PARIS, ngày 23.2.2007 (PTTPGQT) – Nhân dịp Tết Đinh Hợi, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, viết thư cảm tạ “Chư Tôn đức Tăng, Ni, các Tổ chức, Đoàn thể, quí Ân nhân cùng quí Phật tử trong và ngoài nước” đã nồng nhiệt đáp ứng Thông Bạch ngày 03-10-2006 của Viện Hóa Đạo kêu gọi cứu trợ, gửi tịnh tài về giúp đỡ, nhằm xoa dịu đau thương, khổ ách của đồng bào lâm nạn thiên tai bão lụt tại các tỉnh miền Trung và miền Nam cuối năm 2006 vừa qua. Hòa thượng cho biết :
“Quà cứu trợ và tịnh tài giúp đỡ đã được Tổng vụ Xã Hội – Từ Thiện tận tay mang đến phân phát cho nạn nhân các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam – Đà Nẵng, Phú Yên, Đảo Phú Quí (Bình Thuận) ở miền Trung ; và các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Gò Công Đông, Gò Công Tây (Tiền Giang), Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh ở miền Nam. Tấm lòng cao quí của quí Liệt vị đã thể hiện Thông Điệp tình thương của Đức Phật làm thoa dịu bao nỗi đau thương, thống khổ, làm cho niềm tin Phật càng thêm vững chắc. Thế là hạt giống từ bi, cứu khổ được gieo rắc giữa lòng thiên tai cũng như nhân tai đang hoành hành đất nước”.
Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin đăng nguyên văn Thư Cảm tạ dưới đây :
VIỆN HÓA ÐẠO
Thanh Minh Thiền viện, 90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, T.P. Hồ Chí Minh
Phật lịch : 2550 |
Số : 02/VHĐ/VT/VT
|
v/v : Chư Tôn đức Tăng, Ni, các Tổ chức, Đoàn thể, quí Ân nhân cùng quí Phật tử trong và ngoài nước ủng hộ công cuộc cứu trợ đồng bào trong nước bị thiên tai 2006
Kính gởi :
* Chư Tôn đức VP II GHPGVNTNHN-HK.
* Chư Tôn Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức Tăng Ni cùng quí Phật tử các Châu lục.
* Chư Tôn Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức Tăng Ni cùng quí Phật tử trong và ngoài nước.
* Các Tổ chức, Đoàn thể, quí ân nhân, Thân hữu xa gần.
Thưa quí Liệt vị,
Hưởng ứng lời kêu gọi cứu trợ thiên tai qua Thông Bạch 09/VHĐ/TB/VT ngày 03-10-2006 của Viện Hoá Đạo, chư Liệt vị đã nồng nhiệt đáp ứng và khẩn cấp gửi tịnh tài về giúp đỡ, nhằm xoa dịu đau thương, khổ ách của đồng bào lâm nạn thiên tai bão lụt tại các tỉnh miền Trung và miền Nam cuối năm 2006 vừa qua. Quà cứu trợ và tịnh tài giúp đỡ đã được Tổng vụ Xã Hôi-Từ Thiện tận tay mang đến phân phát cho nạn nhân các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam-Đà Nẵng, Phú Yên, Đảo Phú Quí (Bình Thuận) ở miền Trung ; và các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Gò Công Đông, Gò Công Tây (Tiền Giang), Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh ở miền Nam.
Tấm lòng cao quí của quí Liệt vị đã thể hiện Thông Điệp tình thương của Đức Phật làm thoa dịu bao nỗi đau thương, thống khổ, làm cho niềm tin Phật càng thêm vững chắc. Thế là hạt giống từ bi, cứu khổ được gieo rắc giữa lòng thiên tai cũng như nhân tai đang hoành hành đất nước.
Viện Hoá Đạo xin được gửi lời trân trọng cám ơn thịnh tình sẻ cơm nhường áo của Chư Tôn đức, Phật tử trong và ngoài nước, của quí ân nhân, thân hữu cùng đồng bào các giới.
Nhân dịp Năm mới Đinh Hợi, 2007, Viện Hoá Đạo kính chúc Chư Tôn Đức, Phật tử trong và ngoài nước một năm Phật sự hanh thông, hoàn mãn phục hồi quyền sinh hoạt cho Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất để thực sự phục hồi quyền tự do tôn giáo, công bình xã hội và cứu độ quần sinh. Kính chúc Quí ân nhân và đồng bào các giới một năm an lạc, sức khoẻ và thành công như ý.
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
(ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Độ
Trong văn thư đệ trình Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo hôm 14.2.2007, Thượng tọa Thích Không Tánh, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Từ thiện – Xã hội, đã cho biết tổng số tiền phân phát trong vòng hai tháng cuối năm 2006 sang đầu năm 2007 cho những nạn nhân bị bão lụt miền Trung, miền Nam và cứu đói, cứu bệnh, ủy lạo, phát quà cho các cháu thiếu nhi, những người tàn tật trong các bệnh viện nhân dịp Tết đến. Tùy thuộc hoàn cảnh địa phương, sự phân phối ấy được chia như sau :
– Cứu trợ bão lụt miền Trung (Cơn bão số 6) : 1.001.410.000$VN (Một tỉ một triệu bốn trăm mười nghìn đồng VN).
– Cứu trợ bão lụt miền Tây Nam phần (Cơn bão số 9) : 1.033.519.000$VN (Một tỉ ba mươi ba triệu năm trăm mười chín nghìn đồng VN).
– Cứu trợ đồng bào Sắc tộc ở Cao nguyên Trung phần và ủy lạo, cứu bệnh tại các Cô Nhi viện, Bệnh viện trong dịp Tết Nguyên Đán : 503.500.000$VN (Năm trăm ba triệu năm trăm nghìn đồng VN).
Tổng Cộng tất cả là : 2.538.429.000$VN (Hai tỉ năm trăm ba mươi tám triệu bốn trăm hai mươi chín nghìn đồng)
Thượng tọa Thích Hải Tạng vừa gửi đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế Cẩn bạch thư thống thiết kêu gọi chư Tôn đức, Tăng Ni và Phật tử trong ngoài nước xin tùy hỉ ủng hộ tịnh tài cho việc trùng tu chùa Long An sớm hoàn đạt. Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin kêu gọi chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử khắp nơi lưu tâm tới lời kêu gọi cất lên từ một tỉnh nghèo miền Trung (Quảng Trị) mới thoát ly cơn bão lũ, để mở rộng từ tâm giúp đỡ cho một trong những Ngôi Nhà của Chánh Pháp sớm trùng tu, hầu tiếp đón Phật tử, truyền thừa giáo pháp của Đức Thế tôn. Tịnh tài ủng hộ và thư từ, liên lạc, xin gửi về địa chỉ :
Thượng tọa Thích Hải Tạng
Chùa Long An
Xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong
Quảng Trị
Đt : 053.202110 – 053.828257
Dưới đây là toàn văn Cẩn bạch thư :
Kính bạch chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni
Kính thưa quý liệt vị Phật tử – Thiện hữu tri thức xa gần
Chùa Long An là một di tích lịch sử kỷ niệm nơi sinh trưởng của Đức Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Đệ Tam Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Chùa nằm trên bờ phía bắc dòng sông Thạch Hãn, địa danh nổi tiếng của một thời lửa đạn kinh hoàng trên quê hương Quảng Trị trong chiến trận 1972.
Năm 1985, khâm thừa tôn ý của Hòa thượng Bổn sư, chúng con về đảm nhận chùa Long An, khi ấy chỉ là một khu vườn còn đượm vẻ tiêu điều với ngổn ngang hố hầm bom đạn. Mái chùa xưa chỉ còn là một căn nhà nhỏ được che lợp tạm để thờ trí tôn tượng Đức Bổn sư và chư Tổ cùng các bậc hương linh tiền bối.
Năm 1986, chúng con mua lại một liếp nhà cũ đưa về dựng tạm lên làm chùa để có nơi lễ bái, tu học cho Tăng chúng trong chùa và các Phật tử tại địa phương. Từ đó đến nay, chúng con vẫn luôn luôn mong mỏi làm sao có đủ duyên lành, để dựng lại một ngôi chùa tương đối khang trang, tương xứng với tầm cỡ của một ngôi chùa Tổ đã có lịch sử hàng trăm năm, dù chỉ là khiêm tốn. Nhưng mãi đến nay, ngôi chùa được làm tạm đã bị dột nát, rạn nứt nhiều chỗ. Trong khi đó, chùa Long An lại nằm ở vị trí ven sông, thuộc vùng trũng thấp, thường trực hứng chịu thiên tai bão lũ, nên chúng con đã phải thường xuyên lo lắng vào mỗi lần nghe tin bão đến, lũ về.
Kính bạch chư Tôn đức,
Kính thưa liệt quý vị,
Giờ đây, nhìn lại hơn 20 năm về bám trụ tại một làng quê nơi tỉnh lẻ, nhiều khi chúng con không khỏi ngậm ngùi, buồn tủi vì quá đỗi gian truân ! Trừ những tấm lòng thương yêu quý mến của những người dân quê, tuy nghèo khó về nhiều mặt, nhưng lại rất giàu niềm tin Tam bảo, luôn luôn gắng bó với chùa ; còn lại, chúng con đã phải đối mặt với không biết bao nhiêu chướng duyên, nghịch cảnh mà nhiều lúc gần như nghiệt ngã, đến phải than thầm :
Gió sớm hắt hiu cùng đất mẹ
Mưa chiều tê tái với non thiêng
Nghiệp vận đạo đời, âu đành phận
Sinh tử buồn vui, một lời nguyền !
Thế nhưng, với thời gian, cái gì rồi cũng qua đi. Duy chỉ có một tấm lòng với Đạo pháp, với quê hương và nhất là đối với Hòa thượng Bổn sư thì vẫn còn đó, vẫn luôn luôn canh cánh, trở trăn… Và, cứ mỗi lần nghĩ lại sự kỳ vọng của Tôn sư, khi đưa chúng con về làm Phật sự trên quê hương của Ngài, thì bao nỗi ước mong lại càng thêm ray rứt !
May thay, ngày nay cơ duyên đã đến, thể theo nguyện vọng trong ĐƠN TRÌNH của chúng con, ngày 14.11.2006, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn thư phúc đáp đồng ý cho chùa Long An được nâng cấp, trùng tu. Sau khi thỉnh ý chư vị Tôn đức và quý huynh đệ trong tông môn, lễ động thổ khởi công trùng tu tôn tạo chùa Long An đã được quyết định sẽ tổ chức vào ngày Kỷ Hợi – 18 tháng giêng năm Đinh Hợi (tức ngày 06.3.2007). Trong niềm vui mừng quyện lẫn với bao nỗi lo âu, chúng con mạo muội viết bức thư này cẩn bạch cùng chư Tôn đức, Pháp hữu gần xa… để mong được tỏ lòng tùy hỷ, nâng đỡ cho chúng con trong Phật sự lớn lao này. Chúng tôi cũng rất trông mong sẽ được đón nhận những nghĩa cử cao đẹp của quý liệt vị Phật tử và chư vị Thiện hữu tri thức, đồng bào giàu truyền thống tâm linh Đất Việt đang âm thầm phát Bồ đề tâm, hành Bồ tát hạnh để hỗ trợ cho quê hương và Đạo pháp.
Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo chứng minh và gia bị chư Tôn túc cùng liệt quý vị thân tâm thường an lạc, hội đủ thắng duyên để thành tựu quả vị Bồ đề.
Nam Mô Thường Hoan Hỷ Bồ Tát Ma Ha Tát.
Chứng minh, (ấn ký) Trưởng lão Hòa thượng Thích Nhật Liên |
Trụ trì chùa Long An
(ấn ký) Tỷ kheo Thích Hải Tạng |
Suốt tuần lễ vừa qua, nhiều Phật tử và đồng bào các giới khắp nơi trên thế giới cũng như tại Việt Nam điện thoại, gửi E.mail đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế ở Paris chất vấn về những lời phát biểu của Sư cô Chân Không trên Đài BBC hôm 6.2.2007 giải thích việc Sư Ông Thích Nhất Hạnh viếng thăm Việt Nam.
Chúng tôi xin cám ơn một vị Cư sĩ ở Hoa kỳ đã gửi cho chúng tôi qua hệ thống mp3 toàn bộ cuộc phỏng vấn ấy. Nhờ vậy chúng tôi mới được nghe. Nhân có nhiều lời chất vấn mà chúng tôi không am tường, nên chúng tôi đem nội dung thỉnh ý Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), để biết hư thực về các lời phát biểu của Sư cô Chân Không liên quan đến Giáo hội và Hòa thượng Viện trưởng.
Hôm nay Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin minh định Sư cô Chân Không, Phát ngôn nhân của Sư ông Nhất Hạnh, nói hai điều không thật qua cuộc phỏng vấn nói trên. Xin quý bạn đọc thông cảm cho chúng tôi không trả lời các câu hỏi liên quan đến cá nhân Sư cô, Sư ông Nhất Hạnh và giáo phái Làng Mai là những điều không thuộc thẩm quyền chúng tôi. Hai điều không thật là :
1. Hàng giáo phẩm Hội đồng Lưỡng viện, GHPGVNTN trong nước không nhận được sự thỉnh ý hoặc thư mời nào của Sư ông Nhất Hạnh liên quan đến chuyến về Việt Nam đầu năm 2007 này. Sự thỉnh ý duy nhất, là vào thập niên 90, Sư ông nhờ một vị Tăng từ Làng Mai ở Pháp về thỉnh ý Hòa thượng Thích Quảng Độ dự án Sư ông muốn về Việt Nam hòa hợp hòa giải với Nhà cầm quyền Hà Nội. Hòa thượng Thích Quảng Độ nhắn qua vị Tăng này ý kiến của Hòa thượng : “Hãy thận trọng. Một chuyến đi như thế sẽ chẳng làm được gì mà còn chôn vùi tên tuổi, vì Nhà cầm quyền Cộng sản chưa có chính sách tôn trọng tự do tôn giáo, chỉ hòa dụ nhưng không có chính sách hòa nghị theo truyền thống dân tộc”.
2. Ba mươi mốt năm qua, Hòa thượng Thích Quảng Độ chưa một lần nào gặp gỡ Sư cô Chân Không, thì làm sao có trao đổi qua về như Sư cô Chân Không kể lại trong cuộc phỏng vấn trên Đài BBC, chương trình Việt ngữ hôm 6.2.2007 ? Những ngoa ngôn mà Sư cô trình bày “như thật” ấy, dễ tạo ra ngộ nhận trong giới Phật giáo đồ rằng, chỉ có Sư ông Nhất Hạnh mới thực hành đúng giáo lý của Đức Phật, dạy rằng “mọi chúng sinh đều có Phật tính (chủng tính Phật)”. Còn Hòa thượng Thích Quảng Độ thì bác bỏ giáo pháp này.
Ngoài ra, Hòa thượng không hề quen biết Sư cô Chân Không. Duy nhất một lần vào năm 1967, hay 1968, thời gian Sư cô còn mang thế danh Cao Ngọc Phượng, rời Việt Nam ra hải ngoại gặp Sư ông Nhất Hạnh. Sư cô đến nhắn giúp lời Sư ông Nhất Hạnh thỉnh mời Hòa thượng Thích Quảng Độ thay Sư ông làm Giám đốc Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội tọa lạc tại Phú Thọ Hòa, Saigon. Nhưng Hòa thượng Thích Quảng Độ từ chối không nhận.