PARIS, ngày 12.2.2007 (PTTPGQT) – Viện Hóa Ðạo trong nước vừa gửi đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế để phổ biến 2 bản Quyết định mang các số 27 và 28/VHÐ/QÐ/VT do Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), ký chung hôm 6.2.2007, chuẩn y hai Ban Ðại diện GHPGVNTN tại các tỉnh Bình Thuận và tỉnh Tiền Giang.
Quyết định 27/VHÐ/QÐ/VT bổ nhiệm Thượng tọa Thích Thiện Tâm làm Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh Bình Thuận ; Quyết định 28/VHÐ/QÐ/VT bổ nhiệm Thượng tọa Thích Minh Nguyệt làm Chánh đại diện GHPGVNTN tỉnh Tiền Giang.
Suốt năm 2006 và hai tháng đầu năm 2007 những khó khăn, đàn áp, sách nhiễu liên tục giáng xuống hàng giáo phẩm thuộc GHPGVNTN và các Ban Đại diện. Điển hình là cuối tháng 12 năm 2006 không cho Đức Tăng thống Thích Huyền Quang vào Saigon tái khám ở Bệnh viện Pháp Việt, cấm Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, ra Bình Định vấn an Đức Tăng thống. Trong tháng Giêng 2007, đàn áp dữ dội các Ban Đại diện GHPGVNTN tỉnh Bình Định, tỉnh An Giang, tỉnh Đồng Nai, đấu tố Thượng tọa Thích Thiện Minh ở tỉnh Bạc Liêu. Đặc biệt là khủng bố tinh thần Thượng tọa Thích Chí Thắng và Huynh trưởng Lê Công Cầu cùng nhiều Phật tử Huế, nhằm ngăn cản cuộc “Lễ ra mắt giáo phẩm Phó Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh Niên và Vụ trưởng Gia Đình Phật tử vụ cùng Thọ Cấp Huynh trưởng Gia Đình Phật tử” vào ngày 25.1.2007 tại trụ sở Ban Đại diện Thừa thiên – Huế ở Chùa Phước Thành.
Dù vậy, chư Tăng Ni, Phật tử thuộc GHPGVNTN vẫn kiên trì phục hoạt Giáo hội trên thực tế và trong đời sống nhân dân. Nhờ vậy, cho đến nay, tổng cộng đã có 20 Ban Ðại diện Giáo hội ra đời trong khoảng thời gian hai năm qua :
– Ban Ðại diện GHPGVNTN Quảng Nam – Ðà Nẵng (8.7.2005)
– Ban Ðại diện GHPGVNTN Thừa thiên – Huế (18.7.2005)
– Ban Ðại diện tỉnh Bình Ðịnh (9.8.2005)
– Ban Ðại diện tỉnh Khánh Hòa (27.8.2005)
– Ban Ðại diện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (19.9.2005)
– Ban Đại diện tỉnh Đồng Nai (20.10.2005)
– Ban Đại diện Miền Quảng Đức (1) (5.11.2005)
– Ban Đại diện Miền Khánh Anh (1) (5.11.2005)
– Ban Đại diện tỉnh An Giang (5.11.2005)
– Ban Đại diện tỉnh Bạc Liêu (21.12.2005)
– Ban Đại diện Quận Bình Thạnh, Miền Quảng Đức (1) (tức Saigon và Gia Định) (10.3.2006)
– Ban Đại diện Quận 4, Miền Quảng Đức (1) (tức Saigon và Gia Định) (10.3.2006)
– Ban Đại diện Quận 11, Miền Quảng Đức (1) (tức Saigon và Gia Định) (10.3.2006)
– Ban Đại diện Quận 3, Miền Quảng Đức (1) (tức Saigon và Gia Định) (16.8.2006)
– Ban Đại diện tỉnh Lâm Đồng ở Cao nguyên Trung phần (16.8.2006)
– Ban Đại diện tỉnh Phú Yên (16.8.2006)
– Ban Đại diện tỉnh Đồng Tháp (16.8.2006)
– Ban Đại diện tỉnh Quảng Trị (12.9.2006)
Và nay (6.2.2007) thêm hai Ban Đại diện tại tỉnh Bình Thuận và Tiền Giang. Xin xem chi tiết qua các bản Thông cáo báo chí trên Trang nhà : http://www.queme.net
Quyết định mang số 27/VHÐ/QÐ/VT do Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, GHPGVNTN, ký ngày 6.2.2007 chuẩn y Ban Ðại diện GHPGVNTN tại tỉnh Bình Thuận với thành phần nhân sự như sau :
– Chiếu Hiến Chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) được tu chỉnh bởi Ðại hội Khoáng đại kỳ V ngày 12.12.1973.
– Chiếu Giáo Chỉ số 02 ngày 29.11.2005 của Đức Đệ Tứ Tăng Thống.
– Chiếu Biên bản cuộc họp ngày 13.01.2007, tại chùa Đạt Ma, Phường Phú Thủy, Thành Phố Phan thiết, Tỉnh Bình Thuận, bầu và thỉnh cử thành phần nhân sự Ban Ðại Diện lâm thời GHPGVNTN Tỉnh Bình Thuận.
– Chiếu Văn thư ngày 14.01.2007 của Thượng tọa Thích Thiện Tâm đệ trình danh sách Ban Ðại Diện lâm thời GHPGVNTN Tỉnh Bình Thuận.
– Chiếu nhu cầu Phật sự trong việc phục hồi sinh hoạt GHPGVNTN tại địa phương.
Ðiều 1 : Nay chuẩn y thành phần nhân sự Ban Ðại Diện lâm thời GHPGVNTN Tỉnh Bình Thuận như sau :
Chánh Ðại Diện : | Thượng tọa Thích Thiện Tâm |
Phó Ðại Diện : | Đại Đức Thích Huệ Lâm |
Phó Ðại Diện : | Đạo Hữu Huỳnh văn Ớt, Pháp danh Bổn Yên |
Chánh Thư ký : | Đạo Hữu Trần Kim Thạnh, Pháp danh Quảng Đức |
Phó Thư ký : | Đạo Hữu Văn Thiên Chương, Pháp danh Nguyên Minh |
Thủ quỹ : | Ðạo hữu Huỳnh Minh Nhật, Pháp danh Tâm Thời |
Thành viên : | Đạo Hữu Đào thị Lam Giang, Pháp danh Quảng Kỉnh |
Thành viên : | Đạo Hữu Lê Bồng Lai, Pháp danh Tâm Cảnh |
Ðiều 2 : Ðể Phật sự Giáo hội được viên mãn, Ban Ðại Diện lâm thời có bổn phận cung thỉnh bổ sung Ban Cố vấn cùng các Ðặc ủy đúng theo Hiến chương đã qui định.
Ðiều 3 : Các Quyết định trước đây trái với Quyết định này đều hủy bỏ.
Ðiều 4 : Quý Hòa thượng và Thượng tọa Phó Viện trưởng, Tổng thư ký, Tổng vụ trưởng và Vụ trưởng các Tổng vụ chiếu nhiệm thi hành quyết định này.
Viện trưởng Viện Hóa Ðạo
(ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Ðộ
Quyết định mang số 28/VHÐ/QÐ/VT do Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, GHPGVNTN, ký ngày 6.2.2007 chuẩn y Ban Ðại diện GHPGVNTN tại tỉnh Tiền Giang với thành phần nhân sự như sau :
– Chiếu Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) được tu chỉnh bởi Ðại hội Khoáng đại kỳ V ngày 12.12.1973.
– Chiếu Giáo Chỉ số 02 ngày 29.11.2005 của Đức Đệ Tứ Tăng Thống.
– Chiếu Thư Thỉnh nguyện ngày 09.01.2007 của Thượng tọa Thích Minh Nguyệt Trú trì chùa Hồng Liên Tỉnh Tiền Giang.
– Chiếu Văn thư ngày 27.01.2007 của Thượng Tọa Thích Minh Nguyệt đệ trình danh sách Ban Đại Diện lâm thời GHPGVNTN Tỉnh Tiền Giang.
– Chiếu nhu cầu Phật sự trong việc phục hồi sinh hoạt GHPGVNTN tại địa phương.
Ðiều 1 : Nay chuẩn y thành phần nhân sự Ban Đại Diện lâm thời GHPGVNTN Tỉnh Tiền Giang như sau :
Chánh Đại Diện : | Thượng Tọa Thích Minh Nguyệt |
Phó Đại Diện : | Thượng Tọa Thích Thiện Lễ (chùa Phước Thiện) |
Chánh Thư ký : | Đại Đức Thích Thiện Kinh |
Phó Thư ký : | Đại Đức Thích Nguyên Thân |
Đặc ủy Cư sĩ : | Thượng Tọa Thích Thiện Lễ (chùa Linh Sơn) |
Đặc ủy Xã hội : | Đại Đức Thích Huệ Thông |
Đặc ủy Thanh niên : | Đại Đức Thích Huệ Minh |
Thủ quỹ : | Ni sư Thích Nữ Phước Quang |
Ðiều 2 : Ðể Phật sự Giáo Hội được viên mãn, Ban Ðại Diện lâm thời có bổn phận cung thỉnh bổ sung Ban Cố vấn cùng các Ðặc ủy đúng theo Hiến chương đã qui định.
Ðiều 3 : Các Quyết Định trước đây trái với Quyết định này đều hủy bỏ.
Ðiều 4 : Quý Hòa thượng và Thượng tọa Phó Viện trưởng, Tổng thư ký, Tổng vụ trưởng và Vụ trưởng các Tổng vụ chiếu nhiệm thi hành quyết định này.
Viện trưởng Viện Hóa Ðạo
(Ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Độ
Bản sao nguyên văn và ấn ký 2 Quyết định trên đây đã được gửi đến : Chư Tôn đức giáo phẩm Hội đồng Lưỡng Viện, Văn phòng II VHÐ và quý GHPGVNTN Hải ngoại – Quý Ban Ðại diện các Miền, Thành phố, Tỉnh, Quận, Huyện trong nước “để kính tường và liên lạc hỗ trợ Phật sự” – Qúy Ủy ban Nhân dân 2 tỉnh Bình Thuận và Tiền Giang “để trình việc” – Qúy BĐD GHPGVNTN Tỉnh Bình Thuận và Tiền Giang “để chiếu hành” – Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế tại Paris “để phổ biến”, và VP VHÐ lưu.
21 Ban Đại diện là tảng băng nổi của lòng dạ kiên trung với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mà Tăng Ni, Phật tử tòan quốc chưa thể chính thức bộc lộ vì chế độ Công an trị thường trực khủng bố và ngăn cấm. Điển hình cho tình trạng tranh tối tranh sáng này là 2 bức thư xin gia nhập gửi lên Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo. Một bức thư do Thượng tọa Thích Minh Nguyệt viết từ Tiền Giang ngày 9.1.2007, và một bức viết từ Phan Thiết ngày 13.1.2007 do 8 chư Tăng và Cư sĩ đồng ký tên.
Trong thư Thượng tọa Thích Minh Nguyệt có đoạn viết rằng :
“(…) Trước năm 1975, con là Chánh thư ký Ban Đại diện GHPGVNTN tỉnh Gò Công, Giảng viên Tổng vụ Hoằng pháp, Viện Hóa Đạo, cựu Học tăng Phật học viện Hải Tràng, cựu sinh viên Viện Đại học Vạn Hạnh. Trước tiên con xin thành tâm sám hối với Giáo hội, vì con đã lầm tin nơi sự thống nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Nhà nước lập, chánh sách lừa mị, lợi dụng của Nhà nước Cộng sản, nên con đã có một thời gian tham gia sinh họat với Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang của Nhà nước.
“Nay bản thân con đã hiểu quá rõ mục tiêu, sự lợi dụng và làm công cụ giai đoạn cho người ta, mà nhiều Tăng, Ni, Phật tử khác cũng bị chung hoàn cảnh như con, họ rất đáng thương.
“Nay con ngưỡng mong Hòa thượng từ bi, hoan hỉ cho lòng thành kính sám hối của con. Tâm nguyện của con hiện nay, là muốn trở về sinh hoạt và phục vụ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Con nguyện sẽ y giáo phụng hành nếu được Hòa thượng giao phó Phật sự, dù khó khăn, nguy hiểm, con nguyện cũng cố gắng hoàn thành, với sứ mệnh phục vụ Đạo pháp – Dân tộc – Nhân loại của Giáo hội trong thời đại mới”.
Bức thư viết từ Phan Thiết ngày 13.1.2007 do Thượng tọa Thích Thiện Tâm, Đại đức Thích Huệ Lâm và 6 Cư sĩ đồng ký tên, có đoạn viết :
“(…) Đã 31 năm trôi qua biết bao chướng duyên, ngoại ma bức bách. Nhưng chúng con Tăng, tín đồ tỉnh Bình Thuận tay trong tay quyết vì Đạo pháp, vì Dân tộc, vẫn một lòng trung thành cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
“Nhưng bạo tàn phải chết, chính nghĩa vùng lên. Sau cơn mưa, mây mù dần tan, ánh quang minh chói lọi. Với sự kiên cường sau bao năm tranh đấu của chư vị Tôn đức lãnh đạo GHPGVNTN, những Người Cha tinh thần của Phật giáo Việt Nam. Nay Đạo pháp hườn sinh. GHPGVNTN đã phục hoạt để dẫn dắt con dân nước Việt gìanh lại công bằng, quyền dân chủ thực sự cho đất nước Việt Nam. Chúng con nguyện noi gương Cha lành, xin được chung lưng góp sức. Cúi xin chư vị Tôn đức lãnh đạo GHPGVNTN, cũng như Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo dang rộng vòng tay đón nhận những đứa con xa bầy bấy lâu nay”.
Hôm thứ tư 7.2.2007, qua cuộc điện đàm với ông Võ Văn Ái, Phát ngôn nhân Viện Hóa Đạo kiêm Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế có trụ sở tại Paris, Đại đức Thích Mẫn Thiện, Trú trì Chùa An Lạc, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, phát biểu lời Trần tình như sau (tòan văn lời Trần tình này đã được Đài Phật giáo Việt Nam phát về trong nước hôm thứ sáu 9.2.2007) :
Võ Văn Ái : Kính chào Đại đức Mẫn Thiện. Tôi ở Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế ở Paris đây, Đại đức có biết Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế không ? Chúng tôi mong được biết hòan cảnh hiện nay của Đại đức.
Đại đức Thích Mẫn Thiện : “Dạ Mô Phật ! Thường theo dõi và cũng nhận ra tiếng của ngài rồi. Nam mô A Di Đà Phật, tui là Đại đức Thích Mẫn Thiện, trụ trì chùa An Lạc, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Kính đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế tại Paris một việc như sau. Tui về trụ trì chùa An Lạc đây, được nhân dân tín đồ xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng cung thỉnh bằng Văn bản, là Đơn đề nghị xin Thỉnh Sư, trực tiếp là thỉnh Đại đức Thích Mẫn Thiện, thế danh Nguyễn Thành Phong, xuất gia tu học tại chùa Thiên Tế, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Trên giấy Thỉnh Sư đó được các cấp chính quyền địa phương là xã Vĩnh Phong, và được ông Vũ Văn Danh, Trưởng phòng Tôn giáo huyện Vĩnh Bảo ký đồng ý chấp nhận cho Phật tử chùa An Lạc được thỉnh sư Thích Mẫn Thiện. Chiếu theo Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo, chương 3, điều 23, thì ông Nguyễn Văn Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Bảo cũng ra một văn bản chứng nhận Đại đức Thích Mẫn Thiện. Và Mẫn Thiện được Văn phòng II Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Thượng tọa Thích Thiện Nhơn, Phó Tổng thư ký kiêm Chánh Văn phòng II ký giấy giới thiệu, và được Hòa thượng Thích Thiện An, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Tháp, ra Quyết định thuyên chuyển Đại đức Thích Mẫn Thiện về trụ trì chùa An Lạc này. Và Mẫn Thiện là thành viên của Giáo hội Phật giáo Quốc Doanh, có thẻ Tăng tịch số 0059 cấp ngày 15.1.2000 do Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là Hòa thượng Thích Trí Tịnh ký.
“Nhưng khi về đây trụ trì chùa này, là một ngôi chùa ở vùng nông thôn nghèo, ở hòan cảnh kinh tế khó khăn, Mẫn Thiện cũng dốc tâm dốc sức mà vận động kinh tế, tài chánh từ Phật tử ở miền Trung và miền Nam để về đây xây dựng, kiến thiết, trùng tu ngôi chùa này. Được ông Ngô Duy Nhượng ở Hà Nội thấy được việc làm của Mẫn Thiện là việc làm của người thực việc thực. Cho nên ông về đây phát tâm cúng cho 40 triệu (đồng VN) để trả nợ. Nhưng ông về ngày mùng 1.5.2006 thì Mẫn Thiện không có ở chùa. Mẫn Thiện đi công việc ở Quảng Ninh, Móng Cái. Cho nên không hiểu như thế nào, thì số tiền đó được lèo lái về Ủy ban Nhân Dân xã Vĩnh Phong. Chánh quyền xã Vĩnh Phong để số tiền đó từ tháng 5 đến tháng 11.2006. Suốt 6 tháng trời đồng tiền đó nằm ở Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Phong và được chánh quyền xã Vĩnh Phong lập thành một cái ban gọi là Ban Xây dựng. Cho nên từ chỗ đó, thì nhân dân Phật tử địa phương đây người ta không đồng tình, và Mẫn Thiện cũng không đồng tình về việc làm của Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Phong. Vì sao ? Vì nhân dân tín đồ Phật tử thỉnh Mẫn Thiện về đây làm trụ trì chùa này, thì Mẫn Thiện phải có cái quyền của người trụ trì chùa, phải đứng ra xây dựng kiến thiết, chớ không phải Ủy ban Nhân dân xã bây giờ làm Quan kiêm chức Sư luôn, thì việc làm này không đúng. Cho nên từ chỗ đó, suốt 6 tháng nay Mẫn Thiện bị nhũng nhiễu do cán bộ chánh quyền địa phương làm áp lực. Cái đó là cái Thông báo số 01 ngày 10.1.2007 do Thượng tọa Thích Quảng Tùng, Phó Ban Trị sự Thường trực kiêm Trưởng ban Tăng sự Thành hội Phật giáo Hải Phòng ra thông báo vô tội vạ đuổi Đại đức Thích Mẫn Thiện ra khỏi chùa An Lạc. Cho nên từ chỗ đó, nhân dân Phật tử chùa An Lạc và Mẫn Thiện không đồng ý chấp hành Thông báo đó và cho là thông báo vô tội vạ. Và Phật tử đã ra ngoài Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng đòi lại công lý cho Mẫn Thiện và cũng lên Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Bảo đòi lại công lý cho Mẫn Thiện. Mẫn Thiện liên tục bị chánh quyền sách nhiễu, câu lưu, mời thẩm vấn, thẩm tra, làm việc : tại sao Đại đức liên hệ với Đài ở bên Mỹ, Đài Sydney ở Úc châu để trả lời phỏng vấn đài người ta. Đại đức có biết là những đài, những báo đó là phản động của đất nước Việt Nam ? Đại đức có biết là Nhà nước Việt Nam đã tốn bao nhiêu xương máu để giành lại đất nước này không ?
“Mẫn Thiện có nói, bây giờ tui sanh sau đất nước giải phóng, tui sanh ngày 15.7.1975. Cho nên tui cũng không biết gì là xương máu hay là giải phóng. Nhưng mà bây giờ các bác nói, thì các bác cho tui cái văn bản. Các bác nói những cái đài cái báo đó vi phạm gì đó, thì các bác cứ cho tui xin đài với báo đó là vi phạm để tui biết. Chớ tui đâu có biết ai đâu vi phạm.
“Còn bây giờ Phật giáo, mà Phật giáo ra cái giấy đuổi sư, mà tui là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được chứng nhận Tăng Ni do Chủ tịch Hội đồng Trị sự cấp từ năm 2000, chứng tỏ tui là một thành viên chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Rồi bây giờ Giáo hội không bảo vệ được thành viên của mình, nghe một cái sự xúi giục nào đó mà ra thông báo đuổi một vị Tăng sĩ, một vị thành viên của Giáo hội mình, thì chứng tỏ một việc làm không sáng suốt của một Giáo hội.
“Nên tui có làm một cái đơn xin gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tui đã công bố lên Website Doi_thoai.com, thì các bác chánh quyền cũng đã biết rồi. Bây giờ các bác hỏi tui : Đại đức có biết là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhứt là cái tổ chức như thế nào không mà Đại đức dám xin gia nhập ? Tui nói là trước năm 1975 thì chưa sanh tui ra, cho nên tui không biết cái Giáo hội đó như thế nào. Nhưng mà từ cái ngày tui xuất gia, tui đi tu cho tới bây giờ, tui có cái sự nghiên cứu. Nghiên cứu gì ? Là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhứt là một tổ chức người ta bảo vệ được thành viên Tăng sĩ của người ta. Người ta có một tiếng nói nhứt định, nếu ai xâm phạm đến thành viên giáo hội của người ta là người ta có sự bảo vệ rõ ràng. Còn tui hiện nay là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Quốc Doanh này, mà rồi bây giờ cái Giáo hội ở Hải Phòng này cũng chưa có về thực tế ở đây để hỏi tui tình hình xảy ra như thế nào ? Hỏi tín đồ Phật tử nhân dân ở đây xảy ra như thế nào ? Mà dám ra cái Thông báo số 01 ngày 10.1.2007 để đuổi tui là một việc làm vô tội vạ. Cho nên tui không theo cái Giáo hội Quốc Doanh này nữa ! Mà tui theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhứt. Rồi bây giờ các bác thấy tui có tội gì cứ ra văn bản hẳn hoi. Cứ ra rõ ràng, cứ ra rõ ràng…
“Cuối cùng thì câu lưu Mẫn Thiện làm việc suốt hai ngày, ngày 11 và ngày 12.1.2007. Suốt buổi sáng và buổi chiều ngày 11, suốt buổi sáng và buổi chiều ngày 12. Và vừa rồi ngày 25.1.2007, thì Công an xã, công an huyện, công an thành phố và Cục An Ninh của Bộ Công an cũng về tận chùa. Xong xuôi ra cái Giấy mời tại chỗ, làm việc suốt một buổi chiều ngày 26.1. Cho nên vừa rồi Mẫn Thiện và một số Phật tử đi thẳng về Trung ương để tố cáo những việc làm sái quấy của xã Vĩnh Phong. Trong đoàn đi đó có ông Nguyễn Duy Tấn, là một người Thiếu tá trong quân đội, mà ngày xưa ông về đây ông dám mạnh dạn đứng lên Chống Tham ô, Tham nhũng, thì nó bè cánh với nhau làm ông mất chức, tiêu cả Đảng.
“Cho nên từ chỗ đó, hôm nay được Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế điện về đây thăm Mẫn Thiện, thì Mẫn Thiện trước nhất nói lên cái tâm tư, nguyện vọng của một người Tăng sĩ trẻ tu hành mà ở miền Nam ra đất Bắc, thì trước tiên cũng xin thông báo đến quý Ngài là Mẫn Thiện xin gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhứt để trở thành một thành viên của Giáo hội để sinh hoạt, để tu học, để truyền bá giáo lý của Đức Phật như lời Đức Phật dạy. Mục đích Phật ra đời là gì ? – Đại sự nhân duyên khai thị Phật tri kiến cho tất cả chúng sanh. Cho nên mình làm đệ tử Phật, là mặc chiếc áo của Phật, mình cạo đầu giống Phật, mình ăn cơm của Phật, thì không thể nào mình làm trái lời Phật. Mẫn Thiện có làm cái đơn xin gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhứt vào tháng Giêng năm 2007, nhưng cái ngày thì quên rồi, mà Mẫn Thiện đã chuyển về cho Ngài Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Thích Quảng Độ, rồi.
“Cái điều kiện thứ hai thì quý vị cũng biết rồi, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhứt là một Giáo hội “chôn mà chưa chết”. Còn cái Giáo hội Quốc Doanh đã “chết mà chưa chôn”. Cho nên từ chỗ đó, thì Nhà nước đã biết được mình sẽ là một thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhứt thì người ta sẽ câu lưu, người ta sẽ mời, sẽ làm việc, sắp tới đây chưa biết người ta sẽ làm việc như thế nào, sẽ khủng bố, sách nhiễu như thế nào. Cho nên cũng thông báo đến quý vị biết.
“Hiện nay người ta có những thành phần là người ta vận động Phật tử đừng đi chùa, đừng cúng chùa, và người ta cũng sẽ tới đây tiến hành sẽ không cho nhà sư đi tụng kinh nhà Phật tử và cũng không cho tụng kinh ở chùa. Theo như lời của bà Hoàng Thị Tấn, là Hội phó chùa ở đây, thì bà có cho biết là họ sẽ tới đây tiến hành việc không cho Đại đức Mẫn Thiện đi tụng đám ở nhà Phật tử và không cho tụng kinh ở chùa nữa. Hiện nay cũng có một số Phật tử cho biết là họ vận động người ta đừng đi cúng chùa. Cho nên tới đây, việc nợ nần của nhà chùa cũng nhiều, mà ở nông thôn thì hoàn cảnh kinh tế cũng khó, mà việc đi lại thì rất hạn chế do họ nay mời, mai mời, không đi được để về miền Trung, miền Nam xin Phật tử về trả nợ. Mẫn Thiện đứng ra lãnh số nợ quá lớn trong thời kỳ làm chùa, thì bây giờ họ khủng bố bằng mọi giá. Cho nên tiếng nói hôm nay là tiếng nói chân thành, chân thật của một người Tu sĩ trẻ dám nói lên sự thật. Kính mong quý Ngài và quý vị tận tình giúp đỡ tinh thần cũng như vật chất để Mẫn Thiện hoàn thành sứ mệnh của một người tu sĩ trẻ.
“Cũng thưa với Bác, công an họ trực tiếp về tại chùa. Và cũng có nhân dân Phật tử về đông và người ta nói lên chánh kiến của người ta. Cuối cùng các anh công an ra ngoài hội ý riêng, cho nên sau đó cho anh Thưởng, là nhân viên Phòng An ninh huyện Vĩnh Bảo, vào viết Giấy mời trực tiếp tại chùa. Anh Thưởng đưa Giấy mời là vào 13 giờ chiều ngày 26.1.2007 đến Công an huyện làm việc. Cứ để làm việc vậy thôi. Mẫn Thiện lên đó, có anh Tâm, Phòng An ninh PA.38 công an bảo vệ chính trị, và anh Hồng là Trưởng phòng An ninh bảo vệ chính trị huyện Vĩnh Bảo, và có một cái anh từ trước đến giờ chưa tiếp xúc. Nhưng qua nghe biết thì anh này PA.38 Cục An ninh Bộ Công an. Anh này là chủ động hỏi tất cả những sự việc mà Đại đức Mẫn Thiện liên lạc với những đài, báo, những mạng ở nước ngoài. Cho nên Mẫn Thiện cũng trả lời, và cuối cùng thì họ đưa cho một miếng giấy và một cây bút, họ bảo Mẫn Thiện tường trình. Mẫn Thiện nói bây giờ các bác cầm pháp luật, thì các bác thấy tui là một nhà sư, một công dân, nếu tui vi phạm thì các bác cứ đưa ra cái giấy vi phạm để cho tui biết. Còn bây giờ tường trình hay viết cái gì tui cũng không viết, các bác thông cảm là tui không viết cái gì hết. Tại vì tui đã xác định kỹ rồi : Sống cũng tu. Chết cũng tu. Ở trong tù cũng tu. Cho nên bây giờ các bác cảm thấy vi phạm các bác cứ cho một cái giấy vi phạm.
“Cuối cùng thì ở trên lầu 2 của Công an huyện Vĩnh Bảo, Mẫn Thiện nhìn xuống dưới đường lộ ở cổng Công an huyện có hơn 30 Phật tử chùa An Lạc ngồi dưới đó vào mùa đông rét buốc của Miền Bắc thì các bác cũng biết rồi. Từ chỗ đó, anh Tâm phòng PA.38 công an bảo vệ chính trị của Sở công an thành phố Hải phòng nhờ Nhà sư xuống nói bà con Phật tử đi về, còn chúng tôi hứa sẽ đưa nhà sư về tới chùa sau khi làm việc xong. Mẫn Thiện nói, bây giờ nếu Phật tử ở chùa, tui là nhà sư, tui sẽ ra tui nói cái việc hôm nay như thế này, như thế này… Nhưng ở đây là cơ quan công quyền, tui là một công dân bình thường cũng như các vị công dân ngoài đó, tui ra tui nói thì người ta nói : Thầy là một người dân, thầy đến cơ quan chính quyền, tui cũng là dân, tui đến cơ quan chánh quyền, thì quyền gì thầy đuổi tui. Cho nên bây giờ các bác làm chánh quyền, các bác có quyền ra mời, các bác đuổi, là quyền của các bác. Còn tui, tui không có quyền đó. Cho nên từ chỗ đó, cuối cùng họ thấy ở đây làm việc với nhà sư không đi đến thống nhứt, bắt ép nhà sư làm tường trình nhà sư cũng không viết. Cuối cùng họ thấy Phật tử ngồi đầy ngoài đường lộ trước cổng công an huyện, cuối cùng họ nói thôi đến đây chấm dứt, thôi nhà sư đi về.
“Cho nên ở đây hiện nay, ông Vũ Đức Riện, Thường vụ Đảng ủy của xã Vĩnh Phong này, ông đi vận động Phật tử để đuổi Đại đức Thích Mẫn Thiện ra khỏi chùa An Lạc này. Bà Hoàng Thị Tấn, là Hội phó ở chùa đây, bà có đến thông báo là cái tay Riện đến nói với con là bây giờ phải đi thông báo Phật tử đuổi Thầy ra khỏi chùa. Chúng con không đồng ý. Phật tử cũng biết rồi, Thầy cả một đời đi tu, bây giờ người ta áp bức Thầy, Phật tử phải biết rằng mình quy y Phật, mình đi tu mà để cho người ta áp bức Sư mình như vậy thì mình phải biết như thế nào là tu, thế nào là đạo đức. Chứng tỏ chánh quyền người ta không có đạo đức, chánh quyền đâu phải Sư đi tu, mà bây giờ muốn chiếm cả quyền, cả luôn cái ghế Sư như vậy, thì Phật tử phải biết rồi. Cho nên cũng thông báo đến bác là tới đây không biết họ sách nhiễu, sẽ câu lưu, sẽ cho những cái tội gì nữa để một là trục xuất ra khỏi chùa, hai là họ sẽ (cho) đi tù.
“Cho nên cũng thông báo đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế ở hải ngoại biết được cái việc về tôn giáo tại Việt Nam.
“Không phải như người ta ra cái quyển “Sách Trắng” người ta nói một số Phật tử thành kiến thế này thế nọ. Nhưng thực chất bản thân của Mẫn Thiện ở đây bị một cái hoàn cảnh cực kỳ nghiêm trọng, bị sách nhiễu, bị câu lưu, bị đe dọa đến tính mạng. Chớ không phải chuyện thường. Cho nên cái việc nói là có tự do tôn giáo, các bác bên đó phải nghiên cứu kỹ lại coi người ta nói có thực sự hay không ? Khi nào Tăng, Ni, hay là các tôn giáo bạn, là Công giáo, Tin Lành, Hòa Hảo, Cao Đài, Hiếu nghĩa, v.v… những tôn giáo ở Việt Nam, mà trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhứt, mà được sinh hoạt, tu học bình thường, thì đó đất nước Việt Nam mới thực sự có tự do tôn giáo. Còn bây giờ còn bị hạn chế, còn bị sách nhiễu, còn bị câu lưu, thì đó CHƯA PHẢI LÀ TỰ DO TÔN GIÁO ở cái đất nước Việt Nam này.
“Thưa với Bác như thế này, ông Ri, Tổng cục phó Tổng cục An ninh quốc gia của Bộ Công an, ông Ri đã về đến chùa này một lần rồi. Ông Ri này có nói, ví dụ bây giờ ở xã Vĩnh Phong này có 100 Phật tử, (nếu có) 98 Phật tử không đồng ý cho sư ở chùa. Nhưng mà 2 Phật tử người ta yêu cầu cho sư ở chùa, thì chánh quyền không có quyền vi phạm đến nhà sư. Ông Ri về tận chùa này thăm nhà sư, thăm Phật tử, ông phát biểu như vậy.
“Kính thưa với Bác, hiện nay theo danh sách của chùa An Lạc, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng đây, thì có hơn 200 Phật tử. Nhưng mà Phật tử ở miền Bắc đây có câu “Trẻ vui nhà, già vui chùa”. Bảy mươi, tám mươi thì các vị mới vào đây quy y, chớ không phải như ở miền Trung, miền Nam mà có những Gia Đình Phật tử trẻ được. Từ chỗ đó, đi quy y thì đông, nhưng các cụ già thì nhiều. Cho nên các cụ cũng nằm trong áp lực của con cháu, mà trong đó đa số con cháu của các cụ nằm trong cửa quan ở xã Vĩnh Phong này. Các cụ cũng không dám nói gì. Nhưng mà ông Ri ông nói cái giả thuyết, giả thuyết là gì, là nếu chùa này 100 Phật tử, mà 98 Phật tử đuổi sư, thì 2 Phật tử không đuổi sư, thì Nhà nước không có quyền đuổi sư. Lời nói của ông Ri, nhưng hiện nay thì chánh quyền xã Vĩnh Phong này, ông Vũ Đức Riện, Thường vụ Đảng ủy xã, ông đi vận động nhân dân để ký tên đuổi sư.
“Cho nên thông báo với Bác bên đó tình trạng tệ hại của chánh quyền. Cũng thưa với Bác, chánh quyền cũng họp liên tục, họp ở xóm có, ở xã có, thông báo là nếu để nhà sư thì Mỹ sẽ nhào vào đây. Cho nên là nhà sư này hợp tác với Mỹ là nhà sư phản động thế này, thế kia. Phật tử ở đây người ta cũng là những người trí thức, những người hiểu biết. Người ta nói ngày xưa, ông Kỳ ông dội bom miền Bắc mà bây giờ Nhà nước còn phải trải thảm mời ông Kỳ về để đầu tư kinh tế. Rồi ông Bill Clinton là Việt Nam cũng mời về. Rồi ông Bush, Việt Nam cũng mời về. Việt Nam còn đặt Đại sứ quán bên Mỹ, Mỹ cũng đặt Đại sứ quán ở Việt Nam. Cho nên từ chỗ đó, mấy ông là những người đầu tiên bắt tay với Mỹ, nhà sư mới bắt tay đây thôi. Có cái gì đâu mà vi phạm ! Cho nên từ chỗ đó, dân khí bây giờ người ta cũng hiểu biết nhiều rồi. Không còn mị dân được nữa đâu ! Cho nên từ chỗ đó, người ta nói, nếu chánh quyền cố tình mà trục xuất Thầy hay giáng tội cho Thầy là “phản động”, hay “tình báo”, “điệp viên” gì đó, là chúng con sẽ đưa Thầy lên Đại sứ quán Mỹ để tị nạn chính trị tôn gíao tại Việt Nam này.
“A Di Đà Phật, xin chào Bác. Mô Phật !”.
Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế vừa được tin buồn : thân phụ Thượng tọa Thích Chơn Tâm, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Giáo dục, Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN, là :
viên tịch ngày 20 tháng Chạp, Bính Tuất (7.2.2007)
hưởng thọ 72 tuổi, tại tư thất Phường Mỹ Xuyên, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế kính xin thành thật chia buồn cùng Thượng tọa Thích Chơn Tâm và tang quyến. Nguyện cầu Giác linh Thầy Thích Thiện Chơn siêu đăng Phật Quốc.
Càng đau buồn hơn nữa khi được Thượng tọa Chơn Tâm thông báo qua bản Tường trình viết từ Saigon ngày 12.2.2007, cho biết rằng trong khi Tang lễ cầu siêu Thầy Thích Thiện Chơn đang diễn ra, thì bị Thượng tọa Thích Thiện Thống (Thư ký Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh An Giang : thuộc Giáo Hội nhà nước) ngăn chận bằng cách đe dọa các tự viện thuộc thành phố Long Xuyên, không cho Tăng Ni đến dự Tang lễ, lý do chỉ vì Thầy Thích Thiện Chơn là thân sinh của Thượng Tọa Thích Chơn Tâm, giáo phẩm thành viên của GHPGVNTN.
Mặc dù bị ngăn cản, nhưng Tang lễ vẫn được tiến hành trang nghiêm trọng thể với sự tham dự của phái đoàn Trung ương GHPGVNTN, gồm có : Thượng tọa Thích Không Tánh, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Từ thiện – Xã Hội ; Thượng tọa Thích Thiện Minh, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh Niên ; Thượng tọa Thích Nguyên Lý, Tổng thủ quỷ Viện Hóa Đạo ; Thượng tọa Thích Quảng Tôn, Chánh Đại Diện Quận 11, Miền Quảng Đức ; Thượng tọa Thích Minh Nguyệt, Chánh Đại Diện tỉnh Tiền Giang ; Thượng tọa Thích Thiện Lễ, Phó Đại Diện tỉnh Tiền Giang ; Thượng tọa Thích Thiện Tâm, Chánh Đại Diện tỉnh Bình Thuận ; Đạo hữu Nguyên Tâm, thư ký Ban Đại Diện tỉnh Bình Thuận ; Đại Đức Thích Viên Hỷ, Trưởng phòng Báo chí Viện Hóa Đạo ; Đại Đức Thích Đồng Minh, Trưởng phòng Pháp chế Viện Hóa Đạo cùng với trên 120 Tăng Ni trong và ngoài tỉnh, cũng như Hòa thượng Thích Huệ Đăng, thuộc Giáo hội Phật giáo Cổ Sơn Môn.
(1) Miền Quảng Đức thuộc Saigon và Gia Ðịnh, Miền Khánh Anh thuộc vùng Hậu Giang. Chiếu theo Hiến chương GHPGVNTN, bản tu chỉnh ngày 12.12.1973 tại Ðại hội khóa 5, thì điều 23 ghi rằng : “Ðể đôn đốc và thanh tra Phật sự tại các tỉnh, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo bổ nhiệm Ðại diện tại 8 Miền sau khi Ban Chỉ đạo VHÐ chấp thuận. Tám Miền lấy pháp hiệu của 8 vị Cao tăng Việt Nam như sau : Vạn Hạnh (Bắc Trung nguyên Trung phần), Liễu Quán (Nam Trung nguyên Trung phần), Khuông Việt (Cao nguyên Trung phần), Khánh Hòa (Ðông Nam phần), Khánh Anh (Hậu Giang Nam phần), Vĩnh Nghiêm (Phật tử Miền Bắc), và Quảng Ðức (Ðô thành Saigon – Gia Ðịnh)”. (PTTPGQT chú).