Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin UBBVQLNVN / Phỏng vấn Huân tước Avebury, Thượng Nghị sĩ Quốc hội Anh về Diễn đàn Nhân dân ASEM 5 đang diễn ra tại Hà Nội

Phỏng vấn Huân tước Avebury, Thượng Nghị sĩ Quốc hội Anh về Diễn đàn Nhân dân ASEM 5 đang diễn ra tại Hà Nội

Download PDF

Lord AveburyLời giới thiệu : Theo các bản tin Mỹ liên xã (AP), Anh tấn xã (Reuters) và Ðức tấn xã (DPA), thì Diễn đàn Nhân dân ASEM 5 đã khai mạc tại Hà Nội hôm thứ hai 6.9.2004 và kéo dài cho đến ngày 9.6. Biến cố lớn được các hãng thông tấn loan tải là sự kiện Hà Nội cấm các nhà báo quốc tế theo dõi Diễn đàn Nhân dân ASEM 5, dù một trong 33 đề tài thảo luận có một đề tài mang tựa đề “Báo chí và Dân chủ”. Làm sao thảo luận một đề tài như thế khi Việt Nam chưa có dân chủ, và đặc biệt hơn nữa, khi Việt Nam cấm các đại diện báo chí đến từ các nước Ðông Nam Á và Âu Mỹ hành nghề tại Diễn Ðàn ? Bản tin Ðức tấn xã đánh đi từ Hà Nội hôm 6.9 nhắc nhở lời phê phán cuộc tổ chức Diễn Ðàn Nhân dân ASEM 5 khi viết : “Các xã hội dân sự Việt Nam không được tham gia Diễn đàn Nhân dân ASEM 5 này”, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, tuyên bố như thế. Và ông nói tiếp : “Những xã hội dân sự đích thực tại Việt Nam – bao gồm những người dân nam nữ bình thường không ngừng lên tiếng kêu gọi ôn hòa cho sự phát triển dân chủ và nhân quyền – hiện đang bị hăm dọa thường trực, bị theo dõi và bắt bớ tại Việt Nam ngày nay”.

Bản Thông cáo báo chí của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam phát hành ngày 6.9.2004 đã trình bày chi tiết về Diễn đàn này, mà Bạn đọc có thể vào xem trong Trang nhà Quê Mẹ : http://www.queme.net. Hôm qua, chúng tôi đã đăng tải cuộc phỏng vấn ông Võ Văn Ái của Ðài Á châu Tự do về Diễn đàn này. Hôm nay, xin đăng tiếp nguyên văn cuộc phỏng vấn Huân tước Avebury, Thượng Nghị sĩ Quốc hội Anh của Phóng viên Ỷ Lan mà Ðài Á châu Tự do đã phát về Việt Nam trong chương trình sáng ngày 9.9.2004.

Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam


Ỷ Lan : Diễn đàn Nhân dân ASEM 5 vừa khai mạc tại Hà Nội hôm thứ hai 6.9.2004. Biến cố lớn được các hãng thông tấn loan tải là sự kiện Hà Nội cấm các nhà báo quốc tế theo dõi Diễn đàn Nhân dân ASEM 5, dù một đề tài thảo luận tại Diễn đàn mang tựa đề “Báo chí và Dân chủ”. Sự kiện này đã gây nhiều xúc động trong công luận Âu châu. Vì vậy chúng tôi tìm hỏi ý kiến của các tổ chức nhân quyền quốc tế và các vị Thượng nghị sĩ, Dân biểu tại các Quốc hội. Sau đây là ý kiến của Thượng nghị sĩ Avebury, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Thượng và Hạ viện Anh quốc.

Ỷ Lan : Kính chào Huân tước Avebury, xin Ngài vui lòng cho biết ý kiến Ngài về cuộc họp của Diễn Ðàn Nhân dân ASEM lần thứ 5 đang diễn ra tại Hà Nội ?

Lord Avebury : Tôi rất quan ngại trước sự kiện chính quyền Việt Nam ngăn cản các nhà báo và cơ quan truyền thông tham dự Diễn Ðàn này, đặc biệt khi ta xét rằng có cả một cuộc hội thảo mang tựa đề “Báo chí và dân chủ”. Chuyện này thật nghịch lý, thảo luận đề tài “Báo chí và dân chủ” mà lại ngăn cấm báo chí tham dự !

Theo chúng tôi biết thì Ân xá Quốc tế và một tổ chức có trụ sở ở Paris là Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền quyết định không tham dự Diễn Ðàn ở Hà Nội. Chúng tôi nghĩ rằng các tổ chức này biết trước là Diễn Ðàn sẽ không chịu thảo luận một số đề tài về Nhân quyền là điều quan trọng hiện nay tại Việt Nam.

Những người Cộng sản rất sợ việc tự do báo chí và truyền thông hiện hữu tại Hà Nội. Sự kiện cấm đoán các nhà báo tham dự cuộc thảo luận về Báo chí và Dân chủ cho thấy rằng nhà cầm quyền Việt Nam chưa hiểu trọn vẹn dân chủ mang ý nghĩa gì. Tôi hy vọng rằng Liên hiệp Âu châu sẽ làm sáng tỏ vấn đề này tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEM và xác định rằng quan hệ giữa Âu châu và các nước trong vùng căn cứ trên sự tôn trọng nhân quyền, kể cả quyền tự do ngôn luận.

Tôi sẽ chất vấn Chính phủ Anh về sự kiện các nhà báo bị cấm tham dự Diễn Ðàn, và yêu cầu cho sự kiện này phải được đề cập tại Thượng đỉnh ASEM vào tháng 10 tới ở Hà Nội.

Ỷ Lan : Huân tước sẽ thực hiện việc chất vấn này bằng cách nào ?

Lord Avebury : Vâng, ngày hôm nay Quốc hội sẽ họp lại sau khóa nghỉ mùa hè, tôi sẽ đặt thẳng câu hỏi với chính phủ trước Quốc hội, và chắc chắn là Chính phủ Anh sẽ phải hồi âm. Chỉ trong vòng một tuần lễ là có thư hồi âm của vị Bộ trưởng đặc trách. Thời gian khá đủ để biết ý định của chính phủ trước cuộc họp tại Hà Nội.

Ỷ Lan : Thưa Huân tước Avebury, từ nhiều năm qua Ngài không ngừng lưu ý Chính phủ Anh bênh vực cho các nhà đấu tranh cho nhân quyền và các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Việt Nam. Gần đây Ngài có nêu thêm sự kiện nào khác nữa ? Ngài có biết là Chính phủ Anh và Liên hiệp Âu châu có liên hệ với nhà cầm quyền Việt Nam trên những vấn đề này hay không ?

Lord Avebury : Tôi có nêu lên một số trường hợp trong tháng Bảy vừa qua. Chắc quý vị cũng biết rằng Liên hiệp Âu châu đối thoại thường xuyên với chính phủ Việt Nam trên lĩnh vực này, và cuộc gặp gỡ lần cuối giữa hai bên xẩy ra hồi tháng Sáu. Trong cuộc gặp gỡ ấy, Liên hiệp Âu châu đã đưa ra một danh sách tù nhân bị giam giữ hay quản chế mà Liên hiệp Âu châu quan tâm. Danh sách này bao gồm cả 6 vị giáo phẩm cao cấp thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, kể cả Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ.

Ỷ Lan : Xin Huân tước một câu hỏi chót : Huân tước có một lời khuyên hay cố vấn gì gửi đến các nhà đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam hiện đang nỗ lực hết mình để tái hồi quyền tự do ngôn luận và những quyền căn bản khác tại Việt Nam ?

Lord Avebury : Tôi khuyên họ hãy giữ liên lạc chặt chẽ với những ai quan tâm đến quyền con người trên thế giới, vì hiện nay chính quyền Việt Nam đang tìm mọi cách cải thiện các quan hệ với thế giới bên ngoài. Hiện nay vô số các nhà kinh doanh đến Việt Nam, vô số khách du lịch đến Việt Nam. Chính quyền Việt Nam phải cải thiện bộ mặt của họ. Chính quyền Việt Nam thừa biết là nếu không giữ quan hệ hữu hảo với Tây phương, thì khó mà kinh doanh làm ăn. Vì vậy, mà tôi nghĩ rằng chúng ta đang có cơ hội gây ảnh hưởng. Nếu quý vị cung cấp cho chúng tôi những thông tin, mà dựa vào đó chúng tôi có thể bênh vực, tất nhiên áp lực quốc tế đối với Việt Nam có thể hình thành để đưa lại thành quả cho nhân quyền.

Ỷ Lan : Xin cám ơn Huân tước Avebury



Unicode

VNI

VPS

VIQR

(Ỷ Lan tường trình từ Âu Châu)

Bấm vào đây để nghe cuộc phỏng vấn này


Rightclick to download this audio

Ðài Á châu Tự do

Check Also

VCHR và FIDH đệ trình báo cáo chung đến LHQ cho Kỳ Kiểm Điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam

PARIS, ngày 11 tháng 10 năm 2023 (VCHR) : Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *