Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin PTTPGQT / Ðức tăng thống Thích Huyền Quang và Tổ đình Thập Tháp ở Bình Ðịnh không tiếp Sư Ông Thích Nhất Hạnh và phái đoàn Tăng thân Làng Mai

Ðức tăng thống Thích Huyền Quang và Tổ đình Thập Tháp ở Bình Ðịnh không tiếp Sư Ông Thích Nhất Hạnh và phái đoàn Tăng thân Làng Mai

Download PDF

Văn phòng Tổ đình Thập Tháp và Tu viện Nguyên Thiều ở Bình Ðịnh vừa gửi đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế tại Paris bản tin về Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang v&agrave Tổ đình Thập Tháp không tiếp Sư Ông Thích Nhất Hạnh như sau :

Thượng tọa trú trì Tổ đình Thập Tháp ở Bình Ðịnh là Thượng tọa Thích Viên Ðịnh hiện bị Nhà cầm quyền Cộng sản ra lệnh quản chế tại chùa Giác Hoa ở Saigon kể từ biến cố Nguyên Thiều, Bình Ðịnh, đầu tháng 10.2003 cho đến nay. Do đó, Thượng tọa đã mất quyền tự do đi lại giữa Saigon và Bình Ðịnh như trước kia. Vì vậy chư Tăng Tổ đình Thập Tháp đã hội ý và lấy quyết định không đón tiếp Sư Ông Thích Nhất Hạnh và phái đoàn Tăng thân Làng Mai như lời đề nghị của Sư Ông Nhất Hạnh. Quyết định này đã được Thượng tọa Thích Viên Diệu, thay mặt chư Tăng Tổ đình Thập Tháp chính thức thông báo cho Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tức Giáo hội Nhà nước) tỉnh Bình Ðịnh vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, tức ngày 19.3.2005.

Một ngày sau, 20.3.2005, từ Tu viện Nguyên Thiều, Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang cũng đã trực tiếp gọi điện thoại thông báo cho Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tức Giáo hội Nhà nước) tỉnh Bình Ðịnh rằng Ngài không tiếp Sư Ông Thích Nhất Hạnh và phái đoàn Tăng thân Làng Mai theo lời yêu cầu của Sư Ông.

Trước đây, vào ngày 19.1.2005, Thượng tọa Thích Viên Ðịnh đã có thư hồi âm gửi Sư Ông Thích Nhất Hạnh về việc Sư Ông đề nghị đến viếng thăm Tổ đình Thập Tháp. Toàn văn bức thư đã được Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế công bố trong bản Thông cáo báo chí phát hành hôm 22.1.2005, mà bạn đọc có thể vào xem tại Trang nhà http://www.queme.net

Qua bức thư nói trên, Thượng tọa Thích Viên Ðịnh đưa ra ba nhận xét cơ bản. Trước hết về chuyến về Việt Nam của Sư Ông Nhất Hạnh, Thượng tọa viết : “Ðọc nội dung các lá thư Ngài gửi về, với mong ước được về thăm quê hương sau gần 40 năm xa cách và cũng để truyền bá pháp môn thiền, việc đó ai cũng thông cảm được, vì đó cũng là tâm tư của những người Việt xa quê hương trong những ngày lễ Tết. Có điều không biết vô tình hay cố ý, Ngài về nhằm vào thời điểm rất tế nhị, có thể bị hiểu là Ngài đã bị thế gian lợi dụng để tuyên truyền, làm đẹp cho chế độ. Dư luận bình phẩm không tốt về chuyến đi này của Ngài, con cũng hơi buồn”.

Tiếp đến, Thượng tọa tỏ ý kiến về việc Bố tát (1) chung tại Huế mà Sư Ông nghĩ đây sẽ là phương pháp tối ưu để “hòa hợp hòa giải” hai Giáo hội vốn bị Ðảng cộng sản ra lệnh cách ly. Một bên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Ðảng dựng lên năm 1981 để làm công cụ chính trị, một bên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thì bị đàn áp, ngăn cấm hoạt động. Thượng tọa viết : “Trong đoạn thư gửi hai Hòa thượng ở Huế, Ngài đề nghị Hòa thượng Thích Ðức Phương (Trưởng Ban Trị sự Gíao hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên) và Hòa thượng Thích Thiện Hạnh (Chánh thư ký Viện Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất) ra phi trường đón Ngài và phái đoàn, để chư tăng hai bên đi chung một đoàn. Và Ngài cũng đề nghị chư tăng bố-tát chung tại chùa Báo Quốc, thay vì hai nơi Từ Ðàm và Linh Quang như hiện nay. Chỉ cần vài ba phút là chư tăng sẽ hòa hợp thành một. Vấn đề hợp nhất Giáo-hội, có lẽ Ngài không rõ nội tình trong nước nên mới có ý kiến như vậy. Nhưng, muốn hòa giải, trước nhất, Ngài nên đứng giữa và phải tôn trọng cả hai bên, không nên bên trọng, bên khinh, một bên thì nêu tên tuổi, chức vụ, Giáo-hội, còn bên kia thì như quên lãng, các bên sẽ nghi ngờ việc làm của Ngài không phải hòa hợp mà là sáp nhập. Cũng giống như nhà nước kêu gọi đoàn kết, nhưng thật ra là sáp nhập. Vì đoàn kết thì các bên tôn trọng lẫn nhau, còn sáp nhập thì gom lại một mối để điều khiển”. (…) ” Ngài nên vận động theo lời đề nghị hòa hợp hai Giáo hội của Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Ðạo Thích Quảng Ðộ gần đây : “Muốn hòa hợp phải để Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất phục hoạt như cũ, và Giáo hội Phật giáo Việt nam phải ra khỏi Mặt trận tổ quốc. Khi ấy chư tăng sẽ ngồi lại với nhau, sắp xếp việc hòa hợp, các thế lực bên ngoài không được can thiệp vào. Nói chung, muốn giải quyết việc gì phải có dân chủ, nhân quyền là điều tiên quyết”. Ðó là một đề nghị dễ dàng, hợp tình, hợp lý nhất, không cần đề nghị nào khác”.

Và cuối cùng, Thượng tọa so sánh nếp sống tự do, dân chủ ở Tây phương với cảnh sống o ép trong nước mà Sư Ông Nhất Hạnh do ở nước ngoài quá lâu nên quên đi : “Ngài là người nhiều kinh nghiệm, nhớ rõ câu tục ngữ “ở bầu thì tròn ở ống thì dài” nên ở Tây phương, bên Pháp, Mỹ, những nước theo chế độ tự do, có dân chủ nhân quyền, Ngài muốn đi qua lại nước này nước kia lúc nào cũng được tự do tự tại, chứ đâu cần phải thương lượng, trao đổi nhiều năm, nhiều tháng như xin về Việt nam đâu. Hơn nữa Ngài đã ở nước ngoài lâu rồi, coi như khách, lại về Việt nam chỉ có ba tháng nên cách đối xử cũng khác, chánh phủ tiếp Ngài như tiếp phái đoàn quốc tế tham quan vậy thôi. Nếu Ngài về ở ba năm thì vấn đề lại khác, chưa chắc được như vậy. Vì vậy nên phái đoàn Ngài từ Pháp về, được Nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đón tiếp, mời mọc long trọng, chứ chư tăng trong nước, như con ở Sài gòn về Bình định đã không được rồi. Và vừa rồi cả phái đoàn của Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Ðạo từ Sài gòn về Bình định thăm đức Tăng thống bị bịnh nặng thập tử nhất sinh, nằm ở bệnh viện Qui nhơn cũng bị Nhà nước ngăn chặn, đâu có đi được. Ở Việt-Nam, đạo đức, văn hóa, tự do, nhân quyền của con người bị tước đoạt như vậy, Ngài có biết không ?.

Thượng tọa Thích Viên Ðịnh là một trong bốn vị Phó Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Tổ đình Thập Tháp tại Bình Ðịnh là một trong những trung tâm đào luyện Tăng tài trong phong trào Chấn hưng Phật giáo hồi đầu thế kỷ XX. Rất sớm tại đây, Quốc sư Phước Huệ đã mở các lớp nội điển dạy Tăng chúng từ năm 1920. Quốc sư là người được các vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Ðịnh mời thuyết giảng Phật pháp tại triều đình Huế. Năm 1929, Hòa thượng Giác Tiên vào Tổ đình Thập Tháp mời Quốc sư ra Huế chủ giảng tại Phật học đường Trúc Lâm, rồi Ngài tiếp tục thuyết giảng tại các Phật học đường Báo Quốc, Tây Thiên… đào luyện cả một thế hệ Ðại tăng lãnh đạo Phật giáo Việt Nam cận đại và hiện đại.


(1) Bố tát : tiếng Phạn là Upavasatha, Pali là Uposatha, Hán dịch là tịnh trụ, trưởng dưỡng… Tức lễ tịnh giới. Cứ mỗi nửa tháng vào dịp Rằm và ngày 29 hay 30 âm lịch, chúng tăng họp lại một chỗ, thỉnh vị tỳ kheo tinh thông giới luật nói cho nghe giới bản Ba-la-đề-mộc-xoa (Pratimoksa) để xét hành vi của mình nửa tháng qua. Nếu phạm giới thì phải sám hối trước chúng tăng. Pháp này giúp các tỳ kheo an trụ lâu dài trong tịnh giới, tăng trưởng pháp lành và công đức (PTTPGQT chú).



Unicode


VNI


VPS


VIQR

Check Also

Bài 1: Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế trả lời chung về âm mưu phá hoại cuộc đấu tranh cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo của hai Dư Luận viên Thục Vũ — Ý Dân

  PARIS, ngày 9 tháng Giêng năm 2019 (PTTPGQT & VCHR) — Thời gian qua, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *