Từ ngày 6 đến ngày 9.9.2004, đại diện các Xã hội dân sự thuộc các nước Á châu và Âu châu sẽ tham gia Diễn đàn Nhân dân ASEM lần thứ 5 tổ chức tại Hà Nội. ASEM là chữ viết tắt của Asia Europe Meeting (Gặp gỡ Âu Á). Nghị trình của Diễn Ðàn Nhân dân ASEM 5 nhằm xem xét tiến trình hợp tác Á Âu hầu đưa ra những đề xuất cho Hội nghị Thượng đỉnh ASEM sẽ tổ chức tại Hà Nội tháng tới trong hai ngày 8 và 9.10.2004. Hội nghị Thượng đỉnh tháng 10 quy tụ đại biểu thuộc 25 nước Liên hiệp Âu châu và Nhật bản, Trung quốc, Nam Hàn cùng với 10 quốc gia thuộc Hiệp hội Ðông Nam Á, kể cả Cam Bốt, Lào và Miến Ðiện. Mấy tháng vừa qua, Liên hiệp Âu châu hăm sẽ không đến tham dự nếu Miến Ðiện có mặt. Nhưng nay hai bên Âu Á đã thỏa thuận với điều kiện đại biểu Miến Ðiện không thuộc hàng lãnh đạo cao cấp.
Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam vui mừng thấy những nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền và dân chủ Âu Á quan tâm đến Hà Nội. Tuy nhiên, Ủy ban lấy làm tiếc cho sự kiện Diễn đàn Nhân dân ASEM lần thứ 5 mở ra trong một đất nước mà nhân dân bị cấm cản các quyền tự do căn bản, nơi mà các xã hội dân sự bị đặt ngoài vòng pháp luật và bị Ðảng-Nhà nước độc tôn đàn áp.
Ủy ban Tổ chức Diễn đàn, bao gồm giới quốc tế và Việt Nam hợp tác tổ chức, mời gọi các tổ chức Phi chính phủ trong thế giới tham gia. Mục tiêu đề ra qua giấy mời là “đối thoại và trao đổi với xã hội dân sự Việt Nam”. Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, mà ai cũng biết là cơ quan chính thức của Ðảng Cộng sản làm công tác giao lưu và tuyên truyền quốc tế, là cơ quan tổ chức Diễn đàn Nhân dân ASEM 5 tại Hà Nội. Cơ quan này cho biết sẽ huy động các “tổ chức quần chúng” tham gia diễn đàn. Cái gọi là những “tổ chức quần chúng” này chẳng gì khác hơn là các tổ chức Phục vụ chính phủ (GONGO) nằm trong Mặt trận Tổ quốc của Ðảng Cộng sản, chứ không là những tổ chức Phi chính phủ (NGO). Hiện nay công luận thế giới đang phân biệt những tổ chức Phi chính phủ do các Nhà nước độc tài nặn ra làm công tác tuyên truyền thế giới gọi là GONGO (Government-organized Non-governmental Organizations) so với các tổ chức Phi chính phủ (Non-governmental Organizations) thực thụ bênh vực cho các quyền cơ bản của người công dân.
“Các xã hội dân sự Việt Nam không được tham gia Diễn đàn Nhân dân ASEM 5 này”, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, tuyên bố vừa qua với báo chí tại Paris như thế. Ông giải thích rằng : “Những xã hội dân sự đích thực tại Việt Nam – bao gồm những người dân nam nữ bình thường không ngừng lên tiếng kêu gọi ôn hòa cho sự phát triển dân chủ và nhân quyền – hiện đang bị hăm dọa thường trực, bị theo dõi và bắt bớ”. Ông Ái gửi đến các thành viên tham dự Diễn đàn một danh sách chi tiết về 23 nhân vật đại biểu cho các xã hội dân sự Việt Nam bị đàn áp và không được mời tham dự Diễn đàn Nhân dân ASEM 5. Trong số các nhân vật được nêu danh gồm có Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, các ông Nguyễn Ðan Quế, Phạm Quế Dương, Trần Khuê, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Khắc Toàn, v.v…
Ông Võ Văn Ái cũng tố cáo Diễn đàn khai diễn trong những điều kiện bưng bít. So với bốn Diễn đàn Nhân dân ASEM tổ chức trước đây ở Bangkok (1996), Luân Ðôn (1998), Séoul (2000) và Copenhague (2002), thì lần này tại Hà Nội, Diễn đàn Nhân dân ASEM 5 không được tổ chức đồng thời với Hội nghị Thượng đỉnh ASEM mà tổ chức riêng lẻ một tháng trước đó. Ông Ái cho biết : “Tổ chức Diễn đàn Nhân dân ASEM 5 một tháng trước Hội nghị Thượng đỉnh ASEM, là Nhà cầm quyền Hà Nội cố ý ngăn cản cuộc trao đổi giữa các xã hội dân sự với các chính phủ phó hội, và chận đứng mọi nguồn thông tin của các tổ chức Phi chính phủ muốn truyền đạt đến các cơ quan truyền thông, báo chí hiện diện tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEM, nhất là những nguồn thông tin về sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và đàn áp tôn giáo khốc liệt tại Việt Nam”.
Theo chương trình nghị sự, sẽ có những cuộc hội thảo về các chủ đề như “Báo chí và dân chủ”, “Vai trò các nhóm sắc tộc và tôn giáo giải quyết xung đột vũ trang”, “Dân chủ hóa và xây dựng pháp quyền”, “Vai trò các phong trào nhân dân và xã hội dân sự (kể cả các tổ chức Phi chính phủ), mối quan hệ với nhau và với chính phủ”, “Quyền con người : cách tiếp cận toàn diện”, v.v… Ông Võ Văn Ái nêu lên câu hỏi : “Làm sao các xã hội dân sự tại Việt Nam có thể tham gia ý kiến vào các cuộc hội thảo, khi mà Nhà cầm quyền Hà Nội chối bỏ các quyền tự do báo chí, đàn áp đồng bào Thượng, truy diệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và các tôn giáo không được công nhận, bỏ tù những nhà ly khai sử dụng Internet và những nhà đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ. Ðặc biệt là Hà Nội không hề tuân thủ và áp dụng các công ước quốc tế ký kết với LHQ, như Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị ký kết năm 1982”.
Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam lên tiếng nhắc nhở Nhà cầm quyền Hà Nội rằng, là thành viên của ASEM và là nước chủ nhà tổ chức Diễn đàn Nhân dân ASEM 5, Việt Nam phải tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của ASEM. Các nguyên tắc này không nhắm riêng việc khuyến khích những hợp tác kinh tế, mà còn phải thực hiện những thăng tiến nhân quyền, dân chủ và sự cầm quyền mỹ hảo. Như Quốc hội Âu châu khẳng định trong bản Quyết nghị về công cuộc hợp tác Á Âu năm 1998 : “Cuộc phát triển dài lâu các trao đổi, đầu tư kinh tế không thể đảm bảo, khi dân chủ, pháp quyền, xã hội dân sự cùng nhân quyền chưa được củng cố”.
Ðược biết đông đảo các tổ chức nhân quyền quốc tế, như Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền, Ân Xá Quốc tế, v.v… đã không nhận lời mời đến Hà Nội tham dự.
Nhân dịp Diễn đàn Nhân dân ASEM 5 mở ra tại Hà Nội, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam kêu gọi Nhà cầm quyền Hà Nội :
1. Hủy bỏ các hạn chế về quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do lập hội, tự do báo chí, và tôn trọng quyền tự do hình thành và hoạt động của các xã hội dân sự, các tổ chức Phi chính phủ ;
2. Trả tự do tức khắc và không điều kiện cho những công dân Việt Nam bị giam giữ hoặc quản chế vì đã ôn hòa đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ, công bằng xã hội, đặc biệt là trường hợp của Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Thượng tọa Thích Thiện Minh, vác nhà ly khai sử dụng Internet Nguyễn Ðan Quế, Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình ;
3. Tôn trọng quyền tự do phát hành báo chí tư nhân và độc lập (như Hòa thượng Thích Quảng Ðộ và Cố Tướng Trần Ðộ đã có đơn xin phép nhưng bị khước từ) ;
4. Phục hồi quyền sinh hoạt chính đáng của các tôn giáo không được nhà cầm quyền thừa nhận. Các tổ chức tôn giáo này đích thực là những xã hội dân sự quan trọng cho công cuộc phát triển Việt Nam. Mặt khác, hoàn trả cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất các cơ sở giáo dục tiểu, trung và đại học, các cơ quan từ thiện xã hội, y tế, cũng như các cơ sở văn hóa, chùa viện bị cưỡng chiếm sau năm 1975. Vì các hệ thống giáo dục, văn hóa, xã hội này đóng góp hữu hiệu và cấp thiết cho phúc lợi của nhân dân Việt Nam.
Danh sách và hồ sơ chi tiết gửi đến các thành viên quốc tế tham dự Diễn đàn Nhân dân ASEM 5 về 23 nhân vật đại biểu các xã hội dân sự Việt Nam hiện bị cầm tù hay quản chế gồm có : Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, các Thượng tọa Thích Thiện Minh, Thích Tuệ Sỹ, Thích Thanh Huyền, Thích Nguyên Lý, Thích Viên Ðịnh, Thích Thái Hòa, Thích Hải Tạng, Ðại đức Thích Ðồng Thọ, Cựu đại tá Phạm Quế Dương, Bác sĩ Nguyễn Ðan Quế, Cựu Viện trưởng Hoàng Minh Chính, Nhà nghiên cứu Trần Khuê, các ông : Nguyễn Ðình Huy, Trần Văn Lương, Vũ Ðình Thụy, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn,Jana Bom (người Thượng Tây nguyên), và Mục sư Nguyễn Hồng Quang.