Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin PTTPGQT / Hòa thượng Thích Thiện Hạnh gửi thư cám ơn Linh mục Phạm Sơn Hà và Bà Lê Thị Lễ đã lên tiếng hậu thuẫn chùa Kim Quang ở Huế – Giác thư số 7 của Gia Đình Phật tử Vụ gửi ông Chu Tất Tiến – Nghĩ về việc Cấm đạo thời Nguyễn nhân lời tuyên bố : “Phật giáo Việt Nam giết hại hơn 100 nghìn người Thiên Chúa giáo” của ông Chu Tất Tiến

Hòa thượng Thích Thiện Hạnh gửi thư cám ơn Linh mục Phạm Sơn Hà và Bà Lê Thị Lễ đã lên tiếng hậu thuẫn chùa Kim Quang ở Huế – Giác thư số 7 của Gia Đình Phật tử Vụ gửi ông Chu Tất Tiến – Nghĩ về việc Cấm đạo thời Nguyễn nhân lời tuyên bố : “Phật giáo Việt Nam giết hại hơn 100 nghìn người Thiên Chúa giáo” của ông Chu Tất Tiến

Download PDF

PARIS, ngày 19.12.2010 (PTTPGQT) – Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, Chánh Thư ký Viện Tăng Thống, Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo kiêm Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) tỉnh Thừa thiên – Huế vừa gửi đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế bức thư cám ơn Linh mục Phạm Sơn Hà và Bà bác sĩ Lê Thị Lễ đã lên tiếng hậu thuẫn chủa Kim Quang bị nhà cầm quyền cộng sản đàn áp ở Huế.

Sự vụ đàn áp này đã được Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế loan tải qua ba Thông cáo báo chí phát hành ngày 29.11.2010, 29.10.2010 và 20.9.2010 (xin xem trên Trang Nhà Quê Mẹ : www.queme.net).

Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế kết hợp với Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam đã lập hồ sơ các vụ đàn áp chùa Kim Quang và chùa Mai Vĩnh ở Huế, chùa Giác Minh ở Đà Nẵng và Tịnh thất Tú Vương Hoa ở Bà Rịa – Vũng Tàu gửi Hội đồng Nhân quyền LHQ và gửi đến các chính giới, Quốc hội Âu Mỹ yêu cầu can thiệp.

Dưới đây là bức thư cám ơn của Hòa thượng Thích Thiện Hạnh gửi Linh mục Phạm Sơn Hà và Bác sĩ Lê Thị Lễ :

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
BAN ĐẠI DIỆN GIÁO HỘI PHẬT GIÁO
THỪA THIÊN – HUẾ
VP : Chùa Phước Thành, số 360 Phan Chu Trinh – Huế


THƯ CÁM ƠN
Của Hoà Thượng Chánh Đại Diện GHPGVNTN
tỉnh Thừa Thiên Huế,
Trú trì Chùa Kim Quang

Kính gửi :
– Ngài Linh Mục Phạm Sơn Hà.
– Bà Bác Sĩ Lê Thị Lễ.

Trước hết chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn của chúng tôi đối với ngài Linh Mục và bà Bác Sĩ, đã quan tâm đến tình hình sinh hoạt của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN), đang bị đảng Cộng Sản Việt Nam đàn áp, sách nhiễu. Ngài Linh Mục và bà Bác Sĩ đã lên tiếng và gửi thỉnh nguyện thư đến các nhà lãnh đạo tinh thần và chính giới, yêu cầu nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam chấm dứt tình trạng bách hại tôn giáo ở Việt Nam.

Chúng tôi ghi nhận, đây là một cử chỉ thân thiện đáng để chúng ta trân trọng và tương kính nhau trong lúc hoạn nạn.

Tuy nhiên, thưa ngài Linh Mục và bà Bác Sĩ,

Trong suốt thời gian 35 năm qua, GHPGVNTN chúng tôi đã phản đối đảng Cộng Sản Việt Nam quyết liệt và được sự quan tâm tiếp sức can thiệp của nhiều quốc gia, nhiều đoàn thể, các tôn giáo bạn, nghị sĩ và chính khách… nhưng Cộng sản Việt Nam vẫn ngoan cố làm ngơ, theo đuổi chính sách triệt tiêu GHPGVNTN.

Cho nên, chúng tôi khẳng định rằng, tôn giáo tại Việt Nam chỉ có tự do và bình đẳng thực sự, khi chính quyền Cộng sản Việt Nam hiện nay, được thay thế bằng một chính quyền Dân Chủ Đa Nguyên do toàn dân bầu lên và được quốc tế giám sát. Bởi vậy, đường hướng của GHPGVNTN đang theo đuổi hiện nay là vận động giải trừ quốc nạn và pháp nạn song hành. Vì “Đạo pháp không thể nở hoa trên quê hương nô lệ, Dân tộc không thể hạnh phúc trong áp bức và đói nghèo.”

Thứ nữa, chúng tôi cũng xin cám ơn ngài Linh Mục và bà Bác Sĩ đã quan tâm đến pháp nạn tại chùa Kim Quang Huế. Chúng tôi thấy rằng, Cộng sản Việt Nam bách hại chùa Kim Quang chỉ nhằm mục đích duy nhất, không giấu diếm được là, triệt phá hạ tầng cơ sở của GHPGVNTN.

Do đó, trong việc xử lý nội bộ, Hội Đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN và Đại Lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ Xử lý Thường Vụ Viện Tăng Thống, kiêm Viện Trưởng Viện Hoá Đạo, đã gửi kháng thư đến lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam và nhà cầm quyền Hà Nội. Đồng thời Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế đã phổ biến rộng rãi về pháp nạn chùa Kim Quang trước công luận trong và ngoài nước.

Như vậy, pháp nạn chùa Kim Quang là việc nhỏ, việc nội bộ và đã được chúng tôi tự giải quyết, không dám cảm phiền đến ngài Linh Mục và bà Bác Sĩ.

Còn việc lớn, đó là đường hướng của GHPGVNTN, được chúng tôi đeo đẳng theo đuổi từ bấy lâu nay, như chúng tôi đã trình bày trên đây, đó là công cuộc vận động giải trừ quốc nạn và pháp nạn. Mong rằng ngài Linh Mục, bà Bác Sĩ và chúng tôi, chúng ta cùng nhau hành xử trên tinh thần tương kính.

Trân trọng kính chào ngài Linh Mục và bà Bác Sĩ.

Phật lịch : 2554
Huế, ngày 11 tháng 12 năm 2010

Chánh Đại Diện GHPGVNTN/TTH
Trú trì chùa Kim Quang

(ấn ký)
Tỳ Kheo Thích Thiện Hạnh


Giác thư số 7 của Gia Đình Phật tử Vụ Gia Đình Phật tử Việt Nam gửi ông Chu Tất Tiến – Nhân lời tuyên bố của ông Chu Tất Tiến nghĩ đến việc Cấm Đạo thời Nguyễn

Lời ông Chu Tất Tiến vu cáo cho “Phật giáo Việt Nam giết hơn 100.000 nghìn người Thiên Chúa giáo” đang gây xôn xao và bất mãn trong lòng người Phật tử Việt Nam trong cũng như ngoài nước. Vì vậy ngày 8.12 vừa qua Thượng tọa Thích Viên Định nhân danh Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN, viết Thư Ngỏ gửi ông Chu Tất Tiến yêu cầu trưng bằng cớ lịch sử về câu tuyên bố của ông. Liền đó, ông Tiến đã viết một bức thư rất dài để xin lỗi.

Tuy nhiên bức thư xin lỗi của ông Chu Tất Tiến chưa đề cập đến nguồn tư liệu lịch sử nào khiến ông khẳng định “Phật giáo Việt Nam” giết đạo Thiên Chúa, mà giết tới con số chính xác “100.000 người Thiên Chúa giáo”. Chẳng những thế ông Tiến còn cho biết rõ ràng và chi tiết dã man “người Phật giáo” giết đạo.

Huynh trưởng Lê Công Cầu, Vụ trưởng Gia Đình Phật tử Vụ Gia Đình Phật tử Phật tử Việt Nam, thay mặt cho hàng trăm nghìn đoàn sinh Gia Đình Phật tử Việt Nam viết Giác thư số 7 gửi ông Chu Tất Tiến yêu cầu ông Tiến một lời xác tín. Giác thư nhờ Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế loan tải.

Mặt khác, ký giả Triều Thanh của Đài Phát thanh Phật giáo Việt Nam làm cuộc phỏng vấn ông Võ Văn Ái trong chương trình phát về Việt Nam hôm thứ sáu 17.12.2010 liên quan đến lời tuyên bố của ông Chu Tất Tiến.

Chúng tôi xin đăng tải dưới đây Giác thư số 7 của Huynh trưởng Lê Công cầu viết từ Việt Nam, và bài phỏng vấn ông Võ Văn Ái dưới tiêu đề “Nhân lời tuyên bố của ông Chu Tất Tiến nghĩ đền việc Cấm Đạo thời Nguyễn” :

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN HÓA ĐẠO
TỔNG VỤ THANH NIÊN
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM
VP : Chùa Giác Minh K356/42 – đường Hoàng Diệu – thành phố Đà Nẵng


Phật lịch 2554
GĐPTVN/007/GT/VT
GIÁC THƯ SỐ 7
CHÚNG TÔI CẦN MỘT LỜI XÁC TÍN

VỤ TRƯỞNG
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VỤ
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM.

Kính gởi :
ÔNG CHU TẤT TIẾN.

Kính thưa Ông.

Được sự chấp thuận của Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, tôi xin gởi đến Ông Giác Thư Số 7 với tiêu đề : CHÚNG TÔI CẦN MỘT LỜI XÁC TÍN.

Thưa Ông.

Đạo Phật là Đạo Nhân Quả, cho nên điều luật thứ 2 của Gia Đình Phật Tử chúng tôi là : “Phật tử mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống”

Đạo Phật là Đạo Như Thật, do đó điều luật thứ 3 của Gia Đình Phật Tử chúng tôi là : “Phật Tử trau dồi Trí Huệ, tôn trọng sự thật”

Với phương châm đó, chúng tôi đã lớn lên trong tinh thần của Đạo, vì như thật cho nên chúng tôi không bao giờ phủ nhận lịch sử, vì nhân quả cho nên chúng tôi không bao giờ chối bỏ trách nhiệm với lịch sử. Phương châm ấy cũng là kim chỉ nam cho chúng tôi dẫn dắt đàn em trong mục đích Giáo Dục Thanh Thiếu Nhi thành Phật Tử Chân Chính và góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo.

Cũng vì vậy mà khi Ông cho đăng tải bài : Đòn khiêu khích Tôn Giáo của bọn tay sai Cọng Sản trên các diễn đàn điện tử ngày 3.12.2010, trong đó có đoạn viết : “Phật Giáo Việt Nam được xem là hiền lương nhất, nhưng cũng giết hơn 100,000 người cùng máu đỏ da vàng chỉ vì tội theo đạo Ca Tô ! Nào ngục tù, xiềng xích, treo cỗ, bắt trèo lên cây nứa đã đập nát, rồi cho voi xé thân người ra làm 4 mảnh. (Trong số hơn 100,000 người Việt bị giết vì đạo, đã có hơn 100 vị anh hùng tử đã được phong Thánh)”. Lập tức, các Đoàn Viên Gia Đình Phật Tử là người phản ứng gay gắt nhất vì đây là tuổi hiếu động, rất nhạy cảm với lịch sử và thời cuộc. Đó là một trong những nguyên nhân mà Thượng Tọa Thích Viên Định nhân danh Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất gởi Thư Ngỏ đến Ông và yêu cầu Ông xác minh sự việc. Thư Ngỏ nầy được Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế công bố ngày 8.12.2010.

Thưa Ông,

Những ai am hiểu lịch sử, không đứng trên tinh thần vị kỷ của Tôn Giáo mình đều biết rằng :

Việc cấm đạo và bách hại giáo dân Thiên Chúa Giáo diễn ra dưới thời Trịnh Nguyễn Phân Tranh, thời Quang Trung Nguyễn Huệ và thời Nhà Nguyễn do 3 nguyên nhân chính :

1/. Dân Tộc Việt Nam có truyền thống luân lý và đạo đức cổ truyền, Thiên Chúa Giáo du nhập vào Việt Nam đã đi ngược lại nền tảng Tam Cương, Ngũ Thường mà các triều đại Phong Kiến đã xem như là một hệ tư tưởng cố hữu để duy trì và ổn định đất nước cũng như củng cố vương triều của mình. Do đó việc cấm đạo là điều hiển nhiên của nhà cầm quyền thời bấy giờ

2/. Đất nước Việt Nam là một đất nước phong kiến ảnh hưởng phong kiến Trung Hoa, nhà vua tự coi mình là bậc Thiên Tử, không thể có một kẻ nào cao hơn. Trong lúc đó người theo Đạo Thiên Chúa luôn coi Chúa là đấng chí tôn, là người có quyền lực cao nhất mà đại diện là nhà thờ, cha xứ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự cai trị của giai cấp thống trị do đó sự cấm đạo là việc tất yếu của lịch sử.

3/. Việc du nhập Thiên Chúa Giáo vào Việt Nam đi đôi với gót giày xâm lược của quân đội viễn chinh, mà không ít giáo dân đã phản bội tổ quốc, gieo bao tang tóc điêu linh cho Dân Tộc, cho nên những phong trào yêu nước cực đoan thời bấy giờ như Văn Thân, Cần Vương đã xem giáo dân Thiên Chúa Giáo là tay sai của thực dân, đó là nguyên nhân đưa đến chủ trương Bình Tây, Sát Tả bách hại tín đồ Thiên Chúa.

Đi sâu một chút vào lịch sử, chúng ta thấy rằng, một trong những nhầm lẫn mà nhiều người hiểu lầm hay cố ý hiểu lầm là Triều Nguyễn dựa trên cơ sở đạo Phật là “quốc giáo” để cấm đạo và đàn áp đạo. Phật giáo là Quốc Giáo ở thời Lý, Trần xa xưa còn kể từ triều Lê trở đi hệ tư tưởng chủ đạo của chế độ phong kiến ở nước ta là hệ tư tưởng Nho giáo mà Vua là phụng mệnh Trời cai trị đất nước, coi trọng sự thờ cúng tổ tiên và gắn chặt với chữ hiếu. Do đó kể từ Sắc chỉ cấm Đạo đầu tiên do Chúa Trịnh ban hành năm 1627 cho đến khi Vua Tự Đức ký Hòa Ước Giáp Tuất 1874 trong đó đã công nhận tin đồ Thiên Chúa có mọi quyền công dân, thì đã có 53 sắc chỉ cấm Đạo được thi hành. 53 sắc chỉ đó là chính sách vương quyền không hề có một chút liên hệ nào đến Phật Giáo thì làm sao có chuyện Phật giáo chủ trương giết đạo cho được.

Và để thẩm định một cách rõ ràng nhất, chúng ta thấy năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật Giáo, chúng ta không thể vì Ngô Đình Diệm là tín đồ Thiên Chúa Giáo mà qui kết Thiên Chúa Giáo đàn áp Phật Giáo được. Cũng vậy, các triều đình Trịnh Nguyễn, Tây Sơn đàn áp Thiên Chúa Giáo, chúng ta không thể vì các ông vua, ông chúa ấy là tín đồ Phật Giáo mà qui kết là Phật Giáo giết hại giáo dân. Đó là tam đoạn luận sơ đẳng mà không ai có thể chấp nhận được.

Thưa Ông Chu Tất Tiến,

Theo tôi, có lẽ do ý thức được các điều nêu trên, cho nên Ông đã viết Thư Xin Lỗi.

Và tất cả Đoàn viên Gia Đình Phật Tử chúng tôi rất hân hoan khi nhận được Thư Xin Lỗi của Ông được phổ biến trên mạng internet toàn cầu.

Tuy nhiên khi đọc xong lá thư nầy chúng tôi không được thỏa mãn vì những lý do sau :

1/. Thư Ngỏ của Viện Hóa Đạo viết ngày 8.12.2010 được Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế công bố ngày 9.12.2010, thì Thư Xin Lỗi của Ông cũng viết ngày 8.12.2010 như vậy chúng tôi có thể thấy rằng, thư xin lỗi nầy ông đã viết sẵn. Tại sao ông viết sẵn ? vì ông biết chắc chắn rằng Phật Tử chúng tôi sẽ phản ứng dữ dội cho nên Ông chuẩn bi kỹ càng cho việc đối phó.

2/. Quả thật vậy, trong một bức thư dài tràng giang đại hải 12 trang, lời xin lỗi của Ông không phải là trọng tâm mà chỉ vài câu lấy lệ, còn trọng tâm chính là lời biện minh cho công việc mình làm thì chiếm gần trọn vẹn lá thư.

3/. Như vậy chúng tôi có thể thấy rõ ông lợi dụng lá Thư Xin Lỗi để đối phó với những người đã lên án ông, do đó lời xin lỗi đã thiếu sự chân thành.

Vì vậy chúng tôi xin gởi đến Ông mấy suy nghĩ sau :

1/.Vì tôn trọng Ông cho nên Viện Hóa Đạo không trích dẫn Thư của Ông để phổ biến cho Đồng Bào và Phật Tử, vì thư của Ông dài 12 trang giấy, mục đích là biện bạch công việc của mình, nếu VHĐ chỉ trích dẫn vài câu xin lỗi, sự trích dẫn sẽ làm biến thể ý tưởng thư của Ông.

2/.Việc biện bạch của Ông không nằm trong yêu cầu của Viện Hóa Đạo, công việc ấy dành cho các Diễn Đàn và các vị thức giả. Viện Hóa Đạo cũng không yêu cầu một lời xin lỗi mà Viện chỉ yêu cầu ông một lời xác minh rằng Ông đã viết sai sự thật.

3/. Vì tôn trọng Ông cho nên Viện Hóa Đạo GHPGVNTN đã chính thức gởi đến Ông một Thư Ngỏ, vậy xin ông hãy tôn trọng Viện Hóa Đạo mà gởi lại một lá thư chính thức để Viện Hóa Đạo có cơ sở công bố với Đồng Bào Và Phật Tử hòng chấm dứt những tranh biện không đáng có chỉ làm cho Ngư Ông đắc Lợi. Ông thừa biết Ngư Ông này là ai.

Thưa Ông Chu Tất Tiến.

Thư Xin Lỗi của Ông công bố ngày 8.12.2010.

Thế nhưng sau đó 4 ngày (12.12.2010) trên mạng internet lại xuất hiện bài viết “Phê Bình Bài Của Ông Chu Tất Tiến” của TS-BS Nguyễn Thị Thanh trong đó có những đoạn :

“Lý trí, hiểu biết của CTT đã giúp cho bài viết của ông thật hợp lý với suy luận nghiêm chỉnh của lý trí (logique), công minh sáng suốt, trong tươi một cách khác thường”.

“Trở lại câu nói của ông CTT có đúng không ? Thưa đúng. Không những do sự giết đạo từ mấy thế kỷ trước mà còn vụ việc trước mắt xẩy ra vào năm 1963, 1964. Sự việc giết đạo từ mấy trăm năm trước là do triều Nguyễn chủ trương, nhất là vua Minh Mạng, Phật giáo chỉ là người thi hành và phát huy cho mạnh thêm lên…”

Thưa Ông ! rõ ràng cây muốn lặng mà gió không ngừng, theo tôi có lẽ là do Thư Xin Lỗi của Ông không được minh bạch, nên người ta vẫn lợi dụng để làm cho sự tình thêm phức tạp.

Vì thế tôi kính mong ông đáp ứng yêu cầu Giác Thư nầy, một khi Viện Hóa Đạo chúng tôi chính thức công bố lời xác tín của Ông, tôi chắc chắn rằng hành động thêm dầu vào lửa như trường hợp bà Nguyễn Thị Thanh trên đây sẽ không còn tiếp diễn.

Trân trọng kính chào Ông

Giác Minh, ngày 15 tháng 12 năm 2010
VỤ TRƯỞNG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VỤ
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM
NGUYÊN CHÁNH LÊ CÔNG CẦU

_____________________
Kính Trình :
– TT/TTK Viện Hoá Đạo GHPGVNTN

kính xin VP/VHĐ chuyển trình lên :

– Đại Lão Hoà Thượng XLTV/VTT kiêm Viện Trưởng VHĐ/GHPGVNTN
– Hòa Thượng Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống GHPGVNTN
– VP II Viện Hoá Đạo/GHPGVNTN
– Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế (kính xin phổ biến)


Nhân lời tuyên bố của ông Chu Tất Tiến
nghĩ đến việc Cấm Đạo thời Nguyễn

Triều Thanh : Xin mời quý thính giả Đài Phật giáo Việt Nam nghe Câu Chuyện Cuối Tuần với ông Võ Văn Ái “Nhân lời tuyên bố của ông Chu Tất Tiến nghĩ đền việc Cấm Đạo thời Nguyễn”.

Thưa ông Võ Văn Ái, vừa qua ông Chu Tất Tiến tuyên bố qua bài viết “Đòn khiêu khích tôn giáo của bọn tay sai Cộng sản” rằng : “Phật Giáo Việt Nam được xem là hiền lương nhất, nhưng cũng giết hơn 100,000 người cùng máu đỏ da vàng chỉ vì tội theo đạo Ca Tô ! Nào ngục tù, xiềng xích, treo cỗ, bắt trèo lên cây nứa đã đập nát, rồi cho voi xé thân người ra làm 4 mảnh. (Trong số hơn 100,000 người Việt bị giết vì đạo, đã có hơn 100 vị anh hùng tử đã được phong Thánh)”. Ông nghĩ sao về một phát ngôn như thế ?

Võ Văn Ái : Lời tuyên bố này sai, nếu không nói vu khống. Một lời phát ngôn nguy hiểm. Chính vì vậy mà Viện Hóa Đạo đã có Thư ngỏ chính thức chất vấn và yêu cầu ông Tiến trưng bẳng cớ lịch sử.

Triều Thanh : Hình như ông Chu Tất Tiến có viết lời xin lỗi. Vậy ông ta có xác nhận ông không có bằng chứng ghi trong sách vở hay tư liệu lịch sử ?

Võ Văn Ái : Không. Ông xin lỗi bằng bài viết dài nhằm chứng minh ông là người thực sự Chống Cộng, ông luôn tôn kính và ủng hộ Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, v.v… Ông cũng đưa nhiều trích dẫn các tư liệu lịch sử ba triều Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, cũng như tư liệu Phật giáo viết về Phật giáo dưới thời Nguyễn.

Sự trích dẫn dài dòng này làm át đi lời ông xin lỗi.

Một mặt, ông thát lỗi câu viết về “Phật giáo Việt Nam giết hơn 100.000 người Thiên Chú giáo”, là do ông phẫn nộ, bực tức việc Hoàng Anh Tuấn, Bảo Quán… phối hợp với Nguyễn Hữu Ba dùng những lời lẽ tục tĩu tấn công Viện Hóa Đạo, và hai bà Nguyễn Nguyên, Tuệ Kiếm thuộc Lực Lượng Cư Sĩ Chấn Hưng Phật Giáo. Ông nói ông ủng hộ Phật giáo, nhưng câu ông viết lại gán tội cho Phật giáo tàn sát người Thiên Chúa giáo.

Mặt khác, các trích dẫn lịch sử của ông làm cho người đọc tin rằng các vua triều Nguyễn hết lòng đãi ngộ Phật giáo, nào xây chùa đồ sộ, nào độ tăng, lo cho tăng chúng tu học, ban ruộng đất cho các chùa lớn để cày cấy tăng gia. Xem các triều chính này là Phật giáo để kết tội Phật giáo cấm đạo và giết đạo.

Nói đến triều chính Phật giáo trong lịch sử Việt Nam chỉ đúng ở hai triều Lý và Trần. Nhưng dưới hai triều đại Phật giáo này thì Phật giáo lại chủ trương hòa điệu tôn giáo, nẩy sinh tinh thần tương sinh tôn giáo được gọi là Tam giáo đồng nguyên giữa ba luồng tư tưởng Phật, Lão Khổng. Chính dưới các triều vua Phật giáo Lý Trần, mà Phật giáo đề xuất phát triển Không giáo để đóng vai trò quản lý nhà nước. Tinh thần bao dung tôn giáo của đạo Phật chưa một lần nào kỳ thị với các tôn giáo khác trong lịch sử Việt Nam.

Cho nên những trích dẫn trong bài xin lỗi của ông Chu Tất Tiến làm cho việc ông ta kết án “Phật giáo Việt Nam giết hơn 100.000 người Thiên Chúa giáo” chỉ sai một nửa. Theo ông cho biết thì ông viết câu này trong lúc ông “phẫn nộ”, “bực tức” trước bọn chửi thuê viết mướn thuộc nhóm ly khai Phật giáo có danh xưng “Về Nguồn” đánh phá GHPGVNTN. Thế nhưng, vô hình trung ông lại xem các vua Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức thuộc triều đại Phật giáo, do vậy mới có chuyện Phật giáo Việt Nam cấm và giết đạo Thiên chúa. Đây là điều sai lầm nghiêm trọng trên phạm vi lịch sử.

Những lời sai trái khi trà dư tửu hậu, tàn cuộc rượu người ta có thể quên. Nhưng một người như ông Chu Tất Tiến như chính ông đã tiết lộ là ông “viết văn từ 40 năm qua”, hiện nay viết cho nhiều báo, làm cho nhiều đài phát thanh, truyền hình, thì lời ông phát ngôn lan rộng trong chiều hướng gây ngộ nhận nếu không là kỳ thị tôn giáo. Bằng cớ là đã có một vài người chủ Trang nhà hay Trang mạng vỗ tay, bênh vực lời phát ngôn của ông Chu Tất Tiến. Đại loại có một bà chủ trương Trang Nhà ở Hoa Kỳ viết rằng :

“Các vua Minh Mạng, Thiệu Trị vv… đều là các người theo đạo Phật, đều đã làm những công nghiệp như xây dựng chùa, chấn hưng Phật giáo vv….nhưng đồng thời cũng sát hại các tín đồ Thiên Chúa Giáo. Như vậy thì điều anh Chu Tất Tiến nói thì không có gì là sai, nhưng cách trình bày không khéo nên đã gây hiểu lầm”.

Một ông chủ Trang Mạng khác ở Hoa Kỳ cũng viết : “Fãiminh xácmấy ông vua Minh Mạng, Thiệu trị, Tự Dức là Công Giáo hay Fật Giáo ! Nếu mấy ông vua nớ mà là Fật Giáo thì [ông Chu Tất Tiến] đâu có noái oan ??”. (Chúng tôi chép y nguyên câu viết sai chính tả, sai cách viết chữ Việt của ông chủ Trang mạng này)

Nguy hiểm ở chỗ đa số những ai thiếu thông tin, không có phương tiện hay thì giờ nghiên cứu, đọc sách, sẽ dễ tin vào những người có học, có đọc sách như ông Chu Tất Tiến. Trong thư xin lỗi, ông Chu Tất Tiến xác định vị thế nhà văn, nhà báo, nhà làm công tác truyền thông. Hơn nữa ông còn tự xác định ông là Người Khôn.

Triều Thanh : Xác định như thế nào và trong nghĩa nào ?

Võ Văn Ái : Ông Chu Tất Tiến viết : “Kẻ khôn nói một ngàn câu thì cũng có một câu ngu” để giải thích câu viết sai lầm về Phật giáo Việt Nam giết hơn 100.000 người Thiên Chúa giáo. Kẻ khôn đây xưa gọi là người quân tử, nay là người trí thức, tức là người trông xa thấy rộng, hiểu biết mọi vấn đề. Bài viết “Đòn khiêu khích tôn giáo của bọn tay sai Cộng sản” tung lên mạng hôm 3.12 cho thấy ông Tiến thông kim bác cổ từ lịch sử đạo Thiên Chúa, Hồi giáo, Phật giáo. Duy khi viết về Phật giáo Việt Nam ông mắc sai lầm nghiêm trọng.

Tôi chưa được đọc một ngàn câu hay ngàn bài của ông Tiến, nhưng gần đây tôi không chỉ thấy một, mà thấy ông sai lầm liên tiếp tới hai lần. Tôi dùng từ sai lầm để tránh dùng chữ “ngu” của ông Tiến. Lần vừa qua như ta đã biết. Còn trước đó không lâu ông viết một bài khá dài ca tụng hai ngài Minh Tâm và Như Điển khi ông sang Âu châu tham dự cuộc tổ chức của hai ông này.

Ông Chu Tất Tiến không ngừng xác định ông luôn tôn kính và ủng hộ Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ và GHPGVNTN. Nhưng thật mâu thuẫn khi ông cũng ủng hộ hết mình những người công kích, phá hoại công trình bảo vệ Phật giáo Việt Nam, nhân quyền và dân chủ của Đại lạo Hòa thượng Thích Quảng Độ và GHPGVNTN.

Kể hết thì dài dòng, tôi chỉ xin đơn cử bốn Lá Thư của ngài Minh Tâm viết “Về Ngày Hiệp Kỵ lịch đại tổ sư – tức Ngày Về Nguồn lần thứ 4” tổ chức tại Đức tháng 9 vừa qua. Qua bốn lá thư này, ngài Minh Tâm không ngần ngại xem các Giáo chỉ, Thông bạch của Đức cố Tăng Thống Thích Huyền Quang và Đại Lão Hòa thượng Thích Quảng Độ là “ma giáo”. Chẳng những không khâm tuân giáo lệnh của GHPGVNTN mà hai ngài Minh Tâm, Như Điển đã ly khai GHPGVNTN từ ngày 7.1,2007 (thời chưa có Giáo chỉ số 9 của Đức cố Tăng Thống Thích Huyền Quang), khi các vị này cho thành lập một tổ chức Phật giáo ly khai GHPGVNTN tuy vẫn tiếm danh GHPGVNTN.

Làm sao ông Chu Tất Tiến lại có thể vửa ủng hộ Đại Lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, vừa tham gia hậu thuẫn, viết bài ca tụng những kẻ chống phá Hòa thượng và GHPGVNTN ?

Triều Thanh : Ta có nên xem việc ông Chu Tất Tiến phẫn nộ trước những tên viết thuê chửi mướn công kích Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN, là một thiện chí chăng ?

Võ Văn Ái : Thiện chí là một chuyện, nhưng chẳng vì vậy mà kết án bừa bãi Phật giáo Việt Nam. Tôi chưa bao giờ để ý tới bọn viết thuê chửi mướn. Đã có hằng nghìn bài báo của Cộng sản trong nước chửi rủa thô tục, vu khống, mạ lỵ Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, và bản thân tôi. Sau hàng nghìn bài báo Cộng sản trong nước, đến lượt bọn tay sai hải ngoại có tên Giao Điểm, rồi nay tới phiên nhóm Về Nguồn và Thân hữu Già Lam qua một lô tên nặc danh nối dài nền “văn hóa chửi” ra hải ngoại. Từ tháng 3 năm 2008 đến tháng 12 năm nay, 2010, bọn này đưa 2974 lượt những bài viết mạ lỵ, vu khống chúng tôi tung lên mạng Internet mỗi ngày.

Triều Thanh : Như vậy ông không đồng ý với bức thư xin lỗi của ông Chu Tất Tiến, phải không ?

Võ Văn Ái : Tôi quyền gì mà đồng ý hay không đồng ý. Xin lỗi và xin lỗi bằng cách nào là chuyện của ông Tiến. Tôi chỉ nêu ra những điều bất cập của ông Chu Tất Tiến.

Triều Thanh : Xin ông cho biết những điều bất cập nào của ông Chu Tất Tiến ?

Võ Văn Ái : Tôi vừa trưng dẫn cái bất cập bắt cá hai tay của ông Tiến, vừa ủng hộ Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, vừa hậu thuẫn kẻ hỗn láo với Hòa thượng Thích Quảng Độ và phá hoại GHPGVNTN.

Bất cập kia, là ông Tiến chỉ xin lỗi câu viết ông lỡ viết ra trong khi ông “phẫn nộ”, “bực tức” trước những kẻ mạ lỵ tục tĩu Viện Hóa Đạo, như ông nói. Nhưng ông không xác nhận hay phân tích sự bóp méo lịch sử của ông khi viết về Phật giáo Việt Nam. Mặc dù ông thừa biết khi trích lời của một học giả Pháp, ông Taboulet viết trong sách La Geste française en Indochine về lý do cấm đạo tại Việt Nam. Ông Taboulet nhận xét :

“Đạo Thiên Chúa đảo lộn một cách rõ rệt tất cả những phong tục, tập quán bản xứ ; nó làm hư hại nền tảng của đạo chính là sự tôn sùng trời đất, đạo thờ Thành Hoàng và đạo thờ cúng tổ tiên ; nó làm rung chuyển và đe dọa làm tan rã nền móng Nhà nước, của gia đình và của xã hội Việt nam. Các nhà lãnh đạo đất nước từ thời Lê mạt đã thấy mối đe dọa này và đặc biệt từ thời Minh mạng, đã ngày càng nhận rõ những nguy cơ bên trong cùng với sự đe doạ từ bên ngoài nên đã có nhiều biện pháp phòng ngừa, trước mắt là ngăn chặn sự truyền bá đạo trong nước. Hiểm họa này, ngay trong cùng thời kỳ đã được nhận thức rõ ở Nhật bản, Trung hoa. Nhiều sắc lệnh cấm đạo được ban hành, song các giáo sĩ không những coi thường không tuân theo mà còn xúi dục giáo dân, giáo dục tinh thần tử đạo, “thà chết còn hơn khuất phục thế quyền” (!) nên che giấu giáo sĩ, ngang nhiên đối đầu với chính quyền”.

Với một lời trích như thế, lẽ ra ông Tiến phải xác định ngay sự sai lầm, bóp méo lịch sử khi ông dám viết rằng “Phật giáo Việt Nam giết hơn 100.000 người theo Thiên Chúa giáo”.

Triều Thanh : Gần đây có cuộc tranh luận về việc sử dụng danh từ Công giáo, mà ông Tiến thay bằng hai chữ Ca Tô ? Ông nghĩ sao về tranh luận này ?

Võ Văn Ái : Tôi không muốn tranh luận chuyện này. Tôi nghĩ sự cao cả của một tôn giáo là ở tác động vào đời sống tâm linh và chân thiện mỹ cho nhân sinh. Mỗi tôn giáo có toàn quyền sử dụng danh xưng thích ứng cho tôn giáo họ.

Tuy nhiên nhìn vào lịch sử truyền đạo Thiên Chúa vào Việt Nam, ta có thể đánh mốc năm 1650 như thời kỳ truyền bá mạnh mẽ và thâm nhập xã hội nước ta với các hoạt động của Dòng Tên, dòng Phan-xi-cô, dòng Đa Minh và Hội Thừa sai Paris. Danh xưng đạo Thiên Chúa xuất hiện sớm nhất, sau có thêm các danh xưng đạo Gia Tô, đạo Cơ đốc. Cho đến đầu thế kỷ XX chưa ai dùng chữ Công giáo. Như vậy ta có thể nói dưới thời Pháp thuộc vào đầu thế kỷ XX danh xưng Công giáo mới xuất hiện và sử dụng.

Triều Thanh : Ông có thể cho thính giả biết đại cương việc cấm đạo Thiên Chúa tại Việt Nam và do nguyên nhân nào, có nguyên nhân Phật giáo không ?

Võ Văn Ái : Hiện trạng cấm đạo Thiên Chúa không riêng gì ở Việt Nam, mà đã xẩy ra tương tự tại Trung quốc, Nhật Bản và Triều Tiên, là bốn Nhà nước theo Khổng giáo.

Điều trọng yếu cần hiểu, là bản thân vua quan thời Nguyễn có thể theo đạo Phật trên phương diện cá nhân. Nhưng trên phương diện triều chính, cương lĩnh chính trị, pháp luật nhà nước thời ấy là một nhà nước Khổng giáo, từ bộ máy cai trị cho đến luân lý, đạo đức xã hội. Phản ứng của triều chính lúc bấy giờ từ nội chính cho đến đối ngoại đều quy chiếu theo quy tắc đạo Khổng. Chính sách cấm đạo thời Nguyễn liên quan với cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp, mà những người cầm đầu đạo Thiên Chúa đứng về phe Tây phương xâm lược. Nguyên do thứ hai là sự va chạm văn hóa cổ truyền Việt Nam và vấn đề dân tộc.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bản thân giáo triều La Mã đã quá cứng nhắc trong vấn đề hội nhập văn hóa ở các quốc gia Châu Á. Cuốn sách “Phép giảng 8 ngày” của Linh mục Alexandre de Rhodes vào thế kỷ XVII là sự kỳ thị hung hãn và vô lối với đạo Phật Việt Nam, khi linh mục này giải thích sai lạc cho tín đồ Thiên Chúa Việt Nam về đạo Phật. Trong sách này Linh mục Alexandre de Rhodes gọi Đức Phật Thích Ca là “thằng mọi đen”.

Đây là một thực tế xuyên suốt nhiều thế kỷ làm cho quần chúng tín hữu đánh mất lòng bác ái của Thiên Chúa đối với tha nhân là Phật giáo đồ. Kể từ khi đạo Thiên Chúa du nhập Việt Nam, phải đợi ba bốn thế kỷ sau, tới đầu thập niên 60 thế kỷ XX mới có sự canh tân thay đổi vấn đề kỳ thị tôn giáo và văn hóa của đạo Thiên Chúa, khi Công đồng Vatican II lần đầu tiên thừa nhận giáo dân được thờ cúng tổ tiên và các anh hùng dân tộc, không cấm lấy người ngoại đạo nhưng bắt buộc con cái phải theo đạo Thiên Chúa.

Sách Đại Nam Thực lục cho biết việc cấm đạo dưới thời các chúa Nguyễn, đặc biệt Minh Mạng, thì trước tiên lả vấn đề nghi lễ sau mới là vấn đề xâm lược Pháp.

Ta sẽ hiểu rõ hơn khi quan sát việc cấm đạo dưới thời chúa Trịnh, chúa Nguyễn, tức giai đoạn chưa có vấn đề xâm lược Pháp, thì việc cấm đạo chủ yếu vì lý do nghi lễ.

Nói tóm nguyên nhân cuộc cấm đạo Thiên Chúa tại Việt Nam là khác biệt văn hóa và vấn đề chính trị của các triều đình Nho giáo, chẳng dính dáng chi tới đạo Phật.

Tại Trung quốc, khi Thiên Chúa giáo truyền vào đã vấp phải vấn đề Nghi lễ, tức quan niệm thờ cúng tổ tiên và Khổng giáo. Vua Khang Hy nhà Thanh quyết định đàn áp Thiên Chúa giáo từ năm 1717. Phải nhờ họng súng của lục quân Âu Mỹ, Hoàng đế Hoàng Phong mới cho phép Thiên Chúa giáo hoạt động trở lại sau 138 năm cấm đạo. Thiên Chúa giáo Trung quốc gọi đây là “Cuộc đàn áp Trăm năm”.

Triều Thanh : Xin cám ơn ông Võ Văn Ái và xin hẹn quý thính giả ở Câu Chuyện Cuối Tuần vào thứ Sáu tuần tới, cũng vào giờ phát thanh này.

Check Also

Bài 1: Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế trả lời chung về âm mưu phá hoại cuộc đấu tranh cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo của hai Dư Luận viên Thục Vũ — Ý Dân

  PARIS, ngày 9 tháng Giêng năm 2019 (PTTPGQT & VCHR) — Thời gian qua, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *