Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin PTTPGQT / Thượng tọa Phó Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Thích Viên Ðịnh, lên tiếng tố cáo trước LHQ và công luận thế giới về sự hành hung và sách nhiễu tôn giáo trong ngày Giỗ Tổ Nguyên Thiều tại Saigon, và viết văn thư phản bác lập luận phi pháp của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa thiên Huế đối với GHPGVNTN

Thượng tọa Phó Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Thích Viên Ðịnh, lên tiếng tố cáo trước LHQ và công luận thế giới về sự hành hung và sách nhiễu tôn giáo trong ngày Giỗ Tổ Nguyên Thiều tại Saigon, và viết văn thư phản bác lập luận phi pháp của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa thiên Huế đối với GHPGVNTN

Download PDF

Thượng tọa Thích Viên Ðịnh vừa gửi đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế bản lên tiếng tố cáo công an thành phố Hồ Chí Minh hành hung Hòa thượng Thích Quảng Ðộ và sách nhiễu buổi lễ Giỗ Tổ Nguyên Thiều tại chùa Giác Hoa, quận Bình Thạnh, Saigon, hôm thứ bảy 19.11.2005 nhờ chuyển trình đến Ủy ban Nhân quyền LHQ và công luận thế giới. Chi tiết hành hung, xô xát và sách nhiễu này do hàng trăm công an gây hấn đã được trình bày rõ trong Thông cáo báo chí hôm 19.11.2005.

Trong Thư báo động đề ngày 23.11.2005, Thượng tọa Thích Viên Ðịnh, Phó Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất(GHPGVNTN), đưa ra 4 lời tố cáo :

“1. Tố cáo trước dư luận quốc tế về việc Nhà nước CHXHCN Việt Nam sách nhiễu, hành hung, đe doạ sinh hoạt Phật sự của các thành viên Viện Hóa Ðạo, GHPGVNTN, mà cụ thể là năm chục công an hành hung Hoà Thượng Thích Quảng Ðộ, Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo, GHPGVNTN, khi Ngài đi dự lễ Giỗ Tổ tại Chùa Giác Hoa ;

“2. Tố cáo trước các Tổ chức quốc tế, trước Uỷ Ban Nhân quyền LHQ về việc công an các địa phương ngăn chận sự đi lại của các thành viên trực thuộc GHPGVNTN khi các vị về tham dự lễ Giỗ Tổ Nguyên Thiều được tổ chức tại Chùa Giác Hoa, Sài Gòn ;

“3. Tố cáo Nhà nước CHXHCN Việt Nam vi phạm quyền tự do thông tin mà cụ thể là việc Chùa Giác Hoa bị cắt sóng điện thoại, bị ngăn sóng đường truyền Internet, cũng như vi phạm quyền tự do cư trú, tự do đi lại, v.v… ;

“4. Tố cáo trước Công luận, Nhân dân thế giới và các Chính phủ, quyền tự do tôn giáo của nhà nước CHXHCN Việt Nam chỉ là sự lừa bịp trắng trợn, điển hình qua các sự việc nêu trên. Tôi yêu cầu các Chính phủ, các Tổ chức quốc tế, Ủy ban Nhân quyền LHQ lên tiếng can thiệp đòi hỏi Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam phải chấm dứt ngay mọi hành động đàn áp, khủng bố, sách nhiễu đối với các thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, như trường hợp hành hung Hòa thượng Thích Quảng Ðộ xẩy ra tại Thanh Minh Thiền viện hôm 19.11.2005, và ngăn cấm quyền tự do đi lại, tự do cư trú và tự do hành đạo của các thành viên thuộc GHPGVNTN”.

Gần đây, Nhà cầm quyền Hà Nội hợp đồng với Giáo hội Phật giáo Việt Nam (do Ðảng và Nhà nước dựng lên năm 1981 để làm công cụ chính trị) lên tiếng trên các báo, đài về cái mà họ gọi là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bất hợp pháp”, để yêu cầu giải tán 9 Ban Ðại diện GHPGVNTN tại các tỉnh miền Trung và miền Nam vừa được thành lập.

Nhà nước và Giáo hội Phật giáo Nhà nước đưa ra hai lý luận hồ đồ : Một, là GHPGVNTN đã là thành viên của Giáo hội Phật giáo Nhà nước ra đời năm 1981, nên nay không còn lý do tồn tại ; Hai, là “căn cứ vào Quyết định số 83/QÐ-BT ngày 29.12.1981 của Hội đồng Bộ trưởng thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Phật giáo duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam về mọi mặt quan hệ ở trong nước và ngoài nước”.

Nói hồ đồ, là vì chỉ có một số cựu thành viên thuộc GHPGVNTN tham gia vào Giáo hội Nhà nước năm 1981 với tư cách cá nhân. Nhưng tham gia trong tư cách pháp nhân của tập thể Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thì tuyệt đối không hề có. Ðiều 4, Chương II, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ghi rõ : “Mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là điều hòa hợp nhất các hệ phái Phật giáo Việt Nam cả nước…”. Ðiều hòa hợp nhất có nghĩa là đang “điều hòa” để “hợp nhất”, mà chưa là một tổ chức đã thống nhất và duy nhất, để có thể thống lĩnh và chỉ huy tất cả các tổ chức Phật giáo. Ðiều 6, Chương II, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ghi rõ : “Thành phần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm các hệ phái Phật giáo Việt Nam, các Tăng Ni và các Cư sĩ thuộc các hệ phái Phật giáo Việt Nam, tự nguyện tham gia Giáo hội và chấp hành bản Hiến chương này”. Ðiều này xác định ai muốn tham gia thì tự nguyện tham gia, ai không muốn tham gia thì cũng không có quyền lực nào bắt phải tham gia.

Như vậy thì làm sao Giáo hội Phật giáo Nhà nước có thể tự mình tôn mình lên ngai vị thống lĩnh và đại diện cho toàn thể Phật giáo Việt Nam ? Còn cái Quyết định 83/QÐ-BT năm 1981 của Hội đồng Bộ trưởng giao mọi “quyền uy” cho Giáo hội Phật giáo Nhà nước chỉ là việc “con hát mẹ khen”, và chẳng có giá trị gì đối với toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam, đối với Giáo hội Dân lập và truyền thống là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Hồ đồ hơn nữa, là không trưng dẫn được một văn kiện nào có tính pháp lý của Nhà nước đặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra ngoài vòng pháp luật, mà lại cứ tuyên bố bừa bãi rằng Giáo hội này “bất hợp pháp” ? !

Còn bản chất của cái gọi là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, quần chúng trong nước gọi là Giáo hội Nhà nước, thì có thể nghe lời tiết lộ của vị cha đẻ ra Giáo hội này trong tập tài liệu “Thống nhất Phật giáo” của ông Ðỗ Trung Hiếu. Ông Hiếu là cán bộ tham mưu của Ðảng. Ðầu năm 1979, nhận lệnh của lãnh đạo cao cấp Ðảng, như các ông Xuân Thủy, Nguyễn Văn Linh, Trần Quốc Hoàn, ông Ðỗ Trung Hiếu bắt tay làm bà mụ đỡ đẻ cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời năm 1981 tại Hà Nội. Sang năm 1994, ngao ngán vì chính sách sai lầm của Ðảng đối với Phật giáo, hối hận việc đã qua, nên ông Hiếu viết tập tài liệu nói trên để vạch trần sự biến tướng Phật giáo thành công cụ cho Ðảng. Ông Hiếu viết về quá trình và mục tiêu “thống nhất” Phật giáo năm 1981 là :

“Thực sự đại biểu là giữa Phật giáo của ta và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN). Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam đều là đại biểu dự Ðại hội, trong đó đại biểu của ta đa số (tức Ðảng Cộng sản, PTTPGQT nhấn mạnh). Chín tổ chức và hệ phái Phật giáo, GHPGVNTN là một, còn lại tám với những danh nghĩa khác nhau, nhưng tất cả đều hoặc là ta hoặc là chịu sự lãnh đạo của Ðảng (chúng tôi nhấn mạnh) (…) Cuộc thống nhất Phật giáo lần này, bên ngoài do các Hòa thượng gánh vác, nhưng bên trong bàn tay Ðảng Cộng sản Việt Nam xuyên suốt quá trình thống nhất để nắm và biến tướng Phật giáo Việt Nam trở thành một tổ chức bù nhìn của Ðảng” (chúng tôi nhấn mạnh).

Ông Hiếu cho biết Ban Dân vận Trung ương chỉ thị khống chế Phật giáo như sau :

“Nội dung đề án (thống nhất) là biến hoàn toàn Phật giáo Việt Nam thành một hội đoàn quần chúng. Còn thấp hơn hội đoàn, vì chỉ có Tăng, Ni, không có Phật tử ; chỉ có tổ chức bên trên không có tổ chức bên dưới, tên gọi là Hội giáo Phật giáo Việt Nam (…) Nội dung hoạt động là lo việc cúng bái chùa chiền, không có hoạt động gì liên quan tới quần chúng và xã hội (…) Lấy chùa làm cơ sở chứ không phải lấy quần chúng Phật tử làm đơn vị của tổ chức Giáo hội” (chúng tôi nhấn mạnh).

Kết luận tập tài liệu vạch trần sự sai trái của Ðảng về chính sách tôn giáo đối với Phật giáo Việt Nam, ông Ðỗ Trung Hiếu răn đe Ðảng và Nhà nước rằng :

“Nếu làm giám đốc một công ty, sai, bị lỗ đôi ba tỷ đồng, gây đau khổ đấy. Nhưng anh có thể làm giỏi kiếm tiền bù lại. Còn lĩnh vực này (tôn giáo), sai, ít nhất gây buồn phiền đau khổ cho biết bao triệu con người, lớn hơn là làm cho nhiều người bị tù đày chết chóc. Ðiều đó không lấy gì và làm sao bù đắp được.

“Tốt nhất các anh nên suy nghĩ thật chín chắn, phác họa một đề án chiến lược hợp lòng dân trên nguyên tắc CÁI GÌ CỦA CESAR HÃY TRẢ LẠI CHO CESAR (…) Các anh nhớ đừng làm gì để họa cho Dân tộc, gây đau khổ cho đồng bào các tôn giáo. Nghiệp báo đời đời”.

Hắc bạch phân minh, chính tà đã rõ : Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập năm 1981 tại Hà Nội là một tổ chức công cụ nằm trong Mặt trận Tổ quốc để phục vụ chính trị cho Ðảng và Nhà nước cộng sản, không đại diện quần chúng Phật tử toàn quốc, không thể hiện bản sắc Phật giáo Việt Nam. Còn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là giáo hội Dân lập, truyền thừa 2000 năm lịch sử nền Phật giáo dân tộc.

Sau đây, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin đăng tải nguyên văn thư Thượng tọa Thích Viên Ðịnh, Phó Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, hồi đáp Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa thiên Huế, ký gửi ngày 18.11.2005 bằng đường bưu điện bảo đảm có hồi báo. Tự thân bức thư là một trả lời chung cho tất cả các Ủy ban Nhân dân và ban Tôn giáo tại 9 tỉnh, những nơi vừa thiết lập 9 Ban Ðại diện GHPGVNTN :

Vien Hoa DaoGIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN HÓA ÐẠO

Thanh Minh Thiền viện, 90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, T.P. Hồ Chí Minh


Phật lịch 2549
Số 09/VHÐ/PVT

Kính gửi Ông Ngô Hòa
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thừa thiên Huế

V/v Hai ý kiến đề ra qua thư mang số 3592/UBND-XH ngày 11.11.2005

Thưa Ông Phó Chủ tịch,

Chúng tôi vừa tiếp nhận thư ông viết ngày 11.11.2005 mang số 3592/UBND-XH ký thay Chủ tịch và thay mặt Ủy ban Nhân dân Thừa thiên Huế để nói lên hai “ý kiến” về việc thiết lập Ban Ðại diện lâm thời Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Thừa thiên Huế, nhiệm kỳ 2005 – 2007.

Nay tôi xin được hồi đáp để nói lên quan điểm chúng tôi đối với hai ý kiến của Ủy ban Nhân dân Thừa thiên Huế thông qua văn thư dẫn thượng :

Thứ nhất, chúng tôi lấy làm lạ cho sự kiện ông Phó Chủ tịch chỉ muốn đạo đạt đến chúng tôi “ý kiến” của Ủy ban Nhân dân Thừa thiên Huế về việc thiết lập Ban Ðại diện lâm thời Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Thừa thiên Huế. Thế nhưng ý kiến chưa được trao đổi, thì trong cùng bức thư ông đã ra lệnh cho chúng tôi phải “thu hồi Văn bản số 02/VHÐ/BCÐ/VT”, vì theo ông thì việc thành lập Ban Ðại diện lâm thời Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Thừa thiên Huế là “bất hợp pháp”, và khẳng định rằng “Mọi hoạt động của “Ban Ðại diện lâm thời Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Thừa thiên Huế” do Ông Thích Thiện Hạnh đứng đầu theo văn bản số 02/VHÐ/BCÐ/VT là bất hợp pháp, vi phạm luật pháp hiện hành của Nhà nước CHXHCNVN”.

Từ “ý kiến” đột nhiên trở thành mệnh lệnh như một án tòa chưa hề được tổ chức và thông qua, là một hành vi bất hợp pháp và vi hiến.

Thứ hai, là ba điều căn cứ ông đưa ra ở đầu văn thư dẫn thượng tuy đúng đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời năm 1981, nhưng lại hoàn toàn sai trái đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất :

1. Ông viết rằng : “Căn cứ Quyết định số 83/QÐ-BT ngày 29.12.1981 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Phật giáo duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam về mọi mặt quan hệ ở trong nước và ngoài nước”.

Quyết định trên đây chỉ có giá trị cho tổ chức mang tên “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” được Ðảng và Nhà nước cho ra đời năm 1981, chứ không dính dáng gì đến Giáo hội dân lập và có truyền thống lịch sử mang danh xưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Ông là người có chức vụ ở Huế, hẳn ông chưa quên tiền thân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là “Tổng hội Phật giáo Việt Nam” ra đời tại Ðại hội Phật giáo toàn quốc Bắc Trung Nam ngày 6.5.1951 ở chùa Từ Ðàm Huế. Thời ấy đất nước chưa bị chia cắt theo Hiệp định Genève năm 1954, để sau đó thành hai chế độ tương phản. Tổng hội Phật giáo Việt Nam là hậu thân của quá trình vận động thống nhất nền Phật giáo dân tộc thông qua phong trào Chấn hưng Phật giáo khởi phát từ năm 1920 đầu thế kỷ XX. Nỗ lực này truyền thừa nền Phật giáo Việt Nam 2000 năm, vừa có tính lịch sử vừa trong thể thống nhất. Sử liệu còn ghi rõ năm Tân Mùi, Thái Bình năm thứ 2 (971 Tây lịch) dưới thời Ðinh lần đầu tiên có chức Tăng thống và Tăng lục. Nghĩa là nền thống nhất của một giáo hội Phật giáo có qui củ đã hình thành, ít cũng là từ triều Ðinh.

Do Dụ số 10 dưới thời Pháp thuộc xem Phật giáo như một hội đoàn, chứ không như một tôn giáo, một giáo hội, vì vậy mà năm 1951 giáo hội đành phải sử dụng danh xưng “Tổng hội”, giống như các tổ chức Phật giáo ra đời đầu thế kỷ XX từ Bắc tới Nam bó buộc phải lấy danh xưng “Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học”, “Hội An Nam Phật học”, Hội Bắc kỳ Phật giáo Tổng hội”, v.v…. Mãi đến sau cuộc vận động chống kỳ thị tôn giáo của Tổng hội Phật giáo Việt Nam và toàn thể Phật giáo đồ thành công cuối năm 1963, Dụ số 10 bị hủy bỏ, thì Tổng hội Phật giáo Việt Nam mới lấy lại danh xưng tôn giáo của mình là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Còn sự ra đời của “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” như thế nào, ông Phó Chủ tịch có thể tham khảo tài liệu “Thống nhất Phật giáo” của ông Ðỗ Trung Hiếu, Cán bộ Tôn giáo cấp cao, viết rõ quá trình hình thành và mục tiêu của Giáo hội này theo lệnh của các vị lãnh đạo Ðảng cao cấp như các ông Xuân Thủy, Nguyễn Văn Linh, Trần Quốc Hoàn… Tuy nhiên, không thể không quan tâm lời ông Ðỗ Trung Hiếu, là kiến trúc sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981, khi ông Hiếu xác định : “Cuộc thống nhất Phật giáo lần này bên ngoài do các Hòa thượng gánh vác, nhưng bên trong bàn tay Ðảng Cộng sản Việt Nam xuyên suốt quá trình thống nhất để nắm và biến tướng Phật giáo Việt Nam trở thành một tổ chức bù nhìn của Ðảng”.

Vì vậy, ông Phó chủ tịch không nên đánh lộn sòng giữa một giáo hội truyền thống và dân lập, là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, với một giáo hội được Ðảng cho ra đời năm 1981 gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

2. Ông Phó chủ tịch viết : “Căn cứ Khoản 1, Ðiều 16, Chương III Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18.6.2004”, cũng như “Căn cứ Khoản 1, Ðiều 9, Mục 2, Chương III Nghị định 22/2005/NÐ-CP ngày 1.3.2005 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo” để đưa “ý kiến” rằng, hoạt động hiện nay, như việc thiết lập Ban Ðại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Thừa thiên Huế là “bất hợp pháp”. Ông Phó chủ tịch đã sai lầm nghiêm trọng khi đưa ra một “ý kiến” như thế.

Vì sao ?

Thứ nhất, tôi xin ông Phó Chủ tịch trưng dẫn một văn kiện, nghị định hay sắc luật nào của Nhà nước CHXHCNVN đặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra ngoài vòng pháp luật ? Nếu có một văn kiện như thế, thì những hoạt động của Giáo hội chúng tôi, như việc thiết lập các Ban Ðại diện tại các tỉnh miền Trung và miền Nam của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, mới có thể xem là “bất hợp pháp”. Bao lâu ông chưa trưng dẫn được văn kiện nói trên, thì mọi sinh hoạt của Giáo hội chúng tôi đều hợp pháp, hợp tình, hợp lý, hợp với quá trình lịch sử dân tộc ;

Thứ hai, luật pháp tại các nước văn minh, dân chủ, luôn tuân thủ quy tắc bất hồi tố. Cụ thể như trường hợp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nói về tính lịch sử, thì Giáo hội chúng tôi kế thừa nền Phật giáo dân tộc có lịch sử 2000 năm. Nói về tính pháp lý, thì danh xưng và tổ chức mang tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời sau cuộc đấu tranh chống kỳ thị tôn giáo năm 1963 là hợp hiến và hợp pháp dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa. Thời ấy, chế độ này được các quốc gia trên thế giới công nhận. Thế thì những sắc luật về tôn giáo ra đời ngày nay dưới chế độ CHXHCNVN không thể triệt tiêu tính chất truyền thống, dân lập và hợp pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Như thế gọi là quy tắc bất hồi tố. Lấy ví dụ cho dễ hiểu, thì chế độ Xã hội Chủ nghĩa theo mô thức Xô viết phương Tây ra đời tại miền Bắc năm 1955, và tại miền Nam năm 1975, không thể triệt tiêu các triều đại Việt Nam trong quá khứ 2000 năm.

Chiếu theo 2 khoản tương đồng rút từ Pháp lệnh tôn giáo và Hướng dẫn thi hành Pháp lệnh tôn giáo mà ông Phó chủ tịch trưng dẫn qua thư dẫn thượng, thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hoàn toàn hợp pháp theo qui định của Khoản 1, Ðiều 16, Chương III Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18.6.2004. Ðó là :

“16.1 : Tổ chức được công nhận là tổ chức tôn giáo khi có đủ các điều kiện sau đây :

“16.1.a : Là tổ chức của những người có cùng tín ngưỡng, có giáo lý, giáo luật, lễ nghi không trái với thuần phong, mỹ tục, lợi ích của dân tộc ;

“16.1.b : Có hiến chương, điều lệ thể hiện tôn chỉ, mục đích, đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc và không trái với quy định của pháp luật ;

“16.1.c : Có đăng ký hoạt động tôn giáo và hoạt động tôn giáo ổn định ;

(Ở điểm này tôi cần nhấn mạnh để ông Phó chủ tịch không ngộ nhận : Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã có tư cách pháp nhân từ năm 1964, chiếu theo quy tắc bất hồi tố, mặt khác Nhà nước CHXHCNVN chưa hề có văn kiện hay Sắc luật nào đặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra ngoài vòng pháp luật, nên việc đăng ký ngày nay chiếu theo khoản 16.1.c là không cần thiết).

“16.1.d : Có trụ sở, tổ chức và người đại diện hợp pháp ;

“16.1.đ : Thẩm quyền công nhận tổ chức tôn giáo”.

Như vậy thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và Ban Ðại diện lâm thời Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Thừa thiên Huế, nhiệm kỳ 2005 – 2007, “bất hợp pháp” ở chỗ nào, thưa ông Phó chủ tịch ?

Thứ ba, khi ông Phó chủ tịch với chức vụ hành chánh của Nhà nước lại nhân danh Giáo hội Phật giáo Việt Nam để phủ nhận sự hiện hữu hợp tình hợp lý và hợp pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là vi phạm hoạt động tôn giáo. Xin ông Phó Chủ tịch hãy đọc kỹ Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam để nhận rõ ra điều phi lý tôi vừa nêu :

Ðiều 4, Chương II, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ghi rõ : “Mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là điều hòa hợp nhất các hệ phái Phật giáo Việt Nam cả nước…”. Ðiều hòa hợp nhất có nghĩa là ôn hòa hoạt động để tiến tới sự thống nhất. Nội hàm của 4 chữ “Ðiều hòa hợp nhất” không thể hiểu như một tổ chức đã thống nhất và duy nhất, vì đang “điều hòa” để “hợp nhất”.

Ðiều 6, Chương II, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ghi rõ : “Thành phần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm các hệ phái Phật giáo Việt Nam, các Tăng Ni và các Cư sĩ thuộc các hệ phái Phật giáo Việt Nam, tự nguyện tham gia Giáo hội và chấp hành bản Hiến chương này”. Tôi cố ý nhấn mạnh 4 chữ “tự nguyện tham gia”. Ðiều này có nghĩa là ai muốn tham gia thì tự nguyện tham gia, ai không muốn tham gia thì cũng không có quyền lực nào bắt phải tham gia.

Cho đến nay, có thể có vài cựu thành viên thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tư cách cá nhân. Nhưng tham gia trong tư cách pháp nhân của tập thể Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thì tuyệt đối không hề có chuyện đó.

Trên đây là thực tế khách quan của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tôi viết ra để hồi đáp các “ý kiến” của ông Phó chủ tịch. Hy vọng ông có thêm những dữ kiện lịch sử để phán đoán và tránh những hành xử không phù hợp với tư cách của một Nhà nước đang ngưỡng vọng tiến lên một Nhà nước Pháp quyền, và gây nguy hại cho tình đoàn kết dân tộc.

Chùa Giác-Hoa, Sài gòn ngày 18/11/2005
Phó Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo
Giáo-Hội Phật Giáo Việt-Nam Thống-Nhất
ấn ký
Thượng Tọa Thích Viên-Ðịnh


Unicode


VNI


VPS


VIQR

Check Also

Bài 1: Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế trả lời chung về âm mưu phá hoại cuộc đấu tranh cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo của hai Dư Luận viên Thục Vũ — Ý Dân

  PARIS, ngày 9 tháng Giêng năm 2019 (PTTPGQT & VCHR) — Thời gian qua, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *