Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin PTTPGQT / Hội luận Quốc tế về Hòa bình thông qua sự Phát triển Con người tại thủ đô Oslo với sự tham dự của các Giáo sư đại học, Nhà nghiên cứu, Chính trị gia đến từ Ấn Độ, Tích Lan, Thái Lan, Anh, Pháp… – Dân biểu Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo Nauy tán thán Phật giáo và kêu gọi hòa đồng tôn giáo – Cư sĩ Võ Văn Ái giải thích việc “làm chính trị” của Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất

Hội luận Quốc tế về Hòa bình thông qua sự Phát triển Con người tại thủ đô Oslo với sự tham dự của các Giáo sư đại học, Nhà nghiên cứu, Chính trị gia đến từ Ấn Độ, Tích Lan, Thái Lan, Anh, Pháp… – Dân biểu Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo Nauy tán thán Phật giáo và kêu gọi hòa đồng tôn giáo – Cư sĩ Võ Văn Ái giải thích việc “làm chính trị” của Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất

Download PDF

PARIS, ngày 16.5.2007 (PTTPGQT) – « Hội luận Quốc tế về Hòa bình thông qua sự Phát triển Con người » vừa được Hòa thượng Thích Trí Minh, Viện chủ chùa Khuông Việt và Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Nauy tổ chức ở thủ đô Oslo, Nauy, hôm 5.5. vừa qua.

Diễn giả quốc tế góp mặt tham luận là những giáo sư đại học, học giả, nhà nghiên cứu, bác sĩ chuyên khoa, nhà hoạt động xã hội, nhân quyền và chính trị… Như Tiến sĩ Vachaspati Upadhyaya, Đại học New Delhi, Ấn Độ, Tiến sĩ Sumana Ratnayaka, Giảng sư Đại học Tích Lan, Tiến sĩ Bongkot Sitthipol, Nhà hoạt động xã hội ở Thái Lan, Tiến sĩ Mahinda Deegalle, Giảng sư Đại học Bath, Anh quốc, Bác sĩ Uttam Baura, Giám đốc Nghiên cứu bệnh lý tại Bệnh viện Đại học Y khoa Bichat-Claude Bernard, Paris, Cư sĩ Egil Lothe, Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo Nauy, v.v… Đặc biệt còn có Dân biểu Dagfinn Høybråten, Quốc hội Na Uy, Chủ tịch Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo, Ông Tom Kleppestø, Đại diện Sáng hội Rafto, bà Daniela Rapisarda, Điều hợp viên Diễn đàn Hòa bình thuộc Hội đồng Thiên Chúa giáo Nauy, và Cư sĩ Võ Văn Ái, Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Nhìn vào hội trường tham dự đông đảo hàng trăm quan khách quốc tế và Nauy, còn có các vị thức giả Việt Nam, đại diện các tổ chức tôn giáo và Cộng đồng Người Việt tại Nauy, chư Tăng Ni Phật giáo Việt Nam và ngoại quốc ở Nauy, Bắc Âu và Tây Âu. Đặc biệt còn có Thượng tọa Thích Phước Nhơn, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên, cùng Sư cô Thích Nữ Bảo Trường, đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan, và Thượng tọa Thích Giác Đẳng, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Truyền thông, Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ – Văn phòng II Viện Hóa Đạo, và Đại đức Thích Hạnh Tấn, Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Liên bang Đức.

Ngày Hội luận đã tạo nên không khí đối thoại cởi mở, chân tình và mở ra một tương lai kết hợp giữa các tôn giáo và tổ chức nhân bản quốc tế.

Hòa thượng Thích Trí Minh
Hòa thượng Thích Trí Minh

Bài Diễn văn Khai mạc sau đây của Hòa thượng Thích Trí Minh nói lên lý do, đường hướng và tinh thần tổ chức cuộc Hội luận Quốc tế về Hòa bình :

“Nam Mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
“Kính bạch chư vị Cao tăng,
“Kính thưa chư vị Học giả, Nhà nghiên cứu, Nhà hoạt động Xã hội, Nhân quyền, Chính trị,
“Kính thưa quý vị Quan khách, quý Bà quý Ông, quý Đồng hương và Phật tử,

“Kinh Pháp Hoa, phẩm Thí dụ, nói rằng “Ba cõi không yên, giống như nhà lửa”.

“Chỉ nói riêng việc nhiệt độ trái đất đang tăng cao vì hiệu ứng lồng kính đã làm cho thế giới bồn chồn lo sợ. Lo sợ cho hạn hán, lo sợ thiếu nước uống, lo sợ khí độc ô nhiễm và mặt nước đại dương dâng tràn, năm châu sẽ chứng kiến cảnh thương hải biến vi tang điền làm ngập lụt các thành phố lớn như Nữu Ước, Bangkok, v.v…

“Nhưng đó là chuyện thiên tai. Bên cạnh thiên tai còn có nhân tai, nghĩa là tai họa do con người gây ra cho con người. Những tai họa đến từ tranh chấp ý thức hệ, từ sự va chạm giữa các nền văn minh, từ các chế độ độc đoán, tham quyền, là nguyên nhân cho chiến tranh và nạn khủng bố toàn cầu hiện nay.

“Cho nên, thế giới chúng ta đang sống ngày nay quả như ngôi nhà lửa. Hiển nhiên và biệt lệ, Nauy và các nước Bắc Âu không là ngôi nhà lửa, nhờ các cấp chính quyền và các nhà tôn giáo không ngừng lo âu chu toàn cho đời sống tinh thần, vật chất và an sinh xã hội cho mọi người dân. Thế nhưng khi chúng ta nhìn về Trung Đông, về các nước đệ tam thế giới, về Á châu, thì quả thực các nơi ấy như “ba cõi không yên”.

“Ngay như trường hợp nước Việt Nam nhỏ bé của chúng tôi, chiến tranh chấm dứt từ năm 1975. Thế nhưng 32 trôi qua, người dân Việt vẫn còn sống trong thống khổ, đói nghèo, không có tự do ; vì chế độ độc tài toàn trị vẫn còn ngự trị. Chế độ này chỉ nghĩ đến đặc quyền đặc lợi cho đảng Cộng sản của họ, mà không nghĩ đến hạnh phúc, ấm no cho toàn dân. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất của chúng tôi là một giáo hội có lịch sử hai nghìn năm với 80% dân số theo đạo Phật cũng bị chế độ này đàn áp, không được quyền tự do sinh hoạt tôn giáo. Đa số các báo chí, truyền thông Tây phương khi viết về Việt Nam chỉ phiến diện nói lên công cuộc phát triển kinh tế. Nhưng lại quên đi khía cạnh phát triển con người trong hòa bình chưa được khởi động, sự tôn trọng các quyền cơ bản Con người được các Công ước quốc tế của LHQ quy định và bảo đảm chưa được tuân thủ tại Việt Nam.

“Trước “ba cõi không yên giống như nhà lửa” như thế, con người phải làm gì, thế giới phải làm gì để thay đổi ?

“Bản thân một nước nhỏ như Việt Nam, chúng tôi hoàn toàn tuyệt vọng vì không có lời đáp.

“Vì vậy, chúng tôi liền nghĩ đến các nhà lãnh đạo tinh thần trong thế giới, các vị học giả, nhân sĩ, các chính trị gia quán thông kim cổ, nên mạnh dạn tổ chức cuộc Hội thảo quốc tế tại thủ đô Oslo về Hòa bình thông qua sự Phát triển Con người hôm nay.

“Có người nghĩ rằng vật chất thay đổi tinh thần, phát triển kinh tế trước, tự do, dân chủ, nhân quyền sẽ đến sau. Nhưng chúng tôi không tin vào quan điểm này, vì nhìn quanh thế giới chúng tôi chưa hề thấy quan điểm này thành công đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân quần trong bất cứ quốc gia nào.

“Là một Tăng sĩ Phật giáo, chúng tôi tin rằng cần phát triển tâm linh để đẩy lùi thú tính, cần phát triển con người để đem lại hòa bình, giác ngộ cho nhân loại. Do đó, chúng tôi kỳ vọng cuộc Hội thảo Quốc tế hôm nay sẽ mang lại những đáp số cho vấn nạn mà con người trong các quốc gia nghèo khó, khổ đau, bị áp bức tìm kiếm, trông chờ.

“Là một Tăng sĩ Phật giáo, được sống tại Nauy, một quốc gia an lạc. Nhất là tại thủ đô Oslo, nơi có Ủy ban Nobel Hòa bình nổi danh thế giới. Nên tôi có ước vọng đặt viên đá đầu tiên trong năm nay xây dựng Bảo tháp Liên hoa để vinh danh hòa bình. Như qúy vị đã biết, bảo tháp ngày xưa được xây dựng tại Ấn Độ để giữ gìn trân quý Xá lợi đức Phật. Nhưng nhờ sáng kiến của A Dục vương vào thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, Bảo tháp được dựng lên khắp nơi như một biểu tượng của Chánh pháp, biểu tượng của lòng Từ Bi, biểu tượng của Hòa bình. Bảo tháp Liên Hoa sẽ dựng lên trong tinh thần như thế nơi khuôn viên chùa Khuông Việt ở thủ đô Oslo. Và để ghi nhớ cuộc Hội thảo Quốc tế về Hòa bình thông qua sự Phát triển Con người lần đầu tiên được tổ chức hôm nay, chúng tôi xin phép được ghi danh tên tuổi chư liệt vị vào Bảo tháp Liên Hoa để ghi nhớ mãi mãi về sau.

“Nhân danh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Na Uy và Trưởng ban Tổ chức cuộc Hội thảo Quốc tế về Hòa bình thông qua sự Phát triển Con người, tôi xin chân thành cám tạ sự đáp ứng tham gia Hội thảo của chư vị cao tăng, lãnh đạo tôn giáo, học giả, nhân sĩ, nhà hoạt động từ thiện hay chính trị từ Á châu đến Châu Âu vân tập về đây, và xin hân hoan chào đón sự tham dự đông đảo của chư vị trong hội trường”.

Sau đấy các diễn giả Âu Á lần lượt lên máy vi âm góp lời tham luận.

Dân biểu Dagfinn Høybråten và chì Ỷ Lan, Chủ tọa Cuộc Hội lụân
Dân biểu Dagfinn Høybråten và chì Ỷ Lan, Chủ tọa Cuộc Hội lụân

Một tiếng nói vừa có ý nghĩa tôn giáo vừa có âm hưởng chính trị là lời phát biểu của Dân biểu Dagfinn Høybråten, Quốc hội Na Uy, Chủ tịch Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo. Dân biểu nhấn mạnh đến sự nối kết con người để tiếp trợ cho tiêu điểm xã hội trên bình diện tinh thần và đạo đức :

“Sự tham dự cá nhân là điều cần thiết để thăng tiến mục tiêu cao quý cho sự phát triển con người, sự giáo dục và giác ngộ. Và tôi có thể nói rằng, tôi rất tôn kính sự đóng góp cao cả của Phật giáo từ quan điểm đến thực hành trong lĩnh vực này. Như các bạn đã biết, tôi là tín đồ của Chúa Ky Tô. Chúa Ky Tô dạy rằng : « Hãy tôn vinh những kẻ phục vụ hòa bình ». Cho nên tôi liên minh chặt chẽ với các bạn, vì tôi biết rõ tầm quan trọng to lớn mà Phật giáo đặt để trong sự thánh hóa cuộc sống. Tôi đánh giá cao sự đóng góp của Phật giáo trong cuộc đối thoại tôn giáo tại Nauy cũng như trên thế giới.

“Như các bạn đã biết, tôi là Chủ tịch Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo ở Nauy. Đối với tôi, cũng như đối với Đảng tôi, bảo vệ tự do tôn giáo là ưu tiên tối thượng. Tự do tôn giáo là quyền phổ quát mà mọi công dân phải được hưởng, nên chúng tôi cùng chung bảo vệ quyền này. Dù bạn là ai, là một Phật tử, là người Thiên chúa giáo, là Hồi giáo hay Do Thái giáo, quyền tự do tín ngưỡng theo tôn giáo của các bạn phải là quyền được tự do hành xử bất cứ ở đâu trên trái đất.

Dân biểu Dagfinn Høybråten còn nói lên sự ngưỡng mộ đối với Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ :

“Quý bạn ở đây đều nghe danh Hòa thượng Thích Quảng Độ. Không riêng gì Phật giáo đồ trên thế giới hậu thuẫn Hòa thượng, tôi cũng tôn kính và hậu thuẫn Hòa thượng. Hòa thượng bị đày đọa tổng cộng 25 năm trong tù, và cũng đã nhiều năm dài bị quản chế. Nhưng tinh thần mạnh mẽ của Hòa thượng thật uy nghi, và gây nguồn cảm hứng, Hòa thượng vẫn tiếp tục đấu tranh. Các bạn cũng biết rằng năm ngoái Hòa thượng được Sáng hội Rafto ở cố đô Bergen, Nauy, trao Giải Rafto sáng giá. Tôi rất hậu thuẫn quyết định này. Nhưng Hòa thượng cần được hậu thuẫn và tôn kính hơn nữa. Vì lý do đó, tôi đã sử dụng quyền hạn đại biểu Quốc hội Nauy của tôi để đề cử Hòa thượng Thích Quảng Độ làm ứng viên Giải Nobel Hòa bình năm nay, 2007. Đây không chỉ là biểu tỏ sự hậu thuẫn cho một cá nhân, mà còn là cho tất cả những người Việt Nam đấu tranh ôn hòa chuyển hóa nước Việt Nam sang nền dân chủ. Đây là nghĩa cử nói lên sự kết đoàn giữa những người mang những tín ngưỡng khác nhau. Chúng ta cùng đứng bên nhau bảo vệ Nhân quyền, bảo vệ Tự do tôn giáo. Chúng ta cùng đứng bên nhau đấu tranh cho sự hòa hợp và hòa bình.

“Có số người xem tôn giáo có vấn đề hay tôn giáo là nguồn gây tranh chấp, hẵn là vậy khi người ta sử dụng sai lầm tôn giáo. Tôi thì nhìn tôn giáo như nguồn gốc cho sự phát triển con người, tôn giáo là một cuộc dấn thân tinh thần, và tiếp trợ cho tiêu điểm xã hội không riêng trên lĩnh vực tăng trưởng kinh tế hay tiến bộ, mà trên bình diện tinh thần, bình điện các giá trị và đạo đức. Thật là quan trọng, vì đây là cơ sở nối kết con người lại với nhau”.

Pr. Vachaspati Upadhyaya
Pr. Vachaspati Upadhyaya

Giáo sư Vachaspati Upadhyaya, Đại học New Delhi, Ấn Độ, nhấn mạnh đến tâm linh là điều quan yếu để phát triển con người :

“Những vấn nạn đe dọa đời sống trên trái đất hôm nay đến từ tập thể loài người. Chúng ảnh hưởng tới tất cả chúng ta. Cho nên chúng ta phải cùng nhau hành động để thay đổi chúng. Dù chính trị làm chia rẽ con người, nhưng thế giới vẫn là một, dù chúng ta muốn hay không. Và trong thế giới toàn cầu này, khả năng đem lại hòa bình và phát triển con người tùy thuộc nỗ lực đoàn kết của chúng ta. Đây là lý do vì sao hôm nay chúng ta đến đây tham dự cuộc Hội luận để đánh lên vấn nạn sinh tử này”.

“Điều chúng ta cần phải có hôm nay là một quan đểm tâm linh bàng bạc vũ trụ. Tôi tin rằng sự phát triển con người không thể thu gọn nơi bình diện vật chất, mà phải căn cứ trên lĩnh vực tâm linh, xúc cảm, trên lĩnh vực trí thức. Làm kinh tế mà thôi, thì không thể phát triển con người”.

Dr Mahinda Deegalle
Dr Mahinda Deegalle

Thượng tọa Tiến sĩ Mahinda Deegalle, người Tích Lan, Giảng sư khoa tôn giáo, lịch sử và văn hóa tại Đại học Bath, Anh quốc, trình bày hoàn cảnh tranh chấp nghiêm trọng tại Tích Lan giữa một bên là đại đa số Phật tử và một bên là người thiểu số Tamil theo Ấn giáo. Cuộc tranh chấp là nguồn gây chết chóc cho bảy mươi nghìn người. Cả hai bên đều nói tới hòa bình, muốn có hòa bình, nhưng cả hai bên đều sợ đánh mất bản sắc, quyển lợi, đất đai của phe mình. Nauy đứng ra can thiệp và đề xuất một giải pháp hòa bình, nhưng không thành công. Thượng tọa nhẹ nhàng nói lên một suy nghĩ nặng nghìn cân trong tâm thức người Phật tử ngày nay :

“Quan điểm hòa bình của Phật giáo khởi nguyên là một ý niệm hòa bình nội tâm của sự hòa ái. Cần những nỗ lực cá nhân, những chiến thắng nội tâm để đạt tới niềm an lạc nội tâm này. Sự tranh chấp xẩy ra hôm nay tại Tích Lan đang là thách thức cho người Phật tử. Làm sao diễn tả ý niệm hòa bình nội tâm này để biến thành hành động giải quyết các vấn nạn, như vấn đề tranh chấp với giới người thiểu số Tamil ? Làm sao ảnh hưởng người khác với thứ hòa bình nội tâm của mình ? Làm sao người Phật tử có thể chia sẻ thứ hòa ái nội tâm với những nhóm quá khích bạo động để chuyển hóa họ ?

“Phật giáo có thể nào chỉ là con đường dẫn tới sự an lạc cho riêng mỗi cá nhân, nhưng lại không là biện pháp giải quyết những tranh chấp và đem lại hòa bình cho xã hội và nhân loại ?”

Daniela Rapisarda
Daniela Rapisarda

Daniela Rapisarda, Điều hợp viên Diễn đàn Hòa bình thuộc Hội đồng Thiên Chúa giáo Nauy, làm cuộc phê phán từ gốc rễ khi xoáy sâu vào quan điểm thần học liên quan đến thời đại thực dân, tuy quá khứ, vẫn còn di hại tới ngày nay :

“Chủ nghĩa nhị nguyên chia cấp bậc tôn ti bắt rễ từ thần học Thiên Chúa giáo và trong văn hóa phương Tây không những mang đặc trưng cho việc phân biệt đối xử giới tính và khuất phục phụ nữ. Nó tạo ra cơ sở ý thức hệ hậu thuẫn cho chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, khai thác thiên nhiên và mọi hệ thống ý niệm xem người da trắng nằm trên chót đỉnh hình tháp qua những quan hệ quyền lực. Rất nhiều lối tư duy vẫn tiếp tục bị các khái niệm phân đôi đẳng cấp thụ phong ngự trị (tinh thần hơn vật chất, Thượng đế hơn tạo vật, linh hồn hơn thể xác, con người hơn thiên nhiên, đàn ông hơn đàn bà, da trắng hơn da đen, người giàu hơn người nghèo, người thế lực hơn người thất thế (quan hơn dân), trung tâm hơn ngoại biên).

“Trong cuộc tìm kiếm những căn bản tâm linh qua nền văn hóa và thực tiễn tôn trọng mọi người, chúng ta cần đặt lại câu hỏi về sự chính thống của những cấu trúc đàn áp và những quan hệ quyền lực. Chúng ta cần lột mặt nạ và tự vấn về những lý thuyết, những thần học và những ý thức hệ đang hợp pháp hóa cho sự tự tôn của giới tính này trên giới tính khác, của chủng tộc này trên chủng tộc kia, của người trên thiên nhiên, vân vân và vân vân…”

(…)

“Hòa bình đối với tôi tùy thuộc quan hệ giữa tôi với người láng giềng. Hòa bình cho người láng giềng của tôi tùy thuộc ở tôi cũng như hòa bình của tôi tùy thuộc ở họ. Quan niệm Shalom – Hòa bình – mang trong tự thân nó kích thước trao đổi lẫn nhau, nối kết nhau, tương quan tương duyên nhau. Đây đã là trường hợp khi môi sinh trái đất cần được quan tâm. Hành tinh chúng ta đang trên bờ tan vỡ. Chúng ta cần giảm thiểu tiêu thụ, chọn cách sống tôn trọng môi sinh. Tìm kiếm những giải pháp cho các vấn đề môi sinh trầm trọng mà chúng ta đối diện sẽ là con đường thoát nhằm ngăn chận những tranh chấp tương lai. Hạnh phúc tôi và hạnh phúc cho mọi người hoàn toàn tương quan tương duyên với nhau”.

Tom Kleppestø, Sáng hội Rafto
Tom Kleppestø, Sáng hội Rafto

Ông Arne Lynngård, Chủ tịch Sáng hội Rafto, vì lý do bất ngờ ngăn cản vào phút chót không đến được nên đã cử ông Tom Kleppestø đến thay. Đại diện Sáng hội Rafto ông trình bày đường hướng và chủ trương của Sáng hội trong vấn đề tôn vinh, bảo vệ nhân quyền trong thế giới như ước vọng và hành thế của Giáo sư Thorolf Rafto hồi còn sinh tiền. Ông cũng đề cao nhân vật Phật giáo Thích Quảng Độ và kể lại chi tiết chuyến đi Việt Nam của bà Thérèse Jebsen bị công an Saigon hai lần bắt đi làm việc không cho gặp gỡ Hòa thượng Thích Quảng Độ dù đã đặt chân vào đến Thanh Minh Thiền viện.

Hầu hết các diễn giả khác đều dùng các luận điểm tôn giáo Đông Tây để nói lên quan điểm hòa bình duy nhất nhằm phục vụ con người. Và đồng thanh tương ứng ở điểm : phát triển kinh tế chỉ đóng vai trò thứ yếu trong việc phát triển con người, vì vật chất và hàng hóa không nâng đỡ được tinh thần và thăng tiến đời sống tâm linh con người. Thiếu đạo đức kinh tế trở thành sự độc tài thị trường và biến con người thành hàng hóa, thành nô công.

Người Việt Nam duy nhất góp mặt tham luận là Cư sĩ Võ Văn Ái, đại diện cho tiếng nói của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ba vấn đề chính ông nêu ra là sự thất bại của những phong trào hòa bình trong thế giới, phản bác luận điểm của Nhà cầm quyền Hà Nội vu cáo Giáo hội Phật giáo Thống nhất “làm chính trị”, và nội hàm Phật giáo mang mầm mống dân chủ. Chúng tôi xin đăng tải dưới đây nguyên văn bài tham luận của Cư sĩ Võ Văn Ái dịch từ bản Anh ngữ :

Hòa thân : tư tưởng chủ đạo hóa giải các giáo điều
và làm thăng tiến dân chủ trên địa cầu

Kính thưa quý liệt vị Cao tăng, Học giả, Nhân sĩ, Chính trị gia,

Tôi hân hạnh đến góp tiếng hôm nay vào cuộc Hội luận Quốc tế về đề tài “Hòa bình thông qua sự Phát triển Con người” và xin ngỏ lời tán thán Hòa thượng Thích Trí Minh, Viện chủ chùa Khuông Việt, người tổ chức cuộc thảo luận quan trọng này. Là Người Vượt Biển đến từ Việt Nam, Hòa thượng có những nỗ lực thần kỳ để phát triển tại Nauy một trung tâm Phật giáo Việt Nam năng nổ nhất Âu châu.

Tôi đặc biệt xúc động được cất tiếng tại Nauy, quốc gia đầu tiên đánh giá cao Phật giáo Việt Nam, khi trao Giải Rafto sáng giá vinh danh nhân vật bảo vệ Nhân quyền, là Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, người vừa được đề cử làm ứng viên Giải Nobel Hòa bình năm nay.

Cá nhân tôi cũng đến từ Việt Nam, và qua danh xưng khiêm tốn Việt Nam, tôi xin làm đề tài phát biểu hôm nay. Đối với đa số người, Việt Nam đồng nghĩa với Chiến tranh – cuộc chiến tranh tàn phá đưa lại không biết cơ man nào là chết chóc và hủy diệt. Nhưng Việt Nam cũng đồng nghĩa với Hòa bình – vào thập niên 60, khẩu hiểu “Hòa bình cho Việt Nam” vang lừng trên môi hàng triệu thanh niên tràn ngập các thủ đô Oslo, Stockholm, Washington, Paris, Rome, Tokyo và khắp mặt địa cầu.

Nhờ “Phong trào Hòa bình” trên thế giới mà chiến tranh Việt Nam chấm dứt năm 1975. Nhưng hòa bình thật sự không đến với nhân dân nước tôi. Nó chỉ mang lại một thứ “Hòa bình sầu hận” – thứ hòa bình che đậy cho ý thức hệ, cho lịch sử, một thứ Hòa bình Cộng sản, hòa bình cho những chính trị gia. Quả thật vậy, vô tình hay cố ý, “Phong trào Hòa bình” đã thất bại tại Việt Nam và trên thế giới. Trong khí hậu chiến tranh lạnh thời ấy, mỗi phe đều giương cao và giành giật thứ hòa bình của họ về cho họ. Trong thực tế, thứ hòa bình ấy chỉ phục vụ các tham vọng chính trị hay ý thức hệ riêng tư. Thời ấy Liên Xô ca ngợi những trái bom hạch nhân của họ là “Bom Hòa bình”, còn bom hạch nhân của Mỹ là “Bom Đế quốc”. Mỗi phe chỉ thấy một thứ “Hòa bình cho riêng mình”. Chẳng ai thấy nền “Hòa bình cho Người khác” hay “Hòa bình tự thân” – một nền hòa bình phổ quát cho cả và thiên hạ.

Thứ “Hòa bình sầu hận” mà tôi nói trên đây đem lại hậu quả tang thương cho nhân dân Việt Nam. Nó đẩy đưa đất nước chúng tôi vào chế độ Độc đảng, vào tay Nhà nước Cộng sản. Tại nước chúng tôi đảng phái đối lập không hiện hữu, không có xã hội dân sự, mọi tôn giáo bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Nhân quyền và những quyền tự do cơ bản được LHQ bảo đảm đều bị tước đoạt.

Tôn giáo lớn tại nước tôi là Phật giáo với ba phần tư tín đồ trong dân số 84 triệu người, thế nhưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là giáo hội truyền thống bị đàn áp thô bạo. Sau ngày chiến tranh chấm dứt, nhà cầm quyền dùng bạo lực tiêu diệt Phật giáo. Và khi thất bại trong cuộc tiêu diệt này, họ liền dựng lên một Giáo hội Phật giáo Nhà nước vào năm 1981 để khống chế Phật giáo. Ngày nay tại Việt Nam nhà cầm quyền chỉ công nhận duy nhất tổ chức Phật giáo do họ lập ra, còn giáo hội truyền thống là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vẫn bị loại trừ.

Võ Văn Ái
Võ Văn Ái

Ông Đỗ Trung Hiếu, cán bộ cao cấp của Đảng và cũng là kiến trúc sư cho chính sách tôn giáo nói trên vào thời ấy, thì cũng chính ông ta sau này lên tiếng tố cáo chính sách “biến tướng Phật giáo Việt Nam thành một tổ chức bù nhìn của Đảng Cộng sản . Ngay từ đầu, Hà Nội cũng đã hạn chế sinh hoạt của chính Giáo hội Phật giáo Nhà nước của họ, thu hẹp vào các nghi thức tụng kinh niệm Phật, nhưng không được tiếp xúc với quần chúng tín đồ và xã hội. Vì tiết lộ sự thật và ngỏ lời phê phán, ông Đỗ Trung Hiếu đã bị bắt cầm tù. Nhưng tài liệu phổ biến của ông phơi bày chính sách mập mờ của nhà nước giữa khoan dung tôn giáo và đàn áp chính trị, vốn chỉ là mưu kế để hạn chế tối đa vào sự tự do cúng kiến, nhưng kiểm soát chặt chẽ tự do tôn giáo.

Vì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất khước từ gia nhập Giáo hội Phật giáo Nhà nước, nhà cầm quyền Hà Nội tung chiến dịch đàn áp quy mô, bắt bớ, sách nhiễu hàng giáo phẩm và các thành viên thuộc Giáo hội. Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, vẫn còn bị quản chế trong hiện tại, bị cô lập và hai ngài không được quyền thuyết pháp cho tín đồ. Hai ngài chịu cảnh tù tội suốt ba mươi năm qua vì đã ôn hòa đòi hỏi tự do tôn giáo và nhân quyền cho dân Việt.

Nhà cầm quyền nói rằng họ đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vì giáo hội này “làm chính trị”. Thực tế, cuộc đòi hỏi ôn hòa cho tự do của nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ chỉ là một hành xử dấn thân cứu nguy xã hội tha hóa. Một hành xử xuất phát từ truyền thống của Phật giáo Việt Nam suốt 2000 năm qua, kể từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam.

Truyền thống một đạo Phật dấn thân đã được ghi trong kinh sách Phật giáo Việt Nam, ví dụ như Lục độ tập kinh xuất hiện từ thế kỷ thứ II Tây lịch tại Giao Châu. Tính chất nhập thế này nói lên tinh thần Bồ tát đạo thông qua sự dấn thân của mỗi cá nhân, mà ngôn ngữ thế tục có thể xem như viễn kiến “chính trị” trong nghĩa cao đẹp. Sự dấn thân nầy bộc lộ qua các câu phát biểu trong Lục độ tâp kinh, chẳng hạn “Chúng sinh đau khổ là lỗi tại tôi”, hoặc “Bồ tát thấy dân kêu ca, do vậy gạt lệ xông vào nơi chính trị hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than”. Lục độ tập kinh còn phơi bày cả viễn kiến Phật giáo về một xã hội lý tưởng với những quan điểm hiện đại về bảo vệ môi sinh, bình đẳng xã hội, thúc đẩy nền giáo dục phổ thông.

Lục độ tập kinh tỏa chiếu tinh thần khai phóng trong cuộc chiến đấu chống chính sách ngu dân (giải phóng khỏi vô minh), chiến đấu cho công bằng xã hội (giải phóng khỏi khổ đau) và chiến đấu cho nền độc lập dân tộc (giải phóng khỏi ngoại xâm – không riêng sự xâm lăng lãnh thổ mà còn cả xâm lăng tinh thần qua sự áp đặt ý thức hệ ngoại lai). Cuộc tranh đấu hiện nay của Phật giáo đồ nhằm bảo vệ bản sắc văn hóa Việt Nam chống lại ý thức hệ Mác – Lênin biểu hiện nguyên tắc cơ bản này.

Cũng như thế, cuộc vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bắt nguồn từ những quy hướng dấn thân có truyền thống lâu đời. Dưới chế độ đàn áp và độc tài hiện nay tại Việt Nam, tư tưởng hòa bình của đạo Phật biểu trưng qua sự thực chứng đạo đức học Phật giáo trong sinh hoạt hằng ngày của người tin Phật. Giữ giới và mang lòng từ bi trong đầu óc, tuy cơ bản, nhưng chưa đủ. Người Phật tử còn phải thể hiện lòng từ bi thông qua những động thái dấn thân xã hội. Thể hiện lòng khoan dung hay sự thỏa thuận một cách đơn thuần trong ý nghĩ là chưa thực hành trọn vẹn giáo lý đạo Phật. Người Phật tử cần chuyển hóa lòng từ bi thành động lực, thành sức sống chỉ đạo cuộc cứu nguy và bảo vệ con người. Hành động trong Phật giáo bao giờ cũng xuất hiện đồng thời qua ý nghĩ, bằng lời nói và trong cử chỉ, hành xử, thuật ngữ gọi là thân, khẩu, ý. Thiếu một yếu tố chưa gọi là hành động, vì thiếu một trong ba yếu tố là còn trong dự phóng, mơ hồ, nếu không nói là nhu nhược, sợ hãi.

Nhà cầm quyền Hà Nội không ngừng tố cáo cuộc vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là “làm chính trị”. Nhưng thực tế, cuộc vận động này chẳng làm gì khác hơn việc áp dụng và khuyến thỉnh Phật giáo đồ tuân hành Ngũ giới, tức năm giới (Pañca śīla) mà gần ba nghìn năm qua giới Cư sĩ Phật giáo tại gia chấp hành. Ngũ giới không là những điều răn, những mệnh lệnh phải thi hành, mà là những nguyên tắc giáo dục do đức Phật đề ra để hướng tiến con người sống hạnh phúc và thiết lập một xã hội an bình, thiện hảo.

Năm giới là những điều tự chế : Không sát sinh, Không trộm cướp, Không tà dâm, Không vọng ngữ (nói dối), Không rượu chè, ma túy. Đối với người Phật tử Việt Nam, xuyên suốt lịch sử hai nghìn năm thực chứng sống đạo, giữ năm giới không mang nghĩa thụ động tự chế bản thân mà thôi. Mà tích cực hơn, tự thân không sát sinh, nhưng người Phật tử còn phải dấn thân ngăn cản sự giết người. Như lời thánh Gandhi từng nói : thấy thằng điên cầm dao giết người, ta phải giật con dao khỏi bàn tay thằng điên ấy !

Giữ năm giới theo cách này là lột tả nội hàm tích cực của người Phật tử Việt Nam, gây ảnh hưởng tốt lành cho đời sống chính trị đất nước. Thế nhưng cũng vì hành xử như thế mà nhà cầm quyền Hà Nội ra tay đàn áp thô bạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Những thành viên thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phát nguyện không sát sinh. Nhưng khi có chế độ tàn sát người dân Việt không gớm tay, thì người Phật tử quyết tâm chận đứng sự thảm sát. Người Phật tử Việt Nam phát nguyện không trm cướp, nhưng khi Nhà nước cướp đoạt đất đai, tài sản của dân lành, tước đoạt tự do và nhân phẩm người công dân, thì người Phật tử đứng lên chận đứng sự cướp bóc để bảo vệ các quyền dân. Người Phật tử Việt Nam phát nguyện không tà dâm, nhưng khi những cán bộ cao cấp Đảng và Công an, Bộ đội tổ chức những đường dây bán dâm phụ nữ và trẻ nít, xem phụ nữ, thiếu nhi như súc vật, thì người Phật tử không thể vòng tay đứng ngó mà phải có hành động chận đứng sự buôn người sang các nước láng giềng. Người Phật tử Việt Nam phát nguyện không nói dối, nhưng khi nhà cầm quyền Hà Nội xuất bản những sách báo chứa đựng những nội dung không thật, bóp nghẹt tự do ngôn luận, khóa miệng các cơ quan truyền thông, và bắt bỏ tù những ai nói lên sự thật, thì người Phật tử dấn thân đòi hỏi cho tự do ngôn luận và tự do báo chí. Người Phật tử Việt Nam phát nguyện khôngu chè, ma túy, nhưng khi tệ nạn xì ke, ma túy, bệnh liệt kháng sida phát triển mà chính quyền làm ngơ hay không có biện pháp cần kíp, thích ứng chữa trị, thì người Phật tử phải dấn thân tìm phương trị liệu.

Cách thực hành năm giới của người Phật tử Việt Nam như vừa trình bày bị nhà cầm quyền cộng sản dán cho nhãn hiệu “làm chính trị”, và cảnh cáo trước cộng đồng quốc tế là Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ “âm mưu lật đổ chính quyền”. Đây là điều không đúng. Nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ chỉ thực hiện ngũ giới và khuyến thỉnh Phật giáo đồ giữ năm giới trong một xã hội nhiễu nhương, đầy dẫy bất công để cứu đất nước ra khỏi những tệ nạn hiểm nguy dẫn tới nạn bạo hành và một nhà nước khủng bố tại Việt Nam.

Năm mươi năm trước đây, Hội nghị Bandung họp tại Nam Dương năm 1955 nhằm kết nối các nước Á Phi trong sự hợp tác và tìm kiếm hòa bình. Hội nghị lịch sử này đưa ra Năm Nguyên tắc sống chung hòa bình – một thứ Ngũ giới khác – nhằm củng cố những nguyên tắc tự chủ và toàn vẹn giữa các quốc gia. Đó đã là những bước phát triển đánh mốc quan trọng. Nhưng ngoại trừ Ấn Độ của Thủ tướng Nehru, bước tiến mới này bị chìm ngập giữa không khí chiến tranh lạnh phân đôi thế giới, làm cho những nguyên tắc sống chung hòa bình ấy biến thành vũ khí phục vụ cuộc tranh chấp ý thức hệ. Lại một lần nữa, chỉ tạo nên thứ “Hòa bình phục vụ phe phái”, chứ không là nền “Hòa bình tự thân”, nền “Hòa bình cho tha nhân”. Rồi những nguyên tắc không xâm phạm chủ quyền nhau ấn định tại Bandung bị các quốc gia độc tài Châu Á sử dụng cho lá bài “Giá trị Á châu” để tuyên xưng thành ngoại lệ Châu Á chống lại các quyền con người cơ bản và phổ quát.

Hội nghị Bandung xác định những nguyên tắc tự chủ và toàn vẹn quốc gia. Ngày nay, chúng ta phải tiến xa hơn hội nghị Bandung để thiết lập những nguyên tắc hòa bình và công lý cho con người trên mặt đất. Thế giới ngày nay của chúng ta bị rung chuyển trước nạn bạo hành, khủng bố và độc tài kinh tế thị trường. Những ai trong chúng ta có dịp đọc Internet mỗi ngày, ắt thấy bị tràn ngập những tin tức khủng khiếp và phá hoại. Thế giới ngày nay chứng kiến sự toàn cầu hóa thù hận, sự động viên năng lực con người làm nhiên liệu cho tranh chấp và chiến tranh. Chỉ có những sáng kiến chủ động toàn cầu mới ngăn chận được cuộc đột kích toàn cầu này mà thôi. Đồng tâm quyết chí chúng ta mới đẩy lùi ngọn thủy triều thù hận đang dâng. Nếu chúng ta còn tụ thủ bàng quan, đứng yên thụ động, chúng ta sẽ chứng kiến sự tàn phá trái đất.

Ở Việt Nam, cuộc động viên thù hận là lực lượng chủ đạo của chế độ. Đảng cộng sản xây dựng trên thù hận, thông qua chủ trương đấu tranh giai cấp, và phân hóa xã hội thành bên bạn bên thù. Chế độ công sản dạy cho thiếu nhi kính lễ sự hận thù, tiếp thu thù hận vào trong cuộc sống đời thường. Phật giáo thì trái lại, vì Phật giáo xây dựng trên lòng từ bi, thông cảm và yêu mến. Những thành viên thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất dấn thân đem lại tự do, nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam, họ không làm gì khác hơn việc thể hiện lòng Từ bi.

Dân chủ không trái chống với đạo Phật. Trái lại, dân chủ bắt rễ từ giáo lý của đức Phật thể hiện từ trên 2500 năm trước. Dân chủ Phật giáo bắt nguồn từ Sáu nguyên tắc Hòa kính (Śadsāramyadharma), gọi tắt Lục hòa, là những phương pháp hòa hợp chung sống. Nhờ lục hòa mà Tăng đoàn và cộng đồng Phật giáo chung sống hòa hợp, thân ái. Sáu nguyên tắc hòa kính gồm có : Thân hòa đồng trú (sống chung thân ái, hòa hợp), Khẩu hòa vô tránh (vui tươi hòa hợp, không cãi mắng nhau), Ý hòa đồng duyệt (thân tình chia sẻ quan điểm cho nhau), Giới hòa đồng tu (giúp nhau giữ gìn giới hạnh), Lợi hòa đồng quân (lợi lộc cùng nhau chia đều, không người nhiều kẻ ít), và Kiến hòa đồng giải (chia sẻ sự hiểu biết, kiến thức cho nhau). Sáu nguyên tắc hòa kính làm nền cho đời sống dân chủ, xuất phát từ ý thức bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau để hòa đồng chung sống, giúp nhau thăng tiến.

Tôi gọi sáu nguyên tắc này là nền “Dân chủ chia sẻ”, bổ túc chứ không mâu thuẫn với nền “Dân chủ ngôn luận” của Tây phương trong việc bảo vệ ý kiến cá nhân và sự phổ thông đầu phiếu.

Tôi tin rằng thăng tiến dân chủ và xua đuổi chuyên chế là chìa kóa phát triển con người. Vì chuyên chế là kẻ thù của hòa bình. Dưới chế độ độc tài toàn trị, Nhà nước kiểm soát nhân dân trong mọi ngõ ngách của đời sống. Nhà nước chỉ huy tư tưởng, tước bỏ tín ngưỡng, điều hành và quy định đời sống tâm linh quần chúng. Dưới chế độ độc tài toàn trị, chỉ thị, nghị định, hướng dẫn thay thế cho luật pháp. Sự sợ hãi, đói khát và lăng nhục thay thế cho công lý và phẩm giá. Xã hội điều hành theo mệnh lệnh, đe dọa và sự thôi miên. Nói tóm, chế độ độc tài toàn trị thống trị dân bằng ngu dốt (vô minh) và ảo tưởng – hoàn toàn trái chống với đạo Phật, là con đường dẫn đến sự giải phóng, giác ngộ cho mỗi người và mọi người.

Sự phát triển con người sẽ bất thành khi chưa có nỗ lực thủ tiêu nghèo đói. Nhiều quốc gia độc đoán Á châu có nền kinh tế tăng vọt, và các quốc gia này khẳng định phát triển con người tùy thuộc vào sự phát triển kinh tế. Luận điểm này sai lầm. Kể từ khi Việt Nam mở cửa “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” – nghĩa là giải phóng kinh tế dưới sự kiểm soát độc tài – thì nạn tham những ở cấp độ nhà nước tràn lan, và hố giàu nghèo ngày càng đào sâu. Thiếu tiến trình dân chủ hóa và cải cách chính trị, sự phát triển con người không thể nào xẩy ra tại Việt Nam. Và thiếu sự phát triển con người, thì cũng không có sự thăng hoa tâm linh đưa tới giải thoát, giác ngộ.

Để kết luận, tôi xin có lời đề xuất. Tôi trân trọng kêu gọi các nhân sĩ chuyên ngành tham dự hội nghị hãy cùng nhau hình thành một “Ủy ban Đạo đức” để cùng nhau cộng tác phục vụ Hòa bình Thế giới thông qua sự Phát triển Con người. “Ủy ban Đạo đức” này sẽ kết hợp thần trí và kinh nghiệm đến từ những nền tư tưởng cao đẹp, những nền văn minh lớn để xây dựng một nhân gian hòa ái, công bình và hạnh phúc cho loài người. Đối diện với chiến tranh, nạn khủng bố hoành hành và tranh chấp đang làm nghiêng ngửa hành tinh mỗi ngày, Ủy ban Đạo đức sẽ thường xuyên lên tiếng, góp ý và đưa ra các giải pháp giải quyết các vấn nạn. Đây sẽ là tiếng nói cất lên cho hàng triệu con người không tiếng nói vì bị đàn áp, làm vọng vang niềm hy vọng và ngưỡng vọng cho khối dân thầm lặng trên địa cầu, nhằm đẩy lùi sự tiến công của bạo hành và chuyến chế.

Tôi tin rằng một Ủy ban Đạo đức như thế sẽ mang lại nhiều ảnh hưởng. Ngày nay, các thiết chế quốc tế đầy quyền lực và tài lực như Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Liên Hiệp Quốc đang tìm kiếm đối thoại với các nhà lãnh đạo tôn giáo và rất quan tâm mật thiết tới các vị này, vì họ nhìn thấy sức mạnh của tôn giáo trên địa cầu.

Bán cầu phương Tây có tổ chức LHQ làm diễn đàn bộc lộ dân chủ. Nhưng ở Á châu, vùng đất của ba phần tư nhân loại, chúng ta chưa có diễn đàn nào phản ảnh tiếng nói quan thiết này. Trái lại, các chế độ độc tài Châu Á đã họp thành liên minh và bành trướng thế lực của chúng trên vũ đài thế giới. Đã đến lúc Á châu và những nhà hoạt động hòa bình kết hợp nhau lên tiếng cho muôn trùng nạn nhân.

Ba nghìn năm trước, Đức Phật, Socrates, Khổng tử, Lão tử… xuất hiện và lên tiếng bảo vệ cùng thăng tiến phát triển con người. Ngày nay, trong khi chờ đợi những tiếng nói mới xuất hiện, thì Ủy ban Đạo đức hình thành từ Hội nghị Oslo, sẽ là tiếng Báo hiệu Hòa bình, sẽ là Sứ giả của tân kỷ nguyên công lý, từ bi và hòa bình thông qua sự phát triển con người trên mặt đất.

Võ Văn Ái
Oslo, 5.5.2007

Check Also

Bài 1: Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế trả lời chung về âm mưu phá hoại cuộc đấu tranh cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo của hai Dư Luận viên Thục Vũ — Ý Dân

  PARIS, ngày 9 tháng Giêng năm 2019 (PTTPGQT & VCHR) — Thời gian qua, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *