Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin PTTPGQT / Đài VOA và Đài Á châu Tự do phỏng vấn Huynh trưởng Lê Công Cầu về hiện trạng luân hiểm của Gia Đình Phật tử Việt Nam và chuyến Sư ông Nhất Hạnh đến Huế

Đài VOA và Đài Á châu Tự do phỏng vấn Huynh trưởng Lê Công Cầu về hiện trạng luân hiểm của Gia Đình Phật tử Việt Nam và chuyến Sư ông Nhất Hạnh đến Huế

Download PDF

PARIS, ngày 19.4.2007 (PTTPGQT) – Gia Đình Phật tử Việt Nam là một tổ chức ra đời từ sáu mươi năm hơn. Mục tiêu của tổ chức nhằm giáo dục giới thanh, thiếu nhi theo giáo lý đạo Phật để góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần từ bi, cứu khổ. Số đoàn viên hiện nay có trên nửa triệu.

Là một tổ chức thống thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nên sau năm 1975, Gia Đình Phật tử gặp muôn vàn khó khăn, bức bách. Một thời gian dài tổ chức bó tay không hoạt động. Nhờ sự kiên cường của những huynh trưởng lãnh đạo, tổ chức dần dà sống dậy. Nhưng cũng từ đây, nhà cầm quyền Cộng sản bắt đầu theo dõi, tìm cách ngăn cản, cấm đoán. Cấm đoán không được, nhà cầm quyền chỉ thị lèo lái Gia Đình Phật tử Việt Nam sáp nhập vào sinh hoạt của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Hiện trạng này xẩy ra giữa thập niên 90, gây phản ứng mạnh trong giới lãnh đạo Gia Đình Phật tử, nhiều huynh trưởng ghi tên đòi tự thiêu để bảo vệ tổ chức.

Vì vậy Nhà nước chồn tay chuyển sang giải pháp lấn sân, giao cho Giáo hội Phật giáo Nhà nước thành lập một Phân ban gọi là Nam Nữ Phật tử để thu tóm Gia Đình Phật tử hòng biến tướng và tiêu diệt tổ chức. Nhưng một lần nữa, Phân ban Nam Nữ Phật tử thất bại.

Thua keo này bày keo khác, ngày 2.11.1997, Hòa thượng Thích Minh Châu triệu tập một buổi họp tại Thiền viện Vạn Hạnh ở số 716 đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, Saigon, để giải quyết vấn đề Gia Đình Phật tử theo đề án của Ban Tôn giáo Chính phủ và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tức Giáo hội Nhà nước. Dưới quyền chủ tọa của Hòa thượng, buổi họp gồm có bốn Huynh trưởng cấp Dũng : hai cựu Huynh trưởng Võ Đình Cường và Tống Hồ Cầm, cố Huynh trưởng Nguyễn Xuân Quyền và Huynh trưởng Nguyên Tín Nguyễn Châu, Trưởng ban Hướng dẫn Trung ương Gia Đình Phật tử Việt Nam. Bốn Huynh trưởng ký chung Biên bản mà 2 điều trong biên bản xem như chính thức đưa tổ chức Gia Đình Phật tử Việt Nam thống thuộc vào Giáo hội Phật giáo Nhà nước :

Điều 2 xác nhận : Từ ngày được thành lập, Gia Đình Phật tử luôn sinh hoạt trong khuôn khổ pháp lý của một tổ chức Phật giáo được Nhà nước chấp nhận, như Hội An Nam Phật học, Hội Phật học Nam Việt, Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Nay sinh hoạt Gia Đình Phật tử Việt Nam cần được thực hiện trong pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tức Giáo hội Nhà nước).

Điều 3 ghi : Một số ít điều trong Nội qui và Qui chế Huynh trưởng Gia Đình Phật tử cần được tu chỉnh cho phù hợp với Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tức Giáo hội Nhà nước).

Thế là bất chấp ý chí trung kiên với Giáo hội lịch sử và truyền thống, là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, của Gia Đình Phật tử các cấp cơ sở trong toàn quốc, bốn Huynh trưởng cấp Dũng nói trên đã bán đứng một tổ chức Phật giáo độc lập cho Giáo hội Nhà nước.

Tranh chấp khởi từ đây, khi âm ĩ khi bộc phát. Nhiều tháng qua, sự bộc phát thấy rõ qua hai động thái. Một là thư rơi, thư nặc danh, tâm thư, huyết thư… đủ loại lúc tiến lúc thoái, khi cương khi nhu, vừa ve vuốt vừa hăm dọa, gây hoang mang nhằm phân hóa tổ chức. Động thái thứ hai là Công an tại các tỉnh có cơ sở Gia Đình Phật tử tiếp tay hù dọa, khủng bố những huynh trưởng nào không chịu đầu hàng Ban Tôn giáo chính phủ và Giáo hội Nhà nước.

Huế là điển hình cho sự khủng bố trong ba tháng vừa qua, nhắm vào Thượng tọa Thích Chí Thắng, Đặc ủy Thanh niên trong Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Thừa thiên – Huế. Đặc biệt là trường hợp Huynh trưởng Lê Công Cầu, người vừa được Viện Hóa Đạo bổ nhiệm chức Vụ trưởng Gia Đình Phật tử vụ để chấn chỉnh lại tổ chức.

Lời giải thích của Huynh trưởng Lê Công Cầu thông qua cuộc phỏng vấn của ký giả Matt Steinglass, Đài VOA Anh ngữ, tại Huế hôm 4.4.2007, và cuộc phỏng vấn của phóng viên Ỷ Lan trên Đài Á châu Tự do (phát sóng lúc 6 giờ 30 sáng ngày 10.4.2007), nói lên phần nào cuộc đánh phá tổ chức Gia Đình Phật tử của nhà cầm quyền Cộng sản. Đồng thời cũng nói lên ý chí kiên cường, bất khuất của tập thể Gia Đình Phật tử Việt Nam trước giông bão.

Cuộc phỏng vấn trên Đài Á châu Tự do

Ỷ Lan giới thiệu : Sau nhiều lần liên lạc bất thành qua đường dây viễn liên về Huế với huynh trưởng Lê Công Cầu, là người được Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, bổ nhiệm chức “Vụ trưởng Gia Đình Phật tử vụ” điều khiển phong trào thanh, thiếu nhi Phật giáo có nửa triệu đoàn viên.

Vừa qua, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền của Hoa Kỳ và Phong trào Dân chủ Thế giới có trụ sở tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn lên tiếng bênh vực cho anh Lê Công Cầu và nhiều nhà bất đồng chính khiến khác đang bị đàn áp trong nước.

Hôm nay, lần đầu tiên chúng tôi mới nối được đường dây phỏng vấn Huynh trưởng Lê Công Cầu. Xin mời quý thính giả nghe lời phát biểu của anh Cầu từ Huế :

Ỷ lan : Xin chào Huynh trưởng Lê Công Cầu. Chúng tôi được biết vì liên quan đến tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam, nên thời gian qua anh bị sách nhiễu, làm việc liên tục với Công an Huế. Nhà anh bị canh gác, và anh đang sống trong tình trạng quản thúc. Xin anh cho biết vì sao bị làm việc như thế, trọng tâm các buổi làm việc này nhắm vào vấn đề gì ?

Lê Công Cầu : Dạ thưa chị, và thưa quý vị nghe Đài. Ngày 25.11.2006, là ngày tôi được Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), bổ nhiệm làm Vụ trưởng Gia Đình Phật tử vụ. Bắt đầu từ đó tôi bị công an về làm việc rất nhiều lần, quy kết vào tội danh hoạt động bất hợp pháp vì tham gia GHPGVNTN. Đăc biệt là những ngày gần đây, Thầy Chí Thắng, Đặc ủy Thanh niên của GHPGVNTN tại Thừa thiên – Huế, muốn mở một cuộc họp để mời Huynh trưởng Gia Đình Phật tử Thừa thiên xác định sự sinh hoạt của mình trực thuộc GHPGVNTN, thì bị anh Trưởng Ban Hướng dẫn Gia Đình Phật tử Thừa thiên là anh Nguyễn Sĩ Thiều ra một văn thư phản bác lại sinh hoạt nói trên. Vì lý do đó, nên công an đã vào cuộc. Họ mời tôi làm việc suốt bốn ngày, trong đó họ mời lên “làm việc”, họ nói rằng để “giáo dục” vì luật pháp của Việt Nam rất nhân đạo. Trước khi bắt thì họ “giáo dục” đã. Nếu giáo dục không nghe thì họ mới bắt. Tôi không chấp nhận một việc “giáo dục” như vậy. Bởi vì ngày 16.3.2007, họ bắt đầu làm việc, thì đúng vào ngày chạp kỵ của nhà tôi. Tôi có làm đơn xin khất lại ngày khác. Nhưng họ không cho. Bắt phải làm việc ngay. Theo tôi, không cho người ta giữ hiếu đạo với tổ tiên ông bà, thì không thể gọi là giáo dục được. Trong những ngày làm việc ấy, buổi trưa phải ngồi lại tại trụ sở công an không cho về. Buổi tối về, không được ra khỏi nhà. Đặc biệt là đêm 17.3, cửa nhà bị khóa chặt, công an bao vây bốn phía. Tôi thấy chỉ mời lên “giáo dục” thôi, mà quyền tự do của tôi đã bị tước đoạt. Đồng thời khắp nơi trên toàn tỉnh, các huynh trưởng thân cận của tôi đều bị mời “làm việc” và canh giữ nghiêm ngặt, vợ con, công ăn việc làm đều bị đe dọa. Tôi nghĩ đó là một sự trấn áp, chứ không còn là hình thức giáo dục nữa.

Trong các buổi làm việc với tôi, ba mục tiêu chính họ đặt ra, đó là quy kết cho GHPGVNTN là bất hợp pháp. Ai tham gia vào GHPGVNTN là vi phạm luật pháp. Thứ hai, GHPGVNTN đã cấu kết với các thế lực thù địch nước ngoài và các phần tử phản động trong nước để phản đối chính quyền. Vì hai lý do trên họ buộc tôi phải từ nhiệm chức vụ Vụ trưởng, nếu không họ sẽ có biện pháp cứng rắn hơn. Tôi đã có bản trình bày gửi cho công an với nội dung phản bác như sau :

Thứ nhứt, tôi vẫn luôn luôn xem GHPGVNTN của chúng tôi là hợp pháp. Vì cho đến nay chưa có một văn bản cụ thể nào giải tán Giáo hội chúng tôi cả. Theo tôi, những tổ chức, những hành động bất hợp pháp đều phải bị pháp luật xử lý. Nếu chính quyền nói giáo hội chúng tôi bất hợp pháp, thì xin đưa ra tòa xét xử một cách công minh. Khi chưa có một bản án kết tội của tòa án đã có hiệu luật pháp luật như điều 72 của Hiến pháp Việt Nam quy định, thì không thể xem Giáo hội chúng tôi là bất hợp pháp được.

Điều thứ hai Giáo hội chúng tôi không hành vi hay tổ chức chống phá chính quyền. Chúng tôi chỉ đấu tranh cho sự tồn tại của chính mình, dựa trên quyền tự ngôn luận mà luật pháp đã quy định.

Thứ ba, chức Vụ trưởng tôi hoạt động đúng theo Hiến chương của GHPGVNTN. Tôi không làm gì sai trái hết. Và khi tôi vào thăm Đức Tăng thống, Ngài có nói với chúng tôi rằng : Ông Nguyễn Khánh Toàn, Thứ trưởng Bộ Công an đến thăm và khuyên Ngài nên nghỉ việc Giáo hội. Ngài đã nói với ông Toàn rằng “Cuộc đời tôi gắn liền với Đạo pháp, Dân tộc và GHPGVNTN, nên còn một hơi thở cuối cùng, tôi còn phục vụ Giáo hội”. Việc tôi noi gương Ngài đó là bổn phận của tín đồ đối với Giáo hội, mà còn là hiếu đạo của người Phật tử đối với vị lãnh đạo tinh thần tối cao của mình. Nên tôi không từ bỏ nhiệm vụ Vụ trưởng được. Tôi cũng nói thêm cho họ biết rằng, tôi là một huynh trưởng cao cấp đã nhiều lần phát nguyện trước Tam Bảo, tôi xin họ cho tôi được giữ trọn lời phát nguyện. Vì không giữ trọn lời phát nguyện là phản bội lại Tam Bảo, mà phản bội Tam Bảo là vi phạm Tam Quy, phải chịu quả báo nhiều đời. Tôi rất sợ cho nên không thể phản bội lại lời phát nguyện được. Vậy tôi xin nói cho chị rõ.

Ỷ lan : Thưa anh, nghe nói có một số Huynh trưởng thuộc tổ chức Gia Đình Phật tử Huế đứng lên tố cáo anh ? Lại có tin rằng một huynh trưởng nào đó ở Huế viết thư yêu cầu Gia Đình Phật tử Huế không được tham gia các sinh hoạt do Đặc ủy Thanh niên trong Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Thừa thiên – Huế, là Thượng tọa Thích Chí Thắng triệu tập. Việc này có đúng không và vì sao như vậy ?

Lê Công Cầu : Dạ thưa chị, đúng như vậy. Đã có nhiều tâm thư của các huynh trưởng cao cấp được phổ biến trong hàng ngũ Gia Đình Phật tử. Trong đó lên án tôi là vi phạm Nội quy Gia Đình Phật tử. Cũng đã có nhiều thư hăm dọa, chửi bới với lời lẽ rất… là hung hăng. Ban Hướng dẫn Trung ương đã triệu tập một Hội nghị cấp Tấn và cấp Dũng toàn quốc vào ngày 31.12.2006, mục đích là đem tôi ra để đấu tố. Họ cho rằng tôi phản bội lại Gia Đình Phật tử. Nhưng trên thực tế, chính họ mới là người phản bội lại Gia Đình Phật tử, phản bội lại GHPGVNTN. Bởi vì, đứng về lập trường, họ đã từng ký vào Biên bản đặt Gia Đình Phật tử vào sinh hoạt trong pháp lý của Giáo hội Nhà nước, rồi họ làm các Thỉnh nguyện thư, các Tâm thư, các Huyết lệ thư… xin Giáo hội Nhà nước thừa nhận. Đứng về mặt tu học, họ đã sửa đổi chương trình tu học của huynh trưởng và đoàn sinh Gia Đình Phật tử một cách lệch lạc, nhằm mục đích đưa Gia Đình Phật tử về với chính quyền hiện nay. Về mặt tổ chức, thì họ đưa những mô hình Nhà nước vào trong sinh hoạt Gia Đình Phật tử nhằm lũng đoạn tổ chức. Đã nhiều năm nay tôi phản đối các việc làm nói trên. Vì tôi thấy rõ bàn tay của Nhà nước đang điều khiển Ban Hướng dẫn Trung ương Gia Đình Phật tử Việt Nam.

Không phải chỉ có mình tôi, các Thầy Cố vấn Giáo hạnh, như Thầy Thích Minh Tâm, Thầy Thích Thanh Huyền đều đã thấy như vậy. Những bàn tay ấy là do chính quyền cài cắm vào trong nhiều năm. Họ phản đối kịch liệt việc tôi làm Vụ trưởng, vì họ sợ Ban Hướng dẫn Trung ương tan vỡ thì không có đất hoạt động.

Riêng tại Huế sự chống đối cũng rất mãnh liệt như tôi đã nói trước, là Thượng tọa Thích Chí Thắng, Đặc ủy Thanh niên, ngày 18.3 vừa rồi ngài triệu tập một phiên họp để xác định lại Gia Đình Phật tử Thừa thiên thống thuộc vào GHPGVNTN, thì lập tức bị Huynh trưởng Nguyễn Sĩ Thiều, Trưởng Ban Hướng dẫn Gia Đình Phật tử Thừa thiên kiêm Phó trưởng Ban Hướng dẫn Gia Đình Phật tử Việt Nam, đã làm một văn thư ra lệnh cho huynh trưởng trên toàn tỉnh không được tham dự buổi họp nói trên.

Lợi dụng văn thư này, Công an đã mở một cuộc trấn áp toàn diện, trong đó tất cả những huynh trưởng thân cận của tôi đều bị mời làm việc. Tôi bị mời làm việc. Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh Thừa thiên – Huế, bị quản chế không cho ra khỏi chùa. Thượng tọa Thích Chí Thắng, Đặc ủy Thanh niên, bị mời đi làm việc nhiều lần đến nay chưa xong. Chúng tôi thấy sự phản đối họ như vậy, cho nên tôi trình bày cho quý Đài rõ.

Ỷ lan : Một câu hỏi chót. Xin anh cho biết đại cương tổ chức Gia Đình Phật tử Việt Nam là gì, ra đời lúc nào, mục tiêu làm gì và hiện tình của Gia Đình Phật tử Việt Nam hôm nay. Và dự tính tương lai của anh sau thời gian bị công an áp lực, hăm dọa bắt anh phải từ chức “Vụ trưởng Gia Đình Phật tử vụ” và không được liên hệ với Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ?

Lê Công Cầu : Dạ thưa chị, Gia Đình Phật tử Việt Nam là một tổ chức nằm trong Tổng vụ Thanh niên của Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Năm 1981, khi Giáo hội Phật giáo Nhà nước ra đời thì Gia Đình Phật tử Việt Nam chúng tôi trên toàn quốc bị ép buộc phải sinh hoạt với Giáo hội Nhà nước. Nhưng phần lớn Gia Đình Phật tử trên toàn quốc vẫn trung thành với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Biết được cái điều này, cho nên chính quyền đã cài cắm một số huynh trưởng trong Ban Hướng dẫn Trung ương để lũng đoạn sinh hoạt Gia Đình Phật tử Việt Nam trên toàn quốc làm cho Gia Đình Phật tử càng ngày càng rời xa Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và rời xa mục đích của Gia Đình Phật tử.

Cụ thể nhất là trong tạp san Sen Trắng số 18 gần đây (là tạp san Gia Đình Phật tử theo khuynh hướng chính quyền, PTTPGQT chú) họ công khai xác nhận không phân biệt Giáo hội nào, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hay Giáo hội Phật giáo Nhà nước cũng là Giáo hội cả !

Và trong tạp san Sen Trắng số 21 mới đây, họ ngang nhiên nói rằng Gia Đình Phật tử Việt Nam không phê phán những hành động tiêu cực làm nghèo nàn và lạc hậu đất nước.

Thưa chị, trong khi đất nước nghèo nàn và lạc hậu vì bọn đảng viên tham nhũng, đồi bại, cả thế giới đều lên án. Vậy mà “Gia Đình Phật tử” nói là không lên án. Tức là họ đã đồng lõa với bọn này. Như vậy, họ đã loại bỏ mục tiêu thứ hai của Gia Đình Phật tử Việt Nam, đó là góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo. Thử hỏi như vậy, họ còn tôn trọng Nội quy Gia Đình Phật tử nữa không ? Và còn đi theo tôn chỉ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không ?

Thưa chị, Viện Hóa Đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không thừa nhận Ban Hướng dẫn Trung ương chứ không phải không thừa nhận Gia Đình Phật tử Việt Nam như họ xuyên tạc. Gia Đình Phật tử Việt Nam luôn luôn là con đẻ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tôi biết rằng trong Ban Hướng dẫn Trung ương vẫn có rất nhiều các Anh Chị rất tâm huyết. Tôi nghĩ rằng các Anh Chị ấy sẽ dần dần thấy được cái nhìn sáng suốt của Viện Hóa Đạo để thật sự đặt mình vào trong sinh hoạt của Giáo hội.

Cái trở ngại lớn nhất hiện nay của tôi là vấn đề chính quyền. Vì họ đã nói thẳng với tôi rằng : “Ông sẽ chẳng làm được chi hết ! Chúng tôi sẽ trấn áp, sẽ ngăn chận tất cả việc làm của ông. Ông nên từ chức đi !”. Tuy nhiên, tôi đã nói với họ, là ngày nào Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất còn hoạt động, tôi sẽ quyết tâm thực hiện nhiệm vụ Giáo hội giao phó để đưa Gia Đình Phật tử Việt Nam về đúng lập trường và mục đích của nó.

Nhân đây, tôi cũng có vài lời mong Anh Chị em Huynh trưởng Gia Đình Phật tử Việt Nam dù bất cứ ở đâu, hãy nghe tôi nói, là “Hãy đặt danh dự của Giáo hội và sự tồn tại của Giáo hội trên các quan điểm cá nhân. Đó mới thật sự là trung kiên chân thành như Anh Chị em đã từng phát nguyện”.

Ỷ lan : Xin cám ơn Huynh trưởng Lê Công Cầu.

Ký giả Đài VOA, Matt Steinglass, phỏng vấn Huynh trưởng Lê Công Cầu tại Huế

Sáng ngày 4.4 vừa qua, ký giả Matt Steinglass của Đài VOA Anh ngữ đến chùa Phước Thành ở Huế gặp gỡ Thượng tọa Thích Chí Thắng, Đặc ủy Thanh niên trong Ban Đại diện GHPGVNTN tỉnh Thừa thiên – Huế và Huynh trưởng Lê Công Cầu, Vụ trưởng Gia Đình Phật tử vụ để tìm hiểu hiện tình tình Phật giáo. Cuộc phỏng vấn này đã được phát đi trên Đài VOA trong hai chương trình Anh ngữ và Việt ngữ. Chương trình VOA Việt ngữ phát thanh hôm 15.4. Huynh trưởng Lê Công Cầu đã đáp các câu hỏi như sau :

Matt Steinglass : Tại sao các bạn không tham gia Giáo hội Phật giáo Việt nam ? Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có gì khác nhau ?

Lê Công Cầu : Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất của chúng tôi tức Giáo hội hình thành năm 1964 và duy trì cho đến hôm nay là Giáo hội mang một mục tiêu phục vụ đạo pháp, dân tộc và nhân loại. Trong lúc đó, năm 1981 thì Nhà nước Việt Nam lập lên một Giáo hội mới. Giáo hội này có mục tiêu đạo pháp, dân tộc và Xã hội Chủ nghĩa. Hai cái tổ chức hoàn toàn khác nhau về cơ cấu tổ chức cũng như về nội dung hoạt động. Nội dung hoạt động của chúng tôi là vì nhân loại, vì hòa bình. Còn nội dung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với mục tiêu là phục vụ cho chế độ Cộng sản Việt Nam hiện nay mà thôi. Bởi vậy cho nên chúng tôi không tán đồng mục tiêu đó.

Do đó chúng tôi vẫn duy trì và hoạt động cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Chúng tôi không tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam vì đây là giáo hội do Đảng Cộng sản và Nhà nước Cộng sản Việt Nam dựng lên, một tổ chức chính trị trực thuộc Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam và Ban Tôn Giáo Chính phủ như Hiến Chương của họ đã qui định. Ngược lại, Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất của chúng tôi do Tăng tín đồ Phật giáo toàn quốc lập nên, một Giáo hội dân lập. Cho nên Giáo hội chúng tôi không ký thác sinh mệnh hay phục vụ cho một chế độ nào.

Matt Steinglass : Trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có tổ chức Gia đình Phật tử, đó là tổ chức gì, mục đích của nó thế nào ?

Lê Công Cầu : Gia Đình Phật tử là một tổ chức nằm trong Tổng Vụ Thanh Niên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nhằm qui tụ thanh thiếu nhi Phật giáo đến chùa để sinh hoạt với 3 bộ môn chính là Phật Pháp, Hoạt động Thanh niên và Văn nghệ mhằm mục đích đào tạo thanh thiếu nhi trở thành Phật tử chân chính, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo.

Matt Steinglass : Vì không tham gia vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên các bạn gặp khó khăn gì và riêng tại Thừa Thiên – Huế có ai ủng hộ các bạn không ?

Lê Công Cầu : Tại Thừa Thiên – Huế trước đây chúng tôi có 290 đơn vị Gia Đình Phật tử trên toàn tỉnh, do thời cuộc có khoảng 50 đơn vị đã chết không hồi phục lại được. Còn lại 240 đơn vị. Khi Giáo hội Nhà nước cho lập Phân Ban Gia Đình Phật tử thì khoảng một nửa Gia Đình Phật tử của Thừa thiên Huế đã bị Chính quyền, Mặt trận và Giáo hội ép buộc phải sinh hoạt theo Phân Ban. Số còn lại khoảng 120 Gia đình cương quyết không theo nên vẫn còn sinh hoạt với chúng tôi.

Vì Nhà nước xem Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là bất hợp pháp cho nên việc sinh hoạt của chúng tôi rất khó khăn, cụ thể nhất là ngày 18/3/2007 vừa qua chúng tôi dự định tổ chức một buổi họp để kiểm điểm công việc tại Chùa Phước Thành nhưng đã bị Công An trấn áp. Họ bắt quí Thầy và Huynh Trưởng cốt cán khắp toàn tỉnh đến trụ sở Công an làm việc, đe doạ cha mẹ vợ con và canh gác không cho ra khỏi nhà trong ngày họp nói trên với mục đích là buộc chúng tôi phải từ bỏ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nếu còn tham gia Giáo hội Thống Nhất là vi phạm pháp luật. Nhưng chúng tôi không chấp nhận.

Matt Steinglass : Chuyến về Việt Nam lần nầy của Thiền Sư Nhất Hạnh các bạn có nhận định như thế nào ?

Lê Công Cầu : Theo nhận định của chúng tôi ngài Nhất Hạnh về lại Việt Nam thì cũng nhằm giúp cho chính phủ Việt Nam nói lên cái tự do tôn giáo mà mấy lâu nay họ đã vi phạm về chính sách tự do tôn giáo. Bây giờ thiền sư Nhất Hạnh về thì cũng mục đích làm đẹp cho chính sách của họ mà thôi. Thực ra thì thiền sư cũng chẳng có một mục đích nào để xây dựng Phật giáo, bởi vì Phật giáo tại Việt Nam có một cái truyền thống không thể nào đem một cái pháp môn Tiếp Hiện mới mẻ của thiền sư Nhất Hạnh về đây để mà truyền bá trong môi trường truyền thống đang còn giữ một vai trò quan trọng như ở Huế. Những việc làm của Thiền sư Nhất Hạnh trong lần trước (2005) đã gây rất nhiều bất mãn (1) cho Chư Tăng và tín đồ Phật Giáo Thừa Thiên – Huế.

Chuyến về thứ hai này của Hòa thượng Nhất Hạnh dân Huế rất là thờ ơ. Bằng chứng là trước đây (2005) có khoảng trên 10 ngàn người đón tiếp Hòa thượng tại chùa Từ Đàm Huế. Bây giờ chưa có tới trăm người đón tiếp Hòa thượng. Những buổi thuyết giảng rất tẻ nhạt. Ngay cả việc tổ chức Bố tát (2) chung ngày 14 âm lịch vừa qua cũng đã bị một số chư Tăng không tham gia. Điều đó nói lên sự thất bại của Hòa thượng Nhất Hạnh.

Còn chính sách Tôn Giáo của nhà nước thì, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất của chúng tôi đang còn là nạn nhân của chế độ mà ai cũng nhận thấy cả. Không thể dùng Thiền Sư Nhất Hạnh và Tăng thân làng Mai để che đậy được.


(1)  Hai bất mãn điển hình trong lần Sư ông về Huế năm 2005 : Việc thứ nhất là đuổi những Tăng sinh không chịu theo giáo phái Làng Mai ra khỏi chùa Từ Hiếu, khoảng 50 Tăng sinh. Khiến Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Thừa thiên – Huế khốn khó một thời tìm kiếm nơi trú xứ mới cho các Tăng sinh này. Lâu sau mới xây dựng được trường ốc cho các Tăng sinh này tiếp tục cuộc tu học. Việc thứ hai là tổ chức một cuộc lễ theo kiểu Làng Mai tại đàn Nam Giao khiến dân Huế bất mãn chê rằng Nam Giao là nơi vua chúa tế lễ hàng năm giết trâu giết bò không là nơi thanh tịnh để lễ Phật.

(2)  Bố tát, tiếng Phạn Posadha, là sự tập họp của chư vị Tì kheo mỗi nửa tháng để tụng giới. Thỉnh vị Tì kheo tinh thông giới luật, nói giới kinh (tức giới bản Ba la đề mộc xoa, Pratimoksa, gồm những giới hạnh giúp người Tăng sĩ rời khỏi những nghiệp bất thiện, tà vạy sinh từ thân, khẩu, ý) để xét hành vi trong nửa tháng qua. Ai phạm giới phải sám hối trước chúng tăng.

Năm 2005, Sư ông Nhất Hạnh về Huế đề xuất tổ chức Bố tát chung giữa chư Tăng thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam với chư Tăng thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Nhưng việc chỉ xẩy ra một lần. Không bao giờ được tiếp diễn. Lần trở lại năm nay, Sư ông cũng đề nghị Bố tát trở lại giữa hai bên tại chùa Linh Quang. Song không được hưởng ứng.

Check Also

Bài 1: Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế trả lời chung về âm mưu phá hoại cuộc đấu tranh cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo của hai Dư Luận viên Thục Vũ — Ý Dân

  PARIS, ngày 9 tháng Giêng năm 2019 (PTTPGQT & VCHR) — Thời gian qua, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *