Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin UBBVQLNVN / Ông Võ Văn Ái bình luận Sách Trắng về Nhân quyền mà Hà Nội vừa cho công bố

Ông Võ Văn Ái bình luận Sách Trắng về Nhân quyền mà Hà Nội vừa cho công bố

Download PDF

PARIS – Ngày 18.8 vừa qua, Bộ Ngoại giao CHXHCNVN vừa công bố cho báo chí truyền thông quốc tế và các Ngoại giao đoàn Âu Mỹ có nhiệm sở tại Hà Nội tập Sách Trắng về Nhân quyền gọi là “Thành tựu bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam”. Các hãng thông tấn quốc tế tại Hà Nội đã gọi sang Paris xin ông Võ Văn Ái bình luận cuốn Sách Trắng. Thế nhưng, suốt trong hai ngày 18 và 19.8 đường dây điện thoại từ Hà Nội sang văn phòng Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam có trụ sở ở Paris đã bị cắt. Vô phương liên lạc. Ðến ngày thứ ba, khi các hãng thông tấn nói lên sự ngạc nhiên này, thì chúng tôi mới biết sự kiện ngăn cản và kiểm duyệt đường dây như thế đối với tiếng nói của một người đấu tranh cho nhân quyền trên thế giới suốt 30 năm qua.

Ðài Phật giáo Việt Nam chương trình phát thanh về trong nước hôm thứ sáu 26.8.2005 đã phỏng vấn ông Võ Văn Ái về cuốn Sách Trắng này. Dưới đây chúng tôi xin ghi lại cuộc phỏng vấn ấy để cống hiến quý độc giả về lập trường nhân quyền của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, một tổ chức Nhân quyền Việt Nam ra đời sớm nhất tại Paris từ cuối năm 1975, và là tổ chức nhân quyền duy nhất của người Việt có quyền phát biểu thường niên tại Ủy ban Nhân quyền LHQ kể từ năm 1979 cho đến hôm nay :

Phóng viên Ðài Phật giáo Việt Nam : Thưa ông Võ Văn Ái, lần đầu tiên Nhà cầm quyền Hà Nội công bố hôm 18.8 vừa qua tập Sách Trắng, hay Bạch Thư, nêu rõ các “Thành tựu bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam”. Ông nghĩ sao về việc này, hoặc nguyên cớ nào khiến Hà Nội công bố Sách Trắng trên phạm vi quốc tế thưa ông ?

Võ Văn Ái : Tôi nghĩ rằng đề cập đến nhân quyền là việc tốt. Tuy nhiên điều cơ bản cần xác định là nhân quyền cho ai và nhân quyền để làm gì ? Cho nên vấn đề mấu chốt là tìm hiểu cho ra động cơ nào khiến nhà cầm quyền Hà Nội công bố Sách Trắng về nhân quyền sau 50 năm cai trị miền Bắc cũ và sau 30 năm cai trị miền Nam cũ. Chúng ta sẽ rất hoan nghênh, nếu tập Sách Trắng này là cuộc tự vấn lương tâm của CHXHCNVN làm bàn đạp cho sự cải tiến chính sách nhân quyền nói chung và tôn giáo nói riêng. Nhưng tập sách Trắng không đáp ứng nhu cầu thiết yếu mà toàn dân đang đòi hỏi. Vì mục tiêu chỉ nhắm tuyên truyền dối gạt công luận thế giới đang xỉ vả Hà Nội đàn áp nhân quyền và tôn giáo.

Phóng viên : Vậy thì động cơ ra đời Sách Trắng đến từ đâu ?

Võ Văn Ái : Ðộng cơ ra đời của Sách Trắng đã được báo hiệu qua cuộc phỏng vấn ông Vũ Mão, Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại của Quốc hội, trên báo Ðiện tử VietnamNet hôm 28.3.2005. Sau chuyến công du thất bại hồi tháng giêng năm nay tại 4 nước Tây Âu và Quốc hội Châu Âu của Phái đoàn Quốc hội do ông Chủ tịch Nguyễn Văn An cầm đầu, ông Vũ Mão trả lời câu hỏi của VietnamNet “Vì sao có tình trạng nước bạn, cụ thể là Uỷ ban Ðối ngoại Hạ viện Italy, không hiểu rõ về tình hình tôn giáo của chúng ta, thưa ông ?”. Ông Vũ Mão đáp (tôi xin trích nguyên văn như sau) :

“Phải nói là thông tin về Việt Nam nói chung và thông tin về những vấn đề ‘nhạy cảm’ của ta đưa tới nước ngoài rất ít. Ðó không chỉ là nhược điểm mà là vấn đề đặt ra cho chúng ta phải tổ chức thông tin đối ngoại như thế nào ? (…) Cứ tưởng người ta biết Việt Nam như mình biết, hoặc ít nhất 50%. Nhưng người ta chỉ biết 10%, thậm chí… 1%. Trong khi đó, một số phương tiện truyền thông quốc tế muốn nói xấu Việt Nam, chỉ trích Việt Nam về nhân quyền, tôn giáo thì họ tập trung vào, moi móc, phối hợp chặt chẽ với số ít người Việt ở nước ngoài không thiện chí với Tổ quốc. Ðơn cử, năm ngoái tôi có gặp ông Chủ tịch Uỷ ban Ðối ngoại Hạ viện Italy. Ông ta cầm trong tay một tập rất dày những tài liệu của Ksor Kok, của Võ Văn Ái… Tôi nói tài liệu đó không đúng sự thật ! Nhưng ông ta yêu cầu cung cấp tài liệu thì mình chỉ nói cho họ hiểu thôi còn tài liệu thông tin thì rất ít ỏi ! Cho nên đặt ra vấn đề mình cung cấp tài liệu như thế nào ? Ðây là trách nhiệm của ai ? Tôi nghĩ có phần trách nhiệm của cơ quan Quốc hội, mà cụ thể là Uỷ ban Ðối ngoại của Quốc hội, Trung tâm Thông tin của Văn phòng Quốc hội. Làm sao chúng ta có thông tin đến tận tay, không phải tất cả các nghị sỹ trên thế giới, mà đến các nghị sỹ quan tâm đến Việt Nam. Việc này tôi đã có kiến nghị nhưng chưa được mấy ai quan tâm ( ?!)” (Hết lời dẫn).

Như vậy thì Sách Trắng không nhắm bênh vực nhân quyền cho người công dân, mà chỉ nhắm hai mục tiêu. Mục tiêu thứ nhất, vụ tuyên truyền để lường gạt công luận thế giới và các chính quyền Âu Mỹ cũng như LHQ. Mục tiêu thứ hai là phản chống một cách yếu ớt, thiếu thông minh trước những tài liệu nhân quyền do Cơ sở Quê Mẹ và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam cung cấp trong toàn thế giới từ gần 30 năm qua. Tôi nói thiếu thông minh là vì Hà Nội không dám trả lời những sự kiện chính xác do chúng tôi nêu lên, mà chỉ nói bâng quơ, võ đoán bằng thứ ngôn ngữ của con gà tre, chỉ biết thổi một điệu te te…

Phóng viên : Nếu phải đi sâu vào nội dung của tập Sách Trắng, nếu phải kể lại cho những ai không am tường vấn đề, hoặc chưa đọc Sách Trắng, thì ông nhận xét ra sao ?

Võ Văn Ái : Về hình thức, thì tập Sách Trắng dày 25 trang khổ A4, gồm có 4 chương. Chương 1 nói về quan điểm và chính sách nhân quyền của Hà Nội. Chương 2 nói về những thành tựu trong việc thực hiện và phát triển nhân quyền trên các lĩnh vực dân sự và chính trị, quyền bầu cử và ứng cử, quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin, quyền tự do hội họp, lập hội, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, quyền bình đẳng cho dân tộc ít người, quyền tôn trọng nhân phẩm và bất khả xâm phạm thân thể, quyền tự do đi lại và cư trú, quyền y tế, quyền xã hội, quyền phụ nữ, quyền người già, quyền trẻ em, quyền người tàn tật, vân vân và vân vân… Chương 3 nói về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo đảm và phát triển nhân quyền. Chương 4 tố cáo những luận điệu vu cáo về nhân quyền tại Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng thính giả trong nước nghe những quyền Hà Nội trưng dẫn trên đây và cả gan nói họ đã thi hành, thì 10 người nghe dễ cũng đến 20 người phì cười cho luận điệu hoang tưởng nhà nước, một thứ huyền thoại thời tiền sử.

Tôi tiếc cho Hà Nội tốn công, tốn tiền làm ra tập Sách Trắng vô duyên như thế. Lẽ ra họ chỉ cần in lại bản Hiến pháp hiện nay để phân phát là quá đủ, dù chẳng thuyết phục được ai. Có quyền gì mà không đề cao trong bản Hiến pháp của họ đâu ? Thế nhưng chẳng có quyền nào được tôn trọng và thi hành trong thực tế, trong đời sống người dân thường ngày. Nhà cầm quyền Hà Nội đã làm một việc lố bịch, chọc cười thiên hạ mà thôi. Vì vậy, nói cho chính danh, thì đây không phải là Sách Trắng về Nhân quyền tại Việt Nam mà là SÁCH ÐÁNH NHÂN QUYỀN TẠI VIỆT NAM !

Phóng viên : Ông vừa trình bày nội dung của Sách Trắng, nhưng có lẽ quý thính giả muốn nghe ông nói về nội dung nhân quyền mà Sách Trắng không nói đến, ông nghĩ sao về việc này, thưa ông ?

Võ Văn Ái : Nói hết sẽ rất dài. Vậy tôi xin tóm tắt vào một số nội dung tiêu biểu của nhân quyền vốn đã được tôn trọng tại nước ta trong quá khứ lịch sử. Về pháp luật, thì Việt Nam là nước tôn trọng pháp quyền từ 2000 năm rồi. Từ thời Hai Bà Trưng, nước ta đã có luật, sách Hậu Hán thư của Tàu viết về thời Mã Viện đến nước ta, thì : “Luật của người Việt so sánh với luật Hán hơn mười điều”. Vừa lên ngôi được 5 năm, vua Trần đầu tiên là Trần Thái Tông đã cho soạn Quốc triều Thông chế hay còn gọi là Quốc triều Hình luật. Rồi đến thời Trần Dụ Tông vua sai Trương Hán Siêu soạn bộ Hoàng triều Ðại điển và khảo soạn bộ Hình Thư để ban hành.

Dưới thời Lê có bộ Quốc triều hình luật nổi tiếng. Ngay giáo sư Olivier Oldman thuộc Ðại học Havard nổi danh Hoa Kỳ cũng đã phải công nhận rằng dưới thời Lê : “Việc xây dựng một nhà nước dân tộc mạnh với sự bảo hộ cho những quyền tư hữu hợp pháp bằng hệ thống luật pháp tiến bộ so với những quan niệm pháp luật phương Tây cận đại”.

Tôi đơn cử ba ví dụ để so sánh luật Việt Nam dưới thời vua chúa “phong kiến”, nói theo ngôn ngữ mác-xít, với luật dưới triều đại Hồ Chí Minh gọi là thời của “đỉnh cao trí tuệ”. Trong bộ luật thời Lê, ở điều 2 về Thập ác, tức 10 điều ác, thì tiết 1 về tội mưu phản, gọi là mưu mô làm nguy đến xã tắc, tiết 3 về tội mưu chống đối, tức mưu phản nước theo giặc. Ta thấy rõ luật pháp ở thời Lê liên hệ đến xã tắc, tức quốc gia, dân tộc, liên hệ đến việc giữ nước chống ngoại xâm. Còn thời nay, các tội ấy liên quan riêng chế độ XHCN và Ðảng cộng sản, chứ chẳng liên quan chi đến đất nước. Người dân bị trừng phạt ngày nay là những người có quyết tâm bảo vệ xã tắc và dân tộc, bảo vệ Tổ Hồng Bàng, nhưng không chịu thờ lạy ông Mác, ông Mao, ông Lênin.

Ðiều 3 trong Quốc triều hình luật thời Lê quy định 8 trường hợp được giảm tội, gọi là Bát nghị, thì có 3 trường hợp giảm tội cho những người có đức hạnh lớn, gọi là Nghị hiền ; những người có tài năng lớn, gọi là Nghị năng ; và những người cần cù, chăm chỉ, gọi là Nghị cần. Còn ngày nay, dưới chế độ Cộng sản, thì pháp luật bỏ tù, hành hạ, ngược đãi tất cả các hiền nhân lãnh đạo tôn giáo, các nhà trí thức, chuyên gia, các nông dân, nghệ nhân, không phân biệt ai. Cộng sản không cần người hiền, người tài, người cần cù cho tổ quốc, họ chỉ cần những tên nô lệ gọi dạ bảo vâng.

Ðiều 16 trong Quốc triều hình luật thời Lê, thì những người từ 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống cùng những người phế tật đều được giảm khinh, cho phép chuộc tiền để thay tội ; từ 80 tuổi trở lên, 10 tuổi trở xuống mắc tội chết thì phải tâu vua xét lại ; từ 90 tuổi trở lên, 7 tuổi trở xuống có bị tội chết cũng không hành hình, đặc cách không thích vào mặt. Còn ngày nay dưới thời đại nhà Hồ, thì già đến 90 tuổi, 80 tuổi, 70 tuổi, trẻ đến 15 tuổi, 10 tuổi, 7 tuổi đều bị trừng trị không nương tay, và ở tù tới mút mùa. Sau 26 năm tù đày, đầu năm nay được trả tự do, Thượng tọa Thích Thiện Minh tiết lộ việc những người già, bệnh, run rẩy 70, 80 tuổi đang chết mòn trong trại Xuân Lộc tỉnh Ðồng Nai. Còn thiếu nhi, từ bé sơ sinh đến 9, 10 tuổi đầy dẫy trong các Trại Cải tạo.

Ðấy, nội dung nhân quyền giữa một chính quyền dân tộc và một chính quyền ngoại lai mác-xít là như thế.

Phóng viên : Trên kia ông có trình bày các chương trong Sách Trắng, và cho biết Chương 4 tố cáo những luận điệu vu cáo về nhân quyền tại Việt Nam. Xin ông cho biết những luận điệu ấy đến từ đâu ?

Võ Văn Ái : Có hai tổ chức được nêu danh và khai triển để bôi nhọ và vu cáo. Thứ nhất là, tôi xin trích nguyên văn : “Quỹ Người Thượng” do Ksor Kok cầm đầu dưới sự bảo trợ của cái gọi là Tổ chức Ðảng Cấp tiến Xuyên Quốc gia. Tổ chức “Quỹ Người Thượng” thực chất tập hợp một số tàn quân của Fulro chạy sang Mỹ (…) tìm mọi cách gây chia rẽ, phá hoại đoàn kết dân tộc, kích động bạo loạn… mà các vụ biểu tình, bạo loạn tại Tây nguyên năm 2001 và 2004 là biểu hiện”.

Còn tổ chức thứ hai, Sách Trắng viết như sau : “Tổ chức Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam” do Võ Văn Ái là chủ tịch, tập hợp một số phần tử cay cú trước thất bại của chúng tại miền Nam Việt Nam năm 1975 đã ra sức chống phá, bôi nhọ hình ảnh của chính nước mình. Lợi dụng danh nghĩa Phó Chủ tịch Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), một tổ chức phi chính phủ quốc tế có quy chế tư vấn tại LHQ, Võ Văn Ái liên tục chống Việt Nam tại khóa họp của Ủy ban Nhân quyền LHQ”.

Phóng viên : Ông nghĩ sao về sự vu cáo như thế ?

Võ Văn Ái : Ðã là vu cáo, thì mình còn nghĩ gì được nữa ! Một anh chuyên mổ bò, mổ lợn, giết người, lại đi nói chuyện của người thợ bạc xem ra bất tiện quá. Tôi biết tổ chức của chúng tôi, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, là cái gai mà Hà Nội không sao nhổ nổi, nên thay vì phục thiện, lắng nghe phê bình để thay đổi chính sách bất cận nhân tình của họ, thì họ lại oán hận đến phải ngậm máu phun người.

Chuyện lạ lùng và chẳng văn minh tí nào, là suốt ngày 18.8 khi Hà Nội công bố Sách Trắng và cho đến ngày hôm sau, đường dây điện thoại đến văn phòng Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam ở Paris bị Hà Nội phong tỏa. Các ký giả của các hãng thông tấn quốc tế như AP, DPA, v.v… đã không thể gọi sang Paris xin tôi bình luận về Sách Trắng, vì lẽ tôi là người hoạt động lâu năm cho nhân quyền Việt Nam, tổ chức nhân quyền của chúng tôi ra đời sớm nhất, từ cuối năm 1975 tại Paris, và là tổ chức nhân quyền duy nhất của người Việt có quyền phát biểu thường niên tại LHQ kể từ năm 1979. Mặt khác tôi là người được Hà Nội nêu đích danh để vu cáo tại chương 4 của Sách Trắng. Mãi đến 3 ngày sau, tôi mới biết việc này, khi dường dây Hà Nội – Paris được nối lại, lúc ấy đã quá trễ cho những lời bình luận.

Ðấy, sự kiểm duyệt tôi quả là quy mô, không riêng gì ở quốc nội mà vượt biên đến năm châu !

Nhân đây, tôi muốn thương xác với các ông lãnh đạo ở Hà Nội về lĩnh vực tu từ, để họ tránh tái phạm khi viết lách như đã viết lách ở Chương 4 trong Sách Trắng. Mấy mươi năm qua, trên các diễn đàn quốc tế, truyền thanh, truyền hình, báo chí Âu, Mỹ, Á, Phi, tôi chưa bao giờ “chống phá, bôi nhọ hình ảnh của chính nước mình”, tôi chưa bao giờ “liên tục chống Việt Nam tại khóa họp của Ủy ban Nhân quyền LHQ”. Mãi mãi, tôi chỉ tố cáo các vi phạm nhân quyền và dân chủ của Ðảng Cộng sản Việt Nam, của chế độ Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tôi sử dụng quyền tự do ngôn luận của một công dân có trách vụ với tổ quốc. Tôi cũng như 80 triệu dân Việt đâu có được tự do bầu cử, chúng tôi chưa một lần nào bỏ phiếu cho Ðảng Cộng sản và chế độ Xã hội Chủ nghĩa. Các ông đâu có lãnh đạo dân Việt Nam và nước Việt Nam ?! Nhờ cướp đêm rồi lại cướp ngày mà các ông nắm quyền ngồi trên đầu dân. Có ai công nhận các ông đâu !

Phóng viên : Thế thì, dù có Sách Trắng về Nhân quyền, ta vẫn có thể kết luận rằng nhà cầm quyền Hà Nội đang tiếp diễn vi phạm nhân quyền trầm trọng phải không thưa ông ?

Võ Văn Ái : Hiển nhiên, hiển nhiên… Ngoài việc nhà cầm quyền Hà Nội vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và quy mô đối với 80 triệu dân trong nước, mà Hà Nội còn vi phạm nhân quyền đối với LHQ mà Việt Nam là quốc gia thành viên. Từ khi gia nhập LHQ đến nay, Hà Nội đã tham gia ký kết 11 Công ước và Tuyên ngôn nhân quyền. Ðặc biệt là “Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị” tham gia ký kết từ năm 1982. Từ đó đến nay, 23 năm trôi qua, Hà Nội đã vi phạm mấy triệu lần 53 điều trong Công ước này đối với 80 triệu dân Việt Nam ? Hà Nội cũng đã trốn tránh nhiệm vụ của một thành viên LHQ. Các thành viên LHQ có bổn phận phải phúc trình việc thi hành các Công ước ký kết, mỗi 2 năm một lần, trước Hội đồng Nhân quyền LHQ. Từ 1982 đến nay, Hà Nội mới đến Genève phúc trình 2 lần trong 23 năm qua mà thôi, thay vì phải đến phúc trình 11 lần.

Mặt khác, trách vụ của các quốc gia thành viên LHQ là phải tiếp đón các Báo cáo viên đặc nhiệm LHQ đến nước mình điều tra các lĩnh vực vi phạm nhân quyền và tôn giáo mỗi khi có khuyến cáo nghiêm trọng. Năm 1994, Hà Nội chấp nhận cho ông Louis Joinet, Chủ tịch Tổ Hành động chống bắt bớ trái phép của LHQ về điều tra các nhà tù, trại cải tạo, và hệ thống pháp luật đối với tù nhân chính trị. Năm 1998, Hà Nội phải để cho ông Abdelfattah Amor, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về Bất bao dung tôn giáo, đến Việt Nam điều tra sự trạng đàn áp các tôn giáo tại Việt Nam. Dù rằng công an ngăn không cho ông Abdelfattah Amor vào Thanh Minh Thiền viện gặp Hòa thượng Thích Quảng Ðộ và ra Quảng Ngãi gặp Hòa thượng Thích Huyền Quang. Thế nhưng, sau khi hai ông đọc những bản phúc trình tố cáo các luật pháp Việt Nam bất minh và đàn áp tại hai khóa họp Ủy ban Nhân quyền LHQ ở Genève đầu năm 1995 và đầu năm1999 và yêu cầu được trở lại tiếp tục điều tra tình trạng nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam, thì Hà Nội phản ứng gay gắt qua lời tuyên bố của ông Lê Sĩ Vương Hà, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao, hôm 18.3.1999, rằng : “Việt Nam sẽ không chấp nhận bất cứ cá nhân hay tổ chức nào đòi đến nước ta điều tra về nhân quyền và tôn giáo !”.

Ðó là những vi phạm trầm trọng trên phạm vi quốc tế. Nói lời rồi lại nuốt lời, là chính sách “nhân quyền” cố hữu của Hà Nội.

Chẳng những vi phạm mà còn phá hoại Nhân quyền trên thế giới qua động thái cấu kết với 17 quốc gia độc tài, quân phiệt, phát xít, như Bắc Hàn, Cuba, Trung quốc, Syrie, Miến Ðiện, v.v… trong cái nhóm ở LHQ gọi là “Like Minded Group” mà tôi dịch là Nhóm “Ngưu tầm ngưu” để chống phá, ngăn cản các lời phát biểu vạch trần những vi phạm nhân quyền trên thế giới tại các khóa họp nhân quyền thường niên của Ủy ban Nhân quyền LHQ.

Phóng viên : Thưa ông Võ Văn Ái, nếu phải định nghĩa nhân quyền hay quyền con người, chỉ trong một câu thôi, thì câu ấy ông sẽ nói như thế nào ?

Võ Văn Ái : Tôi sẽ nói : Nhân quyền là tranh thủ quyền Người, tuyên dương quyền Sống và thiết lập quyền Dân.

Phóng viên : Xin cám ơn ông Võ Văn Ái và xin hẹn quý thính giả Ðài Phật giáo Việt Nam vào Câu chuyện cuối tuần, thứ Sáu tuần sau cũng vào giờ này.



Unicode


VNI


VPS


VIQR

Check Also

VCHR và FIDH đệ trình báo cáo chung đến LHQ cho Kỳ Kiểm Điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam

PARIS, ngày 11 tháng 10 năm 2023 (VCHR) : Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *