nhưng lại “hở đuôi” quá lộ liễu. Ở đây tôi xin nêu những cái “hở đuôi” ấy để đồng bào và Phật tử thấy rõ cái dã tâm xuyên tạc sự thật của ông và cũng như để ông nhận thức lại hành vi của chính mình.
PHẦN I :
1. Gia Minh hỏi : Dư luận nhiều nơi trên thế giới nói về Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất và đòi phục hoạt lại cho Giáo hội đó.
2. Ngô Yên Thi trả lời : Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất là trước năm 1975 (1) . Vào những năm 80-81, đại bộ phận họ đã thống nhất lại Giáo hội Phật Giáo Việt Nam rồi (2).
Ví dụ Hoà Thượng Minh Châu, Trí Tịnh là của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất nay là thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam ; chỉ có một vài vị không chịu, muốn có giáo hội riêng của họ ; và nói rõ ra là họ có bên ngoài thúc đẩy. Do vậy chuyện này ít ra trong giáo hội phải thuyết phục nhau để không chia năm xẻ bảy, loại bỏ yếu tố chính trị (3), thực hành theo con đường của Ðức Phật (4).
Thưa ông,
Qua câu trả lời trên, tôi nhận thấy, ông có 4 điểm sai lầm mà ông cố tình xuyên tạc, chứ một ông Trưởng ban Tôn giáo như ông thì không thể có một sự hiểu biết lập lờ như thế.
I. Sai lầm thứ nhất :
Ông nói Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất là trước năm 1975, nghĩa là ông cố tình đánh lừa quần chúng để quần chúng hiểu lầm rằng Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất là của miền Nam Việt Nam cũ. Nên khi chính quyền miền Nam Việt Nam sụp đổ, thì giáo hội ấy phải sụp đổ theo không còn nữa, đúng không ? Vậy tôi xin nêu các thời điểm lịch sử để ông và quần chúng thấy rõ sự tồn tại hợp pháp và tương tục của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất.
1. Dưới thời thực dân Pháp : Ðạo dụ số 10 ra đời và được thừa nhận bởi chính phủ Bảo Ðại, trong đó qui định các tổ chức hiệp hội và Phật giáo chỉ được xem như là một hiệp hội. Thiên chúa giáo lại nằm ngoài đạo dụ số 10, vì Thiên chúa giáo được xem là một tôn giáo. Ðến thời Ngô Ðình Diệm, đạo dụ số 10 được khai thác triệt để với mục đích tiêu diệt Phật giáo. Trước những bất công ấy và luôn bị đàn áp khốc liệt, Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã lãnh đạo Tăng tín đồ toàn quốc đấu tranh cho Năm nguyện vọng của Phật giáo, dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Gia đình trị họ Ngô.
Năm 1964, Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã triệu tập 11 tập đoàn Phật giáo trên toàn quốc tham dự Ðaị hội Thống nhất Phật Giáo Việt Nam, và danh xưng Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất ra đời. Sự Thống nhất này mang một ý nghĩa lớn lao, đó là “Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất không đặt sự tồn tại của mình nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc”.
Sở dĩ tôi nói dông dài như vậy để ông thấy rằng Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất không ký thác sinh mệnh của mình vào một chế độ, mà ký thác sinh mệnh của mình vào dòng sinh mệnh của dân tộc và nhân loại. Dân tộc còn, thì đạo pháp còn ; nhân loại còn thì đạo pháp còn. Nó không giống Giáo hội Phật Giáo Việt Nam của Nhà nước. Vì Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đã ký thác sinh mệnh của mình vào chế độ cho nên đã lấy phương châm Ðạo pháp Dân tộc và Xã hội chủ nghĩa. Vì thế, theo tiến trình của nhân loại, ngày nào đó chế độ Xã hội chủ nghĩa không còn thì giáo hội ấy tất phải sụp đổ theo.
Và với mục tiêu đó, ngay sau khi ra đời Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất đã nỗ lực vận động cho hoà bình sớm trở về với quê hương, chấm dứt cuộc chiến tranh ý thức hệ kéo dài trên 20 năm, gây nên cảnh huynh đệ tương tàn, quê hương thống khổ.
Sau năm 1975 đất nước thống nhất, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất lại một lần nữa đứng lên đấu tranh để bảo vệ nhân quyền và tự do đang bị xâm hại, cuộc đấu tranh ấy đến nay vẫn chưa ngừng nghỉ.
2. Năm 1975, Cọng sản chiến thắng miền Nam, trên tinh thần ấy Nhà nước Cọng sản có quyền thừa nhận hay huỷ bỏ bất cứ một tổ chức nào dưới chế độ cũ, vì cho rằng đó là tàn dư của chế độ. Thế nhưng, cho đến nay Nhà nước Cọng sản vẫn chưa hề có một văn bản nào giải thể Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất. Vì sao thế ? Xin thưa, vì Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất là thành viên của Hội Liên Hữu Phật giáo Thế giới. Ðây là một tổ chức phi chính phủ được Liên Hiệp Quốc thừa nhận. Nếu giải thể Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất tức là vi phạm các cam kết của Liên Hiệp Quốc mà nước Việt nam là thành viên.
3. Năm 1977 (sau giải phóng 2 năm) : Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất đã tổ chức Ðại hội toàn quốc kỳ VII. Dù theo Hiến chương của Giáo hội thì toàn quốc ở đây chỉ từ vĩ tuyến 17 trở vào, nhưng đã chấp nhận danh xưng Ðại hội toàn quốc thì có nghĩa đã chấp nhận Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất là giáo hội hợp pháp trên qui mô toàn quốc.
4. Năm 1981, Nhà nước tổ chức Ðại hội Phật giáo toàn quốc để thành lập Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất đã có phái đoàn tham dự do Hoà thượng Thiện Siêu dẫn đầu. Dù phái đoàn này do Ðảng, Nhà nước và Ban Vận động Thống nhất Phật giáo của Hoà thượng Thích Trí Thủ sắp đặt, nhưng nó đã nói lên sự hiện diện hợp pháp của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất sau năm 1975.
5. Sau năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt nam của nhà nước ra đời, trong Hiến chương có ghi là các truyền thống, hệ phái vẫn được duy trì và phát triển. Trước đây tôi có nói là giả dụ hãy tạm xem Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất là 1 hệ phái trong Giáo hội Nhà nước thì có nghĩa là Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất vẫn tồn tại hợp pháp có hiến định.
6. Năm 2003 : Ðại lão Hoà thượng Thích Huyền Quang đã uỷ nhiệm thượng toạ Thích Tuệ Sỹ thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đến họp với đại diện Ủy hội Âu châu ngay tại Hà nội, ông F. Bazon (Ðại diện Liên hiệp Âu Châu) nói rằng, đây là phiên họp chính thức giữa Ủy hội Âu châu với Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất, phiên họp đã được xin phép chính phủ Việt Nam. Phía chính phủ Việt Nam không có công hàm phản đối phiên họp nầy, tức là chính phủ đã mặc nhiên thừa nhận sự hợp pháp của Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất. Ðúng không, thưa ông ?
7. Ðăc biệt nhất là việc Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp kiến Hoà thượng Thích Huyền Quang được truyền hình cho đồng bào trong nước cũng như hải ngoại xem. Thủ tướng tiếp một người tù ư ? Không phải. Thủ tướng tiếp một Cao Tăng ư ? Không đơn giản như thế. Nhất là khi Thủ tướng nói : “Các vị tự sắp xếp lại nội bộ Phật giáo”. Ta phải hiểu rằng người mà Thủ tướng yêu cầu đứng ra sắp xếp lại nội bộ Phật Giáo tức là người phải có thẩm quyền và trách nhiệm với Phật giáo. Ngài Huyền Quang không phải là Pháp chủ Giáo Hội Phật giáo Nhà nước, không phải Trưởng ban Tôn giáo chính phủ, không phải Chủ tịch Mặt trận. Vậy quyền hạn và trách nhiệm của ngài là gì ? Ðó chính là nhà lãnh đạo tối cao của Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất. Như vậy, chính Thủ tướng đã gián tiếp công nhận ngôi vị lãnh đạo của ngài và sự tồn tại của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất. Phải vậy không, thưa ông ?
8. Tháng 10 năm 2003, Ðại hội Bất thường của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất tại Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Ðịnh, là bước đầu trong công cuộc sắp xếp lại nội bộ Phật giáo như Hoà thượng Huyền Quang và Thủ tướng đã thoả thuận. Ðại hội được tiến hành công khai. Ban Tôn giáo tỉnh Bình Ðịnh đã xin cử cán bộ vào quan sát buổi lễ. Ðồng thời Hoà thượng Quảng Ðộ đã gởi văn thư cho Thủ tướng Phan Văn Khải phản đối những cản trở bất hợp pháp của chính quyền các địa phương đối với chư vị Tôn túc tham dự đại hội. Ðây là một văn kiện chính thức mà Hoà thượng Quảng Ðộ báo cho Thủ tướng biết những việc mà Giáo Hội Thống nhất đang làm. Thủ tướng không có văn thư ngăn cấm. Như vậy chứng tỏ đại hội được tổ chức hợp pháp. Ðây là một yếu tố nói lên sự tồn tại trên pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất. Ðúng không, thưa ông ?
Ðáng tiếc sau đó xảy ra sự biến Lương Sơn, các lực lượng công an đã chận đường chư vị tôn túc đi dự Ðại hội Bất thường Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất trở về. Và qui kết chư vị tôn túc làm lộ bí mật quốc gia ? ? Và quản thúc mỗi người mỗi nơi, tạo nên một khủng hoảng mới về tôn giáo tại Việt Nam, phá hoại thoả thuận giữa Thủ tướng và Hoà thượng Thích Huyền Quang về việc sắp xếp lại nội bộ Phật giáo. Trách nhiệm về sự biến Lương Sơn hoàn toàn về phía chính quyền mà trong đó trách nhiệm rất lớn là do ông vì ông là Trưởng ban Tôn giáo. Ðúng không, thưa ông ?
Tôi nêu 8 sự kiện nêu trên để chứng tỏ sự tồn tại hợp pháp và tương tục của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất mà ông đã cố tình “giấu đầu” và dưới đây là phần “hở đuôi” của ông. Tôi xin chỉ rõ để ông thấy.
II. Sai lầm thứ hai :
Ông nói : Ðại bộ phận của họ đã thống nhất thành Giáo hội Phật Giáo Việt Nam rồi.
Thưa ông, đại bộ phận có nghĩa là một số lớn. Như vậy là ông đã xác nhận rằng chỉ có một số Tăng Ni dù là số lớn của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất đã ly khai giáo hội để tham gia vào Gíao hội Phật giáo của Nhà nước, chứ không phải là toàn thể Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất tham gia. Ðúng không, thưa ông ?
Ông nói sai nhưng đó lại là sự thật. Sau Ðại hội toàn quốc kỳ 7 của Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất, giáo hội đó đã nhiều lần đề nghị Thống nhất Phật giáo hai miền Nam Bắc, nhưng dưới con mắt của Ðảng thì Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất là một tổ chức quần chúng, có quần chúng và huy động được quần chúng. Ngược lại dưới chế độ Xã hội chủ nghĩa, Phật giáo miền Bắc chỉ còn là một tập hợp của những người theo Ðảng, không có quần chúng. Sự tương quan lực lượng nầy làm cho Ðảng lo lắng và đảng đã quyết tâm chia chẻ Giáo hội Thống nhất ra từng mảnh trước khi Thống nhất Phật giáo toàn quốc. Mảnh thứ nhất, có những phần tử mà Ðảng cho là nguy hiểm, cần phải tiêu diệt hay tù đày tiêu biểu là các Hoà thượng Thiện Minh, Huyền Quang, Quảng Ðộ. Mảnh thứ hai, là những tu sĩ hoạt động cho Ðảng mà tiêu biểu là Thượng Toạ Thiện Châu. Mảnh thứ ba, là những người chấp nhận thời cuộc mà tiêu biểu là Hoà thượng Minh Châu, Hoà thượng Trí Tịnh.
Loại trừ được mảnh thứ nhất rồi Ban Bí Thư Trung Ương Ðảng mới cho tập hợp hai mảnh còn lại cộng với Phật giáo miền Bắc gọi là 9 tập đoàn, tổ chức đại hội tại hội trường Giảng Võ Hà Nội dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Trần Quốc Hoàn – Ủy viên tổ chức Ban Bí thư Trung Ương Ðảng. Như vậy, tôi xin ông lưu ý 4 điểm sau đây :
1. Một số người tự ý ly khai Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất để tham gia Giáo hội Nhà nước, chứ Giáo hội không tham gia, ngay cả phái đoàn của Hoà thượng Thiện Siêu cũng chẳng có một văn bản nào của Hội đồng Lưỡng viện công cử. Ðây là đại bộ phận họ Thống nhất lại thành Giáo hội Phật giáo Việt nam như ông đã nói.
2. Vậy thì, phải còn một tiểu bộ phận nữa chứ. Vậy thưa ông, tiểu bộ phận ấy là ai. Ðó chính là những người không xu phụ thời cuộc, không tham gia Giáo hội Nhà nước. Ðây là thành phần trung kiên của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất mà tôi tạm gọi là mảnh thứ tư cộng với những người tù tội, lưu đày ở mảnh thứ nhất cùng nhau gìn giữ Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất. Và như vậy Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất vẫn còn phải không, thưa ông ?
Nói rõ thêm, ví dụ như là Ðảng Cọng sản của ông, nếu có đại bộ phận đảng viên tham gia một đảng khác thì như vậy không có nghĩa là Ðảng Cọng sản chấm dứt, số đảng viên còn lại vẫn bảo vệ và duy trì, thì Ðảng Cọng sản vẫn tồn tại, đúng không, thưa ông ?
3. Một điều đáng nói là, sau khi Giáo Hội Phật giáo Việt Nam ra đời, trên thực tế, Nhà nước không xem đó là một Giáo hội mà chỉ là một Hội đoàn trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như hội thanh niên, hội phụ nữ, hội người cao tuổi… mà thôi. Bằng chứng là các văn bản bằng tiếng Anh, Nhà nước gọi Giáo hội Phật giáo Việt Nam là Association of Buddhism of Viet Nam (Hiệp hội Phật giáo Việt Nam). Xem thế, Ðảng và Nhà nước đối xử với Phật giáo Việt Nam hiện nay còn tệ hơn các chế độ cũ nhiều. Vì ở các chế độ cũ, tuy trên danh nghĩa, Phật giáo bị xem như là một hiệp hội, nhưng hoạt động của Phật giáo vẫn độc lập với chính quyền. Còn Giáo hội Phật giáo Việt nam hiện nay thì hoàn toàn phụ thuộc vào sự chỉ đạo của Ban Tôn giáo Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt nam.
4. Vì những lý do trên mà chúng ta phải khẳng định rằng, tại Việt nam, hiện nay vẫn chỉ tồn tại một giáo hội Phật giáo đúng nghĩa của nó, đó là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất mà thôi..
III. Sai lầm thứ ba :
Thưa ông,
Ông nói loại bỏ yếu tố chính trị nhưng mà Ðảng cứ bắt họ làm chính trị, chứ có cho họ tu hành thuần tuý đâu. Ai cũng biết rằng Ðảng đã biến Giáo hội Phật giáo Việt nam thành một tổ chức chính trị khi bắt Giáo hội Phật giáo Việt nam bỏ vào trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chịu sự trực tiếp chỉ đạo của hai cơ chế chính trị : Mặt trận và Ban Tôn giáo. Kể từ đó, Giáo hội Phật giáo Việt nam phải thực hiện mọi ý đồ chính trị của Ðảng và Nhà nước ngay cả trong việc giáo dục Tăng Ni.
Loại bỏ yếu tố chính trị là một việc làm cấp thiết, nhưng đó là việc mà Ðảng và Nhà nước phải làm. Phật giáo chỉ là nạn nhân mà thôi. Muốn thế, Ðảng phải đẩy Giáo hội Phật giáo Việt nam ra khỏi Mặt trận, để Giáo hội Phật giáo Việt nam trở về với sinh hoạt thuần tuý tôn giáo. Phải vậy không, thưa ông ?
IV. Sai lầm thứ tư :
Thưa ông,
Ông nói thực hành theo con đường của Ðức Phật. Nhưng Ðảng cứ buộc Phật giáo đi theo con đường Mác-Lê, chứ có để cho Phật giáo đi theo con đường của Ðức Phật đâu. Ông phải hiểu rằng, con đường của Ðức Phật là con đường của giới luật :
1. Giới luật không cho phép Tu sĩ nạp Tăng tịch cho chính quyền, mà chính quyền bắt phải nạp mới cho lên Hoà thượng, Thượng toạ.
2. Giới luật không cho phép Tu sĩ tham gia chính trị, nhưng Ðảng cứ bắt buộc quý Ngài ứng cử Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, hết kỳ này đến kỳ khác.
3. Giới luật không cho phép Tu sĩ nhận huân chương của Ðảng, vậy mà Ðảng cứ bắt họ đeo vào.
Vậy muốn Tu sĩ đi đúng con đường của Ðức Phật, thì Ðảng phải chấm dứt ngay việc làm nêu trên. Phải không, thưa ông ?
PHẦN II :
1. Gia Minh hỏi : Trước đây Hoà thượng Huyền Quang được Thủ tướng hứa hẹn ?
2. Ngô Yên Thi trả lời : Thủ tướng nói là Nhà nước rất tôn trọng các vị Cao Tăng, theo đúng đường tu học, chứ đừng nên đấu đá nhau. Tuy nhiên bản thân Phật giáo vẫn còn bất đồng.
(Ðiều nay tôi đã nói trong điều 7 về sai lầm thứ nhất của Phần I, khỏi cần phải bàn lại).
3. Gia Minh hỏi : Vì sao lại có lệnh quản chế đối với các vị đó ?
4. Ngô Yên Thi trả lời : Tôi biết không có quản chế .
5. Gia Minh hỏi : Có những phái đoàn muốn đến gặp cụ Huyền Quang vẫn bị ngăn trở.
6. Ngô Yên Thi trả lời : Cụ đang ở Nguyên Thiều nên đoàn nào muốn thăm cũng nên báo cho địa phương biết .
Thưa ông,
Ông Lê Dũng (phát ngôn viên của Bộ ngoại giao) đã lặp đi lặp lại nhiều lần trên đài truyền hình là không có quản chế. Bà Tôn Nữ Thị Ninh (Phó chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại Quốc hội) đi khắp năm châu, bốn bể để nói là không có quản chế. Chúng tôi không trách ông Lê Dũng hay bà Tôn Nữ Thị Ninh vì họ là nhân viên thừa hành, trên bảo nói sao thì dưới phải nói vậy. Nhưng ông là Ủy viên Trung ương đảng, là Ttrưởng Ban tôn giáo chính phủ chắc chắn ông biết rõ là có quản chế và sự quản chế ấy có bàn tay của ông sắp đặt vì ông là Trưởng ban tôn giáo. Ông đã cố tình lừa bịp dư luận, nhưng ông “giấu đầu” không khéo, nên lần này ông lại “hở đuôi” nữa rồi.
Ông có nhớ rằng sau sự biến Lương Sơn, Hoà thượng Huyền Quang bị áp tải về lại tu viện Nguyên Thiều, Hoà thượng Quảng Ðộ bị áp tải về Thanh Minh Thiền viện, quý Thượng toạ : Tuệ Sỹ, Thanh Huyền… sau một thời gian làm việc vòng vo đều bị áp tải về chùa và nhận lệnh quản chế với lý do rất mơ hồ. Từ đó các ngài sống trong cảnh nội bất xuất, ngoại bất nhập. Chính quyền đã cô lập các ngài một cách gắt gao và tàn nhẫn. Các ngài chẳng được tự do đi lại thăm viếng đồng bào, Phật tử và ngược lại con cháu Phật tử đến thăm viếng quý ngài cũng bị cản trở khốc liệt. Tôi xin nêu hai trường hợp điển hình để cho ông và đồng bào thấy :
1. Năm ngoái huynh trưởng Bạch Hoa Mai từ Mỹ về đã cùng với huynh trưởng Nguyễn Ðình Khôi (Ủy viên Ban hướng dẫn Trung ương Gia đình Phật tử Việt Nam) đi từ Sài Gòn ra Bình Ðịnh thăm Hoà thượng Huyền Quang. Khi xuống ga Diêu Trì thì “được” công an Bình Ðịnh mời về trụ sở công an để làm việc, và chính công an đã mua vé tàu buộc hai anh phải trở lại Sài Gòn, chứ không được đến Tu viện Nguyên Thiều. Hai vị Huynh trưởng này đã điện thoại cho tôi rõ.
2. Gần đây nhất là hôm 20/6/2005, phái đoàn chư Tăng Thừa Thiên Huế vào Nha Trang đi đám Hoà thượng Ðổng Minh. Trên đường trở về Huế, phái đoàn ghé Tu viện Nguyên Thiều để vấn an Ðức Tăng Thống đệ tứ Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất. Phái đoàn bị chặn ngay tại đầu cầu Bà Di, theo lối vào Tu viện. Sau đó, công an đã tạo ra nhiều lý do để buộc phái đoàn phải trở về trụ sở xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh để làm việc. Sau một ngày đêm bị giữ tại cơ quan chính quyền. Công an đã dẫn độ quý ngài về lại Huế và Quảng Trị, và cuối cùng quý ngài không thăm được Ðức Tăng Thống.
Thưa ông,
Tôi dẫn chứng 2 sự kiện trên để cho đồng bào thấy ông đã bóp méo sự thật. Nhưng sự thật lại được phơi bày khi ông nói : Hoà thượng Huyền Quang đang ở Nguyên Thiều, nên đoàn nào muốn thăm cũng nên báo cho chính quyền địa phương biết. Xin ông nghe nói đây !
Ðúng là Hoà thượng Huyền Quang đang ở Nguyên Thiều cũng như Hoà thượng Trí Tịnh, Minh Châu đang ở Vạn Hạnh, Hoà thượng Thanh Tứ đang ở Quán Sứ. Nếu có phái đoàn nào đến (Vạn Hạnh) thăm Hoà thượng Minh Châu, Hoà thượng Trí Tịnh hay đến Quán Sứ thăm Hoà thượng Thanh Tứ thì có cần báo cho chính quyền Sài Gòn hay Hà Nội biết không ? Chắc chắn là không. Vậy thì tại sao khi đến Nguyên Thiều thăm Hoà thượng Huyền Quang thì phải báo cho chính quyền địa phương biết. Biết để làm gì ? Biết để ưa cho ai thăm thì cho, không cho ai thăm thì ngăn chặn, phải vậy không ? Như vậy, tức là ông đã thừa nhận Hoà thượng Huyền Quang đang có vấn đề, phải không ? Vậy vấn đề ở đây là gì ? Xin thưa đó chính là Hoà thượng đang bị quản thúc, bị cô lập, chứ chẳng còn một lý do nào khác. Lời nói bưng bít của ông vô tình tố cáo lại ông rồi, ông thấy không ?
Ðể kết luận, tôi xin cảnh báo với ông hai điểm đễ ông suy nghĩ :
I. Ông cũng như tôi là những người đang sống trong dòng lịch sử. Chứng kiến những biến cố của đất nước trước năm 1975 cho đến hôm nay. Nhưng ông phải hiểu rằng không phải chỉ có ông và tôi mà cả thế hệ chúng ta đều là chứng nhân lịch sử, cho nên :
1. Ông là Ủy viên Trung ương đảng mà ông nói sai sự thật thì nhân dân không tin ông. Ðã không tin ông, thì nhân dân cũng không tin vào Ðảng của ông.
2. Ông là Trưởng Ban Tôn Giáo Chính phủ mà ông nói sai sự thật thì nhân dân không tin ông. Ðã không tin ông, thì nhân dân cũng không tin vào Chính phủ của ông nữa.
Như vậy chính các ông làm mất niềm tin của nhân dân vào Ðảng và chính phủ, chứ chẳng ai khác.
II. Thời trai trẻ ông đã từng mặc áo Lam, đeo hoa sen trắng đến chùa sinh hoạt Gia đình Phật tử như chúng tôi. Nhưng khi theo Ðảng các ông đã khai không có tôn giáo. Sự quay lưng lại với tôn giáo của mình tức là các ông đã từ bỏ những giá trị đạo đức truyền thống của cha ông ta để lại.
Sự từ bỏ những giá trị đạo đức ấy là mầm mống phát sinh ra quá nhiều tệ nạn : tham nhũng, hối lộ, hiếp dâm, cửa quyền, lãng phí… Ðáng tiếc là trong Ðảng của ông lại có quá nhiều thành phần như vậy.
Ngày xưa cứ mỗi chiều chủ nhật đến chùa, ông đều có đọc 5 Ðiều luật Gia đình Phật tử. Trong đó, điều luật thứ ba là : Phật tử trau dồi trí huệ, tôn trọng sự thật. Nếu trong tâm tư ông còn vướng lại một chút của điều luật này, thì xin ông hãy đem ra áp dụng ngay đi.
Tôn trọng sự thật là cách duy nhất để cứu vãn niềm tin của toàn dân đối với Ðảng của các ông đang trên đà suy thoái, và cứu vãn niền tin của nhân dân đối với Chính phủ của ông đang trên đà khủng hoảng, trước đòi hỏi Ða nguyên, Ða đảng như hiện nay.
Xin chào ông.