Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin PTTPGQT / Dưới áp lực cuộc tọa kháng và tuyệt thực của 40 chư Tăng và sự phản đối của quần chúng tại nhà ga xe lửa Saigon, Công an đã phải trả tự do cho Hòa thượng Thích Quảng Độ – Lời tuyên bố của Hòa thượng khi về đến chùa : “Bao lâu chưa có dân chủ, tự do, chưa được quyền tự quyết, thì người dân vẫn còn bị cư xử như con vật trên đất nước Việt Nam”

Dưới áp lực cuộc tọa kháng và tuyệt thực của 40 chư Tăng và sự phản đối của quần chúng tại nhà ga xe lửa Saigon, Công an đã phải trả tự do cho Hòa thượng Thích Quảng Độ – Lời tuyên bố của Hòa thượng khi về đến chùa : “Bao lâu chưa có dân chủ, tự do, chưa được quyền tự quyết, thì người dân vẫn còn bị cư xử như con vật trên đất nước Việt Nam”

Download PDF

PARIS – Trong bản Thông cáo báo chí ngày hôm qua, 16.2.2006, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế đã loan tin Phái đoàn hai Viện Tăng thống và Viện Hóa Đạo do Hòa thượng Thích Quảng Độ hướng dẫn, dự tính lấy chuyến xe lửa lúc 19 giờ (giờ Việt Nam) ở ga Saigon đi Bình Định để vấn an và Chúc thọ đức Tăng thống Thích Huyền Quang vào dịp đầu năm Bính Tuất, 2006. Phái đoàn gồm có 11 vị, trong số này có Hòa thượng Thích Đức Chơn, thành viên Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng thống kiêm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Cư sĩ, Viện Hóa Đạo, Thượng tọa Thích Viên Định, Phó Viện trưởng kiêm Tổng thư ký Viện Hóa Đạo, Thượng tọa Thích Không Tánh, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Từ thiện Xã hội, Thượng tọa Thích Thiện Minh, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên, Thượng tọa Thích Chơn Tâm, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Giáo dục.

Nhưng khi đến ga Saigon, một trăm Công an mặc sắc phục và thường phục đã chờ sẵn, hành hung, xô xát phái đoàn Phật giáo để bắt Hòa thượng Thích Quảng Độ khiêng đi. Chuyến tàu khởi hành đi Bình Định lúc 19 giờ, nhưng không một ai trong phái đoàn được ra đi dù đã mua vé sẵn từ trước.

Vé xe lửa Saigon – Bình Định mua sẵn nhưng Công an cấm lên tàu – Photo IBIB
Vé xe lửa Saigon – Bình Định mua sẵn nhưng Công an cấm lên tàu – Photo IBIB

 
Nhưng sự kiện 40 chư Tăng tuyên bố tọa kháng và tuyệt thực tại nhà ga Saigon cho đến khi nào Hòa thượng Thích Quảng Độ được trả tự do mới thôi, dù phải ngồi suốt đêm hay cho đến những ngày sau, đã gây áp lực lớn. Đặc biệt, còn có sự tiếp ứng của quần chúng tại nhà ga bất bình, la ó phản đối công an liên tục. Nên công an đã phải trả tự do cho Hòa thượng Thích Quảng Độ vào khuya thứ năm cùng ngày. Nhiều chư Tăng đã tự đưa tay cho công an còng và nói lớn : Các ông hãy bắt hết chúng tôi đi, hoặc trả tự do tức khắc cho Hòa thượng Thích Quảng Độ ! Chúng tôi không sợ các ông đâu !”

 

Công an ngăn một Thượng tọa chạy theo bảo vệ HT. Thích Quảng Độ - Photo IBIB
Công an ngăn một Thượng tọa chạy theo bảo vệ HT. Thích Quảng Độ – Photo IBIB

 
Từ nhà ga về Thanh Minh Thiền viện chi mất năm mười phút tối đa. Thế nhưng xe công an chở Hòa thượng Thích Quảng Độ và Thượng tọa Thích Không Tánh đã đi vòng vo cả giờ đồng hồ về phía ngã tư Bảy Hiền, bệnh viện Vì Dân và khám Chí Hòa. Trong thời gian ấy, có nhiều cú điện thoại gọi tới cho thủ trưởng công an trên xe. Không biết nói gì, chỉ nghe trả lời : Xin tuân lệnh. Cuối cùng mới chở về Thanh Minh Thiền viện. Sau đó Hòa thượng đã sang chùa Giác Hoa.

Khi về đến chùa Giác Hoa, chư Tăng Viện Hóa Đạo đã gọi điện thoại thông báo sang ông Võ Văn Ái, Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế tại Paris. Dù đêm đã khuya, nhưng chúng tôi đã hầu chuyện ngay với Hòa thượng Thích Quảng Độ. Sau đây là lời phát biểu của Hòa thượng về thời gian bị công an câu lưu và cảm tưởng của Hòa thượng trước những hành xử hung bạo, thiếu văn hóa của Nhà cầm quyền Cộng sản xem người dân như súc vật :

“Cũng như mọi năm nhân dịp Xuân về, thì đó là truyền thống phong tục tập quán của Việt Nam là chư Tăng chúc thọ, bái tuế các vị trưởng thượng trong Giáo hội và đặc biệt là Đức Tăng thống. Năm nay chúng tôi cũng đi ra Tu viện Nguyên Thiều để bái tuế và chúc thọ Đức Tăng thống. Cũng như các năm trước là không được đi. Năm nào cũng đi nhưng đều bị cản trở. Năm nay chúng tôi chuyển đổi phương tiện di chuyển, không đi xe nhưng đi xe lửa. Nhưng cuối cùng thì vẫn bị chặn.

“5 giờ chiều hôm nay (16.2.2006) chúng tôi chuẩn bị đi ra ga xe lửa Hòa Hưng. Năm giờ rưởi thì đến nơi. Phái đoàn chúng tôi gồm đại diện Hội đồng Lưỡng Viện (Viện Tăng thống và Viện Hóa Đạo) gồm có Hòa thượng Đức Chơn, Thượng tọa Viên Định, Thượng tọa Không Tánh, Thượng tọa Thiện Minh, Thượng tọa Chơn Tâm và tôi cùng với một số vị thị giả cũng đi ra để bái tuế Đức Tăng thống.

 

Công an xô xát với Thượng tọa Thích Thiện Minh – Photo IBIB
Công an xô xát với Thượng tọa Thích Thiện Minh – Photo IBIB

 
“Khi chúng tôi đến ga thì hình như họ đã biết trước, nên họ bố trí hết cả, công an rất đông. Ra đến ga thì thấy toàn công an và công an sắc phục đàng hoàng, cả thường phục lẫn sắc phục. Họ phân hóa, họ thấy chư Tăng cùng đi với tôi và cũng (có số) ra tiễn chân nữa, để xem có việc gì bất thường xẩy ra. Cho nên công an họ bố trí rất đông. Riêng với tôi, họ chủ trương tách rời tôi với các vị khác. Họ dùng chính sách cách ly từng người một, không cho đi chung với nhau. Thế thì riêng các vị khác, họ tách rời ra để vào một chỗ, còn tôi thì họ đưa vào một phòng gọi là Phòng An ninh của nhà ga.

“Trong khi đưa tôi đi thì cũng dằn co, tức là tôi đi thì các Thầy cũng đi đằng sau để níu tôi trở lại. Một số công an lại gạt các Thầy ra, tách rời ra khỏi tôi, và một số công an thì đẩy tôi đi. Về sau, tôi cứ dằn co muốn trở lại để một số Thầy cùng đi với tôi. Nhưng dứt khoát họ không cho. Và về sau tôi cũng hơi mệt, nên đứng lại không đi nữa. Nên 4 người họ khênh tôi đi, họ khênh như là khênh một con heo. Họ đưa vào phòng gọi là Phòng An ninh của nhà ga. Vào đến phòng tôi ngồi và xỉu luôn. Họ để tôi ngồi trên ghế, tôi gục đầu xuống bàn. Không biết thời gian là bao nhiêu. Khi tôi dậy thì thấy một số công an đứng chung quanh.

“Đến lúc tàu chạy xong rồi, tôi mới hỏi lý do gì các ông bắt tôi vào đây, thì họ nói rằng không phải chúng tôi bắt Thầy. Nhưng vì có sự lộn vé, lẫn vé, vé của Thầy bị lẫn, nên chúng tôi đưa vào đây để thay đổi. Tôi bảo là vé chúng tôi mua bốn người đi chung một toa, thì có tôi và ba vị nữa có lẫn lộn gì đâu. Nhưng mà lý do đó không phải. Họ bảo họ không bắt. Tôi bảo các ông không bắt sao lại khênh tôi vào đây ? Có phải tự tôi đi vào đây đâu ? Các ông khênh vào đây, tức là các ông bắt. Tôi muốn biết lý do gì mà một hành khách đang sắp sửa lên tàu thì lại bị bắt như thế ? Các ông cho biết lý do ? Họ cứ chối là không phải bắt, mà vì có sự lầm lẫn về vé, cho nên nhân viên nhà ga yêu cầu chúng tôi đưa vào đây để mà sắp xếp lại vé, chứ không phải là bắt. Thì rồi tôi cứ ngồi đó. Họ đi ra đi vô một lúc. Rồi họ lại vào thuyết phục tôi bây giờ việc cũng đã lỡ, vậy chúng tôi đề nghị tàu cũng đã đi rồi, cũng không còn chuyến nào. Chuyến cuối cùng cho đến mãi 9 giờ, 11 giờ, cũng khuya rồi Thầy không nên đi. Mời các Thầy về chùa.

“Tôi bảo trước khi tôi về chùa, tôi yêu cầu các ông phải làm cho rõ lý do gì mà các ông bắt tôi vào đây. Một chuyện đơn giản như thế, tàu lỡ vé, rồi tàu hết, thì bảo chúng tôi đi về thế nào được. Tôi cứ ngồi mãi. Ngồi mãi, trong khi ấy một số quý Thầy khoảng ba bốn chục vị đã thấy tôi bị đưa vào đó, thì họ không hiểu là như thế nào, nên họ ngồi ngoài chờ. Cho đến khi nào tôi ra về thì họ mới về. Ngoài kia thì họ (công an) cũng nói là các vị giải tán đi. Nhưng các vị trả lời là không, tôi chưa ra, yêu cầu là phải giải quyết vấn đề của tôi. Khi nào tôi được về thì các sư mới về theo. Cuối cùng họ lại vào thúc tôi. Tôi bảo không, tôi yêu cầu phải làm rõ lý do đưa tôi vào đây, khênh tôi vào đây như một con vật, thì tôi mới về. Cuối cùng họ không làm thế nào được.

“Họ biết rằng là để chúng tôi ngồi đây qua đêm nay, thì chưa biết cái gì xẩy ra. Ở ngoài các vị ngồi, rồi dân chúng người ta đi qua, có khi một vài thanh niên họ la họ hét. Họ thấy dân chúng quan tâm. Do đó họ muốn giải quyết vấn đề, yêu cầu chúng tôi về. Nhưng tôi cương quyết tôi không về, yêu cầu lập biên bản lý do gì bắt tôi vào đây suốt mấy tiếng đồng hồ qua.

“Cuối cùng cái gì đến cũng phải đến, họ vào năm sáu người, họ lại khênh tôi một lần nữa. Họ đưa xe áp sát vào phòng tôi đang ngồi, năm sáu người họ vào khênh tôi như khênh con vật bỏ lên xe. Họ cho Thầy Không Tánh ngồi đằng sau. Mấy công an họ ngồi che hai bên cạnh tôi. Họ đóng cửa xe lại, họ đưa đi qua cổng phía hông, cái nách bên cạnh ga, chứ không phải ra cổng trước. Vì cổng trước các Sư còn đang ngồi chờ tôi, cho nên họ không đi lối đó mà đi cổng khác. Họ đưa tôi về Thanh Minh. Đến Thanh Minh họ kéo chuông đứt cả dây chuông, thì tôi mới hiểu lý do họ không đưa về Giác Hoa như tôi yêu cầu, mà đưa về Thanh Minh. Cho rằng là họ đưa về Thanh Minh là hết trách nhiệm. Nếu có cái gì xẩy ra trong đêm nay thì họ sẽ không chịu trách nhiệm, vì tôi ở Thanh Minh thì đưa về Thanh Minh, mà có người chứng kiến đó là bà già chùa. Tôi cũng phải vào Thanh Minh, vào ngồi đó nhưng không có chìa khóa để vào phòng. Thành tôi lại cùng với Thầy Không Tánh xuống Giác Hoa lấy chìa khóa. Nhưng khuya rồi, tôi không trở về Thanh Minh. Hiện giờ tôi đang ở chùa Giác Hoa.

“Cái việc mà họ ngăn chặn cũng hệt như sự kiện đã xẩy ra ở Lương Sơn cuối năm 2003. Công việc hôm nay đại khái nó diễn tiến như thế. Bây giờ tôi đang ở Giác Hoa đây. Về đây thấy đỡ mệt. Chứ lúc dằn co họ đưa vào phòng là xỉu luôn. Công việc đại ý như thế.

“Chuyện này không còn xa lạ gì nữa. Chuyện này xẩy ra cho Giáo hội từ 30 năm nay. Nó là như thế rồi. Cái bản chất của chế độ của các ông Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa nó là như thế. Đây không phải là lần đầu tiên, tôi biết nó sẽ còn xẩy ra. Chỉ khi nào tình trạng này được giải quyết dứt khoát, là khi nào dân tộc Việt Nam được trả lại cái quyền tự quyết của đất nước mình và dân tộc mình một cách tự do, dân chủ như các nước văn minh, thì những người công dân như chúng tôi, nhất là những người công dân theo tôn giáo, may ra mới yên được và bấy giờ mới thực hiện cái quyền công dân của mình. Nghĩa là cái quyền tự do di chuyển, tự do đi lại. Chứ chưa có được cái đó, vấn đề tự do, dân chủ thực sự chưa có, chúng tôi sẽ không bao giờ có cái quyền đi lại tự do.

“Cho nên tôi biết trước. Đi là đi, chứ chưa chắc gì đã được đi. Bởi vì cái truyền thống, cái phong tục tập quán như thế không thể bỏ qua. Dù phải đi mà họ không cho đi, trách nhiệm đó là tại họ. Chứ tôi cứ phải đi. Sang năm cũng sẽ cứ đi. Bất cứ dịp nào, ngay an cư tự tứ xong, mùa hè xong tôi cũng cứ đi. Còn việc họ chặn thì họ cứ việc chặn. Tôi thấy rằng trong một đất nước mà họ coi người dân như con thú vật vậy. Hôm nay họ cứ khênh tôi, không khác gì họ khênh một con heo. Rất là nhục nhã, rất là đau xót. Mà đấy là chúng tôi ở thành phố như thế, chỗ đông người như thế. Ngay cái ga xe lửa hàng trăm con mắt, hàng nghìn con mắt chú ý mà họ vẫn cứ làm như thế.

“Tôi mới suy ra, về những người dân thấp cổ bé họng ở nông thôn, ở vùng sâu vùng xa, thì sống làm sao nổi ! Đời sống của họ chắc không khác gì con vật đâu. Chúng tôi ở cái thành phố gọi là hoa lệ này, mà họ còn đối xử như con vật. Cho nên rất là đau xót. Cái đó mong rằng những nước văn minh, những nước mà nhân dân họ đã được hưởng sự hạnh phúc của nền dân chủ, tự do, làm cách nào giúp cho.

“Thế giới ngày nay là thế giới đại đồng, thế giới hòa nhập toàn cầu, thì không lẽ những dân tộc hạnh phúc đã được hưởng sự may mắn, sự sung sướng của nền dân chủ, tự do, mà không lẽ không quan tâm đến cái tự do, hạnh phúc của dân tộc khác sao ? Trong một xã hội mà mọi người đều yên vui thì mới có hạnh phúc. Còn trong một xã hội mà một số người yên vui, còn một số người luôn luôn sống trong lo sợ, nơm nớp lo sợ, sống trong sợ hãi, sống trong bất an, sống trong đau khổ, thì tôi tưởng cái hạnh phúc của những người may mắn được hưởng đó nó không được trọn vẹn.

“Cho nên vấn đề Nhân quyền ngày nay là vấn đề phổ biến. Mong rằng luật quốc tế cũng vậy, đã có đấy. Những bản Tuyên ngôn Nhân quyền, Các quyền dân sự và chính trị của LHQ cũng có đấy. Mà khi cái nước Việt Nam này họ gia nhập LHQ họ đã đồng ý gia nhập, chấp nhận bản Tuyên ngôn Nhân quyền ấy. Bây giờ có luật như vậy rồi. Nhập gia tùy tục, anh đã vào gia đình tôi, anh đã đồng ý vào đại gia đình LHQ quốc tế này. Anh đã chấp nhận nguyên tắc ấy, thì anh buộc phải chấp hành, anh phải thực hiện cho dân anh, cho dân tộc, nhân dân anh. Nếu không, thì anh chỉ lợi dụng vào đó để anh lấy viện trợ, cái lợi về kinh tế, mà anh không đếm xỉa gì đến hạnh phúc của nhân dân anh, thì chúng tôi không chấp nhận sự gia nhập đó. Cái đó, thiết tưởng rằng LHQ có quyền làm chuyện đó. Vì đây là luật của mình, mà đã được các thành viên LHQ chấp nhận cái nguyên tắc đó, thì không trừ một người nào. Không thể cứ hứa hưu hứa vượn, để khi anh được cho gia nhập, anh cứ nghĩ tới cái lợi của anh, mà anh bất chấp nguyên tắc của đại gia đình LHQ. Tôi mong rằng làm sao có cái dịp nào Giáo hội có ý kiến đó đệ đạt lên các nhà lãnh đạo LHQ.

“Nếu thế giới ngày nay, một số dân tộc được hưởng thụ mọi quyền tự do, có một thiểu số dân tộc vẫn cứ phải sống một cách tủi nhục như thế này, như những sự kiện xẩy ra như thế này. Tôi thấy rất nhục nhã cho dân tộc Việt Nam. Dân tộc Việt Nam hiện có 80 triệu dân, cũng không phải là ngu dại gì, cũng không phải kém thông minh so với dân tộc khác. Nhưng kẹt một cái là phải sống dưới một chế độ với cơ chế kìm hãm, không cho mình phát triển được như các dân tộc khác. Nó cai trị tùy hứng, không nghĩ gì đến quyền lợi của đất nước và dân tộc. Họ chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân của bè phái họ mà thôi”.

Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, Chánh đại diện GHPGVNTN Thừa thiên – Huế viết Kháng thư gửi Thủ tướng Phan Văn Khải

Từ Huế, ngày hôm nay, 17.2.2006, Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Thừa thiên – Huế đã viết Kháng thư gửi Thủ tướng Phan Văn Khải “cực lực phản đối hành động thô bạo của Công an TP Hồ Chí Minh, vây bắt Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, tại sân ga Saigon lúc 18g45 ngày 16/02/2006, trong lúc Hòa thượng cùng phái đoàn đại diện Hội Đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN đáp xe lửa từ TP Hồ Chí Minh đi Bình Định, thăm viếng, đãnh lễ và chúc thọ Đức Tăng Thống GHPGVNTN Thích Huyền Quang, nhân đầu Xuân Bính Tuất.

(…) “Sự kiện này đã làm Tăng Ni Phật tử khắp nơi bức xúc, xôn xao.

“Vì sự kiện trên, chúng tôi cực lực phản đối trước hành động thô bạo của Công an và chính quyền tại TP Hồ Chí Minh vây bắt Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng VHĐ, và đề nghị Thủ tướng những điều sau đây :

“1. Thông báo cho Tăng Ni Phật tử trong và ngoài nước biết Hòa thượng Thích Quảng Độ đang được giam giữ ở đâu.

“2. Trả tự do tức khắc cho Hòa thượng Thích Quảng Độ và những thành viên bị bắt.

“3. Phải đối xử một cách có lễ độ, trân trọng đối với các thành viên Hội đồng Lưỡng viện đang ngồi tuyệt thực đòi trả tự do cho Hòa thượng Thích Quảng Độ ; tạo điều kiện thuận lợi để Hòa thượng Thích Quảng Độ và phái đoàn được đi Bình Định thăm viếng Đức Tăng Thống Thích Huyền Quang.

“4. Gấp rút trả lại vô điều kiện pháp lý sinh hoạt của GHPGVNTN ; phải có tinh thần khoan dung đối với các tôn giáo ; chấm dứt ngay lập tức thái độ thù nghịch đối với các tôn giáo có mặt trên đất nước Việt Nam.

“Rất mong Thủ tướng sáng suốt và gấp rút giải quyết những nguyện vọng tha thiết, chính đáng trên đây của chúng tôi, để tình trạng thiếu tự do tôn giáo không xấu thêm như hiện nay”.

This post is also available in: English French

Check Also

Bài 1: Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế trả lời chung về âm mưu phá hoại cuộc đấu tranh cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo của hai Dư Luận viên Thục Vũ — Ý Dân

  PARIS, ngày 9 tháng Giêng năm 2019 (PTTPGQT & VCHR) — Thời gian qua, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *