Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin PTTPGQT / Hăm dọa, khủng bố tinh thần toàn Ban Ðại diện GHPGVNTN tỉnh Bình Ðịnh – Hòa thượng Thích Tâm Liên, Chánh Ban Ðại diện, phải đưa vào Bệnh viện cấp cứu sau 2 ngày “làm việc” với Công an Bình Ðịnh – Thượng tọa Thích Viên Ðịnh, Phó viện trưởng Viện Hóa Ðạo, nói lên sự đàn áp GHPGVNTN 30 năm qua

Hăm dọa, khủng bố tinh thần toàn Ban Ðại diện GHPGVNTN tỉnh Bình Ðịnh – Hòa thượng Thích Tâm Liên, Chánh Ban Ðại diện, phải đưa vào Bệnh viện cấp cứu sau 2 ngày “làm việc” với Công an Bình Ðịnh – Thượng tọa Thích Viên Ðịnh, Phó viện trưởng Viện Hóa Ðạo, nói lên sự đàn áp GHPGVNTN 30 năm qua

Download PDF

PARIS – Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế vừa nhận được tin khẩn điện từ Bình Ðịnh cho biết ba ngày qua công an không ngừng hạch xách, hăm dọa, khủng bố tinh thần 18 thành viên trong Ban Ðại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) tỉnh Bình Ðịnh để ép buộc chư Tăng giải tán Ban Ðại diện này. Hầu hết các thành viên thuộc Ban Ðại diện đều bị công an mời đến “làm việc” suốt ba ngày vừa qua. Ðặc biệt, Hòa thượng Thích Tâm Liên, Chánh Ðại diện GHPGVNTN, thì bị “làm việc” suốt hai ngày 16 và 17.8.2005.

Chiều nay vào lúc 15 giờ Hòa thượng được công an cho ra về. Ðến chùa Lạc Sơn ở huyện Bồng Sơn do Hòa thượng làm viện chủ, thì Hòa thượng ngất xỉu. Tình trạng rất nguy cấp nên được chư Tăng chở vào bệnh viện Bồng Sơn cấp cứu. Trên đường về chùa Hòa thượng có cho biết là không được ăn uống gì cả suốt các giờ làm việc, chỉ được công an cho uống nước trà. Phật giáo đồ Bình Ðịnh rất âu lo, vì trước đó sức khỏe Hòa thượng rất khang cường, dù đã trên 70. Câu hỏi đặt ra cho Phật tử Bình Ðịnh là : vì bị khủng bố tinh thần trong hai ngày “làm việc” mà sức khỏe Hòa thượng sa sút, hay công an đã bỏ gì trong nước trà khiến bất tỉnh như thế ?

Chư Tăng Ni và Phật giáo đồ Việt Nam chưa quên cái chết đen tối xẩy ra cho Cố Hòa thượng Thích Trí Thủ vào năm 1984. Thời ấy, trong đợt nhiều chư Tăng ở Quảng Hương Già Lam, quận Gò Vấp bị bắt bớ, cố Hòa thượng Thích Trí Thủ bị công an mời đi “làm việc”. Khi trở lại chùa cũng bị xây xẩm mặt mày nên phải đưa vào bệnh viện cấp cứu, vài ngày sau thì viên tịch. Cố Hòa thượng Thích Thanh Trí từ Huế vào đưa đám, khi về đến Huế thì viên tịch.

Ðây là lý do làm cho Phật tử Bình Ðịnh quan tâm lo lắng. Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin cất lời kêu gọi chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử hãy nguyện cầu an lành cho Hòa thượng Thích Tâm Liên ở giai đoạn nguy kịch này, và cấp thời báo động dư luận quốc tế về âm mưu hãm hại hàng giáo phẩm trong các Ban Ðại diện vừa ra đời.

Trong các cuộc làm việc ba ngày qua tại Bình Ðịnh đối với các thành viên Ban Ðại diện, ngoài các lời lẽ hạch xách, thiếu văn hóa và lễ độ, công an còn xuyên tạc hàng giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, vu cáo “Giáo hội làm chính trị”, “âm mưu lật đổ chính quyền”, “đòi hỏi dân chủ và đa nguyên đa đảng”, v.v… để hăm dọa chư Tăng không được tham gia vào Ban Ðại diện.

Nhưng toàn thể chư Tăng cũng như Hòa thượng Thích Tâm Liên, Chánh Ðại diện Bình Ðịnh, đã khẳng khái bác bỏ các luận điệu xuyên tạc của công an nhằm khủng bố tinh thần. Các ngài thẳng thắn nói với công an rằng “Chúng tôi đã quá quen các luận điệu này từ 30 năm hơn rồi. Ðạo Phật là đạo Như Thật, chúng tôi không quen nghe, không quen nói, không chấp nhận các lời thất thiệt. Xin các ông hãy thay đổi lối suy nghĩ, lối ăn nói, may ra mới hợp với lòng dân !”

Nghe phong thanh rằng chư Tăng tại hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa đệ đơn lên Viện Hóa Ðạo xin chuẩn y Ban Ðại diện hai tỉnh này, công an liền sử dụng áp lực và hăm dọa để Ban Ðại diện không thể ra đời tại hai tỉnh nói trên.

Tại Saigon thì hai ngày vừa qua, công an đã cắt sóng chung quanh Thanh Minh Thiền viện, nơi Hòa thượng Thích Quảng Ðộ bị quản chế, khiến cho mọi đường dây điện thoại không thể nối sóng. Mặt khác, Thượng tọa Thích Viên Ðịnh, Phó viện trưởng Viện Hóa Ðạo, và Thượng tọa Thích Không Tánh, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Từ thiện – Xã hội nhận Giấy mời ngày mai, thứ năm 18.8.2005, đến Ủy ban Nhân dân “làm việc”.

Xem thế, một mạng lưới đàn áp đang bủa xuống các tôn giáo tại Việt Nam nói chung và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nói riêng. Mặc các lời hứa hẹn và ký kết với các chính quyền Âu Mỹ là sẽ có những bước cải tiến trên phạm vi tôn giáo tại Việt Nam.

Ðể đánh dấu sự phục hồi quyền sinh hoạt tôn giáo của Giáo hội Phật gíao Việt Nam Thống nhất trong thực tế, thông qua ba Ban Ðại diện vừa được Viện Hóa Ðạo chuẩn y hôm 8.7.2005 tại Quảng Nam – Ðà Nẵng, tại Thừa thiên – Huế ngày 18.7.2005, và tại Bình Ðịnh hôm 9.8.2005, Thượng tọa Thích Viên Ðịnh, Phó Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, vừa gửi đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế bài viết “Trở về” để phổ biến. Qua bài viết này, Thượng tọa nói lên một thực tại đàn áp tôn giáo tại Việt Nam suốt 30 năm qua, và tính chất hợp pháp, hợp lý, hợp tình của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Chúng tôi xin công bố nguyên văn bài viết ấy sau đây :

TRỞ VỀ
Thích Viên Ðịnh
“Ðau xót biết bao, khi Phật giáo Việt nam từ con lạch nhỏ vùng thoát ra
được biển khơi, thì nay quí Hòa-thượng lại tự bước vào nước vũng ao tù”

trích thư của cố Hòa thượng Thích Ðức-Nhuận

Sau 70 năm thí nghiệm chủ thuyết Marx-Lênin, chủ trương chuyên chính vô sản, đấu tranh giai cấp, một chủ thuyết hoang tưởng, sai lầm, hậu quả là làm cho đất nước nghèo nàn lạc hậu, cuối cùng đến chỗ thất bại, Liên-xô, cái nôi của Xã hội chủ nghĩa và các nước Ðông Âu đã dứt khoát từ bỏ chủ thuyết sai lầm này. Còn Việt-nam thì sao ?

Sau đệ nhị thế chiến, trong khi các nước nhược tiểu khác được hưởng độc lập, hòa bình thì Việt-nam bị dính vào chủ thuyết Marx-Lênin nên đất nước bị chia hai, giống như Ðức và Triều tiên. Nhưng người Ðức khôn khéo hơn, không chọn giải pháp thống nhất đất nước bằng bạo lực, hai miền Ðông Tây đã bắt tay hòa hợp thống nhất trong hòa bình, còn Triều tiên thì vẫn đang tiếp tục thương thảo để thống nhất trong hòa bình. Việt-nam, trái lại, không được may mắn, khôn ngoan như vậy. Với chiêu bài “giải phóng miền Nam ” khỏi sự bóc lột của bọn tư bản, và để thống nhất đất nước, Cộng sản đã gây nên cuộc chiến huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt ngót 30 năm trời.

Sau khi chiến thắng năm 1975, thống nhất đất nước bằng bạo lực xong, Cộng sản lại bắt tay vào mục đích thứ hai gọi là “xóa bỏ bóc lột”, họ hô hào khẩu hiệu “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa” bằng hai chính sách “chuyên chính vô sản” và ” đấu tranh giai cấp”.

Ðường lối đấu tranh giai cấp của Cộng sản rất độc địa, nó đã gây ra sự thù hận giữa người này với người khác, giữa giai cấp này với giai cấp khác, hủy hoại nếp sống bao dung, ôn hòa, đạo nghĩa, thanh cao ngàn đời của dân Việt, phá vỡ những di sản tinh thần của tổ tiên, làm cho dân tộc mất đoàn kết, làm đổ vỡ tình người, tình bà con, tình hàng xóm và cho đến nay, sau 30 năm hòa bình, vẫn chưa hàn gắn được. Chính sách của Cộng sản chủ mưu gây cho dân chúng nghi ngờ lẫn nhau, theo dõi lẫn nhau, không ai còn tin nhau, để Cộng sản dễ bề cai trị. Phương sách này đã phá nát nền tảng văn hóa truyền thống mấy nghìn năm của dân tộc, khiến cho đạo đức suy đồi, xã hội băng hoại.

Về mặt cai trị, bên trên là một chánh quyền độc tài, độc đảng, luật pháp tùy tiện, đó cũng là một cách khủng bố tinh thần, làm cho dân chúng khiếp sợ, sống trong bất an, lo lắng, nên không ai dám lên tiếng phản đối. Vì vậy Cộng sản, một mình một chiếu, mặc tình muốn làm gì thì làm, không còn lo sợ ai nữa, coi như đất nước này là của riêng của Cộng sản.

Với đường lối chuyên chính vô sản, Cộng sản đã quốc hữu hóa ruộng đất ở nông thôn, đánh tư sản ở thành thị, gây cảnh đảo lộn, cày xới quê hương, thiếu ăn thiếu mặc, thiếu thuốc thiếu thang, dân chúng đói khổ cùng cực, nhưng vì quá khiếp sợ, rất ít người dám chống lại. Nhiều người vì mất tài sản, quá đau khổ hoặc đau bịnh rồi chết, hoặc bỏ nước ra đi, lớp chết trên rừng, lớp chết dưới biển. Trong lúc đó thì Cộng-sản lại ra tay đàn áp, bỏ tù những người phản đối, người vượt biên tìm tự do, tình cảnh dân chúng lúc ấy rất đau khổ, khốn cùng.

Ðến năm 1985, sau 10 năm áp dụng vô sản chuyên chính trên cả nước, kinh tế đi đến chỗ kiệt quệ, Cộng-sản sợ dân chúng vì đói quá sẽ nổi loạn, nên phải làm cái việc gọi là ” đổi mới “, mà thực chất là quay trở lại nền kinh tế thị trường, thời Việt-nam Cộng-hòa, nhờ đó, kinh tế mới dần dần ổn định trở lại.

Nay, Việt-nam vận động xin vào WTO (Tổ chức Thương mại thế giới), cho đảng viên Cộng sản kinh doanh, kêu gọi các nhà tư sản vào đảng, đặt ra ngày tôn vinh các nhà doanh nghiệp, khuyến khích làm giàu, bắt chước theo Thái lan, Hàn quốc, lếch thếch theo sau họ, nhưng thua họ ít nhất cũng 30 năm, chuốc hai quốc nhục là nghèo nàn lạc hậu và tham nhũng nhất thế giới.

Như vậy, công việc theo đuổi từ năm 1945 đến năm 1985, theo chủ thuyết Marx-Lênin, chuyên chính vô sản, đấu tranh giai cấp, đánh tư sản, địa chủ là sai lầm, đã hy sinh hàng chục triệu dân là vô ích, là oan uổng. Như vậy theo vô sản là đúng hay theo tư sản làm giàu là đúng ? Câu hỏi ai thắng ai, ai đang giãy chết đã có đáp án. Hai chính sách trái ngược nhau, phải có cái đúng, cái sai. Nếu chính sách vô sản từ 75-85 là đúng, thì tại sao đảng phải đổi mới, theo tư bản ?. Nhưng nếu sai thì tại sao 10 năm đó, Ðảng vẫn cho mình là trí tuệ của loài người, là khối óc của nhân loại ?. Những người a dua theo thì được thưởng, ai phản đối thì bị bỏ tù. Tại sao Ðảng sai lầm mà vẫn làm được và kéo dài đến 10 năm, cũng như suốt mấy chục năm trước đó ở miền Bắc ? Ðó là do vì độc tài độc đảng, không có dân chủ, không có nhân quyền, không có tự do ngôn luận, nên nhân dân mới phải câm lặng, chịu kéo dài khổ đau như vậy.

Bây giờ, ai cũng biết chủ thuyết Marx-Lênin là sai lầm, là hoang tưởng. Việt-nam chúng ta thật tội nghiệp, đáng thương, đã bị chủ thuyết quái ác này làm cho quê hương tan nát suốt 60 năm nay. Hoàn cảnh Việt nam và Ðại hàn vì ý thức hệ mà bị chia cắt rất giống nhau, nhưng chúng ta thử nghĩ, giả sử nếu Bắc Hàn cũng dùng bạo lực, đem quân để gọi là ” giải phóng ” Nam Hàn, gây ra cảnh huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt như Việt nam thì có đúng, có hay, có đẹp không ?. Và nay làm gì có Nam Hàn để Việt-nam noi theo, để Việt-nam hợp tác làm ăn ? Bắc Hàn theo Cộng sản độc tài, Nam Hàn theo tư bản tự do, hai nền kinh tế cao thấp rõ ràng, dân chúng hai bên giàu nghèo rõ ràng, bên được tự do bên bị kềm kẹp rất rõ ràng .

Hai mươi năm nay tuy theo kinh tế thị trường tư bản, nhưng Cộng sản vẫn giữ độc tài độc đảng nên đã tạo điều kiện, môi trường cho tham nhũng, hối lộ bộc phát thành quốc nạn. Ðộc tài, độc đảng chỉ dùng trong chuyên chính vô sản, chứ không thể dùng trong tư bản thị trường được. Ðảng hiện là vật cản sự phát triển của đất nước. Vì vậy mà tuy đổi mới đã 20 năm, đất nước vẫn nghèo nàn lạc hậu nhất thế giới. Nếu đã theo kinh tế thị trường, cho làm giàu, thì Việt-nam phải có tự do, dân chủ, nhân quyền, đa nguyên đa đảng mới có đầy đủ biện pháp để ngăn chặn những tệ nạn xã hội được.

Một đất nước đang theo kinh tế tư bản, Cộng sản lại đập phá tan nát để theo vô sản, nay vô sản thất bại, lại quay về tư bản. Cái cảnh phá nhà cũ để xây nhà mới cho đẹp, không ngờ ngôi nhà mới còn tệ hơn nhà cũ, Cộng sản lại đập nhà mới xây lại nhà cũ, cứ quanh quẩn, mờ mịt, dẫn dắt dân tộc đi lòng vòng trong chiến tranh, thất bại, đổ vỡ, làm cho đất nước kiệt quệ, dân tộc nát tan. Vậy mà lúc nào cũng xưng Ðảng là trí tuệ, dân tộc là anh hùng, đã thắng Mỹ, thắng Pháp. Hãy xét lại, Thái lan, vì tránh Mỹ, tránh Pháp, không đụng độ, không đối đầu, không chiến tranh, dân tộc khỏi chết chóc, đất nước khỏi tang thương, họ tự hào là anh hùng.

Trong 10 năm từ 1975 đến 1985, ngoài việc đánh tư sản, quốc hữu hóa ruộng đất, bỏ tù người anh em miền Nam bị thất trận là những hành động sai lầm, Cộng-sản còn sai lầm khi đánh phá các tôn giáo, nhất là Giáo-Hội Phật-Giáo Việt-Nam Thống-Nhất, lập ra Giáo-Hội của Nhà nước để dễ bề sai bảo và không còn ai để nói lên tiếng nói trung thực, tiếng nói của nhân dân, để cảnh tỉnh chính quyền, vì vậy, sự sai lầm của Cộng-sản mới kéo dài đến 10 năm, làm cho đất nước kiệt quệ, nhân dân mới đau khổ cùng cực như ngày nay.

Giáo-hội Phật-giáo Việt-nam thống-nhất, với mục đích phục vụ cho dân-tộc và nhân loại, không lý gì không giữ đúng cương vị, không đi đúng đường hướng của mình. Các đảng phái chính trị, vì quyền lợi riêng tư của tổ chức, của cá nhân, họ có thể lật qua, lật lại, nay thế này, mai thế khác, nói dối, nói gạt, đàn áp, bao che, bưng bít, khủng bố, Phật giáo không thể đi theo sự dẫn dắt đầy âm mưu, quỷ quyệt, của các đảng phái chính trị được. Phật giáo phải có hướng đi của mình, cùng dân tộc và nhân loại .

Sau năm 75, Cộng-sản đã không khuất phục được Giáo-hội Phật giáo Việt-nam Thống nhất. Ngày 2 tháng 11 năm 1975, đã có 12 vị Tăng Ni tự thiêu tập thể tại Dược-Sư thiền-viện ở Cần thơ để phản đối Cộng sản đàn áp tôn giáo rồi. Năm 77, Cộng sản bắt bỏ tù nhiều Hòa thượng, Thượng tọa thuộc hàng giáo phẩm cao cấp trung ương của giáo hội và tra tấn Hòa-thượng Thích Thiện-Minh đến chết trong tù. Sau cái chết của Hòa thượng Thiện-Minh và bỏ tù các Hòa thượng lãnh đạo Viện Hóa Ðạo, Cộng sản đã dụ dỗ, cưỡng ép một số vị còn lại, tham gia vào Giáo hội Nhà nước năm 1981. Giáo hội Phật giáo Việt-nam Thống nhất không hề cử người tham gia vào tổ chức này, nhưng ai đó đã giả mạo con dấu của Viện-Hóa-Ðạo để làm giấy giới thiệu (xin nói rõ, con dấu của VHÐ, Hòa thượng Quảng Ðộ, thời ấy làm Tổng thư ký VHÐ, giữ luôn bên mình ), rồi họ sắp xếp một phái đoàn giả mạo đại diện cho Giáo-hội Phật giáo Việt-nam Thống nhất đi dự đại hội do Ðảng và Nhà nước tổ chức tại Hà nội, phái đoàn này do Thượng-tọa Thiện Siêu, không giữ chức vụ gì trong Giáo-hội Phật giáo Việt-nam Thống nhất, làm trưởng đoàn. Không có văn thư nào giải tán Giáo-hội Phật giáo Việt-nam Thống nhất. Rồi Cộng-sản đày biệt xứ các vị không theo Giáo hội Nhà nước như Hòa thượng Huyền-Quang, Hòa-thượng Quảng-Ðộ, rồi nói rằng Giáo hội Thống nhất không còn nữa.

Xin trích một đoạn trong phần cuối bản “Nhận định về những sai lầm tai hại của đảng Cộng-sản Việt-nam đối với Dân tộc và Phật giáo” của Hòa thượng Quảng-Ðộ gửi cho ông Ðỗ Mười năm 1994 bấy giờ đang là Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt-nam, để hiểu rõ việc nói trên :

“… Thế rồi vào khoảng cuối năm 1980, văn phòng Viện Hóa Ðạo nhận được một văn thư do cố Hòa thượng Trí Thủ ký tên với tư cách Trưởng ban vận động thống nhất Phật giáo, xin đến thăm xã giao Viện Hóa Ðạo và các vị giáo phẩm của Viện và sẽ được tiếp đón vào ngày giờ nào. Tôi (Thượng tọa Thích Quảng-Ðộ) thảo văn thư phúc đáp là sẽ hân hạnh tiếp đón phái đoàn vào ngày giờ đó và xin cho trước một bản danh sách các thành viên và chức vụ trong phái đoàn để tiện việc sắp xếp. Hôm sau tôi nhận được bản danh sách từ chùa Xá Lợi gửi đến, gồm có : Sư cụ Phạm Thế Long (ngày trước ngoài Bắc các sư đều lấy họ Thích, nhưng từ khi cộng sản cai trị, họ bắt phải gọi theo họ thế tục, cho nên mới là Phạm Thế Long. Còn chùa thì cũng được coi như một hộ, tức như một gia đình, chứ không gọi là chùa, đây cũng nằm trong âm mưu tiêu diệt Phật giáo dần dần), người mà ba mươi lăm năm về trước (1945-1980) đã từng kêu gọi thanh niên tăng miền Bắc lúc bấy giờ là “hãy tạm xếp cà sa khoác chiến bào”, hiện là Phó chủ tịch Quốc hội cộng sản, làm Trưởng đoàn, cố Hoà thượng Trí Thủ Phó trưởng đoàn, T.T. Trí Tịnh đoàn viên, T.T. Minh Châu đoàn viên, Ð.Ð.Từ Hạnh (cựu Chánh đại diện GHPGVNTN tỉnh Gia Ðịnh) đoàn viên. Khi nhìn qua danh sách của phái đoàn Ban vận động thống nhất Phật giáo đến thăm “xã giao” Viện Hóa Ðạo, tôi cứ cười thầm một mình và liên tưởng đến hai câu thơ đầu trong bài thơ “Nói chuyện với ảnh” của nhà thơ Tản Ðà :

Người đâu cũng giống đa tình
Ngỡ là ai lại là mình với ta…

“Vì trong bản danh sách, trừ cụ Phạm Thế Long ra, còn đều là người “trong nhà”, và cái “tréo cẳng ngỗng” đến mỉa mai ở đây là các vị “chủ nhân ông” đã tự biến mình thành những người khách xa lạ về “thăm xã giao” nhà mình !

“Ðúng ngày giờ đã định, phái đoàn đến Viện Hóa đạo, T.T. Huyền Quang, T.T. Pháp Tri và tôi tiếp phái đoàn. Sau nghi thức giới thiệu, Sư cụ Phạm Thế Long đứng lên nói : “Thưa qúi vị ! Hôm nay phái đoàn Ban vận động thống nhất Phật giáo chúng tôi đến đây, trước hết, để thăm Tổ đình Ấn Quang và tăng ni chùa Ấn Quang, cầu chúc quí vị dồi dào sức khoẻ và đạt nhiều thành tích tốt đẹp. Sau xin thưa để quí vị rõ là Ðảng chủ trương đất nước đã thống nhất, thì Phật giáo cũng phải thống nhất. Vậy mục đích chúng tôi đến đây hôm nay, như vừa nói ở trên để thăm Tổ đình Ấn Quang và cũng để xin quí vị góp ý kiến cho việc thống nhất Phật giáo mà sẽ là ngôi nhà chung cho Phật giáo cả nước”.

“Khi cụ Phạm Thế Long dứt lời, ngồi xuống, tôi gọi thư ký đưa ra hai văn thư của Ban vận động thống nhất Phật giáo xin đến thăm xã giao Viện Hóa Ðạo và các vị giáo phẩm trong Viện, và văn thư của Văn phòng Viện Hoá Ðạo trả lời định ngày giờ đón tiếp phái đoàn như đã nói ở trên. Tôi đọc lại hai văn thư thật rõ ràng, rồi nói : “Thưa phái đoàn, theo tinh thần nội dung văn thư của Ban vận động thống nhất Phật giáo như tôi đã đọc thì hôm nay phái đoàn đến đây là để thăm xã giao Viện Hóa Ðạo và các vị giáo phẩm của Viện. Song, như cụ Trưởng đoàn vừa nói, thì các vị đến đây là để thăm Tổ đình Ấn Quang và tăng ni chùa Ấn Quang để hỏi ý kiến về việc thống nhất Phật giáo, chứ có thăm Viện Hóa Ðạo đâu ? Vậy, Văn phòng của Tổ đình Ấn Quang ở đầu ngõ vào, mời quí vị ra ngoài đó, chứ đây là Văn phòng của Viện Hóa Ðạo Giáo-hội Phật giáo Việt-nam Thống nhất “. Nói xong, tôi mời T.T. Huyền Quang và T.T. Pháp Tri giải tán. Bấy giờ tôi mới thấy cái “lắt léo” và “lật lờ đánh lận con đen” của Sư cụ cộng sản : khi muốn đến thăm thì nói thăm ông A, nhưng khi đến nơi thì lại bảo thăm ông B ! Có gì đâu, thâm ý của sư cụ nhà ta là cố tình tránh né, không thừa nhận tính hợp pháp của Giáo-hội Phật giáo Việt-nam Thống nhất, thế thôi. Nhưng nếu hôm ấy mà chúng tôi góp ý kiến thì về sư cụ lại tuyên bố đó là ý kiến của Giáo-hội Phật giáo Việt-nam Thống nhất !

“Thấy tình hình không êm xuôi, cụ Phạm Thế Long định “lùi một bước” để rồi sẽ “tiến ba bước” bằng cách đứng lên chắp tay xin sám hối và xác nhận lại là phái đoàn đến thăm Viện Hóa Ðạo và các vị giáo phẩm của Viện đúng như nội dung văn thư. Lúc đó tôi mới mời T.T. Huyền Quang và T.T. Pháp Tri ngồi lại tiếp Phái đoàn.

“Thượng tọa Huyền Quang phát biểu : “Quí Ngài là những người đề xướng việc thống nhất theo chủ trương của Ðảng muốn thống nhất Phật giáo, quí ngài là những kiến trúc sư của ngôi nhà Phật giáo cả nước, vậy quí ngài đã có đồ án nào chưa ? Kiểu mẫu ngôi nhà ấy như thế nào ? Tuy nhiên, theo như lời Hòa thượng Thích Ðôn Hậu kể lại, thì Giáo hội chúng tôi khó có vinh dự được sống chung trong ngôi nhà Phật giáo cả nước ấy. Vì khi Hòa thượng chúng tôi có lần bàn với ông Nguyễn Văn Hiếu, lúc đó là Bộ trưởng Văn hóa của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, xin thống nhất Phật giáo cả nước, thì ông Bộ trưởng trả lời Hòa thượng chúng tôi rằng : “Thống nhất thì tốt, nhưng thống nhất các tổ chức Phật giáo yêu nước, chứ thống nhất làm gì với Phật giáo phản động ?”. Hòa thượng chúng tôi hỏi : “Phật giáo phản động là Phật giáo nào ?” Ông Bộ trưởng không trả lời. Như vậy, chắc nhà nước muốn ám chỉ Giáo hội chúng tôi là phản động, không được dự phần vào việc thống nhất Phật giáo cả nước, nên chúng tôi không dám đóng góp ý kiến”.

“Khi H.T. Huyền Quang dứt lời, tôi nói : “Mấy chục năm qua, quí vị ở ngoài Bắc may mắn được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc, chắc quí vị đã làm được rất nhiều việc cho Phật pháp ngoài ấy, còn tại miền Nam này chúng tôi phải sống trong chiến tranh, lại bị kìm kẹp, đàn áp, nên chẳng làm được bao nhiêu Phật sự. Mà có làm được chút nào thì nhà nước cũng trưng dụng cả rồi. Như quí vị chắc đã thấy, các trường Trung Tiểu học Bồ Ðề, viện Ðại học Vạn Hạnh, các Trung tâm văn hóa và các cơ sở từ thiện xã hội từ Trung ương đến các địa phương đều đã phải giao cho nhà nước. Các Phật học viện thì phải giải tán cho tăng ni sinh ở đâu về đó lo việc sản xuất, thành thử bây giờ Giáo hội chẳng còn gì cả. Cho nên, nếu được vinh dự thống nhất với quí vị thì cũng chỉ với hai bàn tay không thôi. Như vậy, ai cần thống nhất với ai ?”

“Lúc đó đã đến giờ ngọ trai, chúng tôi mời phái đoàn ở lại dùng cơm trưa, vì chúng tôi đã chuẩn bị cả rồi. Thế là cuộc thăm xã giao và hỏi ý kiến cũng chẳng mang lại kết quả gì.

“Từ đó, cố H.T. Trí Thủ, các T.T. Trí Tịnh, Minh Châu trong Ban vận động thống nhất Phật giáo tiếp tục vận động, tiếp tục đi họp, và mỗi lần đi họp về, các vị lại thúc ép T.T. Huyền Quang và tôi gia nhập thống nhất. T.T. Huyền Quang và tôi chủ trương một cách cương quyết là Giáo-hội Phật giáo Việt-nam Thống nhất phải chính thức được mời dự họp, họp với ai, ai đứng ra tổ chức họp để bàn việc thống nhất Phật giáo, thống nhất trên cơ sở nào, theo hình thức nào, cơ cấu tổ chức ra sao, và sau khi thống nhất rồi, thì các tổ chức Phật giáo trước kia, không riêng gì Giáo-hội Phật giáo Việt-nam Thống nhất, mà các tổ chức của các giáo phái khác đều xóa bỏ hẳn, hay còn được giữ lại dưới một hình thức nào đó để lo những sinh hoạt nội bộ, đó là những điều Giáo hội cần phải biết rõ, cần phải bàn cho thấu đáo trước khi thống nhất hoàn toàn, chứ không thể cứ nói thống nhất một cách khơi khơi như vậy được.

“Kết luận, chúng tôi cùng đưa ra một ý kiến : “Ngôi nhà Giáo-hội Phật giáo Việt-nam Thống nhất đây là do tăng ni miền Nam, từ Quảng Trị đến Cà Mau xây dựng nên với sự đóng góp xương máu, nước mắt của toàn thể tăng ni Phật tử miền Nam, họ không thể tất cả tập trung về đây để trông nom ngôi nhà ấy được, nên họ nhờ quí vị và chúng tôi trông nom giữ nhà giùm họ. Nếu bây giờ vì một lý do nào đó, quí vị thấy không thể tiếp tục giữ nhà giùm họ nữa, thì quí vị phải gọi họ về mà trả nhà lại cho họ để họ quyết định, nếu họ muốn giữ lại nhà, thì họ sẽ nhờ người khác, còn nếu họ muốn bán hoặc cho ai thuê thì đó là quyền của họ, chứ quí vị cũng như chúng tôi ở đây không ai có thẩm quyền quyết định việc này. Nói cách khác, Hiến chương Giáo hội đã qui định, Ðại hội khoáng đại Giáo hội hai năm một kỳ, nhưng khi có vấn đề liên quan đến sự tồn vong của Giáo hội, thì Ðức Tăng Thống triệu tập Ðại hội bất thường để giải quyết, chứ Ban chỉ đạo Viện Hóa Ðạo không có quyền quyết định. Bây giờ đây chính là lúc có liên quan đến sự tồn vong của Giáo hội, vậy xin Hòa thượng Viện trưởng thay mặt Ðức Tăng Thống, triệu tập Ðại hội bất thường để Ðại hội quyết định vấn đề này”.

“Sau đó ít hôm, tôi nhận được văn thư của sở Công an thành phố mời ra gặp ông Quang Minh (xin nói nhỏ ở đây là tại đất nước Việt Nam độc lập tự do hạnh phúc này, ai nhận được thư sở công an mời là “dựng tóc gáy” rồi đó. Riêng tôi đã có “vinh dự” được nhiều lần như vậy). Khi tôi đến nơi, sau vài câu nói xã giao, ông Quang Minh bảo : “Ðảng” cần thống nhất Phật giáo trong lúc này và buộc tôi phải đồng ý (tất nhiên với giọng hăm dọa quen thuộc). Tôi nói tôi cũng đã được nghe sư cụ Phạm Thế Long nói tại chùa Ấn Quang như vậy, rồi tôi đưa Hiến chương Giáo hội ra trình bày cũng như tôi vừa nói ở trên, phải do Ðại hội quyết định chứ không có cá nhân hoặc một nhóm người nào quyết định được. Và tôi yêu cầu ông Quang Minh cho chúng tôi triệu tập Ðại hội bất thường. Tôi nói rõ bình thường thì mỗi tỉnh cử năm đại biểu hoặc ba, nhưng trong tình hình hiện nay, tôi chỉ yêu cầu cho mỗi tỉnh cử một vị Chánh đại diện, nếu Chánh đại diện đau ốm, thì vị Phó hoặc Thư Ký, hay bất cứ ai trong ban đại diện đi thay cũng được. Rồi tôi nói với ông Quang Minh thông cảm vì chúng tôi phải làm theo đúng nguyên tắc Hiến chương mà chắc ông làm hành chính thì cũng thế thôi. Nhưng ông Quang Minh bảo không còn thì giờ nữa ! Tôi nói việc thống nhất Phật giáo chứ đâu phải là việc hành quân mà gấp rút như vậy. Ông Quang Minh bảo tôi nguyên văn như sau : “Tính ông thì chỉ thích làm anh hùng !”. Tôi nói : “Tôi là một nhà sư tu hành mà anh hùng cái nỗi gì, anh hùng rơm ấy à ?”. Ông Quang Minh nói : “Sư thứ dữ chứ phải sư vừa đâu !”. Tôi đứng dậy chào ông và “thong thả” ra về.

“Ðến khoảng tháng 9 năm 1981, cố H.T. Trí Thủ, với danh nghĩa Trưởng ban vận động thống nhất Phật giáo, đề nghị Viện Hóa Ðạo cử Ðại diện Giáo hội đi dự Ðại hội thống nhất Phật giáo sẽ họp tại Hà Nội vào cuối năm đó. Tôi đề nghị nhà nước đã không cho triệu tập Ðại hội bất thường thì bây giờ phải triệu tập Hội đồng Viện Hóa Ðạo gồm mười một quận Giáo hội Ðô thành để thông báo cho họ biết về việc này. Cố Hòa thượng Trí Thủ đồng ý.

“Hôm sau tôi gửi văn thư mời các vị trong Ban Ðại diện Giáo hội của mười một quận về chùa Ấn Quang họp. Hình như họ đã đoán trước được là cuộc họp này rất quan trọng nên họ về dự rất đông, không những chỉ có các vị Ðại diện chính thức của mười một quận, mà còn có cả tăng ni về dự thính, ngồi chật giảng đường, đứng ngoài sân và trên các hành lang trong chùa. Cố H.T. Trí Thủ chủ tọa cuộc họp (xin nhắc lại, với tư cách Trưởng ban vận động thống nhất Phật giáo thì ngài là khách, nên lần trước ngài đã về “thăm xã giao” nhà Ngài. Nhưng hôm nay với tư cách Viện trưởng Viện Hóa Ðạo nên Ngài chủ tọa cuộc họp). Với tư cách Tổng thư ký Viện Hóa Ðạo Giáo-hội Phật giáo Việt-nam Thống nhất, tôi đứng lên tuyên bố rõ lý do triệu tập cuộc họp. Trước hết, tôi đọc lại các văn thư mà Viện Hóa đạo đã gửi ra phủ Thủ tướng tại Hà Nội nói rõ quá trình thành lập Giáo hội và các cơ cấu tổ chức cùng các hoạt động của Giáo hội tại miền Nam Việt Nam trước ngày đất nước thống nhất, đồng thời, gửi kèm bản Hiến chương và nội qui của Giáo hội để tường trình với nhà nước. Kế đó, tôi nói với các vị Ðại diện Giáo hội trong cuộc họp như sau : “Nay H.T. Viện trưởng Viện Hóa Ðạo đứng ra làm Trưởng ban vận động thống nhất Phật giáo, không biết ai đã thành lập ban này, thành lập ở đâu và ai đã bầu Hòa thượng làm Trưởng ban, Viện Hóa Ðạo hoàn toàn không được biết điều đó, và cho đến nay, Giáo hội cũng chưa chính thức được mời dự bất cứ cuộc họp nào bàn về thống nhất Phật giáo. Bởi vậy, Giáo hội chưa biết thống nhất trên cơ sở nào, theo hình thức nào và sau khi thống nhất, tư cách pháp lý của Giáo-hội Phật giáo Việt-nam Thống nhất sẽ ra sao. Ðây là vấn đề tồn vong của Giáo hội, mà theo Hiến chương Giáo hội, phải do Ðại hội quyết định. Cách đây mấy hôm, tôi đã được sở Công an mời ra bảo tôi phải đồng ý thống nhất, tôi đã nói với ông Quang Minh (người tiếp tôi) là Ban chỉ đạo Viện Hóa Ðạo không đủ thẩm quyền quyết định việc quan trọng này, mà phải do Ðại hội Giáo hội. Và tôi đã yêu cầu ông Quang Minh cho chúng tôi triệu tập Ðại hội bất thường, mỗi tỉnh cần một vị Chánh đại diện hay Thư ký cũng được, nhưng ông Quang Minh đã không đồng ý, viện lẽ không còn đủ thì giờ ! Bây giờ đây H.T. Viện trưởng đề nghị Viện Hóa Ðạo cử Ðại biểu Giáo hội đi dự Ðại hội thống nhất Phật giáo sẽ họp ngoài Hà Nội, tôi nhận thấy Ðại hội bất thường thì nhà nước không cho, bởi thế hôm nay Viện Hóa Ðạo mời quí vị về họp để hỏi ý kiến và tùy quí vị quyết định”. Trước khi dứt lời để trao quyền điều khiển cuộc họp cho Hòa thượng chủ tọa, tôi có bày tỏ một vài ý kiến như sau :

“Kính bạch Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Ðạo chủ tọa cuộc họp, kính thưa toàn thể quí vị, chắc quí vị cũng như tôi đều thấy rõ hiện nay con thuyền Giáo-hội Phật giáo Việt-nam Thống nhất đang lênh đênh giữa biển khơi và gặp sóng to gió lớn, chưa biết sẽ chìm lúc nào. Vậy, nếu những ai trong quí vị có mặt ở đây hôm nay cảm thấy nguy nan sợ hãi mà muốn bước sang thuyền khác để thoát thân, thì xin quí vị ấy cứ việc tự do, không ai ngăn cản cả. Nhưng tôi chỉ xin quí vị ấy một điều là : trước khi bước sang thuyền khác qúi vị cứ để mặc cho con thuyền Giáo hội lênh đênh trôi dạt trong sóng gió với những người còn ở lại trên đó, họ sẽ cố sức lèo lái, nếu may mắn vượt qua cơn nguy nan mà đến được bờ bình an thì họ sống, còn nếu chẳng may con thuyền chìm thì họ cũng sẽ sẵn sàng chết theo nó, chứ quí vị ấy đừng đang tâm nhận chìm con thuyền của mình mà có lần đã từng đưa quí vị đến bờ danh vọng, lợi lộc, trước khi bước sang thuyền khác. Tôi chỉ xin quí vị có thế thôi. Tôi dứt lời và cảm ơn quí vị”.

“Khi tôi nói xong thì cả trong hội trường và ngoài sân, ngoài các hành lang nổi lên những tràng pháo tay vang dội, rồi tôi thấy T.T. Trí Tịnh đứng dậy đi ra trước tiên, kế đó là T.T. Minh Châu và sau cùng là Hòa thượng Viện trưởng chủ tọa ! Thế là cuộc họp tự nhiên cũng tan. Sau đó tôi nghe có tiếng vọng lại : “Hôm nay thầy Quảng Ðộ mời chúng tôi về đây để thóa mạ chúng tôi”. Còn lại Thượng tọa Huyền Quang và tôi, chúng tôi nhìn nhau một lúc rồi cũng giải tán !

“Ba hôm sau, Văn phòng Viện Hóa Ðạo nhận được bản “Thông báo” của Ban vận động thống nhất Phật giáo đề ngày 17-9-1981, do T.T. Minh Châu ký tên, dài lắm, tôi chỉ còn nhớ một đoạn ngắn, vì có lẽ nó là đoạn quan trọng nhất trong bản Thông báo. Ðoạn ấy như sau :

“…Thượng tọa Thích Quảng Ðộ, Tổng thư ký Viện Hóa Ðạo, đã triệt hạ uy tín của toàn Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, phá hoại công cuộc thống nhất Phật giáo, ngang nhiên thách thức với Chính phủ và Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam là những người đang khuyến khích và hỗ trợ sự nghiệp thống nhất Phật giáo cả nước !”

Và xin trích một đoạn nữa trong bản Nhận định của Hòa thượng Quảng Ðộ :

“Nhân đây tôi cũng xin thanh minh rằng tôi không chủ trương “phá hoại thống nhất Phật giáo” mà tôi chỉ muốn thống nhất trong tinh thần hòa hợp, đồng thuận theo đúng luật Phật “Hòa hợp phủ ? – Hòa hợp !” (Chư tăng có hòa hợp không ? – Hòa hợp !) ; nghĩa là việc thống nhất Phật giáo là việc của chư tăng hai miền Nam Bắc, phải do chư tăng hai miền quyết định một cách hòa hợp và đồng thuận, chứ tôi không muốn Nhà nước Cộng sản can thiệp vào rồi bắt chúng tôi phải thống nhất theo ý muốn của Nhà nước để sau dễ bề lợi dụng Giáo hội cho những mục đích chính trị và hợp thức hóa cho chủ trương tiêu diệt Phật giáo của Ðảng và Nhà nước cộng sản.”

Và một trích đoạn gần kết bản Nhận định :

“Ðến cuối năm 1981, Ðại hội thống nhất Phật giáo chính thức được mở ra tại Hà Nội. Tôi được biết, T.T. Thích Thiện Siêu cầm đầu một phái đoàn mười người nói là đại diện cho Giáo-hội Phật giáo Việt-nam Thống nhất, có văn thư đề cử đóng khuôn dấu Viện Hóa Ðạo đường hoàng, tôi rất ngạc nhiên. Bởi vì T.T. Thiện Siêu có chức vụ gì trong Viện Hóa Ðạo đâu, mà Viện Hóa Ðạo cử T.T. Thiện Siêu làm đại biểu của Viện đi dự họp, còn khuôn dấu Viện Hóa Ðạo do tôi cất giữ, khi đến văn phòng thì tôi mang đến, hết giờ làm việc thì tôi mang về, vậy khuôn dấu ở đâu ra ? Lúc đầu tôi không tin, bởi lẽ tôi biết T.T. Thiện Siêu là bậc học thức, có đức hạnh, tôi rất kính trọng Thượng tọa và tuyệt đại đa số tăng ni miền Nam cũng thế, không tin Thượng tọa lại có thể làm một việc như vậy, nhưng sau tôi mới biết rõ đó là sự thật !

“Trong Ðại hội ấy, cố Hòa thượng Trí Thủ được bầu làm Trị sự trưởng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (do Cộng sản chỉ huy), T.T. Trí Tịnh Ðệ nhất Phó trị sự trưởng, T.T. Minh Châu Thư ký Văn phòng II đặt tại chùa Xá Lợi ở Sài gòn, T.T. Thiện Siêu và các vị khác đều có chức vụ, nghĩa là tùy theo công lao nhiều ít, đều được tưởng thưởng cả !…”

Trên đây là vài đoạn trích trong bản “Nhận định về những sai lầm tai hại của đảng Cộng-sản Việt-nam đối với Dân tộc và Phật giáo” của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ. Khúc quanh của Giáo-hội ở giai đoạn 80-81 được Hòa thượng tường thuật rõ ràng như thế.

Ngày nay, đảng chính trị đang cầm quyền, tên là đảng Cộng-sản, chủ trương chuyên chính vô sản, san bằng giàu nghèo, xóa bỏ bóc lột, mà đảng viên lại kinh doanh theo kinh tế thị trường tư bản, nhưng không ai bị loại ra khỏi đảng cả. Ðảng Cộng sản lại còn kéo thêm các nhà doanh nghiệp tư bản gia nhập vào nữa, thật buồn cười. Hố ngăn cách giàu nghèo, mỗi ngày mỗi sâu rộng thêm, dân lao động càng bị bóc lột hơn, cũng không thấy Nhà nước nói gì, thì một Giáo-hội như Giáo-hội Phật giáo Việt-nam Thống nhất với lý tưởng giải thoát, phục vụ cho dân tộc và nhân loại, không lý gì không phục hoạt được. Nhà nước thường cho rằng phục hoạt Giáo-hội Phật giáo Việt-nam Thống nhất, Việt-nam sẽ có hai giáo hội, như vậy là mất đoàn kết. Thật ra, chính Nhà nước đã chia ra làm hai, đó mới là làm mất đoàn kết. Vì cái Giáo hội mới này là một phần của Giáo hội thống nhất, người cũng là người của Giáo hội thống nhất, cơ sở cũng là cơ sở của Giáo hội thống nhất, không thấy ai xa lạ cả, chỉ thêm có vài thầy ở miền Bắc vào. Vì Bắc Việt cũng như Trung Cộng, sau 30 năm dưới sự cai trị của Cộng sản, chùa chiền tan nát, sư sãi không còn, chỉ còn vài thầy già và một vài thương binh cạo đầu vào chùa để quét nhà, thắp hương làm kiểng. Không những Nhà nước làm mất đoàn kết tôn giáo, mà từ trước đến nay, Nhà nước còn chủ trương làm mất đoàn kết dân tộc như :

– Ði theo chủ thuyết vô sản của Marx-Lênin nên đất nước bị chia hai.

– Thống nhất đất nước bằng bạo lực, gây ra cuộc chiến huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt.

– Ðấu tranh giai cấp, gây hận thù trong dân tộc, hủy hoại nền văn hóa thân ái, dung hòa của tổ tiên hàng mấy ngàn năm.

– Sau khi chiến thắng năm 75, Cộng sản bắt hàng trăm ngàn công chức, sỹ quan, quân đội Việt nam Cộng-hòa đi học tập cải tạo, tù đày, gây ra chết chóc đau thương, thù hận. Việc này, chúng ta nên nhìn xem cuộc nội chiến Hoa kỳ năm 1860, vì các trận đánh toàn chính quy nên hai bên chết rất nhiều, đến năm 1865 thì miền Bắc chiến thắng miền Nam. Binh sĩ miền Nam bại trận, bị giải giới, ai muốn về nhà với vợ con thì về, ai muốn tiếp tục đi lính thì gia nhập vào quân đội miền Bắc. Riêng sỹ quan miền Nam, vẫn tiếp tục được mang vũ khí và quân hàm như cũ. Không có tù đày, không có trại học tập cải tạo gì cả.

– Ðánh tư sản, quốc hữu hóa ruộng đất, độc tài độc đảng, làm cho dân chúng chịu không nổi, phải bỏ nước ra đi tìm tự do trong nguy hiểm phải chết rừng, chết biển, gây ra cảnh chia lìa, bơ vơ.

– Mới đây nhất, năm 2005, Nhà nước Việt nam còn yêu cầu các nước Malaysia và Indonesia đập phá mộ bia tưởng niệm những người đã hy sinh ngoài biển khơi khi liều chết đi tìm tự do ở các đảo Biđong và Galang, làm cho 3 triệu Việt kiều càng thất vọng, đau đớn, xót xa hơn. Những việc làm như vậy, khiến sự rạn nứt, chia rẽ dân tộc mỗi ngày mỗi cách xa. Người chết đã mất xác, những người thân, bạn bè may mắn còn sống vì thương xót, chỉ còn biết dựng tấm mộ bia để gọi là nhớ thương mà nhà nước Cộng sản cũng không tha, tìm cách đập phá cả những kỷ niệm, những tình cảm thiêng liêng cao quí nhất của con người như vậy, làm sao đoàn kết dân tộc được ? Vì vậy, cuối bản “Nhận định về những sai lầm tai hại của đảng Cộng-sản Việt-nam đối với Dân tộc và Phật giáo”, Hòa thượng Quảng-Ðộ mới than thở rằng :

Tây chẳng phải Tây Ðông chẳng Ðông,
Quỉ quái sanh ra lũ cuồng ngông,
Mồ mả tổ tiên cày xới hết,
Ðình chùa miếu mạo phá bằng không.
Ông bà xem nhẹ hơn con lợn,
Bố mẹ coi như khúc gỗ thông.
Phảng phất non sông hồn Lạc Việt,
Bốn nghìn tuổi sử, tủi hay không ?

Nói chung, Nhà nước Cộng sản đã làm mất đoàn kết dân tộc suốt 60 năm nay. Ðó là cái nạn, cái đau to lớn nhất của dân tộc Việt nam cho đến bây giờ.

Nhà nước lại dùng đòn độc để đánh phá Giáo-hội Phật giáo Việt-nam Thống nhất là gán cho Giáo-hội Phật giáo Việt-nam Thống nhất cái tội vu vơ là “làm chính trị”. Nhưng Phật giáo từ xưa đến nay không bao giờ tham gia vào chính trị. Ngay cả thời vàng son Ðinh, Lê, Lý, Trần, Phật giáo cũng không bao giờ nhận lãnh chức vụ gì của triều đình cả. Năm 1982, chính quyền bắt hai Hòa thượng Huyền Quang và Hòa thượng Quảng Ðộ đày ra miền Trung và miền Bắc, chùa Giác hoa cũng bị Công an vào làm việc và mời tôi, Thích Viên-Ðịnh, lên trụ sở quần thảo suốt cả tuần lễ. Chính quyền nói rằng chùa Giác hoa là cơ sở của HT Huyền Quang, là căn cứ của HT Quảng Ðộ. Vì HT Huyền-Quang là người Bình định cùng quê với tôi nên Ngài thường lui tới, còn HT Quảng Ðộ, ngày trước cũng ở Giác hoa. Chính quyền bắt tôi phải theo Giáo hội của Mặt trận và viết lại bảng chùa, phải đề sáu chữ “Giáo hội Phật giáo Việt nam”. Tôi đã trả lời rằng tôi không làm chính trị, nên tôi không thể gia nhập vào Giáo-hội Phật giáo Việt-nam của Mặt trận được. Mặt trận Tổ quốc là một tổ chức chính trị, công cụ của đảng Cộng sản, mà Giáo-hội Phật giáo Việt-nam là thành viên thì tôi không vào được. Tôi dẫn chứng Giáo hội của Mặt trận đưa người ra ứng cử dân biểu, hội đồng các cấp chính quyền, đó là làm chính trị nên họ đuối lý, không cãi được. Nhưng công an thì hết ngày này đến ngày khác, năm này đến năm khác bắt tôi phải đổi bảng chùa mà không thấy thầy nào của Giáo-hội Phật giáo Việt-nam đến yêu cầu tôi đổi bảng chùa cả, nên tôi hỏi : “Công an của Giáo hội hay Giáo hội của công an ?”, đây là việc riêng của Phật giáo, sao các anh lại chen vào. Và tôi vẫn không chịu đổi bảng chùa. Cả Sài gòn, có lẽ chỉ còn tấm bảng hiệu của chùa Giác hoa là vẫn được giữ nguyên như cũ.

Trong Thư Chúc Xuân đầu năm Ất Dậu, 2005, Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Thích Quảng-Ðộ, đã xác định rõ : “Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất và với tư cách là một tu sỹ, chúng tôi không làm chính trị nhưng chúng tôi phải có thái độ chính trị”. Vì là một công dân, nếu không có thái độ chính trị thì khi đi bầu cử, sẽ không biết lựa chọn giữa người độc tài, người tham nhũng, người hối lộ, người hách dịch, người quan liêu ta nên bầu ai ; bỏ ai, giữa đảng Cộng sản, đảng Cộng hòa ta nên chọn đảng nào.

Và nhất là, Hòa thượng đã kêu gọi Dân chủ đa nguyên cho Việt nam, tức là không bỏ ai, không chống ai, tả khuynh cũng được, hữu khuynh cũng được, trung dung cũng xong, ai cũng được dự phần, làm sao để dân tin tưởng, dồn phiếu cho mình là được. Còn Giáo-hội Phật giáo Việt-nam Thống nhất, như lời Ðức Tăng-Thống Thích Huyền-Quang đã tuyên bố tại Ðại hội Nguyên-Thiều hồi tháng 10 năm 2003 : Giáo hội không tranh giành chức vụ, quyền lợi gì của ai ở thế gian cả. Phật giáo chỉ vì hạnh phúc của dân tộc và nhân loại, đem đạo Giác ngộ và giải thoát đến với mọi người trên thế giới hầu mang lại cuộc sống an lạc cho toàn thể nhân loại, vì Phật giáo là đạo Hòa bình.

Thích Viên-Ðịnh
(Bài viết để kỷ niệm các Ban Ðại Diện đang phục hoạt)


Unicode


VNI


VPS


VIQR

Check Also

Bài 1: Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế trả lời chung về âm mưu phá hoại cuộc đấu tranh cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo của hai Dư Luận viên Thục Vũ — Ý Dân

  PARIS, ngày 9 tháng Giêng năm 2019 (PTTPGQT & VCHR) — Thời gian qua, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *