Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin PTTPGQT / Bí ẩn suốt 2 năm qua nay mới tiết lộ qua cuộc điện đàm từ Saigon: thầy Thích Trí Lực kể rõ việc Công an Kampuchia hợp đồng với Công an Việt Nam bắt cóc thầy tại Nam Vang sau khi được Cao ủy Tị nạn LHQ bảo vệ quyền tị nạn chính trị

Bí ẩn suốt 2 năm qua nay mới tiết lộ qua cuộc điện đàm từ Saigon: thầy Thích Trí Lực kể rõ việc Công an Kampuchia hợp đồng với Công an Việt Nam bắt cóc thầy tại Nam Vang sau khi được Cao ủy Tị nạn LHQ bảo vệ quyền tị nạn chính trị

Download PDF

Trường hợp của ông Phạm Văn Tưởng, cựu Tăng sĩ Thích Trí Lực, khá đặc biệt. Vì vậy mà 5 ngày sau phiên xử, Ðại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã lên tiếng đòi trả tự do và giao trả ông Phạm Văn Tưởng cho Cao ủy Tị nạn LHQ, là cơ quan đã cấp thẻ tị nạn và bảo vệ quyền tị nạn chính trị của ông tại Cam Bốt kể từ ngày 28 tháng 6 năm 2002, một tháng trước ngày ông bị bắt cóc đưa về Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Anh quốc cũng lên tiếng bênh vực tương tự cho ông.

Trong một phiên xử kín, kéo dài một giờ đồng hồ, và không có luật sư biện hộ hôm 12 tháng 3 vừa qua, ông Phạm Văn Tưởng, thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bị tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kết án 20 tháng tù vì tội “trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân”.

Gần hai năm qua, chẳng ai biết số phận ông sống chết như thế nào.

Ngày Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế có trụ sở tại Paris báo động việc Tăng sĩ Thích Trí Lực bị cơ quan mật vụ Việt Nam bắt cóc tại Nam vang đêm 25 tháng 7 năm 2002, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam liền bác bỏ bản tin và tố cáo Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế “vu khống bỉ ổi”. Thế nhưng sang năm 2003, khi Phòng loan báo nơi giam giữ ông tại Bộ Công an đường Nguyễn Văn Cừ, Saigon, và sẽ đem ra xét xử vào ngày 1 tháng 8, thì người phát ngôn Bộ Ngoại giao lại nhấn mạnh rằng ông “bị bắt hôm 26 tháng 7 năm 2002 tại cửa khẩu Tây Ninh trên đường tìm cách vượt biên”.

Kết án 20 tháng tù hôm 12 tháng 3, là ngày ông đã trải qua 19 tháng và 15 ngày trong tù. Vì vậy, đến ngày 26 tháng 3 là ngày ông mãn án và được trả tự do lúc 17 giờ chiều. Sau khi ra tù, ông đã có cuộc điện đàm với ông Võ Văn Ái qua đường dây viễn liên Paris – Saigon, tiết lộ toàn bộ sự thật bị bưng bít, giấu kín suốt 20 tháng qua.

Vào cuối tháng 7.2002, khi nghe tin ông bị bắt cóc tại Nam Vang, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam tức khắc báo động dư luận thế giới và các chính phủ. Các tổ chức nhân quyền quốc tế, như Ân Xá Quốc tế, Human Rights Watch và Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền hưởng ứng lời kêu gọi đồng loạt lên tiếng tố cáo. Trước sự lên tiếng chất vấn của 22 Dân biểu và Thượng Nghị sĩ tại Quốc hội Cam Bốt, chính quyền ông Hun Sen trả lời không hay biết vụ bắt cóc ; không những chối bỏ, nhà cầm quyền Hà Nội còn tố cáo Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế “vu khống bỉ ổi”. Chúng tôi đã lập tức viết văn thư và trưng dẫn nhiều chứng liệu gửi Cao ủy Tị Nạn LHQ yêu cầu can thiệp với nhà cầm quyền Hà Nội. Và hôm nay thì sự thật đã được phơi bày y như lời báo động hai năm trước của chúng tôi.

Tuyên bố với báo chí tại Paris, ông Võ Văn Ái, Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, nói : “Qua cuộc điện đàm với tôi, nhân chứng Phạm Văn Tưởng, tức Thích Trí Lực, cho thấy rõ ràng là Hà Nội đã sắp đặt và chủ mưu trong việc bắt cóc và cưỡng bức hồi hương nhằm ngăn chặn một tiếng nói phát ngôn cho sự thực về các cuộc đàn áp tôn giáo và chính trị tại Việt Nam. Hai chính quyền Việt Nam và Cam Bốt phải gánh chịu trách nhiệm về hành động phi pháp này. Là quốc gia ký kết Công ước LHQ về quyền tị nạn chính trị, Cam Bốt có nghĩa vụ bảo vệ an ninh cho người tị nạn chính trị trên lãnh thổ của mình. Là quốc gia thành viên của LHQ, Việt Nam phải bảo vệ quyền của người tị nạn được LHQ công nhận. Việt Nam phải tức khắc để cho Cao ủy Tị nạn LHQ đến thăm viếng ông Phạm Văn Tưởng, đặt sinh mệnh ông dưới quyền bảo vệ của LHQ cũng như cam kết tôn trọng quyền tị nạn của ông Tưởng”.

Ông Tưởng cho ông Ái biết việc xả giới tỳ kheo (bỏ đời sống Tăng sĩ) của ông là do hoàn cảnh thúc bách và công an sách nhiễu vô cùng khắc nghiệt sau khi ông ra tù năm 1997, kéo dài suốt 5 năm quản chế. Ông bị áp lực đuổi ra khỏi chùa Pháp Vân ở quận Tân Bình, Saigon, là nơi chỉ định quản chế. Bao nhiêu lần ông viết đơn xin công an can thiệp nhưng chẳng được xử lý, xin trở về chùa Hoa Nghiêm nơi trụ trì thuở trước cũng không được phép. Ông phải sống đời tha phương cầu thực, nay ở gia đình này mai gia đình khác. Năm 2001, ông lánh về Huế mong được nương tựa nơi ông tu học và xuất thân từ năm 10 tuổi ở chùa Linh Mụ. Nhưng công an lùng xục tìm bắt, đêm đêm vào kiểm tra hộ khẩu. Ông đành rời Linh Mụ sang chùa Diệu Ðế rồi chùa Nam Phổ… Không đâu tìm ra chốn dung thân. Vì vậy ông đã xin làm lễ xả giới, ra sống đời cư sĩ. Cuối cùng tìm đường lánh nạn sang Cam Bốt vào trung tuần tháng 4.2002.

Cuộc phỏng vấn sau đây của Nhà văn Ỷ Lan dù chớp nhoáng vẫn nói lên đầy đủ sự thật mà nhà cầm quyền Cộng sản che giấu, bưng bít suốt 20 tháng. Qua những lời tiết lộ và trần tình, chân dung một chế độ độc tài, áp bức, lăng nhục con người, khinh thường luật pháp và các công ước quốc tế được vẽ lên như nguyên mẫu.

Ỷ Lan : Xin chào thầy Trí Lực. Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế cho biết thầy vừa được trả tự do. Xin thầy xác nhận việc này và cho biết được trả tự do từ lúc nào ? và trong điều kiện nào ?

Trí Lực : Dạ tôi được trả tự do vào ngày 26.3.2004, trong điều kiện là đã trải qua đúng 20 tháng tù giam, cũng đúng như bản án mà tòa án thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên vào ngày 12.3.2004 vừa rồi, và ngày 26.3 là ngày mãn án của tôi.

Ỷ Lan : Khi tin thầy bị bắt cóc tại Nam Vang giữa năm 2002 loan tải, thì người phát ngôn Bộ Ngoại giao tuyên bố không biết gì về tin này. Sang tháng 8 năm 2003, khi tin thầy sẽ được đưa ra xét xử tại thành phố Hồ Chí Minh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao lại xác nhận là bắt thầy tại cửa khẩu Tây Ninh lúc thầy tìm cách vượt biên. Xin thầy cho biết sự thật như thế nào ?

Trí Lực : Tôi bị bắt vào khoảng lúc 19 giờ ngày 25.7.2002 trong thời điểm là ra chợ mua cơm dùng buổi chiều. Ðang lúc mua cơm có một người đến sau lưng tôi và một người trước mặt. Một người đẩy tôi đi tới và một người lôi kéo tôi lên xe đậu sẵn bên lề đường. Vừa bước chân lên xe, thì họ đã còng tay tôi và các người ngồi phía sau xe đã vươn tới đánh đập tôi trong xe. Một người ngồi bên cạnh tôi đã siết cổ tôi đến nỗi tôi nghẹt thở và tôi kêu cứu với người nói tiếng Việt, tôi biết là người Việt Nam vì người đó nói tiếng Việt sành sỏi như tiếng mẹ đẻ. Tôi nói : Xin ông nói với ông này đừng siết cổ tôi nữa, vì tôi nghẹt thở quá. Nhưng ông ta vẫn im lặng, không có lời can gián người kia đừng siết cổ tôi. Tôi bị siết cổ khoảng… xe chạy vòng thành phố Phnom Penh. Trên xe tôi hết sức là nghẹt thở và tôi tưởng như tôi bị bất tỉnh, nhưng cuối cùng tôi vẫn cưỡng lại được, và họ đưa tôi vào trại giam của một đồn công an Kampuchia. Tôi ở đó một đêm. Khoảng 4 giờ rưởi sáng ngày 26.7.2002, thì cùng chiếc xe mà bắt tôi vào tối hôm qua đưa tôi về cửa khẩu Mộc bài, tỉnh Tây Ninh và bàn giao cho các viên chức của công an Việt Nam đang chờ sẵn ở biên giới và đưa lên xe chở tôi về thẳng B34 của Bộ công an tọa lạc tại 237, Nguyễn Văn Cừ, Quận nhất, thành phố Hồ Chí Minh.

Ỷ Lan : Suốt thời gian giam giữ này, thầy có được tiếp xúc với thân nhân, gia đình không thưa thầy ?

Trí Lực : Dạ, mặc dầu 8 tháng sau khi tôi bị bắt, là tôi đã có kết luận điều tra cáo trạng và quyết định đưa ra xét xử vào ngày 25.7.2003. Nhưng thời điểm đó tôi vẫn chưa gặp được thân nhân. Bẵng cho đến ngày 22.8.2003 họ mới cho tôi gặp thân nhân và sau đó mỗi tháng tôi đều được gặp.

Ỷ Lan : Thầy có thông báo cho công an biết là thầy đã được Cao ủy Tị nạn LHQ ở Nam Vang cấp thẻ tị nạn và bảo vệ quyền tị nạn chính trị của thầy tại Cam Bốt không ?

Trí Lực : Dạ chính khi bị bắt lên xe thì công an Kampuchia đã ngồi sau rút trong túi tôi cái thẻ tị nạn. Và khi về đến phường Nguyễn Cư Trinh, quận Nhất, như hồi nãy tôi nói đó, khi đưa tôi về lập biên bản, thì tôi mới biết là thẻ tị nạn bên Kampuchia đã bàn giao cho bên Việt Nam. Tại biên bản đó có ghi rõ là họ có thu giữ của tôi một thẻ tị nạn của Cao ủy Tị nạn LHQ mang số 610 IC do bà Trưởng văn phòng là Elizabeth Kirton ký vào ngày 28.6.2002. Cái thẻ đó chính là Việt Nam đã thu giữ khi bắt tôi tại Kampuchia, lúc đó họ đã thu giữ thẻ của tôi rồi.

Ỷ Lan : Như vậy là nhà cầm quyền Việt Nam biết rõ thầy đã được LHQ bảo vệ quyền tị nạn ?

Trí Lực : Dạ đúng như vậy. Khi bắt tôi là họ cầm thẻ tị nạn ấy trong tay. Họ rút thẻ tị nạn trong túi tôi ra và cầm chắc trong tay là tôi đã có quy chế tị nạn, đã có quyền cư trú trên lãnh thổ Cam Bốt theo quy chế tị nạn của LHQ.

Ỷ Lan : Trong các cuộc hỏi cung, có lúc nào công an hay nhà cầm quyền Việt Nam cảm nhận sự sai lầm của họ trong việc bắt cóc, trên lãnh thổ một nước láng diềng, một người đã được Cao ủy Tị nạn LHQ bảo vệ và cấp thẻ tị nạn chính trị ?

Trí Lực : Ðã rất nhiều lần tôi nói với cán bộ điều tra tại cơ quan an ninh điều tra là tôi bị bắt tại Kampuchia chứ không phải bị bắt tại huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Tôi bị bắt vào ngày 25.7.2002, chứ không phải như trong hồ sơ của họ ghi là ngày 26.7.2002. Nhưng họ vẫn từ chối, họ nói là bên Kampuchia ai bắt anh tôi không biết, tôi chỉ biết bắt anh tại biên giới, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, là cửa khẩu Mộc bài. Họ từ chối việc bắt tôi tại Kampuchia. Trong hồ sơ vẫn ghi bắt tôi ngày 26, họ phủ nhận việc bắt tôi ngày 25.7.2002.

Ỷ Lan : Sau cuộc bắt bớ và giam cầm gần hai năm qua, quan điểm của thầy đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ngày nay ra sao ? Tương lai thầy có dự trù hay ước vọng gì không ?

Trí Lực : Dạ, tại cơ quan an ninh điều tra và tại trại giam B34 Bộ Công an, tôi đã nói với cán bộ điều tra là khi cán bộ điều tra hỏi tôi mục đích đi ra nước ngoài để làm gì ? Tôi nói mục đích để thay đổi cuộc sống, thứ hai là để tiếp tục hoạt động phục vụ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và cán bộ điều tra đã ghi vào bản cung. Tại phiên tòa ngày 12.3.2004 vừa rồi, tôi cũng có nói trước tòa là mục đích tôi ra đi là để thay đổi cuộc sống, và tiếp tục phục vụ cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở hải ngoại. Bởi vì tại hải ngoại, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được sinh hoạt hợp pháp tại những nước sở tại. Dạ, đó là lời tôi nói trước tòa hôm 12.3 vừa qua.

Ỷ Lan : Có dư luận nói rằng trước phiên tòa vừa qua, thầy tỏ lời hối tiếc đã chỉ trích nhà cầm quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền và đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Có đúng như vậy không ?

Trí Lực : Dạ không. Hoàn toàn không. Tại cơ quan điều tra, tôi có viết biên bản là dầu ít hay nhiều gì tôi cũng có vi phạm pháp luật của Nhà nước Việt Nam về vấn đề trốn sang biên giới không có hộ chiếu. Nhưng đối với 15 năm trở lại đây, thì tôi thấy nhà nước cũng cho tu bổ chùa chiền, sinh hoạt tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật của nhà nước. Nhưng đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thì vẫn tiếp tục bị đàn áp. Bởi vì Hội đồng Viện Hóa Ðạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chưa hề công cử một ai để tham gia (vào Giáo hội Nhà nước) và những tham gia ấy chỉ hoàn toàn với tư cách cá nhân, như lời Thầy Quảng Ðộ đã viết trong tập “Nhận định những chính sách sai lầm của Ðảng Cộng sản đối với Dân tộc và Phật giáo”.

Ỷ Lan : Tóm lại, thầy không hề nói một lời hối hận nào về những hành động đấu tranh cho nhân quyền và tự do tôn giáo của thầy, kể từ biến động ở Huế năm 1992 sau khi Cố Ðại lão Hòa thượng Thích Ðôn Hậu, Ðức Ðệ Tam Tăng Thống, viên tịch tại chùa Linh Mụ ? Phải vậy không ?

Trí Lực : Vâng, đúng là tôi không hề có một lời nào bôi bác hay phản lại Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hết. Bản thân tôi trong thời gian hỏi cung, tôi luôn khẳng định tôi là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tôi không thể nào quay lưng lại với Giáo hội này đã un đúc tôi từ nhỏ tới lớn, tác thân cho tôi. Tôi không bao giờ phản bội lại Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cả.

Ỷ Lan : Xin cảm ơn thầy Trí Lực.

Unicode
VNIVPSVIQR

Check Also

Bài 1: Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế trả lời chung về âm mưu phá hoại cuộc đấu tranh cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo của hai Dư Luận viên Thục Vũ — Ý Dân

  PARIS, ngày 9 tháng Giêng năm 2019 (PTTPGQT & VCHR) — Thời gian qua, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *