Home / Tin tức / Thông cáo báo chí / Tin PTTPGQT / Lễ hội Phật Ðản do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ tổ chức trang nghiêm, trọng thể tại thành phố Garden Grove, California, Hoa Kỳ

Lễ hội Phật Ðản do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ tổ chức trang nghiêm, trọng thể tại thành phố Garden Grove, California, Hoa Kỳ

Download PDF

Ðại lễ Phật Ðản, ngày đức Phật giáng trần, cử hành thường niên vào Rằm tháng Tư âm lịch, tính theo dương lịch năm nay nhằm ngày 21 tháng 5. Ở hải ngoại vì tín đồ phải đi làm ở công sở, nên các chùa chỉ có thể tổ chức vào hai ngày cuối tuần trước hay sau ngày đại lễ chính thức.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ, Văn phòng II Viện Hóa Ðạo, vừa cử hành Phật Ðản vào ngày chủ nhật vừa qua tại công viên thành phố Garden Grove miền Nam California. Ðại lễ năm nay được gọi là Lễ hội Phật Ðản, vì không chỉ có phần nghi thức tôn giáo mà còn những sinh hoạt của giới trẻ và Gia đình Phật tử qua nhiều gian hàng sách báo, trò chơi giống như một lễ hội dân tộc. Theo lời Hòa thượng Thích Chơn Trí, Trưởng ban Tổ chức, và Ban an ninh đếm số xe chở người tham dự về công viên hội trường, thì số lượng Phật tử tham dự Lễ hội Phật Ðản lên tới 10 nghìn người. Một tờ báo Việt ngữ lớn tại địa phương đã chạy hàng tít trên trang đầu Lễ hội Phật đản đông kỷ lục lớn nhất suốt 30 năm tị nạn.

Ngoài đông đảo chư Tăng Ni thành viên thuộc Văn phòng II Viện Hóa Ðạo, còn có các Hòa thượng, Thượng tọa đại diện các chùa tại miền Nam California tham dự và chứng minh cho đại lễ. Phía Hoa Kỳ có các vị thị trưởng hai thành phố Garden Grove và Westminster, các vị Nghị viên Hội đồng thành phố. Quan khách người Việt thì có đại diện các giáo hội Công giáo, Cao Ðài, Hòa Hảo, Tin Lành cùng đại diện các Cộng đồng và Ðoàn thể.

Dưới cơn nắng gắt trên một công viên rộng lớn, dù nơi có tàng cây che mát hoặc giữa thanh thiên, đồng bào Phật tử đã nghiêm trang tham dự lễ hội từ 10 giờ sáng đến 8 giờ tối. Ðặc biệt lắng nghe Thông điệp và Ðạo từ Phật đản của Ðức Tăng thống và Hòa thượng Viện trưởng trong nước gửi ra, cũng như Ðạo từ của Hòa thượng Thích Hộ Giác, Diễn văn khai mạc của Trưởng ban Tổ chức, Hòa thượng Thích Chơn Trí, Pháp thoại của Pháp sư Niên trưởng Thích Giác Ðức, Cảm niệm Phật đản của Hòa thượng Thích Hạnh Ðạo và lời Cảm tạ của Hòa thượng Thích Chơn Thành. Các vị Thị trưởng hai thành phố Garden Grove và Westminster cùng các vị Cố vấn, Nghị viên Hội đồng thành phố đều lên diễn đàn phát biểu cảm tưởng. Qua những lời phát biểu của các vị này, người ta cảm nhận được sự hiểu biết, quan tâm và hậu thuẫn của giới chức Hoa Kỳ đối với tình trạng vi phạm nhân quyền và đàn áp Phật giáo tại Việt Nam. Hai tên tuổi mà các vị không ngừng nhắc đến là Nhị vị Ðại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ. Có vị còn phấn kích đồng bào Phật tử bằng lời khuyên “Chúng ta được tự do hành lễ tại đây, nhưng xin đừng quên Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Viện trưởng Thích Quảng Ðộ đang bị quản chế khắt khe ở Việt Nam !”.

Tinh thần của Lễ hội Phật Ðản được nhấn mạnh trên hai ý chính viết trên biểu ngữ treo quanh công viên hay qua các lời phát biểu. Ðó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất luôn khẳng định sự gắn bó và đồng hành với vận mệnh dân tộcKhông có tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền thì pháp nạn không thể giải quyết, đạo Phật không thể hoằng dương, quốc nạn không thể giải trừ. Một sự nhất tâm thấy rõ qua các lời phát biểu của chư Hòa thượng luôn nhắc nhở đến hiện trạng pháp nạn trong nước của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Mặt khác, xác định Con Người là tối ưu trong khả tính giác ngộ.

Sau khi Thượng tọa Thích Viên Lý, Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ – Văn phòng II Viện Hóa đạo (GHPGVNTNHN-HK- VPII VHÐ) giới thiệu chương trình Phật đản, Hòa thượng Thích Chơn Trí, Trưởng ban Tổ chức, đọc Diễn văn khai mạc chào đón chư Tôn đức Tăng Ni, quý vị Quan khách và Ðồng hương Phật tử. Rồi Hòa thượng xác định : “Ðức Phật luôn nêu cao tinh thần nhân bản bình đẳng cao quý của con người như một bản sắc đặc thù của Giáo lý Vi diệu đã vượt không gian và thời gian. Chính Ngài đã khai mở một thời đại của Từ Bi – Trí Tuệ – Nhân Bản – Khai Phóng và Tiến Bộ. Thích nghi và phù hợp với những khám phá mới mẻ của khoa học, thừa khả năng hóa giải những khủng hoảng của con người và những bế tắc của xã hội văn minh của thế giới hiện tại (…) Ðạo Phật chủ trương con người phải được chuyển hóa thì xã hội mới được ổn định. Sự chuyển hoá của con người không thể nào dựa trên cơ bản vật chất và bao lực mà phải dựa trên nền tảng của Từ Bi Hỷ Xả, như một định luật từ nghìn xưa”.

Tiếp đấy, Ðại lão Hòa thượng Thích Hộ Giác nhân danh Phó Viện trưởng Viện Hóa Ðạo kiêm Chủ tịch Hội đồng Ðiều hành GHPGVNTNHN-HK- VPII VHÐ đọc Ðạo từ Phật Ðản. Hòa thượng nhấn mạnh rằng :

“Kính thưa chư liệt vị,

“Trên mấy ngàn năm nay, mỗi năm chúng ta đều sống lại một ngày vô cùng linh thiêng, trọng đại, đó là ngày kỷ niệm Ðản Sinh của đức Từ phụ Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Thế tôn.

“Chính ngày này, ngày thị hiện Ðản sanh đã không chỉ đánh dấu một đại sự kiện tối ư quan trọng trong lịch sử nhân loại, mà còn là một ngày hết sức đặc biệt để biểu tỏ lòng tri ơn và nhớ ơn vô biên của chúng ta đối với đấng Ðạo sư Vô thượng giác.

(…) “Ðặc biệt trong mùa Phật đản năm nay, xin tất cả chúng ta hãy hướng về quê hương Việt Nam cầu nguyện cho đất nước sớm được tự do, dân chủ, quyền sống của con người được tôn trọng, phẩm giá được bảo vệ, nhất là cầu nguyện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất sớm được phục hoạt để tiếp tục sứ mệnh thiêng liêng cao cả của mình trước lịch sử”.

Sau Ðạo từ của Ðại lão Hòa thượng Thích Hộ Giác là phần tuyên đọc Thông điệp Phật đản của đức Ðệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang, và Ðạo từ Phật Ðản của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, từ Việt Nam gửi ra trong hoàn cảnh khá căng thẳng vì hai Ngài đang bị quản chế khắt khe tại Tu viện Nguyên Thiều ở Bình Ðịnh và tại Thanh Minh Thiền viện ở Saigon. Trùng trùng Phật tử nghiêm trang đứng lên dưới cơn nắng gắt lắng nghe trong niềm xúc động. HT. Thích Thắng Hoan tuyên đọc Thông điệp đức Tăng thống và HT. Thích Chánh Lạc tuyên đọc Ðạo từ của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ.

Nhân ngày Khánh đản, Ðức Tăng thống nhắc đến bản hoài của Ðức Phật là khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến, nghĩa là đức Thế Tôn ra đời nhằm chỉ bày cho chúng sanh thấy rõ chân lý của sự sống, giá trị của tồn tại, thể nhập tri kiến của chư Phật. (…) Ngày nay, con người càng có cảm giác về nguy cơ diệt vong, càng cố bám chặt tham vọng mù quáng, quyền lực điên đảo; bám chặt lấy chiếc phao vọng tưởng ngông cuồng vốn dẫn đến tham tàn bạo ngược, để trong hiện tại và tương lai, gieo thảm họa cho mọi người, và cho cả chính bản thân mình.

Ðức Phật xuất hiện như đóa hoa Vô ưu bừng nở giữa cõi đời uế trược và ưu phiền. Ngài không là Thượng đế, không là Thần linh. Ngài tự xác nhận, chỉ là một con người. Nhưng là con người đã thấy rõ sự thực của thế gian, thấy rõ thế giới sinh, thế giới diệt”.

Sau đó Ðức Tăng thống nhận định về hiện tình Việt Nam : “Trong hoàn cảnh hiện tại, tôi đặc biệt quan tâm đến đất nước, nơi dù sự ấm no có gia tăng đôi phần theo đà phát triển của thời đại, nhưng hạnh phúc và an lạc của người dân không vì thế mà tăng theo; trái lại, tư tưởng hận thù, nghi kỵ, chia rẽ ngày càng phát sinh, đe dọa nền tảng đạo đức của xã hội, làm rạn nứt tinh thần đoàn kết vốn có từ ngàn xưa. Những ai có lương tri và trách nhiệm không thể không đau lòng trước thực trạng này, không thể không thao thức tìm cách chia sẻ và giải quyết”.

Rồi Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang kêu gọi Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam : “Xin chư vị Lãnh đạo nước nhà hôm nay, hãy can đảm nhìn thẳng vào sự thật của hiện tình đất nước, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trước nhân dân và lịch sử; hãy đặt quyền lợi dân tộc và sự phát triển quốc gia lên trên hết; chư vị hãy lắng nghe ý kiến, tôn trọng và chia sẻ tâm tư nguyện vọng của hơn tám mươi triệu dân, để có thể chung sức xây dựng đất nước, sớm đưa toàn dân thoát khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu, chặn đứng sự băng hoại về tinh thần và đạo đức trong xã hội mà công luận và các bậc thức giả đã nhiều lần cảnh báo”.

Ðức Tăng thống cũng cho biết : “Trong những năm gần đây, Liên Hiệp Quốc đã công nhận ngày Phật đản là ngày lễ chung của cộng đồng nhân loại vì những cống hiến to lớn của đạo Phật cho hòa bình và sự thăng hoa những giá trị tinh thần của nhân loại. Là người dân sống trong một quốc độ mà đạo Phật đã có ảnh hưởng sâu xa nhất trong lịch sử, chúng ta tâm nguyện hãy cùng nhau làm sao để tinh thần ngày Phật đản năm nay thật sự mang đến hòa bình, phát triển và hạnh phúc an lạc cho dân tộc Việt Nam và thế giới”.

Qua Ðạo từ Phật đản, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, nói về ý nghĩa sự ra đời của Ðức Phật : “Nhiệm mầu thay Ngày Phật Ðản, ngày Chánh pháp ra đời, cõi kham nhẫn được giải thoát, muôn loài được giác ngộ. Thông điệp hùng tráng nhất mà đức Phật đem lại cho nhân sinh là cùng mọi người thành Phật. Từ vô thủy, chư Phật Thế tôn đều xuất từ nhân gian. Cho nên kinh nói : nhân thân nan đắc, được làm thân người là rất khó. Vì trong năm cõi, cõi người là nơi thích hợp nhất cho việc bẩm thụ Phật pháp, giác ngộ chân lý, viên thành chính giác.

“Ðón mừng Phật Ðản là tưởng nhớ công ơn cao dày của đức Phật để chuẩn bị thành Phật. Thành Phật là chứng ngộ chân lý, thực hiện tự do cho mình và cho mọi người. Bởi thế Phật pháp lấy loài người làm gốc trong việc cứu độ các loài hữu tình. Chỉ chuyên tâm phóng sinh chim cá, mà chẳng đoái hoài đến đồng loại đang rên siết vì đói nghèo, áp bức, là không đúng với tinh thần của Phật pháp.

Với tinh thần giải phóng tự kỷ và tịnh hóa nhân gian mà đạo Phật du nhập Việt Nam, đưa dân tộc bước lên đường văn hiến như một khẳng định của trí tuệ, từ bi và tự chủ. Thời cuộc có thịnh suy, nhưng đạo Phật chưa thăng trầm trong đại nguyện cứu khổ, mà cứu khổ là đưa người đến bến bờ tự do, giải thoát. Người Phật tử thực hành đạo Phật cũng là đóng góp xây dựng quê hương. Ðây là hai mặt của một thể thống nhất giữa Dân tộc và Phật giáo, mà lịch sử đã minh chứng 2000 năm qua. Bởi thế không thể tách lìa vận mệnh dân tộc với vận mệnh chánh pháp”.

Hai câu nói và viết từ 18 thế kỷ trước được Hòa thượng trích ra làm định nghĩa cho tinh thần Phật giáo Việt Nam. Câu thứ nhất của “Nho sĩ Mâu Bác, ông là người Trung quốc sang lánh nạn ở Giao châu vào cuối thế kỷ thứ II sau Tây lịch rồi quy y theo Phật, ông nhận định rằng : “Bản chất của đạo Phật là ở nhà có thể đem mà thờ cha mẹ, giúp nước có thể đem mà giáo hóa dân, sống một mình có thể đem mà trị thân”. Một câu khác trích từ Lục độ tập kinh phát hành ở nước ta vào thế kỷ thứ III sau Tây lịch viết rằng : Bồ tát thấy dân kêu ca, do vậy gạt lệ xông vào nơi chính trị hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than.

Ðây chính là con đường hành thế đức hóa chính trị, chứ không là động thái tham quyền cố vị, bè đảng, mưu mô. Vì Hòa thượng Thích Quảng Ðộ xác định rằng :

“Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và trong cương vị Tăng sĩ, chúng tôi không làm chính trị, không tham gia chính trị. Nhưng chúng tôi phải có thái độ chính trị. Thái độ này thể hiện giáo lý nền tảng của đạo Phật, là cứu chúng sinh ra khỏi mọi nạn ách, khổ đau để tạo điều kiện giác ngộ. Tuy không làm chính trị, nhưng Giáo hội ủng hộ mọi nỗ lực chính trị nhằm bảo vệ đất nước, bảo vệ truyền thống văn minh nòi giống, âu lo cho mỗi con người được sống đời no ấm, tự do, được hưởng trọn các quyền con người cơ bản. Và cùng với sự hậu thuẫn tinh thần của Giáo hội, hàng nam nữ Cư sĩ Phật tử tại gia có thể trực tiếp đóng góp vào công cuộc chung với tinh thần lợi tha bình đẳng”.

Hòa thượng cũng nhận xét : “Nhìn lại quá khứ lịch sử nước ta, đạo Phật chỉ phát triển ở các triều đại không có nạn ngoại xâm, không có sự chuyên quyền, áp bức. Vì vậy, các thiền sư Phật giáo từ thời lập quốc cho đến các triều Ðinh, Lê, Lý, Trần, Lê gặp lúc biến, cũng tham gia chống đỡ triều đình hay chống ngoại xâm. Việc yên và xong giặc, các ngài lại trở về nơi thiền viện lo việc an tâm và giáo hóa”.

Về hiện tình của xã hội nước ta, Hòa thượng nhận xét :

“… Nương vào Chánh pháp nhưng phải y vào thế gian làm trợ duyên mới hoàn thiện đạo đức. Xã hội nước ta hiện tại sa sút thảm bại từ tinh thần đến vật chất, quyền con người không có, tự do là số không, nên chưa thể làm trợ duyên cho công cuộc hoằng pháp lợi sinh. Các quốc gia văn minh trên thế giới đã thực nghiệm những giải pháp sáng suốt và an lạc cho dân tộc họ. Còn nước ta thì nhà cầm quyền vẫn thi hành chính sách đàn áp để khư khư nắm giữ đặc quyền đặc lợi cho thiểu số cầm quyền, chẳng đếm xỉa đến 80 triệu lương dân.

Từ đó mà Hòa thượng xác định thái độ của Tăng tín đồ Phật giáo :

“Trước thảm nạn ấy, người thì cúi đầu cam chịu, người thì giả coi như không có vấn đề. Là Tăng sĩ xuất gia, hay người con Phật tại gia, chúng ta không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước quốc nạn và pháp nạn, nghĩa là phải nhận thức khổ nạn của dân tộc và nhân loại để giải quyết khổ nạn ấy, đưa nhân sinh đến bến bờ tự do, giác ngộ. Ðạo xuất thế là bỏ thế giới trầm luân đi vào thế giới giác ngộ. Hơn bao giờ hết, người Cư sĩ Phật tử không những phải lấy thái độ, mà còn phải hoạt động để thi hành nền chính trị đức hóa, nối kết sinh mệnh mình với sinh mệnh dân tộc mà cũng là sinh mệnh của Chánh pháp”.

Hòa thượng Thích Quảng Ðộ kêu gọi trong phần kết luận Ðạo từ :

“Phật Ðản năm nay là lần thứ ba mươi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất kiên trì vận động cho tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền. Không có tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền, thì pháp nạn của Giáo hội không thể giải quyết, đạo Phật không thể hoằng dương, quốc nạn không thể giải trừ. Lịch sử nước ta từ sáu mươi năm qua chưa là sự giải phóng con người, vì mải mê tranh chấp, hận thù, nên kết quả đã tạo ra vô vàn đau thương cho dân tộc.

“Tôi xin kêu gọi chư Liệt vị tôn túc cùng toàn thể Phật giáo đồ trong và ngoài nước hãy khai thông sự bế tắc và bất lực đang đè nặng trên thân phận người dân trong nước. Bằng cách đó mà hiến dâng lên đức Thế tôn lòng tri ân của chúng ta trong Ngày Phật Ðản.

Kết thúc phần Diễn văn khai mạc, Thông điệp, Ðạo từ, Pháp sư Niên trưởng Thích Giác Ðức nói bài Pháp thoại về ý nghĩa ngày Phật đản.

Tuy không có mặt trong ngày đại lễ, nhưng Ðại lão Hòa thượng Thích Tâm Châu, Thượng thủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên Thế giới kiêm Ðệ nhất Chứng minh Ðạo sư GHPGVNTNHN-HK- VP II VHÐ đã gửi đến bức Ðạo từ, qua đó Hòa thượng dạy rằng :

“Nay mùa Phật-đản, chúng ta đem tâm từ bi, trí-tuệ của đức Phật, nhất tâm cầu nguyện Phật-pháp trường tồn, thế-giới thanh bình chúng sinh an lạc. Chúng ta nhất tâm cầu nguyện cho chu kỳ Ất-Dậu chu kỳ nhiều đau khổ nhất – của Việt-Nam được chấm dứt, tiến sang vận hội mới. Vận hội mới, tất cả người dân Việt trong nước và ngoài nước chúng ta hãy tỉnh thức, hãy đoàn kết, lay động lương tri của những nhà lãnh đạo Cộng-sản Việt-Nam, biết sự an nguy cận kề của đất nước, biết rõ khát vọng của nhân dân và xu thế của thế giới, không nên lo sợ vì quyền lợi của mình – , quyết tâm giải thể chế độ Cộng-sản, thực hiện chế độ dân chủ đa nguyên, đem lại tự do, dân chủ, ấm no, hạnh phúc thực sự cho nhân dân, giầu mạnh và lâu dài cho đất nước. Nhất tâm cầu nguyện Giáo-Hội Phật-Giáo Việt-Nam Thống Nhất được phục hồi, các đạo giáo được tự do. Nhất tâm cầu nguyện Hòa-Thượng Thích-Huyền-Quang, Hòa-Thượng Thích-Quảng-Ðộ, chư tôn giáo-phẩm Phật-Giáo, các tôn-giáo, các cá nhân, tập thể tranh đấu cho tự do, dân chủ bị giam cầm, sớm trở về tự do. Nhất tâm cầu nguyện tinh thần dân chủ đa nguyên của Hòa Thượng Thích-Quảng-Ðộ sớm được thực hiện. Nhất tâm cầu nguyện anh linh của các vị đã mất cho lý tưởng quốc gia, tự do và đạo giáo được an vui nơi chân cảnh. Nhất tâm cầu nguyện cho mọi người, cho tất cả gia đình chúng ta được an vui, hạnh-phúc”.

Và sau phần nghi thức mừng Khánh đản do 60 chư Tăng Ni cử hành, Ban Tổ chức đã mời ông Võ Văn Ái, Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế kiêm Tổng vụ trưởng Ngoại vụ của Giáo hội tại Hoa Kỳ, trình bày đề tài “30 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vận động cho tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền”. Ông Ái cho biết sau ngày 30.4.1975, các tôn giáo tại Việt Nam đều bị phân biệt đối xử. Ðặc biệt là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, khiến cho 12 Tăng Ni đã tự thiêu tập thể tại Thiền viện Dược Sư ở Cần Thơ ngày 2.11.75 để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo. Trong 2 năm đầu, Viện Hóa Ðạo đã gửi 300 văn thư khiếu nại đến nhà cầm quyền cộng sản. Nhưng không bao giờ được hồi âm hay giải quyết. Trái lại, hiện trạng phá đổ các tượng Phật lộ thiên, cưỡng chiếm chùa viện và các cơ sở văn hóa, giáo dục, từ thiện… cưỡng bức Tăng Ni hoàn tục, bắt bớ hàng giáo phẩm lãnh đạo và đày ải các ngài cùng Phật tử vào các trại tập trung cải tạo. Ðó là lý do giải thích vì sao hòa bình đã lập lại, mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong nước vẫn phải tiếp tục công cuộc vận động cho nhân quyền và dân chủ suốt 30 năm qua. Ngoài nước, Giáo hội và đồng bào tị nạn khắp năm châu toàn tâm hỗ trợ cuộc đấu tranh này. Nhờ vậy, nhân dân thế giới và các chính giới Âu Mỹ mới được thông tin về thực trạng Việt Nam và cất tiếng hậu thuẫn, gây áp lực.

Ở điểm này, ông nhấn mạnh rằng : “… Thảm sát và tù đày không làm chồn bước hàng giáo phẩm lãnh đạo trong nước, mà hai trong những tấm gương đại hùng, đại lực, đại từ bi là Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ. Nhờ vậy, ở trong nước, Giáo hội dân lập là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị chế độ chôn sống vẫn tồn tại, không chết. Trong khi đó, một Giáo hội Phật giáo do Ðảng cầm quyền dựng lên làm công cụ năm 1981 đã chết ngay trong lòng Phật giáo đồ khi mới khai sinh.

“Ngoài nước, Văn phòng II Viện Hóa Ðạo, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, cùng đồng bào Phật tử khắp năm châu đã kế thừa truyền thống bất khuất, đại vô úy của các Ngài trong nước, để chuyển đạt lên công luận thế giới thảm trạng Việt Nam, không những cho Phật giáo mà cho tất cả các tôn giáo bị đàn áp, không những cho những tiếng nói bị bóp nghẹt, mà còn cho cả ngưỡng vọng sinh tồn, tự do và dân chủ cho toàn thể 80 triệu dân”.

Rồi ông Ái nói tiếp, không phải ngẫu nhiên mà các Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội Châu Âu đã thông qua nhiều Quyết nghị ủng hộ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và yêu sách nhà cầm quyền Hà Nội chấm dứt đàn áp tôn giáo. Ông nêu hai ví dụ điển hình, là tháng 9 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt kê Việt Nam vào danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm (Countries of particular concern). Từ đó đến nay, dù Hà Nội yêu cầu khẩn thiết xin rút tên, nhưng đầu tháng 5 vừa qua Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn tuyên bố duy trì Việt Nam trong danh sách này, cho thấy tình trạng đàn áp tôn giáo chưa có gì thay đổi. Mặt khác, cuộc thương thuyết về quan hệ chính trị và kinh tế song phương giữa hai chính phủ Mỹ Việt trong mấy tuần qua vẫn đặt trọng tâm vào vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam, chứng tỏ cuộc vận động quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế là một thực tế quan yếu.

Lễ hội Phật Ðản chấm dứt bằng một chương trình văn nghệ hào hứng và xuất sắc do Gia Ðình Phật tử miền Nam California phụ trách, gây nên không khí vừa dân tộc vừa hân hoan trong lòng người tham dự, dù trời đã vào đêm.

Thượng tọa Thích Giác Ðẳng, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Truyền thông GHPGVNTNHN-HK- VP II VHÐ điều khiển chương trình Lễ hội với sự phụ tá của Huynh trưởng Bạch Hoa Mai cùng các Thượng tọa Thích Minh Dung, Thích Nguyên Siêu, và do Chị Ỷ Lan phiên dịch ra Anh ngữ cho các quan khách ngoại quốc. Phần Văn nghệ do Chị Minh Phượng đảm lãnh giới thiệu.


Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin tạ lỗi quý Cơ quan truyền thông, báo chí và quý Bạn đọc

Thông cáo Báo chí trên đây lẽ phải phát hành sớm như thường lệ. Chẳng may từ gần một tuần lễ qua, hệ thống Internet tại văn phòng chúng tôi bị tê liệt : không thể nhận các thư điện tử cũng như không thể gửi đi. Hãng phục vụ thiết bị tại Pháp lại quá chậm trễ trong việc sửa chữa khiến chúng tôi không thể phát hành Thông cáo báo chí cho kịp thời gian tính.

Kính mong quý Liệt vị niệm tình thông cảm và tha thứ cho.

PTTPGQT



Unicode


VNI


VPS


VIQR

Check Also

Bài 1: Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế trả lời chung về âm mưu phá hoại cuộc đấu tranh cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo của hai Dư Luận viên Thục Vũ — Ý Dân

  PARIS, ngày 9 tháng Giêng năm 2019 (PTTPGQT & VCHR) — Thời gian qua, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *