Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Hai phát biểu của Bà Penelope Faulkner, Phó Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) và Ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) tại Hội nghị “Nhân quyền & Tự do Mậu dịch Liên Âu-Việt Nam” tổ chức tại Quốc hội Châu Âu hôm 3 tháng 12 năm 2019

Hai phát biểu của Bà Penelope Faulkner, Phó Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) và Ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) tại Hội nghị “Nhân quyền & Tự do Mậu dịch Liên Âu-Việt Nam” tổ chức tại Quốc hội Châu Âu hôm 3 tháng 12 năm 2019

Download PDF


PARIS, ngày 4/12/2019 (VCHR) – Hai tổ chức Phi Chính phủ quốc tế Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) và Đoàn kết Thiên Chúa Giáo Năm Châu (Christian Solidarity Worldwide) vừa tổ chức tại Quốc hội Châu Âu ở thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ, hôm 3 tháng 12 năm 2019 Hội nghị Nhân quyền & Tự do Mậu dịch Liên Âu-Việt Namnhằm trình bày cho các vị Dân biểu Quốc hội Châu Âu và các quan chức Liên Âu quan điểm cùng ý kiến của các xã hội dân sự về hai Hiệp ước Tự do Mâu dịch Liên Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo vệ Đầu tư (IPA) hiện đang được Quốc hội Châu Âu thảo luận trước khi phê chuẩn.

Sau đây là hai bài phát biểu tại Hội nghị của bà Penelope Faulkner, Phó Chủ tịch VCHR và ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch IJAVN qua bản dịch tiếng Việt của cơ sở Quê Mẹ. Hai vị đều phát biểu bằng tiếng Anh. Ông Phạm Chí Dũng phát biểu qua băng video ghi hình gửi từ Saigon ngày 19 tháng 11 vừa qua đến Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam có trụ sở ở Paris. Ông Dũng đã phải trả một giá quá đắt cho sự can đảm và trung thực của người sĩ phu Việt trước hiện tình bi thảm của đất nước. Vì 2 ngày sau bức thông điệp video gửi đi, ông bị công an bắt tại Saigon hôm 21 tháng 11 năm 2019.

Bà Penelope Faulkner, Phó Chủ tịch VCHR, phát biểu
tại Hội nghị Nhân quyền & Hiệp ước EVFTA Liên Âu-Việt Nam
tổ chức tại Quốc hội Châu Âu – ngày 3 tháng 12 năm 2019

Penelope Faulkner

Tôi xin có lời chân thành cảm tạ Bà Dân biểu Quốc hội Châu Âu Julie Ward chủ trì cuộc Hội nghị, cũng như tất cả quý vị có mặt hôm nay. Tôi cũng xin quý vị tha lỗi cho sự vắng mặt của ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR), vì bị bệnh không thể đến thuyết trình với chúng ta. Tôi sẽ thay mặt VCHR phát biểu tại Hội nghị này.

VCHR hoạt động cho Việt Nam nhiều chục năm nay. Ở vị trí ấy, chúng tôi nhận thấy Hiệp ước Tự do Mậu dịch (EVFTA) Liên Âu-Việt Nam đang bàn cãi hôm nay là một câu chuyện cũ rích.

Năm 1995, lúc Ủy hội Châu Âu ký kết Hiệp ước Hợp tác đầu tiên với Việt Nam, chúng tôi được biết như cuộc đột phá – hiệp ước hàm chứa các điều khoản nhân quyền giúp Châu Âu có trong tay quyền lực đưa tới những tiến bộ cụ thể. Nhân quyền chắc chắn sẽ thực hiện một khi hiệp ước có hiệu lực.

Năm 2012, Hiệp định Khung Hợp tác và Đối tác được ký kết. Uỷ hội Châu Âu bảo đảm với Quốc hội Châu Âu rằng mọi việc đang tiến triển ngày càng tốt. Chẳng những đã có các điều khoản nhân quyền, mà còn thêm một “điều khoản đình chỉ”. Nếu Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng, Liên Âu có thể cắt thoả thuận mậu dịch – hoặc ít nhất áp dụng những biện pháp kinh tế cứng rắn để Việt Nam trở lại đúng hướng.

Hôm nay, 2019, Liên Âu đang sắp kết thúc một trong những Hiệp ước Mậu dịch quy mô nhất với một quốc gia thứ ba, Uỷ hội Châu Âu vẫn phát ngôn thứ điệp khúc – Việt Nam sẽ thực thi nhân quyền một khi Hiệp ước kết thúc.

Với Hiệp ước ký kết năm 1995, chúng tôi mang niềm hy vọng. Với Hiệp ước thứ hai năm 2012, chúng tôi bắt đầu nghi ngờ. Với Hiệp thứ ba hôm nay, thì chúng tôi không để cho mình bị lừa nữa !

Vì bây giờ thì chúng tôi biết – cũng như Uỷ hội Châu Âu quá biết – rằng các điều khoản nhân quyền chẳng bao giờ được gợi ra nghiêm chỉnh trong các hiệp ước mậu dịch. Còn điều khoản đình chỉ mà Uỷ hội ca tụng, thực tế chỉ được áp dụng trong những trường hợp khản trương như khi có cuộc đảo chính.

Chúng tôi cũng biết rằng – và Hà Nội cũng quá biết – Việt Nam sẽ phây phây đàn áp cho bằng thích những ai phê phán chính quyền trong thời gian Hiệp ước chưa phê chuẩn cũng như cho đến khi Hiệp ước phê chuẩn xong, vì Hà Nội thừa biết Liên Âu sẽ bao che cho họ.

Chúng tôi nêu ra đây một ví dụ. Chúng tôi sẽ trình bày quý vị xem một nhân chứng, là một nhà hoạt động xã hội dân sự tại Việt Nam. Người này báo động Liên Âu về tình trạng bắt bớ sẽ gia tăng sau khi Hiệp ước EVFTA được phê chuẩn. Anh ấy cho biết những ai chống đối EVFTA đều phải đối diện với nhà tù. Lời nói của Phạm Chí Dũng đang hiện thực một cách bi đát, bởi vì chính anh ấy cũng vừa bị bắt tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ hai ngày sau khi anh gửi thông điệp video này sang Paris cho chúng tôi để trình chiếu trước Hội nghị ở Quốc hội Châu Âu hôm nay. Anh đang phải đối diện với một án tù 20 năm cho hành động này.

Uỷ hội Châu Âu bênh vực thế nào đây cho “thiện chí” của Việt Nam, khi chính quyền này bắt giam những người nổi danh đạo đạt ý kiến đến Liên Âu vào lúc mọi ý kiến đang được trang trải ?

Ngay từ đầu, Uỷ hội Châu Âu phá đổ mọi phép tắc liên quan đến Hiệp ước EVFTA. Uỷ hội bỏ qua cuộc “định giá tác động cho nhân quyền”, là điều bó buộc phải ưu tiên chuẩn chi trước khi vào sâu các chi tiết thoả thuận song phương cho hiệp ước. Sau khi Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) kiện sự khinh suất này của Uỷ hội Châu Âu lên Thanh tra Liên Âu (Ombudsman). Thanh tra đã ra phán quyết rằng sự kiện Uỷ hội Châu Âu không thực hiện sự định giá tác động cho nhân quyền là cách quản lý tồi tệ vấn đề nhân quyền và thúc giục Uỷ hội Châu Âu nhanh chóng sửa đổi ngay. Thế nhưng Uỷ hội im lặng làm ngơ. Trái lại, các cuộc thương thảo hiệp ước EVFTA tiếp tục như chẳng có gì xẩy ra.

Tháng 2 năm 2017, Phái đoàn Dân biểu Quốc hội Châu Âu thuộc Phân ban Nhân quyền do ông Chủ tịch Pier-Antonio Panzeri dẫn đầu đi Việt Nam. Báo động bởi những gì Phái đoàn chứng kiến hay nghe các nhân chứng xã hội dân sự trình bày qua các cuộc gặp gỡ, Phái đoàn tuyên bố : Không nên ký kết EVFTA bao lâu chưa thấy những tiến bộ nhân quyền tại Việt Nam.

Năm 2018, Quốc hội Châu Âu thông qua bản Quyết Nghị khẩn tố cáo các vi phạm nhân quyền và áp lực đưa vào Hiệp ước các cơ chế theo dõi, giám sát nhân quyền. Một lần nữa, Uỷ hội Châu Âu lờ đi mối quan tâm nhân quyền của Quốc hội Châu Âu.

Điều kinh hoàng là các cuộc thương thảo cho hiệp ước EVFTA xẩy ra vào thời điểm nhân quyền bị vi phạm trắng trợn tại Việt Nam. Các vi phạm  nhân quyền luôn xấu tệ, nhưng trình trạng trở nên báo động từ năm 2016, khi Đảng Cộng sản chọn giới lãnh đạo thuộc phe cứng rắn. Chính quyền áp dụng mức zero khoan dung đối với giới bất đồng chính kiến, công an bạo hành, đàn áp mạnh mẽ khắp nơi cho tới nay. Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) và các tổ chức khác không ngừng cung cấp hồ sơ vi phạm nhân quyền vào các dịp Đối thoại Nhân quyền Liên Âu-Việt Nam. Uỷ hội Châu Âu không thể nói Uỷ hội chẳng biết chuyện đó.

Ba năm vừa qua, nhà cầm quyền Hà Nội sách nhiễu, tấn công các bloggers, nhà báo, người hoạt động bảo vệ nhân quyền, tín đồ tôn giáo, công nhân, dân oan, phụ nữ đòi quyền sống và môi sinh. Các án xử nặng nề kinh khủng giáng xuống họ. Ví dụ những ai gửi emails kêu gọi biểu tình, hay các nhà hoat động bị truy tố tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” để lãnh án tù từ 15 tới 20 năm.

Đồng thời, mặc dù LHQ, Liên Âu và Cộng đồng Thế giới, hay qua các cuộc Kiểm điểm định kỳ UPR, đưa ra nhiều khuyến thỉnh Việt Nam thay đổi luật pháp và chính sách nhân quyền, nhưng Việt Nam giả làm ngơ để tiếp tục thông qua hàng loạt sắc luật giới hạn việc thực thi nhân quyền. Luật Tôn giáo Tín ngưỡng, Luật Báo chí, Luật An ninh Mạng, Luật Hình sự, Luật Tiếp cận Thông tin, v.v… – tất cả đều mang những điều khoản tố cáo từ “vi phạm tự do” đến “xâm phạm quyền lợi nhà nước”. Kẽ hở này giúp Việt Nam khoa trương trắng trợn rằng “không có tù nhân chính trị tại Việt Nam, chỉ có những kẻ vi phạm pháp luật”.

Một bức ảnh chụp nhanh : Việt Nam ngày nay là quốc gia đứng thứ hai có đông tù nhân chính trị nhất tại Đông Nam Á (ít nhất với con số 200 tù  nhân chính trị, gia tăng 30% trong năm 2018 theo Ân xá Quốc tế) ; một trong 5 quốc gia đứng đầu còn sử dụng án tử hình ; đứng hàng chót trong các quốc gia không có tự do báo chí (thứ 176 trên 180 quốc gia) theo Phóng viên Không Biên giới, và một trong 6 quốc gia kiểm duyệt khắc khe nhất theo Uỷ ban Bảo vệ các Ký giả.

Trên đây không là sự đánh giá của một tổ chức Phi Chính phủ. Tháng 3 năm 2019, Hội đồng Nhân quyền LHQ xem xét bản Báo cáo của Việt Nam trình lên về việc thi hành Công ước Quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị (ICCPR). Hội đồng nhận xét rằng sau 35 năm Việt Nam ký kết ICCPR, vẫn tồn đọng “sự xung khắc giữa nền pháp lý địa phương với khung pháp lý của Công ước (CCPR)”.

Tôi xin kết luận phần đóng góp của tôi ở hai điểm.

Thứ nhất, về vấn đề Quyền thiết lập Công đoàn độc lập. Việt Nam vừa thông qua Luật Lao động sửa đổi cho phép công nhân được thiết lập “tổ chức đại diện”, độc lập với Tổng Công đoàn Việt Nam của Nhà nước (VGCL). Điều này đã được hoan nghênh như một bước nhảy vọt cho sự “tự do lập hội”. Tuy nhiên, đây không phải là Công đoàn Tự do. Để có thể sinh hoạt hợp pháp, công nhân phải được “Nhà cầm quyền” cấp giấy phép – nói theo cách Hà Nội, có nghĩa là phải được Đảng Cộng sản Việt Nam chuẩn y. Trong thực tế, Luật Lao động sửa đổi là bổn cũ soạn lại của Luật Tôn giáo Tín ngưỡng – tạo một khung ảo cho việc thăng tiến tự do nhưng vẫn nằm trong guồng máy kiểm soát và điều hành của Nhà nước.

Thứ hai và cũng là điều cuối, có một khoảng cách lớn giữa phê chuẩn và thực hiện. Việt Nam nói rằng sẽ phê chuẩn hai Công ước 87 (về tự do thành lập Công đoàn độc lập) và 105 (về chống cưỡng bức lao động) của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) trong một tương lai xa, giữa năm 2023 và 2025. Giá dụ như chuyện ấy xẩy ra, thì đến lúc nào 2 Công ước ấy mới được thực thi ?

Việt Nam tham gia ký kết Công ước Quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) trên 30 năm trước, thế mà nhân quyền vẫn bị vi phạm có hệ thống và trầm trọng cho đến hôm nay. Làm sao tin được các điều khoản nhân quyền trong hiệp ước EVFTA sẽ được thực thi trong hiện trạng ngày nay ?

Quốc hội Châu Âu chưa nên phê chuẩn EVFTA và IPA lúc này, ngoại trừ Việt Nam minh chứng sự cam kết tôn trọng và bảo vệ nhân quyền. Trước tiên là trả tự do tức khắc cho Phạm Chí Dũng và tất cả những ai bị tù đày vì ôn hoà đòi hỏi nhân quyền, dân chủ, tự do cho nhân dân Việt Nam.

Penelope Faulkner

Thông điệp Video của Ông Phạm Chí Dũng
gửi Hội nghị Nhân quyền & Hiệp ước EVFTA Liên Âu-Việt Nam
tổ chức tại Quốc hội Châu Âu – ngày 3 tháng 12 năm 2019


Tôi tên là Phạm Chí Dũng, Nhà báo độc lập, Chủ tịch Hội Ký giả Độc lập Việt Nam (IJAVN), thành lập năm 2014, Hội là một tổ chức xã hội dân sự gồm có hơn 70 ký giả và những nhà hoạt động độc lập về quan điểm và nội dung.

Hội Ký giả Độc lập Việt Nam (IJAVN) và tôi đặc biệt quan tâm đến Hiệp ước Thương mại Tự do Mậu dịch giữa Liên Âu và Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo vệ Đầu Tư (IPA) đang chuẩn bị phê chuẩn.

Tôi ngạc nhiên không hiểu nguyên do nào mà một số đại biểu Liên Âu tỏ ra vồ vập phê chuẩn sớm EVFTA và IPA nhưng lại không hề quan tâm đến khía cạnh mất thăng bằng nghiêm trọng trong cán cân thương mại Liên Âu-Việt Nam và đặc biệt không quan tâm đến cải thiện nhân quyền là nội dung quan trọng  của hai hiệp định và cũng nằm trong tiêu chí của Liên Âu về tăng cường dân chủ ở các nước trên thế giới.

Mậu dịch Liên Âu với Việt Nam thâm hụt hằng năm từ 20 đến 25 tỉ Mỹ kim. Thâm hụt này phản ảnh sự hưởng lợi đáng kể của Việt Nam trong thỏa thuận thương mại chứ không là Liên Âu. Có chăng chỉ là một nhóm nhỏ trong các doanh nghiệp của Liên Âu làm ăn với Việt Nam được hưởng lợi thông qua Hiệp ước.

Người ta cho rằng một số doanh nghiệp thuộc Liên Âu đã vận động hành lang để thúc đẩy ông Bruno Angelet, cựu Chủ tịch Phái đoàn Liên Âu đến Việt Nam ký kết Hiệp ước EVFTA và Hiệp định IPA, nhưng bỏ mặc tình trạng vi phạm nhân quyền cực kỳ nghiêm trọng của chính quyền Việt Nam.

Tám cuộc Đối thoại Nhân quyền Liên Âu-Việt Nam trong những năm qua đã hầu như không có tác dụng gì. Tôi có thể đánh giá rằng 95% những khuyến nghị của Liên Âu về cải thiện nhân quyền đã bị chính quyền Việt Nam bỏ qua sau khi hứa hẹn ngọt lịm. Tiến bộ nhân quyền duy nhất mà chính quyền Việt Nam khoa trương là lo cho cộng đồng giới tính (LGBT) một vấn đề vô thưởng vô phạt chẳng ảnh hưởng thay đổi gì đến chế độ độc đảng và độc tài toàn trị trên đất nước.

Có một vài hoạt động mang dấu ấn đóng góp của Liên Âu như đã áp lực Việt Nam trả tự do cho những tù nhân lương tâm nổi tiếng – Nguyễn Văn Đài và blogger Nguyễn Ngọc Quỳnh – năm 2018. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn gia tăng đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền và các nhà bất đồng chính kiến. Từ khi Luật An ninh Mạng có hiệu lực vào tháng giêng năm 2019, Việt Nam đã bắt bỏ tù 18 nhà bất đồng chính kiến vì những người này phê phán chính quyền và nạn tham nhũng.

Vào giữa tháng 11 năm 2018, Quốc hội Châu Âu đã ban hành Nghị Quyết khẩn về hiện trạng nhân quyền Việt Nam mang số hiệu 2018/2925 (RSP). Nghị quyết đề cập hầu hết những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam trong các lãnh vực lao động, tự do tôn giáo, tư do báo chí, tự do ngôn luận trên mạng internet, tù nhân lương tâm… và yêu cầu chính quyền Việt Nam cải thiện nhân quyền ngay. Bản Nghị quyết này đã gây ấn tượng mạnh và tạo nên hy vọng lớn trong giới đấu tranh dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ mới đáp ứng một phần rất nhỏ trong toàn bộ nội dung hai Hiệp ước EVFTA và IPA ký kết cuối tháng 6 vừa qua tại Hà Nội.

Hà Nội đã phải phê chuẩn Công ước 98 về thương lượng tập thể của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ; còn việc ký kết Công ước 87 của ILO về tự do thành lập Công đoàn độc lập và Công ước 105 về chống cưỡng bức lao động, thì chính quyền Việt Nam treo đến năm 2023 hay 2025. Chẳng có gì chắc chắn về thời điểm phê chuẩn hay bảo đảm gì Hà Nội sẽ thực hiện sự cam kết.

Trong quan điểm của Hà Nội, Công đoàn Độc lập bị xem là “phản động” và khiến họ lo sợ nhất, vì Việt Nam luôn so sánh đồng dạng Công đoàn Độc lập với Công đoàn Solidarnosc có hành động “lật đổ chính quyền” Ba Lan năm 1989”. Sự kiện Việt Nam kéo lùi thời điểm ký Công ước 87 về thực chất là một thủ thuật câu giờ và hy vọng sẽ làm cho Liên Âu và Tổ chức Lao động Quốc tế nản lòng mà không đòi hỏi Việt Nam phải ký Công ước 87 nữa.

Từ ngữ “Công đoàn độc lập” không hiện hữu trong Luật Lao động sửa đổi và Luật Công đoàn, nhưng cũng là một tiến trình phức tạp cho những ai muốn tìm cho ra danh xưng Công đoàn của Nhà nước.

Tình trạng đàn áp nhân quyền đang tăng cường và Hà Nội chẳng làm bao lăm để cải thiện nhân quyền. Công an vẫn liên tiếp bắt bớ và hành hung dã man những người hoạt động nhân quyền và xã hội dân sự, bắt bớ và giam cầm từ nghệ sĩ làm phim về dân oan mất đất cho đến những phụ nữ chống BOT bẩn… Nhưng chưa có bất kỳ dấu hiệu nào “cải thiện nhân quyền”, dù chỉ mang tính mị dân hoặc để đối phó với cộng đồng quốc tế.

Mười ba năm sau sự kiện “Việt Nam được Tổ chức Thương mại Thế giới chấp thuận cho trở thành thành viên thứ 150”, Việt Nam tái hiện thủ thuật “vào trước, bắt sau”. Vào năm 2016, Tổng thống Hoa Kỳ George Bush đến Hà Nội [và đã tặng món quà] rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC (danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm), nhờ vậy tháng giêng năm 2007 Việt Nam được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Một năm sau, 2008, Việt Nam bỏ tù hàng loạt các nhà bất đồng chính kiến và đưa ra toà xử 50 tù nhân chính trị.

Có khả năng chế độ sẽ bắt giam tù nhiều hơn các nhà bất đồng chính kiến sau khi Liên Âu phê chuẩn hai hiệp ước EVFTA và IPA. Các nhà bất đồng chính kiến nổi danh nào chống hiệp ước EVFTA vì lý do tình trạng nhân quyền tồi tệ và những ai đứng lên chống Trung Cộng [xâm phạm lãnh hải Việt Nam] sẽ bị xử án nặng nề.

Với những lý do nêu trên, tôi kêu gọi Liên Âu hoãn phê chuẩn hai hiệp ước EVFTA và IPA cho đến khi nào Việt Nam cam kết tất cả các điều kiện bảo đảm và tôn trọng nhân quyền, đồng thời tuân thủ Nghị Quyết 2018/2925 (RSP) của Quốc hội Châu Âu.

Xin cảm tạ quý vị.

Phạm Chí Dũng

Check Also

Các nhà bảo vệ môi trường và nhân quyền ở Việt Nam đón Ngày Quốc tế Nhân quyền trong tù ngục

PARIS, ngày 10 tháng 12 năm 2023 (VCHR) – Ủy Ban Bảo vệ Quyền làm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *