Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin PTTPGQT / Trong khi Công an “làm việc” với Ðức Tăng thống tại Tu viện Nguyên Thiều, hai Phái đoàn chư Tăng Saigon và Huế bị cấm không cho vào Bình Ðịnh chúc tuế Ðức Tăng thống – Nhiều chùa viện bị công an phong tỏa – Ðức Tăng thống viết thư chỉ thị công tác Phật sự cho Hòa thượng Thích Quảng Ðộ : “Chúng ta đừng lo. Chánh quyền nào cũng nói muôn năm nhưng có chánh quyền nào muôn năm đâu ? Còn Phật giáo đâu có nói muôn năm nhưng Phật giáo đã mấy ngàn năm rồi”

Trong khi Công an “làm việc” với Ðức Tăng thống tại Tu viện Nguyên Thiều, hai Phái đoàn chư Tăng Saigon và Huế bị cấm không cho vào Bình Ðịnh chúc tuế Ðức Tăng thống – Nhiều chùa viện bị công an phong tỏa – Ðức Tăng thống viết thư chỉ thị công tác Phật sự cho Hòa thượng Thích Quảng Ðộ : “Chúng ta đừng lo. Chánh quyền nào cũng nói muôn năm nhưng có chánh quyền nào muôn năm đâu ? Còn Phật giáo đâu có nói muôn năm nhưng Phật giáo đã mấy ngàn năm rồi”

Download PDF

Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế vừa nhận được khẩn điện từ Saigon, Bình Ðịnh, Huế cho biết tình trạng phong tỏa các chùa viện thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), cắt các đường dây điện thoại và ngăn cấm chư Tăng lên đường ra Bình Ðịnh vấn an Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang.

Từ nhiều thế kỷ qua, theo thông lệ, khi chư Tăng xuất hạ vào ngày Tự tứ rằm tháng bảy sau 3 tháng an cư, thì lên đường thăm viếng nhau, lạy Phật, lạy Tổ, đặc biệt đảnh lễ chư vị Trưởng lão tôn túc. Theo dự tính thì một phái đoàn chư Tăng ở Saigon do Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, cầm đầu cùng với chư Tôn túc thuộc Hội đồng Lưỡng viện, trong số này có các Thượng tọa Thích Viên Ðịnh, Phó Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Thích Không Tánh, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Từ thiện – Xã hội, Thượng tọa Thích Nguyên Thành, v.v… ra Bình Ðịnh đảnh lễ chúc tuế Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang. Nhưng công an thành phố Hồ Chí Minh đã ngăn cấm, thông báo qua các cuộc “làm việc” trước lễ Vu Lan. Lý lẽ công an đưa ra là “không nên đi Bình Ðịnh vì tình hình an ninh ngoài ấy không bảo đảm”, “ngoài Bình Ðịnh mưa bão dữ lắm”, “sẽ rất bất lợi cho bản thân người đi”, vân vân và vân vân… Mặt khác các ngôi chùa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở Saigon đều bị phong tỏa, canh gác cẩn mật từ một tuần lễ qua.

Tại Huế, một phái đoàn chư Tăng gồm 24 vị do Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, Chánh Ðại diện Giáo hội ở Thừa thiên – Huế kiêm Chánh Thư ký Viện Tăng thống, cầm đầu cũng bị công an ngăn chận không cho đi. Theo bản Tường thuật của Thượng tọa Thích Phước Viên, Chánh Thư ký Ban Ðại diện Thừa thiên – Huế kiêm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Giáo dục GHPGVNTN, viết ngày 22.8.2005 đệ trình Viện Hóa Ðạo và bản sao gửi sang Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế ở Paris, thì : “Ðể cho mọi việc êm xuôi, chư Tăng đã báo trước cho phía công an chính quyền biết về ngày giờ đi về (từ 3 giờ sáng đến khoảng 10 giờ tối cùng ngày 18.7 Ất Dậu (22.8.2005), số lượng người đi, số lượng xe thuê, theo như lời yêu cầu ông Ngô Yên Thi, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ đã nói, mặc dù việc đi lại thăm nhau trong ngày không có điều luật nào ngăn cấm hoặc bắt phải thông báo hay xin phép cả”.

Thế nhưng chuyện gì đã xảy ra tại Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 4 ngày sau khi Bộ Ngoại giao công bố trước báo chí truyền thông quốc tế và Ngoại giao đoàn Âu Mỹ Á Phi tại Hà Nội (hôm 18.8.2005) “Bạch thư Thành tựu bảo vệ và phát triển Quyền con người ở Việt Nam” ? Thượng tọa Thích Phước Viên cho biết :

“… Thực tế mọi việc diễn ra rất khác, rất phức tạp. Lúc đầu, công an chỉ nói là nên đi ít người. Chư Tăng bảo việc đi ít hay nhiều là tùy thuộc các vấn đề riêng của chúng tôi, nó không vi phạm điều gì trong luật lệ Nhà nước. Tiếp đến, công an nêu những suy nghĩ của phía họ như là đi đông để phô trương lực lượng. Chư Tăng bác bỏ luận điệu chụp mũ, thiếu chính xác này. Số lượng chúng tôi dự tính đi khoảng trên dưới 30 người làm gì mà gọi là phô trương lực lượng ? Rồi theo tin công an nhận được từ chính quyền Bình Ðịnh cho biết, ở đó hiện có lý do bất ổn về an ninh. Chư Tăng hoàn toàn không đồng ý về lý do vu vơ và củ rích đã diễn ra nhiều lần như thế ! Và cuối cùng họ nêu lên lý do rằng chư Tăng vào Bình Ðịnh để tham gia họp hành gì đó. Chư Tăng bác bỏ luận điệu này với lý do không nhận được một chỉ thị hay thông báo nào từ Viện Hóa Ðạo về việc họp hành cả”.

“Chư Tăng nói thẳng với phía cán bộ chính quyền rằng, chúng tôi thấy các vị đặt ra những lý do nầy kia, bất chấp sự thật, chỉ với mục đích duy nhất là để ngăn cản không cho chúng tôi đi. Tất nhiên, nếu quý vị ngăn cản, không cho thì trong trường hợp nầy, chúng tôi không thể đi được vì quyền lực nằm trong tay quý vị. Chỉ tiếc một điều là, con đi thăm cha, trò đi thăm thầy trong truyền thống đạo nghĩa của dân tộc đã diễn ra cả mấy ngàn năm, qua các triều đại thể chế chính trị khác nhau, chưa có lúc nào như bây giờ, bị ngăn cản một cách lắc lẻo, xảo quyệt”.

Ngoài lệnh cấm cản của công an, Phái đoàn chư Tăng Huế không thể lên đường mà theo bản Tường thuật còn vì hai lý do kỹ thuật : Một là thuê các xe tư nhân không có xe nào dám nhận đi. Thứ hai là, hợp đồng thuê xe ở bến phía nam của thành phố Huế ký kết hôm 21.8.05 với số tiền 5 triệu cho hai chiếc xe, mỗi chiếc 12 chỗ ngồi. Nhưng đến khoảng 22 giờ đêm 21.8, bên cho thuê xe thông báo là không đi được. Ai cũng hiểu vì lý do công an ra lệnh cấm.

Trong bản Tường thuật nói trên, Ban Ðại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Thừa thiên – Huế lên tiếng kêu gọi :

“Chúng tôi cực lực lên án hành động phi đạo đức, phi văn hóa, phi pháp luật của các cán bộ chính quyền các cấp nhằm phá hoại tình cảm tốt đẹp, lâu đời của những người Phật tử Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi tất cả những người Việt Nam có lòng trung thực, không nên vì bất cứ một lý do nào khác, hãy dám nhìn thẳng vào sự thật để cùng nhau góp sức hóa giải, giũ sạch những bất công phi lý cứ mãi đeo đẳng đè nặng trên vai của 80 triệu người dân vô tội”.

Trong khi tình hình căng thẳng và áp bức xẩy ra tại Saigon, thì ở Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Ðịnh, vào sáng ngày 18.8.2005, một phái đoàn gồm có Công an, Mặt trận Tổ quốc và Ban Tôn giáo tỉnh đến quấy nhiễu Ðức Ðệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang qua cung cách “làm việc” đầy áp lực và hăm dọa. Phái đoàn này không hiểu gì về truyền thống hiếu nghĩa của dân tộc Việt Nam qua Mùa Vu Lan, là Mùa Báo hiếu các bậc Tôn túc trưởng thượng hay Cha mẹ Ông bà, nên tỏ rõ thái độ ngăn cấm không cho các phái đoàn Phật giáo các tỉnh Huế, Ðà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên, Saigon, v.v… về đảnh lễ cùng vấn an Ðức Tăng thống sau ngày Rằm tháng Bảy. Trái lại công an cứ nằng nặc cố kết là sắp có Ðại hội Phật giáo tại Tu viện Nguyên Thiều như hai năm trước đây, nên “khuyên” Ðức Tăng thống đừng tiếp bất cứ ai, nhất là Hòa thượng Thích Quảng Ðộ.

Trước công luận quốc tế phản đối chính sách đàn áp tôn giáo của nhà cầm quyền Hà Nội, nhất là kể từ ngày Chính phủ Hoa Kỳ liệt kê Việt Nam vào danh sách 8 quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặt biệt quan tâm (CPC, Countries of particular concern), Hà Nội rất lo sợ Hoa Kỳ áp dụng Ðạo luật tự do tôn giáo trên thế giới để trừng phạt trên lĩnh vực kinh tế và tài chánh. Vì vậy thể thức đàn áp các tôn giáo nói chung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng, có thay nhưng không đổi. Thay vì bắt bỏ tù, thì quản chế khắt khe tại gia, thay vì cho tự do đi lại, thăm viếng, hành đạo như Hiến pháp quy định, thì cấm không được đi lại, không được thăm viếng, không được tự do tín ngưỡng, hành đạo, truyền pháp. Sự kiện vừa qua đối với các Giáo hội Tin Lành, Hòa Hảo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chứng minh chẳng có gì thay đổi, mà còn tinh vi nhưng thô bạo hơn.

Ðối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thì song song với những cấm cản mọi quyền tự do cơ bản, nhà cầm quyền đang mở một chiến dịch tiếp cận ve vãn, hứa hẹn với một số chư Tăng, dụ dỗ rằng “sẽ cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý, nếu chịu ly khai Ðức Tăng thống và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ ra khỏi Giáo hội”. Như vậy là sau khi chia rẽ khối Phật giáo dân tộc ra làm hai Giáo hội, một giáo hội công cụ năm 1981 ly khai Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Nay bước thêm bước nữa, là chia Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành hai khối kình nghịch để đẻ tiếp một Giáo hội công cụ thứ hai ; cứ như tằm ăn dâu.

Dã tâm này thấy rõ qua những thư rơi thư rớt nhằm vu cáo và mạ lỵ các nhân vật lãnh đạo Giáo hội do cục A16 của Bộ Công an chuyên biên soạn thông tin giả, tư liệu giả, hình ảnh giả rồi đặt vào miệng, vào bút của những tên “Phật tử” trá hình, nhằm lung lạc dư luận và làm công tác ly gián. Thâm hiểm hơn, công an phản gián và bọn đặc tình còn vuốt ve tự ái một số chư Tăng để kích tướng rằng “nên giả dại qua ải, thống nhất với Giáo hội Nhà nước hiện nay để bảo toàn chủ lực chờ ngày quật khởi” ! Chẳng khác chi những chiếc bánh vẽ, những giỏ cỏ treo trước hàm ngựa đói cho ngựa bước theo tìm cỏ. Cỏ chẳng thấy đâu, thân trâu ngựa hoàn thân trâu ngựa.

Sau cuộc “làm việc” với công an và Ban Tôn giáo Chính phủ hôm 18.8.2005, và thấy trước những đòn thâm độc của một chính sách nhà nước phi tôn giáo và phi dân tộc, Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang đã viết bức khẩn điện gửi Hòa thượng Thích Quảng Ðộ chỉ thị các công tác Phật sự. Nguyên văn bức thư căn dặn ấy như sau :

“Kính gửi Hòa Thượng Thích Quảng-Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo.

“Tôi gửi lời thăm Hòa thượng Viện trưởng, và thông báo cho Hòa thượng biết sáng nay, ngày 18/8/2005, Chánh quyền, Công an, Mặt trận, Ban Tôn giáo có đến Tu viện Nguyên Thiều nói rằng Hòa thượng Quảng Ðộ sắp ra đây đại hội nữa. Nhưng không được, vì Nhà nước không cho.

“Nay cũng sắp mãn nhiệm kỳ rồi (1), nhưng ở Tu viện Nguyên Thiều tổ chức không được thì chắc Sài gòn cũng không được.

“Vậy Hòa Thượng hãy tùy hoàn cảnh, điều kiện, mà thêm bớt, thay đổi, bổ sung, củng cố lại các thành viên trong Hội đồng Lưỡng viện sao cho phù hợp với tôn chỉ để bảo toàn Giáo hội là được, chứ hoàn cảnh bây giờ và nhiều năm sau này nữa cũng chưa tổ chức Ðại hội được đâu. Có lẽ hết đời mình cũng chưa Ðại hội được đâu.

“Nhưng chúng ta đừng lo. Chánh quyền nào cũng nói muôn năm nhưng có chánh quyền nào muôn năm đâu ? Còn Phật giáo đâu có nói muôn năm nhưng Phật giáo đã mấy ngàn năm rồi.

“Cầu chúc Hòa thượng và chư Tăng trong Hội đồng Lưỡng viện mạnh khỏe, Phật sự viên thành.

Nguyên Thiều ngày 18/8/2005
Huyền Quang”

(1) Chiếu điều 27 trong Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bản tu chỉnh ngày 12.12.1973 tại Ðại hội GHPGVNTN khóa 5, thì “Nhiệm kỳ của Viện Hóa Ðạo và các Ban Ðại diện là hai (2) năm”. Ban Chỉ đạo Viện Hóa Ðạo hiện nay được thỉnh cử tại Ðại hội Bất thường ở Tu viện Nguyên Thiều ngày 1.10.2003. (PTTPGQT chú).



Unicode


VNI


VPS


VIQR

Check Also

Bài 1: Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế trả lời chung về âm mưu phá hoại cuộc đấu tranh cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo của hai Dư Luận viên Thục Vũ — Ý Dân

  PARIS, ngày 9 tháng Giêng năm 2019 (PTTPGQT & VCHR) — Thời gian qua, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *