Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin PTTPGQT / Nhà cầm quyền Hà Nội không cho Chủ tịch Sáng hội Rafto đến Saigon vấn an Hòa thượng Thích Quảng Độ – 54 Dân biểu Quốc hội Ý đồng ký tên đề cử Hòa thượng Thích Quảng Độ lãnh Giải Nobel Hòa bình năm 2007 – Thông cáo chung của Liên Đòan Quốc tế Nhân quyền & Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam về Nữ Quyền tại Việt Nam

Nhà cầm quyền Hà Nội không cho Chủ tịch Sáng hội Rafto đến Saigon vấn an Hòa thượng Thích Quảng Độ – 54 Dân biểu Quốc hội Ý đồng ký tên đề cử Hòa thượng Thích Quảng Độ lãnh Giải Nobel Hòa bình năm 2007 – Thông cáo chung của Liên Đòan Quốc tế Nhân quyền & Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam về Nữ Quyền tại Việt Nam

Download PDF
CHỦ TỊCH SÁNG HỘI RAFTO KHÔNG ĐƯỢC VIẾNG THĂM VIỆT NAM

Arne Liljedahl Lynngård
Arne Liljedahl Lynngård

PARIS, ngày 13.2.2007 (PTTPGQT) – Dưới đây Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin dịch nguyên văn Thông cáo báo chí bằng Anh ngữ của Sáng hội Rafto công bố tại thành phố Bergen ở Na Uy hôm nay, 13.2.2007, về sự kiện Nhà cầm quyền Hà Nội ngăn cấm Chủ tịch Sáng hội Rafto viếng thăm Việt Nam :

“Hôm 7.2.2007, Sáng hội Rafto nhận được thư hồi đáp của Sứ quán Việt Nam tại Copenhagen, Đan Mạch, thông báo bác bỏ dự án sắp đặt từ lâu đến thành phố Saigon gặp gỡ nhà lãnh đạo ly khai của Việt Nam là Hòa thượng Thích Quảng Độ. Sáng hội Rafto bị kết án làm tổn hại quan hệ tốt đẹp giữa Na Uy và Việt Nam.

“Tháng 11 năm 2006, Hòa thượng Thích Quảng Độ, nhân vật lãnh đạo số hai của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, lãnh Giải Rafto. Từ năm 1998, Hòa thượng bị “bắt giam tại chùa” ngay nơi ngôi tự viện của Hòa thượng ở Saigon.

“Ông Arne Lynngård, Chủ tịch Sáng hội Rafto, dự tính đến thăm Việt Nam vào thượng tuần tháng 3.2007 để tận tay mang đến cho vị lãnh đạo ly khai nơi ngôi chùa của ngài tấm bằng tưởng lệ Giải Nhân quyền Quốc tế Rafto. Tuy nhiên, thư hồi đáp của Sứ quán Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ Đan Mạch cho biết là ông Lynngård không được đến Việt Nam.

“Sáng hội Rafto phản đối quyết định của nhà cầm quyền Việt Nam cùng những lời kết án của chính quyền này. Lời phản đối bao gồm các điểm sau đây :

“1. Hiện nay đang tiếp diễn cuộc đối thọai nhân quyền giữa hai Chính phủ Na Uy và Việt Nam. Sáng hội Rafto chính thức xin đến thăm Việt Nam trong tinh thần đối thọai, chẳng riêng việc mang tấm bằng tưởng lệ của Giải Rafto đến tận tay Hòa thượng Thích Quảng Độ, mà còn đề nghị được gặp gỡ các giới chức Việt Nam để tìm hiểu cuộc cải cách dân chủ tại Việt Nam trong mục tiêu xây dựng Nhà nước Pháp quyền và cam kết dân chủ theo lời hứa của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm ngóai.

“- Làm sao Việt Nam có thể trông chờ cộng đồng quốc tế am hiểu về những tiến triển trên đất nước mình, nếu khước từ những cá nhân trên thế giới mong muốn đến thăm Việt Nam ? Tòa Đại sứ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở Đan Mạch nói rằng thái độ của Sáng hội Rafto “trái chống với thực tại Việt Nam” – Thế thì tại sao họ ngăn cấm tôi đến nhìn tận mắt thực tại này ? ông Arne Lijedahl Lynngård nói như thế.

“2. Hòa thượng Thích Quảng Độ không là người xâm phạm luật pháp Việt Nam, như văn thư chính thức nại cớ. Hòa thượng là một nhân vật quốc tế nổi danh, được tòan cầu kính trọng vì những nỗ lực của ngài xúc tiến hòa bình, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Năm 1995, Hòa thượng Thích Quảng Độ bị kết án 5 năm tù qua một phiên tòa bất công tại Saigon vì tội danh “lợi dụng tự do dân chủ làm tổn hại đến quyền lợi của Nhà nước”, thực tế chỉ vì Hòa thượng gửi bản Nhận định phê phán Đảng Cộng sản (1) và tổ chức Phái đòan Cứu trợ nạn nhân lũ lụt năm 1994. Vì vậy Sáng hội Rafto đã hòan tòan có lý khi trao Giải Rafto cho một nhân vật như thế, và tuyệt nhiên chẳng làm tổn hại gì đến quan hệ hữu hảo giữa Na Uy và Việt Nam.

“Ngày 29.9.2006, từ LHQ ở New York, Ngọai trưởng Na Uy, ông Jonas Gahr Støre đã bình luận việc trao Giải Rafto cho Hòa thượng Thích Quảng Độ như sau : “Giải thưởng đầy thanh thế này trước đây đã trao cho những nhà vận động nhân quyền như trường hợp các bà Rebiya Kadeer, Aung San Suu Kyi, Shirin Ebadi. Tôi rất hài lòng về quyết định của Ủy ban chấm giải năm nay chọn trao cho Hòa thượng Thích Quảng Độ”.

“3. Đã nhiều lần Hòa thượng Thích Quảng Độ được đề cử trao Giải Nobel Hòa bình. Những nhà đọat Giải Nobel Hòa bình như Đức Dalai Lama, José Ramos-Horta, Mairead Corrigan Maguire đã không ngừng lên tiếng đòi trả tự do cho Hòa thượng Thích Quảng Độ, cũng như LHQ, và rất nhiều Quyết Nghị gióng lên đòi hỏi như thế được Quốc hội Châu Âu, Quốc hội Hoa Kỳ và nhiều Quốc hội trong thế giới thông qua.

“- Theo nhà cầm quyền Hà Nội tuyên bố, thì Hòa thượng Thích Quảng Độ hiện nay “hòan tòan được tự do”. Thế thì theo nguyên tắc, dựa vào luật pháp Việt Nam Hòa thượng không là đối tượng cho bất kỳ hạn chế nào, và sẽ được quyền tiếp đón mọi cuộc thăm viếng, ông Lynngård kết luận.

“Sáng hội Rafto lên tiếng kêu gọi Chính phủ Na Uy lấy thái độ trước sự việc này và đề cập đến trong những cuộc gặp gỡ đối thọai nhân quyền giữa hai chính phủ Na Uy và Việt Nam”.

54 DÂN BIỂU QUỐC HỘI Ý ĐẠI LỢI ĐỒNG KÝ TÊN ĐỀ CỬ HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỘ LÃNH GIẢI NOBEL HÒA BÌNH NĂM 2007

Dưới tiêu đề “Tự do tôn giáo là chìa khóa của chính sách đối ngọai khẩn trương và mạnh mẽ” Dân biểu Bruno Mellano nói lên sự kiện 54 Dân biểu Quốc hội Ý đồng ký tên đề nghị Hòa thượng Thích Quảng Độ lãnh Giải Nobel Hòa bình năm 2007. Năm nay là năm có thể nhận xét rằng đa số các quốc gia trên năm châu đều có các vị Giáo sư Đại học, Dân biểu, Thượng Nghị sĩ Quốc hội hay Giải Nobel Hòa bình viết thư gửi đến Ủy ban Nobel Hòa bình ở thủ đô Oslo, Na Uy, đề cử Hòa thượng Thích Quảng Độ làm ứng viên. Đặc biệt tại các nước Trung và Cận Đông, Đông Âu, Tây và Bắc Âu, Á châu, Mỹ châu, v.v…

Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin lược dịch ra Việt ngữ dưới đây bản Thông cáo báo chí bằng tiếng Ý của Dân biểu Bruno Mellano phát hành tại thủ đô Roma ngày 30.1.2007 :

“54 Dân biểu Quốc hội Ý, đa số thuộc phe đối lập, đã đáp ứng lời kêu gọi đề cử Hòa thượng Thích Quảng Độ lãnh Giải Nobel Hòa bình năm 2007 của ông Võ Văn Ái và chị Penelope Faulkner, lãnh đạo Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam. Lời kêu gọi này đã được Dân biểu Bruno Mellano, thuộc Đảng Cấp tiến, và các vị Dân biểu, Thượng Nghị sĩ Quốc hội Ý chuyển đạt.

“Trong số những Dân biểu ký tên, người ta để ý đến các vị : ông Stefano Boco, Phó bí thư Đảng Xanh, cựu viên chức đặc trách Đông Nam Á trong chính phủ Berlusconi ; bà Margherita Boniver, Chủ tịch Nhóm della Rosa nel Pugno ; ông Roberto Villetti, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa Quốc hội ; ông Pietro Folena, thuộc Đảng Cộng sản Ý và Chủ tịch Ủy ban Họat động sản xuất ; ông Daniele Capezzone, Chủ tịch Ủy ban Môi sinh, ông Emete Relacci, v.v…

“Đề cử Hòa thượng Thích Quảng Độ Giải Nobel Hòa bình năm 2007 đã được Giải Nobel Hòa bình người Ái Nhĩ Lan, bà Mairead Corrigan Maguire tung lên dư luận quốc tế.

“Nhân dịp công bố danh sách 54 Dân biểu Quốc hội Ý ký tên đề cử Hòa thượng Thích Quảng Độ, Dân biểu Bruno Mellano, thuộc Đảng Cấp tiến, tuyên bố :

“Hòa thượng Thích Quảng Độ đã dâng hiến trọn đời cho cuộc đấu tranh bất bạo động nhắm mục tiêu dân chủ, tự do tôn giáo và nhân quyền cho Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đại diện cho 80% quần chúng tín đồ Phật giáo trong dân số 83 triệu người, hiện đang bị chế độ cấm không cho họat động, hàng giáo phẩm bị đàn áp, sách nhiễu và giam cầm. Giáo hội bị nhà cầm quyền Cộng sản đặt vào tình trạng bất hợp pháp từ năm 1981. Hệ thống rộng lớn về trường học, đại học, bệnh xá, các trung tâm văn hóa, từ thiện của Giáo hội bị Nhà nước tịch thu, các nhà lãnh đạo Giáo hội bị bắt, tín đồ Phật tử bị sách nhiễu. Vị lãnh đạo thứ hai của Giáo hội là Hòa thượng Thích Quảng Độ, năm nay 77 tuổi, bị giam cầm, quản chế từ 30 năm qua chỉ vì Hòa thượng đấu tranh ôn hòa cho tự do tôn giáo. Hiện nay Hòa thượng vẫn còn bị giam giữ không lý do, không xét xử, ngay nơi ngôi chùa của ngài. Năm 2001, Dân biểu Quốc hội Châu Âu, Olivier Dupuis, cựu Tổng bí thư Đảng Cấp tiến đã bị bắt và trục xuất khỏi Việt Nam vì dự tính vào chùa thăm vị Cao Tăng này.

“Ký tên đề cử Hòa thượng Thích Quảng Độ lãnh Giải Nobel Hòa bình năm 2007, tôi mong ước bảo vệ cụ thể cho sinh mệnh Hòa thượng. Ở vào thời mà các quyền lợi địa chính (địa lý chính trị) đẩy nước Việt Nam vào trung tâm các chiến lược tòan cầu, chúng ta không thể nào, và cũng không muốn quên những ai đang đấu tranh cho dân chủ và tự do”.

ỦY BAN CEDAW CÔNG BỐ LỜI BÌNH LUẬN TỔNG QUÁT TẠI LHQ NEW YORK VỀ TÌNH TRẠNG NỮ QUYỀN TẠI VIỆT NAM HÔM 9.2.2007

Ông Võ Văn Ái phản bác Phái đòan Hà Nội tại LHQ ở New York (15.1.2007)
Ông Võ Văn Ái phản bác Phái đòan Hà Nội tại LHQ ở New York (15.1.2007)

Khóa họp lần thứ 37 của Ủy ban LHQ Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt đối xử với Phụ nữ (CEDAW) diễn ra tại trụ sở LHQ ở Nữu Ước từ trung tuần tháng Giêng đến thượng tuần tháng 2.2007. Phái đòan Hà Nội gồm 15 người đã đến Phúc trình về tình trạng phụ nữ và việc thực thi Công ước LHQ Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt đối xử với Phụ nữ tại Việt Nam. Nhân dịp này, hôm 15.1.2007, ông Võ Văn Ái nhân danh Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam kiêm Phó chủ tịch Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền, đã đến LHQ lên tiếng phản bác Phúc trình của Phái đoàn Hà Nội cùng đệ trình bản Báo cáo phản bác (xin xem Thông cáo báo chí của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người phát hành tại LHQ ở New York ngày 16.1.2007, hoặc vào xem trong Trang nhà Quê Mẹ : http://www.queme.net).

Kết thúc khóa họp, hôm thứ sáu 9.2.2007 Ủy ban LHQ CEDAW công bố Lời bình luận tổng kết về tình trạng phụ nữ tại Việt Nam. Đa số các yêu sách đưa ra khuyến cáo Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã được Ủy ban CEDAW rút từ bản Báo cáo phản bác của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam đệ trình hôm đầu khóa họp, cũng như đem ra chất vấn Phái đòan Hà Nội suốt ngày 17.1.2007.

Sau đây là bản dịch từ Anh ngữ Thông cáo chung của Liên Đòan Quốc tế Nhân quyền & Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam công bố tại Paris hôm qua, 12.2.2007 :

Ủy ban CEDAW công bố lời bình luận về Nữ quyền tại Việt Nam
“Phải có những biện pháp cụ thể và đích thực mới cải tiến được Nữ Quyền tại Việt Nam”

PARIS, 12.2.2007 (FIDH & VCHR) – Liên Đòan Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam (VCHR) chào đón Ủy ban LHQ Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt đối xử với Phụ nữ (CEDAW) công bố lời bình luận tổng kết về Nữ Quyền tại Việt Nam.

Tháng trước, các vị chuyên gia LHQ về Nữ Quyền xem xét Bản Phúc trình của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong việc thực hiện Công ước Xóa bỏ mọi Hình thức phân biệt đối xử với Phụ nữ (CEDAW) tại quốc gia mình. Trong dịp này, Đại diện Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam đã trình bản Báo cáo phản bác nhấn mạnh đến những vấn đề trọng yếu liên quan đến Nữ Quyền tại Việt Nam. Đa số những vấn đề nêu ra ấy đã được phản ảnh trong lời bình luận tổng kết của LHQ.

“Trong những năm gần đây một số sắc luật đã được thông qua liên quan đến sự thăng tiến quyền bình đẳng nam nữ, và xóa bỏ phân biệt đối xử dựa trên giới tính. Tuy nhiên, như Ủy ban CEDAW nhấn mạnh, sự tác động mạnh mẽ trong thực tế còn nhiều khó khăn để thực hiện”, là nhận định của ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam kiêm Phó chủ tịch Liên Đòan Quốc tế Nhân quyền.

Các chuyên gia LHQ than phiền “sự tồn tại dai dẳng của những thái độ gia trưởng và những tục lệ ăn sâu tận gốc rễ, kể cả việc trọng nam, khi so sánh vai trò và trách vụ giữa nam nữ trong gia đình hay trong xã hội”. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng cần ý thức tới việc phát động một phong trào giáo dục quần chúng là vô cùng cần thiết cho việc xóa bỏ những tục lệ cổ lỗ như thế.

Dù cho số phụ nữ đại biểu tại Quốc hội là điều tương đối thỏa đáng, Ủy ban CEDAW lấy làm tiếc cho sự kiện số phụ nữ còn quá ít ỏi trong các cơ quan phân bố quyết định.

Sự tồn tại dai dẳng nạn buôn bán phụ nữ và trẻ gái cũng như việc khai thác nạn bán dâm là những chủ đề Ủy ban CEDAW quan tâm. Ủy ban khuyến thỉnh Việt Nam “tái hội nhập xã hội những phụ nữ và trẻ gái nạn nhân của nạn buôn bán phụ nữ, kể cả những thiếu nhi sinh ra trong thời gian người mẹ bị bán ra nước ngòai, bảo đảm cho các em chẳng những không bị liên quan đến tội phạm mà còn không được trừng phạt”. Nhà cầm quyền Việt Nam cần khởi tố và trừng trị những kẻ buôn bán bất lương và bảo đảm sự tôn trọng nhân quyền cho giới phụ nữ và trẻ gái nạn nhân của việc buôn bán.

Các chuyên gia LHQ cũng lấy làm tiếc cho việc giới hạn chăm sóc y tế đối với phụ nữ trong lĩnh vực tình dục và sinh đẻ, “sử dụng phá thai như một phương pháp kế họach hóa gia đình” và việc tăng tốc bệnh HIV/AIDS trong giới phụ nữ. Các chuyên gia LHQ cũng quan tâm đến tỉ lệ cao những em gái phải bỏ học và yêu cầu Việt Nam xử trí hiệu quả việc ngăn chặn trẻ gái đến học đường, như những trách vụ của gia đình và của vấn đề học phí.

“Như lời khuyến thỉnh của các chuyên gia LHQ, chúng tôi hy vọng rằng nhà cầm quyền Việt Nam sẽ đệ trình các lời bình luận tổng kết của LHQ đến tất cả các vị bộ trưởng liên quan và đến Quốc hội để bảo đảm sự thực thi những khuyến cáo này, và thực hiện việc dịch thuật Công ước Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt đối xử với Phụ nữ ra các ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số”, ông Sidiki Kaba, Chủ tịch Liên Đòan Quốc tế Nhân quyền, nhận định. Rồi ông kết luận : “Những biện pháp cụ thể và đích thực, cũng như thực thi tòan vẹn các lời khuyến thỉnh của giới chuyên gia LHQ, mới cải tiến được Nữ Quyền tại Việt Nam”.

ĐÍNH CHÍNH

Trong Thông cáo báo chí của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế phát hành hôm qua, 12.2.2007, do sự bất cẩn đánh lầm 2 lần Ban Đại diện tỉnh Phú Yên trong danh sách các Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập tại Việt Nam hai năm qua, nên chúng tôi đã đếm lầm 21 Ban Đại diện thay vì 20 Ban Đại diện như trong thực tế.

Vậy kính xin cáo lỗi chư Tôn đức Viện Hóa Đạo trong nước và chư Tôn đức Tăng Ni, quý vị Phật tử, các Cơ quan Truyền thông, Báo chí Việt ngữ. Xin quý vị hoan hỉ sửa giúp cho lỗi bất cẩn và sơ sót này.

Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế


(1) Xin xem cuốn “Nhận định về những sai lầm tai hại của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Dân tộc và Phật giáo” của Hòa thượng Thích Quảng Độ viết gửi Tổng Bí thư Đỗ Mười tháng 8.1994, và được Nhà xuất bản Quê Mẹ phát hành tại Paris năm 1995.

Check Also

Bài 1: Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế trả lời chung về âm mưu phá hoại cuộc đấu tranh cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo của hai Dư Luận viên Thục Vũ — Ý Dân

  PARIS, ngày 9 tháng Giêng năm 2019 (PTTPGQT & VCHR) — Thời gian qua, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *