Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin PTTPGQT / Công an Thừa thiên – Huế ra lệnh cấm Ban Đại diện GHPGVNTN sinh hoạt, nhưng Hòa thượng Thích Thiện Hạnh bác bỏ lệnh này – Đại đức Thích Mẫn Thiện bị sách nhiễu và đe dọa tại Hải Phòng

Công an Thừa thiên – Huế ra lệnh cấm Ban Đại diện GHPGVNTN sinh hoạt, nhưng Hòa thượng Thích Thiện Hạnh bác bỏ lệnh này – Đại đức Thích Mẫn Thiện bị sách nhiễu và đe dọa tại Hải Phòng

Download PDF

PARIS, ngày 13.3.2007 (PTTPGQT) – Từ chùa Bảo Quốc, Huế, Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, Chánh Thư ký Viện Tăng thống kiêm Chánh Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) tỉnh Thừa thiên Huế, vừa gừi đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế ở Paris, bản sao Thư gửi Thượng tá Hồ Văn Bạn, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chánh về Trật tự xã hội, phản đối việc nhà đương quyền Huế đòi giao nạp khuôn dấu của Ban Đại diện GHPGVNTN với lý do Giáo hội này bất hợp pháp.

Sau hai tháng sách nhiễu và đàn áp chư Tăng, Phật tử Huế, đặc biệt sự biến tại chùa Phước Thành ngày 24.1.2007 và tại chùa Phước Hải ngày 14.2.2007, âm mưu tịch thu khuôn dấu Ban Đại diện GHPGVNTN Thừa thiên – Huế là bước tiến mới trong việc đàn áp sinh hoạt tôn giáo của GHPGVNTN. Cụ thể là hôm 7.3.2007, Công an tỉnh Thưa thiên Huế viết Thông báo gửi Hòa thượng Thích Thiện Hạnh yêu cầu “nộp con dấu sử dụng bất hợp pháp”. Ngày 8.3, năm cán bộ mang Thông báo đến trao tại chùa Bảo Quốc, nhưng Hòa thượng không ký nhận vì lý do “thông báo mang tính cưỡng bức”. Sau đó, hai lần công an gửi Thông báo qua đường bưu điện ngày 9 và 10.3. Nên Hòa thượng đã hồi đáp bằng thư phản đối ký gửi ngày 12.3.2007.

Trong bức thư nói trên Hòa thượng Thích Thiện Hạnh tuyên bố không tuân thủ lệnh giao nạp khuôn dấu, vì “lệnh này là một hành vi bất hợp pháp và vi hiến”. Quan điểm Hòa thượng đưa ra là, Nhà nước CHXHCNVN chưa hề công bố văn kiện nào, qua đó nói rằng GHPGVNTN bất hợp pháp. Thứ đến, Hòa thượng chiếu theo luật bất hồi tố, mà các nước tôn trọng pháp quyền trong thế giới đều tuân thủ áp dụng, để chứng minh rằng Nhà nước XHCNVN không thể phủ nhận một giáo hội lịch sử và dân lập, là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Qua bức thư dẫn thượng, Hòa thượng Thích Thiện Hạnh chứng minh tính cách lịch sử và dân lập của GHPGVNTN qua 3 sự kiện  :

Thứ nhất, sử liệu Việt Nam ghi rõ năm Tân Mùi, Thái Bình năm thứ 2 (971 Tây lịch) dưới thời Đinh, lần đầu tiên có chức Tăng Thống và Tăng lục, nghĩa là nền thống nhất của một Giáo Hội Phật Giáo có quy củ đã hình thành.

Thứ hai, dưới thời Pháp thuộc, từ năm 1920 xuất hiện Phong trào Chấn hưng Phật giáo phổ cập khắp ba miền Bắc Trung Nam dưới hình thức các Hội Phật học. Sở dĩ phải gọi hội vì dưới thời Pháp thuộc đạo Phật không được nhìn nhận như tôn giáo nên bó buộc sinh hoạt dưới hình thức hội đoàn. Sang năm 1951, các tổ chức Phật giáo Bắc Nam Trung (lúc này đất nước chưa bị chia cắt làm hai miền theo Hiệp định Genève 1954) họp tại chùa Từ Đàm Huế thống nhất thành Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Vẫn là Tổng hội chứ không là Giáo hội, vì Dụ số 10 thời Pháp thuộc không công nhận đạo Phật như một tôn giáo nên bó buộc Phật giáo sinh hoạt dưới hình thức hội đoàn. Mãi đến năm 1964, sau cuộc đấu tranh đòi hỏi bình đẳng tôn giáo, Dụ số 10 bị bãi truất, từ đó mới có danh xưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Thưa ba là luật bất hồi tố như đã trình bày ở trên. Ở điểm này Hòa thượng Thích Thiện Hạnh đưa ra một ví dụ cụ thể  : “Lấy ví dụ cho dễ hiểu, thì chế độ XHCN theo mô thức Xô Viết phương Tây ra đời tại miền Bắc năm 1955, và tại miền Nam năm 1975, không thể triệt tiêu các triều đại Việt Nam trong quá khứ 2000 năm”.

Bác bỏ xong, Hòa thượng Thích Thiện Hạnh kiến nghị “lãnh đạo Đảng và chính quyền CHXHCNVN phải “phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý cho GHPGVNTN”“thu hồi lệnh quản chế đối với hai Hoà Thượng lãnh đạo GHPGVNTN, Hoà Thượng Thích Huyền Quang và Hoà Thượng Thích Quãng Độ để hai vị tự do hành đạo, thăm viếng và chữa bịnh”.

Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin đăng nguyên văn sau đây Thư gửi Thượng tá Hồ Văn Bạn  :

Vien Hoa DaoGIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
BAN ĐẠI DIỆN PHẬT GIÁO TỈNH THỪA THIÊN – HUẾ


Kính gởi  :
Thượng tá Hồ Văn Bạn
Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chánh về Trật tự xã hội.

Thưa Thượng tá trưởng phòng cảnh sát,

Thượng tá đã gửi thông báo đến tôi ba lần bằng ba cách khác nhau, nhưng nội dung chỉ là một  :

– Lần thứ 1  : vào ngày 8/3/2007, do năm cán bộ phường Phường Đúc, Thành phố Huế mang thông báo đến chùa Bảo Quốc trao cho tôi ký nhận. Xem qua tôi thấy nội dung thông báo mang tính cưỡng bức. Nên tôi không ký nhận. Các vị cán bộ phường lập biên bản và tôi đã ký biên bản không nhận thông báo với lý do “nội dung thông báo tôi chưa đồng tình”.

– Lần thứ 2  : Lúc 15giờ ngày 9/3/2007 tôi nhận một thư có dán tem bưu điện nhưng không ghi nơi gửi. Bên trong cũng là thông báo của Thượng tá.

– Lần thứ 3  : Lúc 15giờ ngày 10/3/2007, nhân viện bưu điện mang đến cho tôi một thư phát nhanh, mà nơi gửi là Phòng Cảnh sát quản lý hành chánh về trật tự xã hội. Tôi ký nhận, ngỡ là vấn đề gì khác, nhưng lại cũng là thông báo của Thượng tá.

Nay chúng tôi xin được hồi đáp để nói lên quan điểm của chúng tôi đối với nội dung thông báo của Thượng tá  :

1. Thông báo Thượng tá viết  :…”hiện tại ở Thừa Thiên Huế, không có tổ chức Tôn giáo nào có danh xưng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Thừa Thiên. Đây là một tổ chức hoạt động bất hợp pháp”.

Chúng tôi lấy làm lạ, không biết lâu nay Thượng tá ở đâu mà phát ngôn thiếu cân nhắc như vậy, nhất là Thượng tá hiện nay đang ở Huế, là trưởng phòng cảnh sát quản lý hành chánh về trật tự xã hội.

Thưa Thượng tá, tôi xin nhắc để Thượng tá hiểu, tiền thân của GHPGVNTN là “Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam”, ra đời tại Đại Hội Phật Giáo toàn quốc Bắc, Trung, Nam ngày 6/5/1951 ở chùa Từ Đàm Huế. Thời ấy đất nước chưa bị chia cắt theo hiệp định Genève năm 1954, để sau đó thành hai chế độ tương phản. Tổng hội Phật Giáo Việt Nam là hậu thân của quá trình vận động thống nhất nền Phật giáo dân tộc thông qua phong trào Chấn hưng Phật giáo khởi phát từ năm 1920 đầu thế kỷ XX. Nỗ lực này truyền thừa nền Phật giáo Việt Nam 2000 năm, vừa có tính lịch sử, vừa trong thể thống nhất. Sử liệu có ghi rõ năm Tân Mùi, Thái Bình năm thứ 2 (971 Tây lịch) dưới thời Đinh, lần đầu tiên có chức Tăng Thống và Tăng lục, nghĩa là nền thống nhất của một Giáo Hội Phật Giáo có quy củ đã hình thành, ít ra cũng là từ triều Đinh.

Do Dụ số 10 dưới thời Pháp thuộc xem Phật Giáo như một hội đoàn, chứ không như một Tôn Giáo, một giáo hội, vì vậy mà năm 1951 giáo hội đành phải sử dụng danh xưng “Tổng Hội”, giống như các tổ chức Phật giáo ra đời đầu thế kỷ XX từ Bắc tới Nam bắt buộc phải lấy danh xưng “Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học”, “Hội An Nam Phật Học”, “Hội Bắc Kỳ Phật Giáo, Tổng Hội, v.v… Mãi đến sau cuộc vận động chống kỳ thị Tôn giáo của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam và toàn thể Phật giáo đồ thành công cuối năm 1963, Dụ số 10 bị huỷ bỏ, thì Tổng hội Phật giáo Việt Nam mới lấy lại danh xưng tôn giáo của mình là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Còn sự ra đời của “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam” như thế nào, xin Thượng tá có thể tham khảo tài liệu “Thống nhất Phật giáo” của ông Đỗ Trung Hiếu, cán bộ tôn giáo cao cấp, viết rõ quá trình hình thành và mục tiêu của Giáo hội này theo lệnh của các vị lãnh đạo Đảng cao cấp như các ông  : Xuân Thuỷ, Nguyễn văn Linh, Trần Quốc Hoàn… Tuy nhiên, không thể không quan tâm lời ông Đỗ Trung Hiếu, là kiến trúc sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981, khi ông Hiếu xác định  : “Cuộc thống nhất Phật giáo lần này bên ngoài do các Hoà Thượng gánh vác, nhưng bên trong bàn tay Đảng Cộng Sản Việt Nam xuyên suốt quá trình thống nhất và biến tướng Phật giáo Việt Nam trở thành một tổ chức bù nhìn của Đảng”.

Vì vậy, ông Thượng tá không nên lẫn lộn giữa một Giáo hội truyền thống và dân lập, là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, với một Giáo hội được Đảng cho ra đời năm 1981, gọi là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bị nhà nước CHXHCNVN tước đoạt hết tài sản và chủ quyền sinh hoạt từ đó. Và cũng từ dạo đó, một phong trào Tăng Ni Phật Tử vận động đòi tự do tôn giáo, đòi phục hoạt Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Phong trào thành hình và lớn mạnh từ đầu thập niên 90 do Hoà Thượng Thích Huyền Quang khởi xướng. Đến năm 2003, sau khi Hoà Thượng Thích Quảng Độ ra khỏi nhà tù, hợp cùng Hoà Thượng Thích Huyền Quang triệu tập Đại hội bất thường và thu hẹp tại Tu viện Nguyên Thiều tỉnh Bình Định để kiện toàn thành phần nhân sự lãnh đạo Giáo hội.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, một Ban Đại diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã được hình thành bởi quyết định mang số 02/VHĐ/ BCĐ/VT ngày 18/7/20005. Quyết định do Hoà Thượng Viện trưởng Viện Hoá Đạo Thích Quảng Độ ký và đã có gửi đến UBND tỉnh Thừa Thiên Huế để trình việc. Ban Đại diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, sinh hoạt đã gần hai năm. Nay không biết vì lý do nào mà Thượng tá đang công tác ở Huế, có chức vụ lớn mà lại nói rằng “hiện tại ở tỉnh Thừa Thiên Huế không có tổ chức Tôn giáo nào có danh xưng là GHPGVNTN tỉnh Thừa Thiên. Đây là một tổ chức bất hợp pháp”. Như vậy nghe có được không thưa Thượng tá ?

2. Thượng tá căn cứ vào một số khoản, điều, mục, chương của một vài nghị định, nghị quyết, pháp lệnh…của chhính phủ CHXHCNVN để đưa ra ý kiến  : “GHPGVNTN là một tổ chức bất hợp pháp”. Tôi thấy ông Thượng tá đã sai lầm nghiêm trọng.

Bởi lẽ, thưa Thượng tá.

Tôi xin ông Thượng tá hãy trưng dẫn một văn kiện, nghị định, hay sắc luật nào của nhà nước CHXHCNVN đặt GHPGVNTN ra ngoài vòng pháp luật ? Nếu có một văn kiện như thế, thì những hoạt động của chúng tôi như việc thành lập Ban đại diện, thiết lập văn phòng Ban đại diện, sinh hoạt của GĐPT, phong cấp thọ cấp của huynh trưởng GĐPT, khắc khuôn dấu, sử dụng khuôn dấu…của chúng tôi mới có thể xem là “bất hợp pháp”. Bao lâu Thượng tá chưa trung dẫn được văn kiện nói trên, thì mọi sinh hoạt của Giáo hội chúng tôi đều hợp pháp, hợp tình, hợp lý, hợp với quá khứ lịch sử dân tộc.

Luật pháp tại các nước văn minh, dân chủ, luôn luôn tuân thủ quy tắc bất hồi tố. Chẳng hạn như trường hợp của GHPGVNTN, nói về tính lịch sử, thì Giáo hội chúng tôi kế thừa nền Phật giáo dân tộc có lịch sử 2000 năm. Nói về tính pháp lý, thì danh xưng và tổ chức mang tên GHPGVNTN ra đời sau cuộc đấu tranh chống kỳ thị tôn giáo năm 1963 là hợp hiến và hợp pháp dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà. Thời ấy, chế độ này được các quốc gia trên thế giới công nhận. Thế thì những sắc luật về tôn giáo ra đời ngày nay dưới chế độ CHXHCNVN không thể triệt tiêu tính chất truyền thống, dân lập và hợp pháp của GHPGVNTN. Như thế gọi là quy tắc bất hồi tố. Lấy ví dụ cho dễ hiểu, thì chế độ XHCN theo mô thức Xô Viết phương Tây ra đời tại miền Bắc năm 1955, và tại miền Nam năm 1975, không thể triệt tiêu các triều đại Việt Nam trong quá khứ 2000 năm.

Lại nữa, theo quy định của khoản 1, điều 16, chương III pháp lịnh tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18/6/2004, thì GHPGVNTN hoàn toàn hợp pháp. Xin Thượng tá chịu khó đọc lại khoản 1. Điều 16, 16.1, 16.1a, 16.1b, 16.1d và 16.1d, chương III pháp lịnh tín ngưỡng, tôn giáo, ngày 18/6/2004, để xem GHPGVNTN nói chung và Ban Đại Diện GHPGVNTN tỉnh Thừa Thiên – Huế nói riêng là “bất hợp pháp” ở chỗ nào. Ngoại trừ điều 16.1c, vì GHPGVNTN đã có tư cách pháp nhân từ năm 1964, chiếu theo quy tắc bất hồi tố, mặt khác nhà nước CHXHCNVN chưa hề có văn kiện hay sắc luật nào đặt GHPGVNTN ra ngoài vòng pháp luật, nên việc đăng ký ngày nay chiếu theo khoản 16.1c là không cần thiết.

Như vậy thì GHPGVNTN và Ban Đại Diện GHPGVNTN tỉnh Thừa Thiên Huế, “bất hợp pháp” ở chỗ nào, thưa Thượng tá ?

3. Thông báo Thượng tá viết  : “vì vậy, công an tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu ông đúng 8 giờ ngày 12/3/2007 phải mang con dấu GHPGVNTN tỉnh Thừa Thiên đến nộp tại UBND phường Phường Đúc TP – Huế… Nếu sau thời hạn trên không mang con dấu đến nộp, cơ quan công an sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”.

Chúng tôi lấy làm lạ cho sự kiện ông Thượng tá chỉ muốn đạt đến chúng tôi ý kiến của Công an tỉnh Thừa Thiên Huế về việc sử dụng khuôn dấu, không đăng ký khuôn dấu GHPGVNTN. Thế nhưng ý kiến chưa được trao đổi, thì trong cùng một thư thông báo Thượng tá đã ra lệnh cho chúng tôi phải mang khuôn dấu GHPGVNTN tỉnh Thừa Thiên Huế nộp tại UBND phường Phường Đúc TP Huế, vì theo Thượng tá thì sử dụng khuôn dấu GHPGVNTN tỉnh Thừa Thiên – Huế là “bất hợp pháp”, “vi phạm nghị định 58/CP ngày 24/08/2001 của chính phủ nước CHXHCNVN”.

Thưa Thượng tá, từ “ý kiến” đột nhiên trở thành mệnh lệnh như một án toà chưa hề được tổ chức và thông qua, tôi thấy là một hành vi bất hợp pháp và vi hiến.

Trên đây là quan điểm của chúng tôi. Chúng tôi thấy cần nêu lên để hồi đáp thông báo số 84/PC13 của ông Thượng tá. Và từ những quan điểm đó, qua Thượng tá chúng tôi xin có mấy kiến nghị  :

Thứ 1  : Vấn đề phục hoạt GHPGVNTN, đã được lãnh đạo Giáo hội chúng tôi nêu lên với lãnh đạo Đảng và chính quyền CHXHCNVN từ hơn 20 năm nay, chưa được giải quyết dứt điểm. Cho hay không cho thì hãy công bố bằng văn bản. Đừng để kéo dài thêm nữa bất lợi cho tình đoàn kết quốc gia. Việt Nam nay đã được gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra khỏi sổ đen vi phạm tự do tôn giáo và cũng đã được thiết lập quan hệ bình thường và vĩnh viễn với chính phủ Hoa Kỳ. Chẳng lẽ vì vậy mà ngày nay Việt Nam đã rảnh tay, tiếp tục đàn áp các tôn giáo, nhũng nhiễu, bách hại các nhà hoạt động đòi dân chủ nhân quyền cho Việt Nam ?

Thứ 2  : Thu hồi lệnh quản chế đối với hai Hoà Thượng lãnh đạo GHPGVNTN, Hoà Thượng Thích Huyền Quang và Hoà Thượng Thích Quảng Độ để hai vị tự do hành đạo, thăm viếng và chữa bịnh.

Thứ 3  : GHPGVNTN, chưa hề có một văn kiện nào của nước CHXHCNVN đặt GHPGVNTN ra ngoài vòng pháp luật. Cho nên tôi thấy không thể giao nộp khuôn dấu GHPGVNTN như Thượng tá Hồ Văn Bạn muốn. Tuy nhiên, tôi sẵn sàng chấp nhận bất cứ một biện pháp xử lý nào của Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế, của Thượng tá trưởng phòng cảnh sát quản lý hành chánh về trật tự xã hội áp đặt cho tôi.

Trên đây là thực tế khách quan của chúng tôi, xin viết ra để hồi đáp thông báo của Thượng tá Hồ Văn Bạn. Tôi hy vọng Thượng tá có thêm những dữ kiện lịch sử để phán đoán và tránh những hành xử không hợp với tư cách của một Nhà nước đang ngưỡng vọng tiến lên một Nhà nước pháp quyền và gây nguy hại cho tình đoàn kết dân tộc.

Trân trọng.

Chùa Bảo Quốc, Phật lịch 2550, ngày 12/03/2007.
Chánh thư ký Viện Tăng thống,
Chánh đại diện GHPGVNTN tỉnh TT – Huế
(đã ấn ký)
Tỷ kheo Thích Thiện Hạnh
Đại đức Thích Mẫn Thiện bị hăm dọa ngày càng dữ dội tại Hải Phòng

Như Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế báo động trước đây thông qua Thông cáo báo chí phát hành ngày 12.2.2007 về tình trạng sách nhiễu, đàn áp với âm mưu trục xuất Đại đức Thích Mẫn Thiện ra khỏi chùa An Lạc ở xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.

Hôm nay, Đại đức vừa thông báo cho Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế ở Paris biết rằng, mấy ngày qua một số thanh niên thuộc xã hội đen đã xuất hiện vào đêm kêu gọi chửi bới Đại đức bằng lời lẽ thô tục. Ba ngày qua, nhóm thanh niên này còn vất gạch và đá vào chùa làm náo động suốt đêm, cũng như làm ồn náo vào các giờ công phu (tụng kinh) chiều và công phu sáng.

Suốt mấy tuần lễ qua, công an ở xã Vĩnh Phong cũng đến vận động các nhà Phật tử để họ đừng đến lễ chùa, đừng tiếp xúc với Đại đức Thích Mẫn Thiện, và ký đơn đòi trục xuất Đại đức ra khỏi chùa An Lạc. Đây chính là thủ thuật thâm độc “dùng Sư đánh Sư, dùng Phật tử tiêu diệt chùa chiền” nhằm tránh tiếng cho Nhà nước độc tài trước công luận thế giới.

Sự việc khởi từ giữa năm ngoái khi một thí chủ Phật tử từ Hà Nội xuống thăm chùa cúng 40 triệu đồng để trùng tu và trả nợ giúp chùa. Nhân Đại đức đi hóa độ ở Quảng Ninh không có mặt, nên Ủy ban Nhân dân xã đã nhận thay số tiền đó. Nhưng không trao lại số tiền này cho Đại đức. Đại đức lên tiếng hỏi, thì liền bị sách nhiễu. Từ tháng giêng 2007 đến nay, Phòng An ninh PA.38 (tức công an bảo vệ chính trị) tỉnh Hải phòng đã nhiều lần bắt Đại đức đi làm việc, hăm dọa để Đại đức bỏ qua chuyện tiền bạc. Nhưng Đại đức không khứng nhận, vì lý do thí chủ cúng tiền trùng tu chùa, chùa không thể dùng số tiền ấy vào việc khác. Nhất là khi số tiền ấy không hề trao tặng cho Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Phong. Đàn áp không xong, Công an đã ra lệnh cho Thành hội Phật giáo nhà nước ở Hải phòng viết Thông báo số 01 ngày 10.1.2007 trục xuất Đại đức ra khỏi chùa không cho biết lý do.

Hiện nay, công an chuyển sang vu khống Đại đức Thích Mẫn Thiện “làm chính trị”, “âm mưu rước Mỹ trở lại Việt Nam”“chứng cớ” là Đại đức nhiều lần trả lời phỏng vấn cho các báo đài ở hải ngoại. Thực tế những lần phỏng vấn ấy Đại đức chỉ ngỏ lời kêu cứu trước sự bức hiếp của nhà cầm quyền Cộng sản đối với một nhà sư thành viên thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tức Giáo hội Phật giáo Nhà nước). Theo Đại đức cho Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế biết, thì “Đại đức có thẻ Tăng tịch số 0059 do Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là Hòa thượng Thích Trí Tịnh cấp ngày 15.1.2000 và Hòa thượng Thích Thiện An, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Tháp, ra Quyết định thuyên chuyển Đại đức Thích Mẫn Thiện về trụ trì chùa An Lạc ở Hải Phòng từ năm 2000”.

Trường hợp của Đại đức Thích Mẫn Thiện trên đây cho thấy chính sách đàn áp tôn của Nhà cầm quyền Hà Nội là cơ bản, chứ không như cuốn Sách Trắng về tôn giáo của Hà Nội gần đây chống chế rằng các việc sách nhiễu, đàn áp tôn giáo do các cấp thừa hành sai phạm.

Check Also

Bài 1: Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế trả lời chung về âm mưu phá hoại cuộc đấu tranh cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo của hai Dư Luận viên Thục Vũ — Ý Dân

  PARIS, ngày 9 tháng Giêng năm 2019 (PTTPGQT & VCHR) — Thời gian qua, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *