Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin UBBVQLNVN / Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam phản đối việc bắt giam hai Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân tại Hà Nội, sách nhiễu TT. Thích Thiện Tâm và ĐĐ. Thích Huệ Lâm tại Bình Thuận

Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam phản đối việc bắt giam hai Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân tại Hà Nội, sách nhiễu TT. Thích Thiện Tâm và ĐĐ. Thích Huệ Lâm tại Bình Thuận

Download PDF

PARIS, ngày 6.3.2007 (UBBVQLNVN) – Tin từ Hà Nội gửi đến Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam cho biết hai Luật sư Nguyễn Văn Đài, 38 tuổi, và Lê Thị Công Nhân, 27 tuổi, là những nhà đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ, vừa bị bắt tại Hà Nội lúc 10 giờ sáng nay, ngày 6.3.2007. Hiện Luật sư Nguyễn Văn Đài bị giam tại buồng số 17-19 tại Trai tạm giam số 1, cách Hà Nội 13 cây số, tức trại Hòa Lò mới, là nơi giam giữ các tù hình sự, tội phạm kinh tế, lợi dụng chức vụ, v.v…

Sáu công an mặc thường phục đến nhà luật sư Đài đọc lệnh bắt giam 4 tháng để điều tra và khởi tố về “tội tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (điều 88 của Bộ luật Hình sự, phạt tù từ 3 đến 20 năm). Việc cũng xẩy ra tương tự với nữ luật sư Lê Thị Công Nhân.

Trong thực tế pháp luật Việt Nam, việc tạm giam để điều tra có thể kéo dài đến 20 tháng đối với những tội vi phạm an ninh quốc gia, chiếu theo điều 120 trong Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trả lời phỏng vấn các báo và hãng thông tấn tại Paris, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam kiêm Phó chủ tịch Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền, nói : “Như tôi đã báo động hồi tháng 11 năm ngoái, vào dịp Thượng đỉnh APEC ở Hà Nội, là sau khi đạt xong các mục tiêu vận động, như tham gia Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) và được Hoa Kỳ rút tên khỏi danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm vì đàn áp tôn giáo (CPC), Hà Nội sẽ tiếp diễn trở lại các cuộc đàn áp nhân quyền và tôn giáo như trước. Quả đúng như thế, thời gian yên ắng chẳng dài bao nhiêu ! Hà Nội đang hiện nguyên hình với những cuộc sách nhiễu, đàn áp để ngăn chặn các tiếng nói đòi hỏi ôn hòa cho dân chủ và nhân quyền. Cuộc bắt bớ hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân sáng nay tại Hà Nội, cũng như các cuộc sách nhiễu, hăm dọa 20 Ban Đại diện thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại 20 tỉnh thành hai tháng qua, là bằng chứng hiển nhiên và lộ liễu”.

Luật sư Nguyễn Văn Đài là người xướng xuất và cho ra đời tại Hà Nội tháng 11 năm ngoái, 2006, Ủy ban Nhân quyền Việt Nam. Hơn một tháng qua, ông Đài không ngừng bị công an sách nhiễu, bắt đi thẩm vấn. Đêm 3.2.07 an ninh khám xét Văn phòng công ty của ông, thu giữ tài sản và tài liệu cá nhân. Sang chiều 4.2 đến khám tư gia luật sư Đài. Công an đã áp lực Phòng đăng ký kinh doanh thuộc sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội ra quyết định và thông báo hôm 28.2.2007 thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH Dịch thuật và Tư vấn Việt Luật mà luật sư Nguyễn Văn Đài là Giám đốc điều hành.

Nữ luật sư Lê Thị Công Nhân, phát ngôn nhân Đảng Thăng tiến, cũng bị những cuộc thẩm vấn, khám xét văn phòng luật sư và tư gia như Luật sư Đài trong cùng thời gian nói trên.

Điều 88 trong Bộ luật Hình sự dùng để xử những ai vi phạm an ninh quốc gia. Tuy nhiên, tội vi phạm an ninh quốc gia chưa bao giờ được giải thích thỏa đáng. Đây là thứ luật hổ lốn dùng để đàn áp giới đối lập hay bất cứ ai lên tiếng cho nhân quyền, dân chủ và tự do tôn giáo. Tháng 7.2002, phái đoàn Hà Nội do ông Hà Hùng Cường, Thứ trưởng Tư pháp đến phúc trình trước LHQ ở Genève về tình trạng thi hành Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, mà Việt Nam tham gia ký kết năm 1982. Tại đây, các chuyên gia nhân quyền LHQ đã chỉ trích các điều nằm trong Bộ luật Hình sự về tội xâm phạm an ninh quốc gia, và tuyên bố các điều luật ấy hoàn toàn “trái chống” với Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị của LHQ. (Xin xem Thông cáo báo chí phát hành ngày 17.4.200219.7.2002 về cuộc phúc trình của Hà Nội và lời ông Võ Văn Ái tố cáo tại LHQ Genève về 80 sự kiện đàn áp nhân quyền và tôn giáo kể từ khi Hà Nội làm thành viên Ủy hội Nhân quyền LHQ, hoặc xem trên Trang nhà Quê Mẹ : http://www.queme.net

Cuộc bắt giam hai luật sư tại Hà Nội sáng nay nằm trong tổng thể đàn áp để dẹp tan mọi cá nhân, đoàn thể lên tiếng cho dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo, mà vì mục tiêu tuyên truyền quốc tế trước Thượng đỉnh APEC (tháng 11.2006) Hà Nội cố công sắp đặt hầu tạo nên ảo ảnh “tự do” để Hoa Kỳ rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC và được chấp nhận làm thành viên WTO.

Ngày 18.2.2007, Linh mục Nguyễn Văn Lý bị công an cưỡng bức dời nơi quản thúc tại Nhà Chung ở Phủ Cam Huế, về một giáo xứ nhỏ ở Bến Củi, huyện Phong Điền, cách Huế 30 cây số. Linh mục cũng bị khởi tố thông qua điều 88 của Bộ luật hình sự.

Ngày 15.2.2007, tức 30 âm lịch trước Tết, công an tỉnh Bình Thuận đến chùa Đạt Ma sách nhiễu và hăm dọa Thượng tọa Thích Thiện Tâm, Trụ trì chùa, hơn hai giờ đồng hồ, bắt Thượng tọa phải rút tên ra khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN). Thượng tọa Thích Thiện Tâm vừa được Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, bổ nhiệm làm Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh Bình Thuận theo Quyết định ký hôm 6.2.2007.

Suốt trong hai ngày 1 và 2.3.2007, Thượng tọa Thích Thiện Tâm và Đại đức Thích Huệ Lâm, Phó Đại diện, bị công an triệu tập đi làm việc nhiều lần. Mục đích vẫn là hăm dọa, ra lệnh cho hai vị phải rút tên khỏi GHPGVNTN và giải tán toàn Ban Đại diện tỉnh Bình Thuận. Nhưng Thượng tọa Thích Thiện Tâm dõng dạc tuyên bố :

“Không bao giờ có chuyện đó. Chúng tôi và tất cả thành viên trong Ban Đại diện GHPGVNTN tỉnh Bình Thuận một lòng vì Đạo pháp, vì Dân tộc, quyết tâm trung thành và thực hiện lý tưởng của Giáo hội lich sử là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”.

Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam đã tức khắc báo động đến Hội đồng Nhân quyền LHQ và các tổ chức nhân quyền quốc tế tại Genève.

Check Also

VCHR và FIDH đệ trình báo cáo chung đến LHQ cho Kỳ Kiểm Điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam

PARIS, ngày 11 tháng 10 năm 2023 (VCHR) : Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *