Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin PTTPGQT / Lễ Bách Nhật và khánh thành Kỷ Niệm Đường Đức cố Phó Tăng Thống Thích Hộ Giác tại chùa Pháp Luân, Tp Houston, Hoa Kỳ – Thư Ngỏ của Nhà Xuất bản Quê Mẹ & Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế gửi Nhà Xuất bản Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc

Lễ Bách Nhật và khánh thành Kỷ Niệm Đường Đức cố Phó Tăng Thống Thích Hộ Giác tại chùa Pháp Luân, Tp Houston, Hoa Kỳ – Thư Ngỏ của Nhà Xuất bản Quê Mẹ & Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế gửi Nhà Xuất bản Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc

Download PDF

PARIS, ngày 6.4.2013 (PTTPGQT) – Chủ nhật 31.3 vừa qua lễ Bách Nhật và khánh thành ngôi Nhà Kỷ Niệm của Đức cố Phó Tăng Thống Thích Hộ Giác đã được cử hành trọng thể tại chùa Pháp Luân, thành phố Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ.

Cuộc lễ bắt đầu với việc cắt băng khánh thành Ngôi Kỷ Niệm Đường của Đức cố Phó Tăng Thống. Đây là nơi trú xứ và văn phòng làm việc của Ngài lúc sinh tiền, nay được trình bày thêm nhiều hình ảnh Ngài từ thuở xuất gia cho đến khi gánh vác việc Giáo hội Phật Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) thông qua bao biến cố lịch sử Phật giáo và Việt Nam. Thượng tọa Thích Giác Đẳng, người được Đại lão Hòa thượng Thích Hộ Giác phó chúc kế thừa Ngài trong công tác Phật sự, mời chư tôn đức giáo phẩm cùng cắt băng khánh thành, gồm quý Hòa thượng Thích Pháp Nhẫn, Thích Minh Chiếu, Thích Viên Thành, Thích Viên Lý, Thích Huyền Việt, Thích Chơn Trí, Thích Tịnh Đức, Thích Tín Nghĩa, Sư bà Nguyên Thanh và Cư sĩ Võ Văn Ái.

Lễ Cắt băng khánh thành Ngôi Nhà Kỷ Niệm Đức cố Phó Tăng Thống Thích Hộ Giác – Hình PTTPGQT  
Lễ Cắt băng khánh thành Ngôi Nhà Kỷ Niệm Đức cố Phó Tăng Thống Thích Hộ Giác – Hình PTTPGQT
 

Sau lễ khánh thành Ngôi Kỷ Niệm Đường, chư Tăng Nam và Bắc tông cùng Phật tử vào ngôi hùng điện chùa Pháp Luân làm lễ Bách Nhật theo hai truyền thống Nam và Bắc tông. Thượng tọa Thích Giác Đẳng cho biết theo lệ của người xưa thì lễ Bách nhật sau lễ tang, lễ Chung thất, là lễ hoàn tất hậu sự sau 100 ngày khi ông bà cha mẹ qua đời.

Ngôi Bảo tháp Đức cố Phó Tăng Thống Thích Hộ Giác – Hình PTTPGQT  
Ngôi Bảo tháp Đức cố Phó Tăng Thống Thích Hộ Giác – Hình PTTPGQT
 

Trong Đạo từ của Hòa thượng Thích Pháp Nhẫn, Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam, Hòa thượng nhắc nhở tình cảm với bậc cao tăng vừa ra đi, rồi kêu gọi : “Chúng ta hãy biến sự đau thương, mất mát của chúng ta thành hành động bằng cách noi gương Ngài. Tinh thần đoàn kết của Ngài đối với tất cả các tông phái rất hiện thực ở đâu cũng thấy khắp cả năm châu. Chúng ta đừng có ích kỷ nghĩ đến cái ngôi chùa của mình hay tông phái của mình, mà nghĩ đến sự thành tựu trong sự hoằng dương chánh pháp chung. Đem sự an lạc cho nhiều người, cho tất cả chúng sanh.

“Nhân dịp này tôi xin tán thán công đức Thượng tọa trụ trì chùa Pháp Luân, Ban Hộ trì Tam Bảo và các thí chủ xa gần đã tổ chức xây Bảo tháp để tôn trí xá lợi của Đức cố Đại lão Hòa thượng Tăng Thống cũng như tạo dựng Nhà Lưu Niệm để tất cả mọi người có cơ hội, có nơi đến viếng Ngài, nhớ lại hình bóng hiền hòa, đơn giản và hy sinh cho đạo pháp của Ngài. Đây là một chất liệu nuôi dưỡng, trưởng thành tình thương yêu của chúng ta trong các tông phái. Tình thương yêu của chúng ta đối với bốn chúng Tăng, Ni, Thiện nam Tín nữ và tình thương yêu của chúng ta đối với tất cả chúng sanh”.

Tiếp theo, Hòa thượng Thích Viên Lý, Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo kiêm Chủ tịch Hội đồng Điều hành GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa kỳ nhấn mạnh trong Đạo từ rằng : “Ngài không chỉ là một nhà lãnh đạo kiệt xuất mà còn là một bậc hiền lương trên mọi phương diện cả đời lẫn đạo. Một trong những bản hoài vô cùng quan yếu của Đức Phó Tăng Thống, đó là mong sao Chánh pháp trường tồn, Pháp nạn, Quốc nạn sớm được giải trừ. Và Ngài thường dạy dù bất cứ tình huống nào chúng ta cũng phải tuyệt đối khâm tuân những Giáo chỉ của Hội đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN.

Chư Tăng làm lễ Bách nhật trước Chánh điện – Hình PTTPGQT  
Chư Tăng làm lễ Bách nhật trước Chánh điện – Hình PTTPGQT
 

Phật tử tại ngôi hùng điện chùa Pháp Luân tham dự lễ Bách Nhật – Hình PTTPGQT  
Phật tử tại ngôi hùng điện chùa Pháp Luân tham dự lễ Bách Nhật – Hình PTTPGQT
 

“Chúng con thành tâm đảnh lễ cầu nguyện Đức Phó Tăng Thống thùy từ chứng minh, gia bị để mỗi thành viên của Văn phòng 2 Viện Hóa Đạo và GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ chúng con có đủ sức mạnh nội tại cần thiết để tiếp tục hoàn tất sứ mệnh thiêng liêng và cao cả của mình cũng như gia hộ cho tất cả mọi người thành tựu được chí nguyện lớn mà mỗi một qúy vị đã và đang phát nguyện”.

Khi gầy dựng ngôi hùng điện này, Đức Phó Tăng Thống Thích Hộ Giác đã lấy chữ “Pháp Luân” đặt tên cho ngôi chùa. Nên Thượng tọa Thích Giác Đẳng, Tổng Ủy viên Truyền thông Văn phòng 2 Viện Hóa Đạo kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Điều hành GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa kỳ, đã đăng đàn nói lên ý nghĩa của danh từ Pháp Luân mà chúng tôi xin ghi lại một số trích đoạn :

“Hôm nay nhân ngày Bách Nhật của Hòa thượng, chúng ta chia sẻ một ý niệm về chữ Pháp Luân. Thật ra đây là một biểu tượng rất quan trọng trong đạo Phật. Trước nhất, xin thưa với qúy vị, mỗi tôn giáo đều có biểu tượng. Thập giá là biểu tượng của Ky tô giáo, hay Trăng Sao là biểu tượng của Hồi giáo. Riêng về đạo Phật thì chúng ta có biểu tượng Pháp Luân, và ít bao giờ người Phật tử tự đặt câu hỏi rằng biểu tượng đối với chúng ta quan trọng như thế nào. Nhưng mà tất cả chúng ta đều biết rằng một trong những phát minh quan trọng nhất của nhân loại đó là bánh xe, tức Pháp Luân. Pháp Luân tự nó có một ý nghĩa rất đặc biệt. Trong kho tàng văn học Phạn ngữ thì chữ cakra là bánh xe hay Pháp Luân, ngày nay cũng được dùng để chỉ cho điều mà chúng ta gọi là máy móc. Trong tiếng Phạn, động cơ cũng là cakra và cái gì như Luân xa của ngôi chủng thánh vương cũng gọi là cakra. Bánh xe không đơn giản chỉ là một biểu tượng về sự phát minh quan trọng của nhân loại mà nó chỉ cho sự vận hành. Ở trong kho tàng kinh điển của đạo Phật ngay khi đức Thế tôn còn tại thế, đã có ít nhất hơn 60 bài kinh đặc biệt dùng bánh xe như một biểu tượng có từ khi đức Tôn sư còn tại thế. Ví dụ bài kinh đầu tiên mà đức Phật Ngài giảng đó là bài kinh Chuyển Pháp Luân.

Thượng tọa Thích Giác Đẳng trình bày Bánh xe Pháp Luân qua các thời đại – Hình PTTPGQT  
Thượng tọa Thích Giác Đẳng trình bày Bánh xe Pháp Luân qua các thời đại – Hình PTTPGQT
 

“Như vậy giáo pháp ngay từ khởi đầu đã được xem như là Bánh xe Pháp và sự vận chuyển, mở đầu cho công cuộc hoằng pháp của đức Phật gọi là Chuyển Pháp luân. Nói về biểu tượng Pháp luân thì người Việt Nam có rất nhiều tranh cãi. Ví dụ tranh cãi Pháp luân có bao nhiêu căm, 8 căm hay 12 căm ? Bên ngoài Pháp luân thì chúng ta thấy có nụ nhô ra. Có nhiều người thậm chí không phải là Phật tử mà có nhà sư nói rằng nếu làm bánh xe Pháp luân mà không có phần nhô ra bên ngoài thì nó suông sẻ, còn làm như vậy thì trục trặc, Phật giáo bị lộn xộn hoài ! Nói như vậy thì thật sự là không hiểu rằng tất cả những kho tàng điêu khắc của đạo Phật tại Ấn độ qua các thời đã có nhiều loại bánh xe Pháp luân. Về bánh xe 8 căm hay 12 căm cũng có rất nhiều tranh luận về con số.

“Khi đức Phật nói rằng Như Lai chỉ dạy về sự diệt khổ và con đường đưa đến sự diệt khổ ; con đường đưa đến sự diệt khổ là Bát chánh đạo. Bát chánh đạo vẽ 8 căm. Nhưng không nhất thiết như vậy đâu. Có nơi vẽ 12 căm là tượng trưng cho 3 luân 12 chuyển. Tức là Bốn đế – gồm có khổ, tập, diệt, đạo – là bốn. Mỗi một đế như vậy nó được đi qua trình tự là Pháp học, Pháp hành và Pháp thành. Từ Bốn đế tạo thành ra 12 gọi là 3 luân và 12 chuyển. Nên bánh xe có 12 căm.

“Chúng ta cũng có một bánh xe có nhiều căm, hồi nãy chúng tôi có đề cập đến bánh xe của Vua A Dục hay của Miến Điện thì có khi họ vẽ 24 căm và theo trong kinh Lakkana tức Tướng kinh thì tướng của đại trượng phu là một bánh xe có rất nhiều căm, một nghìn căm chứ không nhất thiết là 8 căm hay 12 căm”.

Thượng tọa Thích Quảng Long, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng pháp Hội đồng Điều hành GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa kỳ, nói tiếp về Bánh Xe Bát Chánh Đạo :

“Khi nói đến danh từ Pháp Luân trong đạo Phật, một danh từ rất quen thuộc hầu như người Phật tử nào đi chùa chúng ta đều nghe. Pháp luân bắt đầu khi Ngài Thích Ca Mâu Ni thành đạo dưới cây Bồ Đề và Ngài hướng về Vườn Nai, nơi đó diễn ra buổi Pháp thoại đầu tiên. Đức Phật Thích Ca đã thuyết bài kinh Chuyển Pháp luân cho năm ông đồng tu trước đó với Ngài. Đó là A Nhã Kiều Trần Như. Bài kinh đã được năm ông A Nhã Kiều Trần Như lãnh hội và chứng, từ sơ quả cho đến tứ quả. Từ đó chúng ta thấy ý nghĩa Pháp luân là một biểu tượng trong Phật giáo rất thân thuộc. Nó gồm có bánh xe 8 căm hay 12 căm hay nhiều căm như Thượng tọa Thích Giác Đẳng vừa trình bày. Chúng ta thấy trong biểu tượng đó là một vòng tròn, là một bánh xe. Bởi vì thuở xưa hình ảnh rất là gần gũi, đức Phật Ngài nhìn cái bánh xe bò là một vòng tròn không bao giờ có sự ngừng lại, tức vận hành, vận hành của Chánh pháp mãi mãi bất tận.

“Từ khởi đầu đức Phật thuyết pháp cho năm ông A Nhã Kiều Trần Như, sau đó giáo hội được thành lập, Tăng già được thiết lập, gồm có chính thức ba ngôi Tam bảo hình thành. Đức Phật và giáo pháp cũng như năm vị khất sĩ đầu tiên. Từ đây chúng ta thấy bánh xe Chánh pháp đó không những vận hành ở thung lũng sông Hằng, mà khắp lãnh thổ Ấn Độ đã được bánh xe Chánh pháp lan rộng dần dần. Đến thế kỷ thứ III trước Tây lịch, A Dục vương đã xiển dương Chánh pháp một cách rộng rãi và ngày nay chúng ta thấy Phật đạo đã lan truyền khắp năm châu bốn biển”.

Cư sĩ Võ Văn Ái, Phát ngôn nhân Viện Hóa Đạo kiêm Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, nói về huy hiệu Chuyển pháp luân của GHPGVNTN. Mở đầu cư sĩ nói :

“Pháp luân là hình ảnh bánh xe tròn trịa vượt băng đèo núi, thiên lý, viên mãn như giáo pháp của đức Phật chuyển đến đâu phá tan mê mờ đến đó. Giáo lý ấy không vướng mắc ở một quốc độ, một con người, một tầm nghĩ xã hội mà bao trùm khắp tam thiên đại thiên thế giới.

“Thoạt đầu, sau khi Phật nhập Niết Bàn thì chưa có tượng Phật như bây giờ. Thời ấy, tượng trưng cho đức Phật, cho giáo pháp của Ngài, người ta vẽ hình tượng bánh xe chuyển pháp, tức Pháp luân, nằm cao trên hai con nai hướng vọng. Ý nghĩa hai con nai nhắc lại bài pháp đầu tiên đức Phật thuyết tại vườn Lộc Uyển, Vườn Nai ở thành Ba La Nại nay gọi Varanasi. Mãi đến thế kỷ thứ nhất Tây lịch mới bắt đầu xuất hiện đức Phật qua hình tượng phổ biến như ngày nay.

“Nói tới Pháp luân, chúng ta nhớ tới ba lần đức Phật Chuyển pháp luân trình bày giáo nghĩa cứu khổ và giải phóng siêu việt của Phật Pháp. Lần thứ nhất tại thành Ba La Nại ở Vườn Nai, Ngài nói về giáo lý Tứ đế và Vô ngã tướng, mà tất cả các hệ phái Phật giáo đều công nhận. Lần chuyển pháp thứ hai tại núi Linh Thứu gần thành Vương xá. Lần này Phật thuyết giáo lý Bát Nhã, Pháp Hoa, và Tính Không mà sau này được ngài Long Thọ khai triển trong hệ thống Trung Quán. Lần chuyển pháp thứ ba tại thành Vaisali, tức Tỳ Da Ly, trên núi Malaya, Phật thuyết về Như Lai tạng và A lại da thức mà chúng ta tìm thấy trong các bộ kinh như Lăng Già, Hoa Nghiêm, v.v…

“Hôm qua khi chúng tôi được phỏng vấn trên Đài Truyền hình, người phỏng vấn hỏi tôi nếu phải nói rất ngắn gọn để nhớ tới Ngài Đại lão Hòa thượng Thích Hộ Giác thì tôi sẽ nói như thế nào ? Tôi liền đáp, Ngài là một Bộ Kinh di động vào đất nước Việt Nam. Chúng ta là Phật tử, chúng ta đọc kinh, tụng kinh, niệm Phật. Nhưng Ngài Hộ Giác không đọc kinh, tụng kinh mà Ngài là một Bộ kinh di động đi vào đất nước chúng ta như sự Chuyển Pháp luân để khai sáng cho người Việt Nam, người Phật tử Việt Nam.

“Hôm nay khi nhớ đến Ngài chúng tôi vẫn thấy trong đầu như vậy. Tất cả các bậc Đại Tăng sống trên cõi Ta Bà của chúng ta, chính là những Bộ kinh đang di động. Chúng ta hãy làm như thế nào để theo bước các Ngài, học những bộ kinh đó, từ từ mà đạt tới giác ngộ. Lúc đó chúng ta cũng sẽ là những Bộ kinh di động trong cuộc đời tràn đầy sự căm thù, bạo động. Chỉ có đạo Phật mới có thể đem những Bộ kinh trí tuệ và từ bi đến cho con người mà thôi”.

“Trở lại đề tài bánh xe Pháp luân của GHPGVNTN, tôi hiểu thâm ý của Thượng tọa Thích Giác Đẳng muốn tôi nói điều đó. Đại đa số Phật tử trong và ngoài nước không ai nghĩ khác về hình ảnh Pháp luân tuyệt vời này. Thế nhưng gần đây, trong dư luận có một hai kẻ nêu lên sự kiện bánh xe Chuyển Pháp luân. Thật tình mà nói, trong tâm trạng Phật tử, chúng ta không thể tưởng tượng nổi chuyện họ đồ đoán như vậy, nhất là khi kết án Đức Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang và Đức Đệ ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ đã phản bội hàng triệu Phật tử khi thay đổi huy hiệu Pháp luân (sic).

“Hiến chương GHPGVNTN ra đời tại Saigon năm 1964, bánh xe pháp luân có 12 căm bên trong và 12 nụ bên ngoài. Lúc nãy Thượng tọa Giác Đẳng cho biết có đôi lúc Giáo hội phải lâm vào những pháp nạn trầm luân, nên nhiều ngài, nhiều Phật tử nghĩ rằng bánh xe phải tròn, viên mãn, mới vượt qua mọi chướng vật. Bây giờ những nụ ấy làm cản trở, thì đây chỉ là sự suy tưởng thôi.

“Tuy nhiên đến Đại hội V tại Saigon năm 1973 khi tu chính Hiến chương chư đại tăng GHPGVNTN quyết định bỏ 12 nụ bên ngoài, chỉ còn lại bánh xe 12 căm bên trong mà thôi. Thỉnh thoảng chúng ta còn thấy một vài khuôn dấu với bánh xe Pháp luân còn giữ nụ. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng, khuôn dấu là hình thức đời. Đối với Phật giáo các ngài xem mọi sự vô tướng, không cho khuôn dấu là điều quan trọng, vài khi tiếp tục dùng khuôn dấu cũ. Tại bản Hiến chương tu chính năm 1973 ở điều 2 chương 1 mà Cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ gửi sang cho tôi năm 1976, huy hiệu vẽ một hình tròn không còn 12 nụ bên ngoài.

“Sau này chúng ta nhận những văn kiện quan trọng dưới thời đại pháp nạn Cộng sản, như Lời Kêu gọi đầu tiên của Đức cố Đệ Tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu mà chúng ta cũng gọi là Ôn Đôn Hậu, Ôn Linh Mụ, thì khuôn dấu Tăng Thống hình vuông ngài dùng bánh xe Pháp luân không còn 12 nụ bên ngoài. Một số tư liệu văn kiện khác chúng tôi nhận được sau đó của cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, đầu thập niên 80, con dấu mới đã thay, chỉ có 12 căm bên trong không có 12 nụ bên ngoài. Ngày nay GHPGVNTN trong hay ngoài nước đều sử dụng huy hiệu Pháp luân 12 căm không có 12 nụ bên ngoài. Xin được trình bày để quý vị am tường”.

Chấm dứt lễ Bách nhật là lời cảm tạ của Hòa thượng Thích Chơn Trí, Trưởng ban Tổ chức Tang lễ, Tổng ủy viên Giáo dục Văn phòng 2 Viện Hóa Đạo kiêm Phó chủ tịch Hội đồng Điều hành GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa kỳ. Với lòng xúc cảm, rưng rưng nước mắt Hòa thượng nói : “Hôm nay tất cả chúng con là những người đệ tử của Ngài, yêu thương Ngài, muốn nói với Ngài một lời, là chúng con rất yêu thương Ngài. Sau buổi lễ tưởng niệm Ngài 100 ngày dưới sự chứng minh của ngài Hòa thượng Thích Pháp Nhẫn Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam, Hòa thượng Thích Viên Lý, Chủ tịch GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ cùng tất cả đại Tăng và quý Ni cùng thiện nam tín nữ .

Kỷ Niệm Đường hay Ngôi Nhà Kỷ niệm Đức cố Phó Tăng Thống Thích Hộ Giác – Hình PTTPGQT  
Kỷ Niệm Đường hay Ngôi Nhà Kỷ niệm Đức cố Phó Tăng Thống Thích Hộ Giác – Hình PTTPGQT
 

“Buổi lễ hôm nay nói lên sự tri ân một bậc Thầy đã hy sinh cả cuộc đời cho đạo, cho đời và cho tất cả đệ tử. Bằng chứng trong 100 ngày qua, Thượng tọa Thích Giác Đẳng và Ban Hộ trì Tam bảo chùa Pháp Luân đã nỗ lực làm tất cả những gì có thể làm được để ngày hôm nay chúng ta có buổi lễ đẹp như thế này dưới sự chứng minh đông đảo của chư tôn đức Tăng và Phật tử từ Canada đến, và từ Âu châu đến, giống như nhiều tiểu bang đã về để tham dự buổi lễ ngày hôm nay.

“Ngôi Kỷ Niệm Đường đã được hoàn tất và tất cả những gì mà chúng con đã thực hiện trong vòng 100 ngày qua cũng nói lên sự kính thương đối với bậc Tôn sư, thì hôm nay con xin đại diện cho tất cả đệ tử của Ngài xin cảm niệm ân đức của chư tôn đức Tăng Ni đã về tham dự ngày hôm nay và xin cảm niệm ân đức của toàn thể chư thiện nam tín nữ đã thành tâm cầu nguyện cũng như tích cực làm mọi việc tạo công đức như món quà cao thượng cúng dường đến Giác linh Đại lão Hòa thượng Thích Hộ Giác”.


Thư Ngỏ của Nhà Xuất bản Quê Mẹ & Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế gửi Nhà Xuất bản Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc
về 2 tập sách Phụ lục vừa phát hành

Thưa qúy Vị,

Một ngưới bạn vừa gửi đến tặng chúng tôi 2 tập sách I và II “Phụ lục Phật Quang Đại Từ điển” do Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc ấn hành.

Chúng tôi rất hoan hỉ tiếp nhận một công trình cần thiết cho việc tra cứu bộ Phật Quang Đại Từ điển gồm 6 tập, 7374 trang với 7 triệu chữ giải thích các từ mục, do Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ dịch mà Nhà xuất bản Quê Mẹ & Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế vừa ấn hành. Nên muốn ngỏ lời tán thán. Nhưng sau khi lật xem 2 tập sách Phụ lục và nhất là sau khi đọc “Vài nét về Phục lục Phật Quang Đại Tự điển” của Nhà Xuất bản in ở đầu sách, chúng tôi ngỡ ngàng và vô cùng thất vọng cho công trình tốn kém và hầu như vô dụng của qúy Vị.

Do vậy mà có bức Thư Ngỏ này nói lên những điều sai lạc về hai tập sách phụ lục này như sau :

Toàn bài giới thiệu “Vài Nét Về Phụ Lục Phật Quang Đại Tự Điển”, có 24 dòng 279 chữ mà đã phạm các lỗi sau đây : chữ “Phụ lục” mà qúy Vị dùng, trong nguyên bản chữ Hán viết là “Sách dẫn”. Vậy, Phụ lục và Sách dẫn khác nhau thế nào ?

“Phụ lục”, Phụ là thêm vào, Lục là biên chép. Tức là bài văn chép thêm vào sau cuốn sách. Còn “Sách dẫn” thì Sách là tìm kiếm, Dẫn là đưa đến. Tức Sách dẫn nghĩa là tìm kiếm ý nghĩa các chữ rồi đưa đến việc biên chép thành mục để dễ kiểm tra. Như vậy, Sách dẫn và Phụ lục hoàn toàn khác nhau, không thể dùng Phụ lục thay cho Sách dẫn và ngược lại.

Kế đến là “Tự điển”. Bộ Phật Quang dùng chữ Từ điển, chứ không phải Tự điển, bởi vì ý nghĩa khác nhau. Cuốn Tự điển dùng để tra cứu nghĩa của từng chữ một ; còn Từ điển là bộ sách dùng để tra cứu các nhóm từ. Thí dụ : ngày, đêm, sáng, tối là các chữ ; ngày 12 giờ, đêm 12 giờ là các nhóm từ hoặc từ ngữ. Nếu chỉ nói riêng biệt như thế thì chưa đầy đủ ý nghĩa, tức chưa thành một mệnh đề.

Còn Từ điển là bộ sách dùng để tra cứu và giải thích các nhóm từ. Thí dụ : Một ngày một đêm có 24 giờ. Bởi thế viết Phật Quang Đại Tự Điển là sai, mà phải nói Phật Quang Đại Từ Điển mới đúng. Xem chữ Hán thì rõ.

Nhưng vấn đề quan trọng mà chúng tôi muốn đề cập hôm nay, là Nhà xuất bản Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc dám bảo là Hòa thượng Thích Quảng Độ chưa dịch phần Phụ lục (tức Sách dẫn), trong đó đến hơn 60.000 thuật ngữ Phật học bị bỏ sót !

Thế nhưng Nhà xuất bản Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc lại không cho biết 60.000 thuật ngữ chưa được dịch nằm ở những trang nào ? dòng nào ? tập bao nhiêu ? Toàn bộ Phật Quang Đại Từ Điển do Hòa thượng Thích Quảng Độ dịch gồm 6 tập, 7374 trang, bao gồm 22.608 từ mục. Theo Nhà xuất bản Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, nếu Hòa thượng Thích Quảng Độ đã không dịch 60.000 từ thì thử hỏi giá trị của bộ Từ điển còn được bao nhiêu ?

Vậy chúng tôi yêu cầu Nhà xuất bản Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc cho chúng tôi biết sớm những từ Hòa thượng Thích Quảng Độ bỏ sót nằm ở tập nào ? trang nào ? trong 6 tập Phật Quang Đại Từ Điển do Hòa thượng Thích Quảng Độ phiên dịch để chúng tôi nhờ Hòa thượng Thích Quảng Độ bổ túc. Vì hiện nay Hòa thượng đã ủy quyền cho chúng tôi xuất bản và tái bản bộ Phật Quang Đại Từ điển và hiện đã được chúng tôi phát hành.

Rồi Nhà xuất bản Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc lại nói : “Bổn hội yêu cầu ban dịch Đại tạng kinh từ Hán ngữ ra Việt văn cố gắng tiếp tục việc phiên dịch phần Phụ Lục để bộ Phật Quang Đại Tự Điển được đầy đủ ngõ hầu giúp cho các học giả tìm hiểu, tra cứu, định nghĩa danh từ Phật học được tiện lợi” !

Như vậy, xin hỏi Ban dịch thuật Đại tạng đã phiên dịch hơn 60.000 thuật ngữ này chưa ? Nếu dịch rồi thì đã xuất bản chưa để các học giả mua về “tra cứu, định nghĩa các danh từ Phật học cho tiện lợi” ?! Hai tập sách qúy Vị vừa in không thấy sự phiên dịch ấy.

Điều sau cùng chúng tôi muốn nói là Nhà xuất bản Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc viết rằng việc làm này đã được sự chấp thuận của Hòa thượng Thích Quảng Độ cho ban Dịch thuật tiếp tục phiên dịch phần Phụ lục (tức Sách dẫn) này !

Chúng tôi đã liên lạc với Hòa thượng Thích Quảng Độ ở Saigon hỏi thăm việc này thì được Hòa thượng xác nhận rằng chẳng có ai trong Nhà xuất bản Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc tiếp xúc xin phép, và Hòa thượng hoàn toàn không được biết gì về việc làm này cả !

Sau hết, chúng tôi xin nêu lên một số mục từ trong tập 1 của “Phụ Lục Phật Quang Đại Tự (Từ) Điển” do Nhà xuất bản Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc ấn hành. Thử lấy ngay vần A :

A…………………………….Xem A, Tất Đàm, Ác
A……………………………..X. A Tất Đàm
A……………………………..X. Ưu. X. A – Âu
A…Thấu Đạt Kinh…………..X. NGỌC DA KINH
A ÂU…………………………X. CỤ SÍ LA ĐIỂU
A ÂU…………………………X. A ÂU
A BA Á CA LẠP CẤP ĐA…..X. THÀNH TỰU PHÁP MAN
A BA BA……………………..X. HOẮC BÀ ĐỊA NGỤC
A BA BA (ĐỊA NGỤC) ……..X. BÁT HÀN ĐỊA NGỤC

v.v….

Hãy tạm nêu mấy mục trên đây làm điển hình. Điều hết sức lạ, là toàn bộ các từ trong hai tập Phụ Lục Phật Quang Đại Tự (Từ) Điển đều chỉ được ghi như thế thôi, chứ không cho biết rõ các từ ấy nằm ở tập nào, trang bao nhiêu, do ai dịch, ? Chúng tôi nói hết sức lạ, vì Nhà xuất bản Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc viết : “Bổn hội yêu cầu Ban dịch Đại tạng kinh…..” vậy thì cái Ban ấy phải cho người tra cứu biết rõ xuất xứ của các từ, chẳng hạn từ A ở trang bao nhiêu, từ Tất Đàm ở trang bao nhiêu, từ Ác ở trang nào, tập nào, thì người tra cứu mới dễ tìm, dễ thấy. Chứ cứ viết tuyền một chữ xem, xem, xem, và xem… suông như vậy thì ai biết đàng nào mà lần ? Bởi thế chúng tôi dám quả quyết hai tập “Phụ Lục Phật Quang Đại Tự (Từ) Điển” này chỉ đáng cho một mồi lửa là xong, chứ hoàn toàn vô dụng ! Để hiểu rõ hơn việc này, kính xin qúy Vị đọc Phàm Lệ II của Hòa thượng Thích Quảng Độ viết trong bộ Phật Quang Đại Từ Điển, tại trang XVII, do Nhà xuất bản Quê Mẹ & Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế vừa tái bản.

Theo sự suy đoán của chúng tôi, có lẽ Nhà xuất bản Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc khi bảo rằng Hòa thượng Thích Quảng Độ “chưa dịch 60.000 thuật ngữ Phật học” đồng nghĩa dị âm trong bộ Phật Quang Đại Từ Điển, nhưng lại chẳng chứng minh được 60.000 từ đó nằm ở đâu ? tập thứ mấy ? Trang bao nhiêu ? Cột bên phải hay cột bên trái ?

Trớ trêu thay trong bộ Phật Quang Đại Từ Điển do Hòa thượng Thích Quảng Độ phiên dịch mà chính Nhà xuất bản đã in lần đầu tiên vào tháng 6 năm 2000, đã có tất cả các từ ngữ mà Nhà xuất đã gọi là “60.000 từ” rồi. Thế mà nay trong bài giới thiệu in đầu hai tập sách Phụ lục lại dám viết rằng Hòa thượng Thích Quảng Độ đã bỏ sót, nên không dám nói rõ các từ bị sót đó nằm ở mục nào, trang bao nhiêu và tập thứ mấy do Hòa thượng Thích Quảng Độ dịch ? Vì vậy cứ nói Xem, X, X, X, X… một cách chung chung thế thôi, mà chẳng dám chỉ rõ các từ đó nằm ở đâu, nhằm che giấu việc vu cáo Hòa thượng Thích Quảng Độ đã chưa dịch phần “Sách dẫn” trong đó có 60.000 từ !

Để độc giả không bị đánh lừa cho một công trình tốn kém nhưng vô dụng khi in hai tập sách Phụ Lục, chúng tôi xin nhắc lại cho rõ, ngoài tập “Sách dẫn” chữ Hán gồm 897 trang, thì 22.608 từ và 7 triệu chữ giải thích các từ, Hòa thượng Thích Quảng Độ đã phải mất tám năm trời mới hoàn thành việc phiên dịch.

Cho nên vì vấn đề học thuật và lương tâm của một nhà xuất bản văn hóa và giáo dục, chúng tôi yêu cầu Nhà xuất bản Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc chỉ rõ ra Hòa thượng Thích Quảng Độ đã “chưa dịch 60.000 thuật ngữ” nằm ở tập nào trong 6 tập bộ “Phật Quang Đại Từ điển”, ở trang nào, cột bên trái hay bên phải ?

Nếu Nhà xuất bản Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc không chỉ rõ được việc này, thì phải ra một thông cáo công khai thú nhận Nhà xuất bản đã nói sai để cho mọi người biết, thì người ta mới yên tâm mua hai tập Phục Lục về dùng. Đồng thời tránh gây ngộ nhận, khiến chẳng ai còn dám bỏ tiền mua bộ “Phật Quang Đại Từ điển” khi biết rằng bộ này thiếu đến 60.000 từ.

Paris, ngày 3.4.2013
Nhà Xuất bản Quê Mẹ
& Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế

Check Also

Bài 1: Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế trả lời chung về âm mưu phá hoại cuộc đấu tranh cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo của hai Dư Luận viên Thục Vũ — Ý Dân

  PARIS, ngày 9 tháng Giêng năm 2019 (PTTPGQT & VCHR) — Thời gian qua, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *