Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Hai Ðại sứ Liên hiệp Âu châu và Anh quốc đến thăm Hòa thượng Thích Quảng Ðộ tại Thanh Minh Thiền viện – Thượng tọa Thích Viên Ðịnh gửi Kháng thư cho Thủ tướng Phan Văn Khải về việc cưỡng bức cư trú chư Tăng tham gia GHPGVNTN – Ðại đức Thích Viên Phương bị phạt 15 triệu đồng vì thu hình video Hòa thượng Thích Quảng Ðộ gửi sang LHQ

Hai Ðại sứ Liên hiệp Âu châu và Anh quốc đến thăm Hòa thượng Thích Quảng Ðộ tại Thanh Minh Thiền viện – Thượng tọa Thích Viên Ðịnh gửi Kháng thư cho Thủ tướng Phan Văn Khải về việc cưỡng bức cư trú chư Tăng tham gia GHPGVNTN – Ðại đức Thích Viên Phương bị phạt 15 triệu đồng vì thu hình video Hòa thượng Thích Quảng Ðộ gửi sang LHQ

Download PDF


PARIS, ngày 3.10.2005 (PTTPGQT) – Ông Robert Gordon, Ðại sứ Anh quốc và ông David Milliot, Ðại sứ Liên hiệp Châu Âu tại Việt Nam, đã từ Hà Nội vào Saigon thăm Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tại Thanh Minh Thiền viện hôm 30.9.2005. Cuộc gặp gỡ thân tình và thông cảm trong việc trao đổi về hiện tình Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Hai vị Ðại sứ mở đầu cuộc gặp gỡ với Hòa thượng Thích Quảng Ðộ bằng thông tin mới nhất về cuộc Ðiều trần tại Quốc hội Châu Âu hôm 12.9.2005 về tình trạng nhân quyền tại ba nước Việt Nam, Cam Bốt và Lào : “Chúng tôi đã nghe ông Võ Văn Ái và cựu Tăng sĩ Thích Trí Lực điều trần tại Quốc hội Châu Âu, nay chúng tôi muốn được nghe ý kiến của Hòa thượng về hiện tình nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam”.

Cuộc trao đổi bắt đầu từ 11 giờ 30 sáng 30.9.2005 và kết thúc vào lúc 13 giờ trưa. Trong khoảng thời gian trên một giờ đồng hồ ấy, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ đã trình bày hiện trạng nhân quyền và cuộc vận động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cho tự do tôn giáo và nhân quyền suốt 30 năm qua (1975-2005). Hòa thượng cho biết từ rất sớm, vào ngày 2.11.1975, đã có 12 Tăng Ni tự thiêu tại Thiền viện Dược sư ở Cần Thơ để đòi hỏi cho quyền tự do sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và nhân quyền cho người dân. Từ đó đến nay đã có 20 chư Tăng và Phật tử tự thiêu để bảo vệ Chánh Pháp. Ngoài ra, 4 triệu người chết trong cuộc chiến tranh vừa qua, bao nhiêu triệu người tàn tật và cô nhi quả phụ đang sống trong cảnh đói nghèo. Họ đã chết cho lý tưởng độc lập dân tộc và tự do. Nhưng cho đến nay, lý tưởng ấy vẫn còn xa vời. Cuộc đổi mới kinh tế cũng đã đưa đẩy hàng trăm nghìn người lao động và phụ nữ bán dâm xuất khẩu, v.v…

Hòa thượng cũng cho hai vị Ðại sứ biết người dân Việt “có đủ” mọi thứ “quyền căn bản” trên Hiến pháp, nhưng trong thực tế thì các quyền đó chỉ là chiếc Bánh Vẽ mà thôi. Cuốn Sách Trắng về “Thành tựu bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam”, mà CHXHCNVN vừa công bố tháng 8 vừa qua, là sự lập lại các “quyền cơ bản” ghi trong Hiến pháp, nhưng chưa thực thi trong đời sống người công dân hằng ngày. Nhà nước Việt Nam cũng như Ban Tôn giáo Chính phủ không ngừng tuyên bố với thế giới rằng Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng “hoàn toàn tự do”. Nhưng đã nhiều lần Ðức Tăng thống ngỏ ý với nhà cầm quyền Bình Ðịnh được vào Saigon thăm Hòa thượng, nhưng lần nào cũng bị từ chối khéo bằng câu “việc này chúng tôi phải hỏi ý kiến cấp trên ở Hà Nội”. Và rồi “cấp trên” chẳng bao giờ hồi đáp. Còn bản thân Hòa thượng đã nhiều lần muốn ra Bình Ðịnh vấn an Ðức Tăng thống, thăm bệnh, chúc Tết hoặc gần đây chúc tuế nhân dịp Vu Lan… nhưng lần nào cũng bị ngăn cấm không cho đi. Tình trạng quản chế hai Hòa thượng vẫn hiện hành.

Hai vị Ðại sứ hỏi “Bánh vẽ” là gì ? Hòa thượng chìa một tờ giấy trắng và đáp : Quý vị hãy nhờ một họa sĩ khéo tay vẽ lên đây một chiếc bánh giống như bánh thật, nhìn thấy rất ngon, rất hấp dẫn, nhưng chỉ để nhìn ngắm mà chẳng ăn được miếng nào. Hai vị Ðại sứ mỉm cười đắc ý.

Hòa thượng Thích Quảng Ðộ còn trình bày một số sự kiện quan trọng khác, nhưng hiện nay chúng tôi chưa thể tiết lộ toàn bộ cuộc trao đổi. Tuy nhiên trong phần kết luận, Hòa thượng kêu gọi hai vị Ðại sứ rằng : “Liên hiệp Âu châu là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong vấn đề trao đổi và viện trợ kinh tế. Xin quý vị hãy áp dụng điều 1 trong Hiệp ước hợp tác song phương giữa Liên Âu và Việt Nam ký kết năm 1995 để đòi hỏi CHXHCNVN thực thi các nguyên tắc nhân quyền và dân chủ cho nhân dân Việt Nam. Xin Liên hiệp Châu Âu hãy góp tay thúc đẩy cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam sớm khởi động. Vì dân chủ là chìa khóa giải quyết tất cả các vấn nạn và thảm nạn tồn đọng từ 30 năm qua. Dân chủ là chìa khóa cho sự phát triển tại Việt Nam cũng như an ninh tại Ðông Nam Á”.

Sau cuộc Ðiều trần về tình trạng Nhân quyền tại ba nước Ðông dương cũ hôm 12.9 tại trụ sở Quốc hội Châu Âu ở Brussels, chuyến viếng thăm Hòa thượng Thích Quảng Ðộ của hai vị Ðại sứ Anh quốc và Liên hiệp Châu Âu cho thấy mối quan tâm đặc biệt của Liên hiệp Châu Âu đối với vấn đề nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam. Kể từ tháng bảy năm nay, 2005, Anh quốc đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên của Liên hiệp Châu Âu, và hầu như ai cũng biết lập trường kiên định cho dân chủ trong thế giới của Thủ tướng Anh, Tony Blair.

Thượng tọa Thích Viên Ðịnh, Phó Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, viết Kháng thư gửi Thủ tướng Phan Văn Khải

Kể từ trung tuần tháng 7.2005 cho đến nay, Viện Hóa Ðạo đã ra bốn Quyết định thành lập các Ban Ðại diện tại Quảng Nam-Ðà Nẵng, Thừa thiên-Huế, Bình Ðịnh và Khánh Hòa. Nhưng trong hai tháng 8 và 9 vừa qua, công an tại hai tỉnh Bình Ðịnh và Khánh Hòa đã không ngừng sách nhiễu, hăm dọa, bắt chư Hòa thượng, Thượng tọa Ðại diện đến “làm việc” nhiều lần hòng khủng bố tinh thần nhằm giải tán hai Ban Ðại diện. Nhưng chư vị lãnh đạo Phật giáo ở hai tỉnh đã đấu lý với các cơ quan công quyền, nói lên sự hợp pháp, hợp lý và lập trường kiên định của chư Tăng đối với Giáo hội Dân lập và truyền thống, là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Sau khi thất bại tại Bình Ðịnh, hôm 22.9.2005 tại Khánh Hòa, hai Thượng tọa Thích Ðồng Tu và Thích Thiện Dương cùng Sư Cô Thích Nữ Thông Mẫn cũng bị triệu tập đến sở Công an “làm việc” trong nhiều ngày. Vẫn một bài bản hăm dọa để Ban Ðại diện chịu tự ý giải tán và trở về với Giáo hội Nhà nước. Nhưng cơ quan công quyền đã gặp phải sức chống đối và bất tuân của toàn Ban Ðại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Khánh Hòa.

Tại Bình Ðịnh, sau khi bắt đi làm việc 18 vị trong toàn Ban Ðại diện. Ðặc biệt sách nhiễu, hăm dọa Hòa thượng Thích Tâm Liên trong những buổi “làm việc” căng thẳng đến phải chở Hòa thượng vào bệnh viện cứu cấp. Nay công an Bình Ðịnh gây khó khăn việc hộ khẩu và cưỡng bức chỉ định cư trú một cách bất hợp pháp với chư Tăng tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ðiển hình là trường hợp vừa xẩy ra cho Thượng tọa Thích Viên Hải. Thượng tọa là thành viên của Tổ đình Thập Tháp, được Tổ đình công cử làm trụ trì chùa Bảo Lâm thuộc môn phái Thập Tháp. Nhưng do bị bệnh, nên kể từ năm 2003, Thượng tọa trở về điều trị và cư ngụ tại Tổ đình Thập Tháp. Kể từ khi Thượng tọa tham gia vào Ban Ðại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Bình Ðịnh ở chức vụ Ðặc ủy Cư sĩ, ngày 9.8.2005, thì công an bắt đầu làm khó dễ đủ điều. Ngày 8.9 vừa qua, Công an huyện An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh, ra thông báo cưỡng bức Thượng tọa phải rời bỏ Tổ đình Thập Tháp và chỉ định cư trú tại chùa Bảo Lâm. Nếu không tuân lệnh, sẽ xóa hộ khẩu của Thượng tọa tại Tổ đình Thập Tháp. Thượng tọa viết đơn khiếu nại.

Nhưng đến ngày 13.9.05, công an lại ra thông báo mới, chẳng những cưỡng bức cư trú tại chùa Bảo Lâm, mà còn bắt Thượng tọa Thích Viên Hải phải gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tức Giáo hội Nhà nước, trực thuộc Mặt trận Tổ quốc.

Thượng tọa Thích Viên Ðịnh, Phó Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và là Viện chủ hai ngôi chùa Thập Tháp ở Bình Ðịnh và Giác Hoa ở Saigon, vừa gửi Kháng thư đến Thủ tướng Phan Văn Khải phản đối sự việc cưỡng bức cư trú đối với chư Tăng tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Bản thân Thượng tọa Thích Viên Ðịnh cũng đang bị quản chế và bị chỉ định cư trú tại chùa Giác Hoa ở Saigon, không cho Thượng tọa tự do về Bình Ðịnh để điều hành Phật sự tại Tổ đình Thập Tháp như trước kia.

Trong bức Kháng thư Thượng tọa cũng nêu lên trường hợp ngôi chùa Giác Hoa của Thượng tọa bị Sở Ðiện lực Gia Ðịnh hăm dọa cắt điện nhà chùa, lấy cớ Thượng tọa không có giấy bổ nhiệm trụ trì của Giáo hội Nhà nước trực thuộc Mặt trận Tổ quốc. Do sự phản đối của công luận quốc tế khi hay tin này, nên Sở Ðiện lực không dám cắt điện, nhưng từ hai năm qua bắt chùa Giác Hoa đóng tiền điện theo diện phạt giá xấp đôi !

Ðại đức Thích Viên Phương bị phạt 15 triệu đồng Việt Nam vì đã thu hình video Hòa thượng Thích Quảng Ðộ đọc Thông điệp gửi LHQ

Hôm nay, thứ hai 3.10.2005, Ðại đức Thích Viên Phương đã đến Phòng Thanh tra thuộc Ủy ban Nhân dân quận Phú Nhuận, Saigon, để yêu cầu giải quyết đơn Khiếu nại viết ngày 21.9.2005 phản đối Quyết định xử phạt 15 triệu đồng vì đã quay phim Hòa thượng Thích Quảng Ðộ gửi Thông điệp sang Ủy ban Nhân quyền LHQ họp tại Genève hồi tháng 4 vừa qua.

Nhưng Phòng Thanh tra không chịu giải quyết đơn Khiếu nại, ngoài những giải thích từ ngữ vô căn cứ trong việc xử phạt.

Quyết định số 697/QÐ-XPHC của Ủy ban Nhân dân quận Phú Nhuận, Tp Hồ Chí Minh, do ông Chủ tịch Trần Thế Lưu ký ngày 15.9.2005 ấn định việc :

“Xử lý hành chính hành vi vi phạm trong lĩnh vực văn hóa – thông tin đối với Ông Nguyễn Thành Thọ (tức Ðại đức Thích Viên Phương) :

“Phạt tiền 15.000.000 (Mười lăm triệu) về hành vi sản xuất phim, băng hình, đĩa hình có nội dung vu không, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, theo điều 23 khoản 3 điểm c Nghị định 31/2001/NÐ-CP” ; và

“Hình thức phạt bổ sung : Tịch thu tang vật vi phạm : 01 (một) cuộn băng Video loại nhỏ hiệu Sony, theo điều 23 khoản 6 điểm c Nghị định 31/2001/NÐ-CP ; Tịch thu phương tiện vi phạm gồm : 01 (một) máy quay camera (loại nhỏ) hiệu JVC số máy : 08943184 ; 01 (một) máy ghi âm (kỹ thuật số loại nhỏ) hiệu Colovis – 128M, theo điều 23 khoản 6 điểm c Nghị định 31/2001/NÐ-CP”.

Nguyên do sự việc là ngày 30.3.2005, Ðại đức Thích Viên Phương đến Thanh Minh Thiền viện ghi hình video Hòa thượng Thích Quảng Ðộ đọc Thông điệp gửi LHQ ở Genève. Nhưng liền đó trên đường trở về chùa, Ðại đức bị Cảnh sát giao thông chận xe hỏi giấy tờ tại ngã tư Phú Nhuận, rồi lấy cớ xe không có kính chiếu hậu để phạt vi cảnh. Tiếp đấy hàng chục công an mặc sắc phục và thường phục cưỡng bức bắt cóc Ðại đức đưa lên xe Honda chở về Công an phường 3, quận Phú Nhuận, không nêu rõ lý do cũng như không có lệnh bắt, và tra hỏi liên tục 7 tiếng đồng hồ cho đến khuya không cho ăn uống. Nhiều ngày sau còn phải làm việc liên tục.

Băng hình video bị công an tịch thu, nhưng Phật tử Saigon đã tức thời thu âm Thông điệp gửi LHQ của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ và kịp thời gửi sang Genève để công bố tại cuộc Hội luận về “Tự do tôn giáo tại Á châu bị bách hại” hôm 4.4.2005 nhân khóa họp thường niên lần thứ 61 của Ủy hội Nhân quyền LHQ ở Ðiện Quốc liên, Genève.

Trong đơn Khiếu nại viết ngày 25.4.2005, Ðại đức viết :

“Việc quay phim, ghi âm tôi đã trả lời rõ ràng trong Bản tường thuật gởi kèm theo Ðơn khiếu nại tới quý cơ quan và cho đến nay, tôi cũng đã để các ông Công an hỏi cung nhiều lần rồi, có hơn 6 biên bản lấy lời khai và 1 bản tự khai. Chiếu theo Ðiều 69 của Hiến pháp nước CHXHCNVN ban hành năm 1992 thì “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ; có quyền được thông tin ; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy luật của pháp luật.” Vậy thì việc tôi quay phim, ghi âm không trái với quy định trong Hiến pháp Nhà nước.

“Tôi cho rằng, việc Công an đã bắt tôi giữa ngã tư đường mà không có lệnh bắt là hành động bắt cóc có tổ chức, lại còn hỏi cung tôi đến gần 10 lần gây suy giảm tinh thần ; vu khống tôi “giả dạng tu sĩ đi lừa đảo”, tức là gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm ; tạm giữ vô thời hạn vật dụng cá nhân, tức là gây thiệt hại đến vật chất. Theo Ðiều 72 trong Hiến pháp nước CHXHCNVN thì “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh”.

“Tóm lại, tôi tuyệt đối không chấp nhận kiểu vu khống, cưỡng chế, cố tình bóp méo sự thật để biến người vô tội thành có tội. Vì tôn trọng luật pháp, nên tôi viết Ðơn này yêu cầu các cơ quan hữu quan có thẩm quyền điều tra lại và giải quyết rõ ràng các vấn đề trên để trả lại sự công bằng và trong sạch cho tôi”.

Trong Ðơn Khiếu nại viết ngày 21.9.2005, Ðại đức xác định :

“Trong biên bản lập bởi Công an quận Phú Nhuận ngày 01/4/2005, không có khoản nào xác nhận hành vi tôi đã làm là sản xuất phim. Vậy, Ông Chủ tịch căn cứ vào khoản nào nào để xác định hành vi sản xuất ? Ðề nghị Ông Chủ tịch hãy có phán xét nghiêm túc, không vì những động cơ bất chính mà xuyên tạc ngôn từ pháp luật để khủng bố tinh thần nhân dân, hòng che đậy sự thật.

“Phim mà Tôi quay chỉ mang tính cá nhân, gia đình, giống như mọi người quay phim lưu niệm, làm tài liệu, v.v… Tôi không sản xuất phim, băng hình, đĩa hình gì cả. Ông không thể buộc Tôi có hành vi nào vi phạm các quy định trong lĩnh vực điện ảnh (mục 3, Nghị định 31/2001/NÐ-CP do Thủ tướng Phan Văn Khải ký ngày 26/06/2001).

“Vì hành vi của tôi không phải là sản xuất, không mang lại bất cứ lợi nhuận nào, nên tôi không có khoản thu nhập tương xứng để nộp phạt. Luật pháp không cho phép bất cứ ai trong bất cứ cấp nào của Chính quyền có quyết định định xử phạt không tương xứng với hành vi như vậy. Nếu không, luật pháp sẽ là công cụ bao che cho sự cướp cạn nhân dân, tước đoạt phi nghĩa những gì mà công dân thu nhập bằng chính sức lao động chân chính của mình”.

Lập trường của Nhà nước tuyên bố qua tập Sách Trắng về Nhân quyền mà Hà Nội công bố hôm 18.8.2005, ở Chương 2, phần 2 ghi rõ : “Việt Nam tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin của người dân”.

Ðiều 19 trong “Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị” của LHQ mà CHXHCNVN tham gia ký kết năm 1982, quy định :

“Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp vào. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bản viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác tùy theo sự lựa chọn của họ”.

Thế thì Quyết định xử phạt 15 triệu đồng, tính theo mức lương thối thiểu tại Việt Nam là tương đương với gần 43 tháng lương (!!!), cho một quyền tự do cơ bản được quy định và bảo đảm trong Hiến pháp của CHXHCNVN cũng như trong Công ước quốc tế của LHQ, mang ý nghĩa gì đây ?

This post is also available in: English French

Check Also

VCHR và FIDH đệ trình báo cáo chung đến LHQ cho Kỳ Kiểm Điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam

PARIS, ngày 11 tháng 10 năm 2023 (VCHR) : Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *