PARIS – Ngày hôm qua thứ sáu, 18.11.2005, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ nhận Thư mời của Ủy ban Nhân dân Quận Phú Nhuận mời đi “làm việc” vào 8 giờ sáng ngày thứ Bảy. Hầu hết các thành viên thuộc Hội đồng Lưỡng viện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đều nhận được Thư mời đi “làm việc” tương tự, như trường hợp của các Thượng tọa Thích Nguyên Lý, Thích Không Tánh, Thích Nhật Ban, v.v…
Sáng nay, ngày 19.11.2005, vào lúc 8 giờ sáng (giờ Việt Nam), khi 6 vị Tăng chùa Giác Hoa sang Thanh Minh Thiền viện thỉnh Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, sang làm chủ lễ cuộc Giỗ Tổ Nguyên Thiều. Nhưng 50 công an nam và nữ, mặc đồng phục hoặc thường phục, đã bao vây sân Thanh Minh Thiền viện. Lúc Hòa thượng vừa bước xuống thang gác, 10 công an đến chắn ngang đẩy Hòa thượng trở lên. Nhưng các Thượng tọa, Ðại đức đã đẩy lùi Công an và hai vị bảo vệ Hòa thượng bước ra sân chùa. Công an lớn tiếng nói rằng : “Hôm nay Hòa thượng phải lên quận làm việc, không được đi đâu khác !” Hòa thượng ôn tồn đáp : “Hôm nay là ngày Giỗ Tổ Nguyên Thiều tại chùa Giác Hoa, chúng tôi đã sắp đặt từ trước. Chúng tôi phải lo chuyện tôn giáo, tín ngưỡng trước. Mọi việc khác tính sau”. Công an đành dịu giọng và khẩn khoản Hòa thượng ở lại chùa “làm việc” cũng được. Nhưng Hòa thượng khước từ rồi ung dung ra khỏi Thanh Minh Thiền viện.
Nhưng công an lại bao vây và chận lại, xô xát với Hòa thượng không cho đi. Chúng kéo áo Hòa thượng đến rách toạt. Chư Tăng bất mãn lên tiếng phản đối thái độ hành hung vô lễ và phi văn hóa của công an cộng sản. Thượng tọa Thích Thiện Minh đi tháp tùng liền lên tiếng nói với công an : “Tôi vừa ở 26 năm tù trong nhà tù của các ông, tôi biết rõ thế nào là chính sách đàn áp tôn giáo của các ông. Nay các ông cản Hòa thượng của chúng tôi đến làm lễ giỗ Tổ Nguyên Thiều thì các ông hãy cứ bắt chúng tôi đi, bắn chúng tôi đi ! Chúng tôi không sợ đâu !” Cuộc xô xát của công an gây ầm ĩ trên đường Trần Huy Liệu khiến dân chúng tụ tập càng lúc càng đông. Khi nghe Thượng tọa Thích Thiện Minh thách thức với công an và nói lớn : “Chính quyền đàn áp tôn giáo ! Công an hành hung Hòa thượng của chúng tôi !”, quần chúng bên ngoài la lớn theo : “Ðả đảo Cộng sản ! Ðả đảo Cộng sản đàn áp tôn giáo !”
Thấy bất ổn trước quần chúng, công an đành để Hòa thượng Thích Quảng Ðộ ra đi cùng với chư Tăng chùa Giác Hoa cử sang, nhưng vẫn cho xe chạy theo sát xe phái đoàn Phật giáo. Vào lúc 8 giờ 30 sáng (tức 2 giờ 30 sáng giờ Paris), chư Tăng Viện Hóa Ðạo đã gọi điện sang Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế ở Paris thông báo tình hình và cho biết Hòa thượng Thích Quảng Ðộ đã an toàn đến chùa Giác Hoa ở quận Bình Thạnh, Saigon.
Suốt ngày, hàng trăm công an phong tỏa, canh gác chung quanh chùa Giác Hoa, là nơi Thượng tọa Thích Viên Ðịnh, Phó Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, làm viện chủ. Một số công an mặc thường phục giả dạng Phật tử đột nhập vào bên trong chùa kiểm soát, quay phim, chụp hình, từ Chánh điện đến nhà bếp, hành đường, v.v… Từ tối hôm qua, thứ sáu 18.11, các đường dây điện thoại, điện thoại di động, Internet ở chùa Giác Hoa đã bị công an cắt sóng.
Tất cả chư Tăng giáo phẩm thuộc Hội đồng Lưỡng viện (Viện Tăng thống và Viện Hóa Ðạo) từ Huế đến vùng Ðồng bằng sông Cửu Long đều bị nhận giấy mời đi “làm việc” tại các Ủy ban Nhân dân, Ban Tôn giáo hoặc cơ quan Công an. Mục đích thấy rõ, là ngăn chận không cho chư Tăng về chùa Giác Hoa tham dự lễ Giỗ Tổ Nguyên Thiều tổ chức vào ngày thứ bảy 19.11.05.
Tuy nhiên, 100 Tăng Ni đại diện các tỉnh cũng đã thoát ly các trạm canh gác, kiểm soát về đến chùa Giác Hoa tham dự.
Tình trạng bức bách, ngăn cấm cũng xẩy ra tại Tu viện Nguyên Thiều ở Bình Ðịnh. Cơ quan đương quyền Bình Ðịnh yêu sách Ðức Tăng thống “không được tổ chức lễ giỗ, cúng kỵ, không được liên lạc chư vị giáo phẩm thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”. Vì vậy Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang phải viết văn thư “Phổ Cáo” đề ngày 13.11.2005, gửi Chư Tôn thiền đức Tăng Ni, Phật tử thuộc hệ phái Tổ sư Nguyên Thiều, giải thích ý nghĩa ngày Giỗ Tổ Nguyên Thiều, lý do nhà cầm quyền cộng sản cấm đoán và khuyên chư Tăng Ni tạm thời ở tại chỗ “vận khởi tâm hương vọng hướng về đất Ðồ Bàn Bình Ðịnh, chùa Thập Tháp Di Ðà nơi Tổ khai sơn để cùng tôi kính ngưỡng cao đức của Ngài”, vì không thể tổ chức cúng kỵ tại Tu viện Nguyên Thiều, Bình Ðịnh.
Ðức Tăng thống viết :
“Tổ sư Nguyên Thiều là vị Sơ Tổ Thiền tông của miền Trung và miền Nam Việt Nam (1). Riêng tại Bình Ðịnh, mảnh đất đầu tiên Ngài đặt nền móng cho việc khởi nghiệp hoằng dương chánh pháp, là nơi Ngài khai sơn Tổ đình Thập Tháp Di Ðà thuộc địa phận huyện An Nhơn, Bình Ðịnh. Từ đó Phật Pháp được hoằng xương, nhiều thế hệ Thánh Tăng, Cao Tăng, Danh Tăng nối truyền không dứt. Ngày nay, Tu viện Nguyên Thiều được phước duyên và vinh dự khi cơ sở Tu viện được mang oai danh của Ngài. Bởi vậy, lệ thường hàng năm Chư Tăng thuộc Thiền phái Nguyên Thiều đều quy tập về Tổ đình Thập Tháp kính lễ tưởng niệm Húy kỵ vào ngày 18 tháng 10 âm lịch, và tại Tu viện Nguyên Thiều kính niệm Hậu kỵ ngày 19 tháng 10 âm lịch.
“Tuy nhiên gần đây Chư Tôn Ðức cũng đã biết, do tình trạng Giáo hội bị chính quyền nhà nước Việt Nam không cho sinh hoạt bình thường như bao tổ chức tôn giáo khác, vì vậy mọi Phật sự của Giáo hội cũng như cơ sở Tu viện đã gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong sự quan hệ với các cơ quan chính quyền. Tình trạng này có thể nói đã kéo dài gần 30 năm rồi. Ðặc biệt, trong thời điểm cận ngày húy kỵ Tổ Sư Nguyên Thiều năm nay, các vị quan chức trực thuộc chính quyền tỉnh Bình Ðịnh có gặp tôi và khuyến cáo không nên liên lạc với chư vị giáo phẩm thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và tổ chức hội họp, bàn thảo các việc thuộc về Giáo hội, ngay cả trong các việc lễ giỗ, cúng kỵ. Tôi cũng được biết chư vị giáo phẩm của Giáo hội tại Bình Ðịnh cũng nhận được sự khuyến cáo với nội dung và đồng cảnh ngộ như Tu viện.
“Trước tình cảnh bản thân tôi không được tự do, cơ sở chùa viện luôn bị các cơ quan chính quyền theo dõi, giám sát, có thể nòi rằng đó là một cuộc sống nhiều rủi ro, lắm bức xúc đối với sự sinh hoạt của Tu viện cũng như của chư Tăng Ni, Phật tử hệ thuộc Tu viện và Giáo hội. Bởi vậy, theo tôi nghĩ, ngày kỵ tổ Nguyên Thiều tại Tu viện năm nay, Phật lịch 2549, sẽ không tránh khỏi những trở ngại, bất ý trong việc thể hiện sự kính ngưỡng Tổ Tông của Thiền phái chúng ta”.
Rồi Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang kêu gọi :
“Nay tôi kính phổ cáo đến chư Tôn thiền đức Tăng Ni, Phật tử xa gần – Quốc nội và Hải ngoại thuộc Thiền phái Tổ Sư Nguyên Thiều vài sự trạng như sau :
“1- Ðể tránh những rủi ro phiền não có thể đến với Chư Tôn Ðức, năm nay, ngày húy kỵ tưởng niệm Tổ Sư Nguyện Thiều : 19 tháng 10 Ất Dậu, PL 2549, Tu viện Nguyên Thiều sẽ không tổ chức thông thường như tiền lệ mà chỉ mật niệm hương hoa và ngậm ngùi thành kính trong phạm vi Chư Tăng hệ thuộc Tu viện Nguyên Thiều mà thôi.
“2- Chư Tôn Thiền Ðức Tăng Ni, Phật tử xa gần có lòng nhớ Tổ xin vận khởi tâm hương vọng hướng về đất Ðồ Bàn Bình Ðịnh, chùa Thập Tháp Di Ðà nơi Tổ khai sơn để cùng tôi kính ngưỡng cao đức của Ngài”.
Theo tin Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế nhận được từ Bình Ðịnh, thì mấy ngày qua công an siết chặt vòng vây đến tận cổng Tu viện Nguyên Thiều, nội bất xuất ngoại bất nhập, ngăn cấm mọi Phật tử vào tu viện. Số lượng công an đông hơn cả chư Tăng trong Tu viện !
Ðợt tấn công mới vào các Ban Ðại diện GHPGVNTN tại Bình Ðịnh, Huế, Ðà Nẵng, An Giang, Saigon…
Sau khi được tin Hoa Kỳ duy trì Việt Nam trong danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm năm 2005, vì lý do đàn áp tôn giáo nghiêm trọng, Nhà cầm quyền Hà Nội liền phản ứng bằng một đợt tấn công mới vào các Ban Ðại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại các tỉnh miền Trung và miền Nam. Mặt khác, đẩy các chức sắc thuộc Giáo hội Phật giáo Nhà nước lên tiếng hoặc ra thông bạch phủ nhận các Ban Ðại diện này mà họ cho là “mạo xưng” và “bất hợp pháp” chiếu theo luật lệ phi pháp của Nhà nước cộng sản.
Ngày 9.11.2005, Ban Tôn giáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Ðịnh ra Thông báo số 02/TB-BTG xác định rằng : “Thời gian qua tại Bình Ðịnh có một số tu sĩ Phật giáo được Thích Quảng Ðộ công nhận trong cái gọi là “Ban Ðại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Bình Ðịnh”. Sau khi đề cao tính pháp lý được CHXHCNVN công nhận, Ban Tôn giáo tỉnh đưa “ý kiến” : “Bất cứ ai với danh nghĩa gì để hoạt động trái với Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tức Giáo hội Nhà nước) đều là bất hợp pháp và trái với pháp luật của Nhà nước CHXHCNVN. Mọi hoạt động của cái gọi là “Ban Ðại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Bình Ðịnh” phải chấm dứt”.
Ngày 11.11.2005, ông Ngô Hòa, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa thiên Huế viết văn thư mang số 3592/UBND-XH gửi “Ông” Thích Quảng Ðộ và “Ông” Thích Thiện Hạnh đưa ra 2 “ý kiến” :
– “Việc ra văn bản số 02/VHÐ/BCÐ/VT ngày 18.7.2005 về việc quyết định chuẩn y thành phần nhân sự “Ban Ðại diện lâm thời Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Thừa thiên Huế”, nhiệm kỳ 2005-2007 là bất hợp pháp. Vì vậy, yêu cầu Ông Thích Quảng Ðộ tiến hành thu hồi Văn bản số 02/VHÐ/BCÐ/VT nói trên.
– “Mọi hoạt động của “Ban Ðại diện lâm thời Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Thừa thiên Huế” do Ông Thích Thiện Hạnh đứng đầu theo Văn bản số 02/VHÐ/BCÐ/VT là bất hợp pháp, vi phạm pháp luật hiện hành của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.
Cùng ngày 11.11.2005, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tức Giáo hội Nhà nước) ra Thông bạch mang số 481/TB/HÐTS khẳng định rằng : “Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn tôn trọng quá khứ lịch sử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất song không chấp nhận việc làm của một vài cá nhân mạo xưng nhân danh lãnh tụ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất dựng lại tổ chức đã là thành viên sáng lập GHPGVN từ tháng 11/1981”. Sang ngày 14.11.2005, Ngài Thích Thanh Tứ, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tức Giáo hội Nhà nước) tuyên bố với Thông tấn xã Hà Nội rằng : “Việc Hòa thượng Thích Quảng Ðộ nhân danh Viện trưởng Viện Hóa Ðạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ký các quyết định bổ nhiệm Ban Ðại diện GHPGVNTN một số tỉnh, thành phía Nam là mạo xưng (sic), không có giá trị pháp lý, trái với Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tức Gíao hội Nhà nước) và trái với pháp luật của Nhà nước Việt Nam”.
Ngày 14.11.2005, sáu cán bộ cầm quyền xã Phường Ðúc, thuộc thành phố Huế, đến chùa Báo Quốc, nơi ở của Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, nêu lên 4 “tội” của Hòa thượng :
“1. Ði lại không xin tạm vắng, tạm trú ;
“2. Ði thăm hai vị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ mà không xin phép ;
“3. Liên hệ với Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, thành lập “Ban Ðại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Thừa thiên Huế” ;
“4. Liên hệ với Hòa thượng Thích Quảng Ðộ xin yểm trợ ba lớp học : Phước Thành, Thuyền Lâm, Quốc Ân”.
Tiếp theo, công an đọc lệnh quản chế “bằng miệng” rằng : Từ nay về sau Hòa thượng không được ra khỏi chùa. Nếu muốn ra khỏi chùa đi đâu, phải báo cho Chủ hộ biết.
Hiện nay tại Huế, công an tăng cường canh gác 29 ngôi chùa thuộc 29 vị thành viên thuộc Ban Ðại diện Thừa thiên Huế. Mặt khác công an tung tin thất thiệt nói rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là tổ chức “bất hợp pháp” để hăm dọa chư Tăng không nên tham gia, đồng thời tung tin thất thiệt rằng sắp có Ðại hội Phật giáo tại Bình Ðịnh để hăm dọa chư Tăng không được vào tham dự.
Cùng ngày 14.11.2005, Ủy ban Nhân dân thành phố Ðà Nẵng viết văn thư số 5978/VP-NCPC kính gửi “Ông” Thích Quảng Ðộ và khẳng định rằng : “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất” là một tổ chức không hợp pháp, không được sự công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” để rồi tuyên bố : “Ủy ban Nhân dân thành phố Ðà Nẵng không thừa nhận việc tổ chức và hoạt động của “Ban Ðại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Quảng Nam – Ðà Nẵng”. Mọi hoạt động mang danh nghĩa “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất” trên địa bàn thành phố Ðà Nẵng đều là bất hợp pháp”.
Ngày 15.11.2005, một công an tỉnh An Giang, tên Hiệp, đến chùa Tây Huệ, phường Núi Sam, thị xã Châu Ðốc, tỉnh An Giang, yêu sách Thượng tọa Thích Chơn Tâm viết bản Tường trình về quá trình quan hệ với Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, và làm đơn gửi Viện Hóa Ðạo từ khước Quyết định ngày 5.11.2005 công cử Thượng tọa làm Chánh Ðại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh An Giang và Phó Ðại diện Miền Khánh Anh (Hậu giang). Thượng tọa đã viết văn thư ngày 16.11.2005 gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang nói rằng : “Việc yêu cầu tôi làm đơn trả lại Quyết Ðịnh 09/VHÐ/QÐ/VT cho Viện Hóa Ðạo, điều nầy trái với nguyên tắc hành chánh cho nên tôi không thể làm được. Bởi lẽ một cơ quan tôn giáo (Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất) gởi công văn “Trình Việc” đến Ủy Ban Tỉnh thì Quý Ban phải có công văn trả lời trực tiếp đến Hòa Thượng Thích Quảng-Ðộ, Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo, để giải thích rõ về chánh sách nhà nước đối với tôn giáo. (…) Tôi không có tư cách hay quan hệ gì đến việc trả lời công văn trên. Là một công dân, tôi luôn sống và làm việc theo luật pháp và hiến pháp”.
Nhà cầm quyền Hà Nội không ngừng tuyên bố với thế giới là họ luôn “tôn trọng tự do tôn giáo và nhân quyền”. Thế nhưng những “ý kiến” và hành xử thô bạo, phi pháp luật trên đây, kể từ ngày 9.11.2005 cho đến hôm nay, là tôn trọng hay đàn áp tôn giáo ?
Hỏi tức đã trả lời.
Trong Thông cáo báo chí sắp tới, chúng tôi sẽ trình bày lập trường của Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, về những hành động sai trái, vi hiến và phi pháp trưng dẫn trên đây.
(1) Ngài Nguyên Thiều là vị Tổ truyền phái thiền Lâm Tế đầu tiên ở miền Trung cách đây 4 thế kỷ vào thời Chúa Nguyễn Phúc Tần, năm 1675. Thoạt đầu Ngài đến phủ Quy Ninh (Bình Ðịnh ngày nay) lập chùa Thập Tháp, Di Ðà để truyền dạy đồ chúng. Sau ra Thừa thiên lập chùa Hà Trung, huyện Phú Lộc, rồi lên kinh đô Huế lập chùa Quốc Ân và dựng tháp Phổ Ðồng. Ngài phụng mệnh Chúa Nguyễn Phúc Tăng về Trung quốc thỉnh Pháp tượng, Pháp khí và các bậc Cao Tăng như các Ngài Thạch Liêm, Tử Dung, Từ Lâm… sang Huế mở đàn truyền giới đầu tiên tại chùa Linh Mụ. Sau này các ngài ở lại Huế lập ra các chùa Từ Ðàm, Thuyền Lâm, Từ Lâm, Khánh Vân, v.v… Công đức Tổ Nguyên Thiều rất lớn đối với sự hoằng dương chánh pháp tại niền Trung Việt Nam (PTTPGQT chú).