Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin UBBVQLNVN / Ðài Á châu Tự do phỏng vấn về tiến trình của Diễn đàn Nhân dân ASEM 5 tổ chức tại Hà Nội từ ngày 6 đến 9.9.2004

Ðài Á châu Tự do phỏng vấn về tiến trình của Diễn đàn Nhân dân ASEM 5 tổ chức tại Hà Nội từ ngày 6 đến 9.9.2004

Download PDF

Lời giới thiệu : Theo các bản tin Mỹ liên xã (AP), Anh tấn xã (Reuters) và Ðức tấn xã (DPA), thì Diễn đàn Nhân dân ASEM 5 đã khai mạc tại Hà Nội hôm thứ hai 6.9.2004. Biến cố lớn được các hãng thông tấn bộc lộ là sự kiện Hà Nội cấm các nhà báo quốc tế theo dõi Diễn đàn Nhân dân ASEM 5, dù một trong 33 đề tài thảo luận có một đề tài mang tựa đề “Báo chí và Dân chủ”. Làm sao thảo luận một đề tài như thế khi Việt Nam chưa có dân chủ, và đặc biệt hơn nữa, khi Việt Nam cấm các đại diện báo chí đến từ các nước Ðông Nam Á và Âu Mỹ hành nghề tại Diễn Ðàn ? Bản tin Ðức tấn xã đánh đi từ Hà Nội nhắc nhở lời phê phán cuộc tổ chức Diễn Ðàn Nhân dân ASEM 5 khi viết : “Các xã hội dân sự Việt Nam không được tham gia Diễn đàn Nhân dân ASEM 5 này”, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, tuyên bố như thế. Và ông nói tiếp : “Những xã hội dân sự đích thực tại Việt Nam – bao gồm những người dân nam nữ bình thường không ngừng lên tiếng kêu gọi ôn hòa cho sự phát triển dân chủ và nhân quyền – hiện đang bị hăm dọa thường trực, bị theo dõi và bắt bớ tại Việt Nam ngày nay”.

Bản Thông cáo báo chí của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam phát hành ngày 6.9.2004 đã trình bày chi tiết về Diễn đàn này, mà Bạn đọc có thể vào xem trong Trang nhà Quê Mẹ : http://www.queme.net. Dưới đây, chúng tôi xin đăng tải nguyên văn cuộc phỏng vấn ông Võ Văn Ái của Phóng viên Ỷ Lan Ðài Á châu Tự do. Cuộc phỏng vấn đã phát về Việt Nam trong chương trình ngày 7.9.2004.

Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam


Ỷ Lan : Theo hãng thông tấn AP đánh đi từ Hà Nội cho biết Diễn đàn Nhân dân ASEM lần thứ 5 khai mạc hôm thứ hai, ngày 6 tháng 9, và kéo dài trong vòng 3 ngày. Diễn đàn này quy tụ các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức Phi chính phủ Việt Nam và thế giới, đặc biệt là các nước Âu châu và Á châu. Chữ ASEM, Asia Europe Meeting, hàm nghĩa gặp gỡ và hợp tác Á Âu.

Hãng thông tấn AP cho biết Diễn đàn này sẽ tổ chức nhiều cuộc hội thảo về vấn đề hòa bình và an ninh, kinh tế và an ninh xã hội, dân chủ hóa và quyền của nhân dân, kể cả một cuộc hội thảo có tiêu đề “Báo chí và dân chủ”. Tuy nhiên, vào ngày khai mạc hôm thứ Hai, Ban Tổ chức tuyên bố rằng báo chí quốc tế không được tham dự Diễn đàn. Trước tin này, theo hãng AP, các ký giả đến từ các nước Ðông Nam Á tỏ vẻ rất giận dữ, bản thân hãng thông tấn AP cũng không được tham dự. Ký giả tờ Ngôi sao Mã Lai, ông Bunn Nagara dọa sẽ viết lên sự thật là Việt Nam ngăn cấm ông hành nghề truyền thông. Ký giả Mirko Herberg thì nói rằng : “Tôi rất quan ngại cho việc cấm các nhà báo hành nghề, vì hình ảnh của Việt Nam sẽ xấu đi”. Ông Ðỗ Bá Khoa, thành viên ban tổ chức, nại cớ vì thiếu chỗ nên phải hạn chế sự tham dự của các tổ chức truyền thông, báo chí quốc tế. Một thành viên khác, ông Hồ Anh Dũng giải thích rằng thay vì theo dõi trực tiếp các buổi hội thảo, các nhà báo quốc tế có thể đặt câu hỏi tại những cuộc họp báo được tổ chức hằng ngày”.

Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam có trụ sở ở Paris vừa ra một thông cáo báo chí về Diễn Ðàn Nhân dân ASEM 5 tổ chức tại Hà Nội. Chúng tôi tìm gặp ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban, để hỏi thêm ý kiến.

Ỷ Lan : Thưa ông Võ Văn Ái, Diễn đàn Nhân dân ASEM lần thứ 5 khai mạc tại Hà Nội hôm thứ Hai, so với những lần tổ chức trước có điều gì đặc biệt ?

Võ Văn Ái : Xin kính chào quý thính giả của Ðài. Ðây là lần thứ 5 Diễn đàn Nhân dân ASEM được khai mạc. Các lần trước tổ chức tại Bangkok năm 1996, Luân Ðôn năm 1998, Séoul năm 2000, và Copenhague ở Bắc Âu năm 2002. Lần này tại Hà Nội, và điểm đặt biệt là không tổ chức đồng thời với Hội nghị Thượng đỉnh ASEM như bốn kỳ đầu, mà tổ chức riêng lẻ một tháng trước. Theo sự đánh giá của các quan sát viên quốc tế, thì phải chăng Nhà cầm quyền Hà Nội không muốn có cuộc trao đổi giữa các tổ chức xã hội dân sự với các chính phủ phó hội, đồng thời cũng muốn chận đứng những phát biểu của các tổ chức Phi chính phủ muốn truyền đạt đến các cơ quan truyền thông, báo chí hiện diện tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEM, nhất là những nguồn thông tin liên quan đến các vi phạm nhân quyền và đàn áp tôn giáo”.

Ỷ Lan : Ông có chia xẻ lối đánh giá này không và vì sao ?

Võ Văn Ái : Tôi đồng tình với lối đánh giá này vì hai lẽ. Trên phương diện chương trình mà tôi có trong tay, thì trong 33 đề tài thảo luận, chữ nhân quyền tức quyền con người được thay thế bằng thành ngữ “quyền dân tộc”. Ðây chính là quan điểm nhân quyền của nhà nước cộng sản Việt Nam : nhân quyền không được xem như quyền cá nhân, mà chỉ là quyền của một dân tộc trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm giành độc lập. Lẽ thứ hai, là trong Ban tổ chức không có sự tham dự của các tổ chức Phi chính phủ và các xã hội dân sự thực thụ, vì ban tổ chức là “Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam”, mà ai cũng biết là cơ sở của Ðảng Cộng sản, làm công tác giao lưu và tuyên truyền quốc tế cho Ðảng.

Ỷ Lan : Những đối tượng nào được mời tham dự Diễn đàn ?

Võ Văn Ái : Các tổ chức Phi chính phủ ở Âu châu và Á châu đều được mời. Mục tiêu đề ra qua giấy mời là “đối thoại và trao đổi với xã hội dân sự Việt Nam”. Phía Việt Nam, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam cho biết sẽ huy động các “tổ chức quần chúng” tham gia diễn đàn. Theo tôi biết thì nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế không nhận lời đến Hà Nội, vì tình trạng nhân quyền tại Việt Nam chưa được khai thông, chẳng hạn như Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền, Ân Xá Quốc tế, vân vân. Còn tại Việt Nam, những “tổ chức quần chúng” nói đây hẳn nhiên là những tổ chức nằm trong Mặt trận Tổ quốc, tức là những tổ chức nằm trong vòng kiểm soát của Ðảng.

Ỷ Lan : Ngoài những tổ chức quần chúng này, xin ông cho biết còn có những tổ chức Phi chính phủ hay Xã hội dân sự nào khác ở Việt Nam ?

Võ Văn Ái : Hiện nay công luận thế giới phân biệt những tổ chức Phi chính phủ do các Nhà nước độc tài nặn ra làm công tác tuyên truyền cho chế độ, gọi là GONGO (Government-organized Non-governmental Organizations) so với các tổ chức Phi chính phủ (NGO, tức là Non-governmental Organizations) thực thụ bênh vực cho các quyền cơ bản của người công dân. Tại Việt Nam ngày nay, nhà nước chưa cho phép quyền tự do thành lập các xã hội dân sự độc lập hoặc các tổ chức Phi chính phủ đích thực, mà chỉ có những GONGO, tôi dịch là tổ chức Phục vụ chính phủ, chứ không là Phi chính phủ, NGO. Những vị đại diện cho các tổ chức Phi chính phủ, các xã hội dân sự đích thực tại Việt Nam hiện nay đều bị cầm tù hay quản chế. Và hẳn nhiên họ không được mời, không được tham dự Diễn đàn Nhân dân ASEM này.

Ỷ Lan : Như vậy thì tiếng nói đại diện cho xã hội dân sự Việt Nam tại Diễn đàn đối thoại quốc tế này là gì ?

Võ Văn Ái : Theo tôi, thì tiếng nói này còn nằm trong thứ ngôn ngữ lặng câm của tù ngục và quản chế. Bao lâu nhà cầm quyền Hà Nội còn cấm cản các quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do lập hội, thì tiếng nói ấy chưa thể cất lên. Chính vì lẽ đó mà nhân danh Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, tôi đã gửi đến các thành viên tham dự Diễn đàn Nhân dân ASEM kỳ 5 ở Hà Nội một danh sách chi tiết về 23 nhân vật đại biểu cho các xã hội dân sự Việt Nam bị đàn áp. Trong số này có Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, các ông : Phạm Quế Dương, Nguyễn Ðan Quế, Hoàng Minh Chính, Trần Khuê, Nguyễn Ðình Huy, Trần Văn Lương, Vũ Ðình Thụy, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Hồng Quang, vân vân.

Ỷ Lan : Theo ông thì các xã hội dân sự có tầm quan trọng như thế nào ?

Võ Văn Ái : Rất quan trọng vì một mặt các xã hội dân sự phản ánh dân tình giúp Nhà nước hoạch định chính sách cụ thể cho công cuộc phát triển đất nước. Mặt khác, trước tình trạng suy thoái đạo đức, tệ nạn xã hội đầy giẫy ở Việt Nam ngày nay, các xã hội dân sự, trong có các tôn giáo lớn như Phật giáo, Công giáo, Cao Ðài, Hòa Hảo, Tin lành, v.v… và qua các cơ sở có sẵn của họ trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, xã hội sẽ đóng góp hữu hiệu và cấp thiết cho phúc lợi của nhân dân Việt Nam.

Ỷ Lan : Xin cám ơn ông Võ Văn Ái.



Unicode

VNI

VPS

VIQR

(Ỷ Lan tường trình từ Âu Châu)

Bấm vào đây để nghe cuộc phỏng vấn này


Rightclick to download this audio

Ðài Á châu Tự do

Check Also

VCHR và FIDH đệ trình báo cáo chung đến LHQ cho Kỳ Kiểm Điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam

PARIS, ngày 11 tháng 10 năm 2023 (VCHR) : Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *